Manila muốn xét lại hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines (RFI, 05/03/2019)
Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines có từ năm 1951 cần phải được sửa đổi, nếu không thì Manila có nguy cơ bị kéo vào một cuộc chiến với Trung Quốc. Đây là nội dung tuyên bố vào hôm nay, 05/03/2019 của bộ trưởng quốc phòng Philippines, 4 ngày sau khi ngoại trưởng Mỹ khẳng định rằng Washington sẽ giúp Manila trong trường hợp bị tấn công trên Biển Đông.
Lễ hạ cờ Mỹ tại một căn cứ quân sự ở Manila, khi kết thúc cuộc tập trận chung Hoa Kỳ-Philippines, ngày 11/10/2016TED ALJIBE / AFP
Trong một thông báo, bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana giải thích : "Tôi lo lắng không phải là vì thiếu sự trấn an, mà là vì khả năng bị lôi cuốn vào một cuộc chiến mà Philippines không gây ra và không mong muốn".
Hôm thứ Sáu 01/03 vừa qua, nhân chuyến ghé thăm Philippines, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định rằng căn cứ vào bản hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines ký kết năm 1951, Mỹ sẽ can thiệp giúp Philippines nếu lực lượng, tàu thuyền và phi cơ Philippines bị tấn công võ trang trên Biển Đông.
Hoa Kỳ luôn chống lại các hành vi bồi đắp, xây dựng tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa quyền tự do lưu thông, và đã thường xuyên cho chiến hạm tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Đối với bộ trưởng quốc phòng Lorenzana, chính những chuyến tuần tra của Mỹ là nguy cơ kéo Philippines vào cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc. Theo ông, "khi cho tàu hải quân gia tăng các cuộc tuần tra tại vùng Biển Tây Philippines (tức là Biển Đông), Hoa Kỳ có nhiều khả năng bị vướng vào một cuộc chiến tranh 'có nổ súng' với Trung Quốc… Trong trường hợp đó, và trên cơ sở bản (hiệp ước 1951), Philippines sẽ tự động bị lôi vào cuộc".
Do đó, bộ trưởng quốc phòng Philippines cho rằng hai bên "cần phải xem xét lại hiệp ước" để thích ứng với môi trường an ninh "rất khác biệt" hiện nay.
Trọng Nghĩa
******************
Bộ trưởng quốc phòng Philippines kêu gọi sửa đổi hiệp ước với Hoa Kỳ (RFA, 05/03/2019)
Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines cần phải sửa đổi nếu không sẽ có nguy cơ khiến Manila bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Bắc Kinh.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines (áo trắng) và các quan chức Mỹ (Ảnh chụp ngày 7/5/2018) - AFP
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, vào ngày 5 tháng 3 có ý kiến như vừa nêu sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo tuyên bố Washington sẽ can thiệp trong trường hợp lực lượng vũ trang Philippines bị tấn công tại khu vực Biển Đông đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong vùng.
Trong thông cáo đưa ra, Bộ trưởng quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, cho rằng điều khiến ông này quan ngại không phải là thiếu sự đảm bảo từ phía Mỹ ; mà đó là sự can dự vào một cuộc chiến mà Philippines không hề muốn hay nhắm đến.
Các giới chức Philippines từng đề nghị Hiệp ước Phòng thủ chung ký năm 1951 giữa Washington và Manila không áp dụng đối với tuyến đường biển chiến lược bởi lẽ Hoa Kỳ không ngăn chặn được việc Trung Quốc bồi lấp nên các đảo nhân tạo từ những đá mà Philippines và một số nước khác trong khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Hoa Kỳ luôn nói không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông ; trong khi đó Washington cho thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải áp sát những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi lấp nên. Hoạt động này được nói nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, cho rằng hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ như thế có thể tạo nên nguy cơ lôi kéo Philippines vào xung đột vũ trang. Ông Delfin Lorenzana lập luận rằng trong trường hợp hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải mà phía Hải quân Hoa Kỳ tiến hành tại khu vực biển tranh chấp xảy ra đụng độ vũ trang, thì trên cơ sở Hiệp ước Phòng thủ chung, Manila tự động phải can dự vào.
Do đó Ông Delfin Lozenzana cho rằng cần thiết phải sửa đổi lại.
Cũng tin liên quan, hiện nay ngư dân Philippines khi ra đánh bắt tại ngư trường đảo Thị Tứ bị tàu Trung Quốc xua đuổi.
Hãng AFP loan tin ngày 5 tháng 3 dẫn phát biểu của ông Roberto del Mundo, thị trưởng Kalayaan, nói với Mạng báo Inquirer về thực tế ngư dân địa phương Palawan bị tàu Trung Quốc xua khỏi đảo Thị Tứ như vừa nêu.
*******************
‘Ngư quân’ Trung Quốc vây đảo Thị Tứ ngăn ngư dân Philippines tiếp cận (VOA, 05/03/2019)
Khoảng 50 tàu Trung Quốc được cho là đã di chuyển gần đảo Pagasa, còn gọi là đảo Thị tứ trên quần đảo Trường Sa, và đe dọa ngư dân Philippines, trang GMA News cho biết.
Đảo Pagasa, còn gọi là đảo Thị Tứ, do Philippines tiếp quản.
Theo một bài báo trên News To Go của GMA News hôm 5/3, ông Roberto Del Mundo, Thị trưởng Kalayaan, cho biết từ ngày 11/1 đến ngày 2/2, ông liên tục phát hiện hàng chục tàu Trung Quốc có mặt gần đảo Pagasa, đảo có tên quốc tế là Thị Tứ.
Ngư dân địa phương bị các dân quân Trung Quốc xua đuổi xa khỏi một cồn cát gần đảo này.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết các tàu cá của cả Philippines và Trung Quốc đều có mặt ở vùng biển xung quanh đảo Thị tứ. Ông nói thêm rằng cả hai nước đều có ra tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.
AP trích lời ông Salvador Panel, Phát ngôn viên của tổng thống, hôm 5/3, cho biết Bộ Quốc phòng Philippines đang kiểm tra các tin tức cho rằng các tàu Trung Quốc đã ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận các bãi cát gần đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát.
Trong khi đó, ông Richard Heydarian, nhà phân tích của GMA, nói rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật này để đe dọa ngư dân các nước khác có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển giàu tài nguyên.
Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã giám sát việc nâng cấp các cơ sở quân sự của Philippines tại đảo Thị Tứ, chẳng hạn như việc xây dựng một bến cảng và đoạn đường đi xuống bãi biển.
Các nhà hoạt động Philippines hôm 4/3 đã biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc tại Manila phản đối việc các tàu của Bắc Kinh đuổi theo ngư dân Philippines.
Các cuộc biểu tình này diễn ra 3 ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tới thăm Manila. Ông Pompeo bảo đảm với chính phủ Philippines về sự hỗ trợ của quân đội Hoa Kỳ nếu như có xảy ra vụ tấn công ở Biển Đông.