Trung Quốc sẽ giảm thuế, tăng cho vay để yểm trợ nền kinh tế tăng trưởng chậm (VOA, 06/03/2019)
Trung Quốc tìm cách chống đỡ cho nền kinh tế đang giảm tốc với các kế hoạch hàng tỉ đô la cho dự định cắt giảm thuế và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng. Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức yếu nhất trong vòng 30 năm qua do mức cầu nội địa giảm và do cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại phiên khai mạc của Quốc hội Nhân dân Trung Hoa ở Đại sảnh đường Bắc Kinh hôm 5/3, đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% trong năm nay.
Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2019 là từ 6,0 đến 6,5%, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói trong phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp quốc hội hàng năm ở Bắc Kinh hôm 5/3. Năm ngoái, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đạt 6,6%.
Các nguồn tin nói với Reuters hồi đầu năm nay rằng Trung Quốc sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019 xuống 6,0-6,5% so với mục tiêu 6,5% đặt ra năm 2018 do mức cầu cả trong nước lẫn toàn cầu sút giảm và mức rủi ro tăng cao từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Phát biểu tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Thủ tướng Lý cảnh báo về những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải đối mặt và cam kết giữ cho nền kinh tế được an toàn với một loạt biện pháp kích cầu.
"Môi trường mà sự phát triển của Trung Quốc đang đối mặt trong năm nay phức tạp hơn và khắc nghiệt hơn", người đứng đầu chính phủ Trung Quốc nói. "Sẽ có nhiều nguy cơ và thách thức hơn và chúng không thể đoán trước được và chúng ta phải hoàn toàn chuẩn bị cho một cuộc chiến khó khăn".
Chính sách tài khóa của Thủ tướng Lý sẽ trở nên "mạnh mẽ hơn" với kế hoạch cắt giảm thuế, phí lên gần 2 tỷ nhân dân tệ (298,3 tỷ USD).
Những khoản cắt giảm này mạnh hơn so với mức cắt giảm 1,3 tỷ NDT đặt ra trong năm 2018 và bao gồm các khoản cắt giảm nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất, giao thông và xây dựng.
GDP của Trung Quốc giảm tới mức thấp nhất kể từ năm 1990 do cuộc chiến thương mại và việc Bắc Kinh đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát rủi ro tài chính, khiến cho chi phí vay nợ doanh nghiệp tăng và ảnh hưởng không tốt đến đầu tư.
Các nhà nghiên cứu nói rằng động thái này của Bắc Kinh là nhắm tới một phạm vi tăng trưởng GDP thay vì nhắm vào một con số duy nhất, và cho phép các nhà lập pháp cơ hội để hoạch định chính sách. Tuy nhiên kế hoạch tăng kích cầu kinh tế cho thấy một sự công nhận rõ ràng rằng các quan chức vẫn còn lo ngại về mức tăng trưởng.
"Nếu bạn không bị ốm, bạn sẽ không uống nhiều loại thuốc như vậy cùng một lúc", Iris Pang, kinh tế gia của Trung Hoa Đại lục tại ngân hàng ING Wholesale Banking. "Nó có nghĩa là thách thức vẫn chưa hết, chúng vẫn ở đó".
Một chiến dịch lâu dài để đối phó với ô nhiễm và các ngành công nghiệp có giá trị thấp cũng làm chậm lại ngành sản xuất rộng lớn của Trung Quốc.
Trung Quốc đã tăng cường việc tuyên truyền trước kỳ họp quốc hội với việc truyền thông nhà nước đăng tải các video bằng tiếng Anh và thậm chí một bản nhạc rap ca ngợi sự kiện này như một hành động của dân chủ ở nước này, mặc dù quốc hội Trung Quốc chưa bao giờ loại bỏ các bộ luật và các thành viên quốc hội được lựa chọn dựa trên lòng trung thành của họ đối với Đảng Cộng sản.
Cuộc họp hàng năm ở thủ đô Bắc Kinh có sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu từ khắp Trung Quốc trong đó những người đến từ những cộng đồng thiểu số mặc các trang phục truyền thống nhiều màu sắc.
Để hỗ trợ việc tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Lý nói Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao việc tuyển dụng tại các công ty xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi thị trường Mỹ và cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 16% xuống 13% đối với ngành sản xuất. Thuế VAT cho các ngành giao thông và xây dựng sẽ được cắt giảm từ 10% xuống còn 9%.
Trung Quốc dự kiến tạo thêm hơn 11 triệu việc làm mới cho khu vực thành thị trong năm nay và giữ tỷ lệ thuê nhân công ở thành thị ở mức 4,5% theo mục tiêu đã đều ra trong năm 2018. Cùng lúc, Trung Quốc sẽ cắt giảm các khoản phí an ninh xã hội do các công ty chi trả.
Trong những tuần gần đây, Mỹ và Trung Quốc có vẻ đã tiến gần tới một thỏa thuận thương mại trong đó Mỹ sẽ rút lại những khoản thuế áp lên các mặt hàng Trung Quốc có tổng trị giá ít nhất 200 tỷ USD.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói hôm 4/3 rằng theo ông nghĩ cả hai quốc gia đang "ở đỉnh điểm" để đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai bên.
************************
Trung Quốc nêu các biện pháp thúc đẩy kinh tế và tăng chi phí quốc phòng (BBC, 06/03/2019)
Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật lãnh đạo đứng thứ hai Trung Quốc, cảnh báo rằng nước này đang đối diện với "một cuộc vật lộn cam go" khi ông trình bày về các kế hoạch nhằm thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Khai mạc phiên họp quốc hội thường niên, ông đưa ra dự đoán tăng trưởng năm nay là 6%-6,5%, giảm xuống từ mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là 6,5%.
Tuy nhiên, ông cũng nêu mức tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng cho năm nay, ở mức 7,5%.
Trung Quốc đã phải vật lộn với nền kinh tế đang chững lại và cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Bắc Kinh muốn thúc đẩy chi tiêu, để các hãng nước ngoài tiếp cận vào thị trường trong nước, và cắt giảm hàng tỷ đô la thuế.
"Để tiếp tục phát triển trong năm nay, chúng ta sẽ phải đối diện với một môi trường khó khăn hơn, phức tạp hơn, cũng như những rủi ro, thách thức… đang tăng thêm về cả số lượng lẫn quy mô", ông Lý nói trong bài diễn văn dài.
"Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cho một cuộc vật lộn cam go".
Tăng chi phí quốc phòng
Về ngân sách quân sự, Trung Quốc sẽ tăng lên 7,5%, đạt 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 178 tỷ đô la Mỹ).
Trung Quốc có quân đội lớn nhất thế giới
Mức này thấp hơn so với mức tăng 8,1% trong năm ngoái, nhưng cao hơn mức tăng trưởng kinh tế và vẫn là con số khiến các quốc gia láng giềng cảm thấy lo lắng, hãng tin AFP nói.
Chi phí quốc phòng của nước này là vấn đề được theo dõi sát sao, bởi nó cho thấy những dấu hiệu về mục tiêu quân sự của Bắc Kinh.
Trung Quốc đang có chương trình nâng cấp vũ khí, khí tài hiện đại cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) gồm hai triệu lính.
Việc chi tiêu được chú trọng vào chiến đấu cơ tàng hình, hàng không mẫu hạm và các loại vũ khí tân tiến khác.
Bắc Kinh cũng tăng mức thể hiện thái độ đối với bất kỳ động thái muốn tách ra độc lập nào của Đài Loan, nơi mà Trung Quốc luôn coi là một tỉnh ly khai của mình, và tiếp tục xác quyết các tuyên bố chủ quyền tại các vùng có tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Với mức chi phí quốc phòng được công bố, nay Trung Quốc chỉ đứng sau Hoa Kỳ, quốc gia có ngân sách quốc phòng cho 2019 là 716 tỷ đô la Mỹ.
Kể từ 2015 tới nay, Bắc Kinh chưa từng đưa ra con số tăng chi tiêu trong mảng này ở mức hai con số.
Chính phủ sẽ "nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng các lực lượng có vũ trang luôn ttrung thành về mặt chính trị", ông thủ tướng nói trong bài phát biểu trước Quốc hội, và nhấn mạnh về "vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng" đối với quân đội.
Mức tăng trưởng kinh tế năm 2019 được dự đoán sẽ thấp hơn năm ngoái
Về kinh tế, ông Lý nói với 3.000 đại biểu dự Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc rằng Trung Quốc muốn cắt giảm gần hai ngàn tỷ nhân dân tệ (298 tỷ đô la Mỹ) tiền thuế và các loại lệ phí công ty.
Thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các ngành vận tải và xây dựng sẽ được giảm từ 10% xuống 9%, và VAT cho các công ty sản xuất sẽ giảm từ 16% xuống 13%, ông nói.
Ông Lý cũng nói Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng và dùng các yêu cầu về quỹ dự phòng làm các công cụ điều tiết chính sách.
Trung Quốc đã cắt bớt các đòi hỏi về quỹ dự phòng - tức số tiền mà các ngân hàng thương mại cần phải cất trữ - nhiều lần trong năm ngoái nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay.
Nền kinh tế nước này tăng 6,6% trong năm 2018, là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ 1990 tới nay.
"Giảm bớt căng thẳng với Mỹ"
Ông Lý cũng công bố rằng Bắc Kinh sẽ nới lỏng thêm nữa hoạt động kiểm soát đối với việc các công ty nước ngoài tiếp cận các thị trường Trung Quốc.
Phóng viên BBC chuyên về tình hình Trung Quốc Stephen McDonell nói điều này có vẻ như là nỗ lực nhằm làm giảm bớt căng thẳng với Mỹ.
Cả hai nước đã áp biểu thuế quan trị giá hàng tỷ đô la đối với hàng hóa của nhau trong năm ngoái.
Dù các quan chức tỏ ra lạc quan hơn về các cuộc đàm phán gần đây với Hoa Kỳ, nhưng việc không đạt được thỏa thuận sẽ khiến hàng Trung Quốc phải chịu biểu thuế quan trị giá 200 tỷ đô la gần như ngay lập tức, và sẽ khiến Hoa Kỳ áp thêm các biểu thuế quan mới.
************************
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc 2019 tăng 7,5% (VOA, 05/03/2019)
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2019 sẽ tăng 7,5% lên mức hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 177 tỷ đôla).
Theo Reuters, con số này được đưa ra trong báo cáo về ngân sách tại phiên khai mạc quốc hội nước này hôm 5/3.
Chi tiêu quốc phòng năm 2019 tăng trong bối cảnh Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,0 tới 6,5% trong năm nay.
Năm ngoái, theo Reuters, chi tiêu quốc phòng Trung Quốc tăng 8,1% ; năm 2017 là 7% và năm 2016 tăng 7,6%. 5 năm trước đó tăng với hai con số.
Việc Trung Quốc tăng cường quân sự đã khiến nhiều nước láng giềng lo ngại, nhất là Bắc Kinh ngày càng mạnh mẽ củng cố chủ quyền tại nhiều nơi như Biển Đông.
Một phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc hôm 4/3 nói rằng Bắc Kinh sẽ gia tăng chi tiêu quốc phòng một cách "hợp lý" để bảo vệ an ninh quốc gia và cải cách quân sự.
Theo Reuters, việc Bắc Kinh không công bố cụ thể khoản chi tiêu quốc phòng khiến nhiều nước láng giềng và các cường quốc quân sự khác cho rằng nước này thiếu minh bạch và điều đó gây thêm căng thẳng tại khu vực.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao cho rằng con số chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc còn cao hơn trên thực tế, nhất là khi nước này đang thực hiện chương trình hiện đại hóa quân sựấn tượng theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.
*********************
Trung Quốc sửa đổi luật đầu tư nước ngoài : Châu Âu và Mỹ trông đợi trong ngờ vực (RFI, 05/03/2019)
Phải chăng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sắp đến hồi kết thúc ? Hôm 05/03/2019, Quốc hội Trung Quốc khai mạc khóa họp thường niên với trọng tâm là sửa đổi luật đầu tư nước ngoài. Đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách đưa ra nhiều cam kết cởi mở hơn. Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra nghi ngờ : Trung Quốc có nhiều luật, quy định nhưng liệu có thực tâm thực hiện hay không ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường tại khóa họp Quốc hội thường niên, Bắc Kinh, ngày 05/03/2019 Reuters/Jason Lee
Theo các tuyên bố của giới chính khách hai bên, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung có những tiến triển. Hoa Kỳ đã chấp nhận lùi thời hạn áp mức thuế 25% nhắm vào 200 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, nhưng ngoài cam kết của Bắc Kinh mua thêm hàng hóa, chính quyền Washington vẫn nhấn mạnh đến một đòi hỏi quan trọng : Trung Quốc phải cải thiện bầu không khí kinh doanh. Cụ thể là các doanh nghiệp nước ngoài phải được đối xử ngang bằng với các doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, dự luật mới liên quan đến đầu tư nước ngoài rất được các đối tác Châu Âu và Mỹ trông đợi. Văn bản này được thông qua vào ngày 15/03 trong khóa họp Quốc hội Trung Quốc lần này. Được đề xuất vào cuối năm 2018, dự luật đã được xem xét nhanh chóng trong vòng có vài tuần.
Trong số các chủ đề gai góc nhất gây tranh cãi giữa hai cường quốc, đáng quan tâm nhất là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và đánh cắp công nghệ. Các doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc đã đánh cắp công nghệ của nhiều doanh nghiệp Mỹ, mà vụ tập đoàn viễn thông Hoa Vi là một ví dụ điển hình và đang bị ngành tư pháp Mỹ nhắm đến.
Dù vậy, dự thảo luật đầu tư mới của Trung Quốc vẫn làm dấy lên nhiều nghi ngờ từ phía Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ vì còn nhiều điểm không rõ ràng. Theo ban Kinh Tế đài RFI, luật đầu tư mới của Trung Quốc nói đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại không cấm các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc áp đặt chuyển giao công nghệ một cách rõ ràng. Hoặc chính quyền Bắc Kinh được quyền kiểm soát cổ đông nước ngoài nếu như lợi ích công bị đe dọa. Văn bản còn áp đặt việc thẩm định doanh nghiệp nước ngoài nếu như hoạt động của doanh nghiệp này có thể tác động đến an ninh quốc gia.
Điểm ngờ vực lớn nhất chính là cách thức thực thi pháp luật. Cơ quan nào sẽ giám sát việc áp dụng các điều luật ? Liệu tư pháp Trung Quốc có xét xử công minh, thậm chí xử thua một doanh nghiệp địa phương khi xảy ra có tranh chấp hay không ?
Bởi vì, theo phân tích của ông Philippe Le Corre, hiện đang giảng dậy tại Harvard Kennedy School, Cambridge (MA), chuyên gia nghiên cứu tại Mossavar-Rahmani Center for Business and Government, trên đài France Culture, tư duy, suy nghĩ chống các doanh nghiệp nước ngoài vẫn khá mạnh tại Trung Quốc khi nhìn vào số điều khoản sẽ được sửa đổi và thông qua.
"Năm 2015, Trung Quốc đã từng thông báo một đạo luật tương tự nhưng chưa bao giờ được thông qua. Và hiện nay trong tổng số 170 điều khoản thì chỉ có 39 điều sẽ được sửa đổi. Điều đó cho thấy là có một sự kháng sự mạnh mẽ tại Trung Quốc chống lại việc ưu đãi các doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Trung Quốc".
Tóm lại, trong một chừng mực nào đó, các đối tác Châu Âu và Mỹ đón "tin vui" này trong một trạng thái dè dặt với một câu hỏi lớn : Phải chăng đó chỉ là những thay đổi bề ngoài, một chiến thuật nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại với Mỹ mà thôi ?
Minh Anh
*******************
Trung Quốc thông báo giảm thuế trong nhiều lĩnh vực để tái thúc đẩy kinh tế (RFI, 05/03/2019)
Hôm 05/03/2019, tại đại lễ đường Nhân Dân, ở Bắc Kinh, Quốc hội Trung Quốc khai mạc khóa họp thường niên. Trước khoảng 3000 đại biểu Quốc hội, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh, ưu tiên của chính phủ là thúc đẩy hoạt động kinh tế, trong bối cảnh tăng trưởng bị chậm lại và quan hệ thương mại căng thẳng với Hoa Kỳ.
Quốc hội Trung Quốc khai mạc khóa họp thường niên, Bắc Kinh, ngày 05/03/2019 Reuters/Thomas Peter
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
"Chụp ảnh với các thiếu nữ đội mũ vành gắn dải tua nhỏ, với các đại biểu trong trang phục truyền thống đến từ mọi tỉnh của đất nước, tự chụp ảnh chung với các nữ tiếp viên trong trang phục mầu đỏ của Quốc hội Trung Quốc, với nhân viên công an, quân đội đứng gác phía trước đại lễ đường Nhân Dân, hoặc với bức chân dung Mao Trạch Đông được gắn ở Tử Cấm Thành.
Sau bản quốc ca, thủ tướng Trung Quốc kêu gọi toàn dân đoàn kết đối phó với tình trạng kinh tế phát triển chậm, thông báo những biện pháp giảm thuế để kích thích các hoạt động kinh tế. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết : Chính phủ dự tính áp dụng chính sách giảm thuế, chú trọng đến việc giảm các loại thuế đang đè nặng lên ngành công nghiệp chế biến và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ sẽ giảm thuế giá trị gia tăng từ 16% xuống còn 13% trong ngành công nghiệp chế biến và trong các lĩnh vực khác
Tóm lại, cần phải giảm áp lực thuế. Có hai con số cần ghi nhớ trong bài diễn văn của thủ tướng Trung Quốc, đó là ngân sách quốc phòng chỉ tăng có 7,5% và dự báo tăng trưởng trong năm 2019 chỉ là 6,5% so với mức tăng trưởng 6,6% của năm 2018, vốn được coi là tỉ lệ tăng trưởng thấp ở mức lịch sử tại Trung Quốc".
RFI tiếng Việt