Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Xã luận

Tập Cận Bình thừa hiểu là trên tất cả những vấn đề có thể tranh cãi, Trung Quốc chỉ có thể nhượng bộ và phải nhượng bộ. Thành công của Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ lần này chỉ là đã tạm thời trì hoãn được sự công khai hóa những nhượng bộ bắt buộc cho tới sau Đại Hội 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc dự trù mùa hè năm nay.

trumptap5

Donald Trump và Tập Cận Bình đã chia tay mà không có họp báo và thông cáo chung sau hai ngày thảo luận. Trong ngôn ngữ ngoại giao đây là một cuộc gặp gỡ không thành công. Đối với Tập Cận Bình, người lãnh đạo tối cao của một phần năm dân số thế giới và đã dành bốn ngày cho chuyến công du này, nó có vẻ như một thất bại.

Tuy nhiên nếu nhìn kỹ hơn người ta có thể thấy là Tập đã phần nào thành công. Ít ra ông đã trì hoãn được một thất bại gần như chắc chắn. Ông tới Mỹ trong thế yếu để bàn về những vấn đề trên đó ông chỉ có thể nhượng bộ chứ không thể đòi hỏi gì hơn và đã ra đi mà chưa phải công khai nhượng bộ điều gì. Đối với Tập như vậy cũng đã là tốt lắm rồi.

Trước hết hãy nhìn tương quan lực lượng. Hoa Kỳ với dân số chưa bằng 1/4 Trung Quốc lại có một tổng sản lượng nội địa (GDP) gấp đôi hoặc gấp ba GDP của Trung Quốc tùy theo cách tính. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ giầu gấp mười lần Trung Quốc. Điều quan trọng hơn là kinh tế Hoa Kỳ đang mạnh lên trong khi kinh tế Trung Quốc ngày càng tới gần tình trạng khủng hoảng. Các số liệu về kinh tế của Trung Quốc chắc chắn là sai trong mục đích che giấu sự thật, người ta chỉ không biết chúng sai tới mức nào. Còn sức mạnh quân sự của hai bên thì không thể so sánh. Hoa Kỳ mạnh hơn hẳn và sự hơn hẳn đó ngày càng tăng lên vì ngân sách quốc phòng luôn luôn cao gấp ba lần Trung Quốc.

Nhưng không phải chỉ có thế. Trung Quốc hiện nay còn là một đất nước đang sụp đổ. Môi trường đã ô nhiễm đến mức mà những người Trung Quốc giàu có hay có phương tiện đang tìm cách bỏ nước ra đi vì sợ chết. Tư bản đào thoát ra nước ngoài trung bình 200 tỷ USD mỗi năm và ngày càng đào thoát nhanh hơn. Các mâu thuẫn kinh tế, văn hóa, tôn giáo, chủng tộc giữa các tỉnh lục địa và duyên hải ngày càng lên cao. Tây Tạng, Tân Cương, Ngoại Mông, Vân Nam, Tứ Xuyên đang là những trái bom nổ chậm. Trái bom nổ chậm nguy hiểm hơn là chính trị. Tập Cận Bình thừa hưởng một Trung Quốc không khác Liên Xô của Gorbachev ba thập niên trước đây, nhưng thay vì thích nghi với tình huống mới, nghĩa là tổ chức sự giải thể của chế độ cộng sản, ông và đảng của ông lại cố gắng bơi ngược dòng thác. Hậu quả có thể sẽ rất kinh khủng.

Tóm lại, về tương quan lực lượng Trung Quốc trước mặt Hoa Kỳ không khác một võ sĩ hạng nhẹ đang yếu bệnh trước một võ sĩ hạng nặng đang sung sức. Tập Cận Bình không thể chọn giải pháp đối đầu, thỏa hiệp là bắt buộc.

Nhưng thỏa hiệp như thế nào ? Tất cả những vấn đề phải thảo luận và thỏa hiệp đều là những vấn đề trên đó Trung Quốc phải nhượng bộ.

Việc Triều Tiên tìm cách chế tạo bom nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa trước đây từng là một con bài trong tay Bắc Kinh để mặc cả với Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, giờ đây đang được mọi quốc gia nhìn như một thách thức và một đe dọa lớn cho cả thế giới, và càng ngày càng nhiều người nhận định là Trung Quốc đứng đàng sau mối nguy này. Hoa Kỳ thừa khả năng tiêu diệt những căn cứ chế tạo bom và hỏa tiễn của Triều Tiên và sẽ được cả thế giới hoan hô nếu tấn công. Trung Quốc chỉ có thể nhượng bộ chứ không thể mặc cả gì, dù là đòi Hoa Kỳ trì hoãn việc đặt các hỏa tiễn THAAD ở Hàn Quốc, hay đình chỉ việc bán thêm vũ khí tối tân cho Đài Loan. Trung Quốc chỉ có thể yêu cầu Hoa Kỳ buộc Đài Loan đừng tuyên bố độc lập với Hoa Lục. Một cách ngộ nghĩnh, điều mà Trung Quốc muốn chỉ giản dị là Đài Loan vẫn tiếp tục giữ quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc thay vì Đài Loan Dân Quốc, tiếp tục vỗ ngực tự xưng là đại diện duy nhất của Trung Quốc và sẽ giải phóng Hoa Lục !

Thương mại với Hoa Kỳ đang đem lại cho Trung Quốc một số thặng dư khoảng 350 tỷ USD năm 2016. Số thặng dư này tuy đã giảm nhiều so với trước đây nhưng lại cần thiết hơn lúc nào hết cho Trung Quốc, và cũng là điều mà Trump muốn giảm đi một cách đáng kể. Tập Cận Bình có thể giảng giải cho Trump và bộ tham mưu rằng trong nhiều trường hợp thực ra Mỹ chỉ nhập khẩu hàng của Mỹ made in China, rằng khi người Mỹ mua một chiếc Ipad với giá 500 USD thì thực ra phần của Trung Quốc chưa tới 50 USD, gần 300 USD là của Mỹ, phần còn lại của Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan. Đúng, nhưng vấn đề là Apple vẫn có thể chế tạo những sản phẩm đó tại một nước khác trong những điều kiện thuận lợi hơn cho Mỹ. Không những thế, Mỹ và các nước dân chủ phát triển khác còn có lý do để không muốn tiếp tay giúp Trung Quốc giầu mạnh thêm. Họ ngày càng ý thức rằng Trung Quốc càng mạnh lên càng trở thành một đe dọa cho hòa bình thế giới, và chính Tập Cận Bình với chính sách bá quyền khu vực từ bốn năm qua đã cho họ nhận thức đó. Họ Tâp cũng không thể sử dụng khối công trái 1.100 tỷ USD mà Trung Quốc đang giữ của Mỹ. Nó chỉ là 5% khối nợ công của Hoa Kỳ và không thiếu những quỹ đầu tư khác sẵn sàng mua lại. Hơn nữa Trung Quốc cũng cần khối công trái này để, vừa che giấu sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc, vừa giữ cho hối suất đồng Nhân Dân Tệ đừng lên cao làm hàng hóa Trung Quốc mất sức cạnh tranh. Và đàng nào thì trong quan hệ thương mại giữa hai nước, Trung Quốc cũng là kẻ bán Hoa Kỳ là người mua, và người thiệt hại nếu có xung đột là kẻ bán.

Một vấn đề khác là Biển Đông. Ở đây Trung Quốc không chỉ yếu mà còn vi phạm luật pháp quốc tế. Tầm vóc và sự hung hăng của Bắc Kinh nhiều khi khiến người ta quên rằng về hải quân và không quân Trung Quốc còn yếu hơn cả Nhật và Đài Loan. Và cũng đã có phán quyết của Tòa án quốc tế Den Haag.

Tập Cận Bình thừa hiểu là trên tất cả những vấn đề có thể tranh cãi – dù là Triều Tiên, quan hệ thương mại, Đài Loan hay Biển Đông - Trung Quốc chỉ có thể nhượng bộ và phải nhượng bộ. Thành công của Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ lần này chỉ là đã tạm thời trì hoãn được sự công khai hóa những nhượng bộ bắt buộc cho tới sau Đại Hội 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc dự trù mùa hè năm nay. Tập Cận Bình sẽ rất lúng túng trong đại hội này, thậm chí có thể bị mất chức nếu nhượng bộ ngay bây giờ hay nếu để nổ ra tranh chấp với Hoa Kỳ và các đồng minh, trong đó dĩ nhiên Trung Quốc bị thiệt thòi. Có thể nói trong chuyến đi này, họ Tập đã đạt được thắng lợi nhưng đây là một thắng lợi có vị đắng.

Việt Nam sẽ ra sao trong bối cảnh mới này ?

Trái với tâm trạng bi quan của nhiều người, chúng ta không nên lo ngại Việt Nam sẽ bị sáp nhập thành một tỉnh của Trung Quốc. Ngay cả nếu ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam muốn như vậy để được tiếp tục cầm quyền thì Trung Quốc cũng đã có quá nhiều tỉnh bất ổn rồi để còn muốn có thêm một tỉnh còn bất kham hơn nữa. Trung Quốc chưa chắc đã giữ được sự thống nhất hiện nay thì còn lòng dạ nào để chuốc lấy một mối nguy khác ? Sáp nhập Việt Nam chỉ có lợi cho Trung Quốc nếu cho phép Trung Quốc kiểm soát Biển Đông. Nhưng nếu tham vọng kiểm soát Biển Đông không còn nữa thì Việt Nam không còn giá trị chiến lược nào đối với Trung Quốc mà chỉ còn là một gánh nặng. Nếu sự sáp nhập không đặt ra nữa thì Việt Nam còn có thể là một  mối nguy cho chế độ cộng sản Trung Quốc nếu trở thành một nuớc dân chủ. Một sự thực là ngày nay hai dân tộc Việt và Hoa đã bị đẩy vào thế thù địch, và chính quyền Bắc Kinh hình như còn cố tình đóng góp tạo ra tâm lý thù địch này. Phải chăng vì lo xa Bắc Kinh muốn hai dân tộc thù ghét nhau để một nước Việt Nam dân chủ sắp tới không khuyến khích những đòi hỏi dân chủ tại Trung Quốc ?

Và nếu Trung Quốc không còn là một chỗ dựa thì chế độ cộng sản Việt Nam có thể trụ được không ? Chắc chắn là không, nó đã quá tùy thuộc vào Mỹ, Châu Âu và các nước dân chủ để có thể giữ nguyên bản chất. Bằng cách này hay cách khác Việt Nam sẽ phải có dân chủ trong một tương lai gần. Dù là theo con đường Ba Lan hay theo kịch bản Romania.

Nguyễn Gia Kiểng

(09/03/2017)

Published in Quan điểm

Thượng đỉnh Mỹ - Trung đầu tiên của Tổng thống Trump (RFA, 07/04/2017)

Tại Florida, hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bắt đầu ngày làm việc thứ nhì và cũng là ngày cuối của thượng đỉnh Mỹ-Trung, nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến mối quan hệ thương mại song phương và tình hình an ninh toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng do Bắc Hàn gây nên ở Bán Đảo Triều Tiên.

trumptap1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida hôm 6/4/2017. AFP photo

Tối hôm 6 tháng tư, trước khi bắt đầu bữa tiệc chiêu đãi Chủ Tịch Nhà nước trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump có nói đùa rằng ông và nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã có cuộc thảo luận đầu tiên, và ông chưa nhận được hứa hẹn gì từ ông Tập.

Ông Trump nói thêm rằng sau cuộc thảo luận đó, hai ông đã có cơ hội phát triển tình bạn, tin tưởng về lâu về dài đó sẽ là mối tính bạn rất tốt, góp phần xây dựng mối quan hệ tối đẹp hơn giữa Washington và bắc Kinh.

Lịch trình do Nhà Trắng phổ biến cho hay cuộc họp vào ngày 7 tháng tư sẽ kéo dài cho đến trưa, hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ bàn thảo chi tiết về những điều 2 ông và 2 quốc gia đều quan tâm.

Hôm 6 tháng tư khi trên Air Force One từ Washington đi Florida, Tổng Thống Trump nói với các ký giả tháp tùng rằng mục đích quan trọng nhất của thưởng đỉnh là vấn đề thương mại và Bắc Hàn.

Về thương mại, Tổng Thống Mỹ nói rằng trong bao nhiêu năm qua, Hoa Kỳ đã bị thiệt thòi rất nhiều khi trao đổi thương mại với Trung Quốc, nhắc lại điều ông đã nhiều lần nói đến từ khi còn vận động tranh cử là ông đòi hỏi Bắc Kinh phải công bằng, không chấp nhận chuyện các công ty và công nhân Mỹ tiếp tục bị thiệt thòi.

Về vấn để Bắc Hàn, Tổng Thống Trump nói đây là một vấn đề nghiệm trọng, tin tưởng sẽ thuyết phục được ông Tập để Trung Quốc có phản ứng mạnh hơn đối với Bình Nhưỡng.

Ngoài hai vấn đề vừa nói, các quan chức Nhà Trắng cho hay nhiều điều khác nữa cũng được Hoa Kỳ đặt trên bàn hội nghị, trong đó bao gồm cả căng thẳng ở Biển Đông và tình trạng nhân quyền tại Hoa Lục.

Sau cuộc thảo luận hồi chiều ngày 6 tháng tư, tin phát xuất từ các quan chức ngoại giao Trung Quốc cho hay Chủ Tịch Tập Cận Bình có nói với Tổng Thống Trump rằng ông muốn cùng ông Trump cổ võ, xây dựng quan hệ thương mại, đầu tư song phương.

Tin cũng cho hay ông Tập Cận Bình nói với Tổng Thống Hoa Kỳ rằng hai ông có cả ngàn lý do để xây dựng quan hệ cho đúng hướng, và không có một lý do gì để gây trở ngại cho mối quan hệ đang có.

Bản tin của Tân Hoa Xã cho hay cũng trong cuộc họp đầu tiên, ông Tập Cận Bình chính thức mời ông Trump sang thăm Bắc Kinh trong năm nay, và ông Trump nhận lời mời này.

Một điểm bên lề cũng được nói tới là thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra cùng lúc với việc Tổng Thống Trump ra lệnh cho quân đội Mỹ tấn công một phi trường của Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk.

Theo Nhà Trắng, Tổng Thống Trump thông báo quyết định này cho Chủ Tịch Tập Cận Bình biết.

Ông Tập về lại Trung Quốc ngay sau bữa cơm trưa với ông Trump

Tin mới nhất từ Florida cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ lên máy bay về lại Bắc Kinh ngay trong ngày hôm nay thứ Sáu 7/4, sau bữa cơm trưa với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Hiện vẫn chưa rõ hai nhà lãnh đạo có họp báo sau thượng đỉnh hay không.

Ông Tập Cận Bình đến Florida hôm qua 6/4 và đã có cuộc gặp ngắn với ông Donald Trump trước khi tham dự tiệc tối do Tổng thống nước chủ nhà đãi.

Hôm nay 7/4, hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bắt đầu ngày làm việc thứ nhì, nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến mối quan hệ thương mại song phương và tình hình an ninh toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng do Bắc Hàn gây nên ở Bán Đảo Triều Tiên.

Ngoài hai vấn đề vừa nói, các quan chức Nhà Trắng cho hay nhiều điều khác nữa cũng được Hoa Kỳ đặt trên bàn hội nghị, trong đó bao gồm cả căng thẳng ở Biển Đông và tình trạng nhân quyền tại Hoa Lục.

**********************

Tên lửa Tomahawk phủ bóng tiệc Tập-Trump ? (BBC, 07/04/2017)

Phía Trung Quốc kỳ vọng nhiều ở cuộc gặp tại dinh thự riêng của Tổng thống Donald Trump ở Mar-a-Lago, Florida nhưng có vẻ như chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình bị vụ phóng hỏa tiễn Syria phủ bóng.

trumptap2

Ông Trump ra lệnh khai hỏa bắn vào Syria trước khi ngồi vào tiệc với ông Tập Cận Bình

Theo bài của Joshua Berlinger trên CNN 07/04, ông Trump ra lệnh tấn công Syria ngay trước khi ngồi vào bữa tiệc tối thứ Năm đón lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình và phu nhận, bà Bành Lệ Viện.

Đoàn Trung Quốc rời bữa tiệc lúc 21 :00 để ra nghỉ ở một nơi gần đó, và ngay sau đấy, Tổng thống Trump mở cuộc họp báo nói vì sao ông ra lệnh bắn tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ của quân đội Syria.

Bình luận của Willy Lam, nhà quan sát từ Hong Kong nói với CNN, cho rằng phía Trung Quốc rất muốn "nhận hào quang" từ chuyến thăm này.

Nhưng vụ bất ngờ bắn hỏa tiễn tấn công Syria của ông Trump đã phủ bóng lên chuyến đi.

Tin về vụ oanh kích Syria bị đài CCTV của Trung Quốc đặt xuống thấp, giữa bản tin.

Tranh cãi về vụ tấn công hóa học ở Syria

trumptap3

Chỗ ngồi có giấy ghi vị trí của hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc tại bàn tiệc ở Mar-a-Lago

Phần cao nhất tất nhiên là về cuộc gặp Tập - Trump.

Cả hai đồng minh của tổng thống Bashar al-Assad tại Syria là Nga và Iran đều đã lên án cuộc oanh kích.

Hoàn cầu Thời báo ở Trung Quốc phê phán vụ tấn công thể hiện chính sách "bất nhất" của ông Trump.

Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ và kêu gọi "không làm tình hình tồi tệ đi".

Trước các cáo buộc mà Hoa Kỳ nêu ra rằng quân đội Syria đã dùng khí Sarin làm thường dân bị chết, điều mà chính quyền Syria bác bỏ, Bắc Kinh chỉ nêu về mặt nguyên tắc là Trung Quốc phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học ở bất cứ tình huống nào.

trumptap4

Ông Trump ra lệnh bắn hỏa tiễn Tomahawk vào một căn cứ ở Syria

Nói về "cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria gần đây", bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra chứ không nói là đó là vụ do quân đội Syria gây ra.

Đã nhận lời mời

Sau ngày đầu gặp gỡ tại Florida, hiện chưa rõ phái đoàn Tập Cận Bình đạt được gì từ ông Trump trong chuyến thăm.

Điều duy nhất báo chí Trung Quốc nói là ông Trump đã nhận lời mời sẽ thăm Trung Quốc trong năm 2017.

BBC News tường thuật từ Boston trong ngày thứ Sáu cho hay chủ đề thương mại được bàn đến tại Florida giữa phái đoàn Trung Quốc và nước chủ nhà.

Ông Tập cũng đề nghị tái khởi động một quan hệ Trung - Mỹ mới cho 45 năm tới, nhân sự kiện Hoa Kỳ và nước Trung Quốc cộng sản thiết lập quan hệ ngoại giao 45 năm trước.

Nhưng Hoàn cầu Thời báo cũng nói ông Trump ra quyết định "vội vã, bất nhất" trong vụ oanh kích Syria và tỏ ý lo ngại rằng tổng thống Mỹ có thể sẵn sàng ra tay về quân sự "đơn phương và bất ngờ".

Theo BBC News, sự tương phản đến từ chỗ ông Tập Cận Bình là "quan chức cộng sản nói năng nhỏ nhẹ" và ông Donald Trump là "tỷ phú địa ốc bạo miệng".

Cũng có tin cuộc gặp được thu xếp chỉ mới cuối tuần trước để ông Tập Cận Bình sang gặp Donald Trump tại Mỹ.

Còn theo một bình luận trên CNN, có thể quyết định bất ngờ cho oanh kích Syria của ông Trump lại làm tăng vị thế nói chuyện của ông với ông Tập, dù hai sự kiện có thể không liên quan.

trumptap5

Cuộc gặp diễn ra tại khu câu lạc bộ golf do gia tộc Trump làm chủ ở Mar-a-Lago, ven biển Florida

Lý do là, theo nhà bình luận Zhang Baohui từ Đại học Lingnan, Hong Kong, phía Trung Quốc nay thấy rằng kể cả trong trường hợp Bắc Hàn, ông Trump cho thấy ông ta sẵn sàng ra tay đơn phương, theo CNN.

Trước khi lên máy bay rời Tòa Bạch Ốc đến Florida đón ông Tập, ông Trump lại nói với báo chí rằng Trung Quốc "cần phải làm nhiều hơn để ngăn Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân".

Trung Quốc từng phản đối mọi kế hoạch loại bỏ tổng thống Assad ở Syria và chống việc "can thiệp vào tình hình các nước khác".

Phía Hoa Kỳ nói họ có thông báo cho Nga về vụ tấn công nhưng không nói phía Trung Quốc có được báo trước hay là không.

Những diễn biến mới nhất này có vẻ như ông Trump đã khiến ông Tập bị động.

*************************

Tập Cận Bình, Biển Đông và Mar-a-Lago (RFI, 07/04/2017)

trumptap6

Dinh cơ nghỉ mát Mar-a-Lago, nơi tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Tập Cận Bình trong hai ngày 6 và 7/04/2017. REUTERS/Joe Skipper

"Mar-a-Lago" tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Biển Hồ", hoặc "Biển trở nên hồ". Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình có thể chú ý đến cái tên của dinh cơ ông Trump ở Palm Beach, nơi họ đang gặp gỡ để thảo luận về quan hệ Mỹ-Trung.

Theo giáo sư Donald K.Emmerson, trường đại học Stanford trên The Diplomat, từ "Biển Hồ" còn mô tả chính xác những gì Trung Quốc đang làm ở Đông Nam Á, khi Bắc Kinh tiếp tục đơn phương dùng vũ lực biến vùng biển này thành ao nhà của Trung Quốc.

Giáo sư Emmerson nhận định, Biển Đông là trái tim biển cả của Đông Nam Á. Quá trình quân sự hóa các thực thể ở đây rõ ràng cho thấy Trung Quốc muốn phát triển một mạng lưới căn cứ quân sự, có thể nhằm gây sức ép lên các nhà lãnh đạo Đông Nam Á để họ phải quỳ gối trước Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng hy vọng bằng cách này chặn đứng các cuộc tuần tra hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ tại vùng biển quốc tế kể từ thời chính quyền Obama. Đó các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa, năm ngoái đã được Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye công nhận là hải phận quốc tế.

Nếu chủ đề này không được nêu ra tại Mar-a-Lago, hoặc bị hạ thấp trong cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo, ông Tập sẽ quay về Bắc Kinh với niềm tin là ông Trump đã chấp nhận sự bành trướng của Trung Quốc. Tập Cận Bình cũng có thể nghĩ rằng ông ta dành cho Trump "phần thắng", khi tránh cho ông Trump việc lên tiếng cảnh báo Trung Quốc.

Qua việc nhượng bộ chút ít trong quan hệ kinh tế, Tập Cận Bình hy vọng đã trao cho Trump một "chiến thắng" chệch hướng. Chệch hướng, vì những nhượng bộ nho nhỏ về kinh tế của Trung Quốc có thể được mô tả là ông Trump đã đạt mục đích. Một thành công thật ra là thất bại, khi không đạt được bất kỳ tiến triển nào về vấn đề Biển Đông, bị bỏ lại một mình trong cuộc tranh cãi về chủ đề luôn bế tắc này.

Việc các máy bay và tàu dân sự cũng như quân sự được tự do đi vào Biển Đông là nằm trong lợi ích của Mỹ. Ngược lại, việc này không có lợi cho Trung Quốc một khi họ muốn điều tiết một cách chọn lọc, một mình làm chủ vùng biển này. Nhớ lấy điều ấy, trong cuộc gặp thượng đỉnh này hoặc sau đó, Washington nên và phải khuyến khích các quốc gia Đông Nam Á và các nước khác kể cả Trung Quốc, thực hiện các chuyến hải hành và phi hành tại Biển Đông – một cách đơn lẻ, phối hợp với nhau hoặc với Hoa Kỳ.

Các chuyến đi này có thể mang tính quân sự, hoặc không nhất thiết phải như thế. Có thể tiến hành cả các cuộc thao dượt về an toàn hàng hải, phòng chống thiên tai, thẩm định nguồn cá chẳng hạn. Điểm mấu chốt là hành trình và các hoạt động hải hành, phi hành ấy phải tuân thủ bản đồ khu vực phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài tháng 7/2016, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bản đồ này đã được công bố rộng rãi cho các quốc gia ven biển và xa hơn nữa.

Ông Trump không phải là người hăng hái ủng hộ cách tiếp cận đa phương. Nếu trước tiên ông nêu ra khái niệm "hợp tác tuần tra" song phương trên Biển Đông với người đồng nhiệm Trung Quốc và bị bác bỏ, thì sau đó vẫn có thể đề nghị với các nước liên quan. Một số nước - ít hay nhiều - có thể chấp nhận tiến hành mà không có Trung Quốc tham gia. Đã có những nước chuyển sang "gặt hái" những nhân tố của một Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó Hoa Kỳ vắng bóng.

Trong số 18 quốc gia thành viên của hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, và các nước ASEAN. Tại Mar-a-Lago, chính quyền Trump có thể đề nghị với Trung Quốc và các nước EAS dời lại chủ đề "hợp tác tuần tra" trên đây vào nghị trình của Diễn đàn AES thứ 12 sẽ diễn ra vào giữa tháng 11 tại Philippines.

Theo giáo sư Emmerson, có thể tại hội nghị thượng đỉnh lần này không đạt được đồng thuận về việc thảo luận đề nghị trên. Nhưng chỉ riêng việc đề xuất cũng có thể gây ra các phản ứng, ủng hộ hoặc chống đối. Ít nhất, việc phổ biến ý tưởng này có thể tạo sự chú ý đến nhu cầu phải có các hoạt động chung - dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, và gây thối chí đối với những kẻ muốn đơn phương dùng sức mạnh, vi phạm luật quốc tế.

Đưa ý định này đi xa hơn - ít nhất đến các cơ quan tư vấn, nếu không phải là các bộ ngoại giao - cũng giúp bảo đảm với các quốc gia Châu Á liên quan, rằng Hoa Kỳ không để con đường hàng hải này rơi vào tay bất cứ cường quốc bá quyền nào, và cũng không muốn đóng vai trò người kiểm soát duy nhất.

Cuối cùng, chỉ đơn thuần nêu ra vấn đề, tranh luận và cải thiện ý tưởng có thể dẫn đến những phần tử quá tự tin ở Bắc Kinh phải đặt câu hỏi, liệu các nước khác - kể cả các nước láng giềng của Trung Quốc – có sẽ thụ động ngồi nhìn khi Trung Quốc biến vùng biển trung tâm của Đông Nam Á "từ biển thành hồ" hay không. Tác giả Donald K.Emmerson kết luận, cái tên "Mar-a-Lago" rốt cuộc sẽ được ghi nhớ như là một sự trùng hợp mỉa mai, nhưng không mang tính tiên tri.

Thụy My

**********************

Trump hứa sẽ có "quan hệ rất tốt" với Tập Cận Bình (RFI, 07/04/2017)

Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa sẽ có một "mối quan hệ rất, rất tốt về lâu dài" với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Trump đã tuyên bố như trên hôm qua, 06/04/2017, trong dạ tiệc chiêu đãi ông Tập Cận Bình, nhân cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

trumptap7

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại tư dinh ở Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida, ngfay 06/04/2017REUTERS

Khác hẳn với giọng điệu rất cứng rắn với Trung Quốc trong thời gian tranh cử Tổng thống, trong dạ tiệc tại tư dinh ở Mar-a-Lago, bang Florida, ông Donald Trump hôm qua đã có một câu nói đùa : "Chúng tôi đã thảo luận với nhau rất lâu, và hiện giờ thì tôi chẳng đạt được gì cả, nhưng chúng tôi đã xây đắp một tình thân hữu", ám chỉ đến tài thương thuyết được cho là rất giỏi của ông trong chuyện làm ăn.

Hôm nay, hai lãnh đạo Mỹ Trung mới thật sự bàn về những hồ sơ quan trọng đối với hai nước, đặc biệt là chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên và quan hệ thương mại song phương.

Vài giờ trước khi bay đến bang Florida để tiếp chủ tịch Tập Cận Bình, ông Donald Trump đã một lần nữa cho rằng về trao đổi thương mại, Hoa Kỳ đã không được Trung Quốc đối xử "một cách công bằng", khiến thâm thủng mậu dịch của Mỹ đối với Trung Quốc lên đến gần 350 tỷ đôla trong năm 2016. Theo các nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc có thể có một số nhân nhượng về thương mại và đầu tư, nhằm giúp tạo công ăn việc làm ở Mỹ.

Hồ sơ gai góc thứ hai giữa Washington và Bắc Kinh là Bắc Triều Tiên, nhất là sau khi Bình Nhưỡng lại thách thức quốc tế, bắn thêm một tên lửa vào vùng biển Nhật Bản một ngày trước cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung.

Từ nhiều tuần qua, Hoa Kỳ vẫn thúc giục Trung Quốc gây áp lực để buộc đồng minh Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Theo các nguồn tin ngoại giao, ông Tập Cận Bình có thể sẽ chấp nhận một số nhượng bộ như tăng cường kiểm soát các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với chế độ Kim Jong-un. Đổi lại, lãnh đạo họ Tập có thể yêu cầu Tổng thống Trump từ bỏ một hợp đồng vũ khí quan trọng với Đài Loan, mà Bắc Kinh vẫn xem là một tỉnh của Trung Quốc.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã hôm nay loan tin là Tổng thống Donald Trump đã nhận lời mời của chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Trung Quốc, nhưng không nói rõ là Tổng thống Hoa Kỳ sẽ đến thăm Trung Quốc lúc nào.

Thanh Phương

Published in Quốc tế