Xã luận
Tập Cận Bình thừa hiểu là trên tất cả những vấn đề có thể tranh cãi, Trung Quốc chỉ có thể nhượng bộ và phải nhượng bộ. Thành công của Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ lần này chỉ là đã tạm thời trì hoãn được sự công khai hóa những nhượng bộ bắt buộc cho tới sau Đại Hội 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc dự trù mùa hè năm nay.
Donald Trump và Tập Cận Bình đã chia tay mà không có họp báo và thông cáo chung sau hai ngày thảo luận. Trong ngôn ngữ ngoại giao đây là một cuộc gặp gỡ không thành công. Đối với Tập Cận Bình, người lãnh đạo tối cao của một phần năm dân số thế giới và đã dành bốn ngày cho chuyến công du này, nó có vẻ như một thất bại.
Tuy nhiên nếu nhìn kỹ hơn người ta có thể thấy là Tập đã phần nào thành công. Ít ra ông đã trì hoãn được một thất bại gần như chắc chắn. Ông tới Mỹ trong thế yếu để bàn về những vấn đề trên đó ông chỉ có thể nhượng bộ chứ không thể đòi hỏi gì hơn và đã ra đi mà chưa phải công khai nhượng bộ điều gì. Đối với Tập như vậy cũng đã là tốt lắm rồi.
Trước hết hãy nhìn tương quan lực lượng. Hoa Kỳ với dân số chưa bằng 1/4 Trung Quốc lại có một tổng sản lượng nội địa (GDP) gấp đôi hoặc gấp ba GDP của Trung Quốc tùy theo cách tính. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ giầu gấp mười lần Trung Quốc. Điều quan trọng hơn là kinh tế Hoa Kỳ đang mạnh lên trong khi kinh tế Trung Quốc ngày càng tới gần tình trạng khủng hoảng. Các số liệu về kinh tế của Trung Quốc chắc chắn là sai trong mục đích che giấu sự thật, người ta chỉ không biết chúng sai tới mức nào. Còn sức mạnh quân sự của hai bên thì không thể so sánh. Hoa Kỳ mạnh hơn hẳn và sự hơn hẳn đó ngày càng tăng lên vì ngân sách quốc phòng luôn luôn cao gấp ba lần Trung Quốc.
Nhưng không phải chỉ có thế. Trung Quốc hiện nay còn là một đất nước đang sụp đổ. Môi trường đã ô nhiễm đến mức mà những người Trung Quốc giàu có hay có phương tiện đang tìm cách bỏ nước ra đi vì sợ chết. Tư bản đào thoát ra nước ngoài trung bình 200 tỷ USD mỗi năm và ngày càng đào thoát nhanh hơn. Các mâu thuẫn kinh tế, văn hóa, tôn giáo, chủng tộc giữa các tỉnh lục địa và duyên hải ngày càng lên cao. Tây Tạng, Tân Cương, Ngoại Mông, Vân Nam, Tứ Xuyên đang là những trái bom nổ chậm. Trái bom nổ chậm nguy hiểm hơn là chính trị. Tập Cận Bình thừa hưởng một Trung Quốc không khác Liên Xô của Gorbachev ba thập niên trước đây, nhưng thay vì thích nghi với tình huống mới, nghĩa là tổ chức sự giải thể của chế độ cộng sản, ông và đảng của ông lại cố gắng bơi ngược dòng thác. Hậu quả có thể sẽ rất kinh khủng.
Tóm lại, về tương quan lực lượng Trung Quốc trước mặt Hoa Kỳ không khác một võ sĩ hạng nhẹ đang yếu bệnh trước một võ sĩ hạng nặng đang sung sức. Tập Cận Bình không thể chọn giải pháp đối đầu, thỏa hiệp là bắt buộc.
Nhưng thỏa hiệp như thế nào ? Tất cả những vấn đề phải thảo luận và thỏa hiệp đều là những vấn đề trên đó Trung Quốc phải nhượng bộ.
Việc Triều Tiên tìm cách chế tạo bom nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa trước đây từng là một con bài trong tay Bắc Kinh để mặc cả với Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, giờ đây đang được mọi quốc gia nhìn như một thách thức và một đe dọa lớn cho cả thế giới, và càng ngày càng nhiều người nhận định là Trung Quốc đứng đàng sau mối nguy này. Hoa Kỳ thừa khả năng tiêu diệt những căn cứ chế tạo bom và hỏa tiễn của Triều Tiên và sẽ được cả thế giới hoan hô nếu tấn công. Trung Quốc chỉ có thể nhượng bộ chứ không thể mặc cả gì, dù là đòi Hoa Kỳ trì hoãn việc đặt các hỏa tiễn THAAD ở Hàn Quốc, hay đình chỉ việc bán thêm vũ khí tối tân cho Đài Loan. Trung Quốc chỉ có thể yêu cầu Hoa Kỳ buộc Đài Loan đừng tuyên bố độc lập với Hoa Lục. Một cách ngộ nghĩnh, điều mà Trung Quốc muốn chỉ giản dị là Đài Loan vẫn tiếp tục giữ quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc thay vì Đài Loan Dân Quốc, tiếp tục vỗ ngực tự xưng là đại diện duy nhất của Trung Quốc và sẽ giải phóng Hoa Lục !
Thương mại với Hoa Kỳ đang đem lại cho Trung Quốc một số thặng dư khoảng 350 tỷ USD năm 2016. Số thặng dư này tuy đã giảm nhiều so với trước đây nhưng lại cần thiết hơn lúc nào hết cho Trung Quốc, và cũng là điều mà Trump muốn giảm đi một cách đáng kể. Tập Cận Bình có thể giảng giải cho Trump và bộ tham mưu rằng trong nhiều trường hợp thực ra Mỹ chỉ nhập khẩu hàng của Mỹ made in China, rằng khi người Mỹ mua một chiếc Ipad với giá 500 USD thì thực ra phần của Trung Quốc chưa tới 50 USD, gần 300 USD là của Mỹ, phần còn lại của Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan. Đúng, nhưng vấn đề là Apple vẫn có thể chế tạo những sản phẩm đó tại một nước khác trong những điều kiện thuận lợi hơn cho Mỹ. Không những thế, Mỹ và các nước dân chủ phát triển khác còn có lý do để không muốn tiếp tay giúp Trung Quốc giầu mạnh thêm. Họ ngày càng ý thức rằng Trung Quốc càng mạnh lên càng trở thành một đe dọa cho hòa bình thế giới, và chính Tập Cận Bình với chính sách bá quyền khu vực từ bốn năm qua đã cho họ nhận thức đó. Họ Tâp cũng không thể sử dụng khối công trái 1.100 tỷ USD mà Trung Quốc đang giữ của Mỹ. Nó chỉ là 5% khối nợ công của Hoa Kỳ và không thiếu những quỹ đầu tư khác sẵn sàng mua lại. Hơn nữa Trung Quốc cũng cần khối công trái này để, vừa che giấu sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc, vừa giữ cho hối suất đồng Nhân Dân Tệ đừng lên cao làm hàng hóa Trung Quốc mất sức cạnh tranh. Và đàng nào thì trong quan hệ thương mại giữa hai nước, Trung Quốc cũng là kẻ bán Hoa Kỳ là người mua, và người thiệt hại nếu có xung đột là kẻ bán.
Một vấn đề khác là Biển Đông. Ở đây Trung Quốc không chỉ yếu mà còn vi phạm luật pháp quốc tế. Tầm vóc và sự hung hăng của Bắc Kinh nhiều khi khiến người ta quên rằng về hải quân và không quân Trung Quốc còn yếu hơn cả Nhật và Đài Loan. Và cũng đã có phán quyết của Tòa án quốc tế Den Haag.
Tập Cận Bình thừa hiểu là trên tất cả những vấn đề có thể tranh cãi – dù là Triều Tiên, quan hệ thương mại, Đài Loan hay Biển Đông - Trung Quốc chỉ có thể nhượng bộ và phải nhượng bộ. Thành công của Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ lần này chỉ là đã tạm thời trì hoãn được sự công khai hóa những nhượng bộ bắt buộc cho tới sau Đại Hội 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc dự trù mùa hè năm nay. Tập Cận Bình sẽ rất lúng túng trong đại hội này, thậm chí có thể bị mất chức nếu nhượng bộ ngay bây giờ hay nếu để nổ ra tranh chấp với Hoa Kỳ và các đồng minh, trong đó dĩ nhiên Trung Quốc bị thiệt thòi. Có thể nói trong chuyến đi này, họ Tập đã đạt được thắng lợi nhưng đây là một thắng lợi có vị đắng.
Việt Nam sẽ ra sao trong bối cảnh mới này ?
Trái với tâm trạng bi quan của nhiều người, chúng ta không nên lo ngại Việt Nam sẽ bị sáp nhập thành một tỉnh của Trung Quốc. Ngay cả nếu ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam muốn như vậy để được tiếp tục cầm quyền thì Trung Quốc cũng đã có quá nhiều tỉnh bất ổn rồi để còn muốn có thêm một tỉnh còn bất kham hơn nữa. Trung Quốc chưa chắc đã giữ được sự thống nhất hiện nay thì còn lòng dạ nào để chuốc lấy một mối nguy khác ? Sáp nhập Việt Nam chỉ có lợi cho Trung Quốc nếu cho phép Trung Quốc kiểm soát Biển Đông. Nhưng nếu tham vọng kiểm soát Biển Đông không còn nữa thì Việt Nam không còn giá trị chiến lược nào đối với Trung Quốc mà chỉ còn là một gánh nặng. Nếu sự sáp nhập không đặt ra nữa thì Việt Nam còn có thể là một mối nguy cho chế độ cộng sản Trung Quốc nếu trở thành một nuớc dân chủ. Một sự thực là ngày nay hai dân tộc Việt và Hoa đã bị đẩy vào thế thù địch, và chính quyền Bắc Kinh hình như còn cố tình đóng góp tạo ra tâm lý thù địch này. Phải chăng vì lo xa Bắc Kinh muốn hai dân tộc thù ghét nhau để một nước Việt Nam dân chủ sắp tới không khuyến khích những đòi hỏi dân chủ tại Trung Quốc ?
Và nếu Trung Quốc không còn là một chỗ dựa thì chế độ cộng sản Việt Nam có thể trụ được không ? Chắc chắn là không, nó đã quá tùy thuộc vào Mỹ, Châu Âu và các nước dân chủ để có thể giữ nguyên bản chất. Bằng cách này hay cách khác Việt Nam sẽ phải có dân chủ trong một tương lai gần. Dù là theo con đường Ba Lan hay theo kịch bản Romania.
Nguyễn Gia Kiểng
(09/03/2017)