Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quốc hội Bỉ nghe nhân chứng cáo buộc Bắc Kinh "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ; Mỹ ra luật chống kỳ thị người gốc Á ; hàng chục triệu dân nghèo Ấn Độ bị loại khỏi hệ thống tiêm ngừa Covid ; Đức nâng mạnh mức cắt giảm khí thải – khối G7 ngừng tài trợ cho than đá ngay từ năm nay ; ban nhạc rock nổi tiếng Gojira của Pháp tái xuất với album Fortitude. Trên đây là các chủ đề chính tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

bi1

Một trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 23/04/2021. © AP/Mark Schiefelbein

Từ nhiều năm nay, giới bảo vệ nhân quyền đã lên án các đàn áp tàn bạo nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi, ở Tân Cương, Trung Quốc, nhưng việc Quốc hội một số quốc gia lên án "tội ác diệt chủng" của Bắc Kinh nhắm vào cộng đồng này ở cấp độ mới chỉ bắt đầu từ ít tháng nay. Tiếp theo Quốc hội Canada, Quốc hội Hà Lan (cuối tháng 2/2021), và Quốc hội Anh (cuối tháng 4/2021), đến lượt Quốc hội Bỉ xem xét ra nghị quyết lên án "tội ác diệt chủng" do Bắc Kinh tiến hành. Ngày 18 và 19/05 vừa qua, Hạ Viện Bỉ thảo luận về đề nghị công nhận nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Cuộc họp, dự định diễn ra ngày 04/05, bị hoãn lại do hệ thống internet ở Bỉ bị tin tặc tấn công trên quy mô lớn. Cuộc tấn công diễn ra chỉ hai tiếng đồng hồ trước giờ khai mạc cuộc họp dự kiến.

Nhân chứng Qelbinur Sidiq

Nhân chứng về tội ác đối với người Duy Ngô Nhĩ trước Quốc hội Bỉ của bà Qelbinur Sidiq, hiện đang tị nạn tại Hà Lan, gây xúc động mạnh. Bà Qelbinur Sidiq, từng bị buộc dạy tiếng Hoa cho người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam, hiện đang tị nạn tại Hà Lan. Trên làn sóng của RFI, Qelbinur Sidiq thuật lại tình cảnh trong các trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cùng những cảm nhận, suy nghĩ và hy vọng của bà :

"Tại các trại này, phụ nữ và đàn ông bị cạo trọc, họ đều bị xích, vẻ mặt yếu ớt và bệnh tật. Mỗi khi nghĩ đến gương mặt họ, tôi lại khóc. Tôi đã được cử đến một trại giam phụ nữ. Ngày đầu tiên tôi chứng kiến cảnh một thiếu nữ khoảng 18 đến 20 tuổi chết. Cô ấy bị chảy máu quá nhiều do kinh nguyệt, nhưng không có ai trong trại quan tâm đến cô ấy cả.

Những người bị giam giữ cho tôi biết là các thiếu nữ này bị những kẻ coi tù cưỡng hiếp. Khi các cai ngục ăn uống cùng nhau, họ kể cho nhau nghe đã cưỡng hiếp những cô gái ấy như thế nào.

Chính tôi, vào năm 2019, cùng với hàng trăm phụ nữ Duy Ngô Nhĩ khác, đã phải đợi bốn giờ đồng hồ dưới trời mưa, để chờ bị triệt sản. Lúc đó tôi đã 50 tuổi. Tôi trở thành tàn phế trong suốt phần đời còn lại của mình. Không bao giờ tôi có thể quên điều đó.

Hiện tại, người chị em của tôi và các anh em tôi bị công an thẩm vấn. Hai tuần gần đây, công an Trung Quốc đã gọi điện cho tôi, đe dọa tôi, để tôi không dám lên tiếng. Tôi tố cáo các tội ác của chính quyền Trung Quốc, với cái giá là sinh mệnh của gia đình tôi.

Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, kể cả Bỉ, công nhận các tội ác chống lại người Duy Ngô Nhĩ như "tội ác diệt chủng". Tôi hy vọng là cộng đồng quốc tế sẽ xử lý một cách thực sự vấn đề này".

Giam cầm, cưỡng bức lao động, triệt sản, hãm hiếp, hành hạ đủ kiểu, giết hại hay đưa đi mất tích, đưa cán bộ vào sống trong từng gia đình để buộc người Duy Ngô Nhĩ phải theo văn hóa Hán là những điều mà giới bảo vệ nhân quyền tố cáo từ nhiều năm nay. Nhà Trung Quốc học Vanessa Frangville (Đại học Tự do Bruxelles - ULB) cảnh báo với các dân biểu Bỉ về chính sách "hủy diệt có hệ thống" của Bắc Kinh nhắm vào sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, có thể tiêu diệt hoàn toàn sắc tộc này trong vòng "một hoặc hai thế hệ". Theo vị chuyên gia này, đã có gần 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ (trên tổng số hơn 10 triệu dân cư) bị đưa vào các trại cải tạo ở Tân Cương, những năm gần đây.

Cho đến nay, Bắc Kinh ngăn chặn mọi điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc. Theo giới quan sát, trong hiện tại, mục tiêu đưa chính quyền Trung Quốc ra tòa án quốc tế là bất khả thi. Duy nhất có con đường hiệu quả là Quốc hội các nước lên tiếng tố cáo nạn diệt chủng ở Tân Cương. Về phía Hoa Kỳ, tháng Giêng 2021, ngay trước khi tổng thống Joe Biden nhậm chức, ngoại trưởng Mike Pompeo của chính quyền tiền nhiệm đã trực tiếp lên án "tội ác diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ. Ông Joe Biden, khi còn là ứng cử viên tổng thống, đã ra một thông báo hồi tháng 8/2021, lên án "tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền độc tài Trung Quốc".

Mỹ ra luật chống kỳ thị người gốc Á 

Hôm qua, 20/05/2021, tổng thống Hoa Kỳ thông qua luật chống thù hận chủng tộc liên quan đến đại dịch Covid-19 (Covid-19 Hate Crimes Act). Luật được đưa ra trong bối cảnh tình trạng kỳ thị nhắm vào các cộng đồng người Mỹ gốc Á gia tăng, kể từ đầu đại dịch. Luật dự kiến lập ra nhiều đường dây điện thoại khẩn, để kịp thời hỗ trợ cư dân gốc Á không nói được Anh.

Thông tín viên Anne Corpet tường trình từ Washington :

"Tôi tự hào là hai bên Dân chủ và Cộng hòa đã đoàn kết để hành động", tổng thống Joe Biden nói. Với một sự ủng hộ hiếm có của lưỡng đảng Hoa Kỳ, mà dự luật đã được thông qua tại Quốc hội. Bạo lực chống lại các cộng đồng gốc Châu Á tại Mỹ gia tăng kể từ khi đại dịch Covid 19 xuất hiện, đại dịch mà tổng thống tiền nhiệm Donald Trump gọi đó là do "virus Trung Quốc" gây ra.

Trong bài diễn văn nói trên, đương kim tổng thống đã lên án các cuộc tấn công đáng phẫn nộ này và kêu gọi người Mỹ phải có thái độ. Ông Joe Biden nói : "Mỗi khi chúng ta im lặng, mỗi khi chúng ta để cho thù hận bùng lên, chính là chúng ta đã phản bội lại những gì tạo thành bản sắc Hợp chủng quốc của chúng ta. Tôi thực sự nghĩ rằng : chúng ta không thể để cho cái nền tảng ấy bị sói mòn, như đã từng xẩy ra trong một số giai đoạn trong lịch sử, như điều này vẫn còn tiếp tục tái diễn. Hận thù không có chỗ tại Hoa Kỳ !".

Bạo lực nhắm vào các cộng đồng gốc Châu Á nhiều khi đẫm máu. Tại Atlanta, cách nay hai tháng, một tay súng đã sát hại 6 phụ nữ ở ba cửa hàng mát xa Châu Á".

Tổng thống Joe Biden đặc biệt chú ý đến việc tên gọi virus gây bệnh Covid-19 có thể làm gia tăng sự thù hận, và các hành động kỳ thị chủng tộc nhắm vào người gốc Á. Chưa đầy một tuần sau khi nhậm chức, ông Joe Biden đã ra một Bản ghi nhớ ngày 26/01/2021, lên án nạn kỳ thị nhắm vào người gốc Á, dân các đảo Thái Bình Dương, và yêu cầu bộ trưởng Y Tế cân nhắc sử dụng các mô tả phù hợp, "hạn chế sử dụng các ngôn từ có thể gây kỳ thị về mặt chủng tộc". Theo nhiều nhà quan sát, từ virus Vũ Hán, hay virus Trung Quốc bị lạm dụng có thể góp phần làm gia tăng tâm lý bài Châu Á.

Khí hậu : G7 ngừng tài trợ than đá, Đức nâng mạnh mục tiêu cắt giảm khí thải

Khối bảy cường quốc công nghiệp thế giới (G7) và nhiều thành viên của khối đang có thêm nhiều nỗ lực trong cuộc chiến khí hậu. Ngày 20/05, bộ trưởng Môi trường Đức, Canada, Mỹ, Pháp, Nhật và Anh, cam kết gia tăng nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Than đá bị chỉ đích danh là thủ phạm số một.

G7 cam kết "có các biện pháp cụ thể nhằm chấm dứt dùng tiền công để tài trợ cho than đa từ đây đến cuối năm". Tuyên bố được đưa ra nửa năm trước thượng đỉnh Khí hậu COP 26 tại Glasgow, Anh quốc, được coi là cơ may cuối cùng để quốc tế đạt đồng thuận về các biện pháp cụ thể nhằm hướng đến mục tiêu không để nhiệt độ Trái đất tăng quá từ 1,5° C đến 2°C so với thời tiền công nghiệp. Chủ tịch COP 26, Alok Sharma, đã hoan nghênh "một bước tiến quan trọng hướng đến một nền kinh tế toàn cầu trung hòa về khí thải".

Thượng đỉnh G7 lần tới, do Anh đăng cai, sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 13/06. Thủ tướng Anh đặt hàng một báo cáo độc lập về G7 và tiến trình chuyển sang kinh tế Xanh. Báo cáo do kinh tế gia nổi tiếng Nicholas Stern, trường London School of Economics chủ trì, công bố hôm 10/05, khuyến cáo khối G7 đầu tư 10.000 tỉ đô la từ đây đến 2030, cho công cuộc phục hồi và chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh.

Tại Đức, đầu tuần trước, chính phủ Đức đã thông qua mục tiêu khí hậu mới. Thông tín viên Pascal Thibault tường trình từ Berlin :

"Đêm hôm qua, dinh thủ tướng tại Berlin "bốc lửa". Chí ít thì đây cũng là ấn tượng để lại từ các hình ảnh mà tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace chiếu lên tường nhà dinh thủ tướng Đức. Người ta có thể đọc được những dòng chữ như sau "vì quyền của các thế hệ tương lai, hãy bảo vệ khí hậu ngay từ bây giờ".

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace tiến hành hoạt động nói trên chỉ vài giờ trước khi chính phủ Đức thông qua dự luật tăng cường các biện pháp về trung hạn của nước Đức, chống lại xu thế khí hậu bị hâm nóng.

Văn bản năm 2019, có hiệu lực cho đến 2030, đã cần phải đến nhiều tháng thảo luận kỳ công giữa hai đảng bảo thủ và xã hội – dân chủ. Lần này thì chính phủ chỉ cần hai tuần lễ, sau khi Tòa Bảo Hiến ra quyết định, yêu cầu phải có các cam kết hành động vì khí hậu cụ thể cho giai đoạn kể từ 2030 trở đi. Chính thành công của đảng Xanh trong các thăm dò dư luận, và thời điểm gần sát ngày bầu cử đã giải thích lý do vì sao chính phủ Đức lại nhanh chóng khẳng định một cách rõ ràng lập trường vì môi sinh đến như vậy.

Khí thải gây hiệu ứng nhà kính cần phải giảm 65% trước năm 2030 so với năm 1990, trong lúc chỉ tiêu trước đó chỉ là 55%. Và mục tiêu trung hòa về khí thải gây hiệu ứng nhà kính được xác định là 2045, tức sớm hơn 5 năm so với mục tiêu cũ. Các biện pháp cụ thể sẽ còn phải được làm rõ, nhưng hệ quả sẽ là rất lớn đối với ngành công nghiệp nặng, lĩnh vực chế tạo xe hơi, giao thông vận tải hay nhà cửa. Các loại năng lượng tái tạo sẽ phải được phát triển nhanh hơn, việc từ bỏ than đá cũng sẽ phải sớm hơn".

Ấn Độ - Covid : Hàng chục triệu dân nghèo bị loại khỏi hệ thống tiêm ngừa

Tại Ấn Độ, theo số liệu của chính quyền, những ngày gần đây đại dịch Covid vẫn tiếp tục lan rộng, với khoảng 4.000 người chết mỗi ngày, cùng 300.000 nghìn người nhiễm mới. Bên cạnh tình trạng thiếu vac-xin, việc đông đảo dân nghèo không có điều kiện tiêm chủng là mối lo ngại lớn. Nếu hàng chục triệu dân tại những nơi nguy cơ lây nhiễm cao không được tiêm chủng, đại dịch khó có hy vọng sớm được khống chế. Thông tín viên Sébastian Farcis tường trình từ New Delhi :

"Naveen bán dưa bở và dưa hấu trong một ngõ nhỏ thuộc một khu phố nghèo ở phía nam thủ đô New Delhi. Người bán dưa 50 tuổi này suốt ngày tiếp xúc với đủ loại người. Ông muốn tiêm chủng, nhưng không biết làm thế nào để được tiêm. Naveen có một chiếc điện thoại rẻ tiền. Ông chia sẻ : tôi nghe nói là phải gọi điện thoại cho họ, nhưng không biết như thế nào. Tôi sẽ làm khi nào họ thông báo cho tôi.

Tại Ấn Độ, những người muốn được chích ngừa phải đăng ký trên mạng. Việc này đòi hỏi phải có một chiếc điện thoại, internet được kết nối, và cũng phải biết được cách thức đăng ký. Thủ tục này khiến hàng chục triệu người dân Ấn Độ không thể có điều kiện tiêm chủng. Nitin Kumar, một người lái xích lô, với thu nhập một đô la một ngày, là một trong số họ. Ông nói : tôi không có điện thoại, không có thẻ căn cước. Ông đặt câu hỏi : ai có thể giúp được tôi đây ? Người đạp xích lô này than thở : chính những người giàu có mang virus từ nước ngoài về, còn người nghèo thì phải chịu khổ vì dịch bệnh.

Các bệnh viện công có hỗ trợ những người nghèo nhất đăng ký tiêm chủng. Nhưng điều đó không thuyết phục được Rajesh Kumar, một người lái xe ba bánh. Ông nói : tôi vất vả lắm mới tìm được đồ ăn trong những ngày gần đây. Tôi không có thời gian để mất vào chuyện đó. Lẽ ra chính quyền phải tổ chức tiêm chủng cho chúng tôi tại những nơi chúng tôi làm việc, chẳng hạn như tại các cây xăng, như thế sẽ dễ dàng cho chúng tôi hơn.

Tính đến hiện tại, mới chỉ có khoảng 3% dân số Ấn Độ được tiêm chủng đủ liều".

"Fortitude" - Tiếng thét vì hành tinh : Sự trở lại của ban nhạc Gojira

Trong lĩnh vực văn hóa, sự trở lại đầu tháng 5/2021 của ban nhạc rock nổi tiếng của Pháp Gojira, với album thứ bảy mang tên "Fortitude" (tạm dịch là sự kháng cự ngoan cường), được báo chí và giới âm nhạc tại Pháp hồ hởi đón nhận.

Le Monde có bài "Điệu rock metal gào rú của Gojira, một tiếng thét vì hành tinh". Trang mạng văn hóa Telerama cũng nhìn nhận tương tự : "Fortitude" của Gojira, một tiếng gầm của rock vì hành tinh và nhân loại". Còn theo France Info, "Với album mới này, hành tinh hơn bao giờ hết trong tâm hồn của ban nhạc Gojira".

Gojira là một trong số ít ban nhạc rock Pháp có nhiều dân hâm mộ bên kia Đại Tây Dương. Nhiều nhạc phẩm của Gojira lên án xã hội tiêu thụ, tàn phá môi trường. Sáng tác của Gojira cũng mang đậm chất tâm linh. Nhạc phẩm thứ nhất trong album vừa ra mắt "Born For One Thing " lấy cảm hứng từ các triết gia Tây Tạng và Thái Lan, mà nhạc sĩ Joe Duplantier, người soạn lời cho các ca khúc của nhóm, được thừa hưởng từ những trang sách tuổi thơ. 

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Quốc tế

Diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc có nguy cơ ra tòa án quốc tế

Libération phỏng vấn một nữ giáo viên Duy Ngô Nhĩ đang lưu vong ở Châu Âu. Nhân vật vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân đã kể lại chi tiết những điều tai nghe mắt thấy trong trại cải tạo ở Tân Cương : bắt giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, tra tấn, hãm hiếp, lao động khổ sai… chứng tỏ chính sách đồng hóa của Đảng cộng sản Trung Quốc đã ngả sang hướng diệt chủng.

uighur1

Người biểu tình Duy Ngô Nhĩ trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫm lên ảnh bí thư Tân Cương, Trần Toàn Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 01/10/2019. © Reuters/Huseyin Aldemir/File Photo

Le Monde hôm nay chạy tựa "Châu Âu : Hậu trường một cuộc đàm phán ngoại hạng". Le Figaro  đặt câu hỏi "Có nên lo ngại Covid-19 dấy lên trở lại ?", Les Echos lo lắng với "Cú sốc của một mùa hè không khách du lịch". La Croix quan tâm đến "Nguy cơ tân quốc xã tại Đức". Riêng Libération dành trọn trang bìa và 7 trang báo khổ lớn bên trong để tố cáo nạn diệt chủng đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Sau khi một báo cáo về việc Trung Quốc cưỡng bức triệt sản được công bố, nhật báo thiên tả đã gặp một nữ giáo viên Duy Ngô Nhĩ lưu vong ở Châu Âu. Nhân chứng này đã kể lại những điều tai nghe mắt thấy trong trại cải tạo ở Tân Cương : bắt giam hàng loạt, tra tấn, hãm hiếp, lao động khổ sai… chứng tỏ chính sách đồng hóa của Đảng cộng sản Trung Quốc đã ngả sang hướng diệt chủng.

Phóng viên Libération đã gặp bà Qelbinur Sidik Beg tại một nước Tây Âu không được tiết lộ vì lý do an ninh. Cuộc đời của nhà giáo tốt nghiệp đại học Urumqi về văn minh Trung Hoa đã đảo lộn từ ngày 01/03/2017, khi bà được tuyển vào làm giáo viên trong một trại cải tạo. Những lời kể rất chi tiết của bà đã xác nhận những thông tin thu thập được từ ba năm qua từ những người tù hiếm hoi được thả, và điều tra của các nhà báo, nhà nghiên cứu.

Địa ngục cải tạo Tân Cương : Ngược đãi, tra tấn, hãm hiếp

Các xà-lim giam giữ 97 "học viên" của bà chìm trong bóng tối, chỉ có những tấm mền trải dưới đất. Cháo phát cho học viên chẳng thấy hạt gạo nào, chỉ toàn nước. Số lượng học viên giảm dần vì chết và sức khỏe suy sụp, đi không nổi, trong khi lúc đầu họ rất khỏe mạnh. Người tù chỉ được tắm một lần mỗi tháng 15 phút, xà-lim không có toa-lét, chỉ có một chiếc xô được đổ mỗi tuần một lần, mùi hôi thối nồng nặc khiến nhiều người đổ bệnh.

Chỉ trong sáu tháng đã có thêm ít nhất 3.000 người bị tống vào trại, họ là những trí thức, doanh nhân, sinh viên chỉ có tội là đã tham khảo Facebook. Phòng tra tấn ở dưới tầng hầm, tiếng kêu la của các nạn nhân nghe được khắp nơi. Một nữ công an thân với bà Beg bí mật cho biết, có bốn kiểu tra tấn bằng dụng cụ điện : ghế, găng, nón sắt, gậy.

Đến tháng 9/2017, giáo viên này được đổi sang một trại khác, giam toàn nữ. Có đến 10.000 phụ nữ hầu hết trẻ tuổi, xinh đẹp và học thức ; họ bị đi cải tạo vì từng du học nước ngoài, như Hàn Quốc, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Âu, Mỹ. Tại trại nữ, tất cả cán bộ đều là đàn ông người Hán. Mỗi ngày, khoảng bốn, năm cô gái bị gọi lên để hãm hiếp tập thể một cách dã man. Tất cả đều bị buộc triệt sản, bản thân người kể chuyện cũng bị cưỡng bức đặt vòng tránh thai. Tại khu nhà nơi bà cư ngụ, 190/600 cư dân người Duy Ngô Nhĩ biến mất trong vòng hai năm, những người Hán dọn đến lấp đầy những căn nhà trống.

Triệt sản, buộc phá thai, tẩy não…

Theo nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz, thì năm 2018 có đến 80% trường hợp đặt vòng là tại Tân Cương, trong khi vùng đất này chỉ chiếm 1,8% dân số Trung Quốc. Công trình nghiên cứu 28 trang từ các dữ liệu của Trung Quốc chứng minh nhà nước độc đảng đang lao vào chiến dịch hạn chế sinh sản đối với một nhóm sắc tộc. Đây là một trong năm tiêu chí xác định nạn diệt chủng, được định nghĩa trong hiệp ước ngăn ngừa và trấn áp tội ác diệt chủng của Liên Hiệp Quốc năm 1948.

Từ năm 2016, số sinh tại những phường xã mà đa số dân là người Duy Ngô Nhĩ giảm mạnh, trong khi những nơi cư dân là người Hán tăng lên, thậm chí gấp 8 lần. Việc hạn chế sinh sản được chỉ đạo từ cấp cao nhất ở Bắc Kinh nhằm hạ thấp dân số Duy Ngô Nhĩ, vì "làm giảm bản sắc quốc gia và nhận diện Hán tộc". Một nhà sử học Trung Quốc giấu tên nhận định, bắt đầu từ việc cấp nhà đất miễn phí để thu hút người Hán di dân ồ ạt đến Tân Cương, nhưng sau thất bại của việc Hán hóa một cách hòa bình, Bắc Kinh bèn sử dụng những biện pháp phát-xít.

Ngừa thai, triệt sản, cưỡng bức phá thai được tiến hành song song với việc tẩy não những trẻ em bị tách rời khỏi gia đình. Hàng trăm ngàn nhân viên người Hán được gởi đến sống chung với các gia đình Duy Ngô Nhĩ, ngủ chung với các phụ nữ độc thân. Nhà sử học Hélène Dumas thuộc CNRS khẳng định chính sách thô bạo nhắm vào phụ nữ và trẻ em rất đáng ngại, vì diệt chủng tập trung vào chặt đứt mối liên quan giữa các thế hệ.

Bằng chứng diệt chủng Duy Ngô Nhĩ nhiều hơn cả Rwanda

Dù kiểm soát chặt chẽ bằng công nghệ cao, vẫn có những thông tin lọt được ra ngoài. Marie Lamensch, Viện nghiên cứu về diệt chủng ở Montréal, cho biết : "Chưa bao giờ có nhiều bằng chứng như vậy so với Rwanda. Vấn đề là sức mạnh của Trung Quốc, ngày càng kiểm soát được nhiều tổ chức Liên Hiệp Quốc và vận động được nhiều nước kể cả các nước Hồi giáo. Trừng phạt kinh tế có thể gây tác động. Cần phải tập hợp các bằng chứng chuẩn bị đưa ra tòa, và nêu rõ Trung Quốc đã phạm tội ác chống nhân loại".

Liên Hiệp Châu Âu (EU) đòi hỏi Bắc Kinh cho phép và tạo điều kiện cho các đại sứ EU thăm Tân Cương. Trong khi chờ đợi, tình hình người Duy Ngô Nhĩ ngày càng gây tiếng vang : trong một cuộc phỏng vấn, BBC làm đại sứ Trung Quốc tại Anh bối rối trước một video cho thấy hàng trăm người Duy Ngô Nhĩ bị cạo trọc, bịt mắt, quỳ gối trong một nhà ga. Chương trình này đã thu hút trên 6 triệu lượt xem từ cuối tuần qua. Liên minh các nghị sĩ về vấn đề Trung Quốc (IPAC), tập hợp trên 160 nghị sĩ của 16 nước, đang vận động để tiến hành một vụ kiện quốc tế.

Tuy nhiên bản thân Adrian Zenz - nhà nghiên cứu đầu tiên đã đưa ra ánh sáng việc 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị tống vào trại cải tạo và nay tố cáo nạn triệt sản người Duy Ngô Nhĩ - lại bị Bắc Kinh trực tiếp đe dọa.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 08/07 đã khuyến cáo ông "sửa chữa những lỗi lầm, vì những sai trái sẽ dẫn đến hủy diệt". Adrian Zenz nói với Libération, một nước muốn trở thành siêu cường quốc tế mà lại đi đe dọa cá nhân một nhà nghiên cứu là điều chưa từng thấy. Nhưng Bắc Kinh không thể nào chối cãi được vì các dữ liệu trong nghiên cứu của ông lấy từ chính các tài liệu của nhà nước Trung Quốc.

Trung Quốc sợ ra tòa quốc tế, Mỹ cứng rắn, Châu Âu lừng khừng

Ông nhận định, Trung Quốc lo sợ trước bài xã luận ngày 06/07 trên Washington Post mang tựa đề "Những gì diễn ra tại Tân Cương là diệt chủng", và kêu gọi tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Và lần đầu tiên, hai tập thể Duy Ngô Nhĩ lưu vong kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại. Cho dù có xóa đi những tài liệu trên mạng, tội ác của Bắc Kinh đã bị tiết lộ. Nhà nghiên cứu lấy làm tiếc vì các phản ứng yếu ớt của phương Tây, đặc biệt là nước Đức của ông, với lịch sử đã trải qua.

Trong khi nhiều cường quốc giữ im lặng, chỉ có chính quyền Donald Trump tỏ ra quyết đoán, lên án Bắc Kinh "vi phạm trầm trọng nhân quyền", là "vết nhơ của thế kỷ". Lần đầu tiên một ủy viên Bộ Chính trị là Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư Tân Cương, bị Hoa Kỳ trừng phạt cùng với một số quan chức khác hôm 09/07. Sau khi việc triệt sản bị tiết lộ, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tố cáo "Đảng cộng sản Trung Quốc hoàn toàn coi thường tính chất thiêng liêng của sinh mạng và nhân phẩm con người". Tổng thống Trump hôm 17/06 đã ký ban hành luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được lưỡng đảng Quốc hội thông qua hồi tháng Năm.

Ghi nhận những nỗ lực tích cực của Washington về Tân Cương và Hồng Kông, nhưng tờ báo chỉ trích Mỹ vẫn làm ngơ trước những vi phạm của đồng minh Ả Rập Xê Út và dung túng cho Bắc Triều Tiên. Còn với nước Pháp ? Chẳng có hành động gì cả, ngoài sự im lặng, mà nếu cứ kéo dài, sẽ trở thành đồng lõa.

Hậu trường cuộc đàm phán gay cấn của EU

Tại Châu Âu, vào lúc năm giờ rưỡi sáng nay, 27 nước EU đã đạt một thỏa thuận lịch sử sau bốn ngày bốn đêm đàm phán căng thẳng. Le Monde, ra từ chiều hôm trước, thuật lại diễn biến gay go trong hậu trường.

Bốn nước "keo kiệt" Hà Lan, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch cộng thêm Phần Lan đã làm mọi cách để giảm thiểu tầm vóc của kế hoạch phục hồi kinh tế, đồng thời cò kè bớt một thêm hai cho quyền lợi nước mình. Họ không muốn ngân sách tài trợ vượt quá 350 tỉ euro so với đề nghị ban đầu, trong khi đã có rất nhiều nhượng bộ đối với họ như giảm trợ cấp, giảm ngân sách Châu Âu 2021-2027, giảm phần đóng góp của các nước này. Hai thủ tướng Hà Lan và Áo còn đòi siết chặt thêm điều kiện Nhà nước pháp quyền để đẩy Ba Lan và Hungary vào nhóm phản đối.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel phản ứng dữ dội. Ông Macron giận dữ dọa sẽ rời bàn hội nghị, và cuối giờ chiều thứ Bảy 18/07 tổng thống Pháp cũng đã yêu cầu chuẩn bị máy bay để quay về Paris. Đêm thứ Bảy, ông Macron và bà Merkel cùng thức đến ba giờ sáng Chủ nhật bên ly vang trắng, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đều tự hỏi có cần thiết phải tiếp tục hay không. Le Monde nhận xét, hội nghị thượng đỉnh EU "bằng xương bằng thịt" đầu tiên sau đại dịch, với những cuộc họp song phương đủ loại, những phát biểu nảy lửa, những cánh cửa đóng sập lại giận dữ, nhắc người ta nhớ đến các cuộc họp nhằm cứu vãn Hy Lạp trước đây.

Le Figaro cho biết các nước EU "bực tức và hoài nghi trước cung cách của Mark Rutte". Thủ tướng Hà Lan là một nhà đàm phán đáng gờm : hóm hỉnh và tươi cười khi cần làm giảm áp lực, trầm tĩnh để làm đối thủ mất kiểm soát, tung hỏa mù để che giấu ý định thực sự nhằm đòi thêm nhượng bộ. Một người thân cận với hồ sơ bực bội nói : "Mỗi lần ngỡ đã thỏa thuận được một điều rồi, ông ta lại đòi thêm điều khác và rồi điều khác nữa". Đây cũng là bình thường trong đàm phán, nhưng vấn đề là Rutte đi quá xa. Cách thức lấn dần từng bước của ông đã thành công, nhưng việc đòi lấy được phần mình như Anh thời trước, đã để lại dấu ấn nặng nề tại EU. Một nhà ngoại giao khuyến cáo : "Nếu tôi là Rutte, tôi sẽ tránh đi nghỉ tại một nước Nam Âu mùa hè này".

Thụy My

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Là một người trẻ "được" nhận nền giáo dục tuyên truyền của chế độ cộng sản suốt 12 năm, tôi đã không được biết sự thật đẫm máu và quá đỗi đau thương đằng sau cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 của cộng sản Bắc Việt, cho đến khi Internet phổ biến. Đọc những tài liệu nghiên cứu của các học giả Việt Nam và nước ngoài về cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968, khiến tôi không thể kiềm nén được cảm xúc đau nhói và tức giận trước bản chất máu lạnh và khát máu của Việt Cộng, là những người Việt Nam, có cùng máu đỏ da vàng giống như tôi.

mauthan1

Kết quả một vụ thảm sát dưới tay cộng sản Việt Nam tại khe Đá Mài phía nam Huế, tháng 2, 1968 Tết Mậu Thân. 428 nạn nhân đa số người Thiên chúa giáo, gồm tu sĩ công chức, bác sĩ, giáo sư và những chuyên viên ngành nghề khác. Nạn nhân bị bắt giữ ở nhà thờ Phú Cam Huế trước khi bị dẫn ra khỏi thành phố vào đầu tháng 2 năm 1968 và bị bắn chết dọc theo bờ lạch. Theo thông tin của cán binh địch đào ngũ Sư đoàn Bộ binh 101 (di động không kỵ) tìm thấy xác nạn nhân ngày 19 tháng 9, năm 1969. Nguồn : Nguyen, Huu Hien, 23 February 1969.

Đúng 50 năm về trước, Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đồng ý ngừng bắn 36 giờ để toàn dân được đón Tết theo truyền thống dân tộc. Khốn nạn thay, cộng sản Bắc Việt đã phản bội bản ký kết với Việt Nam Cộng Hòa, dưới danh nghĩa Mặt trận Giải phóng miền Nam, đồng loạt tấn công vào 41 tỉnh, thành phố và hàng trăm thị xã miền Nam.

Theo nhiều nguồn tin thì sau khi cuộc tổng tiến công Huế kết thúc vào ngày 24 tháng 2 năm 1968, thì có khoảng 3.500 thường dân bị mất tích. Một số đã chết trong cuộc chiến và bị chôn vùi trong những đống đổ nát. Khi người dân Huế và quân đội Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu dọn dẹp, thì họ đã bắt gặp một loạt các khu mộ chôn tập thể. Khoảng 150 xác chết đã được khai quật từ ngôi mộ đầu tiên, nhiều xác người cột chặt với nhau bằng dây thép và dây tre. Một số đã bị bắn chết, còn những người khác bị chôn sống.

Tác giả Buckley trong cuốn Fodor’s Exploring Vietnam đã nhận định rằng cuộc thảm sát 1968 ở Huế nhắm mục tiêu đến bất cứ ai có tình cảm dành cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, bao gồm các nhân viên cứu trợ nước ngoài, thương nhân, nhà sư Phật giáo, linh mục Công giáo, trí thức, và một số người nước ngoài có quan hệ với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, đều bị Việt Cộng bắn chết, chặt đầu và vùi thây họ trong những hố chôn tập thể.

Robert Shaplen đã viết trong tờ New Yorker vào tháng 3 năm 1968 rằng :

"Không có gì mà tôi thấy trong chiến tranh Triều Tiên hoặc chiến tranh Việt Nam cho đến nay, là khủng khiếp về tàn phávà chết chóc tuyệt vọng, như những gì tôi đã thấy ở Huế. Khoảng 3/4 các ngôi nhà ở Huế bị tàn phá hoàn toàn hoặc bị hư hỏng nghiêm trọng bởi bom và pháo đạn, trong khi đó những xác người chết chồng lên nhau trong những hố chôn tập thể, đầu của người này chồng lên đầu của người khác".

Tạp chí TIME tường thuật cuộc thảm sát Mậu Thân vào tháng 10, năm 1969 như sau :

"Ban đầu, những người đàn ông không dám bước vào con suối", một trong những người tìm kiếm nhớ lại. "Nhưng vì mặt trời đã bắt đầu lặn nên cuối cùng chúng tôi buộc phải bước vào dòng nước lạnh, trong lúc thầm cầu nguyện mong người chết tha thứ cho chúng tôi". Ở lạch nước, nhóm tìm kiếm đã phát hiện khoảng 250 hộp sọ và hàng đống xương. Một người Mỹ có mặt tại hiện trường cho biết : "Những ổ mắt thủng sâu thẳm và đen, trong khi dòng nước chảy siết qua những bộ xương khô".

Vào ngày thứ năm của cuộc tiến công Mậu Thân, binh lính Cộng sản đã xuất hiện tại nhà thờ Phủ Cam, nơi mà những người dân Huế đang ẩn náu cùng gia đình và bắt họ đi. Những người Việt Cộng nói rằng họ bắt những người đàn ông đi để giáo dục tuyên truyền và sau đó sẽ cho họ về. Nhưng gia đình của những người đó đã không bao giờ nghe hoặc nhìn thấy họ thêm một lần nào nữa. Dưới chân núi Nam Hòa, mười dặm từ nhà thờ Phú Cam, những người bị bắt đi đã bị bắn chết hoặc bị đánh cho đến chết".

Reed Irvine, Chủ tịch của Accuracy in Media (Sự chính xác trong Truyền thông) cho biết :

"Hàng ngàn nạn nhân được chôn cất bí mật trong các ngôi mộ tập thể. Nhưng sự thiếu hiểu biết của nhiều người dân về cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 1968 cho thấy Đảng cộng sản đã thành công trong việc giữ kín cuộc thảm sát Huế như một bí mật. Việc phát hiện ra các khu mộ tập thể đã thu hút được sự chú ý tối thiểu của các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ, và cho đến năm 1985 cảnh quay các thi thể được khai quật đã được trình chiếu trên nhiều kênh truyền hình của chúng tôi".

Tổng kết từ nhiều nguồn khác nhau, ước tính rằng chỉ riêng ở Huế, Việt Cộng đã tàn sát ít nhất 5.700 người.Riêng đối với thiệt hại của quân đội cộng sản Bắc Việt, thì ít nhất 45 ngàn người thiệt mạng trong tổng số 84 ngàn quân.

"Hát trên những xác người" Việt Nam

Trong khi chính quyền cộng sản Việt Nam đớn hèn, câm miệng không tưởng niệm chính những liệt sĩ của chế độ đã thiệt mạng trong những trận chiến với Trung Quốc tại Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988) và chiến tranh biên giới Việt Trung (1979), thì nó lại khốn nạn và đê tiện tổ chức "Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968". Nhà nước cộng sản đang phục vụ dân tộc Việt Nam hay chính quyền Trung Quốc ?

Đảng cộng sản tự bịt mồm, nhắm mắt, đùa cợt trước những oan hồn vẫn chưa được trả công bằng, để hớn hở tổ chức "Lễ kỉ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968". Hành động này còn thua xa loài súc vật bởi vì những loại động vật này còn biết buồn khi đồng loại chết. Câu nói nổi tiếng của người khai sinh ra chủ nghĩa cộng sản là Karl Max, mô tả đầy đủ sự khốn nạn và độc ác của chóp bu cộng sản Việt Nam : "Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại mà chăm chút bộ lông của mình".

Máu đổ xuống, không phải chỉ của những người miền Nam hiền lành, nhưngcòn của rất nhiều bộ đội miền Bắc, đã nhuộm đỏ đất và nước Việt Nam.Thay vì xét mình để tưởng niệm những tang thương mà cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 đã gây ra, thì Đảng cộng sản lại điên cuồng, xấc xược khuấy sâu nhát dao vào vết thương chưa khô máu. Sự kiện tắm máu dân tộc Việt Nam quá đau thương như thế này, là một "Bản hùng ca" đáng vui mừng đối với những chóp bu cộng sản hay sao ?

Ít nhất 45 ngàn binh lính của cộng sản Bắc Việt thiệt mạng trong cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968, chứng minh được sự thất bại hoàn toàn của Đảng cộng sản trong chiến dịch bất nhân này. Thay vì hàn gắn vết thương, tổ chức tưởng niệm những nạn nhân đã thiệt mạng của cả hai miền Nam Bắc, chóp bu cộng sản lại thách thức lương tri của những người yêu Lẽ Phải và Sự Thật, bằng những buổi văn nghệ, hát mừng trên những xác người.

Đúng lý và hợp tình hơn, Đảng cộng sản phải chủ động hòa giải với dân tộc Việt Nam, nghĩa là nhận lỗi về những tang thương đã gây ra, phục hồi danh dự và bồi thường thiệt hại cho tất cả các nạn nhân. Cũng dễ hiểu, bởi Đảng cộng sản luôn rất sợ và chống lại lập trường hòa giải dân tộc vì không có gì thỏa mãn nó bằng một đất nước chia rẽ và hận thù.

Thay lời kết

Cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 1968 là một tội ác diệt chủng và cũng là một trong nhiều tội ác mà chế độ cộng sản đã gây ra cho dân tộc Việt Nam.

"Đảng Cộng Sản Việt Nam đã là một đại họa cho dân tộc ta. Nó đã là thủ phạm của cuộc nội chiến kéo dài ba mươi năm làm đất nước tan nát và nhiều triệu người thiệt mạng. Trong cơn mê cuồng áp đặt chủ nghĩa cộng sản nó cũng đã phạm những tội ác kinh khủng, tàn sát có chủ mưu hàng trăm ngàn người yêu nước hoặc vô tội".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).

Quá nhiều máu và nước mắt đã đổ ra nhân danh thứ chủ nghĩa cộng sản quái thai và Đảng cộng sản không xứng đáng cũng không đủ tư cách để tiếp tục độc quyền lãnh đạo dân tộc Việt Nam.Sự tồn tại của chế độ cộng sản cho đến nay là một thách đố vô cùng xấc xược đối vơi lương tri và danh dự của những người yêu mến đất Mẹ Việt Nam.Phải nhanh chóng thay thế chế độ độc tài toàn trị bằng dân chủ đa nguyên để hòa giải người Việt Nam với nhau,xóa bỏ hận thù, ngăn cách và chia rẽ.

"Để có dân chủ đa nguyên thực sự, điều chúng ta phải làm trước hết là xóa bỏ những hận thù do một quá khứ đẫm máu để lại và được một chính sách phân biệt đối xử nuôi dưỡng suốt thời gian qua.Hòa giải dân tộc là một bắt buộc của hoàn cảnh lịch sử. Có như thế chúng ta mới có thể chấp nhận nhau, nhận lỗi với nhau và tha lỗi cho nhau, để chung sống với nhau và bắt tay nhau xây dựng một tương lai chung. Còn nếu không đa nguyên cùng lắm chỉ có nghĩa là tạm thời chịu đựng lẫn nhau do một so sánh lực lượng chưa ngã ngũ. Đa nguyên mà không có hòa giải dân tộc như vậy chỉ là đa nguyên bệnh hoạn, chỉ chuẩn bị cho một sự thanh toán lẫn nhau".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).

Quan trọng hơn, phải hòa giải người Việt Nam với đất nước Việt Nam để phục hồi lòng yêu nước. Tổ quốc cần một kết hợp chính trị lương thiện, bao dung, và nhân ái để nối mọi bàn tay và mọi khối óc, cùng nhau xây dựng tương lai tươi sáng cho Việt Nam dựa trên lòng yêu nước.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đề nghị giải pháp cho bài toán chính trị Việt Nam : phải có một lực lượng chính trị làm đối trọng với Đảng cộng sản. Lực lượng này chia sẽ đường lối và giải pháp chung cho cuộc cách mạng dân chủ, sẽ đóng vai trò vận động quần chúng tham gia vào phong trào bất tuân dân sự trên toàn quốc, tạo áp lực buộc Đảng cộng sản phải thực hiện hòa giải dân tộc và bầu cử tự do. Và cuộc bầu cử tự do, dưới sự giám sát chặt chẽ và công bằng của cộng đồng quốc tế, sẽ là tiền đề để thiết lập chế độ dân chủ đa nguyên.

Để có thể xây dựng được đối trọng mạnh với Đảng cộng sản cần phải có sự tham gia và ủng hộ của những trí thức yêu nước, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính và địa lý.

Hãy dũng cảm tham gia cuộc cách mạng dân chủ vì mục tiêu của nó là tự do và hạnh phúc cho cả những người xa lạ và cho chính con cháu của chúng ta. Dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng nhân quyền và hạnh phúc như các dân tộc khác trên thế giới. Con cháu của bạn và tôi xứng đáng được hưởng một nền giáo dục nhân bản và khai phóng cũng như sống trong một môi trường sạch sẽ và lành mạnh.

Muốn được như thế, hãy đừng vô cảm, đừng buông tay, và hãy nhanh chóng quyết định : tham gia Tập Hợp !

Mai V. Phạm

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Đa nguyên – Bất bạo động – Hòa giải & Hòa hợp Dân tộc"

Tham khảo :

http://www.nytimes.com/1987/09/22/opinion/l-hue-massacre-of-1968-goes-beyond-hearsay-466387.html

http://www.history.com/this-day-in-history/mass-graves-discovered-in-hue

http://viewingamerica.shanti.virginia.edu/content/massacre-hue

https://www.vietnam.ttu.edu/exhibits/Tet68/aftermath.php

Additional Info

  • Author Mai V. Phạm
Published in Quan điểm