Câu chuyện đặt tên đường Alexandre de Rhodes và những chuyện còn chưa nói hết
Vài tuần nay đã dấy lên những tranh cãi chung quanh việc thành phố Đà Nẵng có nên hay không nên đặt tên đường Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes.
Có thể mượn hai bản kiến nghị của hai nhóm trí thức nhân sĩ để tóm tắt hai quan điểm trái chiều nhau :
1. Nhóm 12 trí thức-nhân sĩ ở Huế và Đà Nẵng cho rằng không nên đặt tên đường Alexandre de Rhodes vì giáo sĩ này không phải là người có công đầu đối với chữ quốc ngữ ; việc chết tác chữ quốc ngữ của các giáo sĩ phương Tây chỉ là để phục vụ việc truyền giáo tại xứ ta ; vả lại, các giáo sĩ phương Tây như Alexandre de Rhodes chính là những người đã mở đường cho thực dân Pháp đến nước ta mà thôi.
2. Nhóm 101 trí thức và nhân sĩ tại Sài Gòn và các nơi khác thì cho rằng rất nên đặt tên đường Alexandre de Rhodes để tỏ bày lòng biết ơn đối với công lao của vj giáo sĩ, bày tỏ lòng biết ơn với tiền nhân, đồng thời cho rằng hai vị giáo sĩ này xứng đáng được vinh danh vì họ đã góp phần tạo ra một hệ thống chữ viết góp phần rất lớn trong việc phổ cập và phát triển văn hóa Việt Nam.
Alexandre de Rhodes là một giáo sĩ Pháp đã đến Đàng Ngoài và Đàng Trong trong sứ mệnh truyền đạo Thiên Chúa, và chữ quốc ngữ chỉ là công cụ mà ông đã cùng các giáo sĩ phương Tây khác chế tác chỉ để phục vụ họ trong công việc truyền đạo mà thôi.
Có một điểm đáng lưu ý là cho đến nay, sau mấy tuần tranh luận qua lại, hai quan điểm tranh luận trên xem ra khó đi đến đồng thuận. Câu chuyện tưởng chừng chỉ là một đề tài học thuật nhưng lại trở thành một cuộc tranh luận rất xa học thuật. Và khi có một nhà sư Phật giáo tham gia tranh luận thì câu chuyện đã mang nhiều tính chất chính trị-xã hội có thể gây ra những sứt mẻ khó tránh.
Qua những gì bày tỏ trước công chúng, có thể nhận ra hai quan điểm trái chiều này đã đặt điểm tựa cơ sở tranh luận khác nhau : một bên dựa vào một tình cảm chính trị gọi là chủ nghĩa yêu nước mà chúng ta đã biết từ 1945 đến nay. Trên cơ sở này thì những ai không ở trên cùng chiến tuyến với ta hẳn nhiên là địch rồi. Alexandre de Rhodes là một giáo sĩ Pháp đã đến Đàng Ngoài và Đàng Trong trong sứ mệnh truyền đạo Thiên Chúa, và chữ quốc ngữ chỉ là công cụ mà ông đã cùng các giáo sĩ phương Tây khác chế tác chỉ để phục vụ họ trong công việc truyền đạo mà thôi. Thực tế lịch sử cũng đã cho thấy mối quan hệ thiết thân giữa công việc truyền giáo của các giáo sĩ với các triều đình các nước phương Tây trong thời kì các đế quốc thực dân đang vươn lên ở thế kỉ XV về sau.
Đáp lại quan điểm trên là những người chủ trương cần tôn vinh Alexandre de Rhodes và chữ quốc ngữ vì chính ông là người đã từng đánh dấu mốc quan trọng cho hành trình dài lâu và hữu dụng của chữ quốc ngữ. Trong nhóm này có những nhà trí thức chuyên ngành ngữ văn và những người khác. Trong cuộc tranh luận hiện nay, các vị khoa bảng chuyên môn về học thuật có thể nhắc lại cho chúng ta nhớ những chặng đường phát triển của chữ quốc ngữ từ khi nó còn trứng nước cho đến khi hoàn chỉnh rồi được nhà nước thuộc địa cho phổ cập trong giáo dục, hành chính như thế nào, rồi chữ quốc ngữ được chuẩn nhận là phương tiện chuyển ngữ trong xã hội ta sau năm 1945... Có vẻ như mọi người bằng lòng với lập luận cho rằng khi nhà nước Việt Nam ban hành quyết định dùng chữ quốc ngữ làm phương tiện chuyển ngữ trên toàn xã hội thì cũng là sự thừa nhận công lao và vai trò tiên phong của các giáo sĩ phương Tây -mà đại biểu hàng đầu là Alexandre de Rhodes- đối với chữ quốc ngữ (2).
Sự thể xem ra không thẳng băng như mong muốn của những người thuộc hai quan điểm trái chiều về hai vị giáo sĩ phương Tây nói trên. Có một nhân tố khá nổi cộm nhưng lại bị cất giấu đằng sau những tranh luận chung quanh hai vị thừa sai phương Tây này. Sự thật là cả hai quan điểm trên đây đã chỉ là kết quả của hai định kiến chính trị vốn lưu cữu trên đất nước mình từ thế kỉ XIX đến nay. Chừng nào chưa cảnh giác với di sản của những hệ lụy quá khứ như thế thì cuộc đối thoại hay tranh luận -cho dù ai muốn nó chỉ là tranh luận học thuật thì kết quả vẫn chỉ là như... đang diễn ra hiện nay, không có điểm kết chung.
Hãy cùng trở ngược lại thế kỉ XVI, khi Đại Việt chúng ta bắt đầu tiếp xúc với phương Tây qua các tàu buôn và giáo sĩ Bồ Đào Nha. Đó chẳng phải là sự gặp gỡ tình cờ mà là có chủ định trong một chiến lược toàn cầu ở vào thời buổi ấy.
Từ sau những cuộc thánh chiến gay gắt giữa hai thế lực tôn giáo lớn là Giáo hội Roma và Islam, trên địa bàn toàn cầu buổi ấy có hai thế lực chính trị liên minh với tôn giáo đi chinh phục thế giới. Thế kỉ XIV-XV chứng kiến sự hưng thịnh của hai vương quốc Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Hai nước này đang làm chủ đại dương sau khi Columbus tìm ra lục địa mới mà sau này sẽ là châu Mỹ. Vì có tranh chấp giữa hai vương quốc này trong việc khám phá và chiếm đoạt những xứ sở không phải là thần dân chung của Giáo hoàng nên mới có Sắc chỉ Inter Coetera năm 1493, do giáo hoàng Alexander VI ban hành, trong đó Giáo hội Roma lúc ấy chia thế giới làm hai phần chạy từ Bắc cực xuống Nam cực chạy qua quần đảo Açores, phía tây của đường ranh thuộc độc quyền xâm lăng và truyền đạo của Tây Ban Nha, phía đông đường ranh gồm toàn vùng châu Á thuộc Bồ Đào Nha. Do vậy mà giáo đoàn Bồ đã sớm thành lập ở Macao một cơ sở để phân bổ giáo sĩ truyền giảng tại Trung Hoa, Nhật và Đại Việt... Trong khi các giáo đoàn thừa sai ở Macao hoạt động mạnh tại phía Đông Á thì thế lực Hồi giáo cũng đang xâm thực vùng địa bàn của văn minh Ấn giáo tại Đông Nam Á. Đã xảy ra những cuộc giao chiến giữa các thuyền chiến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và các lực lượng phong kiến Hồi giáo tại địa bàn này.
Như thế thì từ buổi đầu của cuộc chinh phục thế giới, các thế lực chính trên đây không chỉ là cử người thừa sai đi rao giảng tin mừng (tôn giáo) mà cũng mang tính chất thực dân nữa. Sự kiện này hiện rõ trong các tính toán của nhà nước Pháp và giáo đoàn hải ngoại Pháp về sau này. Tại vùng đất thuộc địa của họ, mà Việt Nam là đấu trường lớn.
Cũng vì thế mà chúng ta thấy rơi rớt đó đây trong các văn bản của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, ông có nói đến ý tưởng "những chiến sĩ" (soldats) đi rao giảng tin mừng, đi chinh phục thế giới để quy phục vương quốc của Thiên Chúa. (Trong sách Voyages Divers..., ông nói nhiều đến vai trò "chiến sĩ này, nhưng không phải là kiểu nói sặc mùi đao kiếm như lời trích dẫn trong sách Lịch Sử Việt Nam tập I (1971) của nhà nước Việt Nam đâu) (1). Ông tự xem mình là một chiến sĩ ấy, và đã tích cực vận động hoàng gia Pháp để hỗ trợ công cuộc chinh phục cao cả này. Những biến cố chính trị tại địa bàn Đại Việt cho đến năm 1945 đã ghi dấu rõ vai trò song hành của giáo đoàn hải ngoại Pháp và nhà nước thuộc địa Pháp. Trong bối cảnh chính trị đó, việc đưa chữ quốc ngữ La tinh vào các mặt sinh hoạt hành chính, truyền thông và giáo dục thời thuộc địa cũng là chuyện đương nhiên. Chừng nào các bậc thức giả còn bỏ quên những sự kiện lịch sử nói trên thì những luận điểm tranh luận giàu tính học thuật (ở đây là ngôn ngữ học, văn tự học) sẽ chưa thuyết phục mọi người. Những gì đã xảy ra trên đăt nước mình đều đã để lại di sản, kể cả những hệ lụy của lịch sử đó.
Sau năm thế kỉ đầy những đổ vỡ vì phân hóa, vì thù hận, có thể nào người trong cùng một nước có thể nhìn nhận lại hết di sản đó để giải trừ những vướng mắc từ đó ?
Trên đây vừa lướt qua những gì mà mấy thế kỉ tiếp xúc với thế giới phương Tây, bắt đầu từ giao tiếp với các giáo đoàn hải ngoại Bồ, Tây Ban Nha, Pháp... Cuộc giao tiếp đó nằm gọn trong giai đoạn phát triển đế quốc thực dân của phương Tây. Cuộc giao tiếp đó đã dẫn nước ta đến 83 năm làm thuộc địa của Pháp. Nhưng không phải chỉ có di sản buồn là gần năm thế kỉ vùng vẫy trong ma trận của ngoại thuộc. Cuộc tiếp xúc với thế giới phương Tây cũng đã cho nước ta cớ hội mở cửa cho văn minh phương Tây, đạo Thiên Chúa và chữ quốc ngữ La tinh. Đó là những gì Việt Nam của thế kỉ XX thừa hưởng kết quả của cuộc giao tiếp lịch sử này.
Trong bối cảnh của di sản lịch sử nói trên, chữ quốc ngữ là một thành tựu lớn đã cùng đi với đất nước Việt Nam vào thời hiện đại. Đến nay, sau đúng một thế kỉ chữ quốc ngữ được chính thức đảm nhận vai trò chuyển ngữ của xã hội, những ai muốn xóa bỏ nó, phủ nhận vai trò của nó trong xã hội sẽ chỉ làm một việc luống công. Đáng nói chăng là những người tác tạo ra chữ quốc ngữ. Họ là những giáo sĩ tiền phong của phương Tây đến giảng đạo tại địa bàn Đàng Trong và Đàng Ngoài của Đại Việt, phải mầy mò để thích ứng với môi trường ngôn ngữ văn tự xa lạ với ho. Chữ quốc ngữ hình thành từ nhu cầu giao tiếp cụ thể ấy mà hoàn thiện chính nó qua thời gian. Từ khi nó phôi thai trong tài liệu ghi lại của những giáo sĩ như Cristopho Borri đến khi quyển từ điển đầu tiên được ấn hành tại Rome (1651) là một tiến trình dài. Rồi từ điển Béhaine (1772) và từ điển Taberd (1838) là một hành trình dài lâu, bền bỉ và công phu mà công khó không phải chỉ là ba tác giả đứng tên trên bìa sách. Những người Việt đã giúp các giáo sĩ ghi từng chữ nôm trên hàng ngàn mục từ của hai từ điển sau là ai, không được nhắc đến. Những ai đã giúp các giáo sĩ học tiếng Việt rồi ghi chép lại vào sổ tay của họ là những ai, không được nhắc đến. Nhưng họ cũng xứng đáng được vinh danh trong số những người góp công làm nên diện mạo chữ quốc ngữ vào thời của họ, và cho con cháu sau này. Khi linh mục Léopold Cadière đề xướng việc những nhà văn hóa liên quan đến xứ thuộc địa An Nam vinh danh giáo sĩ Alexandre de Rhodes năm 1912, ông không dè hết những hệ lụy của sự đề xướng này. Nhưng sự đề xướng của ông không phải là không có phần đúng. Cho nên, nối tiếp ông, có những người Việt và Pháp cũng muốn tôn vinh Alexandre de Rhodes ở những tầm mức khác nhau thì chỉ là phải chăng thôi.
Chẳng may là bên cạnh pho Từ điển Việt-Bồ-La (1651) quý giá, mỗi khi nhắc đến Alexandre de Rhodes, người ta không thể bỏ lơ quyển sách Phép Giảng Tám Ngày (1651) của ông. Quyển sách giảng dành cho giáo dân mới cải đạo ở thế kỉ XVII phản ảnh đúng não trạng của giáo hội La Mã trong quá trình chinh phục thế giới, nhưng đã xúc phạm nặng nề đến truyền thống lâu đời của phong hóa đông phương tại vùng đất ông rao giảng đạo Ki Tô. Não trạng này kéo dài rất lâu, và chỉ đến khi nó được đưa lên bàn mổ tại Công Đồng Vatican II (1962) thì thái độ trịch thượng tôn giáo kia mới giảm bớt. Những người trí thức Công Giáo đáng lẽ phải giúp những người tín hữu của mình sống đạo và hòa nhập với đất nước trên tinh thần Công Đồng Vatican II thì đã có thể giúp nhau tránh những tranh chấp gay gắt như đã xảy ra rất dài lâu thế này.
Quyển sách Phép Giảng Tám Ngày (1651) của Alexandre de Rhodes
Những gì nói trên đây chỉ để góp thêm một góc nhìn vào một sự kiện lịch sử chưa được nhìn nhận đầy đủ, toàn diện và theo đúng lịch sử tính của nó. Vì chưa nhìn nhận đầy đủ tính lịch sử của vấn đề mà những người cổ suý cho việc tôn vinh giáo sĩ nước ngoài đã trở thành mũi phê phán, công kích của "phía bên kia". Có để ý đến nhân tố "hệ lụy quá khứ" này mới lí giải được tại sao có một dạo tại hải ngoại bùng lên những phê phán gay gắt nhằm công phá thành trì đạo Gia Tô. Trên báo mạng Giao Điểm dạo đó có những luận điểm phê phán nặng nề xuất phát từ quan điểm cực đoan của nhà nước cộng sản Việt Nam. Cũng dễ hiểu. Nhà cầm quyền đã phải làm hết sức để giành thắng lợi cho Nghi Quyết 36 nhắm vào cộng đồng người Việt hải ngoại. Chỉ đáng buồn là những đập phá không nương tay một dạo đã chỉ cho thấy những vết thương của quá khứ vẫn chưa lành. Và khi một số Phật tử cũng góp phần tiếp tay cho những người chủ súy công cuộc đánh phá trên thì hiển nhiên là di sản của những hệ lụy quá khứ vẫn còn nặng nề.
Chỉ phiền là một nửa sự thật trên đấy vẫn chưa phải là toàn bộ sự thật. Những gì chúng ta vừa nhìn lướt qua trên đây mới chỉ là một nửa của di sản lịch sử mà đất nước ta đã trải qua.
Sau thế chiến II (1939-1945), các đế quốc thực dân lần lượt tan rã, trả lại chủ quyền dân tộc cho các nước thuộc địa. Chẳng may, khi làn sóng thực dân đế quốc cũ tàn lụi thì làn sóng đế quốc mới dâng lên nhuộm đỏ phần Đông Âu và nhiều quốc gia cựu thuộc địa của phương Tây, trong đó có Việt Nam. Tại những quốc gia mới độc lập theo khuôn khổ của đế quốc đỏ lại xảy ra những tai ương mới : lịch sử được viết lại, lằn ranh ta-địch thật rạch ròi. Ý hướng cắt lìa quá khứ, thậm chí có lúc có cả chủ trương xóa sạch quá khứ mà những người cộng sản cho rằng không đáng tự hào để nhớ lại... Trước làn sóng ý thức hệ cao ngạo này, những trí thức nho gia đầu thế kỉ XX chỉ là những người cải lương nửa vời hoặc những kẻ thỏa hiệp với thực dân đế quốc. Chưa bao giờ trong lịch sử nghìn năm của dân tộc, chân lí đúng sai của đời sống lại được vẽ ra rạch ròi đến thế. Cái đúng thuộc về những người theo chủ nghĩa yêu nước cực đoan Leninist.
Trong khuôn khổ ý thức hệ mới, lịch sử chữ quốc ngữ được nhìn nhận rất khác : dân tộc ta đã giành lại công cụ chữ viết vốn chỉ phục vụ mưu đồ thôn tính nô dịch nước ta trở thành một công cụ hiệu quả cho việc phát triển văn hóa giáo dục dân tộc. Tác giả của công trình đồ sộ này chẳng qua chỉ là những kẻ tội đồ của dân tộc Việt, không đáng ghi nhớ !... Gần đây nhiều người thường nêu lên một câu chữ trích dẫn trong sách Lịch Sử Việt Nam I của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (1971), có ý khêu lên một xuyên tạc lịch sử có chủ ý, chỉ nhằm mục đích tranh thắng trên một di sản của lịch sử. Thật ra còn nhiều, rất nhiều những minh chứng như thế về một thái độ độc quyền lẽ phải, độc quyền chân lí. Trên cái nền của chủ nghĩa yêu nước cực đoan đó, những chuyện vẽ vời về những nhà yêu nước kiểu Lê Văn Tám hay hàng ngàn hàng vạn những "anh hùng thời đại" như thế đang cần những Phan Huy Lê mới giúp xã hội trả về với sự thật những gì không thật. Có thế mới làm sạch được những bảng tên đường nhan nhản hiện nay trên khắp nước như một thách đố lương tâm những người con dân chính trực.
Chẳng may là tâm lí hãnh tiến của những người cộng sản đã kéo dài quá lâu, cho nên không tránh được tình cảnh tâm lí bị điều kiện hóa của một bộ phận quần chúng trong xã hội Việt Nam hôm nay. Cho nên mới nảy sinh những vị khoa bảng học giả như Lê Cung, Nguyễn Đắc Xuân và cơ man là những trí thức quan chức thời nay mang đủ loại phẩm hàm nhưng sự hiểu biết lịch sử thì thật đáng ngờ. Họ chỉ phát ngộn từ tâm lí đã bị điều kiện hóa của ý thức hệ cực đoan kia.
Di sản quá khứ như vậy không chỉ nặng nề có một lần, mà tới hai ba lần đó chứ. Những cuộc tranh cãi như là chung quanh chuyện chữ quốc ngữ và Alexandre de Rhodes lần này chỉ thêm một lần gợi lại vết thương còn nhức nhối trong lòng dân tộc. Cần nhiều dũng lược của những người con dân Việt. Nói cho đúng thì sau biến cố Berlin Wall sụp đổ (1989), và nhất là sau khi Liên Xô tan rã (1991), thì thành trì ý thức hệ của nó cũng đang bị công phá khắp nơi. Trên tờ báo Moscow News trong những năm hậu Perestroika, người ta đã chứng kiến cảnh những trí thức viện sĩ hàng đầu của Liên Xô khấu đầu xin lỗi quốc dân vì đã vì ý thức hệ cứng nhắc mà đã góp phần với đảng Xô Viết viết lại lịch sử nước Nga... Chúng ta ghi nhận là trong giới học thuật Việt Nam đã có những nỗ lực vượt thoát não trạng bị điều kiện hóa do ý thức hệ mác xít giam hãm lâu năm. Hãy ghi nhận nơi đây nỗ lực thoát-ý-thức-hệ của giới nghiên cứu văn học nước nhà, mà Trần Đình Hượu là một trong những người mở đường cho một sự nhìn lại đang rất cần thiết.
Đến đây, có thể nói gì thêm về di sản tâm lí do những hệ lụy lịch sử ? Có lẽ chỉ cần làm một việc : hãy cảnh giác với nó, hãy vứt bỏ nó đi, ném nó vào thùng rác lịch sử để cho hành lí chúng ta nhẹ nhàng đi vào tương lai.
Vứt bỏ di lụy quá khứ mấy trăm năm của đế quốc Roma thì người Việt chúng ta sẽ có thể trân trọng gia tài chúng ta có hôm nay, trong đó có chỗ đứng của văn hóa Ki Tô giáo, bên cạnh những gia sản truyền thống đông phương trước kia. Việt Nam ở thế kỉ XX và XXI là thế. Ai phủ nhận được ? Vứt bỏ hệ lụy quá khứ thì quyển Phép Giảng Tám Ngày (1651) của Alexandre de Rhodes chẳng hạn, chỉ còn là mớ tài liệu cho tôi tìm hiểu câu nói, chữ viết của dân nước tôi ở thế kỉ XVII như thế nào. Thế thôi. Chẳng có gì phải ầm ĩ. Vứt bỏ di lụy của quá khứ thuộc địa thì chữ quốc ngữ sẽ hiện lại trong mắt tôi một thứ gia sản ngẫu nhiên của lịch sử do người ngoài đem lại tặng hiến cho dân tôi. Sao không đáng trân trọng ?
Cũng thế, những người ở "phía bên kia" cần phải cảnh giác về não trạng độc tài ý thức hệ mà mình tiêm nhiễm, nay cần tháo bỏ nó để nhìn lại rõ chân dung anh em, bạn bè đồng bào mình. Đừng bao giờ nói như một anh trí thức kia, là câu văn tiếng Việt chỉ thực sự phong phú, nhiều màu sắc từ khi "ta" có đảng ! (3). Xấc xược với tiền nhân không phải là thái độ của người Việt Nam có văn hóa ở thế kỉ XXI.
Cũng nhờ vứt bỏ hệ lụy của quá khứ, người Việt chúng ta sẽ thấy hãnh diện vì ta có chữ quốc ngữ dùng mẫu tự La tinh bên cạnh di sản chữ quốc ngữ viết bằng nét chữ Hán mà ta thường gọi là chữ Nôm. Đó là những di sản của lịch sử mà đất nước ta đã làm ra bằng cách này cách khác.
Nói vậy thì cũng phải nói hết lẽ về di sản văn tự của chúng ta. Phải thừa nhận rằng trong số những nước có được hệ thống văn tự theo hệ chữ viết La tinh, nước Việt mình kém may mắn là đã "theo mới, hoàn toàn theo mới" mà có phần đoạn lìa di sản truyền thống nghìn năm là văn hóa Hán-Nôm. Nhưng đây nào phải trách nhiệm của tự thân hệ chữ quốc ngữ La tinh ! Trách cứ nó như Cao Xuân Hạo hay những người nối điêu ông là phạm một lầm lẫn lớn. Trách nhiệm phải nằm ở những người có trách nhiệm quản lí xã hội chúng ta, suốt từ thời thuộc địa đến nay. Nhà nước thuộc địa thì hăm hở cải tổ thi cử, đưa chữ quốc ngữ vào các mặt sinh hoạt xã hội nhằm mục đích xóa bỏ vai trò của cổ học trong xã hội. Đến khi đất nước giành được độc lập thì sao ? Các nhà nước nối nhau suốt từ 1945 đến nay đã làm gì khác hơn nhà nước thuộc địa thời trước ? Một thời gian rất lâu, từ 1954 trở đi, hệ thống giáo dục phổ thông và đại học hầu như lơ là việc gìn giữ, trau luyện vốn từ vựng Hán Việt. Người ta nhân danh việc "gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt" để công phá vai trò chữ Nho và vốn từ Hán Việt cho công chúng. Ngày hôm nay ai lớn tiếng rằng con cháu Việt Nam vì chữ quốc ngữ mà bị đứt đoạn với di sản Hán Nôm, thì chính là họ đã lẫn lộn trách nhiệm của một công cụ với những người có trách nhiệm điều hướng sử dụng công cụ đó. Nhìn nhận rõ như thế mới có thể đối xử công bằng với chữ quốc ngữ La tinh, và mới tìm đúng đầu kẻ có trách nhiệm mà gõ.
Câu chuyện tranh cãi chung quanh một bảng tên đường xem ra lại là một chỉ dấu cho một câu chuyện to tát hơn : những hệ lụy của di sản quá khứ còn đè nặng trên đất nước mình. Quá khứ mấy trăm năm nặng nề thì di sản của nó hẳn nhiên không phải là nhẹ. Ngày nào người Việt chúng ta còn lảng tránh nhìn thẳng vào những hệ lụy của di sản quá khứ thì những đối thoại, tranh luận như kiểu tranh cãi quanh chuyện một bảng tên đường cũng có thể trở thành một đám cháy nhức nhối. Mà chừng đó thì đất nước chúng ta cũng khó đi vào tường lai với tâm thế của những người đi xây đựng một Việt Nam KHÁC.
Đoàn Xuân Kiên
(10/12/2019)
-----------------------
(1) Xem : Ủy ban Khoa học xã hội, Lịch sử Việt Nam, tập I. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 304.
(2) Khi nhắc đến quyết định năm 1945 của nhà nước Việt Nam, các nhà khoa bảng trẻ tuổi chỉ nói đến quyết định của ông bộ trưởng nội vụ họ Võ của chính phủ Hồ Chí Minh mà lại bỏ quên sự thật lích sử là chính nội các Trần Trọng Kim đã đi trước trong quyết định lịch sử này.
(3) Xem Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1985, tr. 309.
Khoảng thời gian ba thế kỉ XVII-XVIII-XIX là thời thịnh của thể loại truyện nôm. Các nhà văn thời này đều có chấp bút và đã lưu lại nhiều tác phẩm văn chương lôi cuốn nhiều thế hệ người đọc. Truyện Phan Trần là một truyện nôm ra đời trong thời kì này, cụ thể là khoảng cuối thế kỉ XVIII, trễ lắm là đầu thế kỉ XIX.
Trang bìa Truyện Phan Trần : Nhà xuất bản Văn Học (2009) và Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (1902)
Nội dung truyện là câu chuyện tình yêu của hai người trẻ tuổi tên là Phan Tất Chính và Trần Kiều Liên. trước kia, khi hai bên cha mẹ là Phan công và Trần công cùng làm quan trong triều vua Tĩnh Khang nhà Tống, đã có lời đính ước với nhau khi hai phu nhân cùng thụ thai. Không bao lâu cả hai ông về trí sĩ thì loạn li khiến hai nhà lạc nhau, hai người trẻ tuổi cũng lưu lạc, Phan sinh thì lên kinh học thi, cô gái Kiều Liên thì cha mất và rồi lạc mẹ sau cơn biến loạn, phải vào chùa tu. Cuộc sống run rủi cho hai người gặp nhau, và yêu thương nhau thầm lén trong khung cảnh nhà chùa. Hai người dần biết là họ chính là những người con đã đính ước từ lâu, nên đã thành hôn với nhau. Khi Phan sinh thi đỗ, hai người trở về đoàn tụ với gia đình đôi bên. Từ đó hai người sống hạnh phúc tròn vẹn trong cuộc đời thành đạt.
Chuyện tình ái đầy chất đam mê của đôi nam nữ trong truyện được kể lại tường tận qua văn từ cũng sôi nổi, cụ thể không kém, từ khi chàng thư sinh lên vãn cảnh chùa đã si mê sư cô trẻ mà quên mất lời đính ước hôn nhân gia nghiêm đã từng dặn dò, đến khi chàng thanh niên ốm tương tư và chỉ nhờ cuộc viếng thăm mầu nhiệm của sư cô trẻ mà khỏi bệnh để rồi lại càng đắm say với tình yêu không bình thường giữa một thư sinh và một ni cô tươi trẻ. Cũng may là khi họ đi lại với nhau, dần dà mới cùng nhận ra họ chính là đôi trai gái đã từng được đính ước từ nhỏ, chỉ vì xiêu tán mà lạc nhau. Thế là nhờ may mắn mà tình yêu lãng mạn đắm say và lệch khuôn thước xã hội đã được kết thúc có hậu trong khuôn khổ lễ giáo.
Đương thời, có người đã phê phán chuyện tình Phan-Trần qua câu vè :
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều
có lẽ là do lối hành văn nhã luyện, lôi cuốn của các tác giả dành cho hai câu chuyện tình lệch khuôn thước xã hội, và xem như là hai tác giả nhà văn nho sĩ tài hoa này đã cổ vũ cho lối sống lãng tử, vượt bỏ lề thói xã hội chăng ? Nếu thế thì có phần khắt khe quá đối với tác giả truyện Phan Trần và truyện Kim Vân Kiều, vì có phải riêng hai truyện nôm này như thế đâu, mà đấy cũng là nét chung của dòng văn chương tài tử thời đó, dù có vượt bỏ khuôn thước gò bó của lễ giáo Nho gia nhưng cũng chưa hẳn đoạn tuyệt được với hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội. Thời ấy đã như làn sóng tràn những câu chuyện tình yêu tươi trẻ chưa từng thấy xuất hiện trong kho tàng văn học nôm cổ, nào có riêng gì hai truyện nôm nhắc tới trong câu vè kia ! Chúng tôi thiển nghĩ câu chuyện ngự sử văn đàn này, không phải là chuyện thuần văn học hay luân lí, mà mang đậm chất chính trị-xã hội của một thời xã hội còn đang dao động sau cuộc sang trang đổi đời của chính trị xứ ta sau 1802, như sẽ nói ở phần dưới bài.
Phong thái phóng túng của nhà nho tài tử thời kì này rốt cùng cũng chỉ được trút ra trên trang văn thơ trữ tình, và những nhà văn nho sĩ được gọi là những nhà nho tài tử vì phong thái lệch khuôn thước của họ. Chỉ nói riêng về phong cách ngôn từ cùa thế hệ những nhà nho tài tử này thì có thể nói thời kì thịnh đạt của văn nôm này cũng là thời của những câu thơ chuốt lọc nhất, kĩ xảo nhất. Chất thơ, chất trữ tình đã được thể hiện ở mức tinh luyện nhất của câu văn nôm. 3254 câu văn Kiều nôm là những câu văn giàu tính văn nhã, tiêu biểu cho trình độ trang nhã cao nhất của ngôn ngữ văn học thời thịnh nôm. 938 câu lục bát của truyện Phan Trần cũng có vô vàn những câu văn nhã luyện không kém văn Kiều. Và cũng trong dòng chữ nghĩa đẹp và nhã như thế, câu văn trong truyện Hoa Tiên, truyện Nhị Độ Mai hay những bài ngâm nổi tiếng như Chinh Phụ Ngâm, Bần Nữ Thán... đều cho ta niềm tự hào về tầm cao nhã của câu văn nôm Việt thời thịnh nôm này. Cho nên cũng không lạ gì khi một số nhà nghiên cứu trước đây đã lẫn lộn chất trữ tình và chất nữ tính trong câu văn nôm thời này, và đã bảo lưu một định kiến lâu dài là câu văn trữ tình và giàu nữ tính hẳn phải là sản phẩm của nhà văn nữ. Đó là khi các vị biện hộ cho bà Đoàn Thị Điểm vì muốn giành tác quyền bản diễn ca Chinh Phụ Ngâm nổi tiếng cho bà, làm như thể Phan Huy Ích không có khả năng cao diệu như thế.
Trang đầu Phan Trần Truyện
Trở lại Truyện Phan Trần. Nhìn lại tất cả các bản in thì có thể thấy ngay là cho đến nay, Truyện Phan Trần không thấy có tên tác giả, cho nên vẫn thường được xếp vào kho truyện nôm khuyết danh (1). Trong điều kiện tài liệu hiện nay, có thể nào truy tầm tác giả truyện nôm này không ? Để trả lời câu hỏi này thiết tưởng cũng nên để ý qua hiện tượng văn nôm khuyết danh của thời kì thịnh nôm cuối Lê-đầu Nguyễn.
Sự kiện một khối lượng lớn các truyện nôm khuyết danh là điều khó hiểu nhưng lại là điều thường xảy ra trong dọc dài lịch sử văn học hán-nôm nước ta trước đây. Hiện tượng này có nguyên do xã hội của nó. Trong thời đại mà văn chương chỉ là thứ văn chương nhàn phóng, trà dư tửu hậu, thì chuyện đề tên người trứ thuật không phải là chuyện đáng quan tâm hàng đầu của nhà văn nho gia. Tác giả có thể viết tay đề tặng bạn tri âm tri kỉ một bài văn khi có cuộc bình văn. Người bạn yêu thích bài văn lại có thể chia sẻ với bạn bè. Trong khi ngâm ngợi, nhóm bạn lại còn có thể nhuận sắc, thay đổi một vài chữ chỗ này chỗ khác cho "đạt" hơn, "nhã" hơn... Có thể bản văn truyên nôm Kim Vân Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) hay Phan Trần cũng như bao nhiêu tác phẩm văn nôm của ta đã chuyên tay trong tình cảnh như thế mà nay khó có thể truy nguyên bản văn gốc và những tác phẩm văn nôm đã bị "nhuận sắc". Họa hiếm lắm mới có được một trường hợp như Truyện Hoa Tiên mà ngày nay ta còn may mắn giữ được bản văn nguyên tác (của Nguyễn Huy Tự) và nhuận sắc (của Nguyễn Thiện).
Trong hoàn cảnh chung thì đã như thế. Đến những thời kì khá đặc biệt như trong hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương thời cuối Lê - đầu Nguyễn (thế kỉ XVIII-XIX), lại còn một tình cảnh khác thường, "nhạy cảm". Trong hoàn cảnh tế nhị đó, nhiều nhà văn nhà thơ có để lại nhiều di cảo hoặc bản khắc in lúc sinh tiền ; nhưng con cháu đã phải cất giấu sách vở của cha ông, hoặc có giữ lại thì cũng cắt bỏ phần lạc khoản, như thể các di cảo kia là của những người vô danh nào đó. Chỉ đến khi xã hội đã hết nhập nhằng, tạm gọi là ổn định, người đời sau có qúy chuộng sách hay thì lôi ra khắc in, cũng mặc nhiên bỏ trống phần lạc khoản nêu rõ danh tính người soạn sách.
Trường hợp điển hình mà chúng ta nay còn biết được là bản sách chép-in tập Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc của Phan Huy Ích, được biết là bản rập của bản khắc in khoảng sau 1814 (năm ông soạn xong bản diễn ca này). Bản rập này chỉ khác bản in từ ván khắc ở điểm là nét chữ sắc sảo, chân phương. Sách có đầy đủ khung chữ đề danh tính tác giả ở trang đầu nhưng đã để trống. Một sự lạ. Sách có bài nguyên tự dài khoảng ba hoặc bốn trang, nhưng đã bị tháo bỏ tờ có hai trang cuối ấy, chắc chắn phải có ghi đầy đủ lạc khoản nêu rõ danh tính người làm sách và những người liên quan đến bản khắc in. Ngày nay ta biết được tác giả của bản Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc này là nhờ vào những dữ kiện khác về tác giả của nó chứ không dựa vào bài tựa thiếu trang kia.
Tại sao một tác giả nổi tiếng như Phan Huy Ích mà số phận sách in phải truân chiên như thế ? Chỉ vì ông sống đúng vào thời mà đất nước chưa qua buổi tao loạn nhiễu nhương. Ta không quên rằng năm 1802, ông và người anh vợ (Ngô Thì Nhậm) là hai ông tiến sĩ đã phải bị đòn roi ngoài Văn Miếu ! Cho nên cũng là sự thường (!) thôi, nếu những năm đầu triều Nguyễn sách vở của những nho thần triều Lê-Trịnh hay Tây Sơn có bị vùi dập, đẩy lùi vào vòng ẩn danh, rồi rơi xuống khuyết danh, thậm chí vô danh (!), khi đời sau in lại các di cảo của họ.
Trong số nhiều danh sĩ tiền triều ở đầu thế kỉ XIX có Nguyễn Huy Lượng (?-1808). Ông là văn thần và là nhà thơ sống cuối đời Lê trung hưng, có ra làm quan với nhà Tây Sơn, và đến đầu đời nhà Nguyễn có được vời làm chức tri huyện rồi chết vì lí do mờ ám, khi ông mới trên dưới tuổi 60.
Cho đến nay chúng ta biết được là Nguyễn Huy Lượng có bút hiệu Bạch Liên Am. Người đương thời vẫn gọi ông là Bạch Liên Am Nguyễn. Trong Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo, Hoàng Xuân Hãn đã sao lục và phiên chuyển ra chữ quốc ngữ một bài văn lục bát 246 câu của Bạch Liên Am Nguyễn, phỏng dịch ra văn nôm từ nguyên tác hán văn Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn (2). Một số tài liệu trích diễm còn cho tác giả của tập Cung Oán Thi là của Bạch Liên Am Nguyễn (3), số tài liệu khác lại cho là của Nguyễn Huy Lượng (4). Có lẽ cho đến nay chỉ có Maurice Durand là người đầu tiên nhận ra sự kiện Bạch Liên Am Nguyễn và Nguyễn Huy Lượng là cùng một người (3).
Tiếc thay, Maurice Durand và Trần Nghĩa đã bỏ mất cơ duyên khảo sát văn phong Cung Oán Thi, phú Tây Hồ, văn tế Tướng Sĩ Trận Vong, hay gần hơn là bản phỏng dịch Chinh Phụ Ngâm (là những chứng tích văn chương của Nguyễn Huy Lượng) để từ đó nhận ra văn phong khá thống nhất với tác phẩm truyện nôm mà các ông đã dày công khảo đính và phiên chuyển : Truyện Phan Trần. Văn phong ấy chỉ có thể là của nhà văn Nguyễn Huy Lượng thôi.
Thật vậy, Nguyễn Huy Lượng là người viết văn không ngại liên hệ bản thân khi làm văn. Ông đã có lần cho biết khi làm bài phú Tây Hồ, ông đã ngoài 50 tuổi : "Ngoài năm mươi thẹn bóng tang du" (Tụng Tây Hồ). Mở đầu truyện nôm Phan Trần, ông cũng bảo :
Liên Am 莲庵 nhân gặp hội vui
Tưởng ân tình nghĩa, xem chơi quyển vàng
Chúng tôi trích theo bản phiên chuyển từ bản nôm Phan Trần Trùng Duyệt do Thần Khê Đồng Phong Thừa Thư khắc in (1904). Đây là một bản khắc in khác hẳn hệ ván khắc của một số lớn các bản khắc in đầu thế kỉ XX.
Trang đầu Phan Trần Truyện Trùng Duyệt (1904)
Các bản khắc in khác thì khắc "trên ? (am)" với chữ nôm liên + thượng, và lại đổi thành câu khác hẳn :
Trên am thong thả sách cầm
Nhàn nương án ngọc buồn ngâm quyển vàng
Trang đầu Phan Trần Truyện bản Văn Đường (1867)
Trước nay chúng ta biết khá nhiều trường hợp người đời sau tự tiện nhuận sắc văn người xưa theo ý mình, hoặc có khi vì không hiểu ý văn người xưa mà đổi ra cho dễ hiểu theo ý mình. Chỉ xét riêng trường hợp hai câu mào đầu khác nhau này, chúng ta có thể nhận ra ngay hai phong cách khác nhau của hai câu mào đầu. Câu mở đầu của bản Trùng Duyệt cho ta thấy phong cách thoải mái, an nhiên của nhà văn khi đặt bút xuống trang giấy ; ông nói về cảm nghĩ của bản thân mình trong buổi đầu lúc khai mào truyện. Phong cách ấy nhất quán với phong cách sảng khoái của nhà văn khi tụng cảnh Tây Hồ hay khi viết bài tế tướng sĩ trận vong. Thật khác với phong cách nhàn rỗi, thừa thãi thì giờ của một người ra ngẩn vào ngơ như hai câu mở đầu của bản văn khác.
Nguyễn Huy Lượng còn để lại nhiều tác phẩm văn nôm. Phong cách văn ông vừa tài hoa, vừa có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Trước nay học giới đã quen với phong cách mạnh mẽ hùng biện của ông qua các bài phú, văn tế. Trong khung cảnh học thuật cổ thời, văn biền ngẫu mà có phong cách lôi cuốn như bài Tụng Tây Hồ Phú và bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Trận Vong thì phải là người văn tài hơn người.
Cho đến nay, chúng ta biết được văn tài Nguyễn Huy Lượng qua các bài văn Tụng Tây Hồ Phú và Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong. Hình ảnh nhà văn Nguyễn Huy Lượng qua những câu văn biền ngẫu trên là một người học rộng, thấm nhuần phong cách văn chương cổ điển, chữ nghĩa người xưa đầy ắp trong câu văn ông mà qúy thay con người cá nhân nhà văn vẫn không chìm ngập trong kho chữ nghĩa tập cổ đó ; ông đã lặn sâu trong chữ nghĩa mà vẫn nổi lên khỏi nó để chữ nghĩa văn từ trong bài văn vẫn là mình, phản ảnh bản sắc con người mình. Một bài phú Tây Hồ đã tập đại thành đầy đủ phong cách văn chương này. Hiểu và thích thú với văn chương bài phú đòi hỏi công phu làm quen với phong cách từ chương cổ điển ; nhưng chữ nghĩa vần không làm mờ nhạt bản sắc văn phong cá nhân tác giả bài văn biền nổi tiếng (5).
Bên cạnh con người nhà văn nho sĩ có khẩu khí hào sảng, tràn đầy sức sống, từ nay chúng ta còn biết thêm là có một Nguyễn Huy Lượng tài hoa, văn chương nhã luyện của phong cách văn chương thời đại ông : văn chương lãng mạn, tài tử. Phong cách bài phỏng dịch Chinh Phụ Ngâm của Bạch Liên Am là phong cách tài hoa, giàu mĩ cảm. Những câu thơ tự tình lục bát mềm mại của bài ngâm cũng đã thể hiện nữ tính đa cảm của người chinh phụ, khắc họa một chân dung cảm xúc phong nhiêu của một nhà văn giàu sức liên cảm với số phận nhưng con người quanh ông, cụ thể trong bài văn Chinh Phụ Ngâm này là của người phụ nữ mong chồng chinh chiến sớm trở về. 246 câu thơ lục bát đó còn là biểu hiện của tấm lòng liên ái những phận người kém may mắn, thua thiệt trong một xã hội đã quá nhiều tao loạn. Tấm lòng rộng lớn của nhà văn chưa đủ làm nên nhà văn lớn nếu ông không có một tài năng hơn người khi vận dụng ngôn từ để trải lòng mình ra trên giấy. Những cung bậc tình cảm của người phụ nữ trong bài Chinh Phụ Ngâm lục bát đã phản ảnh con người tài hoa đa cảm của nhà văn Bạch Liên Am.
Phong cách văn nhã của nhà văn nhà thơ Bạch Liên Am đã một lần nữa phả vào từng câu thơ lục bát trong Truyện Phan Trần. Từ lối văn lục bát tự tình trong bài ngâm chuyển sang lối tự sự trong thể truyện, nhà văn đã gói vào trong câu văn tự sự những mẩu suy nghĩ, những cảm nhận của ông về những cảnh đời của những con người dù là hư cấu đấy mà vẫn mang đậm những tình cảm thật của nhưng con người thật mà ông từng gặp gỡ, từng chung sống và chia sẻ tâm tình thời đại trong những khung cảnh xã hội khác nhau.
Trong Truyện Phan Trần, những nhân vật (vốn xuất thân là những người thuộc đẳng cấp nho sĩ) đã nếm trải hết mùi vị cuộc sống, từ dùi mài kinh sử, đến yêu đương nồng nhiệt của tuổi trẻ, từ những thất bại trong khoa trường và tình trường đến những hạnh phúc gia đình yêu thương và vinh hoa của đời phục vụ xã hội. Những hạnh phúc và đau khổ, những khuôn thước xã hội và những quá đà trong đời sống tình cảm tuổi trẻ, những cảm nhận về nhân tình thế thái mà ta thấy trong dọc dài câu chuyện kể về một mối tình lãng mạn hẳn phải là phản ảnh kho kinh nghiệm sống của tác giả truyện nôm này. Nói cách khác, Bạch Liên Am phả vào từng câu thơ phong cách con người đa tình tài hoa của một nhà văn nho thần.
Nói về phong cách văn chương Truyện Phan Trần, không thiếu những câu lục bát giàu chất thơ như ta thường gặp trong kho tàng truyện nôm lục bát ở thời kì cuối thế kỉ XVII-đầu thế kỉ XIX. Phong cách chung những câu lục bát trong truyện nôm là những kĩ xảo tiểu đối, cân phương, hô ứng, ý ở ngoài lời..., tạo nên phong cách bóng bẩy của văn chương, của ngôn từ văn học một thời. Trong chừng mức này, Truyện Phan Trần là một truyện nôm sánh ngang cùng những danh tác cùng thời đại của nó.
Tính đến khi bản khắc in sớm nhất mà nay ta còn được biết là năm 1867, Nguyễn Huy Lượng mất đi chỉ nửa thế kỉ thôi. Chỉ trong 50 năm ấy mà tác phẩm còn lại của ông đã trôi lạc lênh đênh qua mấy thể dạng sau :
1. Có tác phẩm bị gán nhầm tác giả, như trường hợp tập Cung Oán Thi bị gán cho Nguyễn Hữu Chỉnh, và bài Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong bị gán cho tổng trấn Nguyễn Văn Thành ;
2. Có tác phẩm bị những người hẳn là ở vị thế của những chủ nhân ông mới của xã hội Bắc hà sau 1802 dè bỉu qua một câu vè tưởng như vô tình nhưng có mang màu thù nghịch thường thấy trong buổi giao thời : "Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều". Hai tác phẩm liên can chính là Truyện Phan Trần và Đoạn Trường Tân Thanh. Trước nay các nhà bình luận chỉ nhìn ở khía cạnh phê phán bản thân hai quyển truyện nôm mà quên rằng hai tác phẩm văn chương này không khác là bao về nội dung tài tử, lãng mạn vượt khỏi quy lệ Nho gia. Tính cách chung của văn nôm thời kì cuối Lê - đầu Nguyễn là như vậy chứ có riêng gì hai tác phẩm trên đây ! Từ Song Tinh Bất Dạ (thế kỷ XVII) đến một loạt những truyện nôm ở thk. XVIII-XIX như Hoa Tiên Truyện, Nhị Độ Mai, Sơ Kính Tân Trang, và hàng loạt truyện nôm mà nay còn khuyết tên tác giả như Tống Trân, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh, Phương Hoa, Lý Công..., ở những mức độ khác nhau, tính cách lãng mạn vượt qua những quy ước ứng xử Nho gia đã là nét chủ đạo của những truyện nôm này. Sao lại phê phán chỉ hai truyện nôm Phan Trần và Kim Vân Kiều ? Sự thực là thời tranh tối tranh sáng những năm đầu triều Gia Long là những năm tháng không êm ả cho rất nhiều những nhà văn nho thần đã từng phục vụ tiền triều. Họ có thể bị căng nọc trước văn miếu vì cái tội là tiến sĩ mà không chọn đúng chủ mà thờ ! Họ có thể bi triệu phái, lưu dung một thời gian trước khi bị thải hồi khi hết cần thiết (như Phan Huy Ích) hoặc thậm chí chết thảm (như Nguyễn Huy Lượng). Một câu vè "Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều" chỉ có thể hiểu cạn lẽ trong bối cảnh xã hội cụ thể đó thôi ;
3. Có những tác phẩm thời cuối Lê - đầu Nguyễn, nhất là vào triều đại Tây Sơn đã vì thời cuộc mà bị đẩy vào kho văn chương khuyết danh một thời gian dài. Khi hậu thế lục tìm lại trong kho sách cũ những sách vở giá trị để khắc in thì chỉ có thể tìm được những quyển văn mất đầu thiếu đuôi... Khối lượng những tác phẩm truyện nôm thường bị coi là khuyết danh, vô danh (!) trong khoảng thời gian này nhiều lắm, nhiều một cách bất thường, phần lớn là vì lí do xã hội của chúng.
Tóm lại, trong chừng mức hiện nay, với những chứng liệu có từ văn bản truyện nôm Phan Trần và một vài tài liệu liên quan, có thể đã đến lúc trả lại tác quyền truyện nôm Phan Trần cho nhà văn Nguyễn Huy Lượng. Trước tiên là phong cách văn chương khá sát sao giữa bản phóng dịch Chinh Phụ Ngâm mà tác giả kí tên Bạch Liên Am Nguyễn và văn phong truyện nôm Phan Trần ; bên cạnh đó, chứng từ khá hiển nhiên là tác giả tự nêu danh tính ở câu đầu tiên truyện nôm này. Thêm một bàng chứng nữa là những sự kiện chung quanh cảnh ngộ cá nhân nhà văn trong một hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương đã khiến sự nghiệp văn học của ông bị phủ mờ khói bụi của thời gian. Có thể trong tương lai, các nhà nghiên cứu có thể tìm ra thêm những cứ liệu xác tin hơn để trả lại cho Cesar những gì của Cesar, trong ý hướng đẩy lùi dần tình trạng khuyết danh tác giả những áng văn chương trong kho tàng văn học hán-nôm nước nhà.
Đoàn Xuân Kiên
(16/03/2019)
-------------------------------
(1) Cho đến nay, tác phẩm này đã được khắc in nhiều lần. Bản in chữ nôm cũ nhất còn giữ được là Phan Trần Truyện, bản khắc in vào mùa thu năm Đinh Mão (1867), thời vua Tự Đức (hiện còn một bản lưu tại thư viện École des Langues Orientales, Paris). Sau đó nhiều bản in khác hiện còn bản in lưu tại các thư viện hán nôm các nơi : bản in Phan Trần Truyện khắc in năm Nhâm Thìn (1892), đời vua Thành Thái (hiện còn bản lưu trữ tại Bibliothèque Nationale, Paris) ; một bản Phan Trần Truyện khác in năm Nhâm Dần (1902), cũng vào đời Thành Thái (một bản in hiện lưu tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội) ; một bản in Phan Trần Truyện nữa khắc in mùa đông 1926, vào đời Bảo Đại (hiện còn một bản in tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội). Một bản khắc in khác được thực hiện mùa hạ năm Giáp Thìn (1904), đời Thành Thái, có tựa đề Phan Trần Truyện Trùng Duyệt, có khi gọi làPhan Trần Truyện Tăng Đính (có bản in hiện lưu tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội).
Bản in chữ quốc ngữ cũng có khá nhiều, rải rác từ cuối thế kỉ XIX đến nay. Bản in sớm nhất là Phan Trần Truyện do Trương Vĩnh Ký phiên chuyển, và do nhà in A. Bock in năm 1889 (có một bản lưu tại thư viện École des Langues Orientales, Paris) ; Phan Trần Truyện Dẫn Giải do Đinh Xuân Hội biên tập tại Toà Hán Việt Tu Nguyên, và do nhà Tân Dân Thư Quán xuất bản năm 1930 ; Truyện Phan Trần do Đinh Gia Thuyết đính chính và chú thích, và do nhà Tân Việt xuất bản tại Sài Gòn (1952) ; bản in Truyện Phan Trần, do Nguyễn Trác, Lê Tư Thực và Nguyễn Tường Phượng hiệu đính, khảo thích và giới thiệu, do nhà Văn Hoá xuất bản (Hà Nội, 1961).
Ngoài ra, phải kể đến hai bản in vừa nôm vừa chữ quốc ngữ sau đây : bản thứ nhất là Phan Trần (roman en vers), do Maurice Durand khảo đính, phiên chuyển và giới thiệu từ văn bản Phan Trần Trùng Duyệt (do Thần Khê Đồng Phong Thừa Thư khắc in năm 1904), do École Francaise d'Extrême-Orient xuất bản (hai tập in ronéo, Paris, 1962) ; và bản in mới : Truyện Phan Trần do Trần Nghĩa khảo đính, phiên chuyển từ bản in cổ nhất hiện còn (bản in đời Tự Đức, 1867), và giới thiệu, nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) in năm 2009.
Hai bản phiên chuyển ra chữ quốc ngữ có kèm bản nôm này đã chọn hai bản in thuộc hai hệ khắc bản khác nhau, và dù hai bản khắc mà hai vị sử dụng có quãng cách thời gian khác nhau 42 năm thì chúng cũng chỉ là các truyền bản từ những bản in cũ trước đó mà thôi. Tính cách chung của các khắc bản ra đời cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX đều mang sắc thái chữ nôm thế kỉ XIX đã được điển chế nhiều so với chữ nôm những thời kì sớm hơn. Sắc thái chữ nôm điển chế này có lẽ đã định hình từ khi có bộ từ điển Nhật Dụng Thường Đàm của Phạm Đình Hổ (1851). Vì lẽ trên, chúng tôi chọn dùng bản phiên chuyển từ Phan Trần Truyện Trùng Duyệt (1904).
(2) Hoàng Xuân Hãn, Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo (Nxb. Minh Tân, Paris, 1953), tr. 207-218.
(3) Theo Maurice Durand. Xem : Digital Collections : Cung Oán Thi (AB. 549).
(4) Xem : Phạm Văn Diêu, Văn Học Việt Nam (Tân Việt, 1960), tr. 659.
(5) Tương truyền là khi "bài phú ông Lượng" được lưu hành từ buổi tế hạ năm Tân Dậu hoàng triều Bảo Hưng (1801), bài văn đã mau chóng trở thành một hiện tượng văn học đương thời : dân Hà thành hồi ấy đổ xô đi tìm mua giấy mực về chép lại khiến cho giá giấy phường Hàng Giấy, Hàng Gai vọt hẳn lên. (Theo sách Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nxb. Lao động, 2009, trang 312).
Trước tiên là nhà báo Kiều Hải. Ông dựạ trên một số từ điển mới biên sọn gần đây để cho là có thành ngữ "chôn rau cắt rốn" và "chôn nhau cắt rốn". Tưởng thế là đủ tóm ý của nhà báo rồi, nhưng ông lại phát biểu thêm : "Sợ rằng, trong Nam và trước đây quen dùng "nhau" thay cho "rau", tôi lại thử tra tiếp thì thấy "chôn rau cắt rốn" cũng xuất hiện cả trong cuốn "Việt Nam tự điển" của Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, xuất bản ở Sài Gòn lần đầu năm 1970". Nhà báo dường như có ý bảo rằng quyển từ điển Lê Văn Đức là cơ sở vững chắc để bảo rằng trong Nam trước kia cũng dùng "chôn rau cắt rốn" ! Nếu đã chắc như thế rồi thì ý phát biểu sau cùng của nhà báo mà trang báo VietnamNet nhắc lại (không biết có đúng ý người nói chăng) trở nên bất nhất, khó hiểu : Theo anh Hải, phụ huynh nhìn nhận thì có thể theo cảm tính ; nhưng thầy giáo thì lại sơ suất, không có thói quen tra cứu từ điển trước khi góp ý là điều "chưa khoa học" !
Sau đó là ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập nhà xuất bản Giáo Dục lên tiếng. Ông Tùng khẳng định chắc nịch là trong tiếng Việt, rau hoặc nhau là hai cách phát âm (hai biến thể ngữ âm) của cùng một từ chỉ bộ phận nối thai nhi với thành tử cung của mẹ qua dây rốn để cung cấp dinh dưỡng, bài tiết chất thải và trao đổi khí qua máu cho thai nhi. Ông Tùng đưa dẫn chứng : Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 2005) có cả hai mục từ rau và nhau, nhưng cho rằng rau là cách phát âm của phương ngữ (tr, 706, 822). Ở cương vị một phó giám đốc, chắc trình độ của ông Nguyễn Văn Tùng phải đủ chắc để cho công chúng biết hai biến thể của một từ hẳn phải phát xuất từ một từ gốc nào đó. Vậy trong trường hợp hai từ này, hai biến thể kia đi từ từ gốc nào của tiếng Việt phổ thông ? Ông không nói. Vậy thì những điều gọi là lí giải của ông chưa đủ "khoa học", chưa thuyết phục. Có lẽ vì vậy, ông Tùng phải viện dẫn thêm ba chứng lí nữa, một từ cuốn sách y khoa, một từ quyển Thành ngữ học tiếng Việt của Hoàng Văn Hành, một câu thơ của Tố Hữu để đi đến kết luận là sách giáo khoa đã viết đúng. Tưởng thế là mọi lí giải đã ổn thỏa, nhưng ông phó giám đốc lại đưa ra một phát biểu làm lung lay những khẳng định chắc nịch trên đây, khiến nó không còn chắc nịch chút nào : "Ở những địa phương quen gọi rau là nhau, các thầy, cô giáo có thể giải thích cho học sinh hiểu và học sinh cũng có thể sử dụng cách gọi nào quen thuộc hơn với mình" (VietnamNet, ngày 3/11/2017). Thế là thế nào ?
Cuối cùng bài báo đưa ra ý kiến của một nhà ngôn ngữ cấp hàn lâm, ông Phó giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Tình, tổng thư kí hội ngôn ngữ học Việt Nam, rằng : "Chôn nhau cắt rốn" và "Chôn rau cắt rốn" là hai biến thể, mỗi nơi dùng một kiểu, và cả hai đều có thể dùng được !
Một bài báo phổ thông thì khó đòi hỏi nhà báo giải quyết rốt ráo vấn đề. Vả chăng, vấn đề bàn ở đây đòi hỏi mộ trình độ chuyên ngành chứ phát biểu kiểu cả vú lấp miệng em như ông Phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo Dục, hay kiểu nước đôi như ông hàn lâm Tình thì một người đường phố cũng thường làm rồi.
Sự thật thì từ ông Tùng đến ông Tình không hiểu biến thể trong ngôn ngữ phải là biến thể từ một thể gốc. Không có ngoại lệ. Nếu chưa tìm thấy cái gốc của các biến thể thì các ông hoặc là lười biếng hoặc là dốt. Ở trường hợp chữ nhau đang bàn ở đây, bộ Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, đã cho biết từ rau là biến thể trong phương ngữ tiếng Việt ; vì vậy các soạn giả bộ từ điển đã bảo người đọc tìm về từ nhau, và có giải nghĩa tường tận. Người bình thường khi xem đến thế thì đã hiểu rằng từ rau là biến thể của từ nhau.
Những người soạn sách giáo khoa đã lười biếng để chỉ dựa theo kiến thức cục bộ địa phương của mình ; nhưng những người biên tập ở đâu mà không làm việc chỉnh đốn lại ? Đến ông phó tổng cũng lại lười biếng (hay dốt ?) và chỉ dùng lối nói trịch thượng để bao biện cho thuộc hạ của mình. Về mặt giáo dục, nhà xuất bản Giáo Dục đã phạm một nguyên tắc cơ bản của sách giáo khoa là cung cấp cho học sinh phổ thông những kiến thức xác thực, nền tảng. Khi thầy cô giáo phải diễn giảng theo địa phương mình thì tính nhất quán, tính xác thực ổn định của sách giáo khoa phổ thông không còn nữa.
Cách giải quyết vấn đề từ nhà báo Kiều Hải đến ông Tùng và ông Tình, thiếu thuyết phục vì những ý kiến nêu ra nhằm biện hộ cho cái sai hiển nhiên của sách giáo khoa đều có tính cách nói suông, chẳng có chứng lí gì chống đỡ cho những phát biểu của quý vị. Đem ba pho từ điển ra chỉ để nói vo mà không lí gì nội dung của chúng thì đem chúng ra chẳng thêm chút lí chứng nào. Dựa vào một câu thơ của một cá nhân, hoặc một chứng từ công trình sưu tập cũng không thể làm tăng giá trị lời phát biểu của quý ông.
Các vị có trong tay hơn một quyển từ điển, trong đó có hẳn một bộ biên soạn đứng đắn, có phương pháp nghiêm túc. Tuy vậy, chỉ lật qua lại trang nào có từ theo ý chủ quan của mình thì chưa thể gọi là tra cứu, cùng lắm thì chỉ là tra thôi chứ chưa có cứu tí nào cả. Đòi hỏi nhà báo phải tra cứu cẩn thận thì cũng quá đáng, nhưng hai ông Tùng và Tình thì phải tra cứu từ điển nghiêm túc hơn chứ !
Ở đây cần nói ngay một sai lầm nghiêm trọng của hai ông Tùng và Tình là các ông khá hời hợt trong việc tra cứu. Chỉ riêng bộ từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học đáng ra đã đủ cho ông Tùng phủ định giá trị của trang sách giáo khoa kia.
Nếu đi chuyên sâu thêm trong việc tra cứu thì ông Tình còn có thể nhìn ra nhiều điều hay hơn, giá trị hơn lời phát biểu hời hợt không hơn một người ngoài đường phố. Là một người nghiên cứu ngôn ngữ, hẳn ông Tình phải hiểu rằng kiến thức chúng ta có hôm nay là một công phu kế thừa và phát triển trong dọc dài tích lũy tri thức chuyên ngành. Đối với những thành ngữ như chúng ta đang bàn đây, một dúm từ điển ra đời khá mới về sau này, trong điều kiện học tập lệch lạc, khó có thể giúp người học hỏi tìm ra giềng mối để định đúng sai.
Trong số các từ điển mới, chúng ta đã biết là bộ Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học công nhiên xem từ rau chỉ là biến thể thuộc phương ngữ của từ nhau. Bộ từ điển này giảng nghĩa từ nhau rõ và đủ như sau : "nhau, d.: Bộ phận đặc biệt ở dạ con, có chức năng trao đổi chất dinh dưỡng giữa cơ thể mẹ và thai. Cuống nhau. (Nơi) chôn nhau cắt rốn" (tr. 706).
Định nghĩa này hoàn toàn ăn khớp với bộ Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội, 1931) mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị về trình độ tiếng Việt, về phương pháp soạn từ điển. Từ điển Khai Trí Tiến Đức ghi mục từ nhau như sau : "Nhau. Đoạn ruột nối tử cung mẹ với cái thai khi ở trong bụng : Cắt nhau, chôn nhau" (tr. 404). Những ai quan tâm đến quá trình biên soạn pho từ điển của Hội Khai Tiến Đức đều thấy Ban Văn Học của Hội đã thu thập các mục từ một cách sâu rộng và sắp đặt có phương pháp chặt chẽ đúng quy cách một bộ từ điển tiêu chuẩn.
Ngoài ra, cũng xin mách thêm một bộ từ điển Dictionnaire Annamite-Français của J.F.M. Génibrel (1898) cũng có từ nhau, giải nghĩa là Cordon ombilical (cuống rốn), và có hai ví dụ : Người nhau rún, Chỗ nhau rún.
Cần lưu ý là ở hai bộ từ điển trên đây, mục từ rau là một từ khác hẳn, không lẫn lộn với từ nhau bàn ở đây.
Đến đây chúng ta có thể nhận thấy từ nhau là một từ phổ thông trong tiếng Việt đã lâu đời. Cha ông chúng ta không lẫn lộn từ địa phương và từ chuẩn. Tại sao đến thời này tiếng Việt trở nên rối loạn như thế ? Một từ địa phương bị đem ra thay một từ phổ thông mà một phó giáo sư tiến sĩ như ông Tình không thấy xốn xang hay sao ?
Đến đây có thể nói thêm gì về hiện tượng rau ∞ nhau khiến cho một ông phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo Dục và một ông hàn lâm phó giáo sư tiến sĩ cũng lúng túng rồi phát biểu như một người ngoài đường phố ?
Sở dĩ có hiện tượng nói rau (ở vùng Nam Định, Ninh Bình rõ nhất) để chỉ cái nhau là vì người mình ở một số địa phương xa xôi có lối chuyển âm đầu tại các vùng từ Quảng Bình Quảng Trị ra tới Nam Định : nh ∞ d ∞ r (nhờ -> dờ -> rờ).
Vài thí dụ : người Quảng Bình nói : "đi về dà" (nhà), người ở vùng Nam Định-Ninh Bình hay nói : Nhà ta năm nay rư rả (dư dả)... Những biến thể như vậy có rất nhiều, nhưng đối với nhà ngữ học thì chúng chỉ là biến thể. Điều cần thiết là phải biết những biến thể ấy là của những từ nào trong tiếng Việt phổ thông. Nhà ngữ học có làm tròn phần việc của mình thì nhà giáo dục mới có cơ sỡ vững chắc cho việc giảng dạy, biên soạn sách giáo khoa.
Hiện nay có tình hình đáng buồn là sách giáo khoa vẫn độc quyền trong tay một nhóm giáo chức thư lại mà hiểu biết chuyên ngành rất đáng ngờ. Công luận liên tục vạch ra những bất cập của hệ thống sách giáo khoa các cấp. Những phát biểu vô trách nhiệm của một phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo Dục cộng thêm với phát biểu hời hợt của một phó giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ học phản ảnh tình trạng đáng báo động về thói thư lại lười biếng trong xã hội hiện nay.
London, 05/11/20147
Đoàn Xuân Kiên
---------------------
(1) Đọc thêm :
"Chôn rau cắt rốn" hay "chôn nhau cắt rốn" ?
VietnamNet, 03/11/2017
Một phụ huynh có con học tiểu học tại Hà Nội cho rằng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 sử dụng sai thành ngữ "Chôn rau cắt rốn" và cho rằng phải là "chôn nhau cắt rốn" mới đúng.
Cụ thể, trong phần Luyện từ chủ đề Mở rộng vốn từ : Tổ quốc nằm ở trang 18 Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 tập 1 có câu 4 với yêu cầu :
Đặt câu với một trong những từ ngữ dưới đây :
a) Quê hương
b) Quê mẹ
c) Quê cha đất tổ
d) Nơi chôn rau cắt rốn
Tuy nhiên, vị phụ huynh này cho rằng phải là "Nơi chôn nhau cắt rốn", chứ không phải "Nơi chôn rau cắt rốn".
Trước đó, một thầy giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh khi góp ý cho cuốn sách này cũng cho rằng thành ngữ "chôn rau cắt rốn" là sai, đúng ra phải là "chôn nhau cắt rốn".
Phần nội dung trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 tập 1 khiến phụ huynh băn khoăn. Ảnh : Thanh Hùng.
Trong khi đó, anh Kiều Hải, một nhà báo ở Hà Nội nhận xét : "Chôn rau cắt rốn" là một thành ngữ quá phổ biến, thậm chí còn được sử dụng nhiều hơn cả "chôn nhau cắt rốn", vì "rau" đi với "rốn" thì thuận miệng lẫn thuận tai hơn.
Anh cho biết, thành ngữ này được ghi nhận và giải nghĩa trong rất nhiều cuốn từ điển, chẳng hạn như :
- Đại từ điển tiếng Việt (Bộ Giáo dục và đào tạo và Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam), do Nguyễn Như Ý chủ biên.
- Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học Vietlex), bản in năm 2014.
- Thành ngữ tiếng Việt, của Nguyễn Lực - Lương Văn Đang, với sự cộng tác của Nguyễn Đăng Châu, Phạm Văn Thứ, Bùi Duy Tân, bản in năm 1978 và 2009. Bản 2009 còn bổ sung cách nói ngược là "cắt rốn chôn rau".
Thành ngữ "chôn rau cắt rốn" được giải thích trong một cuốn từ điển
Anh Hải cho biết thêm :
"Sợ rằng, trong Nam và trước đây quen dùng "nhau" thay cho "rau", tôi lại thử tra tiếp thì thấy "chôn rau cắt rốn" cũng xuất hiện cả trong cuốn "Việt Nam tự điển" của Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, xuất bản ở Sài Gòn lần đầu năm 1970.
Theo anh Hải, phụ huynh nhìn nhận thì có thể theo cảm tính ; nhưng thầy giáo thì lại sơ suất, không có thói quen tra cứu từ điển trước khi góp ý là điều "chưa khoa học".
VietNamNet đã liên hệ tới Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để làm rõ điều này.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định câu này không sai.
Ông Tùng lý giải, trong tiếng Việt, rau hoặc nhau là hai cách phát âm (hai biến thể ngữ âm) của cùng một từ chỉ bộ phận nối thai nhi với thành tử cung của mẹ qua dây rốn để cung cấp dinh dưỡng, bài tiết chất thải và trao đổi khí qua máu cho thai nhi.
Ông Tùng đưa dẫn chứng : Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 2005) có cả hai mục từ rau và nhau, nhưng cho rằng rau là cách phát âm của phương ngữ (tr, 706, 822).
Tuy nhiên, cuốn Giải phẫu sinh lý, tập 2 của Bộ Y tế (Nhà xuất bản Y học, 1986) gọi bộ phận nêu trên là rau : "Thai phát triển do các tác động phối hợp của buồng trứng, của rau và của thùy trước tuyến yên" (tr. 93) ; "Bản thân rau thai cũng tiết ra progesteron và estrogen" (tr.94).
Cuốn Thành ngữ học tiếng Việt của Hoàng Văn Hành (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2015) chấp nhận cả hai thành ngữ Chôn rau cắt rốn và Chôn nhau cắt rốn.
Còn Tố Hữu, nhà thơ bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ dân gian thì viết :
"Ai về thăm bưng biền Đồng Tháp,
Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp
Nơi chôn rau cắt rốn của ta !"
(Tố Hữu toàn tập, Nhà xuất bản Văn học, 2009, tr. 224)
Như vậy, ông Tùng khẳng định thành ngữ nơi chôn rau cắt rốn mà sách giáo khoa Tiếng Việt 5 cung cấp là đúng. "Ở những địa phương quen gọi rau là nhau, các thầy, cô giáo có thể giải thích cho học sinh hiểu và học sinh cũng có thể sử dụng cách gọi nào quen thuộc hơn với mình", ông Tùng nói.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Tình (Tổng thư ký hội ngôn ngữ học Việt Nam) cũng cho rằng "Chôn nhau cắt rốn" và "Chôn rau cắt rốn" là 2 biến thế mỗi nơi dùng 1 kiểu và cả 2 đều có thể dùng được.
Thanh Hùng