Câu chuyện đặt tên đường Alexandre de Rhodes và những chuyện còn chưa nói hết
Vài tuần nay đã dấy lên những tranh cãi chung quanh việc thành phố Đà Nẵng có nên hay không nên đặt tên đường Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes.
Có thể mượn hai bản kiến nghị của hai nhóm trí thức nhân sĩ để tóm tắt hai quan điểm trái chiều nhau :
1. Nhóm 12 trí thức-nhân sĩ ở Huế và Đà Nẵng cho rằng không nên đặt tên đường Alexandre de Rhodes vì giáo sĩ này không phải là người có công đầu đối với chữ quốc ngữ ; việc chết tác chữ quốc ngữ của các giáo sĩ phương Tây chỉ là để phục vụ việc truyền giáo tại xứ ta ; vả lại, các giáo sĩ phương Tây như Alexandre de Rhodes chính là những người đã mở đường cho thực dân Pháp đến nước ta mà thôi.
2. Nhóm 101 trí thức và nhân sĩ tại Sài Gòn và các nơi khác thì cho rằng rất nên đặt tên đường Alexandre de Rhodes để tỏ bày lòng biết ơn đối với công lao của vj giáo sĩ, bày tỏ lòng biết ơn với tiền nhân, đồng thời cho rằng hai vị giáo sĩ này xứng đáng được vinh danh vì họ đã góp phần tạo ra một hệ thống chữ viết góp phần rất lớn trong việc phổ cập và phát triển văn hóa Việt Nam.
Alexandre de Rhodes là một giáo sĩ Pháp đã đến Đàng Ngoài và Đàng Trong trong sứ mệnh truyền đạo Thiên Chúa, và chữ quốc ngữ chỉ là công cụ mà ông đã cùng các giáo sĩ phương Tây khác chế tác chỉ để phục vụ họ trong công việc truyền đạo mà thôi.
Có một điểm đáng lưu ý là cho đến nay, sau mấy tuần tranh luận qua lại, hai quan điểm tranh luận trên xem ra khó đi đến đồng thuận. Câu chuyện tưởng chừng chỉ là một đề tài học thuật nhưng lại trở thành một cuộc tranh luận rất xa học thuật. Và khi có một nhà sư Phật giáo tham gia tranh luận thì câu chuyện đã mang nhiều tính chất chính trị-xã hội có thể gây ra những sứt mẻ khó tránh.
Qua những gì bày tỏ trước công chúng, có thể nhận ra hai quan điểm trái chiều này đã đặt điểm tựa cơ sở tranh luận khác nhau : một bên dựa vào một tình cảm chính trị gọi là chủ nghĩa yêu nước mà chúng ta đã biết từ 1945 đến nay. Trên cơ sở này thì những ai không ở trên cùng chiến tuyến với ta hẳn nhiên là địch rồi. Alexandre de Rhodes là một giáo sĩ Pháp đã đến Đàng Ngoài và Đàng Trong trong sứ mệnh truyền đạo Thiên Chúa, và chữ quốc ngữ chỉ là công cụ mà ông đã cùng các giáo sĩ phương Tây khác chế tác chỉ để phục vụ họ trong công việc truyền đạo mà thôi. Thực tế lịch sử cũng đã cho thấy mối quan hệ thiết thân giữa công việc truyền giáo của các giáo sĩ với các triều đình các nước phương Tây trong thời kì các đế quốc thực dân đang vươn lên ở thế kỉ XV về sau.
Đáp lại quan điểm trên là những người chủ trương cần tôn vinh Alexandre de Rhodes và chữ quốc ngữ vì chính ông là người đã từng đánh dấu mốc quan trọng cho hành trình dài lâu và hữu dụng của chữ quốc ngữ. Trong nhóm này có những nhà trí thức chuyên ngành ngữ văn và những người khác. Trong cuộc tranh luận hiện nay, các vị khoa bảng chuyên môn về học thuật có thể nhắc lại cho chúng ta nhớ những chặng đường phát triển của chữ quốc ngữ từ khi nó còn trứng nước cho đến khi hoàn chỉnh rồi được nhà nước thuộc địa cho phổ cập trong giáo dục, hành chính như thế nào, rồi chữ quốc ngữ được chuẩn nhận là phương tiện chuyển ngữ trong xã hội ta sau năm 1945... Có vẻ như mọi người bằng lòng với lập luận cho rằng khi nhà nước Việt Nam ban hành quyết định dùng chữ quốc ngữ làm phương tiện chuyển ngữ trên toàn xã hội thì cũng là sự thừa nhận công lao và vai trò tiên phong của các giáo sĩ phương Tây -mà đại biểu hàng đầu là Alexandre de Rhodes- đối với chữ quốc ngữ (2).
Sự thể xem ra không thẳng băng như mong muốn của những người thuộc hai quan điểm trái chiều về hai vị giáo sĩ phương Tây nói trên. Có một nhân tố khá nổi cộm nhưng lại bị cất giấu đằng sau những tranh luận chung quanh hai vị thừa sai phương Tây này. Sự thật là cả hai quan điểm trên đây đã chỉ là kết quả của hai định kiến chính trị vốn lưu cữu trên đất nước mình từ thế kỉ XIX đến nay. Chừng nào chưa cảnh giác với di sản của những hệ lụy quá khứ như thế thì cuộc đối thoại hay tranh luận -cho dù ai muốn nó chỉ là tranh luận học thuật thì kết quả vẫn chỉ là như... đang diễn ra hiện nay, không có điểm kết chung.
Hãy cùng trở ngược lại thế kỉ XVI, khi Đại Việt chúng ta bắt đầu tiếp xúc với phương Tây qua các tàu buôn và giáo sĩ Bồ Đào Nha. Đó chẳng phải là sự gặp gỡ tình cờ mà là có chủ định trong một chiến lược toàn cầu ở vào thời buổi ấy.
Từ sau những cuộc thánh chiến gay gắt giữa hai thế lực tôn giáo lớn là Giáo hội Roma và Islam, trên địa bàn toàn cầu buổi ấy có hai thế lực chính trị liên minh với tôn giáo đi chinh phục thế giới. Thế kỉ XIV-XV chứng kiến sự hưng thịnh của hai vương quốc Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Hai nước này đang làm chủ đại dương sau khi Columbus tìm ra lục địa mới mà sau này sẽ là châu Mỹ. Vì có tranh chấp giữa hai vương quốc này trong việc khám phá và chiếm đoạt những xứ sở không phải là thần dân chung của Giáo hoàng nên mới có Sắc chỉ Inter Coetera năm 1493, do giáo hoàng Alexander VI ban hành, trong đó Giáo hội Roma lúc ấy chia thế giới làm hai phần chạy từ Bắc cực xuống Nam cực chạy qua quần đảo Açores, phía tây của đường ranh thuộc độc quyền xâm lăng và truyền đạo của Tây Ban Nha, phía đông đường ranh gồm toàn vùng châu Á thuộc Bồ Đào Nha. Do vậy mà giáo đoàn Bồ đã sớm thành lập ở Macao một cơ sở để phân bổ giáo sĩ truyền giảng tại Trung Hoa, Nhật và Đại Việt... Trong khi các giáo đoàn thừa sai ở Macao hoạt động mạnh tại phía Đông Á thì thế lực Hồi giáo cũng đang xâm thực vùng địa bàn của văn minh Ấn giáo tại Đông Nam Á. Đã xảy ra những cuộc giao chiến giữa các thuyền chiến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và các lực lượng phong kiến Hồi giáo tại địa bàn này.
Như thế thì từ buổi đầu của cuộc chinh phục thế giới, các thế lực chính trên đây không chỉ là cử người thừa sai đi rao giảng tin mừng (tôn giáo) mà cũng mang tính chất thực dân nữa. Sự kiện này hiện rõ trong các tính toán của nhà nước Pháp và giáo đoàn hải ngoại Pháp về sau này. Tại vùng đất thuộc địa của họ, mà Việt Nam là đấu trường lớn.
Cũng vì thế mà chúng ta thấy rơi rớt đó đây trong các văn bản của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, ông có nói đến ý tưởng "những chiến sĩ" (soldats) đi rao giảng tin mừng, đi chinh phục thế giới để quy phục vương quốc của Thiên Chúa. (Trong sách Voyages Divers..., ông nói nhiều đến vai trò "chiến sĩ này, nhưng không phải là kiểu nói sặc mùi đao kiếm như lời trích dẫn trong sách Lịch Sử Việt Nam tập I (1971) của nhà nước Việt Nam đâu) (1). Ông tự xem mình là một chiến sĩ ấy, và đã tích cực vận động hoàng gia Pháp để hỗ trợ công cuộc chinh phục cao cả này. Những biến cố chính trị tại địa bàn Đại Việt cho đến năm 1945 đã ghi dấu rõ vai trò song hành của giáo đoàn hải ngoại Pháp và nhà nước thuộc địa Pháp. Trong bối cảnh chính trị đó, việc đưa chữ quốc ngữ La tinh vào các mặt sinh hoạt hành chính, truyền thông và giáo dục thời thuộc địa cũng là chuyện đương nhiên. Chừng nào các bậc thức giả còn bỏ quên những sự kiện lịch sử nói trên thì những luận điểm tranh luận giàu tính học thuật (ở đây là ngôn ngữ học, văn tự học) sẽ chưa thuyết phục mọi người. Những gì đã xảy ra trên đăt nước mình đều đã để lại di sản, kể cả những hệ lụy của lịch sử đó.
Sau năm thế kỉ đầy những đổ vỡ vì phân hóa, vì thù hận, có thể nào người trong cùng một nước có thể nhìn nhận lại hết di sản đó để giải trừ những vướng mắc từ đó ?
Trên đây vừa lướt qua những gì mà mấy thế kỉ tiếp xúc với thế giới phương Tây, bắt đầu từ giao tiếp với các giáo đoàn hải ngoại Bồ, Tây Ban Nha, Pháp... Cuộc giao tiếp đó nằm gọn trong giai đoạn phát triển đế quốc thực dân của phương Tây. Cuộc giao tiếp đó đã dẫn nước ta đến 83 năm làm thuộc địa của Pháp. Nhưng không phải chỉ có di sản buồn là gần năm thế kỉ vùng vẫy trong ma trận của ngoại thuộc. Cuộc tiếp xúc với thế giới phương Tây cũng đã cho nước ta cớ hội mở cửa cho văn minh phương Tây, đạo Thiên Chúa và chữ quốc ngữ La tinh. Đó là những gì Việt Nam của thế kỉ XX thừa hưởng kết quả của cuộc giao tiếp lịch sử này.
Trong bối cảnh của di sản lịch sử nói trên, chữ quốc ngữ là một thành tựu lớn đã cùng đi với đất nước Việt Nam vào thời hiện đại. Đến nay, sau đúng một thế kỉ chữ quốc ngữ được chính thức đảm nhận vai trò chuyển ngữ của xã hội, những ai muốn xóa bỏ nó, phủ nhận vai trò của nó trong xã hội sẽ chỉ làm một việc luống công. Đáng nói chăng là những người tác tạo ra chữ quốc ngữ. Họ là những giáo sĩ tiền phong của phương Tây đến giảng đạo tại địa bàn Đàng Trong và Đàng Ngoài của Đại Việt, phải mầy mò để thích ứng với môi trường ngôn ngữ văn tự xa lạ với ho. Chữ quốc ngữ hình thành từ nhu cầu giao tiếp cụ thể ấy mà hoàn thiện chính nó qua thời gian. Từ khi nó phôi thai trong tài liệu ghi lại của những giáo sĩ như Cristopho Borri đến khi quyển từ điển đầu tiên được ấn hành tại Rome (1651) là một tiến trình dài. Rồi từ điển Béhaine (1772) và từ điển Taberd (1838) là một hành trình dài lâu, bền bỉ và công phu mà công khó không phải chỉ là ba tác giả đứng tên trên bìa sách. Những người Việt đã giúp các giáo sĩ ghi từng chữ nôm trên hàng ngàn mục từ của hai từ điển sau là ai, không được nhắc đến. Những ai đã giúp các giáo sĩ học tiếng Việt rồi ghi chép lại vào sổ tay của họ là những ai, không được nhắc đến. Nhưng họ cũng xứng đáng được vinh danh trong số những người góp công làm nên diện mạo chữ quốc ngữ vào thời của họ, và cho con cháu sau này. Khi linh mục Léopold Cadière đề xướng việc những nhà văn hóa liên quan đến xứ thuộc địa An Nam vinh danh giáo sĩ Alexandre de Rhodes năm 1912, ông không dè hết những hệ lụy của sự đề xướng này. Nhưng sự đề xướng của ông không phải là không có phần đúng. Cho nên, nối tiếp ông, có những người Việt và Pháp cũng muốn tôn vinh Alexandre de Rhodes ở những tầm mức khác nhau thì chỉ là phải chăng thôi.
Chẳng may là bên cạnh pho Từ điển Việt-Bồ-La (1651) quý giá, mỗi khi nhắc đến Alexandre de Rhodes, người ta không thể bỏ lơ quyển sách Phép Giảng Tám Ngày (1651) của ông. Quyển sách giảng dành cho giáo dân mới cải đạo ở thế kỉ XVII phản ảnh đúng não trạng của giáo hội La Mã trong quá trình chinh phục thế giới, nhưng đã xúc phạm nặng nề đến truyền thống lâu đời của phong hóa đông phương tại vùng đất ông rao giảng đạo Ki Tô. Não trạng này kéo dài rất lâu, và chỉ đến khi nó được đưa lên bàn mổ tại Công Đồng Vatican II (1962) thì thái độ trịch thượng tôn giáo kia mới giảm bớt. Những người trí thức Công Giáo đáng lẽ phải giúp những người tín hữu của mình sống đạo và hòa nhập với đất nước trên tinh thần Công Đồng Vatican II thì đã có thể giúp nhau tránh những tranh chấp gay gắt như đã xảy ra rất dài lâu thế này.
Quyển sách Phép Giảng Tám Ngày (1651) của Alexandre de Rhodes
Những gì nói trên đây chỉ để góp thêm một góc nhìn vào một sự kiện lịch sử chưa được nhìn nhận đầy đủ, toàn diện và theo đúng lịch sử tính của nó. Vì chưa nhìn nhận đầy đủ tính lịch sử của vấn đề mà những người cổ suý cho việc tôn vinh giáo sĩ nước ngoài đã trở thành mũi phê phán, công kích của "phía bên kia". Có để ý đến nhân tố "hệ lụy quá khứ" này mới lí giải được tại sao có một dạo tại hải ngoại bùng lên những phê phán gay gắt nhằm công phá thành trì đạo Gia Tô. Trên báo mạng Giao Điểm dạo đó có những luận điểm phê phán nặng nề xuất phát từ quan điểm cực đoan của nhà nước cộng sản Việt Nam. Cũng dễ hiểu. Nhà cầm quyền đã phải làm hết sức để giành thắng lợi cho Nghi Quyết 36 nhắm vào cộng đồng người Việt hải ngoại. Chỉ đáng buồn là những đập phá không nương tay một dạo đã chỉ cho thấy những vết thương của quá khứ vẫn chưa lành. Và khi một số Phật tử cũng góp phần tiếp tay cho những người chủ súy công cuộc đánh phá trên thì hiển nhiên là di sản của những hệ lụy quá khứ vẫn còn nặng nề.
Chỉ phiền là một nửa sự thật trên đấy vẫn chưa phải là toàn bộ sự thật. Những gì chúng ta vừa nhìn lướt qua trên đây mới chỉ là một nửa của di sản lịch sử mà đất nước ta đã trải qua.
Sau thế chiến II (1939-1945), các đế quốc thực dân lần lượt tan rã, trả lại chủ quyền dân tộc cho các nước thuộc địa. Chẳng may, khi làn sóng thực dân đế quốc cũ tàn lụi thì làn sóng đế quốc mới dâng lên nhuộm đỏ phần Đông Âu và nhiều quốc gia cựu thuộc địa của phương Tây, trong đó có Việt Nam. Tại những quốc gia mới độc lập theo khuôn khổ của đế quốc đỏ lại xảy ra những tai ương mới : lịch sử được viết lại, lằn ranh ta-địch thật rạch ròi. Ý hướng cắt lìa quá khứ, thậm chí có lúc có cả chủ trương xóa sạch quá khứ mà những người cộng sản cho rằng không đáng tự hào để nhớ lại... Trước làn sóng ý thức hệ cao ngạo này, những trí thức nho gia đầu thế kỉ XX chỉ là những người cải lương nửa vời hoặc những kẻ thỏa hiệp với thực dân đế quốc. Chưa bao giờ trong lịch sử nghìn năm của dân tộc, chân lí đúng sai của đời sống lại được vẽ ra rạch ròi đến thế. Cái đúng thuộc về những người theo chủ nghĩa yêu nước cực đoan Leninist.
Trong khuôn khổ ý thức hệ mới, lịch sử chữ quốc ngữ được nhìn nhận rất khác : dân tộc ta đã giành lại công cụ chữ viết vốn chỉ phục vụ mưu đồ thôn tính nô dịch nước ta trở thành một công cụ hiệu quả cho việc phát triển văn hóa giáo dục dân tộc. Tác giả của công trình đồ sộ này chẳng qua chỉ là những kẻ tội đồ của dân tộc Việt, không đáng ghi nhớ !... Gần đây nhiều người thường nêu lên một câu chữ trích dẫn trong sách Lịch Sử Việt Nam I của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (1971), có ý khêu lên một xuyên tạc lịch sử có chủ ý, chỉ nhằm mục đích tranh thắng trên một di sản của lịch sử. Thật ra còn nhiều, rất nhiều những minh chứng như thế về một thái độ độc quyền lẽ phải, độc quyền chân lí. Trên cái nền của chủ nghĩa yêu nước cực đoan đó, những chuyện vẽ vời về những nhà yêu nước kiểu Lê Văn Tám hay hàng ngàn hàng vạn những "anh hùng thời đại" như thế đang cần những Phan Huy Lê mới giúp xã hội trả về với sự thật những gì không thật. Có thế mới làm sạch được những bảng tên đường nhan nhản hiện nay trên khắp nước như một thách đố lương tâm những người con dân chính trực.
Chẳng may là tâm lí hãnh tiến của những người cộng sản đã kéo dài quá lâu, cho nên không tránh được tình cảnh tâm lí bị điều kiện hóa của một bộ phận quần chúng trong xã hội Việt Nam hôm nay. Cho nên mới nảy sinh những vị khoa bảng học giả như Lê Cung, Nguyễn Đắc Xuân và cơ man là những trí thức quan chức thời nay mang đủ loại phẩm hàm nhưng sự hiểu biết lịch sử thì thật đáng ngờ. Họ chỉ phát ngộn từ tâm lí đã bị điều kiện hóa của ý thức hệ cực đoan kia.
Di sản quá khứ như vậy không chỉ nặng nề có một lần, mà tới hai ba lần đó chứ. Những cuộc tranh cãi như là chung quanh chuyện chữ quốc ngữ và Alexandre de Rhodes lần này chỉ thêm một lần gợi lại vết thương còn nhức nhối trong lòng dân tộc. Cần nhiều dũng lược của những người con dân Việt. Nói cho đúng thì sau biến cố Berlin Wall sụp đổ (1989), và nhất là sau khi Liên Xô tan rã (1991), thì thành trì ý thức hệ của nó cũng đang bị công phá khắp nơi. Trên tờ báo Moscow News trong những năm hậu Perestroika, người ta đã chứng kiến cảnh những trí thức viện sĩ hàng đầu của Liên Xô khấu đầu xin lỗi quốc dân vì đã vì ý thức hệ cứng nhắc mà đã góp phần với đảng Xô Viết viết lại lịch sử nước Nga... Chúng ta ghi nhận là trong giới học thuật Việt Nam đã có những nỗ lực vượt thoát não trạng bị điều kiện hóa do ý thức hệ mác xít giam hãm lâu năm. Hãy ghi nhận nơi đây nỗ lực thoát-ý-thức-hệ của giới nghiên cứu văn học nước nhà, mà Trần Đình Hượu là một trong những người mở đường cho một sự nhìn lại đang rất cần thiết.
Đến đây, có thể nói gì thêm về di sản tâm lí do những hệ lụy lịch sử ? Có lẽ chỉ cần làm một việc : hãy cảnh giác với nó, hãy vứt bỏ nó đi, ném nó vào thùng rác lịch sử để cho hành lí chúng ta nhẹ nhàng đi vào tương lai.
Vứt bỏ di lụy quá khứ mấy trăm năm của đế quốc Roma thì người Việt chúng ta sẽ có thể trân trọng gia tài chúng ta có hôm nay, trong đó có chỗ đứng của văn hóa Ki Tô giáo, bên cạnh những gia sản truyền thống đông phương trước kia. Việt Nam ở thế kỉ XX và XXI là thế. Ai phủ nhận được ? Vứt bỏ hệ lụy quá khứ thì quyển Phép Giảng Tám Ngày (1651) của Alexandre de Rhodes chẳng hạn, chỉ còn là mớ tài liệu cho tôi tìm hiểu câu nói, chữ viết của dân nước tôi ở thế kỉ XVII như thế nào. Thế thôi. Chẳng có gì phải ầm ĩ. Vứt bỏ di lụy của quá khứ thuộc địa thì chữ quốc ngữ sẽ hiện lại trong mắt tôi một thứ gia sản ngẫu nhiên của lịch sử do người ngoài đem lại tặng hiến cho dân tôi. Sao không đáng trân trọng ?
Cũng thế, những người ở "phía bên kia" cần phải cảnh giác về não trạng độc tài ý thức hệ mà mình tiêm nhiễm, nay cần tháo bỏ nó để nhìn lại rõ chân dung anh em, bạn bè đồng bào mình. Đừng bao giờ nói như một anh trí thức kia, là câu văn tiếng Việt chỉ thực sự phong phú, nhiều màu sắc từ khi "ta" có đảng ! (3). Xấc xược với tiền nhân không phải là thái độ của người Việt Nam có văn hóa ở thế kỉ XXI.
Cũng nhờ vứt bỏ hệ lụy của quá khứ, người Việt chúng ta sẽ thấy hãnh diện vì ta có chữ quốc ngữ dùng mẫu tự La tinh bên cạnh di sản chữ quốc ngữ viết bằng nét chữ Hán mà ta thường gọi là chữ Nôm. Đó là những di sản của lịch sử mà đất nước ta đã làm ra bằng cách này cách khác.
Nói vậy thì cũng phải nói hết lẽ về di sản văn tự của chúng ta. Phải thừa nhận rằng trong số những nước có được hệ thống văn tự theo hệ chữ viết La tinh, nước Việt mình kém may mắn là đã "theo mới, hoàn toàn theo mới" mà có phần đoạn lìa di sản truyền thống nghìn năm là văn hóa Hán-Nôm. Nhưng đây nào phải trách nhiệm của tự thân hệ chữ quốc ngữ La tinh ! Trách cứ nó như Cao Xuân Hạo hay những người nối điêu ông là phạm một lầm lẫn lớn. Trách nhiệm phải nằm ở những người có trách nhiệm quản lí xã hội chúng ta, suốt từ thời thuộc địa đến nay. Nhà nước thuộc địa thì hăm hở cải tổ thi cử, đưa chữ quốc ngữ vào các mặt sinh hoạt xã hội nhằm mục đích xóa bỏ vai trò của cổ học trong xã hội. Đến khi đất nước giành được độc lập thì sao ? Các nhà nước nối nhau suốt từ 1945 đến nay đã làm gì khác hơn nhà nước thuộc địa thời trước ? Một thời gian rất lâu, từ 1954 trở đi, hệ thống giáo dục phổ thông và đại học hầu như lơ là việc gìn giữ, trau luyện vốn từ vựng Hán Việt. Người ta nhân danh việc "gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt" để công phá vai trò chữ Nho và vốn từ Hán Việt cho công chúng. Ngày hôm nay ai lớn tiếng rằng con cháu Việt Nam vì chữ quốc ngữ mà bị đứt đoạn với di sản Hán Nôm, thì chính là họ đã lẫn lộn trách nhiệm của một công cụ với những người có trách nhiệm điều hướng sử dụng công cụ đó. Nhìn nhận rõ như thế mới có thể đối xử công bằng với chữ quốc ngữ La tinh, và mới tìm đúng đầu kẻ có trách nhiệm mà gõ.
Câu chuyện tranh cãi chung quanh một bảng tên đường xem ra lại là một chỉ dấu cho một câu chuyện to tát hơn : những hệ lụy của di sản quá khứ còn đè nặng trên đất nước mình. Quá khứ mấy trăm năm nặng nề thì di sản của nó hẳn nhiên không phải là nhẹ. Ngày nào người Việt chúng ta còn lảng tránh nhìn thẳng vào những hệ lụy của di sản quá khứ thì những đối thoại, tranh luận như kiểu tranh cãi quanh chuyện một bảng tên đường cũng có thể trở thành một đám cháy nhức nhối. Mà chừng đó thì đất nước chúng ta cũng khó đi vào tường lai với tâm thế của những người đi xây đựng một Việt Nam KHÁC.
Đoàn Xuân Kiên
(10/12/2019)
-----------------------
(1) Xem : Ủy ban Khoa học xã hội, Lịch sử Việt Nam, tập I. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 304.
(2) Khi nhắc đến quyết định năm 1945 của nhà nước Việt Nam, các nhà khoa bảng trẻ tuổi chỉ nói đến quyết định của ông bộ trưởng nội vụ họ Võ của chính phủ Hồ Chí Minh mà lại bỏ quên sự thật lích sử là chính nội các Trần Trọng Kim đã đi trước trong quyết định lịch sử này.
(3) Xem Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1985, tr. 309.