Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 15 février 2019 15:56

Chúng ta học được gì từ Venezuela ?

…nhiều người hướng đến dân chủ nhưng lại không có khái niệm đúng đắn thế nào là dân chủ. Đối với họ dân chủ mới là khát vọng chứ chưa phải là lý tưởng. Họ lao về dân chủ như những con thiêu thân mà thiếu hẳn những hoạch định từng bước, những điều kiện và giải pháp cho mỗi khó khăn trên con đường tranh đấu.

vene1

Phe đối lập đã giành được vị thế quan trọng trong đời sống chính trị và Venezuela đang chắp cánh cho giấc mơ dân chủ - Ảnh minh họa

Venezuela đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi. Vấn đề Venezuela đã trở thành tâm điểm chính trị không chỉ của riêng người dân Venezuela mà còn là của thế giới. Nhiều nguyên thủ các quốc gia có tầm vóc đã lên tiếng. Đặc biệt giới đấu tranh Việt Nam đang dán mắt dõi theo khi thấy phe Nicolás Maduro càng ngày càng mất ưu thế trong khi ngược lại phe đối lập đứng đầu là Juan Guaidó đã giành được vị thế quan trọng trong đời sống chính trị của Venezuela, thêm vào đó sự ủng hộ chính thức từ tổng thống cường quốc số một Hoa Kỳ. Niềm mơ ước chấm dứt chế độ độ tài theo xu hướng cộng sản có vẻ như rất gần và Venezuela đang chắp cánh cho giấc mơ dân chủ. Nhiều người đấu tranh Việt Nam đã thốt lên "Venezuela ngày nay, Việt Nam ngày mai".

Venezuela có thực sự như mơ không ? Trước hết phải nhìn nhận tình trạng máu vẫn tiếp tục đổ và chưa có điều gì hứa hẹn nó sẽ dừng lại. Chế độ độc tài Maduro chắc chắn phải ra đi vì nó bấu víu vào ý thức hệ xã hội chủ nghĩa lỗi thời và đã bị đào thải từ lâu. Chế độ xã hội chủ nghĩa đã tàn phá một đất nước giàu có thành một đất nước tàn tạ không chỉ bây giờ mà đã khiến người dân sống trong cơ cực trong nhiều năm. Nó không còn lý do để tồn tại. Nhưng cái quan trọng là chế độ Maduro ra đi bằng cách nào ? Tôi chắc chắn có nhiều người sẽ nói :

- Đâu có quan trọng ra đi bằng cách nào. Quan trọng là nó ra đi.

Khi chế độ độc tài ra đi là điều tất yếu thì việc ra đi không còn quan trọng nữa mà ra đi như thế nào mới là quan trọng. Ra đi như đế quốc Anh khỏi Ấn Độ hay 'ra đi' như Gadafi. Trong khía cạnh này tôi không có ý chỉ nhắc đến cái chết thê thảm của Gadafi mà cả một bối cảnh chuyển mình đau đớn của Libya với những cái chết không quan trọng người đó là ai, không quan trọng người đó ở phe nào.

Sẽ có người cho rằng thành quả cách mạng xứng đáng cho mọi sự hy sinh. Máu sẽ tô thắm thêm ngọn cờ cách mạng.

Ngăn chặn đổ máu trên phương diện quốc gia là nghĩa vụ trách nhiệm của người làm chính trị đứng đắn.

Bạo lực sẽ xảy ra và có cần thiết hay không ?

Tạm nhìn nhận Venezuela hiện có hai lực lượng chính trị đang ở thế đối kháng mà sức mạnh vũ trang đang đóng một vai trò quan trọng. Sự ủng hộ của Trump có vẻ làm nặng thêm cán cân cho phe đối lập. Trong khi đó việc chống lưng cho Maduro từ phía Nga, Trung Quốc cũng là một thực tế. Một số chỉ dấu cho thấy chính quyền Maduro có thể bất chấp sự đổ máu trừ khi là máu mình. Phía Guaido thì chưa có biểu hiện gì nhưng rõ ràng là chưa thấy những nỗ lực thể hiện quan điểm chính trị của Guaido về vấn đề này. Tất cả những dữ kiện trên đều có thể dẫn đến cảnh ‘nồi da xáo thịt’ không mong muốn. 

Kinh nghiệm can thiệp quân sự từ bên ngoài để giải quyết vấn đề bên trong mỗi quốc gia đều phải trả giá rất đắt và thường là không thành công. Sự kêu gọi can thiệp từ bên ngoài của bất cứ phe nào cũng chứng tỏ sự kém cỏi của chính họ. Nó nói nên một điều rằng họ chưa phải là một lực lượng đủ tầm vóc để cáng đáng việc quốc gia. Vì thế tôi không thể đồng ý với mong muốn của nhiều người là Mỹ cũng như các lực lượng khác phải can thiệp vào Venezuela bằng quân sự. 

Hiển nhiên tôi mong muốn và cầu chúc cho Venezuela cũng như Việt Nam có dân chủ, nhưng quan điểm chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và tôi là không chấp nhận trả giá cho nó bằng máu. Một lực lượng chính trị với quan điểm như vậy có thể không ngăn cản được hoàn toàn bạo lực nhưng chắc chắn nó cũng giảm thiểu tối đa sự thiệt hại. Để làm được điều đó thì lực lượng chính trị này phải có đủ niềm tin vào giải pháp chính trị phi bạo lực, phải đủ lý lẽ để đối phương thấy đó là con đường tốt đẹp nhất cho chính họ và cũng là cho dân tộc. Bất bạo động không phải là thủ pháp chính trị mà là lập trường chính trị xuất phát từ lý trí và tình yêu dân tộc. 

vene2

Bất bạo động không phải là thủ pháp chính trị mà là lập trường chính trị xuất phát từ lý trí và tình yêu dân tộc. Ảnh minh họa

Trong tình thế đứng trước ngưỡng cửa của bước ngoặt lịch sử này, nếu Guaido và cộng sự có được tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc thì chắc chắn Guaido sẽ có được hàng loạt các cuộc vận động chính trị để tháo gỡ bế tắc chính trị hiện nay. 

Tôi không có đủ thông tin để xác quyết nội tình phe Maduro nhưng có thể đoán nó cũng không khác xa nội tình Đảng cộng sản Việt Nam rằng, sự ủng hộ của các tướng lãnh với Maduro không thuần túy là niềm tin hay sự kính quý. Nó đơn thuần chỉ là một liên minh ma quỷ gắn kết với nhau thuần túy vì quyền lợi và quyền lực bất minh. Tuy nhiên chất gắn kết này (quyền lợi và quyền lực bất minh) cũng chính là chất hủy diệt của liên minh cầm quyền. 

Liên minh ma quỷ đó đã trải qua nhiều năm tháng tàn phá đất nước và phạm nhiều tội ác. Họ đã tha hóa trầm trọng để cảm thấy đây là bước ngoặt sống còn của họ. Nhiều người có tội không chỉ với Venezuela mà còn bị truy nã quốc tế. Nghĩa là ngoài Venezuela họ không còn chốn dung thân. Tôi nghĩ rằng đây là lý do quan trọng nhất cho sự tồn tại của liên minh Maduro.

Mặc dù Guaido đã có lời kêu gọi các tướng lĩnh đứng về phía nhân dân nhưng kết quả cho thấy lời kêu gọi chưa đủ khả năng thuyết phục. Có thể có hai khả năng, một là lời hứa chưa đủ cho niềm tin, hai là lời kêu gọi nặng về tình cảm, thiếu tính thực tế.

vene3

Guaido có làm lên lịch sử hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nhận thức và bản lĩnh chính trị của ông và phe nhóm.

Cơ hội ngàn năm đang ở trong tay Guaido. Ông có làm lên lịch sử hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nhận thức và bản lĩnh chính trị của ông và phe nhóm. Nói lý thuyết nghe có vẻ hay nhưng rốt cuộc khả năng nhận thức và bản lĩnh chính trị là cái gì ? Nó cũng không phải cái gì quá cao siêu ghê gớm. Nó đơn giản là ông Guaido và đồng sự đã thảo luận để nhìn thấy trước xu hướng chuyển biến chính trị chưa ? Họ đã có nhận định bối cảnh chính trị sẽ chuyển biến đến đâu hay chưa ? Họ đã có kế hoạch để giải quyết khủng hoảng chưa ? Hay chính họ cũng bất ngờ ?

Diễn tiến quá khứ không xa của Venezuela, phe đối lập đã từng thành công và chiếm 2/3 ghế trong quốc hội. Có lẽ họ bất ngờ ngay với thành công của mình nên không biết làm gì với nó. Họ đã không biết sử dụng vị thế chính trị, mà họ đã giành được một cách chính đáng. Rất tiếc là đối lập đã bị Maduro lật lại dẫn đến cơn khủng hoảng chính trị ngày hôm nay. 

Điều đó cho thấy đối lập chưa hẳn là lực lượng dân chủ có viễn kiến và có tầm vóc. Nói đúng hơn họ chỉ là lực lượng chống độc tài Maduro. Chống bất công, chống sự chà đạp nó đơn thuần là phản ứng tự nhiên. Nó khác với đấu tranh dân chủ, vì đấu tranh dân chủ là sự dấn thân của lý trí. Nó xác định mục đích dài hạn là xây dựng nền dân chủ. Việc giành vị thế chính trị hay lật đổ độc tài chỉ là một bước bắt buộc để đi đến việc thiết lập dân chủ. Người đấu tranh cũng phải có thời gian nghiền ngẫm để thấy được tính chính đáng cũng như sức mạnh của dân chủ, thấy được ưu thế cũng như những vấn đề của mô hình dân chủ.

Có lẽ thành tựu của dân chủ, sự hơn hẳn mọi mặt của các nước dân chủ so với độc tài khiến cho nhiều người dứt khoát chọn dân chủ mà không cần thảo luận cần suy nghĩ. Điều này dẫn đến việc đáng tiếc là nhiều người hướng đến dân chủ nhưng lại không có khái niệm đúng đắn thế nào là dân chủ. Đối với họ dân chủ mới là khát vọng chứ chưa phải là lý tưởng. Họ lao về dân chủ như những con thiêu thân mà thiếu hẳn những hoạch định từng bước, những điều kiện và giải pháp cho mỗi khó khăn trên con đường tranh đấu.

Khủng hoảng kinh tế trầm trọng kéo dài đòi hỏi sự thay đổi. Nỗi khốn khó từng ngày trên mỗi người dân trong nhiều năm là quá đủ để người ta căm ghét sự độc tài, đây là cơ hội rất lớn cho dân chủ. Nhưng dân chủ có đến hay không lại là một chuyện khác. Nó phụ thuộc vào việc đã hình thành được lực lượng chính trị dân chủ hay chưa. Cơ hội đến rồi đi, nó chỉ ở lại với lực lượng đã có sự chuẩn bị để chờ đón nó. Nhiều cuộc "cách mạng" đã nổ ra, nhiều chế độ độc tài đã ra đi nhưng nó chỉ được thay thế bằng một chế độ độc tài khác. Đây là kết quả hiển nhiên khi thiếu vắng một lực lượng chính trị có lập trường và tư tưởng dân chủ, có lộ trình dẫn đến thành công.

Juan Guaidó bắt đầu tham gia chính trị từ năm 2007 cho đến ngày trở thành "tổng thống lâm thời" và nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Ông và đồng sự đã có khoảng thời gian dài hơn 10 năm để chuẩn bị cho ngày hôm nay. Đây chính là lúc cần thiết nhất để vận động chính trị, họp báo, diễn thuyết, thông cáo, thảo luận, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khủng hoảng chính trị, xúc tiến các cuộc thương thuyết với tất cả các bên, từ giới quân sự đang ủng hộ Maduro cho đến các nước dân chủ trên thế giới... Ông có làm được điều đó hay không ? Có gì để nói, để thương thảo hay không ? Tất cả phụ thuộc vào việc ông có dự án chính trị hay không ?

Vấn đề dân chủ hóa Việt Nam cũng có những nét tương đồng đó. Tôi thấy có khá nhiều người Việt phản ứng tiêu cực với cụm từ "Dự án chính trị" và nhìn nó với sự kỳ lạ. Có thể cảm thông cho điều đó nói chung nhưng không thể chấp nhận được khi có người đấu tranh nói không cần dự án chính trị. Sự thiếu vắng những "dự án chính trị" nghiêm túc và khả thi trong các tổ chức đấu tranh, chính là sự đảm bảo cho chế độ độc tài tiếp tục cầm quyền.

Đỗ Xuân Cang

(15/02/2019)

Additional Info

  • Author Đỗ Xuân Cang
Published in Quan điểm

Dân oan là danh từ quá quen thuộc đối với người Việt trong thế kỷ 21 này. Nó dùng để chỉ những nạn nhân của sự cướp đất từ phía nhà cầm quyền, như dân oan Dương Nội, dân oan Cồn Dầu, dân oan Tiền Giang, dân oan Văn Giang.v.v.

Từ "dân oan" không phải là từ mới, nhưng khi áp dụng cho những trường hợp trên thì nó sai căn bản.

danoan1

Dân Cồn Dầu không phải là dân oan, họ là nạn nhân của sự cướp đất, bạo quyền thành phố Đà Nẵng chính là quân ăn cướp !

Không có sự oan ức hay nhầm lẫn gì trong những trường hợp trên. Nguyễn Bá Thanh đã bất chấp nhân tâm, bất chấp sinh mạng con người để lấy bằng được Cồn Dầu. Tay chân của Nguyễn Bá Thanh đã đánh đập tra tấn dã man nhiều người và khiến một người chết, đẩy hàng chục người từ trẻ thơ 3 tuổi đến ông già 80 phải tha hương tới Thái Lan và còn tiếp tục săn đuổi họ. Không phải ông Thanh và nhà cầm quyền Đà Nẵng có ý định lấy Cồn Cỏ hay Cồn Hến, rồi bị thằng đánh máy đánh nhầm thành Cồn Dầu ! Họ quyết lấy đích danh Cồn Dầu. Đó là hành vi ăn cướp có vũ trang, giết người. Dân Cồn Dầu không phải là dân oan, họ là nạn nhân của sự cướp đất, bạo quyền thành phố Đà Nẵng chính là quân ăn cướp !

Tôi không biết ai đã sáng tác ra cụm từ này dành cho những người bị cướp đất. Chỉ có thể giả định người đó muốn đưa sự việc ra công luận nên đã uốn éo chữ nghĩa để làm giảm tính nghiêm trọng sự việc. Điều đáng tiếc là chúng ta mặc nhiên sử dụng thiếu suy nghĩ mà tiếp tay cho sự trí trá. Khi viết những dòng này, tôi khá buồn khi một bài hát ở hải ngoại liên tục nhắc đến từ "dân oan" trong buổi họp báo của Mục sư Nguyễn Công Chính : "Từ miền Tây đoàn dân oan tiến về Sài Gòn, từ miền Nam đoàn dân oan tiến về Hà Nội" v.v. Mong rằng những người làm việc với con chữ, đặc biệt trong văn hóa văn nghệ hãy khắt khe hơn, tránh vô tình tiếp tay cho nhà cầm quyền.

Đã đến lúc chúng ta cần đoạn tuyệt với những cái tên "dân oan Tiền Giang, dân oan Văn Giang, dân oan Dương Nội" mà phải gọi là : nạn nhân bị cướp đất ở Dương Nội, nạn nhân bị cướp đất ở Tiền Giang, nạn nhân bị cướp đất ở Văn Giang.

danoan2

Người dân Dương Nội phản đối chính quyền địa phương cướp đất và ruộng vườn

Vậy kẻ cướp là những ai ? Những người dân phòng với dùi cui rệu rã kẻ đứng người ngồi, những cảnh sát cơ động được trang bị từ chân tới đầu ? những người chỉ huy ? Không ! Không phải là họ, họ cũng là nạn nhân theo một cách khác của bạo quyền cộng sản. Sự đói rách bần cùng khiến cho một vài triệu đồng cũng đủ để nhân cách bị lu mờ. Kẻ cướp không xuất hiện trong các vụ cướp. Chúng dùng nạn nhân đi cướp từ những nạn nhân khác cho chúng.

Sự việc đã lặp đi lặp lại hàng chục năm, đẩy hàng trăm ngàn người ra khỏi mảnh đất mà họ đã gắn bó. Kẻ cướp trực tiếp trong từng trường hợp là nhà cầm quyền xã, huyện, tỉnh và cả trung ương. Đứng sau đám cướp luôn là đám tài phiệt với lòng tham vô đáy. Trong tất cả mọi trường hợp, việc cướp bóc giết người không thể thiếu được sự đồng lõa hay làm ngơ của nhà cầm quyền cộng sản. Kẻ cướp chính là bạo quyền cộng sản các cấp. Vì vậy mọi sự kêu cứu : "Quốc hội ơi cứu dân", "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ơi cứu dân", "Đảng ơi cứu dân"… đều là kêu nhầm địa chỉ.

Tôi hoàn toàn cảm thông hoàn cảnh của những người khiếu kiện màn trời chiếu đất không biết bấu víu vào đâu nên đành ôm hình Hồ Chí Minh, ôm cờ, cầu cứu các chóp bu cộng sản, nhưng họ cũng nên hiểu rằng cách đó hoàn toàn vô vọng. Thực tế vụ Đoàn Văn Vươn là bài học, Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng, cá tôm vẫn bị cướp trắng trợn, anh em nhà Vươn vẫn đi tù. Tôi tin rằng mỗi người dân khiếu kiện nhiều năm đều có những kinh nghiệm thực tế rõ hơn tôi. Hãy đoạn tuyệt với hy vọng mơ hồ đảng hay Nguyễn Phú Trọng sẽ ra tay cứu xét. Phải nhìn nhận họ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đầu não của kẻ cướp chính là đảng cộng sản Việt Nam. Việc cầu cứu họ không làm thay đổi, mà lại còn đem cho Đảng một chút chính danh nào đó.

danoan3

Cải cách ruộng đất là một sự cướp bóc và giết người tàn bạo.

Phải nhìn nhận cướp bóc, bạo lực, khủng bố là một hằng số xuyên suốt từ tháng 8 năm 1945 đến nay. Cải cách ruộng đất là một sự cướp bóc và giết người tàn bạo. Tước đoạt quyền sở hữu đất của toàn dân bằng chính sách hợp tác xã. Thanh trừng các đồng chí, bịt miệng giới văn nghệ sỹ qua vụ án Xét Lại Chống Đảng và Nhân Văn Giai Phẩm. Kể sao cho hết những hành động dã man của nhà cầm quyền cộng sản, họ gieo rắc sự sợ hãi lên toàn bộ trí thức. Một mặt họ bưng bít thông tin, mặt khác khoác lên trên tội ác của mình một tấm áo mỹ miều vì sự nghiệp cách mạng, vì nhân dân. Cả một guồng máy tuyên truyền khổng lồ, ngày đêm đầu độc từ khi sinh ra, khiến cả dân tộc hoang mang, bị cướp mà vẫn không nhận diện ra kẻ cướp là ai. Vẫn mơ màng Hồ Chí Minh vĩ đại, vẫn đảng anh minh !

4444444444444

Nhưng dù hiền lành đến mấy, chúng ta cũng không thể gọi kẻ cướp là ân nhân và kêu gọi lòng từ bi của kẻ cướp.

Đã đến lúc chúng ta rũ bỏ ảo giác để nhận diện đúng bản chất, thực trạng nghèo đói đau khổ, đạo đức băng hoại, kẻ có quyền, có tiền mặc sức cướp bóc, môi trường bị hủy hoại… chính là do Đảng cộng sản Việt Nam. Cần có sự minh định thẳng thắn giữa kẻ cướp và nạn nhân, đồng lòng xóa đi sự mơ hồ, chỉ đích danh kẻ cướp, như thế sẽ đặt nhà cầm quyền cộng sản trong mối tương quan mới.

Nói lên tất cả những điều này không phải để khơi dậy niềm uất hận nuôi dưỡng lòng căm thù. Chúng ta không thay đổi được quá khứ đau thương, nhưng có thể thay đổi được tương lai. Không vì bất cứ lý do gì để chúng ta tự cho mình quyền tiêu diệt ai và làm tổn thương dân tộc đã quá đau khổ này. Nhưng dù hiền lành đến mấy, chúng ta cũng không thể gọi kẻ cướp là ân nhân và kêu gọi lòng từ bi của kẻ cướp.

Cần minh định rõ rằng chúng ta đều là nạn nhân, chúng ta bị cướp từ đất đai đến quyền làm người. Thậm chí việc lên tiếng về những nỗi thống khổ của mình cũng không được phép. Kẻ gây ra những oan trái ngút ngàn đó, kẻ cướp đi của chúng ta tất cả…chính là đảng cộng sản Việt Nam.

Đỗ Xuân Cang

(22/08/2018)

Additional Info

  • Author Đỗ Xuân Cang
Published in Quan điểm

Chúng ta đang chứng kiến các cuộc thanh trừng nội bộ của đảng cộng sản Việt Nam trên mọi phương diện, lớn hơn bao giờ hết. Những cái chết bất thường, sự tắt tiếng của những nhân vật nổi đình nổi đám, các bản án tử hình, chung thân… những lá đơn xin nghỉ việc, đi chữa bệnh nước ngoài, được công bố hay không công bố… có vẻ như đảng cộng sản đang tìm hướng xốc lại tiềm lực.

Nhà cầm quyền bắt giữ và đưa ra những bản án xấc xược nặng nề cho những người đấu tranh, đặc biệt là 226 năm tù cho 30 người Việt Nam vào tháng 12/2017, đã ít được dư luận chú ý. Thêm vào đó Lực lượng 47 là một lực lượng chính qui của Quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc Tổng cục Chính trị, chuyên trách nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục trên không gian mạng, được thành lập vào đầu năm 2016. Tính đến tháng 12 năm 2017, lực lượng này có hơn 10.000 người.

mang1

Với 10.000 người có chuyên môn, kỹ thuật cao, với tiềm năng và phương tiện khổng lồ của quân đội… họ có thể làm gì ?  - Ảnh minh họa

Nhìn thì có vẻ phe cộng sản vẫn mạnh và phe dân chủ đang yếu đi, một bức tranh ảm đạm cho người đấu tranh ?

Tôi xin khẳng định với các bạn là không, ngàn lần không. Thực ra đó là dấu hiệu của sự sụp đổ. Với 10.000 người có chuyên môn, kỹ thuật cao, với tiềm năng và phương tiện khổng lồ của quân đội, dưới sự chỉ huy của thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam… họ có thể làm gì ?

Tôi theo dõi và hoạt động đã lâu trên các diễn đàn mạng nhưng hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của họ theo đúng chức năng "chuyên trách nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục trên không gian mạng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch với đảng cộng sản Việt Nam, hay những đối tượng cơ hội chính trị". Chỉ thấy có những người văng tục chửi bậy. Nếu đó chính là dư luận viên và Lực lượng 47 của tướng Nguyễn Trọng Nghĩa thì quả thật quá thê thảm.

Tại sao vậy ?

Thông thường mọi người chỉ quan tâm tới số lượng và chất lượng. Nhìn vào tương quan chúng ta thấy lực lượng bút chiến hướng tới dân chủ không đông, cứ cho là chúng ta có 1000 người, thì tương quan với 10.000 người thuộc "lực lượng 47", tạm cho dư luận viên cũng 10.000 người, như vậy là 1/20, một chênh lệch áp đảo. Nhìn vào chất lượng, đối lại với sự ưu đãi mọi mặt của đảng cộng sản là lực lượng đấu tranh cho dân chủ không có ai được hưởng lương, mặt khác họ còn chịu bao nhiêu sự o ép, đàn áp của nhà cầm quyền.

Chúng ta đừng quên rằng đảng cộng sản còn có cả một ban tuyên giáo với hàng trăm tờ báo (chính xác là 982 cơ quan báo và tạp chí). Như vậy, phải có đến hàng trăm ngàn người được độc quyền truyền thông, được đào tạo, được bổng lộc ăn lương chuyên nghiệp, với đài truyền hình, tòa soạn… để làm một nhiệm vụ duy nhất suốt bao năm qua là ra sức bao biện cho đảng cộng sản. Thế mà họ cũng không đánh bại được lập trường dân chủ thì làm sao các dư luận viên hay Lực lượng 47 làm được việc đó ? Họ cũng chỉ là thứ phó sản không chuyên, dù nó được khuếch trương thổi phồng cũng không dấu được sự rỗng tuếch của nó. Dư luận viên hay Lực lượng 47 chỉ là một hư cấu. Sự hình thành Lực lượng 47 chỉ đem đến cho đảng cộng sản thêm một gánh nặng ngân sách và cho những kẻ lãnh đạo thêm ít bổng lộc.

Đảng cộng sản hành xử bấn loạn như một kẻ mất trí. Họ đã thất bại hoàn toàn trên mặt trận lý luận. Ông trùm Nguyễn Phú Trọng đã bế tắc, lý luận loanh quanh việc "chống tự diễn biến", mà "tự diễn biến" là quy trình tự nhiên làm sao ông có thể chống được ? Hàng trăm tờ báo không chống được thì dư luận viên và Lực lượng 47 càng không có khả năng đó.

Đảng cộng sản Việt Nam chuẩn bị bước qua năm thứ 88, nó yếu hơn bao giờ hết. Hiếm có ai nhìn nhận Nguyễn Phú Trọng đang chống tham nhũng mà đều xem đây thuần túy là sự tranh giành quyền lực và quyền lợi. Đảng cộng sản đã mất hết tính chính danh. Đảng cộng sản Việt Nam thực sự là lực lượng chiếm đóng. Sự tàn bạo của chúng đã không thể khuất phục được những người phụ nữ "chân yếu tay mềm, một nách hai con" như chị Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… thì họ sẽ không khuất phục được tuổi trẻ Việt Nam, những con người nhận thức được vận mệnh của họ gắn liền với vận mệnh đất nước Việt Nam.

Làn sóng dân chủ thứ tư đang tràn tới, đảng cộng sản đang có những cố gắng cuối cùng. Tuyên truyền và họng súng là hai vũ khí chủ lực của cộng sản, trong đó tuyên truyền là sở trường của họ từ khi còn trứng nước. Hiện tại, dù họ có phình to đến đâu cũng không có khả năng cứu vãn cho đảng, vì cốt lõi vấn đề là đảng cộng sản Việt Nam không còn lý tưởng và thậm chí không còn cả ảo tưởng. Thực tế đã chứng minh sự man trá, sự không tưởng của chủ thuyết cộng sản. Như vậy, khả năng cơ bắp không linh hồn của đảng cộng sản chỉ có thể hù dọa được ai không nhìn rõ bản chất của nó. Dân chủ, nhân quyền đang là những giá trị phổ cập của nhân loại, là xu hướng của thời đại.

"Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,

cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể,

vì người ta cần ánh mặt trời,

tỉnh dậy đi, lũ chúng ta ơi !"

(Thơ Nguyễn Đắc Kiên)

Cố gắng bơi ngược dòng với thân thể già nua bạc nhược không thể là hành động khôn ngoan. Ngược lại những người đấu tranh cho dân chủ không có nhiều, tiềm lực kinh tế cũng không có, nhưng nó là tương lai phải đến và đảng cộng sản là quá khứ và thực tại ắt phải qua đi.

Praha, 12/01/2018

Đỗ Xuân Cang

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Additional Info

  • Author Đỗ Xuân Cang
Published in Quan điểm
samedi, 30 décembre 2017 23:56

Ai là khủng bố ?

Tôi giật mình khi nghe tin sáng 26/12, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên xét xử 16 người về tội khủng bố và tội đồng lõa không tố giác. Tôi không thể sắp xếp mọi chuyện trong đầu một cách logic về chuyện khủng bố tại Việt Nam mà liên quan tới 16 bị cáo. Theo sự hiểu biết của tôi các tổ chức đấu tranh đều tuyên bố đấu tranh bất bạo động, kể cả Việt Tân (một tổ chức mà nhà nước Việt Nam gọi là khủng bố) cũng long trọng ghi "BẤT BẠO ĐỘNG" trong đường lối đấu tranh. Tôi tin tưởng không có một tổ chức Nghiêm túc nào có thể đứng sau các hành động khủng bố.

xetxu1

Sáng 26/12, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên xét xử 16 người về tội khủng bố và tội đồng lõa không tố giác.

Trước hết khủng bố là hành vi không thể chấp nhận và phải nên án và trừng trị, không có bất kỳ lý do nào có thể biện hộ cho hành động này. Những người đấu tranh cần ý thức được uy hiếp khống chế người khác bằng vũ lực là vi phạm vào quyền căn bản của con người. Đây là một trong những lý do đạo đức để dứt khoát đi theo con đường đấu tranh bất bạo động. Lựa chọn đấu tranh bất bạo động của Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên không đơn giản là lựa chọn tình huống, vì không có khả năng bạo động nên mới phải đấu tranh bất bạo động. Đấu tranh bất bạo động của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là lựa chọn trí tuệ và đạo đức, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên khước từ bạo lực. 

Theo cáo buộc được đăng trên báo, đứng sau hành động của 16 người là ông Đào Minh Quân và Lisa Phạm. Nếu sự thật hai người này có liên can, dù bất kỳ mức độ nào trong việc kích động, cung cấp tiền cho những hành động trên thì họ đáng bị lên án. Với những gì được biết, thì Lisa Phạm là một người chống cộng cực đoan "bằng miệng" qua các audio, video mà nhiều người không thể nghe trọn nổi ba câu. Nhưng nó lại đáp ứng được cho một số người, để thỏa mãn cái uất ức bị dồn nén không nói ra được.

Đào Minh Quân là người hoang tưởng, lường gạt. Với cộng đồng hải ngoại, mọi sự khuyếch trương của Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời qua các video, với mũ mão quân hàm, có tiềm lực, có chính phủ Mỹ ủng hộ chỉ là những vở tuồng tự diễn tự xem, vô hại khi không động đến túi tiền người khác. Rất tiếc là với sự thiếu thông tin do bưng bít mà có người đã lâm nạn vì trót hy vọng vào Đào Minh Quân. Thật đau lòng trong thời đại @ này vẫn có người bị lừa lọc bởi những trò hề.

Báo vnexpress.net có viết : "Từ năm 2016, Quân móc nối với Phạm Lisa lôi kéo nhiều người trong và ngoài nước thông qua mạng xã hội thành lập các "nhóm hành động" để thực hiện các vụ khủng bố với chủ trương "giết sạch, đốt sạch, phá sạch". Tôi không thể tin khẩu hiệu này là sự thật dù tôi không ưa cả hai người.

Dưới con mắt tôi đây là hành vi vu khống nếu không phải là của Viện kiểm sát nhân dân thì cũng là của báo chí Việt Nam. Họ đã cố tình khủng bố tinh thần người đọc, hướng dẫn dư luận. Hai người hoàn toàn có quyền kiện về vấn đề này nếu tin vào sự chính đáng của mình.

Được biết cáo trạng hơn 20 trang mà thông tin báo chí được đưa ra rất giới hạn, có nhiều dấu hiệu quy chụp cho thấy sự toa rập của báo giới với cơ quan công quyền. Họ ngăn chặn tiếp cận thông tin đối với đại chúng, định hướng dư luận với những thủ pháp quen thuộc và đặc biệt khai thác hiệu ứng của cụm từ "khủng bố".

Khủng bố là gì ? đến nay chưa có định nghĩa thống nhất nhưng có thể nói đến một số nét chính đó là:
Hành động sử dụng bạo lực, hay đe dọa sử dụng bạo lực, hăm dọa đối phương để đạt tới mục đích chính trị. Phương pháp khủng bố bao gồm ám sát, đánh bom, bắt cóc người hoặc phương tiện vận chuyển và các hành vi bạo lực khác. Hành vi bạo lực được lên kế hoạch để cung cấp cho công chúng một cảm giác sợ hãi và không chắc chắn. Đôi khi, khủng bố là một hình thức tống tiền để đạt được các yêu cầu chính trị cụ thể. Mục đích thứ yếu của hành động khủng bố cũng là để đạt được sự công khai và để được dư luận biết đến.

Xét trên những sự việc được công bố 15 người liên quan tới 8 vụ mà thông tin thực chất chỉ thấy có 2 vụ, là đốt cháy bãi xe và đặt bom xăng tại sân bay, ngoài hư hại về tài sản trong vụ cháy, thì không có thiệt hại nào khác về vật chất cũng như con người. Không có kèm theo sự trấn áp, khống chế hăm dọa hay yêu sách gì đối với chính quyền hay đối với người đại diện chính quyền. Vụ cháy xe có hình ảnh và có thông tin được đưa lên báo nhưng vụ sân bay thì ngoài dòng tin "Quả bom xăng phát nổ làm hành khách xung quanh hoảng sợ bỏ chạy" hoàn toàn không có hình ảnh và hậu quả kèm theo. Trên báo chí hầu như không có thông tin gì. Điều đó cho thấy nó hoàn toàn không gây thiệt hại, và cũng không gây được bất kỳ sự chú ý nào. 

Quy ép 15 người vào tội khủng bố chống chính quyền nhân dân là thói quen nâng cao quan điểm. Đốt bãi xe chỉ nên nhìn nhận là một vụ hình sự phá hoại tài sản. Họ là những người manh động thiếu hiểu biết, họ thẳng thắn nhìn nhận sự sai trái của mình, sẵn sàng chịu trách nhiệm và cũng tự hạn chế hậu quả (tháo pin khỏi bom xăng) cho thấy họ không phải là người ác độc. Họ không phải là khủng bố, hành động của họ là chơi nổi gây tiếng vang, mà ngay mục đích tối thiểu này cũng chưa đạt được. Khép họ vào những án tù từ 5 năm tới 16 năm, tổng cộng 11 người 9 năm cũng có thể nhìn nhận như một sự khủng bố tinh thần.

Không thể so sánh hậu quả của 15 bị cáo gây ra (theo báo chí nhà nước) với hậu quả của các "anh hùng" như Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu hay các biệt động Sài Gòn về sự tàn bạo, cũng như sự thiệt hại về nhân mạng. Càng không thể so sánh hành vi của họ với cải cách ruộng đất, đánh tư sản mại bản. Chủ nghĩa cộng sản mới chính là chủ nghĩa khủng bố. Nó ra đời, hình thành và phát triển bằng bạo lực và khủng bố. 

Tệ hại hơn khi chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn đang cố gắng duy trì sự tồn tại của mình bằng khủng bố. Đó là việc đánh đập, dọa nạt, gây áp lực, hoặc bỏ tù bà Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…và cả trăm người tù nhân lương tâm khác cùng thân nhân gia đình họ. 

Một thống kê chưa đầy đủ chỉ trong tháng 12/2017 có 5 người bị tù 19 năm vì treo cờ vàng, 15 người bị tù 119 năm vì định sử dụng bom xăng, 9 người bị tù 83 năm vì rải truyền đơn... tổng cộng 216 năm tù. Các bản án diễn ra nhanh chóng với những bản án bỏ túi. 

Đảng cộng sản Việt Nam mới thực sự là tổ chức khủng bố độc quyền tại Việt Nam.

Praha 30/12/2017

Đỗ Xuân Cang

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Additional Info

  • Author Đỗ Xuân Cang
Published in Quan điểm

Phim nhiều tập The Vietnam War được trình chiếu lật lại nhiều dữ kiện lịch sử, gây ra cơn bão tình cảm của cộng đồng người việt. Đặc biệt những người từng có liên can tới cuộc chiến. Vắng tiếng khen nặng tiếng chê, nhiều giận dữ và thù nghịch với nhóm làm phim. Rất nhiều người thất vọng.

vietnamwar0

Người Mỹ anh hùng là dám nhìn lại sai lầm của mình một cách không khoan nhượng.

Họ thất vọng vì uẩn ức người Mỹ phản bội không được tố cáo, sự hào hùng của người lính Việt Nam Cộng Hòa không được ghi nhận, sự xảo trá tàn bạo của cộng sản không bị vạch mặt, và dường như ngược lại, phơi bày những dữ kiện xấu mà người ta cố quên đi. Đây là một hội chứng tâm lý của người Việt mà tôi đặt tên là hội chứng cô Tấm. Bất chấp sự tàn bạo vô lương, cô Tấm đối với nhiều người vẫn là hiền thục nết na.

Đành rằng nếu so sánh hai chế độ, chế độ miền bắc vượt hẳn chế độ miền Nam về sự tàn bạo và thua hẳn về sự cởi mở. Nhưng sự hơn thua đó có giá trị gì trong quá khứ, trong hiện tai và tương lai. Người Việt chưa biết ăn năn.

unnamed

Bức ảnh này đã nói lên một nửa sự thật của chiến tranh và một nửa sự thật còn giấu mặt của The Vienam War. Nó đã được dùng quá nhiều lần trong giới truyền thông Mỹ khi nói đến chiến tranh Việt Nam. Nó làm người ta ghê tởm mọi cuộc chiến tranh mà trong đó phe thắng trận/chiến bại đều đều đốn mạt như nhau, chỉ có nạn nhân là đáng thương. Hình ảnh có sức mạnh hơn ngàn lời nói. Hình ảnh này thuyết phục đến độ người ta quên mất nguyên nhân đã gây ra thảm trạng chiến tranh và quên cả nguyện vọng ước mơ của những nạn nhân chiến tranh như là một con người bằng xương thịt. (Bùi Quang Vơm)

 

Đặc điểm chung dẫn đến quan điểm của mọi người về bộ phim là ý thức ta địch, thắng thua, một chiến lũy vô hình nhưng bền chặt trong lòng người. Hay ít nhất cũng là ý thức cộng đồng người Việt quốc gia hay cộng sản. Nó tố cáo một thực tế, niềm đau sự chia rẽ trong lòng người việt rất lớn.

Tôi từng nghe không phải một người lớn tiếng giận dữ phim này của bọn phản chiến, chúng nó làm để tiếp tay cho cộng sản, chúng nó muốn đi đêm với cộng sản, phải tẩy chay. Trong con mắt họ, phản chiến đã là một hành động xấu xa của những con người tồi tệ. Có thể việc phản chiến xuất phát từ mục đích rất cá nhân, nhưng chống chiến tranh đã là hành động đúng. Chống chiến tranh là một hành động nhân bản.

Có nhiều sai xót trong phim như học giả Đỗ Thông Minh đã thống kê 25 lỗi. Nó là lý do để nhiều người tuyên bố đây không phải là nửa cái bánh mì, đây là nửa sự thật, không đáng để xem. Nhưng tôi hiểu lý do chính vẫn là niềm đau, họ không chấp nhận sự thật phũ phàng về giá trị Việt Nam Cộng Hòa, chỗ dựa tinh thần của họ.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sẵng vị khách mời tham gia ban điều hành thảo luận cuốn phim tuyên bố "…Đây là bộ phim phản ảnh một phía, trình bày phân nửa sự thật, không xứng đáng bỏ thời giờ xem", "cuốn phim vẫn trình bày những sự kiện mang tính cách tuyên truyền củ rich". Tôi rất ngạc nhiên về nhận xét này, học vị và vị trí xã hội đã không giúp cho ông vượt thoát để hiểu được tâm ý của đạo diễn.

Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc nói về phim The Vietnam War ngắn gọn bằng một câu : "Chúng ta thua trên từng thước phim". Ông là người có tâm tham gia vào việc giúp đỡ người tỵ nạn, nghiên cứu tài liệu dựng lên Bảo tàng viện thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa, chắc chắn so với phần đông ông có sự hiểu biết vượt hơn hẳn phần đông người Việt. Dù vậy ông vẫn chìm trong nỗi đau của niềm thua.

Có người xem phim không phải để biết phim nói gì. Họ xem phim để tìm những điều họ muốn. Họ muốn tìm thêm bằng chứng để củng cố giá trị tinh thần trong họ. Họ muốn người khác (người Mỹ) cùng họ tố cáo lên án cộng sản.

Trong hội thảo bàn tròn của BBC, cựu sinh viên Mai Doãn Đông nhận xét : bộ phim là một khối lượng tư liệu khổng lồ sống động về cuộc kháng chiến chống Mỹ của người dân Việt Nam. Bạn khuyên giới trẻ phải mở rộng tầm nhìn, đa dạng hóa tư liệu : "Phải nhìn ra được cái gì gần với mình, đâu là điều quan trọng với mình, với gia đình mình, với đất nước, với văn hóa của mình, để giúp bảo vệ xây dựng kiến thiết đất nước. Mái trường xã hội chủ nghĩa đã rất thành công trong việc trang bị cặp kính đỏ cho sinh viên".

Thế giới, cuộc chiến chỉ còn hiện hình dưới lăng kính cộng sản trong con mắt họ. Nhân sinh quan bị bó gọn trong nhận thức mẹ hát con khen hay. Đã qua bậc đại học mà Mai Doãn Đông vẫn có thể hồn nhiên chỉ dậy cho các bạn trẻ "mở rộng tầm nhìn, đa dạng hóa tư liệu" nhưng lại chốt hạ quan điểm vị thân, bất chấp những giá trị khách quan.

Blogger nhà báo Khải Đơn đã kỳ vọng bộ phim sẽ cung cấp thêm cho cô nhiều tư liệu về cả hai chiều miền Nam miền Bắc. Sự thiếu tư liệu, sự không trung thực có lẽ là nguyên nhân dẫn đến kỳ vọng của cô. Cô cho rằng tâm điểm của bộ phim là cho khán giả người Mỹ. Bộ phim làm cho người Mỹ.

Không thể đồng ý với cô Khải Đơn, nước Mỹ đa chủng tộc, và tự do, họ có cái nhìn phóng khoáng nhân bản. Đúng là họ làm phim về vấn đề người Mỹ, nhưng không có tinh thần cục bộ. Việc thiếu tư liệu là việc của chúng ta. Người ta thường than chúng ta không có người viết sử. Đây là lỗi của chúng ta. Có lẽ tôi không chờ đợi người Mỹ cung cấp thêm tư liệu lịch sử Việt Nam nên tôi đã không thất vọng và cũng không phẫn nộ vì những dữ liệu sai. Rất đáng buồn có nhiều người Việt không đủ tự tin vào những điều mình biết, mình tin là đúng. Họ cần một sự bảo chứng sự cấp phép của Âu của Mỹ. Chúng ta đâu có quyền đòi hỏi người khác hiểu về chúng ta khi chính chúng ta cũng đã không hiểu đúng về chúng ta. Không có ai ngăn trở chúng ta nói lên, viết lên những trang sử về mình.

Cái tôi tâm đắc với phim đó là người làm phim đã nhận ra nước Mỹ chia rẽ sâu sắc vì cuộc chiến, người Mỹ nhận diện được cần phải hòa giải sau nửa thế kỷ. Nếu so sánh Việt Nam với Mỹ, dù tổn thương đến đâu nước Mỹ vẫn là một cơ thể cường tráng. Ngược lại Việt Nam là một cơ thể đầy bệnh tật nan y. Người Mỹ anh hùng là dám nhìn lại sai lầm của mình một cách không khoan nhượng. Hành động ăn năn không làm người Mỹ yếu đi mà ngược lại nó giúp cho người Mỹ vượt qua nỗi đau của quá khứ.

Người Mỹ đã bước vào cuộc chiến Việt Nam với vẻ hào hùng của quá khứ Thế chiến hai, mang một sứ mệnh ngăn làn sóng đỏ. Họ đã sa lầy, đã bất lực, đã tổn thương. Ngày nay người Mỹ đã can đảm tự vấn, đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa cuộc chiến, xét lai những giá trị nền tảng, tính chính danh, lòng yêu nước, nhân từ với bạo tàn, khiêm nhường với ngạo mạn.

Nhìn thực tế Việt Nam, cả "bên thắng và bên thua" đều say sưa với chủ nghĩa anh hùng và đi tìm sai lầm ở người khác. Họ mang tâm thức đó vào nhận định về phim. Tư kiến không chỉ làm mọi người quá khác nhau, chia rẽ thành tập thể những con người cô đơn, mà còn đào sâu hố ngăn cách thù hận cũng như sẵn sàng bạo lực.

Sự chia rẽ sau cuộc chiến với người Mỹ là vết thương thì với Việt Nam là tai họa. Tai họa này không chỉ có trong và sau cuộc chiến. Nó là hằng số theo suốt quá trình hình thành lập nước Việt Nam. Hơn ai hết người Việt chúng ta cần hòa giải nếu thực sự chúng ta muốn thay đổi tương lai của mỗi chúng ta trong tương lai chung mang tên Việt.

Vượt lên sự khác biệt những biểu hiện bề nổi, chúng ta gắn bó với nhau bằng định mệnh Việt Nam. Nhận thức về nhu cầu hòa giải không chỉ là điều cần thiết bắt buộc cho Việt Nam hiên tại, mà còn cho ta ý thức không được khởi lên cuộc chiến. Đấu tranh bất bạo động là lựa chọn lương thiện trên tinh thần nhân bản.

Hy vọng xem phim The Vietnam War, chúng ta ý thức hơn về vấn đề Việt Nam, vượt lên nỗi đau để chia sẻ giá trị mà mỗi chúng ta sinh ra ai cũng có : ngôn ngữ, văn hóa, di sản lịch sử... Đó là những giá trị mà không một quyền năng con người nào có thể tước đi được. Mọi hành động hành chính như tước quốc tịch của giáo sư Phạm Minh Hoàng, hay nhiều hành động khác chỉ cho thấy thấp kém vô luân của nhà cầm quyền.

Nhận thức được chúng ta ràng buộc với nhau trong số phận chung, ý thức về tương lai chung, chúng ta hoàn toàn có khả năng và xứng đáng với một tương lai khác :

"Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn.

Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.

Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát".

(trích Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2)

Praha, 30/9/2017

Đỗ Xuân Cang 

Thành Viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Additional Info

  • Author Đỗ Xuân Cang
Published in Quan điểm