Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vấn đề người đấu tranh ra đi tỵ nạn

Nguyễn Vũ Bình, RFA, 18/12/2023

Trong vòng mấy tuần trở lại đây, có thông tin về hai cựu tù nhân lương tâm ra đi tỵ nạn, cộng đồng người đấu tranh, phản biện lại xôn xao. Việc những người đấu tranh, hoạt động trong nước ra đi tỵ nạn đã có từ rất lâu rồi, nhưng nở rộ vào những năm 2015-2017 và rải rác đến tận bây giờ, và chắc vẫn còn tiếp tục. Người viết bài này khi đang ở trong tù cũng được hai an ninh xuống trại tù Ba Sao đặt vấn đề đi tỵ nạn, trước khi ra tù 3-4 tháng. Nhưng có lẽ an ninh biết người viết không mặn mà gì nên không bao giờ đặt ra nữa. Cũng như năm 2015, người viết đã có dịp đi Philippines và Thái Lan, cả hai nước này hình như đều có Văn phòng tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, rất thuận lợi nếu muốn ra đi tỵ nạn nhưng người viết chưa bao giờ có suy nghĩ về việc ra đi, đó là lựa chọn cá nhân.

tynan1

Nguyễn Vũ Bình

Trước hết, chúng ta cần xác định, việc ra đi tỵ nạn của người đấu tranh là lựa chọn cá nhân, là quyền tuyệt đối của người đấu tranh. Chúng ta không nên có thái độ tiêu cực về việc này. Việc đấu tranh của cá nhân là tự nguyện, không đấu tranh nữa cũng là điều bình thường, chúng ta chỉ có thể tiếc nuối. Đó là chưa kể việc người đấu tranh ra đi tỵ nạn vẫn đóng góp được cho phong trào đấu tranh chung mặc dù không trực diện đối đầu với cộng sản. Chúng ta mong muốn những người đấu tranh ở lại trong nước, nhưng quyền ở lại hay ra đi là lựa chọn cá nhân của họ. Cũng như việc chúng ta mong muốn hàng triệu người khác lên tiếng về thực tế tiêu cực, thối nát hiện nay hoặc về vấn đề tự do, dân chủ nhân quyền, nhưng chỉ có một số ít hưởng ứng tham gia vào công cuộc đấu tranh.

Đi sâu vào tìm hiểu, chúng ta thấy có ba nguyên nhân chính dẫn tới việc người đấu tranh đã phải tìm đến việc ra đi tỵ nạn : 1/ thoát khỏi ngục tù ; 2/ bị truy bắt hoặc nguy cơ bị bắt ; 3/ bị o ép trong cuộc sống đến mức không thể chịu nổi. Về nguyên nhân thứ nhất, không nói ai cũng hiểu cuộc sống trong tù "một ngày tù nghìn thu ở ngoài". Nếu có cơ hội để thoát khỏi ngục tù, thoát khỏi sự đày đọa thì sẽ có nhiều người lựa chọn, và cũng được nhiều người thông cảm. Vấn đề là nhà nước cộng sản chỉ cho người đấu tranh thoát khỏi ngục tù để ra đi tỵ nạn chứ không để cho ở lại trong nước đấu tranh. Vậy nên người đấu tranh muốn thoát khỏi ngục tù đều phải rời bỏ quê hương, đất nước ra đi tỵ nạn.

Nhiều người đấu tranh ra đi khi họ đã và đang bị truy bắt, hoặc nguy cơ bị bắt rất cao. Đây là thực tế rất rõ ràng khi chúng ta trải qua cuộc khủng bố trắng từ năm 2015 đến tận ngày hôm nay. Giai đoạn 2014-2016, có một số khá lớn người hoạt động đã đào thoát sang Thái Lan, khi đó mang theo khá nhiều thắc mắc. Nhưng khi nhà cầm quyền Việt Nam đẩy mạnh bắt bớ, giam cầm sau đó mới thấy rằng những người này nếu không ra đi chắc chắn sẽ bị bắt. Như vậy, để tránh bị bắt bớ, giam cầm và tù đày, nhiều người đã lựa chọn ra đi tỵ nạn. Đó là lựa chọn cá nhân cần được tôn trọng.

Một số ít ra đi vì bị o ép trong cuộc sống đến mức không thể chịu được. Đấu tranh ở Việt Nam, không ít thì nhiều đều bị ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình. Bởi vì Việt Nam là nước độc tài toàn trị nên mọi phương diện của cuộc sống đều bị quản lý, theo dõi và chịu sự tác động của nhà nước. An ninh Việt Nam sử dụng mọi nguồn lực và phương tiện, mối quan hệ để dồn ép cuộc sống của người đấu tranh. Người đấu tranh là lao động chính, trụ cột trong gia đình nhưng khi không được làm những công việc chuyên môn mình được đào tạo (an ninh áp lực những nơi tuyển người), và thậm chí không được làm những việc ngoài chuyên môn, không tạo ra thu nhập thì cuộc sống đúng là địa ngục. Họ lựa chọn ra đi vì không thể sống được trong hoàn cảnh như vậy.

Như vậy, những người ra đi tỵ nạn đều có những hoàn cảnh đặc biệt. Chúng ta không loại trừ có một số ít những người len lỏi vào phong trào lợi dụng để được đi tới những nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn ở Việt Nam. Nhưng ở đâu và việc gì cũng vậy, đều có những chuyện này, không tránh được và không đáng để nói tới. Chúng ta tôn trọng lựa chọn cá nhân của những người ra đi tỵ nạn bao nhiêu thì chúng ta cần trân quý những người ở lại bấy nhiêu bởi vì họ cũng trải qua toàn bộ những hoàn cảnh mà người ra đi trải qua (tù đày, bị truy bắt và nguy cơ bị bắt, o ép cuộc sống…) nhưng họ vẫn ở lại. Họ neo giữ niềm tin của phong trào dân chủ./.

Hà Nội, ngày 18/12/2023

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 18/12/2023

*******************************

Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung kể về cuộc vượt thoát khỏi sự truy đuổi của an ninh Việt Nam

Cao Nguyên, Nguyễn Tiến Trung, RFA, 18/12/2023

Nhà hoạt động dân chủ, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung cùng vợ và hai con vừa đến Đức định cư hôm 14/12.

tynan2

Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung - Facebook Trung Nguyen Tien

Ông Trung rời Việt Nam và đến Thái Lan làm thủ tục tị nạn vào tháng 8/2023 sau nhiều lần bị an ninh Việt Nam theo dõi và thậm chí là "bắt cóc" lên đồn làm việc. 

Từ một trại tị nạn ở thành phố Cologne - Đức, ông Trung dành cho RFA một cuộc phỏng vấn về hành trình vượt thoát của ông khỏi sự truy đuổi của lực lượng an ninh, từ Việt Nam qua đến Bangkok - Thái Lan. 

Cao Nguyên : Xin chào ông Nguyễn Tiến Trung. Trước hết, chúc mừng ông và gia đình đã đến được nơi an toàn. Cảm xúc của ông hiện nay thế nào ?

Nguyễn Tiến Trung : Việc mà tôi phải đi Đức là hoàn toàn không tính trước, nhưng mà vì tình huống nguy hiểm cho nên bắt buộc tôi phải rời Việt Nam.

Cảm xúc nói chung là rất lẫn lộn, vừa thấy vui vì gia đình đã được đến nơi an toàn nhưng cũng có cái buồn là phải rời xa Việt Nam và phải rời xa những đồng đội của tôi ở trong nước.

Cao Nguyên : Những dấu hiện gì khiến ông thấy mình gặp nguy hiểm đến mức phải bỏ quê hương ra đi ?

Nguyễn Tiến Trung : Sáng sớm ngày thứ sáu ngày 18/8/2023, tôi đã đi ra khỏi nhà (ở Sài Gòn - PV) đi mua đồ ăn sáng thì đã thấy có khoảng năm nhân viên an ninh mặc thường phục, họ đã phục kích ở trong quán cà phê ngay đầu ngõ nhà tôi. Họ đã ra chặn tôi lại và yêu cầu tôi lên phường.

Tôi mới hỏi họ là có giấy mời gì không và họ là ai, tại sao lại chặn đường tôi thì họ cứ nói là tôi phải lên phường và không có giấy mời. Họ nói là sau khi tôi lên phường xong thì họ sẽ gửi giấy mời về nhà tôi nhưng tôi không đồng ý và cho rằng đây là bắt cóc.

Sau khi cự cãi một hồi thì họ mới nháy mắt cho khoảng năm nhân viên an ninh nữa trong quán cà phê, họ đứng dậy thì tôi thấy có tổng cộng khoảng 10 nhân viên an ninh theo dõi, tính bắt tôi. 

Cho nên tôi phải chạy ngược về nhà. May mắn là tôi chạy về nhà kịp thời và đóng khóa cổng lại. Ngay sau đó, công an sắc phục đến nhà tôi và đưa những giấy mời, yêu cầu tôi lên đồn công an phường làm việc ngay trong ngày thứ sáu 18/8. Tất nhiên mà tôi không lên.

Và tối thứ sáu hôm đó, trời mưa, không thấy có người canh cho nên tôi đã quyết định rời nhà và tôi đi đến Thái Lan để tị nạn. Đó là biến cố vào ngày 18/8.

Cao Nguyên : Theo như ông nói thì việc rời đi của ông cũng khá bất ngờ. Vậy thì trước đó, ông có dự trù được là mình sẽ bị bắt để có sự chuẩn bị cho hành trình ra đi đột ngột như vậy hay không ?

Nguyễn Tiến Trung : Khoảng tháng 10/2022 cũng như là vào tháng 5 - 6/2023, đã có những nhiều người bạn của tôi bị công an bắt lên phường - cũng dạng bắt cóc.

Họ hỏi rất nhiều về tôi. Lúc đó, tôi cũng thấy bình thường là bởi vì thật ra là tôi cũng không có làm vấn đề gì nghiêm trọng đến nỗi họ phải ra tay bắt mình hết, cho nên tôi cũng không lo lắng lắm.

Nhưng mà đến ngày 18/8, hôm đó, tôi thật sự hoàn toàn bất ngờ. Vì từ xưa đến giờ công an hay an ninh không dám bắt cóc tôi. Lúc nào họ cũng nói chuyện đàng hoàng và gửi thư mời làm việc chứ không bao giờ có chuyện bắt cóc giữa đường, cho nên cái việc vào ngày 18/8 là thực sự bất ngờ và tôi chưa kịp chuẩn bị gì hết để rời đi.

Cao Nguyên : Theo ông nghĩ thì những việc làm gì của mình khiến ông đối mặt với nguy cơ bị bắt, dẫn đến chuyện ông phải ra đi ?

Nguyễn Tiến Trung : Trong nhiều năm qua, tôi luôn luôn báo cáo những vụ vi phạm nhân quyền của chính quyền Cộng sản Việt Nam với những tổ chức quốc tế, với đại sứ quán của các nước dân chủ.

Chuyện thứ hai mà tôi có thể nói ra đó là việc tôi đã trợ giúp cho các gia đình tù nhân lương tâm ở Việt Nam liên lạc với các đại sứ quán để các đại sứ quán có thể trợ giúp họ, hoặc là vận động cho sự tự do của những người tù nhân lương tâm. Đó là những công việc của tôi làm có thể nói là công khai trong suốt nhiều năm qua, từ khi tôi ra tù vào năm 2014 cho đến giờ.

Và những việc tôi không nói là tôi đã hỗ trợ rất nhiều các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước, mà tôi chỉ đứng đằng sau thôi chứ không có ra mặt.

Sau này, tôi mới nghe các bạn của tôi kể lại rằng nhiều người đã bị bắt cóc giữa đường và ép là phải tố cáo tôi đã dụ dỗ lôi kéo họ vào con đường đấu tranh cho dân chủ thì tôi mới biết âm mưu của họ (chính quyền - PV) để mà buộc tội tôi.

Bởi vì, họ không hề có bất kỳ bằng chứng gì để buộc tội tôi hết. Cho nên họ đã bắt cóc tôi giữa đường để tìm cách mở điện thoại của tôi và bắt tôi dựa vào những lời tố cáo mà họ đã buộc các bạn tôi phải làm. Đó là âm mưu của họ.

Cao Nguyên : Khi quyết định rời Việt Nam vượt biên sang Thái tị nạn, điều gì khiến ông lo lắng nhất ?

Nguyễn Tiến Trung : Thứ nhất là tôi không biết, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi phải ra đi hết cho nên tôi đã không hình dung được con đường đi như thế nào, có an toàn hay không,

Và thứ hai là tôi không biết các bạn bè và đồng đội của tôi ở trong nước như thế nào, họ có an toàn hay không. Đó là những mối ưu tư nhất của tôi.

Cao Nguyên : Ông có thể chia sẻ về hành trình vượt biên qua Thái như thế nào hay không ?

Nguyễn Tiến Trung : Vào tối thứ sáu ngày 18/8, tôi ra khỏi nhà thì đến thứ ba ngày 23/8 thì tôi đã đặt chân được đến Bangkok - Thái Lan, và tôi mất năm ngày.

Hành trình tôi vượt biên qua Thái thì nó cũng như mọi người khác, phải đi từ Việt Nam qua Campuchia rồi đi qua Thái Lan. Tôi không tiện nêu cụ thể con đường đi bởi vì đó là phải bảo mật.

Cao Nguyên : Khi đến được Thái Lan thì cảm xúc của ông như thế nào vào lúc đó ?

Nguyễn Tiến Trung : Thật sự thì tôi thấy mừng là vì ít nhất mình cũng đã đến được cái nơi mà cần đến, là nơi có trụ sở của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc ; Nhưng mà tôi cũng rất là cảnh giác, tại vì ai cũng biết ở Bangkok thì an ninh Việt Nam cũng dày đặc và đã từng tổ chức bắt cóc thành công anh Trương Duy nhất và Thái Văn Đường, cho nên tôi cũng không lấy gì gọi là quá vui mừng.

Lúc nào tôi cũng cảnh giác nhưng mà phía an ninh Việt Nam họ vẫn lần ra được tôi ở Bangkok, cho nên phía Đức họ mới quyết định trao Visa khẩn cấp cho tôi để tôi có thể đến Đức sớm.

Cao Nguyên : Vì sao ông có thể nhận ra là phía an bên Việt Nam đã lần ra được mình khi ông đang ở Bangkok, biểu hiện nào cho ông biết được điều đó ?

Nguyễn Tiến Trung : Khi tôi ra ăn sáng ở chợ gần nhà tôi ở (Bangkok - PV) thì có một người bám theo và tôi phát hiện ra là họ đang search hình của tôi ở trên Google. Mắt của họ vừa nhìn điện thoại vừa nhìn tôi láo liêng ; nhưng rất may là họ ngồi quay lưng về phía tôi. 

Khi tôi liếc qua điện thoại của họ và họ cũng quay đầu lại nhìn tôi cho nên rất là dễ nhận ra và tôi thấy điện thoại của họ đang tìm kiếm hình ảnh của tôi để xác minh có đúng là tôi hay không. Tôi đã rời khỏi đó và chuyển chỗ ở ngay.

Sau đó, tôi có báo cho các đại sứ quán biết thì phía Đức đã quyết định là đưa tôi đi ngay. Đến ngày 14/12 thì tôi đi được đến Đức.

Cao Nguyên : Phía Đức và ông đã trao đổi những gì mà họ quyết định cấp Visa để ông sang Đức ngay lập tức ? Đại sứ quán các nước khác như thế nào sau khi ông báo tin ?

Nguyễn Tiến Trung : Thật ra, tôi có tham gia rất nhiều hoạt động chung với Đại sứ quán Đức từ nhiều năm qua. Ví dụ như có một lần là khoảng tháng 4/2013 thì tôi đã có hẹn một buổi ăn trưa với ông Đại sứ nước Đức, thì hôm đó là an ninh cũng biết và đã ngăn chặn.

Các đại sứ quán khác đều sẵn sàng giúp tôi và họ đều đang làm hồ sơ để cho tôi được đi tị nạn sớm, nhưng mà nước Đức làm xong sớm nhất cho nên tôi quyết định chọn đi Đức liền để đảm bảo an toàn. 

Tôi vẫn chưa biết vì sao phía an ninh Việt Nam lần ra được chỗ ở của tôi ở Bangkok, cho nên tôi quyết định rời đi càng sớm càng tốt và nước Đức hoàn thành xong sớm nhất thủ tục cho tôi thì tôi đi thôi.

Cao Nguyên : Bây giờ nghĩ lại, suốt hành trình từ khi rời Việt Nam qua đến Thái Lan và cho đến bây giờ khi đã đặt chân đến nước Đức rồi thì điều gì ông cho là khó khăn nhất ?

Nguyễn Tiến Trung : Tôi nghĩ khó khăn nhất là lúc mà tôi phải vượt biên từ Việt Nam sang Campuchia. Khi tôi bị bắt cóc vào thứ sáu thì vào thứ bảy tôi đã rời đi, đến chiều thứ bảy tôi đã đến được tỉnh ở biên giới.

Người lái taxi của tôi họ nhận được rất nhiều cuộc gọi từ tổng đài và phía tổng đài cũng đã biết rõ là chiếc taxi đó đang chở tôi. Tôi biết là đã bị lộ và an ninh đã lần ra được là chiếc taxi nào đang chở tôi, bởi vì tổng đài miêu tả rất rõ đặc điểm của tôi cho nên tôi biết rằng mình đã bị lộ. Tôi phải từ cái tỉnh biên giới đó quay ngược về lại Sài Gòn. Vào thứ bảy tôi đã thất bại, không thể rời Việt Nam được.

Cho đến hôm chủ nhật, tôi phải đi qua một con đường khác thì rất may mắn là đã thành công.

Việc tôi đã bị an ninh phát hiện ra và phải quay ngược lại Sài Gòn thì tôi thấy rằng sự việc của tôi rất nghiêm trọng, bởi vì chỉ có an ninh cấp bộ thì mới có quyền huy động an ninh ở nhiều tỉnh thành phối hợđể ngăn chặn tôi như vậy. Và tôi nghĩ tôi đã rất may mắn để mà tôi có thể thoát được.

Cao Nguyên : Trong suốt thời gian mà ông ở Thái Lan tị nạn thì gia đình của ông ở Việt Nam có bị chính quyền Việt Nam làm khó hoặc xét hỏi gì không ?

Nguyễn Tiến Trung : Phía gia đình tôi thì an ninh họ có hỏi dò nhưng mà tất nhiên là gia đình tôi không có nói. Còn bạn bè của tôi thì rất đông người bị an ninh bắt cóc giữa đường để tra khảo hỏi về tung tích của tôi, cũng như ép họ phải tố cáo tôi. Sau khi ra khỏi đồn công an thì họ mới nhắn cho tôi nên tôi mới biết được chuyện đó.

Cao Nguyên : Ông có nhận định vì sao nhà nước Việt Nam quyết liệt truy đuổi anh vào thời điểm đó hay không ?

Nguyễn Tiến Trung : Tôi nghĩ là có nhiều lý do. Cũng có thể là những hoạt động của tôi họ thấy là nguy hiểm, bởi vì tôi hỗ trợ rất nhiều các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước và họ đánh giá các tổ chức xã hội dân sự đó là có đông người và có thực lực cho nên là họ quyết tâm là phải diệt tôi.

Cái thứ hai là do những bạn hoạt động giỏi tiếng Anh ở trong nước đã rời đi rồi, có thể nói tôi là người biết tiếng Anh còn sót lại ở Việt Nam giúp cho những người tù nhân lương tâm có thể lên tiếng, thì đó là một cái gai mà họ cần phải nhổ.

Chuyện thứ ba, tôi thấy có thể là do anh Trần Huỳnh Duy Thức sắđược ra tù. Theo dự kiến, anh ấy sẽ được ra tù vào năm 2025, cho nên tôi đoán là họ không muốn chúng tôi lại tập hợp lại với nhau và tiếp tục đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam cho nên họ phải ra tay diệt trừ trước. 

Đó là tôi đoán thôi chứ còn lý do thực sự thì tôi cũng không thể biết được.

Cao Nguyên : Cảm xúc của ông thế nào khi gặp lại vợ con của mình ?

Nguyễn Tiến Trung : Tôi đã gặp vợ con của mình từ bên Thái Lan. Tôi cũng đã đoán trước được là vợ con mình sẽ bị cấm xuất cảnh nhưng mà rất may mắn là vợ tôi vẫn chưa bị cấm xuất cảnh cho nên vẫn đi được. Rất là vui mừng vì chúng tôi đã cùng nhau đi đến Đức từ Thái Lan. 

Cao Nguyên : Hiện nay, khi đã đến Đức rồi, cũng tạm gọi là được tự do và an toàn rồi thì liệu ông còn điều gì mà ông lo lắng băn khoăn trong lúc này hay không ?

Nguyễn Tiến Trung : Đương nhiên mình là một người hoạt động dân chủ thì mình có rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Những người đồng đội của tôi vẫn còn ở trong nước thì không biết rằng họ sẽ như thế nào. Tôi mong rằng tất cả đồng đội anh em của tôi đều vẫn sẽ an toàn và tôi hi vọng rằng việc mà tôi rời đi sẽ giúp cho họ an toàn hơn bởi vì đã bị mất người đứng đầu vụ rồi.

Cao Nguyên : Ông có dự tính gì trong tương lai ?

Nguyễn Tiến Trung : Trước mắt, tôi phải ổn định cuộc sống ở Đức, rồi phải đi học tiếng Đức để nhanh chóng hòa nhậđược với cuộc sống ở đây.

Cái thứ hai là tôi vẫn tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình, đó là vấn đề về dân chủ nhân quyền cho Việt Nam ; và tất nhiên là tôi phải làm dưới một hình thức khác và với một cái phương cách khác so với khi tôi đang ở trong nước. 

Cao Nguyên : Cảm ơn ông rất nhiều vì đã dành thời gian cho RFA. Chúc ông và gia đình nhiều sức khoẻ sẽ sớm ổn định cuộc sống ở một đất nước mới.

**********************

Ông Nguyễn Tiến Trung là một nhà đấu tranh cho dân chủ của Việt Nam trong suốt hơn chục năm qua. Ông tốt nghiệp cao học chuyên ngành Công nghệ thông tin Pháp.

Ông Trung từng bị bắt vào năm 2009 với cáo buộc "tuyên truyền chống phá Nhà nước", theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự năm 1999 ; Trong phiên toà năm 2010, ông bị kết án bảy năm tù giam, cùng với những nhà hoạt động nổi bậc khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Lê Thăng Long.

Sau khi ra tù năm 2014, ông vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ bằng nhiều hình thức khác nhau, như viết các bài bình luận, báo cáo với quốc tế các vụ vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam… 

Cao Nguyên thực hiện

Nguồn : RFA, 18/12/2023

Published in Diễn đàn
dimanche, 20 juin 2021 09:05

Đấu tranh phải có vũ khí

Đấu tranh không nhất thiết là bạo lực. Đấu tranh có thể là dùng các phương tiện mình có để buộc đối phương phải thay đổi theo hướng có lợi cho mình.

vukhi2

Vũ khí là gì ?

Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, nhiều người căm ghét chế độ độc tài vì nhiều lý do khác nhau. Một số khác tuy không căm ghét nhưng muốn thay đổi vì nhận thấy được hậu quả mà dân tộc phải gánh chịu vì chế độ độc tài này. Tuy vậy, nhiều người không dám hay không muốn đấu tranh vì nghĩ rằng mình không có vũ khí. Họ cho rằng vì ở thế yếu thì hậu quả sẽ là : Đấu tranh rồi tránh đâu ? Trong bài viết này, tôi cho rằng người dân Việt Nam, ai cũng có vũ khí, ai cũng có thể góp phần để đem lại sự thịnh vượng và dân chủ cho Việt Nam.

Trước hết, vũ khí là gì ? Trong tiếng Việt, vũ khí có thể là "phương tiện dùng để sát thương và phá hoại". Vũ khí cũng có thể có nghĩa là "phương tiện để tiến hành đấu tranh". Nói một cách khác, đấu tranh không nhất thiết là bạo lực. Đấu tranh có thể là dùng các phương tiện mình có để buộc đối phương phải thay đổi theo hướng có lợi cho mình.

Thứ hai, đấu tranh bạo lực hợp lý không ? Trong hoàn cảnh hiện tại, có lẽ là không. Nhà nước độc quyền các công cụ bạo lực, công an và quân đội. Do đó, việc đấu tranh bạo lực gần như chắc chắn sẽ dẫn đến việc trả giá bằng cực hình hay sinh mạng. Gene Sharp đã viết trong quyển Từ Độc Tài đến Dân Chủ : "Khi đặt tin tưởng vào phương cách bạo lực, các nhà tranh đấu đã chọn ngay cách đấu tranh mà những kẻ đàn áp hầu như luôn luôn chiếm ưu thế". Tôi không tin rằng các bạn hiểu rõ điều này. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm có thể đọc quyển sách trên Internet (1).

Có thể là một số người cho rằng vì họ, hay dân chúng nói chung, yếu hơn chế độ chuyên quyền, nên không thể đấu tranh được. Tuy vậy, như chúng ta đã biết, các chế độ độc tài đều có vẻ bất khả chiến bại cho đến khi nó sụp đổ. Từ Ba Lan, đến các nước Đông Âu khác, đến Mông Cổ, Đài Loan, Nam Hàn, các chế độ độc tài tưởng chừng vững như bàn thạch đã sụp đổ. Bạn có tin rằng dân tộc Việt mãi mãi phải chịu cảnh mất tự do không ? Nếu không, làm thế nào để kết thúc một chế độ độc tài ?

Về tổng thể, khi giới chóp bu chính trị có thể thỏa mãn nhu cầu vật chất của công an, của quân đội, và các viên chức nhà nước, khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng, khả năng chuyển đổi chế độ từ độc tài sang dân chủ là rất thấp. Để thay đổi được, phải làm cho nhà nước mất dần khả năng nuôi công an, nuôi quân đội, phải làm cho công an, quân đội ít phụ thuộc hơn vào nhà nước cho sự tồn tại của chính các lực lượng này.

Vậy làm thế nào để làm suy yếu sức mạnh của nhà nước ? Theo tôi, nó liên quan đến từ các yếu tố sau : thứ nhất, tính chính đáng. Liệu dân chúng có cho rằng thế lực chóp bu hiện tại hoàn thành tốt trách nhiệm phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giữ gìn an ninh, đặc biệt là biên cương, biển đảo hay không ? Dân chúng càng tin rằng nhà cầm quyền thiếu tính chính đáng, họ càng khó cai trị. Vì dù có thể dùng vũ lực để theo dõi, đàn áp dân chúng, các biện pháp này tốn kém.

Thứ hai, sức mạnh của nhà nước đến từ các nguồn thu tài chính, từ thuế, phí, từ các hoạt động của các công ty nhà nước. Đây là một trong những nguồn lực hết sức quan trọng. Điều này thể hiện qua nỗ lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sau năm 1954 ở Miền Bắc, sau năm 1975 ở Miền Nam, muốn tập trung toàn bộ các hoạt động kinh tế dưới sự quản lý của họ. Họ chỉ từ bỏ chính sách này vào năm 1985, sau khi đã đưa nền kinh tế Việt Nam đến bờ vực của sự sụp đổ. Dù thất bại với chính sách kinh tế kế hoạch tập trung, Nhà nước vẫn tiếp tục muốn duy trì sức ảnh hưởng của kinh tế nhà nước – các công ty, tập đoàn nhà nước – dù đa số các tập đoàn này luôn kêu lỗ.

Lý do nằm ở chỗ, tầng lớp chóp bu chính trị có thể dùng các công ty này để cung cấp các vị trị quản lý béo bở cho tay sai của họ. Những hãng điện thoại của Quân đội, của Công An, của bộ này, bộ kia là những dấu hiệu của những vụ này. Ngoài ra, các công ty nhà nước độc quyền, về điện, nước, v.v. cũng là công cụ để giới cầm quyền "vặt lông" dân chúng. Bạn không có quyền khiếu nại giá nước, giá điện, giá cước điện thoại, v.v. Nhà cầm quyền cần khối kinh tế nhà nước để duy trì sự phụ thuộc của các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội, dân chúng vào Nhà nước.

Cuối cùng, sức mạnh của nhà nước nằm ở tính chính đáng của họ trong mắt cộng đồng quốc tế. Việt Nam khác với Bắc Hàn, khác với Iran, Venezuela ở chỗ nước này thông thương mạnh mẽ với thế giới. Có thể nói, nếu Việt Nam không có đầu tư nước ngoài, không có xuất khẩu thì tình hình sẽ cực kỳ bi đát cho cả nhà nước lẫn dân chúng. Ai trên 40 tuổi có lẽ cũng hiểu điều này.

Vậy, bạn có thể làm gì, dù bạn là ai ?

Để làm suy yếu tính chính đáng của những kẻ chuyên quyền, bạn có thể giúp những người xung quanh mình hiểu về bản chất xấu xa của chúng. Nếu bạn sợ không dám viết trên Internet, bạn có thể nói với những người hàng xóm, với những người mà bạn gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tôi tin một cụ già hành khất có thể làm điều này. Còn bạn, bạn nghĩ sao ?

Để làm suy yếu khả năng kiểm soát công an, quân đội, bạn có thể giúp làm cho các công ty nhà nước yếu đi. Ví dụ, khi mua hàng hóa và dịch vụ, bạn ưu tiên cho các công ty tư nhân, khi bạn có quyền lựa chọn. Khi làm như vậy, bạn làm cho khối kinh tế tư nhân lớn lên và khối doanh nghiệp nhà nước nhỏ đi. Bạn cũng có thể trao đổi hàng hóa, dịch vụ trực tiếp với những người quen, thay vì khi mua hàng hóa ở các siêu thị. Nhà nước lấy 10% thuế VAT khi bạn mua hàng ở những chỗ này và nhiều khả năng họ dùng nguồn thu này để nuôi công an, quân đội và công chức nhà nước.

Để làm suy yếu tính chính đáng của nhà cầm quyền trong mắt cộng đồng quốc tế, bạn có thể lên tiếng về những bất công trong xã hội mà bạn chứng kiến.

vukhi3

Còn rất nhiều điều khác mà mọi người có thể làm để gia tăng sức mạnh của xã hội dân sự và làm những kẻ chuyên quyền suy yếu đi. Bạn có thể tìm thấy những điều này trong cuốn "Từ độc tài đến dân chủ".

Khi nhiều người trong xã hội cùng làm những điều này, nhà cầm quyền sẽ chịu nhiều áp lực hơn. Từ đó, họ nhiều động lực để thay đổi theo hướng làm cho xã hội phồn vinh và tự do hơn.

Tóm lại, đấu tranh không nhất thiết phải bằng con đường bạo lực. Không nhất thiết phải đặt cá nhân, gia đình bạn vào nguy cơ bị tù tội, bị Nhà nước cô lập. Bạn có thể đấu tranh bằng những cách rất an toàn.

Ngọc Vân

Nguồn : VNTB, 20/06/2021

Tham khảo

https://www.nonviolent-conflict.org/wp-content/uploads/1994/01/From-Dictatorship-to-Democracy-Vietnamese.pdf

Published in Diễn đàn

Nhà báo độc lập Song Chi nói chuyện cùng ông Nguyễn Gia Kiểng, thành viên ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Song Chi : Trong phiên phúc thẩm ngày 5/5/2021, tòa án tỉnh Hòa Bình đã tuyên án bà Cấn Thị Thêu và con trai là Trịnh Bá Tư, mỗi người 8 năm tù, 3 năm quản chế với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước".

Bà Cấn Thị Thêu, như chúng ta biết, chỉ là một nông dân bình thường bị chính quyền địa phương thu giữ trang trại của gia đình mà không bồi thường thỏa đáng, từ đó bà bắt đầu những hoạt động kêu gọi nhà cầm quyền đền bù thỏa đáng cho gia đình mình và những người nông dân khác qua những vụ chiếm đất ở Việt Nam. Bà đã từng bị bắt vài lần, bị kết án 20 tháng tù năm 2016 nhưng lần này thì cả ba người trong gia đình cùng bị bắt (người con khác là Trịnh Bá Phương chưa được đem ra xử) và bản án tàn bạo hơn nhiều. Ông nghĩ gì về bản án dành cho bà Cấn Thị Thêu và con trai ? Tại sao nhà cầm quyền càng ngày càng trở nên hà khắc, dã man hơn trong những năm qua ?

songchi1

Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư tại tòa án tỉnh Hoà Bình hôm 5/5/2021

Nguyễn Gia Kiểng : Cấn Thị Thêu không có tham vọng làm anh hùng, vĩ nhân. Chị là một phụ nữ bình thường như mọi phụ nữ Việt Nam trong cả dáng dấp lẫn thái độ, chỉ khác một điều là chị dám đòi đến cùng những quyền căn bản, tự nhiên và chính đáng nhất của người dân, như quyền sở hữu tài sản, trước mặt một chế độ cướp bóc hung bạo. Sức mạnh và cái đẹp của Cấn Thị Thêu là Chị thể hiện một người dân oan đúng nghĩa, hoàn toàn vô tội và chỉ thể hiện Lẽ Phải. Có những lúc mà sự giản dị chân thật có tác dụng mạnh hơn hết.

Chị đúng là một nạn nhân và một phụ nữ mà mọi người Việt Nam có thể tự hào. Sau này Dương Nội nên có một con đường mang tên Cấn Thị Thêu.

Bản án 16 năm tù cho Chị và Bá Tư là một đòn chí tử thêm nữa mà Đảng cộng sản vừa tự giáng cho mình. Nó là bản án tử hình của chế độ cộng sản và Đảng cộng sản trong lòng người Việt Nam và trong tương lai đất nước.

Chúng ta đang chứng kiến một cuộc thử sức giữa nhân dân Việt Nam và Đảng cộng sản. Nhân dân Việt Nam ngày càng ý thức được những quyền của mình và càng nhận diện Đảng cộng sản như một thế lực thống trị bóc lột ; để đáp lại Đảng cộng sản không biết làm gì hơn là gia tăng đàn áp, càng lúng túng và lo sợ càng hung bạo. Trước đây sự phản kháng chỉ giới hạn trong giới trí thức và văn nghệ sĩ, bây giờ tình hình đã thay đổi hẳn. Các gia đình Nguyễn Văn Túc, Đoàn Văn Vươn, Lê Đình Kình, Cấn Thị Thêu v.v. không thuộc thành phần trí thức hay tư sản, trái lại họ thuộc thành phần quần chúng đã ủng hộ và giúp Đảng cộng sản giành được thắng lợi. Chế độ cộng sản đang lung lay từ nền tảng, nó hung dữ vì đang lo sợ ở trong một bế tắc không có lối thoát.

Song Chi : Các luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho hai mẹ con bà Cấn Thị Thêu đã thuật lại thái độ dũng cảm, bất khuất của họ trước tòa, khi tòa hỏi họ tên để xác định lý lịch, bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đã điềm nhiên trả lời : "Tên tôi là Nạn Nhân cộng sản" và họ hô "Đả đảo cộng sản" trước tòa. Lại nhớ đến thái độ bất khuất của một nạn nhân cộng sản khác, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Túc, từng đi bộ đội 4 năm ở Campuchia, khi bị tòa án rừng rú của cộng sản tuyên án 13 năm tù giam, 5 năm quản chế, trong phiên xử phúc thẩm ngày 14/9/2018, anh đã cười nhếch mép và nói : "Đ.M. Tòa".

Họ thực sự là những con người không hề sợ hãi trước bạo quyền. Điểm chung giữa họ, đó là những con người bình thường, là nông dân, công nhân, dân nghèo, cựu bộ đội… vì không chấp nhận những chính sách sai trái, bất công, chà đạp lên luật pháp, lên quyền con người của nhà nước cộng sản mà đứng lên đấu tranh và rồi trở thành những tù nhân lương tâm. Có người bảo họ xứng đáng là những anh hùng, cần phải vinh danh họ, lại có người bảo không nên vì bản thân họ cũng không có ý định làm chính trị, làm lãnh đạo, nếu tâng bốc họ lên mây xanh chỉ càng tạo cớ cho nhà cầm quyền đàn áp mạnh hơn. Ông nghĩ sao ?

songchi2

Ông Nguyễn Văn Túc không giữ im lặng mà bật tiếng chửi thề trong phiên xử phúc thẩm ngày 14/9/2018

Nguyễn Gia Kiểng : Những gì xứng đáng được tôn vinh thì phải được tôn vinh, cũng như những gì đáng khinh bỉ thì phải bị khinh bỉ. Thái độ dũng cảm của Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Trung Trực, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển v.v. rất đáng tôn vinh và phải được tôn vinh. Họ là những anh hùng mà người Việt Nam có thể hãnh diện. Đó chỉ là sự thực hiển nhiên, không nhìn nhận và vinh danh họ không chỉ sai mà còn là một xúc phạm đối với cuộc đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền. Chống lại chính quyền hung bạo này chúng ta rất cần những người như họ. Phải biết ơn và tôn vinh họ một cách dõng dạc, thẳng thắn, công khai. Đừng sợ vì thế mà chính quyền cộng sản sẽ đàn áp mạnh hơn. Cần ý thức thật rõ rệt rằng Đảng cộng sản Việt Nam đã hung bạo ở mức tối đa rồi, họ không thể hung bạo hơn nữa mà không bị lên án trong khi Việt Nam rất lệ thuộc vào các nước dân chủ, dù là để giữ Biển Đông hay duy trì mức độ ngoại thương và đầu tư nước ngoài. Những anh chị em kể trên chỉ vì đã nói lên quan điểm của mình, một điều rất bình thường trong hầu hết mọi nước trên thế giới, mà đã bị những án tù 12 năm, 15 năm v.v. Ngay cả chính quyền cộng sản Trung Quốc cũng không đến nỗi dã man như thế, Joshua Wong một biểu tượng của những cuộc biểu tình của hàng triệu người tại Hồng Kông chỉ bị 10 tháng tù. Chúng ta không còn gì để sợ, cứ tôn vinh những anh em đã dám thách thức chế độ, chúng ta còn cần thêm rất nhiều người như thế. Nhưng cũng không phải vì thế mà nghĩ rằng họ phải là những người lãnh đạo. Sự cao cả của họ chính là ở chỗ họ không có tham vọng lãnh tụ. Ngoài sự dũng cảm, người lãnh đạo còn phải có những đặc tính khác, như hiểu biết chính xác về những vấn đề của đất nước và thế giới, khả năng rút ra từ những kiến thức đó những kết luận đúng cho hành động, một tầm nhìn xa, một dự án chính trị và nhất là một văn hóa tổ chức. Dũng cảm chỉ là một trong rất nhiều phẩm chất cần thiết của người lãnh đạo. Nếu theo dõi kỹ những vụ án này ta có thể thấy không ai trong các anh em này muốn làm anh hùng hay lãnh tụ cả. Họ muốn một điều giản dị nhưng cao đẹp hơn nhiều, đó là sống xứng đáng.

Về các luật sư biện hộ, chúng ta có thể nhận xét là càng ngày họ càng mạnh bạo hơn, đó là một tiến bộ đáng mừng, trước đây ít có luật sư nào dám thuật lại với công chúng thái độ bất khuất của các nạn nhân trong những vụ án chính trị. Nhưng các luật sư vẫn cần mạnh dạn hơn nữa. Đáng lẽ họ phải thẳng thắn bác bỏ cáo trạng, thẳng thắn khẳng định rằng theo họ những điều các bị cáo nói và làm như được thuật lại trong cáo trạng hoàn toàn không có gì là xuyên tạc cả và đòi được tranh luận với các giám định viên, và nói thêm rằng nếu các giám định viên không có mặt tại tòa để tranh luận với họ thì những cáo buộc trong cáo trạng phải bị coi là vô giá trị.

Song Chi : Chúng ta thấy trong nhiều cuộc cách mạng ở nhiều quốc gia, những con người dũng cảm nhất, kiên cường bất khuất nhất trước bạo lực thường là nông dân, công nhân, dân nghèo, chứ không phải tầng lớp trí thức, bởi vì giới trí thức hay giới văn nghệ sĩ, họ có quá nhiều thứ để sợ phải mất : địa vị, sự nghiệp hay danh tiếng. Càng không phải là giới nhà giàu, tất nhiên.

Đảng cộng sản biết vậy nên trước đây đã tích cực lợi dụng lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của giai cấp công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị. Và bây giờ thì chính những người dân oan bị cướp đất, những người công nhân bị bóc lột như nô lệ, cộng với thành phần bị đàn áp dữ dội vì lý do tôn giáo, sẽ là nỗi lo sợ lớn nhất cho nhà cầm quyền, chứ không phải giới trí thức.

Tuy nhiên nếu một cuộc cách mạng lại do giới nông dân, dân nghèo khởi xướng thì vì sự hạn chế trong kiến thức, tầm nhìn, thường sẽ dẫn đến bạo lực cách mạng hoặc khó chuyển đổi thành một cuộc cách mạng thành công toàn diện, nghĩa là thành lập được một chế độ tự do dân chủ thực sự chứ không phải lại quay trở lại một hình thức khác của độc tài. Muốn có một cuộc cách mạng thành công trong tương lai, phải nên do giới trí thức dẫn dắt. Ông nghĩ sao về điều đó ?

Nguyễn Gia Kiểng : Một điều rất quan trọng cần phải được nhìn thật rõ là cuộc đấu tranh thiết lập dân chủ là cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử nước ta. Chúng ta thường tự hào là có một lịch sử dài nhưng chúng ta chưa bao giờ có dân chủ, trừ một ngoại lệ ngắn ngủi, miễn cưỡng, hời hợt và thô vụng tại miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cho tới nay chúng ta đã chỉ có những chế độ độc tài chuyên chính theo mô hình Khổng Giáo mà người Trung Quốc áp đặt lên nước ta sau cuộc chinh phục của Mã Viện đầu Công nguyên. Chế độ cộng sản mà nước ta đang phải chịu đựng về bản chất cũng chỉ là một phiên bản cải tiến của mô hình Khổng Giáo. Không phải là một tình cờ mà cả ba nước còn dám vỗ ngực tự xưng là cộng sản hiện nay -Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên- đều là những nước theo văn hóa Khổng Giáo. Cũng không phải là một sự tình cờ mà chế độ cộng sản Trung Quốc gần đây lập các Viện Khổng Tử tại khắp nơi. Cuộc vận động dân chủ vì vậy là một cuôc cách mạng rất lớn để đoạn tuyệt với văn hóa chính trị duy nhất mà chúng ta đã biết trong suốt dòng lịch sử. Mọi cuộc cách mạng đúng nghĩa –nghĩa là thay đổi cả chính quyền lẫn triết lý chính trị- luôn luôn cần có một cuộc cách mạng văn hóa đi trước. Cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta lại càng cần hơn bởi vì nó đồng thời cũng là một cuộc cách mạng văn hóa rất lớn, một cuộc cách mạng để thiết lập một chế độ chính trị mà chúng ta chưa hề có, để mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai trong lịch sử nước ta. Do đó nó chỉ có thể do trí thức lãnh đạo. Quần chúng, các công nhân và nông dân chỉ có thể đấu tranh thay đổi chính quyền chứ không thể lãnh đạo một cuộc cách mạng văn hóa. Khó khăn chính, gần như duy nhất, là do di sản lịch sử và văn hóa Khổng Giáo trí thức Việt Nam chưa ý thức được vai trò mà dù muốn hay không họ phải đảm nhận trong cuộc cách mạng dân chủ.

Chị Song Chi nói rằng phần đông trí thức Việt Nam không kiên quyết và dũng cảm đấu tranh chống lại bạo quyền vì họ có quá nhiều điều để mất. Chỉ đúng một phần thôi. Lý do thực sự là họ không phải là những trí thức đúng nghĩa mà chỉ là những người có bằng cấp, có kiến thức và khả năng chuyên môn, nói đúng ra là những người lao động trí óc. Trí thức tự nó đã là một khái niệm chính trị để chỉ những người gắn bó với đất nước và đồng bào, tôn trọng lẽ phải và phẩm giá con người. Phục tùng một quyền lực chà đạp lên lẽ phải và con người không phải là thái độ của một trí thức. Trong lúc này chúng ta chưa cần đòi hỏi những người tự coi hoặc được coi là trí thức phải chấp nhận một hy sinh nào, dù là an ninh hay quyền lợi. Điều chúng ta mong đợi chỉ giản dị là họ tự đặt cho mình và tự trả lời cho mình câu hỏi họ có phải là trí thức không hay chỉ là những người lao động trí óc. Trả lời thế nào cũng được, điều quan trọng là câu hỏi.

Cũng cần nói thêm rằng trí thức Việt Nam đâu còn gì nhiều để mất. Trong các cơ quan thuộc chính quyền, ngay cả ngoài bộ máy nhà nước -dù là trường học, nhà thương hay công ty quốc doanh- muốn lên tới chức trưởng phòng thôi cũng phải là đảng viên. Tất cả những địa vị có chút quan trọng đã thuộc độc quyền của các đảng viên cộng sản rồi. Các trí thức không cộng sản, cũng như 95% nhân dân chí có thể thăng tiến trong khu vực tư doanh.

Về mặt an ninh thì Đảng cộng sản cũng thừa biết là toàn dân Việt Nam đã nhìn họ như một lực lượng chiếm đóng rồi. Đâu còn gì để giấu giếm ? Cố làm ra vẻ không chống Đảng chỉ khiến họ khinh là hèn nhát và giả dối, đôi khi còn khiến họ ngờ vực.

Nói tóm lại thái độ đúng nhất của trí thức Việt Nam là sống trung thực với mình. Đó là bước đầu cần thiết và cũng khả thi, trước khi nghĩ xa hơn.

Song Chi : Nhưng trí thức Việt Nam thì lại đang có nhiều hạn chế từ trong tư duy, tư tưởng, quan điểm cho tới phương pháp đấu tranh. Ông có thể phân tích rõ hơn những hạn chế này và trí thức Việt Nam phải làm gì để vượt qua ?

songchi3 (2)

Muốn có một cuộc cách mạng thành công trong tương lai, phải nên do giới trí thức dẫn dắt.

Nguyễn Gia Kiểng : Trước hết xin có một lời biện hộ lương thiện cho trí thức Việt Nam. Cần nhận định là chúng ta đã tiến khá nhanh. Vùng Đông Nam Á, nơi tổ tiên chúng ta sinh sống, vào thời tiền sử thưa thớt, mức độ tập trung không đủ để làm xuất hiện một nền văn minh mạnh. Có thể nói, chúng ta đã chỉ thực sự phát triển từ khi tiếp xúc với hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ. Đầu Công nguyên, khi người Trung Quốc đến, chúng ta chậm trễ so với họ ít nhất 2000 năm. Vào thế kỷ 18, khi những tiếp xúc với phương Tây đã dồn dập, chúng ta tụt hậu so với Phương Tây khoảng 1.500 năm, khoảng 200 năm so với Trung Quốc. Ngày nay, sau ba thế kỷ chúng ta còn tụt hậu so với các nước tân tiến khoảng 50 năm. Những ước tính sơ sài đó cho thấy chúng ta đã tiến lên khá nhanh và không cần phải có mặc cảm nào cả. Nếu không có cuộc nội chiến 30 năm 1945-1975 thì chắc chắn chúng ta còn khá hơn nhiều. Tuy vậy trong cố gắng bắt kịp sự chậm trễ này chúng ta, cũng như các nước Đông Nam Á trong khối ASEAN hiện nay, đã phải dồn sức để học và bắt chước nên khó có thể suy nghĩ, đào sâu và sáng tạo. Sự hời hợt về tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị, là tự nhiên. Cần hiểu như thế để không nên có mặc cảm vì những yếu kém của mình nhưng đồng thời cũng nhìn thấy định hướng cho những cố gắng mới, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước.

Cố gắng đầu tiên và quan trọng nhất mà trí thức Việt Nam phải làm là phải từ bỏ tức khắc và dứt khoát văn hóa Khổng Giáo mà chúng ta tiếp thu từ người Trung Quốc. Văn hóa này hủy hoại trí tuệ và tâm hồn của xã hội. Trí thức Việt Nam ngày nay là hậu duệ của giai cấp sĩ ngày xưa và phải cảnh giác vì di sản văn hóa là những phản xạ di truyền mà chúng ta có mà không ý thức được rằng mình có. Lý tưởng của kẻ sĩ trong xã hội Trung Hoa và Việt Nam trong hàng ngàn năm chỉ giản dị là được làm tay sai không điều kiện cho một bạo quyền để thống trị và bóc lột dân chúng. Cố gắng của kẻ sĩ là tìm kiếm thành công cá nhân, là học để có bằng cấp và làm quan, là kèn cựa với các đồng nghiệp của mình để có tiếng tăm hơn và được chức vụ cao hơn. Đối với kẻ sĩ làm chính trị chỉ là để làm quan, để có danh vọng. Cách hoạt động chính trị nhân sĩ là trước hết tạo tiếng tăm cho mình, hoạt động một mình hay với một nhóm bạn có thể giúp mình nổi tiếng chứ không phải là để đóng góp cho một lý tưởng cao đẹp nào.

Tại sao, như mọi người đều thấy, các tổ chức đối lập dân chủ tàn lụi hết ? Sự đàn áp của chính quyền cộng sản không phải là lý do chính vì ngay cả các tổ chức ở hải ngoại không hề bị đàn áp cũng tàn lụi dần, không khác các tổ chức trong nước. Lý do chính là cái văn hóa nhân sĩ mà chúng ta chưa vất bỏ được, nó khiến người ta giành giật nhau tiếng tăm, chức vụ và quyền lực ngay trong những nhóm nhỏ chưa có một tầm quan trọng nào, rồi tan rã. Người ta không thấy sự vô nghĩa của những tranh giành này bởi vì nó nằm trong bản năng và bản năng là điều chúng ta không ý thức được. Cảnh giác với di sản văn hóa Khổng Giáo, vất bỏ lối đấu tranh nhân sĩ phải là cố gắng đầu tiên của những người muốn đóng góp cho cuộc cách mạng dân chủ.

Cố gắng quan trọng kế tiếp là xây dựng một tư tưởng chính trị lành mạnh. Các khái niệm quốc gia, dân tộc, dân chủ, nhân quyền không giản dị như nhiều người nghĩ. Kiến thức chính trị rất phức tạp vì là tổng hợp của tất cả các kiến thức khác và người ta chỉ có thể làm một tổng hợp nếu đã nắm vững các thành tố. Điều mà đa số trí thức Việt Nam chưa ý thức được là đấu tranh chính trị bắt buộc phải có tổ chức và một tổ chức có tầm vóc chỉ có thể xây dựng được trên một đồng thuận về một dự án chính trị, nghĩa là đồng thuận trên một đất nước Việt Nam mà chúng ta muốn đạt tới và trên phương thức đấu tranh để đạt tới mục tiêu đó. Đây là một cố gắng rất lớn và rất khó nhưng bắt buộc. Cuộc đấu tranh cho dân chủ không thể thực sự khởi sắc chừng nào chúng ta vẫn còn từ chối cố gắng này. Nó bắt đầu bằng một thái độ thảo luận và một văn hóa tổ chức. Cả hai đều là những đề tài rất lớn. Ở đây trong cuộc nói chuyện này tôi chỉ có thể nói rất sơ lược. Thái độ thảo luận đúng là coi thảo luận là cơ hội để học hỏi để nâng cao kiến thức chứ không phải là để tranh giành hơn thua. Văn hóa tổ chức trước hết là ý thức rằng giá trị lớn nhất của một người là khả năng xây dựng tổ chức và sinh hoạt trong một tổ chức.

Một câu hỏi thường được đặt ra trong lúc này là làm thế nào để xây dựng tổ chức giữa lúc mà Đảng cộng sản đang đàn áp một cách rất hung bạo mọi manh nha hình thành tổ chức ? Câu trả lời là tranh thủ đồng thuận dân tộc trên một dự án chính trị nhắm xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, đa nguyên, hòa giải và hòa hợp và nhận diện những người có thể là đội ngũ nòng cốt của cuộc cách mạng dân chủ là hai công tác quan trọng nhất chiếm gần hết thời giờ và cố gắng của cuộc vận động dân chủ. Cả hai công tác đó chúng ta đều có thể làm một cách khá an toàn ngay trong nước và ngay từ bây giờ.

Song Chi : Xin cảm ơn ông.

Song Chi thực hiện

Nguồn : facebook.com/songchi09, 11/06/2021

Published in Quan điểm
lundi, 11 novembre 2019 16:20

Không bỏ cuộc

Cách đây đúng 8 năm vào lúc 11 giờ 11 phút sáng ngày 11 tháng 11 năm 2011 tôi bị đánh. Đó là lần đầu tiên tôi trải nghiệm trực tiếp việc bị áp bức một cách bất công khi tham gia lên tiếng việc ngoài xã hội. Nếu ai chưa biết rõ chuyện này, bạn có thể tìm trên BBC, trang Xuân Diện hay blog Người Buôn Gió có thông tin sự kiện ầm ĩ đó.

khong1

Khỏi phải nói, đó là một trải nghiệm cá nhân rất xấu mà mãi sau này tâm trí tôi mới nguôi ngoai được. Tuy vậy so với những người khác, những người bị chịu cảnh tù đầy, chịu cảnh phải trốn chạy khỏi tổ quốc thì những chuyện của tôi quá nhỏ bé. Nhưng dù sao trải nghiệm đấy cùng vài lần khác bị bắt bớ, trấn áp, thẩm vấn đã cho tôi nhiều kinh nghiệm và sự đồng cảm với các anh chị em đấu tranh khác. 

Tôi biết những cơn đau, sự ám ảnh và di chứng tâm lý đã ảnh hưởng kinh khủng thế nào, kể cả sau khi họ ra tù rất lâu rồi. Chỉ bị bắt thẩm vấn sơ sơ cùng lắm 1-2 ngày như tôi mà vượt qua chuyện đó không phải là dễ. Đừng nói đến những ai phải chịu cảnh thẩm vấn, tra tấn tâm lý hàng năm trời trước khi bị lôi ra toà, khó cân bằng được tâm lý vô cùng. Những người đấu tranh khi lên tiếng trước các vấn đề xã hội cũng chỉ là những người bình thường. Họ nào đâu được trang bị kiến thức về tâm lý, thần kinh. Họ đâu biết vết thương của những đòn tra tấn tinh thần còn kinh khủng hơn những đau đớn thể xác do đói, do lạnh, do bị đánh đập nhiều lắm. Bởi thế trong tù, phải nói rằng an ninh ngán nhất những người có đức tin mạnh mẽ, biết tự thiền định, biết vượt qua tổn thương tâm lý như thầy tu thầy chùa. Vì thế nhiều người bình thường ra tù phải sử dụng thuốc an thần và các bài điều trị tâm lý. Nhiều người có cách hành xử không được bình thường như bản chất vốn có trước đây của họ. Thế mới biết, con người ta đôi khi không phải là hành vi họ thể hiện ra bên ngoài.

Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi : mình đang dây vào chuyện gì đây ? Có đáng không khi phải chịu đựng bất trắc như vậy ? Đâu là mức ghê gớm nhất phải chịu đựng ? Làm thế nào để mình vượt qua ? Những câu hỏi tò mò đó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi nhiều năm qua. Tôi đã gặp và tâm sự với nhiều anh chị em sau khi họ ra tù. Không phải là tất cả, nhưng những mẩu chuyện rời rạc với họ chắp lại chính là những bài học tuyệt vời cho tôi, để tôi thêm quyết tâm mỗi khi lòng nao núng nhất.

Tiêu diệt chỉ là biện pháp cuối cùng, và có rất nhiều hệ quả phiền phức. Bẻ gẫy ý chí mới là quan tâm số một của thế lực độc tài trước những người đấu tranh. Không cần giết, mà chỉ cần làm một người mất đi ý chí, mất đi hình ảnh trong quần chúng, những kẻ cai trị sẽ dễ bề thao túng và dập tắt mọi phong trào phản kháng.

Để đối phó lại điều này, những người đấu tranh ngoài việc nên có một đức tin nào đó có thể có những cách khác. Ấy là việc tự học hỏi, tự trau dồi kiến thức xã hội, đặc biệt là các kiến thức về tâm sinh lý, về thần kinh. Khi ta đã có lý tưởng, có tầm nhìn, có kế hoạch cuộc đời, có kiến thức hiểu biết về chính mình, ta sẽ dễ dàng huy động mọi nguồn lực từ bên trong hay bên ngoài để vượt qua mọi thử thách.

Trong tình huống xấu nhất, những kẻ bạo quyền phải tiêu diệt ta, hãy tự hào và bước tới lãnh nhận, vì tấm thân này đã hi sinh cho cái chung và sống một cuộc đời không bỏ cuộc.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 11/11/2019 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn
dimanche, 03 septembre 2017 17:08

Hành trang của người tranh đấu !

Chính trường Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp và không biết sẽ đi về đâu. Tốt đẹp thì chắc chắn là không mà chỉ có thể là xấu, hoặc rất xấu. Một vấn đề mà ai cũng thấy được đó là sự bế tắc, không chỉ mỗi đảng cộng sản bế tắc mà ngay cả phong trào dân chủ Việt Nam cũng bế tắc.

hanhtrang1

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn cố gắng tìm hiểu và mổ xẻ nguyên nhân bế tắc của phong trào dân chủ Việt Nam để từ đó tìm kiếm một giải pháp chung cho tất cả mọi người.

Đáng lẽ ra với sự khủng hoảng ngày càng trầm trọng của đảng cộng sản thì phong trào dân chủ phải phát triển nhanh mạnh và sớm trở thành đối trọng ngồi vào bàn đàm phán với đảng cộng sản để dân chủ hóa đất nước như ở Ba Lan trước đây. Quyết định ly khai ‘đảng của Nguyễn Phú Trọng’ để trở về với đảng Lao động và tư tưởng Hồ Chí Minh của giáo sư Tương Lai là một ví dụ cho sự bế tắc của một bộ phận trí thức Việt Nam.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) luôn cố gắng tìm hiểu và mổ xẻ nguyên nhân bế tắc của phong trào dân chủ Việt Nam để từ đó tìm kiếm một giải pháp chung cho tất cả mọi người. Nhiều câu hỏi quan trọng vẫn chưa có câu trả lời : Chúng ta (phong trào dân chủ Việt Nam) đang ở đâu ? Chúng ta là ai ? Chúng ta muốn gì và cần làm gì ?...

Hôm nay chúng tôi cùng chia sẻ với độc giả năm vấn đề mà blogger Bùi Quang Minh đăng trên FB cá nhân (1) :

1. Đừng bao giờ cho địch tỏ ra có chính nghĩa hơn mình. Đó là phương pháp chiến thắng đầu tiên và lâu dài nhất.

Nói về chính nghĩa thì chắc chắn phần thắng nghiêng về phía chúng ta, những người đang dấn thân cho dân chủ. Đảng cộng sản đã ‘hoàn thành’ vai trò lịch sử của mình trong chiến tranh và bây giờ là công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Thời gian từ năm 1975 đến nay chứng minh rằng đảng cộng sản đã thất bại hoàn toàn trong công cuộc xây dựng đất nước. Họ chỉ ‘giỏi đánh nhau’ chứ không giỏi làm kinh tế. Trong thời đại mới thì tính chính danh của một đảng cầm quyền phải đến từ lá phiếu của người dân chứ không thể áp đặt hoặc nói khơi khơi rằng ‘chúng tôi có công giành độc lập nên chúng tôi phải cầm quyền suốt đời’.

Chúng ta cần khẳng định rằng tự do và dân chủ là nhu cầu tất yếu của người dân Việt Nam, mỗi người dân cần lên tiếng và đòi hỏi mạnh mẽ yêu cầu này. Phải có cạnh tranh chính trị lành mạnh, nếu đảng cộng sản chiến thắng một cách minh bạch và đàng hoàng trong các cuộc bầu cử công khai thì đảng cộng sản vẫn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước. Không ai muốn và có đủ phương tiện hoặc vũ lực để lật đổ chế độ cộng sản. Tất cả mọi người chỉ muốn và yêu cầu đảng cộng sản chấp nhận luật chơi dân chủ trong môi trường đa đảng. Đất nước là của chung chứ không phải chiến lợi phẩm của người chiến thắng. Dân chọn đảng nào thì đảng ấy sẽ trở thành đảng cầm quyền.

2. Người ta chỉ chiến đấu hăng hái khi cảm thấy mình không đơn độc.

Nhiều người dấn thân tranh đấu cho dân chủ sau một thời gian thì bỏ cuộc và một trong những lý do quan trọng khiến họ bỏ cuộc đó chính là sự cô đơn. Muốn không cô đơn thì chỉ có mỗi cách là tham gia vào một tổ chức chính trị. Một câu nói mà ai cũng biết đó là ‘muốn đi nhanh thì nên đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhiều người’. Dấn thân cho dân chủ là một cuộc hành trình dài, buồn tẻ, mệt nhọc…như băng qua sa mạc, nếu không có đồng đội và sự động viên chia sẻ thì sớm muộn gì cũng bỏ cuộc. Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Một cá nhân dù xuất chúng đến đâu mà không có tổ chức thì cũng chỉ là một nhân sĩ, cũng giống như một ngôi sao cô đơn hay một ông ‘tướng không quân’.

Đảng cộng sản không sợ người tài, người hùng mà chỉ sợ những người có tổ chức. Tổ chức là chổ dựa tinh thần và cả vật chất. ‘Mãnh hổ nan địch quần hổ’, một người có tổ chức sẽ vững tin hơn là người không có tổ chức. Có lẽ người Việt đã nhận ra sự cần thiết của tổ chức tuy nhiên để có thể tham gia vào trong tổ chức mà không bị thất vọng thì cũng cần có sự chuẩn bị, ít nhất là về mặt tâm lý. Cuộc sống độc thân khác với cuộc sống gia đình. Bao dung và chấp nhận các ý kiến khác biệt là nguyên tắc căn bản để mỗi người có thể ‘sống chung’ trong môi trường tổ chức.

3. Chiến đấu không lý tưởng là kẻ cuồng tín, ngông cuồng và điên dại.

Một trong những lý do khiến phong trào dân chủ Việt Nam không thể hình thành nên những tổ chức chính trị đủ lớn và có tầm vóc mà Tập Hợp nhiều lần nói đến đó là chúng ta không ý thức được sự quan trọng của ‘tư tưởng chính trị’. Không có Kinh thì không thể có Đạo. Không có ‘tư tưởng chính trị’ được cụ thể hóa bằng một ‘Dự án chính trị’ thì không thể có một tổ chức chính trị đúng nghĩa. Để hình thành nên một ‘tư tưởng chính trị’ mà mọi người có thể chấp nhận được cần rất nhiều thời gian, nó chiếm gần hết thời gian của một cuộc cách mạng. Có lẽ vì quá khó nên nhiều tổ chức chính trị của người Việt đã bỏ qua giai đoạn này vì thế các tổ chức đó không thể đi được xa.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều tổ chức ra đời một cách vội vã và tàn lụi cũng rất nhanh chóng. Nhiều cá nhân cũng vậy, sau một thời gian ngắn nổi đình nổi đám rồi lặng lẽ rút lui không kèn không trống. Nhiều người thì mất phương hướng nên lạc lối vào những chuyện cãi vã cá nhân tầm phào. Cũng có những người ban đầu rất hăng hái nhưng rồi dần dần mệt mỏi vì không biết nói gì, làm gì nữa…

4. Một khi người ta cảm nghĩ mình hy sinh chiến đấu cho kẻ khác thụ hưởng thì cuộc chiến đấu ấy chẳng còn sự hào hứng, ý nghĩa gì.

Chính vì không có tư tưởng dẫn đường nên vẫn có người nghĩ rằng ‘mình chiến đấu cho kẻ khác thụ hưởng’. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng và xác quyết rằng, dân chủ hóa đất nước là bổn phận của tất cả mọi người Việt Nam còn ưu tư đến tương lai giống nòi. Tùy theo khả năng và điều kiện của mình mà mỗi người có một cách đóng góp khác nhau. Không có chuyện ai cũng có thể làm giống ai. Mỗi người, mỗi tổ chức có một phương pháp và sự chọn lựa khác nhau và đó là quyết định của mỗi người, mỗi tổ chức. Mọi sự hy sinh sẽ được người dân ghi nhận và không có sự hy sinh nào là vô ích. Chúng ta cũng không nên quá áy náy hay dằn vặt bản thân khi mình không làm được như người khác. Chỉ đáng trách nếu bạn không làm gì hay im lặng, mũ ni che tai. Phong trào dân chủ cũng như một đội quân chiến đấu bao gồm nhiều bộ phận khác nhau như chỉ huy, tham mưu, trinh sát, chiến đấu, tiếp viện, cứu thương, hậu cần…bộ phận nào cũng cần thiết và quan trọng.

Chúng ta cũng cần xác định rõ là sự dấn thân của chúng ta là vì chính bản thân chúng ta, vì gia đình chúng ta, vì tương lai con cháu chúng ta và sau cùng là vì tổ quốc của chúng ta, vì danh dự của chúng ta. Quan tâm và dấn thân cho dân chủ bằng cách tham gia vào chính trị luôn là quan tâm và ưu tư của một thiểu số nhỏ tinh hoa của đất nước. Vì vậy nếu bạn đã dấn thân tranh đấu thì đừng bao giờ nghĩ là ‘mình hy sinh cho người khác hưởng’, nếu tính toán thiệt hơn như vậy thì tốt nhất là không tham gia vì sớm muộn gì bạn cũng sẽ chán nản vì ‘mất hào hứng và ý nghĩa’.

5. Hãy nghĩ đến những thế hệ trước đã hy sinh cho mình. Bây giờ đến lượt mình phải hy sinh cho những thế hệ sau. Mọi người đều có một ý nghĩa ấy thì không một thứ giặc nào có thể áp đảo được ta.

Thế hệ chúng ta đã rất may mắn khi được thụ hưởng những thành quả tranh đấu không ngừng nghĩ của lớp cha ông đi trước. Không chỉ mỗi vật chất và phương tiện dồi dào mà tư duy chúng ta cũng đã được khai phóng rất nhiều. Thời phong kiến chỉ cần phạm húy (hay khi quân) là có thể mất mạng ngay lập tức.

Ngày nay thế giới đã thay đổi chóng mặt, với internet và mạng xã hội chúng ta có thể bày tỏ chính kiến của mình tự do mà không bị ai kiểm duyệt. Điều đáng nói là trong thế giới cởi mở đó thì dân tộc Việt Nam vẫn còn bị chế độ cộng sản kìm kẹp và ngăn cấm đủ thứ đặc biệt là ngăn cấm tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do bày tỏ quan điểm trái nghịch với chính quyền.

Vụ bắt giữ mới nhất một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ là Nguyễn Văn Túc nói lên một điều rất quan trọng là chính quyền cộng sản đã lấy quyết định đàn áp các tiếng nói bất đồng dù ôn hòa đến đâu đi chăng nữa. Đảng cộng sản nhất định không thay đổi. Nguyễn Văn Túc là người thực thà, thẳng thắn và khiêm tốn. Túc kiên trì tranh đấu dù sức khỏe kém và rất nghèo. Túc trước hết là một dân oan và chỉ quan tâm tới các đòi hỏi dân chủ sau khi nhận ra rằng công lý thực sự chỉ có thể có trong một chế độ dân chủ. Trước đây cũng chỉ vì thân với Nguyễn Xuân Nghĩa (Hải Phòng) và vì muốn tiếp tay với anh em mà Túc bị xử bốn năm tù trong vụ rải truyền đơn và căng biểu ngữ. Túc hoàn toàn không âm mưu lật đổ chế độ và cũng không có lực lượng và phương tiện để làm việc đó. Túc chỉ nói lên tiếng nói phẫn nộ của lương tâm.

Chúng ta cần chấm dứt ý định ‘khuyên nhủ’ đảng cộng sản thay đổi vì nó sẽ vô ích mà làm mãi một việc biết chắc là vô ích thì rất là vô duyên và vô nghĩa.

*****************

Chúng ta nợ tiền nhân và con cháu rất nhiều. Để đất nước ra nông nỗi như ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta đều có lỗi. Chúng ta đang đứng trước một thời điểm lịch sử của dân tộc, chọn lựa con đường nào để dấn thân là quyết định của mỗi người. Điều mà chúng tôi muốn chia sẻ nhiều nhất với mọi người đó là hãy tranh đấu có tổ chức và có lý tưởng. Nên đánh giá một người, một tổ chức bằng việc người đó, tổ chức đó đã làm được những gì để góp phần xây dựng nên các tổ chức chính trị dân chủ đối lập thật sự cho Việt Nam.

Một thân hữu của Tập Hợp vừa đưa ra ý kiến rằng ‘Tập Hợp chỉ mới tập trung đi sâu vào đường lối chính trị (tư tưởng chính trị) còn những vấn đề khác chưa được chú trọng đúng mức’. Những vấn đề khác đó là ‘chiến lược về nhân sự, tiếp thị, tài chính để đảm bảo bộ máy vận hành tốt và thực hiện thành công’ mục tiêu đề ra.

Thật ra là Tập Hợp vẫn tiến về phía trước, đành rằng Tập Hợp không tiến nhanh như nhiều người mong muốn và trông thấy.

Về nhân sự, tức là ‘xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt’ (bước thứ hai trong lộ trình năm bước của một cuộc cách mạng dân chủ mà Tập Hợp đề nghị trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai) thì Tập Hợp vẫn đang tiếp tục một cách bền bỉ trong cố gắng. Quá trình tìm kiếm và xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt của Tập Hợp rất cần thời gian và không thể ầm ĩ hay công khai. Những thành viên này đến với Tập Hợp vì muốn chia sẻ với lý tưởng của Tập Hợp và muốn làm tác nhân của lịch sử thay vì nạn nhân của lịch sử. Có thể tự tin để nói rằng trong Tập Hợp có nhiều người nắm vững tư tưởng của tổ chức và hiểu rõ về chính trị (Việt Nam cũng như thế giới) nhất so với các tổ chức khác.

Về tiếp thị, hiện tại Tập Hợp có ba cơ quan truyền thông chính là :

- Website Thông Luận (https://www.thongluan-rdp.org/)

- Blog Thông Luận (http://thongluan2016.blogspot.com)

- Fanpage Thông Luận (https://www.facebook.com/thong.luan.1/)

Ngoài ra còn có các trang Facebook cá nhân của các thành viên Tập Hợp, nhất là một vòng đai thân hữu rộng lớn của Tập Hợp. Chúng tôi vẫn bền bỉ và đều đặn nói lên tiếng nói của một tổ chức đối lập dân chủ.

Về tài chính để đảm bảo bộ máy vận hành tốt và thực hiện thành công’ mục tiêu đề ra. Đây là một vấn đề rất tế nhị mà bât cứ tổ chức nào cũng đã và đang trải qua, chính trị hay xã hội dân sự. Điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên rất tự hào từ ngày thành lập đến nay, nghĩa là đã hơn 35 năm qua, là sự độc lập về tài chính. Nguồn tài chính của Tập Hợp là do sự đóng góp tự nguyện của các chí hữu, tuy không nhiều nhưng đủ để tài trợ cho những sinh hoạt phát triển nội bộ.

Tập Hợp tin rằng với lý tưởng và lộ trình đấu tranh xây dựng một chế độ dân chủ đa nguyên, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bằng đường lối bất bạo động, khi đến giai đoạn 5 (tiến công giành chính quyền) sự ủng hộ và đóng góp về nhân sự cũng như tài chính sẽ rất dồi dào và không giới hạn.

"Một nhận xét rất quan trọng là hai giai đoạn đầu, xây dựng một cơ sở tư tưởng và hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt, chiếm gần hết thời giờ và công lao của một cuộc cách mạng. Phải vài thập niên mới có nổi một cơ sử tư tưởng đúng đắn, lành mạnh, được quần chúng chia sẻ và một đội ngũ cán bộ chừng vài trăm người với vài chục người là những cán bộ thực sự nòng cốt, nắm vững cơ sở tư tưởng, có bản lãnh, có quyết tâm, có kỹ thuật và kỷ luật đấu tranh. Nhưng một khi hai yếu tố này đã có, tổ chức có thể dựa vào một vận hội lịch sử mà phát triển rất nhanh chóng và giành được thế chủ động trong vòng vài năm, thậm chí vài tháng" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2).

Việt Hoàng

(03/09/2017)

(1) https://www.facebook.com/MinhChungTa

Published in Quan điểm