Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/12/2023

Nên ra đi hay ở lại để đấu tranh ?

Nguyễn Vũ Bình - Cao Nguyên

Vấn đề người đấu tranh ra đi tỵ nạn

Nguyễn Vũ Bình, RFA, 18/12/2023

Trong vòng mấy tuần trở lại đây, có thông tin về hai cựu tù nhân lương tâm ra đi tỵ nạn, cộng đồng người đấu tranh, phản biện lại xôn xao. Việc những người đấu tranh, hoạt động trong nước ra đi tỵ nạn đã có từ rất lâu rồi, nhưng nở rộ vào những năm 2015-2017 và rải rác đến tận bây giờ, và chắc vẫn còn tiếp tục. Người viết bài này khi đang ở trong tù cũng được hai an ninh xuống trại tù Ba Sao đặt vấn đề đi tỵ nạn, trước khi ra tù 3-4 tháng. Nhưng có lẽ an ninh biết người viết không mặn mà gì nên không bao giờ đặt ra nữa. Cũng như năm 2015, người viết đã có dịp đi Philippines và Thái Lan, cả hai nước này hình như đều có Văn phòng tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, rất thuận lợi nếu muốn ra đi tỵ nạn nhưng người viết chưa bao giờ có suy nghĩ về việc ra đi, đó là lựa chọn cá nhân.

tynan1

Nguyễn Vũ Bình

Trước hết, chúng ta cần xác định, việc ra đi tỵ nạn của người đấu tranh là lựa chọn cá nhân, là quyền tuyệt đối của người đấu tranh. Chúng ta không nên có thái độ tiêu cực về việc này. Việc đấu tranh của cá nhân là tự nguyện, không đấu tranh nữa cũng là điều bình thường, chúng ta chỉ có thể tiếc nuối. Đó là chưa kể việc người đấu tranh ra đi tỵ nạn vẫn đóng góp được cho phong trào đấu tranh chung mặc dù không trực diện đối đầu với cộng sản. Chúng ta mong muốn những người đấu tranh ở lại trong nước, nhưng quyền ở lại hay ra đi là lựa chọn cá nhân của họ. Cũng như việc chúng ta mong muốn hàng triệu người khác lên tiếng về thực tế tiêu cực, thối nát hiện nay hoặc về vấn đề tự do, dân chủ nhân quyền, nhưng chỉ có một số ít hưởng ứng tham gia vào công cuộc đấu tranh.

Đi sâu vào tìm hiểu, chúng ta thấy có ba nguyên nhân chính dẫn tới việc người đấu tranh đã phải tìm đến việc ra đi tỵ nạn : 1/ thoát khỏi ngục tù ; 2/ bị truy bắt hoặc nguy cơ bị bắt ; 3/ bị o ép trong cuộc sống đến mức không thể chịu nổi. Về nguyên nhân thứ nhất, không nói ai cũng hiểu cuộc sống trong tù "một ngày tù nghìn thu ở ngoài". Nếu có cơ hội để thoát khỏi ngục tù, thoát khỏi sự đày đọa thì sẽ có nhiều người lựa chọn, và cũng được nhiều người thông cảm. Vấn đề là nhà nước cộng sản chỉ cho người đấu tranh thoát khỏi ngục tù để ra đi tỵ nạn chứ không để cho ở lại trong nước đấu tranh. Vậy nên người đấu tranh muốn thoát khỏi ngục tù đều phải rời bỏ quê hương, đất nước ra đi tỵ nạn.

Nhiều người đấu tranh ra đi khi họ đã và đang bị truy bắt, hoặc nguy cơ bị bắt rất cao. Đây là thực tế rất rõ ràng khi chúng ta trải qua cuộc khủng bố trắng từ năm 2015 đến tận ngày hôm nay. Giai đoạn 2014-2016, có một số khá lớn người hoạt động đã đào thoát sang Thái Lan, khi đó mang theo khá nhiều thắc mắc. Nhưng khi nhà cầm quyền Việt Nam đẩy mạnh bắt bớ, giam cầm sau đó mới thấy rằng những người này nếu không ra đi chắc chắn sẽ bị bắt. Như vậy, để tránh bị bắt bớ, giam cầm và tù đày, nhiều người đã lựa chọn ra đi tỵ nạn. Đó là lựa chọn cá nhân cần được tôn trọng.

Một số ít ra đi vì bị o ép trong cuộc sống đến mức không thể chịu được. Đấu tranh ở Việt Nam, không ít thì nhiều đều bị ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình. Bởi vì Việt Nam là nước độc tài toàn trị nên mọi phương diện của cuộc sống đều bị quản lý, theo dõi và chịu sự tác động của nhà nước. An ninh Việt Nam sử dụng mọi nguồn lực và phương tiện, mối quan hệ để dồn ép cuộc sống của người đấu tranh. Người đấu tranh là lao động chính, trụ cột trong gia đình nhưng khi không được làm những công việc chuyên môn mình được đào tạo (an ninh áp lực những nơi tuyển người), và thậm chí không được làm những việc ngoài chuyên môn, không tạo ra thu nhập thì cuộc sống đúng là địa ngục. Họ lựa chọn ra đi vì không thể sống được trong hoàn cảnh như vậy.

Như vậy, những người ra đi tỵ nạn đều có những hoàn cảnh đặc biệt. Chúng ta không loại trừ có một số ít những người len lỏi vào phong trào lợi dụng để được đi tới những nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn ở Việt Nam. Nhưng ở đâu và việc gì cũng vậy, đều có những chuyện này, không tránh được và không đáng để nói tới. Chúng ta tôn trọng lựa chọn cá nhân của những người ra đi tỵ nạn bao nhiêu thì chúng ta cần trân quý những người ở lại bấy nhiêu bởi vì họ cũng trải qua toàn bộ những hoàn cảnh mà người ra đi trải qua (tù đày, bị truy bắt và nguy cơ bị bắt, o ép cuộc sống…) nhưng họ vẫn ở lại. Họ neo giữ niềm tin của phong trào dân chủ./.

Hà Nội, ngày 18/12/2023

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 18/12/2023

*******************************

Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung kể về cuộc vượt thoát khỏi sự truy đuổi của an ninh Việt Nam

Cao Nguyên, Nguyễn Tiến Trung, RFA, 18/12/2023

Nhà hoạt động dân chủ, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung cùng vợ và hai con vừa đến Đức định cư hôm 14/12.

tynan2

Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung - Facebook Trung Nguyen Tien

Ông Trung rời Việt Nam và đến Thái Lan làm thủ tục tị nạn vào tháng 8/2023 sau nhiều lần bị an ninh Việt Nam theo dõi và thậm chí là "bắt cóc" lên đồn làm việc. 

Từ một trại tị nạn ở thành phố Cologne - Đức, ông Trung dành cho RFA một cuộc phỏng vấn về hành trình vượt thoát của ông khỏi sự truy đuổi của lực lượng an ninh, từ Việt Nam qua đến Bangkok - Thái Lan. 

Cao Nguyên : Xin chào ông Nguyễn Tiến Trung. Trước hết, chúc mừng ông và gia đình đã đến được nơi an toàn. Cảm xúc của ông hiện nay thế nào ?

Nguyễn Tiến Trung : Việc mà tôi phải đi Đức là hoàn toàn không tính trước, nhưng mà vì tình huống nguy hiểm cho nên bắt buộc tôi phải rời Việt Nam.

Cảm xúc nói chung là rất lẫn lộn, vừa thấy vui vì gia đình đã được đến nơi an toàn nhưng cũng có cái buồn là phải rời xa Việt Nam và phải rời xa những đồng đội của tôi ở trong nước.

Cao Nguyên : Những dấu hiện gì khiến ông thấy mình gặp nguy hiểm đến mức phải bỏ quê hương ra đi ?

Nguyễn Tiến Trung : Sáng sớm ngày thứ sáu ngày 18/8/2023, tôi đã đi ra khỏi nhà (ở Sài Gòn - PV) đi mua đồ ăn sáng thì đã thấy có khoảng năm nhân viên an ninh mặc thường phục, họ đã phục kích ở trong quán cà phê ngay đầu ngõ nhà tôi. Họ đã ra chặn tôi lại và yêu cầu tôi lên phường.

Tôi mới hỏi họ là có giấy mời gì không và họ là ai, tại sao lại chặn đường tôi thì họ cứ nói là tôi phải lên phường và không có giấy mời. Họ nói là sau khi tôi lên phường xong thì họ sẽ gửi giấy mời về nhà tôi nhưng tôi không đồng ý và cho rằng đây là bắt cóc.

Sau khi cự cãi một hồi thì họ mới nháy mắt cho khoảng năm nhân viên an ninh nữa trong quán cà phê, họ đứng dậy thì tôi thấy có tổng cộng khoảng 10 nhân viên an ninh theo dõi, tính bắt tôi. 

Cho nên tôi phải chạy ngược về nhà. May mắn là tôi chạy về nhà kịp thời và đóng khóa cổng lại. Ngay sau đó, công an sắc phục đến nhà tôi và đưa những giấy mời, yêu cầu tôi lên đồn công an phường làm việc ngay trong ngày thứ sáu 18/8. Tất nhiên mà tôi không lên.

Và tối thứ sáu hôm đó, trời mưa, không thấy có người canh cho nên tôi đã quyết định rời nhà và tôi đi đến Thái Lan để tị nạn. Đó là biến cố vào ngày 18/8.

Cao Nguyên : Theo như ông nói thì việc rời đi của ông cũng khá bất ngờ. Vậy thì trước đó, ông có dự trù được là mình sẽ bị bắt để có sự chuẩn bị cho hành trình ra đi đột ngột như vậy hay không ?

Nguyễn Tiến Trung : Khoảng tháng 10/2022 cũng như là vào tháng 5 - 6/2023, đã có những nhiều người bạn của tôi bị công an bắt lên phường - cũng dạng bắt cóc.

Họ hỏi rất nhiều về tôi. Lúc đó, tôi cũng thấy bình thường là bởi vì thật ra là tôi cũng không có làm vấn đề gì nghiêm trọng đến nỗi họ phải ra tay bắt mình hết, cho nên tôi cũng không lo lắng lắm.

Nhưng mà đến ngày 18/8, hôm đó, tôi thật sự hoàn toàn bất ngờ. Vì từ xưa đến giờ công an hay an ninh không dám bắt cóc tôi. Lúc nào họ cũng nói chuyện đàng hoàng và gửi thư mời làm việc chứ không bao giờ có chuyện bắt cóc giữa đường, cho nên cái việc vào ngày 18/8 là thực sự bất ngờ và tôi chưa kịp chuẩn bị gì hết để rời đi.

Cao Nguyên : Theo ông nghĩ thì những việc làm gì của mình khiến ông đối mặt với nguy cơ bị bắt, dẫn đến chuyện ông phải ra đi ?

Nguyễn Tiến Trung : Trong nhiều năm qua, tôi luôn luôn báo cáo những vụ vi phạm nhân quyền của chính quyền Cộng sản Việt Nam với những tổ chức quốc tế, với đại sứ quán của các nước dân chủ.

Chuyện thứ hai mà tôi có thể nói ra đó là việc tôi đã trợ giúp cho các gia đình tù nhân lương tâm ở Việt Nam liên lạc với các đại sứ quán để các đại sứ quán có thể trợ giúp họ, hoặc là vận động cho sự tự do của những người tù nhân lương tâm. Đó là những công việc của tôi làm có thể nói là công khai trong suốt nhiều năm qua, từ khi tôi ra tù vào năm 2014 cho đến giờ.

Và những việc tôi không nói là tôi đã hỗ trợ rất nhiều các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước, mà tôi chỉ đứng đằng sau thôi chứ không có ra mặt.

Sau này, tôi mới nghe các bạn của tôi kể lại rằng nhiều người đã bị bắt cóc giữa đường và ép là phải tố cáo tôi đã dụ dỗ lôi kéo họ vào con đường đấu tranh cho dân chủ thì tôi mới biết âm mưu của họ (chính quyền - PV) để mà buộc tội tôi.

Bởi vì, họ không hề có bất kỳ bằng chứng gì để buộc tội tôi hết. Cho nên họ đã bắt cóc tôi giữa đường để tìm cách mở điện thoại của tôi và bắt tôi dựa vào những lời tố cáo mà họ đã buộc các bạn tôi phải làm. Đó là âm mưu của họ.

Cao Nguyên : Khi quyết định rời Việt Nam vượt biên sang Thái tị nạn, điều gì khiến ông lo lắng nhất ?

Nguyễn Tiến Trung : Thứ nhất là tôi không biết, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi phải ra đi hết cho nên tôi đã không hình dung được con đường đi như thế nào, có an toàn hay không,

Và thứ hai là tôi không biết các bạn bè và đồng đội của tôi ở trong nước như thế nào, họ có an toàn hay không. Đó là những mối ưu tư nhất của tôi.

Cao Nguyên : Ông có thể chia sẻ về hành trình vượt biên qua Thái như thế nào hay không ?

Nguyễn Tiến Trung : Vào tối thứ sáu ngày 18/8, tôi ra khỏi nhà thì đến thứ ba ngày 23/8 thì tôi đã đặt chân được đến Bangkok - Thái Lan, và tôi mất năm ngày.

Hành trình tôi vượt biên qua Thái thì nó cũng như mọi người khác, phải đi từ Việt Nam qua Campuchia rồi đi qua Thái Lan. Tôi không tiện nêu cụ thể con đường đi bởi vì đó là phải bảo mật.

Cao Nguyên : Khi đến được Thái Lan thì cảm xúc của ông như thế nào vào lúc đó ?

Nguyễn Tiến Trung : Thật sự thì tôi thấy mừng là vì ít nhất mình cũng đã đến được cái nơi mà cần đến, là nơi có trụ sở của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc ; Nhưng mà tôi cũng rất là cảnh giác, tại vì ai cũng biết ở Bangkok thì an ninh Việt Nam cũng dày đặc và đã từng tổ chức bắt cóc thành công anh Trương Duy nhất và Thái Văn Đường, cho nên tôi cũng không lấy gì gọi là quá vui mừng.

Lúc nào tôi cũng cảnh giác nhưng mà phía an ninh Việt Nam họ vẫn lần ra được tôi ở Bangkok, cho nên phía Đức họ mới quyết định trao Visa khẩn cấp cho tôi để tôi có thể đến Đức sớm.

Cao Nguyên : Vì sao ông có thể nhận ra là phía an bên Việt Nam đã lần ra được mình khi ông đang ở Bangkok, biểu hiện nào cho ông biết được điều đó ?

Nguyễn Tiến Trung : Khi tôi ra ăn sáng ở chợ gần nhà tôi ở (Bangkok - PV) thì có một người bám theo và tôi phát hiện ra là họ đang search hình của tôi ở trên Google. Mắt của họ vừa nhìn điện thoại vừa nhìn tôi láo liêng ; nhưng rất may là họ ngồi quay lưng về phía tôi. 

Khi tôi liếc qua điện thoại của họ và họ cũng quay đầu lại nhìn tôi cho nên rất là dễ nhận ra và tôi thấy điện thoại của họ đang tìm kiếm hình ảnh của tôi để xác minh có đúng là tôi hay không. Tôi đã rời khỏi đó và chuyển chỗ ở ngay.

Sau đó, tôi có báo cho các đại sứ quán biết thì phía Đức đã quyết định là đưa tôi đi ngay. Đến ngày 14/12 thì tôi đi được đến Đức.

Cao Nguyên : Phía Đức và ông đã trao đổi những gì mà họ quyết định cấp Visa để ông sang Đức ngay lập tức ? Đại sứ quán các nước khác như thế nào sau khi ông báo tin ?

Nguyễn Tiến Trung : Thật ra, tôi có tham gia rất nhiều hoạt động chung với Đại sứ quán Đức từ nhiều năm qua. Ví dụ như có một lần là khoảng tháng 4/2013 thì tôi đã có hẹn một buổi ăn trưa với ông Đại sứ nước Đức, thì hôm đó là an ninh cũng biết và đã ngăn chặn.

Các đại sứ quán khác đều sẵn sàng giúp tôi và họ đều đang làm hồ sơ để cho tôi được đi tị nạn sớm, nhưng mà nước Đức làm xong sớm nhất cho nên tôi quyết định chọn đi Đức liền để đảm bảo an toàn. 

Tôi vẫn chưa biết vì sao phía an ninh Việt Nam lần ra được chỗ ở của tôi ở Bangkok, cho nên tôi quyết định rời đi càng sớm càng tốt và nước Đức hoàn thành xong sớm nhất thủ tục cho tôi thì tôi đi thôi.

Cao Nguyên : Bây giờ nghĩ lại, suốt hành trình từ khi rời Việt Nam qua đến Thái Lan và cho đến bây giờ khi đã đặt chân đến nước Đức rồi thì điều gì ông cho là khó khăn nhất ?

Nguyễn Tiến Trung : Tôi nghĩ khó khăn nhất là lúc mà tôi phải vượt biên từ Việt Nam sang Campuchia. Khi tôi bị bắt cóc vào thứ sáu thì vào thứ bảy tôi đã rời đi, đến chiều thứ bảy tôi đã đến được tỉnh ở biên giới.

Người lái taxi của tôi họ nhận được rất nhiều cuộc gọi từ tổng đài và phía tổng đài cũng đã biết rõ là chiếc taxi đó đang chở tôi. Tôi biết là đã bị lộ và an ninh đã lần ra được là chiếc taxi nào đang chở tôi, bởi vì tổng đài miêu tả rất rõ đặc điểm của tôi cho nên tôi biết rằng mình đã bị lộ. Tôi phải từ cái tỉnh biên giới đó quay ngược về lại Sài Gòn. Vào thứ bảy tôi đã thất bại, không thể rời Việt Nam được.

Cho đến hôm chủ nhật, tôi phải đi qua một con đường khác thì rất may mắn là đã thành công.

Việc tôi đã bị an ninh phát hiện ra và phải quay ngược lại Sài Gòn thì tôi thấy rằng sự việc của tôi rất nghiêm trọng, bởi vì chỉ có an ninh cấp bộ thì mới có quyền huy động an ninh ở nhiều tỉnh thành phối hợđể ngăn chặn tôi như vậy. Và tôi nghĩ tôi đã rất may mắn để mà tôi có thể thoát được.

Cao Nguyên : Trong suốt thời gian mà ông ở Thái Lan tị nạn thì gia đình của ông ở Việt Nam có bị chính quyền Việt Nam làm khó hoặc xét hỏi gì không ?

Nguyễn Tiến Trung : Phía gia đình tôi thì an ninh họ có hỏi dò nhưng mà tất nhiên là gia đình tôi không có nói. Còn bạn bè của tôi thì rất đông người bị an ninh bắt cóc giữa đường để tra khảo hỏi về tung tích của tôi, cũng như ép họ phải tố cáo tôi. Sau khi ra khỏi đồn công an thì họ mới nhắn cho tôi nên tôi mới biết được chuyện đó.

Cao Nguyên : Ông có nhận định vì sao nhà nước Việt Nam quyết liệt truy đuổi anh vào thời điểm đó hay không ?

Nguyễn Tiến Trung : Tôi nghĩ là có nhiều lý do. Cũng có thể là những hoạt động của tôi họ thấy là nguy hiểm, bởi vì tôi hỗ trợ rất nhiều các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước và họ đánh giá các tổ chức xã hội dân sự đó là có đông người và có thực lực cho nên là họ quyết tâm là phải diệt tôi.

Cái thứ hai là do những bạn hoạt động giỏi tiếng Anh ở trong nước đã rời đi rồi, có thể nói tôi là người biết tiếng Anh còn sót lại ở Việt Nam giúp cho những người tù nhân lương tâm có thể lên tiếng, thì đó là một cái gai mà họ cần phải nhổ.

Chuyện thứ ba, tôi thấy có thể là do anh Trần Huỳnh Duy Thức sắđược ra tù. Theo dự kiến, anh ấy sẽ được ra tù vào năm 2025, cho nên tôi đoán là họ không muốn chúng tôi lại tập hợp lại với nhau và tiếp tục đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam cho nên họ phải ra tay diệt trừ trước. 

Đó là tôi đoán thôi chứ còn lý do thực sự thì tôi cũng không thể biết được.

Cao Nguyên : Cảm xúc của ông thế nào khi gặp lại vợ con của mình ?

Nguyễn Tiến Trung : Tôi đã gặp vợ con của mình từ bên Thái Lan. Tôi cũng đã đoán trước được là vợ con mình sẽ bị cấm xuất cảnh nhưng mà rất may mắn là vợ tôi vẫn chưa bị cấm xuất cảnh cho nên vẫn đi được. Rất là vui mừng vì chúng tôi đã cùng nhau đi đến Đức từ Thái Lan. 

Cao Nguyên : Hiện nay, khi đã đến Đức rồi, cũng tạm gọi là được tự do và an toàn rồi thì liệu ông còn điều gì mà ông lo lắng băn khoăn trong lúc này hay không ?

Nguyễn Tiến Trung : Đương nhiên mình là một người hoạt động dân chủ thì mình có rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Những người đồng đội của tôi vẫn còn ở trong nước thì không biết rằng họ sẽ như thế nào. Tôi mong rằng tất cả đồng đội anh em của tôi đều vẫn sẽ an toàn và tôi hi vọng rằng việc mà tôi rời đi sẽ giúp cho họ an toàn hơn bởi vì đã bị mất người đứng đầu vụ rồi.

Cao Nguyên : Ông có dự tính gì trong tương lai ?

Nguyễn Tiến Trung : Trước mắt, tôi phải ổn định cuộc sống ở Đức, rồi phải đi học tiếng Đức để nhanh chóng hòa nhậđược với cuộc sống ở đây.

Cái thứ hai là tôi vẫn tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình, đó là vấn đề về dân chủ nhân quyền cho Việt Nam ; và tất nhiên là tôi phải làm dưới một hình thức khác và với một cái phương cách khác so với khi tôi đang ở trong nước. 

Cao Nguyên : Cảm ơn ông rất nhiều vì đã dành thời gian cho RFA. Chúc ông và gia đình nhiều sức khoẻ sẽ sớm ổn định cuộc sống ở một đất nước mới.

**********************

Ông Nguyễn Tiến Trung là một nhà đấu tranh cho dân chủ của Việt Nam trong suốt hơn chục năm qua. Ông tốt nghiệp cao học chuyên ngành Công nghệ thông tin Pháp.

Ông Trung từng bị bắt vào năm 2009 với cáo buộc "tuyên truyền chống phá Nhà nước", theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự năm 1999 ; Trong phiên toà năm 2010, ông bị kết án bảy năm tù giam, cùng với những nhà hoạt động nổi bậc khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Lê Thăng Long.

Sau khi ra tù năm 2014, ông vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ bằng nhiều hình thức khác nhau, như viết các bài bình luận, báo cáo với quốc tế các vụ vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam… 

Cao Nguyên thực hiện

Nguồn : RFA, 18/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Vũ Bình, Cao Nguyên, Nguyễn Tiến Trung
Read 313 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)