Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

14/10/2019

Sơ qua về tư tưởng "Đại nhất thống" và "Đại thống nhất" của Trung Quốc

Nguyễn Hải Hoành

Lịch sử cho thấy các chính trị gia Trung Quốc xưa nay dù thuộc ý thức hệ nào cũng đều theo đuổi mục tiêu thực hiện một quốc gia "Đại thống nhất" và "Đại nhất thống".

dai1

Bản đồ "Chiến quốc thất hùng" tức 7 nước chư hầu lớn nhất thời Chiến quốc.

Đại thống nhất (大統一Đại thống nhất) là nói sự thống nhất lãnh thổ, các địa phương đều phục tùng sự lãnh đạo của một chính quyền trung ương. Đại nhất thống (大一統, Great unity, Đại nhất thống) là nói trong một quốc gia phải thực hiện tập trung thống nhất cao độ về chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, không cho phép có quan điểm khác nhau (hoặc đa nguyên như cách nói hiện nay).

Hai khái niệm trên tuy khác nhau nhưng đã hòa trộn thành một thứ tư tưởng mọc rễ trong giới chính trị gia Trung Quốc, triển khai thành hành động bành trướng lãnh thổ trên đất, trên biển với quy mô khiến thế giới phải cảnh giác. Thứ đặc sản tư tưởng này sinh ra tại một đất nước đông dân, đãtồn tại mấy nghìn nămnay và có lẽ còn lâu nữa.

Người Trung Quốc thường ca ngợi vương triều Tần có công chinh phục, thống nhất 6 nước trong thời gian 230-221 trước công nguyên. Thực ra đó là sự xâm chiếm, sáp nhập 6 nước đó vào nước Tầnthành một quốc gia lớn ; sau đó vua Tần là Doanh Chính xưng Hoàng Đế, hiệu Tần Thủy Hoàng, lần đầu tiên ở Trung Quốc lập nên một đế chế có vị trí quốc tế. "Tần"tiếng Anh thời xưa đọc "Chin", vì thế phương Tây gọi người Trung Quốc là "Người Tần" (Chin-ese), chứ không gọi "Người Hán" (Han-ese), "Người Hoa" (Hwa-n).

Dường như giới chính trị Trung Quốc xưa nay đều ưa chinh phục, thống nhất nước khác vào nước mình và thực hành Đại nhất thống. Đường lối Đại thống nhất và Đại nhất thống này từng phải trả giá bằng hàng triệu nhân mạng, kể cả trong thời bình [1] ; bởi thế cần phải kịch liệt lên án.

Sau đời Tần tuy có những cuộc hỗn chiến thay đổi triều đại nhưng cuối cùng đều dẫn đến kết quả Đại nhất thống. Sử Trung Quốc cho rằng các vương triều Tần, Tây Hán, Huyền Hán, Đông Hán, Tây Tấn, Tùy, Đường, Bắc Tống, Nguyên, Minh, Thanh đã thực hiện Đại nhất thống dài hạn ; các thời Tân Mãng, Tào Ngụy, Dân Quốc chỉ thực hiện Đại nhất thống ngắn hạn. Thời Dân Quốc (1911-1949) Đại nhất thống được 16 năm ; từ 1927 hai phái Quốc dân và Cộng sản đánh nhau liên tục. Các triều đại Đại nhất thống đều phát triển văn minh Trung Quốc. Các chính quyền đại thống nhất mà không Đại nhất thống đều nhanh chóng tan rã. Dường như Đại nhất thống là vị thuốc tăng tuổi thọ cho các chính quyền Trung Quốc.

Đại nhất thống dướitriều Hán Vũ Đế (156-87 trước công nguyên) là một ví dụ điển hình. Về chính trị : cả nước thống nhất chống lại sự xâm lược của Hung Nô ; về kinh tế : cả nước làm kinh tế tiểu nông, lưu hành quan điểm trọng nông, chèn ép thương mại ; về văn hóa tư tưởng : "Bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật", xác lập địa vị thống trị của Nho giáo trong giới tư tưởng Trung Quốc suốt 2000 năm sau. Từ đó trở đi Nho giáo đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống chính trị - tư tưởng ở Trung Quốc và Việt Nam, Triều Tiên...

Hiện nay Bắc Kinh cũng yêu cầu cả nước tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Trung ương, thẳng tay diệt mọi mầm mống các "sứ quân" kiểu Bạc Hy Lai, đề cao uy quyền của người lãnh đạo cao nhất, và đòi Trung Quốc có chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông.

Lược sử tư tưởng Đại nhất thống

Từ "Đại nhất thống" chính thức xuất hiện lần đầu trong "Công Dương Truyện-Ẩn Công nguyên niên" (公羊傳隱公元年). Cùng Tả Truyện và Cốc Lương Truyện, đây là 3 bộ sách sử ra đời vào thời Chiến Quốc (475-221 trước công nguyên).

Sách viết : 

"元年"者何君之始年也。""者何歲之始也。""者孰謂?謂文王也。曷為先言""而後言"正月?"王正月也。何言乎"王正月"?大壹統也

Tạm dịch :

"Nguyên niên" là gì ? Là năm đầu tiên vua lên ngôi. "Xuân" là gì ? Là mùa đầu tiên bắt đầu một năm. "Vương" là nói ai ? Nói Chu Văn Vương. Vì sao nói "Vương" trước rồi mới nói "tháng Giêng" ? Bởi lẽ đây là tháng Giêng do Chu Văn Vương xác lập. Tại sao nói tháng Giêng của Chu Văn Vương ? Là để biểu thị sự Đại nhất thống".

dai2

Đại nhất thống ban đầu chủ yếu là lý luận giải thích sự thay đổi các vương triều, là ý tưởng sơ khai về xây dựng nhà nước của Trung Quốc ; về sau mới mở rộng thành sự thống nhất cao độ của nhà nước trên các lĩnh vực chính trị và văn hóa.

Tại Trung Quốc, quan niệm thống trị nhà nước khởi nguồn từ thời Tam Đại (Hạ-Thương-Chu), các thế hệ vương triều hình thành từ sự ngưng tụ mối quan hệ huyết thống thị tộc ; tức trong một thời kỳ nào đó, thế hệ đế vương thì dựa vào chế độ kế thừa dòng chính nối tiếp cha con. Khi quyền lực tối cao nắm trong tay một thành viên hoàng gia thì xã hội mới có thể cho rằng quyền lực tối cao ấy là hợp pháp ; ngược lại là bất hợp pháp.

Lịch sử Trung Quốc tạo ra một truyền thống chính trị quan trọng : Để xây dựng một quốc gia đích thực, được thừa nhận, thì phải chiếm cứ một vùng đất đặc biệt và phải có một quyền lực tập trung. Vùng đặc biệt đó là vùng Trung Nguyên (còn gọi Hoa Hạ, sau này gọi là Trung Quốc), tức vùng trung - hạ lưu Hoàng Hà (trong phạm vi tỉnh Hà Nam hiện nay), nơi khởi nguồn văn minh Trung Hoa. Thế lực nào chiếm cứ vùng này thì sẽ có ý thức tự tôn mãnh liệt, tự cho có quyền cai trị, thậm chí đánh chiếm vùng khác. Nếu thế lực thống trị Trung Nguyên suy yếu thì các thế lực mạnh quanh đó sẽ tìm cách cướp lấy vùng này. Nhà Thương thay nhà Hạ, nhà Chu thay nhà Thương… đều phải giành được Trung Nguyên đã rồi mới giành được địa vị chính thống.

dai3

Vùng Trung Nguyên Trung Quốc nằm ở giữa Đông Á. Sau mấy nghìn năm, người Trung Nguyên đã xây dựng được một nền văn minh rực rỡ, có những nhà tư tưởng, nhà phát minh... làm cho vùng này trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật và chính trị, có sức hút đối với các vùng xung quanh.

Cho dù thời Tam Đại đã có quan niệm Đại nhất thống nhưng đó chỉ là loại ý thức mơ hồ, chưa hệ thống hóa, lý luận hóa, bởi lẽ thời ấy Trung Quốc chưa xuất hiện các nhà tư tưởng.

Thời Xuân Thu, xã hội Trung Quốc loạn lạc, chia rẽ. Trong tình hình đó Khổng Tử (551-479 trước công nguyên) đã thiết kế một mô hình xã hội có trật tự, đề xuất "Lễ Nhạc Chinh phạt tự Thiên tử xuất", nghĩa là Thiên Tử (đế vương) phải nắm quyền lực điều hành toàn bộ thiên hạ. Lão Tử chủ trương lấy "Nhất" làm gốc : "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật". Mạnh Tử nói "Thiên vô nhị nhật, dân vô nhị vương" (Trời không có hai Mặt Trời, Dân không có hai vua)… Nhiều nhà tư tưởng khác cũng góp phần phát triển tư tưởng Đại nhất thống. Như Đổng Trọng Thư là người đã thực sự phát huy tư tưởng này một cách hệ thống hóa. Đổng nói "Xuân Thu đại nhất thống giả, thiên địa chi thường kinh, cổ kim chi thông nghị dã". Ý nói : Đại nhất thống thời Xuân Thu là đạo lý xưa nay của trời đất, không thể thay đổi. Có nhà nước Đại nhất thốngắt phải có tư tưởng thống nhất của nhà nước ấy ; chỉ khi nào có sự thống nhất trên dưới thì mới bảo đảm thực thi thuận lợi các pháp chế, mệnh lệnh, quy tắc. 

Một số yếu tố sau đây đã xúc tiến Trung Quốc thực hiện Đại nhất thống :

- Thời xưa người của hai bộ lạc Viêm Đế và Hoàng Đế hòa huyết làm nên tộc Hoa Hạ (sau gọi là người Hán). Các vương triều Trung Quốc đều chủ trương di dân từ Trung Nguyên đến các vùng mới chiếm nhằm đồng hóa người bản xứ, hòa trộn họ vào tộc Hoa Hạ.

- Chữ Hán thuộc loại chữ biểu ý, vì thế nó có tác dụng như một chữ viết siêu ngôn ngữ, siêu dân tộc ; các tộc người khác tiếng nói (khác phương ngữ) ở Trung Quốc cũng như các dân tộc ở gần Trung Quốc đều có thể dùng chung chữ Hán.

- Người Trung Quốc có văn hóa thờ tổ tiên, con cháu bao đời đều giữ ký ức về một cội nguồn, nhờ thế dễ hòa hợp để thành một dân tộc, một quốc gia.

Tần Thủy Hoàng thực hiện Đại thống nhất và Đại nhất thống

Tần Thủy Hoàng (259-210 trước công nguyên) tên Doanh Chính, là nhà chính trị, nhà cải cách, nhà cai trị bàn tay sắt, người hoàn thành Đại nhất thống Hoa Hạ. Năm 247 trước công nguyên, cha là Tần Tương Vương chết, Doanh Chính 13 tuổi lên ngôi vua ; năm 22 tuổi đích thân lo việc triều chính, gạt bỏ Thừa tướng Lã Bất Vi, trọng dụng Lý Tư. Năm 238 trước công nguyên, vua Tần theo kế của Lý Tư xác lập chính sách "Diệt chư hầu, thành Đế nghiệp, vi thiên hạ nhất thống" tức "Tiêu diệt các nước chư hầu, dựng cơ nghiệp đế vương, thực hiện Đại nhất thống thiên hạ". Theo "Sử ký - Lý Tư liệt truyện" thì "Thành đế nghiệp" là chủ trương chính trị của Nho giáo.

Thời gian 230-221 trước công nguyên nhà Tần dùng sách lược "Viễn giao cận công" để diệt dần từng nước chư hầu, lần lượt chiếm cả 6 nước.

Trước tiên diệt Hàn, nước nhỏ yếu nhất ở cạnh Tần. Chỉ bằng cách dùng nội gián mà Tần buộc Hàn phải đầu hàng. 45 vạn quân nước Triệu đến giúp Hàn tuy đã ra hàng nhưng vẫn bị giết hết. Vua Hàn Vương An bị xử tử theo hình phạt "Ngũ mã phanh thây". Sự tàn ác khủng khiếp của quân Tần khiến cho các nước chư hầu kinh sợ

Nước Triệu duy nhất đủ sức chống Tần, nhưng do sai lầm chiến thuật mà lụn bại dần. Tần dùng kế ly gián khiến vua Triệu giết tướng giỏi Lý Mục, vì thế quân Triệu thua phải đầu hàng, vua Triệu bị giam cho tới chết.

Thấy Hàn, Triệu bị Tần diệt nhanh và tàn ác thế, nước Ngụy mất hết sức chiến đấu. Kinh đô Đại Lương của Ngụy ở vào chỗ trũng ; tướng Tần Vương Bôn tháo nước sông cho ngập thành làm chết 10 vạn người nước Ngụy. Vua Ngụy đầu hàng rồi cũng bị giết.

Vua Sở là Xương Bình Quân, thủa nhỏ cùng sống với Doanh Chính, thân nhau lắm. Sau khi bức Lã Bất Vi chết, vua Tần chọn Xương làm Thừa tướng. Nhưng khi Tần cử Lý Tín đem 20 vạn quân đánh Sở thì cuối cùng Xương vẫn trở về tổ quốc mình, đánh cho Lý Tín đại bại. Về sau Tần Thủy Hoàng cử Vương Tiễn đem 60 vạn quân đánh Sở lần nữa. Cuối cùng Sở thua, Xương Bình Quân chết.

Yên là nước thứ 5 bị nhà Tần đánh. Nước Yên nhỏ yếu nên biết chắc nếu bị đánh là thua. Vả lại vua Yên vốn có tư thù với Tần Thủy Hoàng : Thái tử Đan từng phái Kinh Kha đi Hàm Dương ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng không thành. Vua Yên hèn nhát, dâng nhà Tần thủ cấp Thái tử Đan để Tần hoãn chiếm Yên 4 năm. Nhưng cuối cùng nhà Tần vẫn cứ chiếm nước Yên rồi giết vua Yên.

Tề quốc là nước thứ 6 trong "Chiến quốc Thất hùng" bị Tần "chinh phục, thống nhất". Sau khi diệt 5 nước, nhà Tần rất mạnh, khiến quân Tề sợ hãi, rối loạn. Tần Thủy Hoàng phái người đến bảo vua Tề là nếu đầu hàng thì sẽ ban cho 500 dặm đất. Vua Tề cả tin nên nước mất nhà tan, bản thân bị bỏ vào rừng sâu rồi chết đói.

Giết vua của 6 nước nhưng nhà Tần lại biệt đãi các cung phi của họ. Ai xinh đẹp đều được đưa về ở Cung A Phòng tráng lệ làm nô lệ tình dục cho Hoàng đế.

Đại thắng nhưng Tần Thủy Hoàng chưa thỏa mãn : Năm 219 trước công nguyên lại sai Đồ Tuy và Triệu Đà đem 40 vạn quân vượt Trường Giang xuống phía nam đánh chiếm vùng đất mênh mông, quê hương của các bộ lạc mà người Hoa Hạ gọi gộp là "Bách Việt". Đánh chiếm không khó khăn vì Bách Việt chưa phải là các quốc gia có chính quyền trung ương và quân đội. Chỉ khi đánh Lĩnh Nam, quân Tần mới gặp sự chống cự ác liệt của bộ lạc Lạc Việt thạo đánh du kích. Đồ Tuy tử trận, Nhâm Hiêu lên thay. Đến năm 214 trước công nguyên nhà Tần mới chiếm xong Lĩnh Nam. Người Lạc Việt chạy về vùng núi phía tây, sau này gọi là người Tráng, dân tộc thiểu số đông người nhất Trung Quốc hiện nay. 

Năm 210 trước công nguyên Tần Thủy Hoàng chết sớm ở tuổi 49 sau khi đã thực hiện được ước mơ "thống nhất thiên hạ", mở mang bờ cõi rộng gấp nhiều lần, tự xưng Hoàng đế, mở đầu đế chế phong kiến Trung Hoa độc tài khét tiếng tàn bạo cũng như về các cải cách hành chính theo hướng pháp trị.

Tần Thủy Hoàng là người đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc lập nên một quốc gia Đại nhất thống, mở đầu lịch sử mấy nghìn năm người Hán liên tục xâm chiếm các vùng xung quanh (trong đó có những vùng xa xôi mênh mông như Mông Cổ, Tây Tạng, Tân Cương…) để mở rộng lãnh thổ, trở thành một nước siêu lớn khiến cả thế giới kiêng nể.

Do thi hành đường lối cai trị tàn bạo, giết quá nhiều người và chủ trương "Đốt sách, chôn nhà Nho" mà Tần Thủy Hoàng bị chê là bạo quân ; khắp nơi trong nước nổi lên chống lại ; rốt cuộc triều đại nhà Tần chỉ tồn tại có 15 năm (221-206 trước công nguyên). Nhưng sử Trung Quốc đánh giá cao công trạng thống nhất đất nước và cải cách hành chính của nhà Tần. Như đã xây dựng được một bộ máy chính quyền tập trung, cai trị đất nước chặt chẽ, hiệu quả hơn hẳn hệ thống chính quyền lỏng lẻo dưới thời Thương - Chu. Thiên Tử của các triều đại trước đều không có nhiều quyền lực như Hoàng đế thời Tần.

Nhà Tần đã thực hiện nhiều cải cách nhằm tạo thuận tiện phát triển văn hóa, kinh tế như thống nhất chiều dài trục xe, thống nhất chữ viết, thống nhất tiền tệ và chế độ đo lường… Thực ra các ý tưởng cải cách này đã có từ thời Xuân Thu (770-476 trước công nguyên). Ví dụ sách "Lễ ký-Trung dung" chương 28 viết : "Kim thiên hạ, xa đồng quỹ, thư đồng văn, hạnh đồng luân", coi việc thống nhất chiều dài trục xe, chữ viết và phong tục tập quán là phận sự mà bậc Thiên Tử phải làm. Nhưng việc này vô cùng khó, chỉ có bàn tay sắt của chế độ độc tài Tần Thủy Hoàng mới thực hiện được.

Tình hình ngôn ngữ ở Trung Quốc thời xưa cực kỳ phức tạp. Có rất nhiều tiếng địa phương (phương ngữ), thậm chí một huyện có tới vài phương ngữ, nghe không hiểu nhau, và thói quen rắc rối này không thể sửa được. Chữ viết có 7 loại : Giáp cốt văn, Kim văn, Tiểu triện, Lệ thư, Khải thư, Hành thư, Thảo thư, mỗi nơi dùng một loại. Vì thế người cùng một nước mà nghe nói và đọc chữ không hiểu nhau, đất nước không thể Đại nhất thống. Sau khi thống nhất lãnh thổ, Tần Thủy Hoàng đã tiến hành thống nhất chữ viết, gọi là Thư đồng văn (thư là viết, văn là chữ, đồng là thống nhất), quy định cả nước chỉ viết một loại chữ Tiểu Triện. Nhờ thế tuy dân các nơi vẫn nói tiếng địa phương, vẫn nghe không hiểu nhau nhưng do viết cùng một loại chữ nên vẫn có thể hiểu nhau qua bút đàm, khiến mọi người cảm thấy họ cùng một nòi giống dân tộc, làm cho tư tưởng Đại nhất thống đi vào lòng dân. Thống nhất chữ viết là công trạng lớn nhất của Tần Thủy Hoàng.

Nhưng nhà Tần chỉ thống nhất được chữ viết, còn tiếng nói thì quá khó thống nhất. Mãi tới thế kỷ XX, người Trung Quốc mới đề xuất "Nói cùng một thứ tiếng" (Ngữ đồng âm), phấn đấu đến năm 2020 mới thực hiện cả nước cơ bản nói cùng một thứ tiếng Phổ thông.

Thời xưa khi làm đường chạy xe, người ta chỉ làm mặt cứng (như lót đá, lót gỗ…) cho hai vệt đường mà bánh xe đè lên, chứ không làm cứng toàn bộ mặt đường. Để cho xe nước khác không thể đi vào đường nước mình, mỗi nước đều quy định khoảng cách giữa hai vệt đường khác với nước kề bên, tức xe mỗi nước đều dùng trục xe có độ dài riêng. Nhà Tần đã thực hiện "Xa đồng quỹ", quy định cả 7 nước đều dùng trục xe có cùng một độ dài, hai vệt trên mặt đường có cự ly thống nhất, tiêu chuẩn hóa.

Việc chiếm 6 nước và thực hành cải cách mọi mặt đã làm nước Tần giàu mạnh lên. Nhờ thế chỉ 2 năm sau "thống nhất", năm 219 trước công nguyên nhà Tần đã có thể huy động 40 vạn quân đánh xuống vùng phía nam Trường Giang và di cư mấy chục vạn dân tới định cư ở các vùng mới chiếm để đồng hóa dân bản xứ. Đến năm 214 trước công nguyên, biên giới nam Trung Quốc đã mở rộng đến nam Trung bộ Việt Nam. Ngoài ra đã huy động sức dân xây dựng nhiều công trình vĩ đại như cung A Phòng, Vạn lý Trường thành, lăng mộ Tần Thủy Hoàng … 

Lịch sử cho thấy, vì mục tiêu Đại thống nhất và Đại nhất thống, phong kiến Trung Quốc không tiếc hy sinh mạng người, của chúng hoặc của vùng đất bị xâm lược. Số người chết trong chiến tranh tính bằng đơn vị "vạn" (10.000). Hiếm nước nào có năng lực giết người và chịu bị giết tới mức dã man khủng khiếp như Trung Quốc. 

Phản ứng với "Đại nhất thống"

Dư luận Trung Quốc phổ biến ca ngợi tư tưởng Đại nhất thống. Đó là do họ mơ ước nước họ lớn mạnh nhất thế giới. Chương I sách "Giấc mơ Trung Quốc" của đại tá quân đội Trung Quốc Lưu Minh Phúc mở đầu bằng câu "Nhất thế giới" là giấc mơ trăm năm của Trung Quốc.

Muốn vậy Trung Quốc phải bành trướng lãnh thổ, trở thành một nước đất rộng, dân đông và thực hiện Đại nhất thống. Trên thực tế họ đã làm như vậy trong hàng nghìn năm qua.

Trung Quốc xưa nay không ngừng tìm cách mở rộng cương vực nước mình. Giờ đây họ đang đòi chiếm tới 90% Biển Đông.Thậm chí còn chấp nhận "Một nước hai chế độ", tức dưới tiền đề một nước Trung Quốc, trong đó chủ thể của quốc gia (là Trung Hoa đại lục, tức Trung Quốc) kiên trì thực hiện chủ nghĩa xã hội, còn Đài Loan, Hong Kong, Macau vẫn giữ chế độ tư bản lâu dài. Tất cả chỉ nhằm để thực hiện Đại nhất thống trên lãnh thổ rộng hơn [2] !

Dư luận quốc tế cũng phê phán chế độ chính trị Đại nhất thống đã bóp chết sức sáng tạo, buộc toàn dân suy nghĩ theo một người ; làm cho tư duy của người Trung Quốc thiếu tính logic, rập khuôn xơ cứng, tạo thói quen phục tùng quyền lực, sùng bái cá nhân, tình trạng thiếu dân chủ tự do. Einstein từng nói "Không thể nào làm cho người Trung Quốc tư duy logic được" [3].

Ví dụ chủ trương "Bãi truất Bách gia, Độc tôn Nho thuật" được Hán Vũ đế chuẩn y, sau đó thực thi liền 2.000 năm đã bóp chết các hệ tư tưởng khác, khiến văn minh Trung Hoa trì trệ, khác hẳn thời Chiến Quốc "Trăm nhà đua tiếng" xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng, nhà tư tưởng làm cho nền văn minh tỏa sáng một thời.

Người Trung Quốc hay chê các nước Châu Âu do dùng ngôn ngữ khác nhau nên không thể thống nhất như Trung Quốc ; vì thế sức mạnh tổng thể yếu, tuy người Âu có sức sáng tạo cao. Nhưng có lẽ hầu hết người Châu Âu phản đối Đại nhất thống, cho dù họ biết thống nhất sẽ có sức mạnh lớn hơn và Liên Hiệp Châu Âu (EU) ra đời là vì thế. Tuy vậy gần đây EU bắt đầu nứt rạn. Brexit là một ví dụ. Những tiểu quốc Hà Lan, Thụy Sĩ có đời sống cao chắc chẳng muốn để các nước Đông Âu nghèo "dây phần" với họ.

Có thể suy ra : cho dù người Tráng ở Trung Quốc có GDP đầu người cao hơn người Việt Nam, nhưng chắc hẳn chẳng người Việt Nam nào muốn nước mình trở thành một phần của Trung Quốc như kiểu Khu Tự trị người Tráng Quảng Tây. Tất cả chỉ vì dân tộc ta từ xa xưa đã coi "Không có gì quý hơn độc lập tự do" là lẽ sống muôn thủa của mình.

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn : Văn Hóa Nghệ An, 14/10/ 2019

Ghi chú :

[1] Ví dụ các phong trào do Mao Trạch Đông phát động những năm 50-60 đã làm chết hàng chục triệu dân.

[2] Tham khảo : Nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn kể : Năm 1963, trong một lần tiếp anh Trường Chinh và tôi, Mao Trạch Đông tuyên bố : "Tôi sẽ là Chủ tịch của 500 triệu bần nông và tôi sẽ mang một đạo quân đánh xuống Đông Nam Á"… Khi đã ra ngoài, tôi bảo anh Trường Chinh : "Anh thấy đấy, một âm mưu cướp nước ta và cả Đông Nam Á. Bây giờ chuyện đã minh bạch. [Đồng chí B nói về âm mưu chống Việt Nam của bè lũ phản động Trung Quốc ; New Evidence on the Cold War in Asia].

[3] "Einstein the Anti-Racist ? Not in His Travel Diaries" New York Times, 14/6/2018.

********************

Đây có thể là khuôn mặt của người vợ và con trai bị sát hại của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc ?

Stephen Chen, Soha, 18/07/2018

Công nghệ giúp các nhà nghiên cứu phục dựng được gương mặt của một người đàn ông trẻ tuổi có thể là một trong số con trai và người phụ nữ nghi là phi tần của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Họ có thể là nạn nhân của một vụ thảm sát khét tiếng trong hoàng gia nhà Tần cách đây hơn 2000 năm.

Đáng chú ý là hài cốt của người phụ nữ khoảng 20 tuổi bị phân xác và được tìm thấy trong một khu gồm khoảng 100 ngôi mộ thuộc quần thể lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), nơi được coi là quê hương của đội quân đất nung nổi tiếng.

Đặc biệt, tất cả các hài cốt trong ngôi mộ phức hợp này đều là những người phụ nữ trẻ tuổi và dựa theo phân hạng và đồ mai táng tìm thấy bên trong, nhóm chuyên gia khảo cổ tin rằng họ có thể là phi tần và người hầu của hoàng đế. Trong đó, một số hài cốt bị phân xác và bị đặt bên ngoài hành lang dẫn tới các phòng chôn cất được cho là chứa thi thể của các phi tần.

Thực hư cặp hài cốt nghi là con trai và phi tần của Tần Thủy Hoàng

Theo suy đoán của các nhà nghiên cứu, rất có khả năng những nữ nhân kia bị giết như là một phần của nghi thức cúng tế sau ra sự ra đi của hoàng đế và bằng chứng chỉ ra cho thấy kẻ hành quyết đã không hề bận tâm tới tuổi tác hay tước vị của những người này.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phục dựng lại gương mặt của một trong những người phụ nữ có địa vị cao trong mộ, đó có thể là một phi tần của hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Dựa theo hình ảnh phục dựng có thể thấy, cô ấy có một đôi mắt to tròn, sống mũi cao và dài.

dai5

Các chuyên gia đã tiến hành phục dựng hai bộ hài cốt nghi là cơn trai và phi tần của hoàng đế Tần Thủy Hoàng.

Theo các chuyên gia, chân dung gương mặt phục dựng được dựng trên máy vi tính bằng cách sử dụng thuật toán học sâu và cơ sở dữ liệu giải phẫu lớn để tái tạo, mặc dù các chi tiết như kiểu tóc và màu mắt chỉ có thể phỏng đoán.

Trên thực tế, công nghệ tương tự cũng được sử dụng để phục vụ quá trình giám định pháp y, trợ giúp các cuộc điều tra hình sự của cảnh sát Trung Quốc.

Điều thú vị là gương mặt của vị phi tần này dương như không giống với kiểu đặc trưng thường thấy của người Hán. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu cho rằng người phụ nữ này có tổ tiên ở Trung Á hoặc thậm chí là châu Âu, tuy nhiên suy đoán này có khả năng gây tranh cãi trong giới chuyên gia.

dai6

Gương mặt "lai tây" của vị phi tần này khiến nhiều nhà khảo cổ tranh cãi.

Tuy nhiên, kết quả này đã làm gây nên nhiều tranh luận giữa các nhà khảo cổ. Hai gương mặt phục dựng, trong đó đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ cho thấy sự khác biệt chủng tộc so với kiểu mặt đặc trưng của người Hán.

Một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng người phụ nữ với địa vị cao quý kia có nguồn gốc từ "phương tây", chẳng hạn như người Ba Tư hoặc châu Âu, trong khi số khác cho rằng điều này không thể xảy ra.

dai7

Khuôn mặt phục dựng của người đàn ông nghi là con trai của Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Northwest University

Giáo sư Zhang Weixing, trưởng ban nghiên cứu của Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng đồng thời là nhà khoa học đóng vai trò chỉ đạo cho chương trình phục dựng gương mặt, cho biết, ông ông không nghĩ rằng người phụ nữ sống cách đây hơn 2.000 năm có bề ngoài trông giống người phương Tây.

Ông Zhang chia sẻ: "Vẫn còn quá sớm để đưa ra một kết luận khi chưa có bằng chứng xác thực hơn".

Trong khi đó, các nhà khảo cổ tìm thấy hộp sọ của người đàn ông trẻ tuổi từ một cụm mộ riêng biệt ở làng Shangjiao, thuộc vùng bên ngoài phía đông của lăng mộ. Đặc biệt, vết tích một đầu mũi tên bằng đồng cắm vào xương thái dương bên phải ở gần đáy sọ đã phần nào tiết lộ nguyên nhân người đàn ông tử vong.

Phần đầu và tay chân của người này bị chặt khỏi cơ thể và sau đó được đặt trên nắp một rương kho báu ở bên trong một quan tài có nhiều tầng. Ngoài ra, hài cốt của những người đàn ông và phụ nữ trẻ khác được tìm thấy trong các ngôi mộ gần đó cũng chịu số phận bi thảm khi cũng bị chặt xác theo cách tương tự.

Tuy nhiên, những nạn nhân trẻ tuổi này đều được bồi táng cùng với một số lượng lớn các đồ tạo tác quý giá, bao gồm có gốm sứ, lụa, kiếm đồng, trang sức ngọc bích, vàng thỏi, đồ bạc, để thể hiện cấp bậc cao trong xã hội.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng những hài cốt bị phân xác này có thể là thành viên hoàng tộc từng bị sát hại trong một cuộc thanh trừng quy mô lớn diễn ra ngay sau khi hoàng đế Tần Thủy Hoàng băng hà.

Theo kết quả phục dựng gương mặt, người đàn ông trẻ tuổi có thể khoảng 30 tuổi, là một vị hoàng tử của nhà Tần, có cánh mũi to và đôi mắt hình hạnh nhân.

Li Kang, phó giáo sư tại Trường Khoa học và Công nghệ Thông tin thuộc Đại học Đông Bắc, thành phố Tây An, nơi phát triển phần mềm nhận dạng gương mặt, cho biết: "Chúng tôi rất tin tưởng vào kết quả".

Công nghệ này đòi hỏi ít sự can thiệp của con người, đã được kiểm tra chặt chẽ và được Bộ Công an ở quốc gia này thử nghiệm, ứng dụng rộng rãi trong công tác điều tra tội phạm.

dai8

Các chuyên gia vẫn đang tiến hành nghiên cứu lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Trước đó, Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã lên kế hoạch để thử nghiệm ADN trên các bộ hài cốt và hy vọng có thể tìm thấy thêm nhiều manh mối về thành phần chủng tộc trong cung điện của nhà Tần.

Giáo sư Zhang cho biết, không phải tất cả các nhà khảo cổ đều tin rằng các bộ hài cốt thuộc về con trai và phi tần của hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Họ cho rằng hài cốt có thể thuộc về quan lại hoặc người của triều đại trước.

Mục đích của chương trình phục dựng gương mặt là mang lại cho mọi người một cảm giác trực quan về những gì xảy ra được ghi lại trong lịch sử.

Cuộc thanh trừng đẫm máu trong hoàng cung sau cái chết của hoàng đế Tần Thủy Hoàng

Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế chỉ huy một trong những đội quân hùng mạnh nhất trong thế giới cổ đại. Quân đội của ông đã chinh phục 6 nước chư hầu, để thống nhất Trung Quốc và sáng lập ra nhà Tần.

Theo ghi chép lịch sử cùng với khám phá khảo cổ gần đây, dưới sự trị vì của Tần Thủy Hoàng, những quân lính nhà Tần nổi tiếng được biết tới với kỷ luật nghiêm ngặt và được trang bị nhiều vũ khí tiên tiến nhất lúc bấy giờ, bao gồm cung nỏ có thể bắn trúng mục tiêu lên đến 800 mét.

Quyền uy tối thượng nhưng Tần Thủy Hoàng lại chưa sắc phong hoàng hậu chính thức trong suốt thời gian trị vì đất nước. Thay vào đó, vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa được cho là đã lựa chọn một số lượng lớn những cô gái xinh đẹp từ khắp nơi trên đất nước để làm phi tần trong hoàng cung.

Theo ghi chép 100 năm sau đó của Tư Mã Thiên, sử gia nổi tiếng dưới thời nhà Hán, những nữ nhân này đã sinh hạ cho Tần Thủy Hoàng khoảng 40 hoàng tử và công chúa.

Sau cái chết đột ngột của Tần Thủy Hoàng vào năm 210 trước Công nguyên, người con trai thứ của ông là Tần Nhị Thế (tên thật là Doanh Hồ Hợi) đã chiếm ngôi hoàng đế bằng cách che giấu cái chết của vua cha và giả truyền thánh chỉ buộc người anh cả là thế tử Doanh Phù Tô phải tự vẫn.

dai9

Nhiều phi tần không có con của Tần Thủy Hoàng bị ép phải tự sát sau cái chết đột ngột của hoàng đế. Ảnh minh họa

Sau đó, Tần Nhị Thế đã ra lệnh rằng tất cả những phi tần không sinh được con cho vua cha của mình đều phải chết. Theo ghi chép của Tư Mã Thiên, rất nhiều cung tần mỹ nữ đã bị giết chết hoặc ép buộc tự sát và sau đó được chôn cất trong lăng mộ.

Một số tài liệu cho rằng những người phụ nữ tội nghiệp này bị chôn sống nhưng hiện vẫn chưa tìm thấy bằng chứng xác thực.

Sau đó, với sự xúi giục và trợ giúp của hoạn quan Triệu Cao, Doanh Hồ Hợi tiếp tục thực hiện cuộc thanh trừng đẫm máu trong hoàng cung, bằng cách bức tử các chị em của mình, và tàn sát trung thần vì lo sợ họ có thể đe dọa đến ngôi vị hoàng đế cũng như tính hợp pháp của vương vị.

Mười tám vị công chúa của Tần Thủy Hoàng đã bị hành quyết công khai và thi thể của họ bị bêu thị chúng ngoài phố, ngoài ra, 4 vị công chúa khác cũng bị buộc phải tự vẫn. Vị hoàng đế thứ hai của nhà Tần không tha mạng cho bất kỳ người chị em nào của ông.

Theo sử ký của Tư Mã Thiên, 10 vị công chúa của nhà Tần đã phải chịu cái chết đau đớn khủng khiếp với kết cục bị phân thây. Họ bị chặt đứt chân tay và sau cùng bị kẻ hành quyết cắt đứt cổ họng.

Kết cục của cuộc thanh trừng đẫm máu đã khiến tổng cộng hơn 30 hoàng tử và công chúa của Tần Thủy Hoàng bị tàn sát.

Một số sử gia mô tả rằng đây là vụ thanh trừng hoàng tộc dã man và tồi tệ nhất từng xảy ra trong lịch sử Trung Quốc. Dù đạt được mục đích nhưng Tần Nhị Thế chỉ tại vị được ba năm ngắn ngủi trước khi bị bức tử.

Đến năm 206 trước công nguyên, nhà Tần cũng nhanh chóng diệt vong bởi cuộc khởi nghĩa do Hán Cao Tổ Lưu Bang lãnh đạo. Nhà Tần chỉ tồn tại đúng 15 năm sau khi Tần Thủy Hoàng có công thống nhất Trung Hoa và trở thành vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử của quốc gia này.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nằm ở phía tây bắc tỉnh Thiểm Tây, được coi là "nơi yên nghỉ" lớn nhất trên thế giới. Theo các nhà khảo cổ, lăng mộ gồm các cấu trúc trên mặt đất và ẩn ngầm dưới lòng đất với diện tích trải rộng tới hơn 56 km2, tương đương với gấp khoảng 78 lần cung điện Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.

dai4

Tây An là địa điểm chôn giấu đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng. Ảnh : Alamy

Nổi tiếng và gây chấn động thế giới với phát hiện về đội quân đất nung, nhưng kiến trúc cốt lõi là gò đất cao 76m có hình giống như kim tự tháp, được cho là chứa hài cốt và kho báu của Tần Thủy Hoàng, đến nay vẫn như một ngọn đồi bí ẩn với phần lớn chưa được khám phá.

Stephen Chen

Nguyên tác : Could these be the faces of the murdered wife and son of China’s first emperor Qin Shi Huang ? South China Morning Post, 13/07/2018

Nguyễn Hằng dịch

Nguồn : Soha, 18/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 1156 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)