Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

30/06/2020

Văn Lang và nền văn minh lúa nước - Chữ "Việt" của người Việt cổ

Trần Phước Đạt - Trần Hưng

4000 năm văn hiến

Trần Phước Đạt, VNTB, 22/06/2020

Từ ngày bước vào ngưỡng cửa trung học, chúng ta ai cũng được học về lịch sử cội nguồn dân tộc, với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, sinh trăm người con, sau đó 50 người con theo cha xuống biển và 50 người con theo mẹ lên núi. Theo truyền thuyết, chúng ta là dòng dõi con rồng cháu tiên và có một nền văn hiến lâu đời hơn 4000 năm.

40001

Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, nền văn hiến Việt Nam hơn 4000 năm được đánh dấu bắt đầu từ năm Nhâm Tuất, tức vào năm 2879 trước Tây lịch, năm Kinh Dương Vương lên ngôi nước Xích Quỷ.

Trong khuôn khổ bài viết ngắn, chúng ta thử tìm hiểu thực hư như thế nào về mốc thời gian 2879 trước Tây lịch, là năm đầu của nền văn hiến đất nước. Đâu là những mâu thuẫn lịch sử và trong hoàn cảnh đất nước như thế nào, sử gia ta đã ghi chép ngày tháng về những nhân vật truyền thuyết, tổ tiên dân tộc Việt Nam.

Tài liệu về 4000 năm văn hiến

Sử gia nước ta ngày xưa phần lớn không có nhiều tài liệu để nghiên cứu. Đọc sách của người trước, thường ghi chép lại nguyên bản, đôi lúc sửa đổi vì áp lực của vua chúa hay đạo đức luân lý xã hội thời đó, nhưng thường không ghi chú thêm cho đầy đủ mọi góc cạnh sự kiện lịch sử. Như trong sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi Âu Cơ là vợ của Đế Lai, nhưng sau này, khi Ngô Sĩ Liên viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã sửa lại Âu Cơ là con gái của Đế Lai. Do đó, nếu nguồn sử liệu không đúng, sai từ ban đầu, thì những cuốn sử sau, các sử gia vẫn tiếp tục ghi chép lại những sai lầm đó, may ra có ghi thêm vài cảm nghĩ của mình.

Trong sách Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, do bộ giáo dục Trung tâm Học liệu xuất bản lần thứ nhất, năm 1971, cụ viết Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào năm 2879 trước Tây lịch, lấy Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua, xưng là Lạc Long Quân, lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, sinh một lần được một trăm người con.

Cụ Trần Trọng Kim tiếp tục mắc cái lỗi ghi chép lại, không tra cứu thêm, khi chính cụ trong mục Đề tựa cuốn sách, đã viết "những nhà chép sử đời trước cũng theo tục truyền mà chép lại chứ không có di tích gì mà khảo cứu cho đích xác. Tuy vậy, soạn giả cũng theo sử cũ mà chép lại…".

Sách Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim về Kinh Dương Vương đã dựa theo cuốn sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên. Sử gia Ngô Sĩ Liên, đỗ tiến sĩ trong khoa thi đời vua Lê Thái Tông (1442), một học giả Nho gia thời Hậu Lê, được vua Lê Thánh Tông giao nhiệm vụ biên soạn quốc sử. Trong mục lục kỷ niên, chương Kỷ Hồng Bàng Thị cho phần Ngoại Kỷ của bộ sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sử gia Ngô Sĩ Liên đã ghi như sau :

"…Trở lên là kỷ Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối đời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57, tức năm Quý Mão (258 trước Công Nguyên) thì hết. Tất cả là 2622 năm (2879 – 258 trước Tây lịch)" .

Ngô Sĩ Liên đã không ghi "nguồn" sử liệu nào đã dùng để khẳng định Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ bắt đầu năm 2879 trước Tây lịch. 

Sau 1000 năm bị đô hộ, gần 300 năm độc lập sau đó, đất nước mới ra mắt bộ chính sử Đại Việt Sử Ký do Lê Văn Hưu biên soạn lần đầu tiên, hoàn tất vào năm 1272 dưới đời vua Trần Thánh Tông. Sách Đại Việt Sử Ký ghi chép bắt đầu từ thời Triệu Đà nước Nam Việt cho đến Lý Chiêu Hoàng. Sách không có viết về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, cũng như về vua Hùng Vương.

Sau đó, một cuốn sử khác có tên là Việt Sử Lược của một tác giả khuyết danh, ra đời vào thế kỷ 14, cuối triều đại nhà Trần (khoảng từ 1377–1388 theo dịch giả Nguyễn Gia Tường, 1972). Đây là bộ sách sử đầu tiên ghi chép về vua Hùng Vương và nước Văn Lang, nhưng cũng tuyệt nhiên không có đề cập đến nhân vật Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân.

Hai bộ sử nói trên, Đại Việt Sử Ký Việt Sử Lược bị thất lạc khi nhà Minh xâm chiếm Đại Việt (1418 – 1427), nhưng sau này may mắn được tìm thấy trong kho lưu trữ của nhà Thanh và được vua Càn Long cho in khắc lại.

Khoảng đầu thế kỷ 15, trong một cuốn sách tên là Lĩnh Nam Chích Quái, nhân vật Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, và truyền thuyết trăm trứng lần đầu tiên xuất hiện. Lĩnh Nam Chích Quái cũng có ghi chép những truyền thuyết khác như là truyện Phù Đổng Thiên Vương, Nhất Dạ Trạch, bánh chưng, dưa hấu, truyện núi Tản Viên, Sơn Tinh – Thủy Tinh, v.v… Vì là tập truyện viết về những truyền thuyết có nhiều tính chất tưởng tượng hoang đường, Lĩnh Nam Chích Quái không được các vua và sử gia xem là chính sử của nước ta. Tương truyền Trần Thế Pháp, một danh sĩ cuối đời nhà Trần là tác giả sách Lĩnh Nam Chích Quái.

Trích một đoạn viết về Lạc Long Quân và Âu Cơ trong Lĩnh Nam Chích Quái, để chúng ta thấy tính cách hoang đường của câu chuyện. 

 "…Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không may nên đem bỏ ra ngoài đồng nội, hơn bảy ngày trong bọc nở ra trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, bà đem về nuôi nấng, không cho ăn cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng uy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường…".

Sách Lĩnh Nam Chích Quái không có ghi chép ngày tháng liên quan đến những nhân vật Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Đến thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), Ngô Sĩ Liên hoàn tất bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vào năm 1479. Khi viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sử gia Ngô Sĩ Liên không biết về hai bộ sử viết trước ông đó là Đại Việt Sử KýViệt Sử Lược vì đã bị giặc Minh mang về Tàu. Ngô Sĩ Liên chỉ có thể dựa vào Lĩnh Nam Chích Quái để viết thêm về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Như đã nói ở trên, vì Lĩnh Nam Chích Quái không có ghi ngày tháng, Ngô Sĩ Liên đã phải tự ý chọn năm 2879 trước Tây lịch, để đưa Kinh Dương Vương vào sách sử, đó là năm Kinh Dương Vương lên ngôi làm vua nước Xích Quỷ, mở màn cho nền văn hiến đất nước.

Kế đến, sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bộ chính sử nhà Nguyễn do Quốc Sử quán triều Nguyễn soạn thảo (1856 – 1884), được đánh giá là bộ sử lớn thứ hai của đất nước sau Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đã có quan điểm về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân như sau : "…danh xưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong Hồng Bàng thị kỷ, vốn từ thời thượng cổ, thuộc thuở hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng không đủ độ tin cậy…".

Vua Tự Đức, theo chuẩn tấu của các sử quan, đã nhận định đây là những "câu truyện đến ma trâu, thần rắn, hoang đường không có chuẩn tắc" và quyết định loại truyền thuyết Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân ra khỏi chính sử bằng cách đưa xuống phần phụ chú trong mục lục niên kỷ Hùng Vương, để "cho hợp với nghĩa lấy nghi truyền nghi".

Giả thuyết về năm 2879 trước Tây lịch

Ngày xưa nhà làm sử cũng là người làm quan, vua sai coi việc viết sử, cho nên việc ghi chép sử sách không được tự do, thường phải theo ý vua. Hơn nữa, cách ghi chép sự kiện lịch sử thường theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là năm tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Chép vắn tắt chứ thường không giải thích cái gốc ngọn và sự tương quan, liên hệ việc này với việc kia như thế nào. Nhà viết sử Ngô Sĩ Liên, ghi năm 2879 trước Tây lịch, năm Kinh Dương Vương lên làm vua nước Xích Quỷ quá vắn tắt, không một lời giải thích, để lại cho hậu thế một "bí ẩn" lịch sử về 18 đời vua Hùng Vương kéo dài 2622 năm (2879 – 258 trước Tây lịch), rồi từ đó, con cháu đều tự hào đất nước Việt Nam với 4000 năm văn hiến.

Ngô Sĩ Liên hoàn tất bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vào hậu bán thế kỷ 15 dưới đời vua Lê Thánh Tông, một minh quân của nhà Hậu Lê. Sau 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, Lê Lợi giành lại độc lập cho Đại Việt lên ngôi lập nhà Hậu Lê, tức vua Lê Thái Tổ, mở đầu thời kỳ cực thịnh cho đất nước. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, Đại Việt phát triển mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự. Thời kỳ này được gọi là Hồng Đức Thịnh Thế. 

Để có một vị trí văn minh ngang hàng với người Tàu (nhà Minh lúc này bắt đầu yếu thế và đã dời kinh thành từ Nam Kinh trở về lại Bắc Kinh, xa Thăng Long), có thể do mặc cảm tự tôn sau khi đại thắng quân Minh, và cũng vì tự ái dân tộc, Ngô Sĩ Liên có lẽ đã vâng mệnh vua Lê Thánh Tông, định năm 2879 trước Tây lịch là năm Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỹ, có bờ cõi mênh mông từ Động Đình Hồ phía bắc cho đến giáp bể Nam Hải phía đông. Lại ghi Thần Nông là ông tổ của Lạc Long Quân, tức bà con xa gần với người Tàu. Theo Ngô Sĩ Liên, năm 2879 trước Tây lịch, năm đánh dấu hai anh em, Đế Nghi, là anh lên làm vua phương bắc và Kinh Dương Vương làm vua phương nam.

Phải chăng, trong lúc đất nước thịnh vượng, vua Lê Thánh Tông muốn con dân Đại Việt hãnh diện có nền văn minh lâu đời không thua kém gì người Tàu ở phương bắc ?

Như chúng ta thấy, năm 2879 trước Tây lịch chỉ là một mốc thời gian tự ý lựa chọn, không có căn cứ của Ngô Sĩ Liên theo mệnh lệnh vua Lê Thánh Tôn. Do đó, 4000 năm văn hiến của đất nước Việt Nam bắt đầu từ năm 2879 trước Tây lịch cũng là chuyện "hoang đường không có chuẩn tắc", như vua Tự Đức đã nhận định và đã quyết định không cho vào chính sử.

Tuy nhiên, nếu Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân là chuyện hoang đường, không có thật, vậy thì 18 đời vua Hùng Vương có thật hay không, hay cũng là chuyện hoang đường ?

Hùng Vương và nước Văn Lang

Như đã đề cập ở trên, cuốn sách Việt Sử Lược ra đời vào thế kỷ 14 cuối triều đại nhà Trần bị thất lạc (nhà Minh mang về Tàu), có ghi chép về nước Văn Lang. Trong Quyển I của Việt Sử Lược viết "…đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682) trước Tây lịch ở bộ Gia Ninh (phần đất Mê Linh), có người lạ dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đống đô ở Văn Lang, đặc quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút. Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương".

Theo sử sách, đời thứ 18 vua Hùng Vương của nước Văn Lang chấm dứt vào năm Giáp Thìn, tức là năm 257 trước Tây lịch, sau khi bị Thục Phán An Dương Vương xâm chiếm, rồi đổi quốc hiệu là Âu Lạc.

Trong sách Việt Sử Lược, nước Văn Lang với 18 đời vua Hùng Vương trong thời gian là 400 năm, có vẻ hợp lý và thuyết phục hơn là sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, kéo dài tới 2622 năm. Hiện nay nhiều người vẫn tìm cách giải thích loanh quanh về 18 đời vua Hùng Vương trong thời gian dài 2622 năm. Cho rằng 18 đời vua thật ra là 18 chi (nhánh hay ngành), mỗi chi có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu. Tức là, mỗi chi trung bình trị vì khoảng 145 năm. Không thấy sử liệu nào của đất nước ghi chép về 18 chi thời vua Hùng Vương.

Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, lễ giỗ tổ Hùng Vương đều được tổ chức trọng thể, vì vua Hùng Vương và nước Văn Lang có ghi rõ trong sử sách. Tuy nhiên, trong nghi lễ giỗ tổ Hùng Vương, thường không nhắc đến Kinh Dương Vương cũng như Lạc Long Quân và Âu Cơ trong ngày lễ hội. Những nhân vật trên chỉ được nhắc nhở trên sách vở, trong phần huyền sử của đất nước.

Phần nhận định và kết 

Quả thật, khi đọc và nhận định một cách khách quan những sử liệu cổ, nhất là hai cuốn sách Lĩnh Nam Chính Quái Đại Việt Sử Kỷ Toàn Thư, 4000 năm văn hiến của đất nước thật khó thuyết phục, nếu không muốn nói là hoang đường. Hơn trăm năm qua, người dân Việt Nam, già trẻ luôn luôn tự hào về đất nước với 4000 năm văn hiến, khi chính những vị quan viết sử, cũng như vua Tự Đức đều ghi nhận "căn cứ vào cái không và làm ra có". Thật vậy, 4000 năm văn hiến chỉ thuộc về phần huyền sử của đất nước, dựa trên những sự kiện chưa được xác nhận, kiểm chứng bởi các sử gia, những nhà khảo cổ của đất nước và của những nhà nghiên cứu lịch sử trên thế giới. 

Nếu căn cứ vào sách Việt Sử Lược, triều đại Hùng Vương bắt đầu từ thế kỷ thứ 7 trước Tây lịch cho đến ngày nay, chúng ta chỉ có hơn 2500 năm văn hiến. Còn nếu loại bỏ 1000 năm bị đô hộ, thì số năm văn hiến nước ta chưa tới 1500 năm.

Giáo sư Liam C. Kelley, nhà sử gia chuyên về lịch sử cổ đại Á Châu và Việt Nam đã nhận xét như sau "dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, những truyền thuyết được sáng tạo đã và đang trở thành những sự thực khó thay đổi".

Trong tinh thần tôn trọng lịch sử, khi chúng ta viết hay nói chuyện trước quần chúng về 4000 năm văn hiến, đừng quên rằng 4000 năm văn hiến thuộc phần huyền sử của đất nước. Đề cập đến 4000 văn hiến trong tinh thần đã được vua Tự Đức viết "cho hợp với nghĩa lấy nghi truyền nghi".

Trần Phước Đạt

Tháng 6 2020, Florida

Nguồn : VNTB, 22/06/2020

Tài liệu tham khảo :

1. Việt Sử Lược cũng có tên là Đại Việt Sử Lược của một tác giả khuyết danh, ra đời vào khoảng thời nhà Trần (theo dịch giả Nguyễn Gia Tường, 1972. Bộ sử này và Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu bị thất lạc khi nhà Minh xâm chiếm nước ta, nhưng sau này được tìm thấy trong kho lưu trử nhà Thanh và đã được vua Càn Long cho in khắc lại.

2. Lĩnh Nam Chích Quái (những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam) là tập truyện ghi chép lại những truyền thuyết và cổ tích nước Văn Lang bắt đầu từ chuyện Kinh Dương Vương, đến Lạc Long Quân và Âu Cơ, tiếp đó là truyện Phù Đổng Thiên Vương, Nhất Dạ Trạch, bánh chưng, dưa hấu, truyện núi Tản Viên : Sơn Tinh – Thủy Tinh".

3. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên ra đời sau Việt Sử Lược và Lĩnh Nam Chích Quái làm vua nước Xích Quỷ ?

4. Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục là bộ chính sử nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo (1856 – 1884)

********************

Việt Nam : Nguồn gốc và ý nghĩa 

Trần Phước Đạt, VNTB, 18/05/2020

Phần lớn người dân trong những quốc gia trên thế giới đều hiểu khá rõ nguồn gốc và ý nghĩa (etymology) quốc hiệu và quốc kỳ của đất nước và còn tự hào về nơi sinh ra và lớn lên của mình. Chẳng hạn người Nhật, là con cháu Thái Dương thần nữ, amaterasu (Nhật là mặt trời ; Bản là gốc). Người Đại Hàn, Korea từ chữ Goryeo (triều đại Cao Ly, 918-1392), là tên của vương triều đầu tiên thống nhất đất nước sau hơn 1000 năm nội chiến. Người Tàu hãnh diện về văn minh Hoa Hạ, trung tâm văn hóa thiên hạ. United States – Hiệp Chủng Quốc, nơi hội tụ "melting pot" những tinh hoa văn hóa thế giới và cũng là vùng đất hứa cho những ai có thực tài, đều có thể vươn lên và thành công trên đất nước Hiệp Chủng Quốc.

40002

Lúa nước : Văn hóa Văn Lang

Người dân Việt Nam tự hào điều gì về nguồn gốc dân tộc ? Hai chữ Việt Nam liên quan như thế nào đến nguồn gốc, văn hóa lịch sử của dân tộc ?

Trong bài này chúng ta thử tìm hiểu và trả lời câu hỏi trên.

Ý nghĩa và nguồn gốc chữ Việt Nam 

Hai chữ Việt Nam chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long xin nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý do "Nam" là "An Nam", còn "Việt" là "Việt Thường" (1). Tuy nhiên, triều đình Mãn Thanh sợ tên Nam Việt thời Triệu Đà, bao gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây, nên đề nghị đổi ngược lại thành Việt Nam.

Quốc hiệu Việt Nam chính thức được tuyên phong vào năm 1804.

Theo chữ viết của tiếng Hán, Việt Nam 越 南 có nghĩa là "người Việt ở phương Nam". Vua Gia Long không chịu cho Tàu láo xược, vì không có nước nào chịu nhận tên nước mình là ở phương nam một nước khác. Mặc dầu chính thức được tuyên phong năm 1804, vua Gia Long và những vua đời sau đều không dùng Việt Nam, mà chỉ dùng tên An Nam trong sách vở và giấy tờ hành chánh (nhà Đường năm 679, gọi tên nước ta là An Nam

Độ Hộ Phủ 安 南 都 護 府, An Nam (tức phương nam bình an). Giáo sĩ ngoại quốc sang nước ta đều gọi dân An Nam. Viết sách bằng Latin, họ gọi dân An Nam là Annammiticum. Sau này người Pháp đổi tiếng Annamiticum thành Annamite.

Có lẽ vì vậy, năm 1820, vua Minh Mạng khi lên ngôi xin vua nhà Thanh cho đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam 大 南 nhưng không được nhà Thanh chấp thuận. Khi nhà Thanh bắt đầu suy yếu, vua Minh Mạng đã đơn phương công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839. Quốc hiệu Đại Nam tồn tại cho đến năm 1945.

Tuy nhiên, phần lớn sĩ phu lúc đó không ai phản đổi chữ An Nam. Sử gia Trần Trọng Kim trong ấn bản đầu tiên cuốn sử của cụ mang tên là An Nam Sử Lược. Hà Nội có tờ An Nam Tạp Chí do Tản Đà làm chủ bút.

Hình như người đầu tiên dùng chữ Việt Nam là cụ Phan Bội Châu trong cuốn sách của cụ là Việt Nam Vong Quốc Sử (越 南 亡 國 史), viết bằng tiếng Hán năm 1905. Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị Pháp xử tử ở Yên Bái, trước khi lên máy chém, mỗi người đều hô : "Việt Nam muôn năm". Từ giờ phút ấy, hai chữ Việt Nam trở thành thiêng liêng và được mọi tầng lớp trong nước công nhận.

Người Việt Nam có thói quen hay bỏ chữ Nam, gọi mình là người Việt, làm cho nhiều người sau này càng yên trí thêm chúng ta là một trong các sắc tộc Bách Việt bên Tàu, bao gồm từ miền nam sông Dương Tử trở xuống như Mân Việt, Dương Việt, Ư Việt, Nam Việt, Âu Việt v.v… Việt Nam thời cổ đại, người Tàu gọi là Lạc Việt.

Dưới thời nhà Chu (1046-256 trước Tây lịch), những sắc tộc sống ngoài vùng Hoa Hạ gọi là tứ di : Nam Man, Đông Di, Bắc Địch và Tây Nhung, được xem kém văn minh so với văn minh Hoa Hạ (dân sinh sống giữa sông Hoàng Hà và sông Dương Tử). Khái niệm "thiên hạ" bao gồm dân Hoa Hạ ở trung tâm và chung quanh là các sắc tộc tứ di (nhìn lá cờ của nước Tàu hôm nay, vẫn còn quan niệm thời nhà Chu, một ngôi sao lớn và 4 ngôi sao nhỏ). Đó là lý do người Tàu đặt tên nước là Trung Quốc, trung tâm thiên hạ, hay Trung Hoa, trung tâm văn minh Hoa Hạ.

Người Tàu dùng chữ Việt để chỉ những sắc tộc ở phía nam sông Dương Tử mà họ coi là thấp kém thiếu văn minh. Nhóm dân này không định cư ở một nơi, thường phá rừng làm rẫy, khi đất hết màu mỡ lại di chuyển tới khác. Vì có nhiều sắc tộc Việt nên người dân Hoa Hạ gọi tất cả là Bách Việt (bách phải hiểu là nhiều chứ đừng hiểu con số 100). Chữ Việt không dùng để chỉ một dân tộc thuần nhất mà chỉ rất nhiều sắc tộc có cùng sinh hoạt kinh tế, nhưng khác nhau về nguồn gốc, phong tục, và nhiều khi ngôn ngữ. Chữ Việt dân Hoa Hạ dùng giống như chữ Indian (or native American) người Mỹ dùng ngày nay, như dân Sioux và Apache, dùng cung tên để săn bắn, nhưng phong tục và tiếng nói khác nhau.

Thử dùng lối "chiết tự" để hiểu thêm chữ Việt nghĩa là gì ? Chữ Việt 越, gồm có bộ "tẩu" 走 (tức là chạy, chạy trốn) ở bên trái và bộ "qua" 戊 (tức giáo mác) ở bên phải (2). Chữ Việt 越 viết theo chữ Hán có ý nghĩa rất xấc xược, ám chỉ bọn dân kém văn minh, hèn nhát chạy tránh chiến tranh.

Như ta thấy, hai chữ Việt Nam 越 南, ý nghĩa thật tầm thường, ngụ ý xấu xa miệt thị dân tộc chúng ta. Cái thâm độc xâu xa của người Tàu, đó là làm cho chúng ta quên mất nguồn gốc dân tộc, cắt đứt cội nguồn tổ tiên nước Văn Lang. Những chữ như Việt Nam 越 南 , Đại Việt 大 越, hay Đại Nam 大 南 viết qua chữ Hán, chúng ta không còn thấy dấu tích gì liên quan đến nguồn gốc dân tộc Văn Lang.

Lúa nước : Văn hóa Văn Lang 

Để thấy rõ, chúng ta phải đi ngược trở về dòng lịch sử dân tộc, tìm những sinh hoạt xã hội, văn hóa dân tộc nổi bật, biểu tượng của nước Văn Lang dưới thời vua Hùng Vương, với những Lạc hầu, Lạc tướng, và Lạc dân.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia Ngô Sĩ Liên, trong sách Ngoại Kỷ, đã viết vua Hùng Vương làm vua nước Văn Lang cho đến năm 257 trước Tây lịch thì chấm dứt, sau khi bị Thục Phán nước Âu Việt xâm chiếm và đổi tên nước thành Âu Lạc. Vua Hùng Vương truyền ngôi được 18 đời, được xem là tổ tiên của người Việt Nam. Hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nghi lễ giỗ tổ truyền thống được tổ chức trọng thể và được người Việt Nam trên toàn thế giới tổ chức kỷ niệm khắp nơi.

Văn minh lúa nước là một nền văn minh cổ đại xuất hiện cách đây khoảng 10.000 năm tại vùng Đông Nam Á hiện nay. Nhiều nhà khảo cổ đã kết luận Đông Nam Á là nơi sinh ra nền nông nghiệp đa dạng rất sớm của thế giới (3). Chính sự phát triển của nền văn minh lúa nước đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho nền văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đông Sơn trong thời vua Hùng Vương.

Từ Đông Nam Á, nghề trồng lúa nước được du nhập vào Tàu (bắt đầu từ nhóm Bách Việt, vì khí hậu miền nam sông Dương Tử ấm áp hơn vùng Hoa Hạ), rồi lan sang Đại Hàn, Nhật Bản, những nơi mà trước đó người dân chỉ quen với nghề trồng lúa mạch vì lý do thời tiết (4).

Yếu tố thủy lợi trong việc trồng lúa nước là điều kiện bắt buộc để hình thành văn minh lúa nước. Cây lúa nước chỉ có thể phát triển tốt nhờ khí hậu nhiệt đới và đặc biệt khi hàng năm các con sông lớn như sông Hồng, sông Mã, mang theo một lượng phù sa bồi đắp vào các mùa nước lũ. Tuy nhiên, nước trồng cây lúa phải vừa đủ, do đó người làm lúa nước phải biết hệ thống đê điều, phải biết đắp bờ ruộng và dẫn nước vào ruộng.

Vì vậy dân tộc đầu tiên làm chủ được ruộng nước phải là dân tộc văn minh, có tổ chức xã hội phát triển (so với tình trạng thời đó, có lẽ còn hơn là các nước Âu châu trong thời gian cách mạng kinh tế của thế kỷ 19). Dân Lạc nước Văn Lang là một trong những dân tộc đầu tiên trên thế giới biết đến lúa nước. Cuộc khai quật của Wilheim G. Solheim (5) thuộc Đại học Hawaii, sau khi thử phóng xạ C-14 mẫu lúa của người Hòa Bình, cho thấy có niên đại là khoảng 3500 trước Tây lịch, sớm hơn ở Ấn Độ và Trung Quốc khoảng 1000 năm.

Ý nghĩa chữ Lạc trong nước Văn Lang 

Chính nền văn minh lúa nước là chiếc nôi để hình thành xã hội, có một lối sống định cư cố định, rồi từ đó nảy sinh cộng đồng làng xã. Từ cộng đồng làng xã, có nhu cầu hành chánh và an ninh để bảo vệ người dân trong làng xã. Do đó, nước Văn Lang có Lạc hầu, Lạc tướng, và dân sinh sống định cư trong làng xã gọi là Lạc dân. Đứng đầu những vị Lạc hầu, Lạc tướng thì có Lạc Vương hay còn gọi Hùng Vương (xin xem giải thích chữ Hùng phần dưới).

Tài liệu cổ nhất viết về dân tộc Lạc là sách Giao Châu Ngoại Vực Ký vào thế kỷ 4 sau Công nguyên, được sách Thủy Kinh Chú (thế kỷ 6) viết lại như sau :

"Thời xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, thì đất đai có Lạc điền, ruộng ấy là ruộng cày cấy theo con nước thủy triều. Dân khai khẩn ruộng ấy mà ăn nên gọi là Lạc dân. Có Lạc vương, Lạc hầu làm chủ các quận huyện. Ở huyện phần đông có Lạc tướng. Lạc tướng có ấn bằng đồng, đeo giải vải màu xanh. Về sau con vua Thục đem ba vạn lính đánh Lạc vương Lạc hầu, thu phục các Lạc tướng. Con vua Thục nhân đó xưng là An Dương Vương".

Vậy Lạc là gì? Trước hết chúng ta phải đi tìm chữ Hán để thấy dân Hoa Hạ viết chữ Lạc như thế nào (tức đi tìm nghĩa đen trước). Lúc đó dân Lạc không có chữ viết, mọi liên lạc với người hàng xóm phương bắc phải mượn chữ viết của họ. Đôi khi chữ viết không diễn tả đúng ý nghĩa chỉ dùng ký âm. Nếu là ký âm, thì phải hiểu ký âm cho chữ gì lúc ban đầu.

Là kẻ thống trị gần một ngàn năm trên đất nước Văn Lang, như chữ Việt, người Tàu với tính tự tôn tự đại, hạ bút viết chữ Lạc 駱 với bộ Mã (dân chó ngựa, không có nghĩa gì), rồi sau đó có người viết lại chữ Lạc 雒 với bộ chuy (chim cú mèo, cũng vô nghĩa). Cho đến khi con cháu Văn Lang giành lại chủ quyền, dưới đời vua Lê Thánh Tông, Hồng Đức Thịnh Thế, vào thế kỷ 15, sử gia Ngô Sĩ Liên, một học giả uyên bác đời nhà Hậu Lê, chính vì không thích "chó ngựa" hay "cú mèo", sử gia Ngô Sĩ Liên trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư mới dùng chữ Lạc 貉 để thay thế, cố tình dùng lối "phiên thiết" sai như vậy, để chỉ rõ đây chỉ là chữ ký âm (6).

Vậy khi người Tàu qua nước Văn Lang đã dùng chữ Lạc để phiên âm chữ gì của tiếng ta ?

Nghiên cứu về cổ âm tiếng Hán đã được Bernhard Karlgren, một nhà nghiên cứu tiếng Hán âm cổ và nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Thụy Sĩ, cho thấy cổ âm Hán, đọc cả ba chữ Lạc ( 駱, 雒, 貉 ) đều được đọc là "Lak" (ngày nay người Tàu viết và phiên âm chữ Lạc Việt là Luò yuè 雒 越). Theo Bernhard Karlgren, chữ Lạc (lak) phiên âm từ chữ Nước của người Văn Lang (7).

Vậy Lạc là cách phát âm chữ Nước của người Lạc cổ, rất phù hợp với xã hội lúa nước của Văn Lang. Thật vậy, yếu tố "Lạc" không thể tách rời khỏi văn hóa lúa nước. Con cháu Lạc dân, có quyền tự hào về tổ tiên là những người tiên phong về trồng lúa nước đầu tiên trên thế giới.

Theo cách viết tiếng Hán, thì cả ba chữ Lạc nói ở trên đều chẳng có ý nghĩa gì, chỉ là chữ ký âm người Tàu dùng để phiên âm chữ "Nước" của người Lạc lúc đó. Trong khi đó, chữ Hùng 雄, đổi từ chữ Lạc 雒 bộ chuy, có ý nghĩa rõ ràng đẹp hơn, như anh hùng, hùng dũng v.v… Cho nên Hùng chỉ là chữ viết khác đi từ chữ Lạc, và Lạc dân dùng để tôn xưng vua của mình. Mọi truyện thần thoại hay địa danh dân đều kính trọng mà gọi là Hùng Vương, hội đền Hùng v.v….

Riêng về Lạc tướng, Lạc hầu, hoặc vì tôn trọng vị lãnh tụ nên Lạc hầu chẳng dám nhận người ta gọi mình là Hùng hầu. Do đó, dân Lạc vẫn tiếp tục gọi Lạc hầu, Lạc tướng. Ngày nay chúng ta vẫn chỉ dùng chữ Hùng Vương cho vua nước Văn Lang, còn tất cả đều là Lạc hết, như Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân, và Lạc điền.

Triều đại Hùng Vương và nước Văn Lang chấm dứt năm 257 trước Tây lịch, sau khi bị Thục Phán xứ Âu Việt xâm chiếm. Văn minh Văn Lang và văn hóa lúa nước, dưới thời An Dương Vương, qua Triệu Đà, rồi sau đó dưới ách thống trị 1000 của Tàu, dần dần bị quên lãng, bị thay thế bởi nền văn minh Hoa Hạ của người phương bắc.

Ảnh hưởng chữ Hán và văn hóa Hoa Hạ, con cháu dòng dõi Lạc dân dần dần bị "đồng hóa", thích đọc chữ nghĩa "thánh hiền", tứ thư ngũ kinh, hoàn toàn bị văn hóa Hoa Hạ ngự trị. Mọi tầng lớp xã hội, từ vua, quan, cho đến gia đình dân giả chỉ còn biết giá trị đạo đức Khổng Mạnh, tam cương ngũ thường, hay tam tòng tứ đức, mà quên mất văn hóa lúa nước của Tổ Tiên. Theo đuổi những tư tưởng ngoại lai, nặng về hình thức, trừu tượng xa vời thực tế của xã hội lúa nước, nhiều khi trái ngược văn hóa lúa nước của tổ tiên để lại cho hậu thế.

Đặc trưng của văn hóa lúa nước là tổ chức xã hội theo nguyên tắc tinh thần tương thân tương trợ, trọng tình nghĩa, đoàn kết, dân chủ, và quan tâm đến tập thể làng xã hàng xóm. Có lẽ vì còn ít nhiều tinh thần làng xã, con cháu vua Hùng không bị đồng hóa bởi người Tàu như nhóm Bách Việt sau 1000 năm bị đô hộ, và toàn dân đã đoàn kết trong hội nghị Diên Hồng giúp vua Trần chống giặc Nguyên.

Vì sống gần gũi với thiên nhiên (trời, đất, nước, nắng, mưa) nên trong quá trình nhận thức, đã hình thành một tư tưởng thiên về thực tế, kinh nghiệm, và trực giác. Chẳng hạn, người Việt dùng "bụng dạ" để xét đoán người khác (có thực mới vực được đạo), thay vì dùng "tâm", một khái niệm mơ hồ, trừu tượng của văn minh phương bắc, để phán xét.

Nhận định và phần kết 

Một quốc gia chỉ có thể cường thịnh khi nào người dân trong nước, từ người lãnh đạo cho đến quảng đại quần chúng, có tinh thần dân tộc cao, nhưng đúng mức. Mọi người dân trong nước am hiểu đầy đủ nguồn gốc dân tộc và tự hào về nguồn cội của mình. Cố gắng vứt bỏ những mặc cảm tự ti, cho rằng mình thấp kém đối với những dân tộc khác, nhất là người bạn láng giềng phương bắc, nếu không ta đánh mất tinh thần dân tộc.

Nhưng đồng thời, cũng không nên có mặc cảm tự tôn về những điều mình không có, như 4000 năm văn hiến, dân tộc anh hùng "đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào", v.v…

Như đã trình bày, hai chữ Việt Nam, ý nghĩa đều không có gì đẹp nếu không muốn nói là toàn ý nghĩa xấu xa người Tàu gán ghép cho đất nước ta. Vua quan ngày xưa, một mặt vì ảnh hưởng và bị mang mặc cảm tự ti về văn hóa Hoa Hạ, phần phải lo ngoại giao cho khéo léo, khi xưng vương hay thay đổi quốc hiệu đều phải sai sứ xin vua Tàu thụ phong. Do đó, vua và tầng lớp sĩ phu khó có thể đặt quốc hiệu theo ý mình muốn. Có lẽ vì vậy, quốc hiệu đất nước từ ngàn năm cũng chỉ loanh quanh những chữ Việt, chữ Nam, đôi lúc thêm chữ Đại.

Như ta thấy, không có quốc hiệu nào của đất nước từ xưa đến nay có liên quan đến nguồn gốc dân tộc Văn Lang, hay những biểu tượng đặc trưng về văn hóa lúa nước của tổ tiên giống Lạc Hùng.

Yếu tố lúa nước gắn liền với xã hội và văn hóa Văn Lang, một dân tộc cần cù, siêng năng, ưa chuộng hòa bình, sinh sống hòa đồng trong tinh thần tập thể, đoàn kết làng xã, để cùng nhau lo việc đồng áng, đê điền. Là một dân tộc tiên phong trong lãnh vực khai thác ruộng lúa nước, một trong những ngũ cốc cần thiết nuôi dưỡng nhân loại, từ ngàn xưa cho đến ngày nay.

Nếu điều kiện cho phép trong tương lai, tại sao chúng ta không có một tên mới cho đất nước, như Đại Lạc là một thí dụ, gần gũi với nguồn cội dân tộc, gắn bó với cây Lúa và Nước. Quốc kỳ của đất nước cũng có thể thay đổi, để người dân tìm thấy trong lá cờ, những biểu tượng thiêng liêng, nhưng gần gũi gắn liền với văn hóa Lúa Nước của dân tộc. Thí dụ, một lá cờ có nền màu xanh của nước và màu vàng của cây lúa, thay vì màu vàng đỏ hung hăng hiếu chiến, hoàn toàn trái ngược với nền văn hóa lúa nước, trọng tình nghĩa, ưa chuộng hòa bình, tinh thần đoàn kết, và dân chủ của tổ tiên chúng ta.

Trần Phước Đạt

Viết xong tháng 5, 2020

Royal Palm Beach, Florida

Nguồn : VNTB, 18/05/2020

Chú thích :

(1) Theo Đại Việt Sử Ký của Ngô Sĩ Liên, Việt Thường là một trong 15 bộ dưới đời vua Hùng Vương. Đời Thành Vương nhà Chu (1063-1026 trước công nguyên), nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu, xưng là Việt Thường thị, hiến chim trỉ trắng. Vua nhà Chu nói : "Chính lệnh không bàn đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình", rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước. Vua Gia Long dùng chữ Việt trong Nam Việt, có thể để nhắc nhở vua nhà Thanh về sự kiện lịch sử này.

(2) Trần Hưng, "Một lý giải về hàm nghĩa chữ "Việt" của người Việt cổ", mục Văn hóa cổ truyền, Trithucvn.net, 27/09/2019

(3) "Prehistory and the beginning of civilization" UNESCO & Rouledge London, 1994. Cf, Agriculture Origins and Dispersal, The American Geographical Society, New York 1952.

(4) Ở Tàu và Nhật ngày xưa, chỉ có giai cấp qúy tộc hay võ sĩ mới có gạo ăn thường xuyên. Ở Đại Hàn, người ta có danh từ annam mi để chỉ loại gạo nhập cảng từ Việt Nam.

(5) "Southeast Asia and Korea: from the beginning of food production to the first states", by Wilhelm G. Solheim, Universty of Hawaii.

(6) Giáo sư Vũ thế Ngọc, "Ý nghĩa Quốc hiệu Lạc Việt", Đặc San Đền Hùng, – Xuân Kỷ Tỵ 1989 – San Jose 

(7) Bernhard Kalgren, "Sound and Symbol in Chinese : English Language Theatre In Malaysia and Singapore", Hong Kong University Press, 1990.

**********************

Một lý giải về hàm nghĩa chữ "Việt" của người Việt cổ

Trần Hưng, trithucvn.net, 27/09/2019

Mỗi một dân tộc trên thế giới đều tự hào về tên gọi của dân tộc mình. Nhật Bản nghĩa là gốc của mặt trời, và người Nhật tự hào mình là "đất nước mặt trời mọc" ; người Trung Quốc cổ xưa vẫn tự hào rằng đất nước mình là "trung tâm của thế giới". Vậy chữ "Việt" của dân tộc Việt mang hàm nghĩa gì ? Dưới đây là một lý giải có thể tham khảo.

chu1

Chữ "Việt" viết theo chữ Hán.

Chúng ta thường hiểu quốc hiệu "Việt Nam" sơ sài là người Việt ở phương Nam. Những nhà nghiên cứu tìm hiểu ý nghĩa từ "Việt" qua chữ Hán (越) cũng có lý giải của riêng họ. Chữ này được tạo thành từ chữ "tẩu" (走) (tức là chạy) ở bên trái và chữ "qua" (戊) (tức là giáo mác, búa, chiến tranh) ở bên phải. Từ đó có người cho rằng chữ Việt có nghĩa là những người phải chạy về phía Nam để tránh những cuộc chiến tranh tại Hoa Hạ.

Thế nhưng theo truyền thuyết thời xưa thì người Việt vẫn tự hào là con rồng cháu tiên, vì thế hàm nghĩa của chữ "Việt" chắc chắn không thể đơn giản như thế được. Để hiểu được chữ "Việt" mang ý nghĩa gì thì phải tìm đến chữ "Việt" cổ, chứ không thể qua chữ Hán được.

Chữ của người Việt cổ có lịch sử xa xưa hơn loại chữ viết được gọi là chữ Hán. Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất chữ viết thì thời bấy giờ là dùng chữ Tiểu Triện. Dựa trên cơ sở đó, sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang lập ra nhà Hán vào năm 202 trước công nguyên, chữ viết phát triển mạnh từ chữ Lệ thư, rồi Khải thư… Dù là khởi điểm thống nhất chữ viết Trung Hoa, nhưng nhà Tần chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, thế chỗ bởi nhà Hán thịnh trị, nên sau này người Trung Quốc gọi chữ viết của mình là chữ Hán.

Trước chữ Hán, các dân tộc ở vùng đất mà ngày nay là Trung Quốc đều có chữ viết của mình, ví như người Bách Việt (trong đó có bao hàm Lạc Việt và Âu Việt, chính là tổ tiên của người Việt ngày nay) cũng có chữ viết riêng của mình. Chữ của người Việt cổ đến nay vẫn còn được lưu lại trên một số di tích khai quật được, và đặc biệt nhất là từ thanh bảo kiếm của Việt Vương Câu Tiễn.

Chữ "Việt" cổ tìm được qua khai quật

Các cuộc khai quật tại tỉnh Hà Nam (thuộc Trung Quốc ngày nay) đã phát hiện nhiều di tích đồ đồng từ thời nhà Thương (1600 đến 1046 trước công nguyên). Hà Nam chính là đất Ân thời nhà Thương. Trong sử Việt có câu chuyện Thánh Gióng đánh giặc Ân, chính là chỉ nhà Thương vào thời bấy giờ.

Trong đó chữ "Việt" được tìm thấy như sau :

chu2

Chữ "Việt" cổ này được lưu lại tại website chineseetymology.org. Đây là website của ông Richard Sears, một nhà nghiên cứu chữ viết, người đã bỏ ra 27 năm trời để nghiên cứu cổ ngữ có trước chữ Hán. Ông sưu tầm tỉ mỉ từng chữ và đánh dấu lại bằng mã số.

Chữ "Việt" cổ tìm được trên bảo kiếm của Việt Vương Câu Tiễn

Năm 1965, khi khai quật khu mộ cổ ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), các nhà khảo cổ học đã tìm được thanh bảo kiếm của Việt Vương Câu Tiễn. Thanh bảo kiếm này hoàn toàn không bị hoen rỉ, còn như mới suốt 2.500 năm qua. Không chỉ thanh kiếm còn nguyên vẹn, mà thậm chí từng hoa văn chữ viết trên đó vẫn còn rất rõ ràng.

chu3

Bảo kiếm của Câu Tiễn không rỉ sét, còn nguyên vẹn hoa văn và chữ viết. Lưỡi gươm hai mặt vẫn còn sắc bén. (Ảnh qua Pinterest)

Chữ viết được khắc trên thanh bảo kiếm nói trên không phải là chữ Hán, các nhà khảo cổ học xác định đây là loại chữ có trước chữ Hán. Thanh kiếm được khắc 8 chữ là : "Việt Vương Câu Tiễn Tự Tác Dụng Kiếm", có nghĩa là thanh bảo kiếm này là của Việt Vương Câu Tiễn tự chế tác cho bản thân mình dùng. Đặc biệt chữ "Việt" trên thanh bảo kiếm này không có trong chữ Hán.

chu4

Các chữ được khắc trên thanh bảo kiếm. (Ảnh qua Wikipedia)

Nước Việt thời Câu Tiễn (trị vì từ năm 496 đến 465 trước công nguyên) là của thị tộc người Ư Việt – một trong những thị tộc thuộc nhóm Bách Việt, và cũng là một chư hầu nhà Chu thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Chữ "Việt" trên kiếm của Việt Vương Câu Tiễn và chữ "Việt" khai quật được tại tỉnh Hà Nam là trùng khớp với nhau.

chu5

Như vậy đây rất có thể là chữ "Việt" cổ mà chúng ta đang tìm kiếm.

Chiết tự chữ "Việt" cổ

Cần chiết tự để hiểu được ý nghĩa bên trong chữ "Việt" cổ này. Nó được hợp thành từ 3 chữ như sau :

chu6

Ba chữ trên gồm chữ số 1 là "mặt trời", số 2 là "rồng", số 3 là một ký hiệu giống như "người chim" ghép thành.

1. Chữ nhật (mặt trời)

Chữ số 1 này giống như chữ nhật (mặt trời) từ niên đại giáp cốt văn và đồ đồng.

chu7

Từ trái qua phải : Phần chiết tự trên thanh bảo kiếm ; Chữ nhật (mặt trời) niên đại giáp cốt văn ; Chữ nhật (mặt trời) niên đại đồ đồng.

2. Chữ long (rồng)

Chữ số 2 rất giống với chữ long (rồng) từ niên đại giáp cốt văn.

chu8

3. Ký tự "người chim"

chu9

Ký tự "người chim", ký tự B01747 và hình ảnh người chim trên trống đồng Ngọc Lũ.

Chữ thứ 3 này giống với chữ có ký tự B01747. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Việt cho rằng nó giống với hình tượng người mặc trang phục như người chim, tay cầm binh khí đang nhảy múa trong lễ hội trên trống đồng Ngọc Lũ.

Chữ "Việt" của dân tộc Việt có hàm nghĩa gì ?

Phần chiết tự ở trên cho thấy chữ "Việt" cổ do mặt trời, rồng và hình tượng người chim tạo thành.

Mặt trời được gắn liền với văn hóa của dân tộc Việt qua hình tượng trống đồng được lưu lại đến ngày nay. Một số nhà nghiên cứu kết luận rằng, phần trung tâm mặt trống là hình tượng của mặt trời đang phát ra tia sáng, liên quan đến việc phân chia "tiết khí" trong năm.

chu10

Trống đồng Đông Sơn.

Hình tượng người trong trang phục gắn lông chim cầm vũ khí rất phổ biến trên trống đồng. Có thể suy đoán rằng, người Việt cổ thường hóa trang thành người chim trong lễ hội. Đây rất có thể là biểu tượng hướng tới truyền thuyết về việc tổ tiên con người là các tiên nhân có thể bay trên bầu trời. Kết hợp với chữ rồng, thì nó hẳn là có hàm nghĩa "con rồng cháu tiên". Dân tộc Việt từ cổ xưa vẫn luôn quan niệm rằng mình là "con rồng cháu tiên", đó là nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc Việt.

Nếu mặt trời đại diện cho nền văn minh, rồng và người chim đại diện cho "con rồng cháu tiên", thì có lẽ chữ "Việt" cổ chính là để chỉ nền văn minh của con rồng cháu tiên, nền văn minh của sự kết hợp hai dòng máu, hoặc giả hai tộc người, chính là nền văn minh được tạo nên bởi người Việt cổ.

chu11

Nền văn minh của con rồng cháu tiên.

Với lý giải ý nghĩa của chữ Việt này, người Việt có thể tự hào về truyền thống văn hóa đặc sắc và độc đáo của dân tộc mình, cũng tự hào rằng chúng ta chính là con cháu của Chư Thần, giống như truyền thuyết của bao dân tộc khác trên thế giới.

Trần Hưng

Nguồn : trithucvn.net, 27/09/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Phước Đạt, Trần Hưng
Read 1188 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)