Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

13/07/2020

Từ Hán Việt gốc Nhật

Vương Trung Hiếu - Trần Đình Sử

Lời tác giả : Nhân đọc bài Từ Hán Việt gốc Nhật trong tiếng Việt - tiếp nhận văn hóa phương Tây qua ngôn ngữ Bắc Á của Giáo sư Trần Đình Sử trên FB của dịch giả Hoàng Hưng (*), tôi xin phép viết bài này để góp phần cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về đề tài ‘Từ Hán Việt gốc Nhật’.

Vương Trung Hiếu

uname3

Bản thư pháp chữ Hán của bài thơ thần "Nam quốc sơn hà" - bài thơ được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ảnh : vannghecuocsong.

********

Trong tiếng Việt có khoảng 60 - 70% là từ Hán Việt, nhiều người nghĩ rằng những từ này có nguồn gốc từ Hán ngữ, song trên thực tế, có ít nhất 500 từ cần được gọi chính xác là từ Hán Việt gốc Nhật, chứ không phải gốc Trung Quốc.

Khoảng thế kỷ thứ 5 các nhà sư đem những văn bản chữ Hán vào nước Nhật, ban đầu những ký tự này được đọc theo âm Hán. Về sau người Nhật chế ra kiểu chữ gọi là Kanji (Hán tự), trong đó có một số chữ mượn từ Hán ngữ, song mang nghĩa mới và đọc theo tiếng Nhật. Một số từ do người Nhật nghĩ ra, không có trong từ vựng Hán ngữ, được gọi là Kokuji (Quốc tự) hay Wasei Kanji (Hòa chế Hán tự, tức ‘chữ Hán do người Nhật chế ra’). Nhìn chung, từ thời Đông Hán cho đến triều đại nhà Thanh (thế kỷ thứ 2 đến năm 1839), Trung Hoa là một cường quốc, ngôn ngữ của đất nước này có ảnh hưởng đáng kể đến Nhật Bản, trong khi đó chỉ có một số từ tiếng Nhật du nhập vào Hán ngữ do người Trung Hoa muốn tìm hiểu văn hóa và lịch sử nước Nhật. Họ mượn âm vị tiếng Nhật rồi chuyển sang các ký tự Hán ngữ là chủ yếu. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 thì tiếng Nhật đã góp phần quan trọng trong việc hình thành Hán ngữ hiện đại, bởi vì trong giai đoạn này, nước Nhật đã trở thành ‘cổng của phương Tây’. Người Nhật dịch rất nhiều tài liệu khoa học tự nhiên và xã hội của phương Tây để góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước mình. Ngoài những tài liệu bằng tiếng Latin, Đức, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… người Nhật còn dịch khối tri thức khổng lồ viết bằng tiếng Anh. Có thể nói rằng những thuật ngữ tiếng Anh (mọi mặt của đời sống) đã du nhập vào tiếng Nhật, trong đó có khá nhiều chữ viết theo kiểu Kanji (Hán tự) mà sau đó người Trung Quốc đã đưa vào ngôn ngữ của nước mình.

Không phải người Trung Quốc không biết dịch những tài liệu nước ngoài sang Hán ngữ, một số học giả Trung Quốc đã làm điều này. Khởi đầu là vào thời nhà Hán, một số từ ngoại lai đã được Trung Quốc thu nhận, đặc biệt là sau khi Trương Khiên (張騫(164 ? - 114 trước công nguyên) sang tìm hiểu Tây vực thì Trung Quốc đã tiếp thu nhiều thuật ngữ và khái niệm Phật giáo khi Phật giáo Trung Quốc bắt đầu phát triển ở các triều đại phía Nam và phía Bắc.

Đến thế kỷ 20, nhà văn Nghiêm Phục (嚴複) đã tìm cách bảo vệ Hán ngữ trước ảnh hưởng của tiếng Nhật. Ông dịch rất nhiều tài liệu tiếng Anh và tạo ra những từ như 钞店 (sao điếm), 钞商 (sao thương), 版克 (bản khắc) để biểu thị cho khái niệm ‘bank’ trong tiếng Anh, nhằm thay thế cho từ vốn đã được sử dụng quen thuộc trong tiếng Nhật là 银行 (ngân hàng). Ngoài ra ông còn chế những từ khác như 计学 (kế học) và 资生学 (tư sinh học) để thay cho từ Nhật khác là 经济学 (kinh tế học) ; dùng 智学 (trí học) thay cho 哲学 (triết học) ; 群学 (quần học) thay cho 社会学 (xã hội học) ; 格致学 (cách trí học) thay cho 物理学 (vật lý học)…, song vẫn không thành công. Mặc dù sách của ông khá phổ biến ở Trung Quốc song những thuật ngữ do ông tạo ra lại có đời sống khá ngắn ngủi. Nhìn chung, học giả Trung Quốc dịch khá nhiều tài liệu từ những ngôn ngữ phương Tây, sáp nhập nhiều từ ngoại lai vào Hán ngữ. Số lượng từ này tỏ ra vượt trội hơn so với những từ ngoại lai gốc Nhật, song chúng lại ít được sử dụng, không phổ biến tại Trung Quốc.

Trong khi đó việc mượn thuật ngữ theo cách viết kanji (Hán tự) của Nhật Bản xem ra dễ dàng hơn.

Trong luận văn A Study of Japanese Loanwords in Chinese của Chen Haijing (University of Oslo, 2014), tác giả cho biết quyển Từ điển từ ngoại lai hiện đại (现代 外来 词典) của Cao Danh Khải (高名) và Lưu Chính Đàm (劉正談) xuất bản năm 1958 chứa gần 10.000 từ, trong đó có 882 từ gốc Nhật. Ông chia những từ gốc Nhật này thành 4 loại và thống kê như sau : từ sử dụng trong cuộc sống hàng ngày có 78 từ [8,8%], thuật ngữ xã hội có 165 từ [18,7%], thuật ngữ chuyên ngành 563 từ [63,8%], những thuật ngữ khác 76 từ [8,6%]. Trong tổng số 882 từ thì số lượng danh từ chiếm vị trí áp đảo : 703 từ [79,7%], động từ : 156 [17,7%], còn tính từ thì chỉ có 23 từ [2,6%].

Nhìn chung, từ gốc Nhật du nhập vào tiếng Trung Quốc phần lớn là những thuật ngữ chuyên ngành và những khái niệm tân tiến, trong đó khá nhiều từ du nhập vào tiếng Việt với tư cách là từ Hán Việt, có thể chia thành 3 loại là :

1. Từ Nhật Bản gốc như 武士道 wushidao (võ sĩ đạo), 和服 hefu (hòa phục/kimono).

2. Từ xuất phát từ những ngôn ngữ phương Tây do người Nhật dịch bằng cách sử dụng từ Hán cổ, thí dụ : university = 大学 dàxué (đại học) ; world = 世界 shìjiè (thế giới). Có nhiều trường hợp cho thấy dù mượn ký tự Hán cổ để dịch nhưng người Nhật phát âm theo tiếng Nhật chứ không phải Trung Quốc : club = 乐部 (câu lạc bộ), phát âm là kurabu (Nhật), Jùlèbù (Trung Quốc) ; entrance =入口 (nhập khẩu), phát âm là iriguti (Nhật), rùkǒu (Trung Quốc)…

3. Đôi khi người Nhật sáng chế ra từ mới để dịch : gland = (tuyến), đọc là sen (Nhật), xiàn (Trung Quốc)…

Người Trung Quốc đã nhập những từ tiếng Nhật chủ yếu qua 4 con đường : du lịch, du học, dịch sách báo và góp nhặt từ chính người Nhật làm việc, sinh sống tại Trung Quốc. Những từ mà người Trung Quốc nhập vào kho từ vựng Hán ngữ chủ yếu là những khái niệm mới mà họ muốn bổ sung, thí dụ như 民主 (dân chủ), 革命 (cách mệnh), 自由 (tự do)…

Hiện nay Trung Quốc đã xuất bản hàng trăm từ điển để phổ biến ngôn ngữ nước họ. Có thể nói rằng 史籀篇 (Sử trứu thiên) là quyển từ điển đầu tiên của Trung Quốc (viết bằng ký tự Đại triện). Về thời điểm quyển này xuất hiện thì còn nhiều tranh cãi, một số học giả cho rằng từ điển này phổ biến vào thời Chu Tuyên Vương (827-782 trước công nguyên), song nhiều bậc thức giả ngày nay lại nhận định quyển này xuất hiện từ triều đại nhà Tần thời Chiến Quốc (khoảng 475-221 trước công nguyên).

Từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 các nhà ngôn ngữ Trung Quốc đã hệ thống từ vựng nước họ qua nhiều từ điển, cụ thể là Từ điển Hán ngữ hiện đại (现代汉语词典), xuất bản năm 1978, có thể xem là phổ biến nhất tại Trung Quốc. Nhờ thế, người dân ý thức hơn về ngôn ngữ của nước họ, trong đó phải kể đến bộ phận từ ngoại lai du nhập - những từ giúp nâng cao kiến thức và là phương tiện tiếp cận với thời trang và các xu hướng hiện đại trên thế giới.

Quyển Từ điển từ ngoại lai trong Hán ngữ (汉语外来语词典) của Sầm Kỳ Tường (岑麒祥) xuất bản năm 1990 và Từ ngoại lai trong Hán ngữ (汉语外来词) của Sử Hữu Vy (史有) xuất bản năm 2000… cho thấy có hai loại từ : mượn trực tiếp từ ngôn ngữ nguồn và mượn gián tiếp thông qua ngôn ngữ thứ ba phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử.

Việc mượn từ tiếng Nhật là gián tiếp. Kể từ thời Minh Trị thiên hoàng (1852 - 1912), một số lượng lớn thuật ngữ khoa học và kỹ thuật của phương Tây đã du nhập vào tiếng Nhật và đa số đều được viết theo kiểu Kanji (Hán tự), song được phát âm theo tiếng Nhật (kunyomi) khác hẳn với tiếng Trung Quốc. Song người Trung Quốc cũng dễ dàng tiếp nhận những từ mới này bằng nhiều cách : thông qua những sản phẩm của Nhật Bản như アイクリーム (眼霜/nhãn sương - kem dưỡng mắt), ボディーローション (肤露/nhuận phu lộ - kem dưỡng thể), シャンプー (发水/tẩy phát thủy - dầu gội đầu)…
Ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản du nhập vào Trung Quốc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Việc Internet trở nên phổ biến đã giúp tăng tốc ‘mốt Nhật Bản’ khắp Trung Quốc. Những từ mới như
干物女 (can vật nữ), dùng để chỉ ‘phụ nữ cá khô’ trong tiếng Nhật (những người nữ dành nhiều thời gian ở nhà, thích cuộc sống độc thân rồi trở thành cá khô). Đây là từ phổ biến ở Trung Quốc, song còn mới lạ ở Việt Nam.

Trong hệ thống chữ Kanji của Nhật Bản có những từ gọi là ‘Quốc tự’ (Kokuji) hay Hòa chế Hán tự (Wasei Kanji), tức chữ Hán do người Nhật chế ra, có thể chưa xuất hiện trong Hán ngữ (như tsuji = ngã tư đường, tōge = đỉnh đèo), song đáng ngạc nhiên là có từ giống hệt như chữ Nôm của người Việt, tuy vậy nghĩa trong hai ngôn ngữ là khác nhau : hatake (cánh đồng) trong tiếng Nhật không giống (vền, vặc, đèn) trong tiếng Việt.

Hiện nay Đại Hán - Hòa từ điển (大漢和辞典) được xem là quyển từ điển có số lượng Kanji lớn nhất ở Nhật Bản, với khoảng 50.000 từ ghép, ấn bản đầu tiên vào năm 1955-1960, gồm 13 tập, tổng cộng 13.757 trang. Tuy nhiên chỉ có khoảng 2.136 từ được xem là Thường dụng Hán tự (jōyō kanji). Phần lớn những từ thông dụng này đều xuất hiện trong từ điển Hán ngữ, đặc biệt là trong quyển Trung Hoa Từ Hải (中華字海), xuất bản năm 1994 tại Trung Quốc, chứa 85.568 từ.

Để tìm hiểu từ Hán Việt gốc Nhật có khoảng bao nhiêu từ trong tiếng Việt, ngoài những từ điển nêu trên, có lẽ chúng ta cần tìm hiểu những bộ từ điển khác, mới nhất và đầy đủ từ nhất tại Trung Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là những từ điển từ ngoại lai mà các học giả, nhà nghiên cứu Trung Quốc cung cấp để đối chiếu với kho từ vựng tiếng Việt. Chúng ta có thể tìm hiểu những từ này qua Từ điển từ ngoại lai hiện đại (现代 外来 词典) của Cao Danh Khải (高名) và Lưu Chính Đàm (劉正談) xuất bản năm 1958 ; Từ điển từ ngoại lai trong Hán ngữ (漢語外來詞詞典) của Lưu Chính Đàm - 1985 ; Từ điển từ ngoại lai trong Hán ngữ (汉语外来语词典) của Sầm Kỳ Tường (岑麒祥) - 1990 và Từ ngoại lai trong Hán ngữ (汉语外来词) của Sử Hữu Vy (史有] - 2000.

Dưới đây là một số từ Hán Việt gốc Nhật, chúng tôi có chú thích phiên âm Latin để bạn đọc dễ hình dung. Phần cuối bài viết này là phụ lục, cho thấy Bảng kê từ Hán Việt gốc Nhật :

Bách hóa điếm/cửa hàng bách hóa 百貨店 yakkaten, chính đảng 政党 seitō, chủ thể 主体shutai, công nghiệp 工業 kōgyō, dân tộc 民族 minzoku, đại hình 大型 ōgata, đầu tư 投資 tōshi, điện tử 電子 denshi, động mạch 動脈 dōmyaku, không gian 空間 kǖkan, lịch sử 歴史 rekishi, nguyên tử 原子denshi, nhập khẩu 入口 iriguchi, nông dân 農民 nōmin, quảng cáo 広告kōkoku, quốc tế 国際 kokusai, quyết toán 決算 kessan, thể dục 体育taiiku, thể thao 体操 taisō, thị trường 市場 shijō, thời gian 時間 jikan, tiểu hình 小型 kogata, trực tiếp 直接 chokusetsu, truyền nhiễm bệnh 伝染病 densenbyō, tự nhiên khoa học/khoa học tự nhiên 自然科学 shizen kagaku, tương đối 相対 sōtai, tuyệt đối 絶対 zettai, ưu thế 優勢 yǖsei, xã hội 社会 shakai, xí nghiệp 企業 kigyō, xuất bản 出版 shuppan, xuất khẩu 出口 deguchi…

Vương Trung Hiếu

(12/7/2020)

(*) : Bài viết của Giáo sư Trần Đình Sử trên FB của dịch giả Hoàng Hưng

https://www.facebook.com/nhavandoclap/posts/914582929054581

********************

Phụ lục

Bảng kê từ Hán Việt gốc Nhật

 

Âm cực 阴极, ám thị 暗示, âm trình 音程, ấn tượng 印象, ảnh tượng 影像,

Bác sĩ 博士, bác vật 博物, bạch kim 白金, bạch kỳ 白旗, bản chất , bản họa 版画, bán kính 半径, bán kỳ 半旗 (half-mast), bành trướng , bảo hiểm , bảo hòa 饱和, bất động sản 动产, bi kịch , bi quan , biến áp khí 变压器, biên chế 编制, biện chứng pháp 辩证法, biểu quyết 表决, biểu tượng 表象, bình diện 平面, bình giá 评价, bình , bối cảnh 背景, bồi thẩm viên 审员, bồi thẩm , bức xạ 辐射,

Ca kịch , cách mệnh 革命, cải biên , cải đính , cảm tính 感性, cán bộ 干部, cán sự 干事, cảnh quan 警官, cảnh sát 警察, cao trào 高潮, cao xạ pháo 高射炮, cát địa 吉地, câu lạc bộ 乐部, câu lưu 拘留, chân không 真空, chất lượng 质量, chế bản 制版, chế ngự 制御, chế tài 制裁, chi bộ 支部, chỉ đạo , chi phối 支配, chỉ số 指数, chỉ tiêu , chiến tuyến 战线, chính đảng 政党, chính sách 政策, chủ bút 主笔, chủ động , chủ nghĩa , chủ nhân 主人, chủ quan , chủ thể 主体, chung điểm 终点, chứng khoán 证券, cổ chướng 故障, cơ địa 基地, cơ điều , cố định 固定, cố định 固定, Cơ đốc giáo 基督教, Cơ đốc 基督, cơ giới 机械, cơ quan 机关, công báo , công bộc 公仆, công dân 公民, công doanh , cộng hòa 共和, công lập 公立, cộng minh , công nghiệp , công nhận , cộng sản chủ nghĩa 产主义, công tố , công trái , cụ thể 具体, cưỡng chế 强制, cương lĩnh 纲领, cuồng ngôn 狂言,

Đặc quyền , đặc vụ , đại bản dinh 大本, đại biểu 代表, đại cục 大局, đại khí 大气,đại nghị sĩ 议士, đại ngôn 代言,đàm phán 谈判, dân chủ 民主, dẫn độ 引渡,dân pháp 民法,đăng ký , đạo cụ 道具,đầu cơ 投机, đầu tư , đê áp , đê điều , đề kháng 抵抗, di truyền 遗传, dị vật 异物, địa chất , địa chất học 质学, điện ba 电波, điện báo 电报, diễn dịch , điện lưu 电流, diễn tập , diễn tấu 演奏,điện thoại 电话, diễn thuyết , điện trì 电池, điện tử 电子, diễn xuất 演出, điều kiện 条件, dinh dưỡng 营养, dung môi 溶媒,dương cực 阳极, duy tâm luận 唯心, duy vật luận 唯物, dự toán 预算, định nghĩa , đồ án 图案, đồ thư quán 图书馆, đoản ba 短波, độc bản 读本, độc chiếm 独占, độc tài 独裁, đối chiếu 对照, đối tượng 对象, đơn thuần 单纯, động cơ 动机, động lực học 动力学, động lực 动力, động lực 动力, động mạch 动脉, đồng minh 同盟, động sản 动产, động thái 动态, đồng tình 同情, động viên 动员, đức dục 德育,

Giả định 假定, giai cấp 阶级, giải phẫu 解剖, giải phóng 解放, giám định 鉴定, giản đơn 简单, giảng đàm 讲坛, giảng sư 讲师, giảng tập 讲习, giao cảm 交感, giáo dục học 教育学, giáo dưỡng 教养, giao hoán , giáo huấn , giao hưởng 交响, giáo khoa thư 教科, giao tế , giao thông 交通, giáo thụ 教授, giáo thư 觉书,

Hàn đới , hàn lưu 寒流, hàng không mẫu hạm 航空母, hệ thống , hiến binh 宪兵, hiện kim 现金, hiến pháp 宪法, hiện thực 现实, hiệp định 协定, hiệp hội 协会, hiệp nghĩa , hiệu quả 效果, hình pháp 刑法, hồ quang 弧光, hóa học 化学, hóa thạch 化石, hóa trang phẩm 妆品, hòa văn 和文, hoàn cảnh 环境, hoạt dược , học hội 学会, học lịch , học sĩ 学士, học vị 学位, hội đàm , hội kế , hội thoại , hư vô chủ nghĩa 虚无主, huấn lệnh 训令, huấn thoại 训话, huyễn tưởng 幻想, huyết sắc tố 血色素,

Kế hoạch 计划, kết hạch 结核, khắc phục 克服, khách quan , khách thể 客体, khái lược 概略, khái niệm 概念, khái quát 概括, khái quát 概括, khán thủ 看守, khẩn trương 紧张, khẳng định 肯定, kháng nghị , khí chất , khí thể 气体, khoa học 科学, khóa trình 课程, không gian , khu trục hạm 驱逐舰, khuếch tán 扩散, kịch trường 剧场, kiến tập 见习, kiến trúc 建筑, kim bài 金牌, kim cương , kim dung 金融, kim ngạch , kinh phí 经费, kinh tế học 经济学, kinh tế khủng hoảng 经济恐慌, kinh tế 经济, kỵ sĩ 骑士, kỹ sư ,

Lâm sàng 临床, lãng nhân 浪人, lãnh chiến , lãnh hải 领海, lãnh không 领空, lãnh thổ 领土, lao động tổ hợp 劳动组合, lao động 劳动, lập hiến , lập trường , loại hình , luận chiến 论战, luận đàm 论坛, luân lý học 伦理学, lực học 力学, lượng tử 量子, lưu cảm 流感, lưu thể 流体, lũy giảm 累减, lũy tiến , lý luận , lý sự 理事, lý tính 理性, lý trí 理智, lý ,

, mạch động , mạn bút 漫笔, mẫn cảm 敏感, mạn đàm , mao tế quản 细管, mật độ 密度, mệnh đề , minh xác 明确, môi chất , mục đích 目的, mục tiêu , mỹ cảm 美感, mỹ hóa 美化, mỹ thuật ,

Năng động , năng lực 能力, năng suất 能率, ngân hàng 银行, ngẫu nhiên 偶然, nghệ thuật 艺术, nghị hội 议会, nghị quyết 议决, nghị viên 议员, nghị viện 议院, nghĩa vụ 义务, nghiệp vụ 业务, ngộ tính 悟性, ngữ nguyên học 语源学, nguyên lý 原理, nguyên soái , nguyên tắc , nguyên tố 元素, nguyên tử 原子, nhã nhạc , nhân cách 人格, nhân lực xa 人力, nhân quyền , nhân tuyển , nhân văn chủ nghĩa 人文主, nhập siêu 入超, nhật trình 日程, nhị trùng tấu 二重奏, nhiệt đới 热带, nhu đạo 柔道, nhu thuật , nội các , nội cần 内勤, nội dung 内容, nội phục 内服, nội tại 内在,

Ôn độ 温度,

Phạm trù 范畴, phẩm vị 品位, phản cảm 反感, phản đối , phản động , phân giải 分解, phân phối 分配, phán quyết 判决, phân số 分数, phân tích 分析, phân tửc分子, phản ứng , phản xạ 反射, pháp đình 法庭, pháp nhân 法人, pháp luật 法律, phát minh 发明, phê bình , phép (pháp) tắc , phiếm thần luận 泛神, phối cấp , phong cầm 风琴, phong kiến 封建, phong tỏa , phong vị 风位, phóng xạ 放射, phủ định 否定, phủ nhận , phủ quyết 否决, phục chế 复制, phức quan 副官, phục viên , phục vụ , phương án 方案, phương châm , phương thức 方式, phương trình thức 方程式,

Quá độ 过渡, quân bộ 军部, quan chiếu 观照, quan điểm 观点, quan hệ 关系, quân nhu phẩm 军需品, quan niệm 观念, quân quốc chủ nghĩa 军国主义, quân tịch 军籍, quan trắc 观测, quảng cáo 广告, quang niên 光年, quảng trường 广, quang tuyến 线, quốc giáo 国教, quốc khố , quốc lập 国立, quốc sự 国事, quốc tế , quốc thể 国体, quốc thuế 国税, quy nạp 归纳, quy phạm 规范, quy tắc 规则, quyền hạn 权限, quyền uy 权威, quyết toán 决算,

Sách động , sáng tác 创作, sĩ quan 士官, sinh lý học 生理学, sinh mệnh 生命, sinh sản , sinh thái học 态学, sở đắc thuế 所得税, sự biến , sư đồ 使徒, sự vụ viên 务员,

Tá phương 借方, tác giả 作者, tác phẩm 作品, tài đoàn 财团, tài phiệt 财阀, tài , tâm lý học 心理学, tân văn ký giả 闻记者, tạp chí 杂志, tập đoàn , tập kết , tập trung 集中, tất yếu 必要, tế bào 细胞, thái dương 太阳, thái quang 采光, tham chiếu 参照, thám hiểm , thẩm mỹ 审美, thẩm phán 审判, tham quan , thẩm vấn 审问, thần kinh , thần kinh , thặng dư giá trị 剩余价, thăng hoa , thành phần 成分, thanh toán 清算, thành viên , thâu nhập 输入, thâu xuất 输出, thể dục 体育, thế giới quan 世界, thế kỷ , thể thao 体操, thi hành 施行, thị trường , Thiên chúa 天主, thiên vị 单位, thiếu tướng 少将, thiếu úy, thoái hóa 退化, thời gian 时间, thời hiệu 时效, thời kế 时计, thôi miên thuật 催眠, thôi miên 催眠, thời sự 时事, thống kê 统计, thông thái , thủ công nghiệp 手工, thứ kích 刺激, thủ tiêu 取消, thủ tục , thừa nhận , thực cảm 实感, thực quyền 实权, thương nghiệp , thương pháp 商法, thường thức , tích cực , tiến hóa luận 进化论, tiến hóa 进化, tiền tuyến 线, tiền vệ , tiền , tiết kỳ 契机, tiêu bản 标本, tiêu cực 消极, tiểu hình 小型, tiêu hóa 消化, tiêu ngữ 标语, tiêu phí , tiêu phòng 消防, tín dụng 信用, tín hiệu 信号, tín thác 信托, tình báo , tĩnh mạch 静脉, tính năng 性能, tĩnh thái , tinh thần 精神, tổ chức 组织, tổ hợp 组合, tổ hợp 组合, tọa đàm , tốc độ 速度, tốc ký , tối huệ quốc 最惠国, tôn giáo 宗教, tổng động viên 总动员, tổng hợp 综合, tổng lãnh sự 总领事, tổng lý 总理, tri thức , triển lãm hội 览会, triết học 哲学, trọng điểm 重点, trọng tài 仲裁, trực giác , trực kính直径, trực quan, trực tiếp 直接, trung tướng 中将, trường hợp 场合, trường sở 场所, trừu tượng 抽象, truyền nhiễm bệnh 传染病, tư bản 资本, tự do 自由, tư lập 私立, tư liệu资料, tử ngoại tuyến (tia tử ngoại) 紫外线, tự nhiên đào thải 自然淘汰, tư pháp 私法, tự trị 自治, tư tưởng 思想, tuần dương hạm 巡洋, tương đối , tượng trưng 象征, tưởng tượng 想象, tùy viên , tuyên chiến , tuyển cử 选举, tuyên truyền , tuyến , tuyệt đối 绝对, tỷ trọng 比重,

Vận động trường, vận động , văn hóa 文化, văn học 文学, văn khố , văn minh 文明, vật chất , vật lý học 物理学, vật lý 物理, vệ sinh 卫生, võ đài 舞台, vô sản ,

Xã đoàn , xã giao 社交, xã hội chủ nghĩa 社会主, xã hội học 社会学, xã hội 社会, xâm lược 侵略, xâm phạm 侵犯, xí nghiệp , xích , xuất bản 出版, xuất phát điểm 发点, xuất siêu 出超, xúc môi 触媒,

Y học 医学, ý nghĩa , ý thức .

Nguồn : FB Vương Trung Hiếu, 12/07/2020

*******************

Từ Hán Việt gốc Nhật trong tiếng Việt - Tiếp nhận văn hóa phương Tây qua ngôn ngữ Bắc Á

Trần Đình Sử, Văn Việt, 10/07/2020

1. Tiếng Việt có một vốn từ Hán Việt rất lớn. Tuy chưa có con số thống kê thật xác định, song các nhà ngôn ngữ học ước lượng số từ đó chiếm khoảng 60-80% từ vựng tiếng Việt, theo con số ngày nay thì chỉ 35, 15%. Trong số từ Hán Việt tiếp thu từ nhiều thời điểm, nhiều nguồn, có một loạt từ Hán Việt, tuy tiếp thu chủ yếu qua con đường sách báo Trung Quốc, nhưng lại có nguồn gốc Nhật Bản. Chính người Trung Quốc cũng xem chúng là từ ngoại lai gốc Nhật của Hán ngữ.

unnamed2

Từ Hán Việt gốc Nhật đánh dấu một bước phát triển mới của từ Hán Việt, xuất hiện vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX nhằm tiếp nhận các từ ngữ, thuật ngữ triết học, tư tưởng, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên của phương Tây, những lĩnh vực mà văn hóa Đông Á vốn thiếu. Muốn tiếp nhận văn hóa phương Tây thì khâu đầu tiên là phải dịch, dịch thế nào là một khâu không đơn giản. Nó đòi hỏi một ý thức khoa học và tinh thần sáng tạo. Người Nhật tiếp nhận đầu tiên, sau đến người Hoa rồi đến người Việt. Người đi sau thừa hưởng thành quả người đi trước, và thế là chúng ta có từ Hán Việt gốc Nhật. Đó là những từ nào, số lượng bao nhiêu, có đặc điểm gì, đến nay vẫn chưa có tài liệu đề cập đầy đủ. Trong bài viết này, chúng tôi sơ bộ cung cấp vốn từ đó và nêu lên một vài nhận xét bước đầu.

2. Người Trung Quốc trong quá trình tiếp xúc với phương Tây đã có những cuốn từ điển do các cha cố đạo Kitô soạn để dịch các từ ngữ phương Tây ra tiếng Hán, ví như tự điển Anh Hoa năm 1815, tuy nhiên, phải đến thời kì cận đại do nhu cầu học tập văn minh phương Tây thì hoạt động dịch thuật mới gia tăng khác thường. Trong lĩnh vực này người Nhật là một bậc tiên phong. Theo tài liệu của Kế Thu Phong và Chu Khánh Bảo trong sách Lịch sử cận đại Trung Quốc, quyển 1 cho biết thì lưu học sinh Trung Quốc ở Nhật đến năm 1906 đã có 13.000 người. Sách và bài báo dịch từ Nhật sang tiếng Trung trong khoảng 1902 - 1904 có 573 đơn vị chiếm 62,2% trong tổng số tài liệu dịch nước ngoài thời gian ấy, dịch từ Anh chỉ 10,7%, dịch từ Mĩ chỉ 6, 1%. Một ví dụ đó cũng có thể suy ra ảnh hưởng của Nhật đối với Trung Quốc cận đại to lớn biết chừng nào. Tình hình đó làm cho từ ngữ hiện đại trong tiếng Nhật được tiếp thu hàng loạt.

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, các từ ngữ, thuật ngữ khoa học xã hội và nhân văn Trung Quốc hiện đại có tới 70% nhập từ tiếng Nhật (1). Tác giả Vương Bân Bân nói : "Ngày nay hàng loạt khái niệm mà người Trung Quốc dùng để cao đàm khoát luận, bàn đông nói tây, phần lớn là từ ngữ do người Nhật làm ra cả". Lúc đầu người Trung Quốc, qua Nghiêm Phục, thường dịch theo lối phiên âm theo kiểu Lư ThoaMạnh đức tư cưuNã Phá Luân. Ví dụ, rhetorique thì dịch là "lôi thỏa loại khắc", romantism thì dịch là "la mạn thế khắc", inspiration dịch là "yên sĩ phi lí thuần", telephone dịch là "đức luật phong", club dịch là "câu lạc bộ", cholera dịch là "hổ liệt la"…

Một cách dịch khác là dịch nghĩa, ví dụ, individual dịch là "cá nhân độc nhất giả", "các thù chi nhân thân", "tư nhân", "độc nhất nhân", sau mới dịch là "cá nhân" ; indidualism sau mới dịch là "chủ nghĩa cá nhân" ; social dịch là "quần", sociologie dịch là "quần học", economie dịch là "lí tài", evolution dịch là "thiên diễn", capital dịch là "mẫu tài", philosophie dịch là "học lí", metaphysique dịch là "huyền học"…

Vương Bân Bân nhận xét, "Cùng một từ mà người Trung Quốc dịch phần lớn đều thất bại, còn người Nhật dịch thì thành công". Sau năm 1917 người Nhật Tá Tá Chính Nhất dịch inspiration là "linh cảm", thế là người Trung Quốc dùng theo. Cũng vậy Trung Quốc vốn không có từ thần thoại. Người Nhật dịch myth thành "thần thoại", năm 1903 người Trung Quốc là Tưởng Quan Vân mang về, thế là Trung Quốc có từ thần thoại từ năm ấy. Đặc biệt, đuôi "ism" người Nhật dịch thành "chủ nghĩa", tức là lấy một "nghĩa" nào đấy làm chủ, thế là tạo thuận lợi lớn cho chúng ta ngày nay dịch các từ tương tự. Cái khó ở đây là không phải phiên âm, không phải giải thích, mà là chuyển từ từ tiếng Tây sang một từ mới trong tiếng Nhật. Người Nhật có sáng kiến dùng yếu tố Hán để cấu tạo từ mới. Do dùng yếu tố Hán cho nên người Hán dùng được mà người Việt cũng dùng được. Đồng thời họ cũng thể hiện những nguyên tắc để người ta có thể dựa theo đó mà cấu tạo nhưng từ mới khác.

Dựa vào Từ điển từ ngoại lai tiếng Hán (do các tác giả Lưu Chính Đàm, Cao Danh Khải, Mạch Vĩnh Càn, Sử Hữu Vi biên soạn từ năm 1958, hoàn thành năm 1978, xuất bản năm 1984 tại Nhà xuất bản Từ Thư, Thượng Hải), chúng tôi xác định có trên 350 từ gốc Nhật ngày nay vẫn được sử dụng trong tiếng Việt. Chúng tôi sơ bộ phân loại theo các lĩnh vực đời sống để thấy vị trí của chúng. Các từ sẽ được sắp xếp theo thứ tự A, B, C…

a. Các từ xã hội, chính trị, quân sự :

biên chế, biểu quyết, bình giá, bối cảnh, bồi thẩm viên, cách mạng, cán bộ, cán sự, cảnh sát, cao trào, cao xạ pháo, câu lạc bộ, chi bộ, chỉ đạo, chỉ thị, chiến tuyến, chính đảng, chính sách, chính phủ, chủ nghĩa, công dân, công nhận, công tố, cộng hòa, cộng sản chủ nghĩa, cơ quan, cơ đốc, cơ đốc giáo, cương lĩnh, dân chủ, đại bản doanh, đại biểu, đại cục, đàm phán, đảng, đặc quyền, đặc vụ, đăng kí, đề kháng, độc chiếm, độc tài, đồng tình, động cơ, động viên, đơn vị, giai cấp, giải phóng, giải quyết, giám định, giao thông, hàng không mẫu hạm, hiến binh, hiến pháp, hiệp định, hiệp hội, hiệu quả, hội đàm, kế hoạch, kháng nghị, kỉ luật, kĩ sư, kiên trì, kinh tế, lãnh thổ, lao động, lập hiến, lập trường, lý tưởng, mục đích, mục tiêu, nguyên soái, nguyên tắc, nghị quyết, nghị viện, nghĩa vụ, nhân quyền, nhân văn chủ nghĩa, nội các, phán quyết, phản bội, phản động, pháp luật, phần tử, phong kiến, phục vụ, phương châm, quan điểm, quan hệ, quân nhu, quy phạm, quốc giáo, quốc lập, quốc tế, quốc thể, quyền hạn, quyền uy, sĩ quan, tập đoàn, tập kết, tập trung, tổ chức, thành viên, thẩm phán, thẩm vấn, thế kỉ, thi công, thi hành, thị trưởng, thiếu tướng, thiếu úy, thống kê, thời sự, thủ tiêu, thủ tục, thừa nhận, thực nghiệp, thực quyền, tiền tuyến, tiến triển, tình báo, tổ chức, tôn giáo, tổng động viên, tổng lãnh sự, tư bản, tư sản, chủ nghĩa, trọng điểm, trọng tài, trung tướng, tùy viên, tư bản, tự do, tuyên chiến, tuyên truyền, tuyển cử, tư pháp, xã giao, xã hội, xã hội chủ nghĩa, xâm lược, xâm phạm, xuất phát điểm, vô sản

b. Các từ thương nghiệp, kinh tế :

bảo hiểm, bất động sản, cố định, công nghiệp, công trái, dự toán, đầu cơ, đầu tư, điện báo, điện thoại, điện tử, động sản, kim ngạch, kinh doanh, ngân hàng, nhập khẩu, nhập siêu, phân phối, quảng cáo, quốc khố, tài vụ, tài phiệt, thanh toán, thị trường, thủ công nghiệp, thương nghiệp, tiêu phí, tín dụng, tối huệ quốc, xuất khẩu, xuất siêu

c. Các từ triết học :

tâm lý học, ám thị, ấn tượng, bản chất, bi quan, biện chứng pháp, biểu tượng, cảm tính, chất lượng, chủ động, chủ quan, chủ thể, cơ chất, cụ thể, dị vật, diễn dịch, đạo đức, định nghĩa, đơn thuần, giả định, gián tiếp, giản đơn, giao tế, hiện thực, hiện tượng, hình nhi thượng, hoàn cảnh, hư vô chủ nghĩa, khách quan, khách thể, khái niệm, khái quát, khẳng định, khí chất, không gian, kí hiệu, kinh nghiệm, lí luận, lí tính, lí trí, luận chiến, mệnh đề, năng động, năng lực, nội dung, nội tại, ngẫu nhiên, ngoại tại, nguyên động lực, nguyên lý, nguyên tắc, nguyên tố, phạm trù, pháp tắc, phân giải, phân tích, phủ định, phủ nhận, phương thức, quá độ, quan niệm, quy nạp, tự nhiên, tất nhiên, tất yếu, thẩm mĩ, thế giới quan, thoái hóa, thời gian, tích cực, tiền đề, tiến hóa, tiến hóa luận, tiêu cực, tín hiệu, tinh thần, tính năng, tổng hợp, tuyệt đối, tư tưởng, tự hào, tương đối, tưởng tượng, triết học, trực giác, trực quan, trực tiếp, trừu tượng, vật chất, xí nghiệp, ý thức, yếu tố

d. Các từ khoa học, giáo dục :

âm cực, bác sĩ, bạch kim, bán kính, bão hòa, bức xạ, chân không, chỉ số, cơ giới, di truyền, diễn tập, dinh dưỡng, dương cực, địa chất, địa chất học, điện khí, động lực học, động mạch, đức dục, giả định, giải phẫu, giáo dục học, giáo khoa thư, hệ thống, hóa học, hóa thạch, học hội, học vị, huyết sắc tố, khoa học, khoa mục, khóa trình, khuếch tán, kích thích, kim cương, kiến tập, lí luận, loại hình, luân lý học, luận lý học, lũy tiến, lực học, lượng tử, mẫn cảm, nghiệp vụ, nguyên tử, ngữ nguyên học, nhân cách, ôn độ, phản ứng, phản xạ, phát minh, phê bình, phóng xạ, phương án, phương trình, quan trắc, quang tuyến, sinh lý học, số học, tâm lý học, tế bào, thám hiểm, thành phần, hăng hoa, thần kinh, thần kinh giao cảm, thể dục, thể thao, thôi miên, thường thức, tỉ trọng, tiêu bản, tiêu hóa, tĩnh mạch, tổ hợp, tốc độ, truyền nhiễm, trường hợp, vận động, vật lí, vệ sinh, xã hội, xã hội học, y học, ý nghĩa.

e. Các từ về văn hóa nghệ thuật :

bi kịch, ca kịch, cải biên, chế bản, chủ bút, diễn tấu, diễn thuyết, diễn xuất, đạo cụ, đăng tải, đồ án, giao hưởng, hội thoại, kí giả, kí lục, kị sĩ, kịch trường, kiến trúc, mạn đàm, mĩ cảm, mĩ hóa, mĩ thuật, mĩ học, nghệ thuật, nguyên tác, quảng trường, sáng tác, tác giả, tác phẩm, tạp chí, tân văn, tu từ học, tham quan, thần thoại, tọa đàm, tốc kí, triển lãm, tư liệu, văn hóa, văn học, văn học khái luận, văn học sử, văn minh, vũ đài, xuất bản.

Các từ ngữ trên đã cho chúng ta tiếp xúc với hệ thống tri thức nhiều mặt của thế giới phương Tây. Nếu thiếu chúng thì không thể tưởng tượng làm thế nào để chúng ta chiếm lĩnh được các tri thức ấy và làm thế nào để hội nhập với thế giới hiện đại.

Qua, các bảng trên đây có thể thấy rõ các từ ngữ về xã hội, chính trị, khoa học, triết học, giáo dục chiếm một số lượng rất lớn, đánh dấu sự trưởng thành của ý thức xã hội về các mặt ấy. Để thấy sự tiếp nhận này chúng ta có thể so sánh với Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Của thì sẽ thấy nhiều từ trên đây không có mặt, hoặc nếu có thì dùng theo nghĩa cổ xưa. Ví dụ không có các từ như mĩ thuậtmĩ học, nghệ thuậttriết họcvăn hoávăn minhkinh tế

Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh đã có nhiều từ vựng hơn, song về nghĩa cũng còn rất nhiều chữ giải thích theo nghĩa cũ. Tuy nhiên chúng tôi xin phép chưa đi sâu vào phương diện này.

3. Số từ Hán Việt gốc Nhật trên đây được tiếp nhận từ từ Hán gốc Nhật trong một thời gian dài. Có những từ tiếp nhận từ đầu thế kỷ như cách mạngthực nghiệptự dotiến hóa… Các từ giai cấplập trườngvô sản… tiếp nhận từ những năm hai mươi, các từ khoa họcgiáo dục thì muộn hơn. Có từ như chế bảnkí hiệu học thì chắc là du nhập gần đây.

4. Không phải mọi từ Hán gốc Nhật đều được người Việt vay mượn để chuyển thành từ Hán Việt gốc Nhật. Ví dụ, từ Hán gốc Nhật nhân lực xa, do tiếng Việt có từ xe tayxe kéo cho nên không vay mượn nữa. Từ Hán gốc Nhật có bi kịchhỉ kịchlãnh thổlãnh khônglãnh hải… nhưng tiếng Việt chỉ vay mượn bộ phận và sáng tạo thêm theo cách của mình. Ví dụ, người Việt chỉ mượn từ bi kịch, còn hỉ kịch thì gọi là hài kịch, thích hợp hơn là hỉ kịch, vì hài kịch không đơn giản là kịch vui. Người Việt chỉ dùng từ lãnh thổ, còn lãnh hảilãnh không thì trước đây gọi là hải phậnkhông phận, nay gọi là vùng biểnvùng trời.

Số lượng từ Hán gốc Nhật không được sử dụng còn khá nhiều. Ví dụ tiếng Việt nói thất tình (không dùng thất luyến), sản xuất (không dùng sinh sảnsinh sản mang nghĩa khác), nhân viên (không nói sự vụ viênthư viện (không dùng đồ thư quán), v.v. chứng tỏ tiếng Việt có cách lựa chọn riêng.

5. Các từ Hán Việt gốc Nhật có hai loại chủ yếu sau :

a. Một loại gồm các từ do người Nhật sử dụng yếu tố Hán để tạo ra từ của mình nhằm phiên dịch, diễn đạt các khái niệm mới về khoa học, giáo dục, chính trị, xã hội như các từ chính đảnggiai cấptuyên truyềncông dândân chủxã hội chủ nghĩahư vô chủ nghĩatế bàochân không… Loại này đều mang một hàm nghĩa hiện đại xác định, không gây nhầm lẫn, hiểu lầm nào.

b. Loại thứ hai gồm các từ người Nhật vay mượn từ của Trung Quốc từ nguồn thư tịch cổ rồi phú cho nó một ý nghĩa mới như văn minhvăn hóacách mạngvăn họctưởng tượngtinh thầnpháp luậtphân tíchphân phốiphép tắc… Những từ này đối với người Trung Quốc, cũng như đối với người Việt Nam, chúng vừa quen lại vừa lạ, và do đó nhiều khi không nhận ra cái nghĩa ngoại nhập mới mẻ của nó.

Ví dụ hai chữ cách mạng, trong Kinh Dịch có câu : "Thiên địa cách nhi tứ thời thành, Thang Vũ cách mạng, thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân - Trời đất đổi thay mà thành bốn mùa, Thang Vũ đổi thay mệnh thuận theo trời mà ứng theo người". Nhưng cách mạng trong ý nghĩa hiện đại hoàn toàn khác : đó là một cuộc đổi thay lớn, trọng đại trong công cuộc cải tạo xã hội và thiên nhiên, một cuộc nhảy vọt từ chất cũ sang chất mới, chứ không phải đổi thay thông thường, như mùa này thay mùa kia. Đây là từ người Nhật dùng để dịch ý từ tiếng Anh revolution.

Lại ví dụ từ văn hóa trong tiếng Hán cổ chỉ "văn tự, giáo hóa". Người Nhật dùng từ này để dịch ý từ tiếng Anh culture tức là chỉ toàn bộ các giá trị tinh thần và vật chất mà con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử của mình. Ông Đặng Thai Mai đã nói về cảm nhận quen mà lạ đối với từ này như sau : "Danh từ "văn hóa" chúng ta đã mượn ở tiếng Tàu - người Tàu lấy hai chữ này ở sách cổ - bộ Kinh Dịch để phô diễn một khái niệm mới của khoa học hiện đại… Vậy muốn có ý niệm xác đáng, ta phải công nhận cho chữ "văn hóa" hiện thời một nghĩa mới, nguồn gốc tự Tây phương" (2). Ông không nghĩ rằng đây là một từ dịch từ tiếng Tây.

Từ văn học lại càng thú vị. Đây là từ người Nhật dùng để dịch từ tiếng Anh literature, với hàm nghĩa là chỉ các tác phẩm dùng ngôn ngữ, văn tự làm công cụ để biểu hiện một cách hình tượng đời sống con người, bao gồm thơ ca, tiểu thuyết, tản văn, kịch, kí. Trong Luận ngữ có câu : "Văn học, Tử Du Tử Hạ" thì văn học được dùng với nghĩa là học vấn uyên bác, biết nhiều về văn hiến, không dính dáng gì với ý nghĩa hiện đại. Theo một số tài liệu khảo chứng cho biết, năm Minh Trị thứ 16, tức năm 1883 Trung Giang Triệu Dân dịch cuốn Duy thị mĩ học, lần đầu tiên đem từ esthetique dịch thành mĩ học, năm 1884, dịch từ rhetorique thành tu từ học, năm 1886 lại dịch từ literature thành văn học. Lương Khải Siêu từng ở Nhật, hấp thu từ văn học của Nhật, cho nên trong trước tác của ông hai chữ văn học khi thì chỉ học vấn, khi thì chỉ văn học bao gồm tiểu thuyết và kịch, một ý nghĩa mà người Trung Quốc xưa không bao giờ nghĩ đến. Nhà nghiên cứu Nhật Tá Đằng Nhất Lang cho rằng đó là do ảnh hưởng của Nhật (3).

Ở Việt Nam có lẽ ông Võ Liêm Sơn là người sớm nhất nhận ra cái nghĩa mới của từ đó. Năm 1927, ông viết : "Danh từ văn học bây giờ người Tàu, người Nhật chỉ dùng theo nghĩa mới, nghĩa hẹp, cũng như hai chữ mỹ văn (belles lettres), nhưng là thứ văn có tình cảm, mĩ cảm, thuộc về phạm vi nghệ thuật chứ không gồm cả bao nhiêu văn tự kĩ thuật khác, nó thuộc về phạm vi khoa học" (4) và các tác giả đương thời sử dụng hai chữ này theo nghĩa mới một cách tự nhiên. Ví dụ Phạm Quỳnh viết Văn học nước Pháp (1921). Phan Khôi viết Tục ngữ, phong dao và địa vị của nó trong văn học (1939). Nguyễn Thị Kiêm viết Nữ lưu với văn học (1932). Các tập văn học sử của các tác giả đương thời như Nguyễn Đổng Chi, Dương Quảng Hàm… đều dùng hai từ văn học. Ông Đặng Thai Mai cũng viết : "Dưới ảnh hưởng của tư triều Âu, Mĩ, hai chữ văn học ngày nay đã bao hàm một ý nghĩa khác hẳn nghĩa đen ngày xưa của nó" (5).

Loại từ thứ hai này chỉ là một lối vay mượn từ có sẵn từ xưa để dịch nghĩa một từ mới của các nước, đó là một ước lệ, thiết nghĩ nên hiểu theo nghĩa mới đó trong dòng chảy của từ vựng.

Từ Hán Việt gốc Nhật là một phạm vi từ rất đặc biệt. Nó phản ánh các mối quan hệ văn hóa đặc thù của các nước châu Á trong tư triều Âu Mĩ hiện đại. Nhật chịu ảnh hưởng văn hóa Hán và đã tác động trở lại tiếng Hán. Người Việt qua sách vở Trung Quốc mà tiếp thu từ mới của Nhật và qua đó mà tiếp thu văn hóa phương Tây.

Việc xác lập các từ có nguồn gốc Nhật sẽ góp phần để xác lập các từ Hán Việt gốc Việt, do người Việt sáng tạo ra. Nhưng đó sẽ là một vấn đề khác.

Trần Đình Sử

Nguồn : Văn Việt, 10/07/2020

Chú thích :

(1) Vương Bân Bân : Mối quan hệ giữa từ vựng Trung Quốc cận đại với Nhật Bản

(2) Đặng Thai Mai, Nguyễn Hữu Đang : Định nghĩa hai chữ văn hóa / Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam (1900-1945), T.5, H. Văn học, 1997, tr.327.

(3) Tá Đằng Nhất Lang : Trung Quốc văn chương luận, Thượng Hải cổ tịch, 1996, tr.250.

(4) Võ Liêm Sơn, Văn học và xã hội/ Thơ văn Võ Liêm Sơn, Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, Vinh, 1993, tr.135.

(5) Văn học khái luận, 1944/ Tuyển tập phê bình nghiên cứu văn học 1900-1945, T.5, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1997, tr.288.

Lưu Chính Đàm, Cao Danh Khải, Mạch Vĩnh Càn, Sử Hữu Vi biên soạn, Hán ngữ ngoại lai từ từ điển, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1984, 423 tr. (đã đăng Tạp chí Hán Nôm, số 2 năm 1999).

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Vương Trung Hiếu, Trần Đình Sử
Read 1209 times

3 comments

  • Comment Link Van Huy NGUYEN mercredi, 15 juillet 2020 00:06 posted by Van Huy NGUYEN

    Anh Hoàng Trường Sa kính mến, cảm ơn anh đã nhắc nhở về bài thơ Nam quốc sơn hà. Thành thật xin lỗi, đây là một lỗi kỹ thuật vì đưa lộn hình. Tôi đã chỉnh sửa lại.
    Kính mến,
    Nguyễn Văn Huy
    nguyenvanhuy@numericable.fr
    PS rất mong đón nhận những bài viết của anh về bảo đảm và chữ Hán Nôm

  • Comment Link Hoàng Trường Sa mardi, 14 juillet 2020 23:19 posted by Hoàng Trường Sa

    Trong bài chủ của tác giả Vương Trung Hiếu có đề cập đến ảnh từ vannghecuocsong của bản thư pháp chữ Hán của bài thơ thần "Nam quốc sơn hà", nhưng không hiện ra. Thay vào đó là bảng chữ Kanji của Nhật Bản (Japanese Kanji).

    Tôi xin mạo muội được bổ túc bằng link sau đây có ảnh này:
    https://vov.vn/blog/xin-dung-ghe-lanh-tu-han-viet-545248.vov

  • Comment Link Hoàng Trường Sa mardi, 14 juillet 2020 00:12 posted by Hoàng Trường Sa

    Xin chân thành cám ơn tác giả Vương Trung Hiếu về bài viết rất hay này.
    Kính mong tác giả cho biết từ “chất lượng” có phải là từ Hán Việt gốc Nhật như đã viết trong bài, cũng như trong bài của Giáo sư Trần Đình Sử.
    Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cách chuyển ngữ từ tiếng Trung qua tiếng Nhật bằng Google Translation đã cho kết quả như sau:

    Tiếng Trung 质量 (Zhìliàng, chất lượng) đổi qua tiếng Nhật là 品質 (Hinshitsu, phẩm chất).

    Xin cám ơn ông trước.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)