Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

06/10/2020

Vô luận 5 : Vô phương – vô pháp

Lê Hữu Khóa

Vô phương – vô pháp

Vô minh sinh vô tri, tạo vô giác, dựng vô cảm, xây vô tâm

voluan1

 

Vô học – vô hậu : vô phương – vô pháp

 

Với thế giới ngày nay có văn minh dân chủ, có văn hiến nhân quyền, chúng ta hãy cùng nhau xem lại giáo trình của trung học phổ thông dành cho thiếu niên với giáo lý, giáo luận, giáo dục có tiến bộ khoa học làm rường cột cho kiến thức khách quan ; với giáo khoa, giáo trình, giáo án có phát triển tri thức, đã có từ lâu tại các quốc gia phương tây là Tây Âu và Bắc Mỹ, mà bao năm nay các quốc gia tiến bộ tại châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… đã cập nhật :

- Khoa học tự nhiên (science naturelle), nơi mà sự sống của nhân loại được nghiên cứu và khai phá cùng với các tri thức về thực vật, về vật lý, về hóa học nơi mà phân tích khách quan với chứng minh cụ thể sẽ xóa, sẽ dẹp mọi tà tri của mê tín, mọi mê lộ của dị đoan, mọi tà kiến của cuồng tín.

- Khoa học đời sống (science de la vie), nơi mà mọi sinh vật được phân giải cặn kẻ từ thượng nguồn về sự ra đời, tới phân tích chặt chẽ tại trung nguồn về sự phát triển và trưởng thành, để có giải thích tại hạ nguồn sự sống và sự chết. Tại đây khoa học chối bỏ mọi quyền năng siêu hình, tại đây các khám phá khách quan phủ nhận mọi quyền lực cuồng tín đã lý giải sự sống và sự chết không bằng chứng từ khoa học để thực chứng chính xác bằng chứng minh kiểm nghiệm được.

- Khoa học trái đất (science de la terre), vừa có tri thức về quả địa cầu với môi trường cùng môi sinh làm nên sự sống, có địa chất học song hành cùng địa lý học, tri thức về môi trường học song lứa cùng kiến thức của thiên văn học… Tại đây, các định đề về thượng đế sáng tạo ra muôn loài, muôn vật được xét lại, xem lại, cụ thể là được kiểm lại bằng khoa học thực nghiệm, được tra lại bằng khoa học có thí nghiệm ; nơi mà cuồng tín lẫn cuồng đạo đều không có chỗ đứng ghế ngồi trong quá trình khách quan hóa của khoa học.

- Khoa học nhân văn và xã hội (sciences humaines et sociales), với tri thức của triết học, văn học, ngôn ngữ học trong nhân văn, song cặp cùng dân tộc học, xã hội học, sử học trong xã hội, đã được kết tinh để khai sáng tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức văn hóa, tổ chức giáo dục, nơi mà nhân tri phục vụ cho nhân sinh, nơi mà nhân trí phục vụ cho nhân loại. Tại đây, độc tài trong lạm quyền, cuồng đạo trong lộng quyền đều được đạo đức học và luật học khảo, tra, khám, nghiệm trong các định luận về nhân quyền và dân chủ, nên độc tài và cuồng tín bị mổ xẻ sâu trong cái vô học, bị vạch trần trong cái vô hậu của chúng.

Giáo lý, giáo luận làm nên giáo khoa, giáo trình, giáo án của hệ thống giáo dục tại các quốc gia có văn minh dân chủ, có văn hiến nhân quyền, họ đã thành công khi chuẩn bị rồi trang bị cho thiếu niên, thiếu nữ những kiến thức rồi tri thức từ khoa học tới kỹ thuật, từ định chế chính trị với tam quyền phân lập tới tổ chức xã hội có phát triển kinh tế, có phát huy văn hóa, chuyện trong ấm ngoài êm của nhân sinh là tùy thuộc vào hệ thống giáo dục có học có hậu này.

Ngược lại, chế độ độc đảng toàn trị hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam với vốn vô học song cặp cùng vô học trị ; với tuyên truyền trị song lứa cùng ngu dân trị ; tất cả đều dưới trướng của tà tướng công an trị song hành cùng tham nhũng trị, thì đây là con đường nghịch chiều trái hướng với có học có hậu, nên nó mới mang tên là vô học hậu :

- Nếu các khám phá của các chuyên ngành khoa học thực nghiệm kể trên của nhân loại đã song hành cùng các khai sáng của các chuyên nghành khoa học nhân văn và xã hội không có đầy đủ trong giáo trình của trung học mà thay vào đó là một loại giáo trình buôn gian bán lận qua môn sử học, thay trắng đổi đen trong văn học ; thì tuyền truyền trị là một khuyết não của vô học sẽ tạo ra khuyết tật nặng nề của vô học trị trong vô hậu.

- Những tuyên truyền dựa trên hư cấu : về Lê Văn Tám, về Võ Thị Sáu, về Nguyễn Văn Bé… từ sử học tới văn học chỉ là loại âm kiến trong ma thức. Nơi mà sử học phải đóng vai phản diện để tuyên truyền trị ăn gian nói dối, nơi mà văn học phải cam nhận vai mồn loe mép giải để ngu dân trị múa gậy giữa vườn hoang.

Đây không phải là giáo dục, vì nó trống giáo lý, rỗng giáo luận, nên nó phải gian trong giáo khoa, lận trong giáo trình, lậu trong giáo án. Một chính quyền liêm chính với một Bộ Giáo dục có liêm sỉ thì :

- Hãy so sánh hệ thống giáo dục của độc đảng toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam với các hệ thống giáo dục của các quốc gia có văn minh dân chủ, có văn hiến nhân quyền của Tây Âu và Bắc Mỹ, rồi so sánh tiếp với các hệ thống giáo dục của các quốc gia tiến bộ của châu Á hiện nay : Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapour… để bỏ tuyên truyền trị, để bứng ngu dân trị, để xóa vô học trị theo lời dặn của tổ tiên Việt : làm đầy tớ người khôn hơn làm thầy người dại.

- Hãy ra sức học hỏi bằng cách tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội luận có tầm vóc hiện đại của giáo lý, giáo luận, giáo dục ; có bản lĩnh văn minh của giáo khoa, giáo trình, giáo án với các lãnh đạo, với các chuyên gia của các quốc gia Tây Âu, Bắc Mỹ, mà không quên các quốc gia tiến bộ của châu Á hiện nay. Thấy chuyện so ra mới biết ngắn dài, để thấu chuyện biết người biết ta, để bỏ thói cả vú lấp miệng em của độc đảng trị.

- Hãy biết chung-để-chia với tiến bộ khoa học bằng cách bỏ tuyên truyền trị, hãy sống chia-để-chung với văn minh dân chủ, mà bứng ngu dân trị, hãy biết sống đúng để sống trúng với văn hiến nhân quyền mà nhổ đi vô học trị.

Từ đó học làm người không theo mô thức giáo luận của tổ tiên Việt :

Người khôn chưa đắn đã đo

Chưa ra tới biển đã dò nông sâu.

Từ đó tránh được nhục vị, xa được tồi thế của đứa dại mỗi khi phải va đầu chạm trán với người khôn :

Người khôn ăn nói nửa lời

Để cho đứa dại nửa lo nửa mừng.

Nếu lãnh đạo mà thâm căn cố đế trong vốn vô học thì có lẽ chỉ là một cái lỗi ! Nếu lãnh đạo mà cố tình cố ý sử dụng tuyên truyền trị, vận dụng ngu dân trị, tận dụng vô học trị để áp đặt lên dân tộc, lên giống nòi, lên các thế hệ tương lai. Đây là một cái tội, một tội ở cấp quốc gia : tội đồ của dân tộc, tội phạm trước giống nòi, tội nhân trước tiền đồ của tổ tiên Việt.

Vô trương bất tín, thấy mới tin không thấy không tin, đây là quy trình của giáo lý, giáo luận, giáo dục biết "trồng người" bằng quá trình của giáo khoa, giáo trình, giáo án ; các học sinh thiếu niên cấp trung học sơ cấp rồi phổ thông được học-để-hiểu và thấy-để-thấu về các điều hay lẽ phải qua thể loại đặc thù làm nên đặc điểm của thế kỷ khai sáng XVII và XVIII :

- Truyện triết luận (conte philosophique), như tác phẩm Candite của Voltaire.

- Văn phê phán (pamthlet), như tác phẩm De l’homme dangereux-La lecture của Voltaire.

- Tự điển triết học (dictionnaire philosophique) của Voltaire.

- Tùy bút (essai), như tác phẩm L’origine de la langue của Rousseau.

- Tiểu thuyết qua thư (roman épistolaire), như tác phẩm Lettres persanes của Montesquieu.

- Kịch thuật (théâtre), như tác phẩm kịch Le mariage de Figaro của Beamarchais.

- Truyện đối thoại (dialogue) như tác phẩm Supplément de voyage au Bougainville của Diderot.

- Tự điển bách khoa (encyclopédie) như công trình tự điển của Diderot.

Khi học sinh trung học tuổi thiếu niên được học giáo lý, giáo luận, giáo dục, giáo khoa, giáo trình, giáo án để chuẩn bị "thành người", thì thông điệp "được làm người" có trong tất cả các thể loại này, mà mẫu số chung là :

- Cái tới từ kiến thức là của chung toàn nhân loại, không ai có độc quyền về kiến thức.

- Cái có từ kiến thức soi sáng sự khoan dung, sẽ dẹp được cuồng tín và cuồng quyền.

- Cái dựa vào kiến thức là con đường đi tới tự do, đây là căn bản của dân chủ.

- Cái có cơ sở của kiến thức là con đường để mưu cầu hạnh phúc đây là chân trời của nhân quyền.

Nếu học sinh và sinh viên của hệ thống giáo dục hiện nay tại Việt Nam không được học cái lý của khoa học làm nên kiến thức, từ đó cái lý của dân chủ làm nên kiến thức công bằng, thì ý đồ cờ gian bạc lận qua tuyên truyền trị là chặn vừa kiến thức, vừa tự do để đổi trắng thay đen trong ngu dân trị là ngăn lộ trình mưu cầu hạnh phúc bằng vô học trị để trừ khử rồi loại bỏ nhân quyền.

 

voluan2

 

Vô học – vô hậu : vô dũng – vô kiệt

 

Chính trị học thực nghiệmxã hội học chính trị cùng hiểu ra là một vài cá nhân đại diện cho nhân trí có thể đưa cả nhân loại nhiều triệu người, rồi nhiều tỷ người vào không gian ánh sáng của nhân tri, đây mới thật là cuộc cách mạng khai thị nhân kiếp để khai thông nhân loại, đúng nghĩa là một cuộc cách mạng thay đời đổi kiếp, theo hướng thăng hoa từ nhân quyền tới nhân phẩm. Nên chính trị học thực nghiệm và xã hội học chính trị mới nhận ra là trong định lượng có đính chất : chỉ cần 5% công dân nổi lên chống bất công của bạo quyền là một chế độ có thể bị thay đổi ; và chỉ cần 10% công dân nổi lên chống tham nhũng của tà quyền là một độc đảng có thể bị lật đổ ! Giải luận : chỉ trong một sớm một chiều, rồi bị cuốn phăng đi như rác rưởi của hoạn sử !

Hãy trở lại giáo trình về thế kỷ XVIII của ánh sáng nhân tri và nhân trí dành cho thiếu niên thời học sinh trung học từ sơ cấp lên phổ thông tại các quốc gia hiện nay đã có văn minh dân chủ và văn hiến nhân quyền, thì các em học sinh này được thấy, được đọc, được học, được hiểu, được thấu ngay những trang đầu trong lời chương dẩn nhập để của bộ tự điển bách khoa (encyclopédie) của Diderot những lý luận sau đây :

- Quyền lực của lãnh đạo thì ép uổng được sự phục tùng của những kẻ phục vụ nó ; và quyền lực này không có nghĩa lý gì không nghĩa lý gì, khi nó không được dân bầu ra. (Đây không phải là nhân tri của dân chủ đang lột mặt nạ của bạo quyền thì còn là gì nữa ?).

- Quyền có tự do là quyền của mỗi cá nhân, vận dụng tự do cá nhân để khai sáng chính nhân trí của mình, để biết tự bảo vệ mình. (Đây không phải là nhân tri của nhân quyền để tự phòng thân, lập thân, tiến thân còn là gì nữa ?).

- Quyền lực tới cuồng tín tạo ra cuồng quyền, tới tự mê tín, dị đoan, nó không tới từ cái lý biết lý luận, nên nó cường điệu trong cuồng loạn, nó bạo động trong dã man. (Đây không phải là nhân tri chống ngu dân trị, nhân trí chống vô học trị thì còn là gì nữa ?).

- Quyền lực chính danh phải có chính nghĩa tới từ sự chọn lựa của cái lý, tới từ đại chúng, quyền lực chính danh có chính nghĩa là quyền lực xứng đáng trao gởi qua dân quyết. (Đây không phải là nhân trí dân chủ song hành cùng nhân luận để chống độc quyền trị thì còn là gì nữa ?).

- Quyền lực trong chính trị là sự xác chứng không ai ra đời mà có quyền hành lên người khác, không ai có quyền lực trên cuộc đời của ai cả, tại đây quyền có tự do là quyền thiêng liêng như quyền có lý để lý luận. (Đây không phải là chính nghĩa của chính trị biết song cặp cùng nhân lý dân chủ để chống bạo quyền thì còn là gì nữa ?).

- Quyền lực biết phục nhân sinh và nhân loại là quyền lực dẹp đi chế độ nô lệ, dẹp luôn cuồng quyền trong cuồng tín, khử luôn ngu muội trong ngu dân, bứng luôn tà quyền gây tha hóa, để triệt luôn mọi nguồn gốc gây ra bất hạnh cho nhân loại. (Đây không phải là nhân trí tự do song cặp cùng nhân tri biết mưu cầu hạnh phúc thì còn là gì nữa ?).

Khi bạo quyền quân chủ, phong kiến cùng cuồng quyền của giáo hội thời đó tại Âu châu đã thấy sợ : cái lý của tự do, cái luận của dân chủ, cái giải của nhân quyền, và quyền lực có chính nghĩa là quyền lực liêm chính được hiểu từ cái lý, có lý luận, có giải. Nên đám bạo quyền cùng cuồng quyền này, đã cấm lưu hành bộ tự điển bách khoa (encyclopédie) của Diderot. Nhưng kiến thức khoa học đã thành tri thức nhân sinh, và ý thức xã hội đã thành nhận thức chính trị, nên năm 1859 lũ bạo quyền chuyên chế cùng bọn cực quyền trong cuồng tín này đã ra lệnh đốt hết bộ tự điển bách khoa của Diderot. Nhưng đã trễ ! Chính độc giả, chính tác giả, chính các người yêu dân chủ, quý nhân quyền, trọng kiến thức của lý đã cứu được và cho tới nay thì các học sinh trung học vẫn được học, được đọc, được hiểu, được thấu về công cuộc khai trí của thế kỷ ánh sáng XVIII.

Khi ta nghiên cứu xong giáo trình về thế kỷ XVIII của ánh sáng nhân tri và nhân trí dành cho thiếu niên thời học sinh trung học từ sơ cấp lên phổ thông tại các quốc gia hiện nay đã có văn minh dân chủ và văn hiến nhân quyền để "vỡ lẽ" ra là các lãnh tụ của Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang lãnh đạo từ chính quyền qua chính phủ là họ không biết, không hiểu vì không học và không đọc về giáo trình về thế kỷ ánh sáng XVIII này. "Vỡ lẽ" rồi thì "chưng hửng" luôn là đại đa số trong họ cũng không biết cặn kẽ về binh nghiệp của Quang Trung, thi nghiệp của Nguyễn Du, cùng thế kỷ XVIII với Diderot, Hume, Jefferson, Kant, Locke, Montesquieu, Newton, Rousseau, Voltaire… Chưa hết, "vỡ lẽ" rồi "chưng hửng" giờ đến "té ngửa" khi họ không có một kiến thức gì về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, về Lê Hữu Trác Hải Thượng Lãn Ông. Chưa xong "té ngửa" rồi thì giờ đến "té lăn" là nhiều lãnh tụ của Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang lãnh đạo từ chính quyền qua chính phủ là họ không biết gì về sự nghiệp của Phan Bội Châu với chủ sách khai trí, của Phan Chu Trinh với đề bạc nhân trí trước nhân sinh sau.

Mà cho tới bây giờ, không biết là các lãnh tụ của Đảng cộng sản Việt Nam có biết là học thuật quốc tế về Việt Nam cận đại, đã xem Phan Bội Châu cùng Phan Chu Trinh là những trí thức của Việt tộc, còn Hồ Chí Minh và tất cả các lãnh tụ của Đảng cộng sản Việt Nam không có ai là trí thức cả ! Vì những trí thức đã có lần trong đời theo họ như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Phan Khôi nếu không bị họ thanh toán về nhân trí, thì cũng đã bị họ thanh trừng về nhân tri rồi ! Đây không phải là hậu quả của vô học, hậu nạn của vô hậu thì còn là gì nữa ? Nhưng vô học còn dài vì vô hậu còn sâu, nếu bao thế hệ học sinh trung học phổ thông không được biết gì về các cuộc cách mạng khai sáng nhân loại từ khoa học đến kỹ thuật, từ công bằng đến công lý, từ dân chủ đến nhân quyền, thì chúng ta cùng đồng loạt "vỡ lẽ""chưng hửng" để "té ngửa" rồi "té lăn" ra là :

- Từ bộ trưởng tới thứ trưởng của Bộ Giáo dục hiện nay, họ không hề biết gì về các giáo lý, giáo luận, giáo dục đã làm nên giáo khoa, giáo trình, giáo án từ các cuộc cách mạng khai sáng nhân loại của thế kỷ XVIII.

- Từ bộ trưởng này tới bộ trưởng kia, rồi lên cao hơn thủ tưởng, thì chúng ta chắc bẩm là các lãnh đạo trong chính phủ hiện nay không có một tri thức gì về các đề nghị từ công bằng tới tự do, từ dân chủ tới nhân quyền, không phải họ chỉ bị cấm bởi bạo quyền độc đảng toàn trị của họ mà thực sự là họ không biết, không hiểu vì không đọc, không học về các cuộc cách mạng khai sáng nhân loại của thế kỷ XVIII.

- Từ hành pháp bây giờ qua tới lập pháp, là các đại biểu quốc hội phải bảo vệ dân thì dân chúng không thấy trong tuyên bố hay trả lời phỏng vấn là các đại biểu quốc hội có chút kiến thức về các tác phẩm, có chút tri thức gì về các tác giả của các cuộc cách mạng khai sáng nhân loại của thế kỷ XVIII.

- Từ hành pháp, lập pháp giờ đây qua tới tư pháp, là các chánh án, các quan tòa của bạo quyền độc đảng toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam, mà đem ra so sánh với các luật sư thì kiến thức của họ vừa thấp vừa tục, về giáo lý, giáo luận, giáo dục của tam quyền phân lập ; vừa hèn vừa tồi về các tác phẩm, các tác giả của các cuộc cách mạng khai sáng nhân loại của thế kỷ XVIII.

Nếu cả ba : hành pháp, tư pháp, lập pháp đắm chìm trong vô học về dân chủ, về nhân quyền, đuối ngộp về công bằng, về tự do làm nên tiến bộ và văn minh, thì nếu đây không phải là vô hậu từ não trạng tới não bộ thì còn là gì nữa ? Hãy khoan trách móc các thầy cô, các học giả, các dịch giả phải học hành trong họa cảnh trên đe dưới búa, phải học tập trong hoạn cảnh cá nằm trên thớt của hệthống giáo dục được điều khiển và điều hành bằng hệ độc (độc đảng, độc trị, độc quyền, độc tài, độc tôn). Hệ độc này thâm căn cố đế của chuyên chính vô học, với vốn vô học từ lãnh tụ đến lãnh đạo, chínhlà cha sinh mẹ đẻ của toàn bộ hệ thống giáo dục dựa vào vô học trị, sống nhờ tuyên truyền trị, có cột trụ của ngu dân trị. Hãy phân tích cụ thể :

- Bộ trưởng, thứ trưởng tới các lãnh đạo vụ, ban, ngành được hỏi là có các tác phẩm hay của các tác giả lớn của nhân loại được dịch ra tiếng Việt rồi thì tại sao các tác phẩm và các tác giả này không được đưa vào giáo khoa và giáo trình của hệ thống giáo dục hiện nay, thì chúng ta không có một câu trả lời nào thỏa đáng tới từ bộ trưởng, thứ trưởng, các lãnh đạo vụ, ban, ngành đang có trách nhiệm với hệ thống giáo dục hiện nay.

- Bộ trưởng, thứ trưởng tới các lãnh đạo vụ, ban, ngành được hỏi là có các tác phẩm hay của các tác giả lớn của nhân loại được dịch ra tiếng Việt rồi thì tại sao các tác phẩm và các tác giả này không là chủ đề của hội nghị, hội thảo, hội luận trong giới học thuật và nghiên cứu, thì chúng ta không có một câu trả lời nào chỉnh lý tới từ bộ trưởng, thứ trưởng, các lãnh đạo vụ, ban, ngành đang có trách nhiệm với hệ thống giáo dục hiện nay.

  • Bộ trưởng, thứ trưởng tới các lãnh đạo vụ, ban, ngành được hỏi là có các tác phẩm hay của các tác giả lớn của nhân loại được dịch ra tiếng Việt rồi thì tại sao các tác phẩm và các tác giả không là đối tượng của các cuộc đối thoại, đối luận, đối lý giữa các lãnh đạo từ chính quyền tới chính phủ, thì chúng ta không có một câu trả lời nào toàn lý tới từ bộ trưởng, thứ trưởng, các lãnh đạo vụ, ban, ngành đang có trách nhiệm với hệ thống giáo dục hiện nay.

voluan3

 

Vô học-vô hậu : vô tài - vô hiệu

 

Vô học rất thấm nên vô hậu rất "chàm", khi mọi người biết là tất cả các lãnh đạo trong chính phủ hiện nay của hệ thống vô học trị, thì :

- Từ thủ tướng tới các bộ trưởng, không có lãnh đạo nào tự viết được các tham luận mà họ phải đọc trước quần chúng, trước quốc hội, trước truyền hình ; nhất là trước các hội thảo, hội luận, hội nghị mà hội trường là những nhân sĩ có học, nên ta thường thấy các lãnh đạo này phải cầm giấy mà đọc những câu chữ mà họ không phải là tác giả. Không là tác giả của bài tham luận của mình, lại vừa chưa hề biết tác giả nào, tác phẩm nào trong học thuật và trí thức của nhân loại. Đây không phải là vô học trống chữ sinh ra vô hậu đọc nhại những chuyện mà mình không phải là tác giả thì còn là gì nữa ?

- Từ thủ tướng tới các bộ trưởng khi bị ký giả, phóng viên, truyền hình trực tiếp hỏi những lý luận làm ra chính sách, những lập luận làm ra quyết sách của chính phủ, thì chỉ từ 3 câu tới 5 câu hỏi của báo chí là ngữ vựng của lãnh tụ bị lộn âm, ngữ văn của lãnh đạo bị lộn ngôn, ngữ pháp của các đầu lãnh bị lộn ngữ. Vô trương bất tín, không thấy thì không tin, thấy rồi mới tin, và tai nghe mặt thấy để thấu cái thực chất vô học đã làm nên các vô nghệ trong lãnh đạo, vô nghề trong quản lý, vô nghiệp trong chính nghĩa.

- Từ thủ tướng tới các bộ trưởng, không có lãnh đạo nào dám đối diện với trí thức để tranh luận, đối thoại với chuyên gia để trao luận, đối thuyết với các lảnh đạo quốc tế của các quốc gia có văn minh dân chủ, có văn hóa nhân quyền để cân, đo, đong, đếm từ tri thức tới tri lực, để so ra mới biết ngắn dài. Vì chuyện lãnh đạo từ quản trị tới quản lý, từ các quyết sách công ích xã hội tới các chính sách an sinh xã hội, tất cả đều là chuyện trình độ học thức, mà trình độ thì học thật sẽ lột đươc mặt nạ của học giả, và học lực sẽ vạch mặt chỉ tên học gian, học dối ! Và cái vô hậu vắng nhân tri, trống nhân trí, rỗng nhân lý sẽ bị lột trần lên bờ xuống ruộng trước học thuật.

Vô học rất lậu nên vô hậu rất nẩu, không có kiến thức chuyên môn nhưng lại cứ giành đi hội nghị quốc tế, không có tri thức chuyên khoa nhưng lại cứ đòi đi hội thảo quốc ngoại, không có trí thức chuyên ngành nhưng lại cứ ham đi hội luận toàn cầu, từ đây lòi ra bao nhiêu hậu quả của vô học, bao nhiêu hệ lụy của vô hậu :

- Một lãnh đạo đi ra nước ngoài kéo theo một thư ký, một trợ lý, một thông dịch viên, thành một phái đoàn có khi là 3, có khi là 5, có lúc là 7, thậm chí là 10. Từ khách sạn tới nhà hàng, từ chi tiêu tập thể tới chi phí hàng không cho cả đoàn, đi một, hai, ba tuần, gây tốn kém lên hàng bạc tỷ, với số tiền đó có thể chính phủ nuôi ăn hàng tháng được hẳn một xóm nghèo, môt làng nghèo.

- Một lãnh đạo kéo theo 3, có khi là 5, có lúc là 7 người, lại còn cho vợ con đi theo. Sáng vào hội trường để "giả danh hội nghị", "giả dạng hội thảo", "giả tướng hội luận", nhưng sau cơm bữa trưa là nhờ vả đường dây Việt kiều tại chỗ để đi shopping, đi siêu thị, tha hồ mà mua sắm từ mỹ phẩm tới thực phẩm của các xứ Tây. Mà hóa đơn không rõ là tiền của cá nhân, của gia đình hay moi móc thẳng ra từ chi phí công vụ, tức là từ tiền thuế của dân lành, dân đen…

- Một lãnh đạo kéo theo cả đàn, cả đám, cả nhà tới xứ người, sau khi du lịch bằng công vụ, đi chơi cho thỏa, đến khi về lại quê nhà, thì đồng nghiệp hỏi về những đóng góp chuyên môn trong hội thảo ; đồng bào tra về những đón góp chuyên ngành trong hội nghị. Thì "vỡ lẽ" ra là không có báo cáo chuyên đề, không có tổng kết chuyên môn, không có một chứng thư, một chứng tích nào thuyết phục cho sự thành công của các chuyến công vụ. Mà cũng biết thực chất là du lịch, phung phí vô học, phung phá vô hậu trên tài sản của đất nước, trên mồ hôi của dân chúng.

Vô học rất thô nên vô hậu rất lộ, từ thực tập sinh tới học một, hai năm tới sinh viên du học từ cao học tới tiến sĩ được học nhiều năm tại các quốc gia phương Tây có tiến bộ khoa học, có văn minh dân chủ, có văn hiến nhân quyền, lại có sáng tạo sinh động và sinh hoạt sôi động từ văn hóa tới nghệ thuật. Tại đây, các khuyết điểm vô học, các khuyết tật vô hậu từ kiến thức tới tri thức lộ ra ngay trong phản xạ hằng ngày, ngay trong phản ứng hằng tuần, hằng tháng, hằng năm trong xã hội phương Tây :

- Các thực tập sinh, các sinh viên du học không biết gì vì không muốn học hỏi thêm về văn hóa qua nghệ thuật, văn minh qua khoa học, văn hiến qua sử học của các quốc gia tiên tiến phương Tây. Mà muốn biết thì phải học, muốn học thì phải tới thư viện của đại học, của thành phố, của văn khố quốc gia, trung tâm tư liệu chuyên ngành… Họ không làm vì không muốn biết thêm về gốc, rễ, cội nguồn từ văn minh tới văn hóa các quốc gia này.

- Các thực tập sinh, các sinh viên du học không biết gì vì không đọc gì về các tác phẩm của các tác giả đã làm nên văn học, thi ca, âm nhạc, hội họa, kịch thuật, điện ảnh…và khi được đồng nghiệp, đồng bào hỏi về các tác phẩm của các tác giả, thì thường là họ "tảng lờ", chỉ vì họ không biết, chỉ vì họ không chịu học.

- Các thực tập sinh, các sinh viên du học không biết gì về các bảo tàng, các cuộc triển lãm, các buổi hòa nhạc, các lễ hội văn hóa… của các quốc gia phương Tây nơi họ đang học…và khi được đồng nghiệp, đồng bào hỏi về các sự kiện văn hóa, các sự cố nghệ thuật làm nên tầm vóc văn minh, làm nên vai vóc văn hiến của các quốc gia phương Tây, thì thường là họ "đánh trống lảng" chỉ vì không biết, mà không biết vì không chịu học.

Vô học rất tồi nên vô hậu rất tục, ngoài một thiểu số ham học, chăm học, hiếu học, thì đại đa số từ thực tập sinh tới sinh viên du học từ cao học tới tiến sĩ, họ mang những toan tính lấy học vị Tây để buôn học hàm Việt, cụ thể là họ tìm bằng cấp Tây để có chức quyền Việt trong không gian của xứ mù thằng chột làm vua. Họ vừa tìm bằng cấp Tây, học vị Tây để thoát học dở-thi gian-điểm lận-bằng giả trong hệ thống giáo dục buôn bằng bán cấp hiện nay, nhưng cùng lúc cũng để lèo, để dọa, để khoe rồi sau cùng là để có cớ mà thăng chức cho vững, tiến quyền cho mau. So với hoàn cảnh của các sinh viên trong những gia đình nghèo không có vốn liếng tài chính, phương tiện kinh tế để con em được đi du học, thì đại đa số của sinh viên du học, các thực tập sinh đến học tại các quốc gia phương Tây là đám người mà cha mẹ, và gia đình đều có thân tộc với độc đảng trị, tham nhũng trị, tham tiền trị, đều có thâm tộc với vô học trị, ngu dân trị, tuyên truyền trị, nên phương Tây là nơi mà họ lại tái sản xuất cái vô học trong vô hậu của đàn cha, đàn chú, đàn cô, đàn anh, đàn chị của họ :

- Họ là con ông cháu cha, nên họ giành hết mọi học bổng mà các quốc gia, các đại học, các hội khuyến học… giành cho sinh viên, thực tập sinh có năng khiếu ngoại ngữ và trình độ tri thức, nhưng những thí sinh liêm chính này không sao rờ tới được các học bổng này.

- Họ thích tụ họp với nhau vừa là đồng bào nói tiếng Việt, nhưng phải vừa là đồng giới có cùng đặc quyền, đặc lợi, đặc ân của chế độ độc đảng toàn trị hiện nay ; ngay phương Tây họ tái diễn quyền lực, quyền lợi, quyền tiền của họ.

- Họ có tiền, có của, nên họ hay tụ họp với nhau để ăn uống rồi ăn chơi, để phung phí trong chi tiêu rồi phung phá tiền của gia đình tới từ tham ô, tham nhũng của cha mẹ của họ.

Vô học rất ngu nên vô hậu rất xuẩn, đây là thảm họa của dân tộc, thảm nạn của giống nòi trong thảm trạng của đất nước khi cái vô học từ xác minh tới xác chứng sự vô hậu của nó :

- Một lãnh đạo cấp trung ương tới Tây Âu với danh nghĩa là công vụ vì hợp tác quốc tế cứ nhờ vả tôi đưa đi tới các trung tâm thương mại để mua sắm các mỹ phẩm cho gia đình, tôi đề nghị nhân vật này vào bảo tàng Louvre xem các tác phẩm hội họa, thì được nhân vật này trả lời : "Nếu là hội họa thì cóc gì mà xem cho mất thì giờ !".

- Một viện trưởng của một viện nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nhờ tôi đưa tới một siêu thị để mua các thực phẩm Âu châu về tặng đồng nghiệp, tôi đề nghị nhân vật này tới nghe một học giả lớn thuyết trình về tác phẩm của ông vừa ra đời, và tôi tình nguyện làm thông dịch viên, thì được nhân vật này trả lời :"Tôi thấy mất thì giờ, vì thời gian của tôi quý lắm !".

- Một chuyên gia lãnh đạo trong văn hóa, nghệ thuật nhờ tôi đưa đi tới các thắng cảnh du lịch để chụp dược nhiều ảnh trước khi về nước, tôi đề nghị nhân vật này tới thăm một phòng triển lãm về nhiếp ảnh được liên kết với hai triển lãm, một về hội họa và một về thi ca thì được nhân vật này trả lời : "Mình chụp ảnh cho mình hay hơn là mình tới xem ảnh của người khác anh ạ !".

Vô học triền miên tới bao giờ ? Vô hậu lan man tới bao giờ ?

 

voluan4

 

Vô học – vô hậu : vô vị - vô thế

 

Khai thị nhân thế để khai sáng nhân trí ! Chính Diderot đã dấn thân và đã bị tù đày, nhưng học giả này vẫn làm cho bằng được bộ tự điển bách khoa của mọi chuyên môn, chuyên khoa, chuyên ngành trong hơn 20 năm. Mà ngày ngày trong chốn lao tù hay ngoài xã hội thì ông luôn bị bạo quyền phong kiến rình rập để "đâm lén", luôn bị tà quyền cuồng tín đạo lén lút "chém sau lưng". Y như hoạn cảnh hiện nay của các nhà đấu tranh vì dân chủ, vì nhân quyền, vì xã hội dân sự, một sớm một chiều thành các tù nhân lương tâm, trong vòng lao lý thì bị tra tấn, nhục hình, khi trở lại cuộc sống xã hội thì bị công an rình rập, bị xã hội đen được công an bảo kê tới đe dọa, khủng bố, không kể đám dư luận viên, (hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn ?), như âm binh chực chờ để dở trò "chó cắn trộm".

Không chỉ học giả Diderot, mà kịch giả Beaumarchais, và chính Voltaire một trong những thân phụ của lý luận nhân quyền, của lập luận dân chủ, của giải luận tam quyền phân lập, cũng bị những năm tháng tù đày mà bạo quyền đã bỏ tù các tư tưởng gia này chính là bọn vua chúa vô học, bọn cuồng đạo vô hậu. Nhưng thế kỷ XVIII, đúng là thế kỷ của ánh sáng đã khai thị lý trí cho nhân loại, đã khai sáng trí tuệ cho nhân thế, đã khai minh tuệ giác cho nhân sinh. Chỉ có một vài cá nhân, không chỉ là cá thể, mà họ chính là chủ thể nhận trách nhiệm với nhân quyền, nhận bổn phận với nhân vị, để đưa nhân loại về phía ánh sáng, cùng lúc vạch mặt chỉ tên bóng tối của ngu dân trị tới từ bạo quyền chính trị, tà quyền cuồng tín sản sinh ra đám âm binh vô học với âm tướng vô hậu.

Câu chuyện chỉ có một vài cá nhân là câu chuyện thật hay, thật đẹp cho nhân bản và nhân văn vì câu chuyện này vừa cao, vừa sâu cho nhân trí và nhân trí, lại vừa rộng, vừa xa cho nhân phẩm và nhân quyền. Chỉ có một vài cá nhân, mà cụ thể là tại Pháp chỉ có : Diderot, Montesquieu, Rousseau, Voltaire ; tại Anh chỉ có Hume, Locke, Newton, mà ta không quên Kant tại Đức, và Jefferson tại Mỹ, chỉ có vậy ! Chỉ có một vài cá nhân nhưng nhân trí của một vài cá nhân đã được Âu châu rồi Bắc Mỹ, mà giờ đây là cả thế giới đi theo, vì nhân loại nhận ra được rồi : đây chính là nhân lộ của văn minh dân chủ, đây chính là nhân đạo của văn hiến nhân quyền.Khi bạo quyền quân chủ, phong kiến cùng cuồng quyền của giáo hội thời đó tại Âu châu đã thấy sợ : cái lý của tự do, cái luận của dân chủ, cái giải của nhân quyền, và quyền lực có chính nghĩa là quyền lực liêm chính được hiểu từ cái lý, có lý luận, có giải. Nên đám bạo quyền cùng cuồng quyền này, đã cấm lưu hành bộ tự điển bách khoa (encyclopédie) của Diderot. Nhưng kiến thức khoa học đã thành tri thức nhân sinh, và ý thức xã hội đã thành nhận thức chính trị, nên năm 1859 lũ bạo quyền chuyên chế cùng bọn cực quyền trong cuồng tín này đã ra lệnh đốt hết bộ tự điển bách khoa (encyclopédie) của Diderot. Nhưng đã trễ ! Chính độc giả, chính tác giả, chính các người yêu dân chủ, quý nhân quyền, trọng kiến thức của lý đã cứu được và cho tới nay thì các học sinh trung học vẫn được học, được đọc, được hiểu, được thấu về công cuộc khai trí của thế kỷ ảnh sáng XVIII. Chính trị học tri thức phối hợp cùng xã hội học nhận thức đã phân tích để phân loại, đã phân định để phân giải là :

- Khi hai người bất tài trong một hội đồng phải bầu cho một thí sinh thay thế họ trong tương lai thì họ không thể bầu được một thí sinh có tài ; ở đây bất tài không đủ năng lực lẫn thông minh để bầu cho thực tài.

- Khi hai người trong một hội đồng ; một người bất tài, một người có tài phải bầu cho một thí sinh thay thế họ trong tương lai thì họ khó có thể bầu được một thí sinh có tài ; ở đây người có tài chưa chắc thuyết phục được người bất tài, vì kẻ bất tài vừa không đủ năng lực lẫn thông minh, lại vừa lo sợ hai kẻ tài, một là đồng nghiệp hai là thí sinh khinh chê cái bất tài của mình.

- Khi hai người trong một hội đồng ; cả hai đều có tài, cũng có khi họ bầu cho một người thiếu tài nhưng trung thành với họ để bảo vệ đặc quyền, đặc lợi, đặc ân của họ sau khi họ ra đi. Mà còn có khi hai kẻ có tài cũng có thể bầu cho một kẻ hoàn toàn bất tài để hai kẻ có tài này tiếp tục thao túng, o ép, giật dây thí sinh bất tài nhưng "dễ bảo trước đàn cha", "biết tuân lệnh đàn chú", "biết phục tùng đàn anh" …

Đưa thực tài vào định chế, đón chân tài vào cơ chế, nhận nhân tài vào cấp lãnh đạo là một quá trình thiên sơn vạn thủy trong nhân tri, là một quy trình vượt suối trèo đèo trong nhân trí.

Tại đây, thì bạo quyền độc đảng, tà quyền tham nhũng, ma quyền tham tiền chỉ biết dựa vào quan hệ-hậu duệ-tiền tệ để diệt trí tuệ ; để tổ chức mua chức bán quyền qua mua bằng bán cấp của học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả. Cũng tại đây, độc đảng trong độc quyền sử dụng nền của tuyên truyền trị để mạo danh hồng hơn chuyên mà chọn cán bộ nguồn ; vận dụng gốc của ngu dân trị với mạo dạng lãnh đạo nòng cốt để dựng lên các thái tử đảng ; tận dụng rễ của vô học trị để mạo dạng : "con lãnh đạo mà lãnh đạo là hồng phúc cho dân tộc", một tuyên bố vô cùng vô học vì nó vô tận trong vô hậu của một bà đã là lãnh đạo trong Uỷ ban nhân dân thành Hồ. Từ đây, mới có hiện tượng vô học trong tà kiến, vô hậu trong tà luận, thí dụ dễ-thấy-vì-khó-nghe như hiện tượng tiến sĩ lu (dùng lu chống lụt cho thành Hồ), tiến sĩ lon (đọc chữ lon "lộn" ra một chữ được xem là tục trong truyền thông), thứ trưởng của Bộ (vô) văn hóa (đã trao tặng một người phụ nữ chuyên nghề hầu đồng chức hiệu nữ hoàng tâm linh).

Vô học ẩn nấp trong tà tri, vô hậu luồn lách trong điếm trí !

 

voluan1 (2)

***

Muốn xóa tuyên truyền trị thì nhân lý phải ngẩng đầu.

Muốn khử ngu dân trị thì nhân tri phải mở mắt.

Muốn tẩyvô học trị thì nhân trí phải tự đánh thức não.

***

Muốn cởi bỏ cái vốn vô học,

thì nhân tính cứ đi về phía ánh sáng của sự thật.

Muốn vứt bỏ cái vô học,

thì nhân bản cứ đi về phía chân trời của chân lý.

Muốn rứt bỏ cái vô hậu,

thì nhân tâm cứ đi về phía nhân dạng của lẽ phải.

***

Khai thị kiến thức khoa học để thoát vô minh.

Khai thác tri thức tự do để thắng vô tri.

Khai phá ý thức công bằng để vượt vô giác.

Khai phóng nhận thức bác ái để loại vô cảm.

Khai quật trí thức dân chủ để bứng vô tâm.

Khai minh tâm thức nhân phẩm để khử vô học.

Khai sáng tỉnh thức nhân quyền để rời vô hậu…

***

Con người chỉ thấy được lương tri của mình

khi con người trực diện trước bất công

để đấu tranh vì công bằng.

***

Con người chỉ nhận được nhân phẩm

của mình khi con người trực diện chống

bạo quyền để bảo vệ tự do cho đồng loại.

***

Con người đánh đổi nhân vị của chính mình

để đi tìm hùng vị của nhân quyền

dù chỉ bằng lời nói của nhân tính,

dù chỉ bằng chữ viết của nhân lý...

Lê Hữu Khóa

(05/10/2020)

---------------------


lhk0 Lê Hữu Khóa

Giáo sư Đại học Lille

Giám đốc Anthropol-Asie

Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á

Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCOLiên Hiệp Quốc

Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris

Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á

Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hữu Khóa
Read 789 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)