Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

08/11/2020

Các cuộc cách mạng phẩm giá

Francis Fukuyama

Nhu cầu được thừa nhận phẩm giá một cách bình đẳng thổi luồng sinh khí cho Cách mạng Pháp, và nó vẫn tiếp tục sống động cho đến ngày nay.

bansac01

Mohammed Bouazizi đã tự thiêu tại Sidi Bouzid vào ngày 17/12/2010 để phản đối sự tham nhũng của chính phủ - Nguồn : https://alchetron.com/Mohamed-Bouazizi-1009770-W

Ngày 17/12/2010, cảnh sát tịch thu hàng hóa trên xe chở rau của một người bán hàng rong ở Tunisia tên là Mohamed Bouazizi, lấy lý do anh không có giấy phép. Theo lời gia đình kể lại, anh bị một nữ cảnh sát, Faida Hamdi, tát ngay trước mặt mọi người, cũng là người đã tịch thu cả cân điện tử của anh và nhổ nước bọt vào mặt anh (việc Hamdi là nữ có thể tăng thêm cảm giác nhục nhã trong một nền văn hóa trọng nam). Bouazizi đã đến văn phòng thống đốc để phàn nàn và lấy lại chiếc cân, nhưng thống đốc từ chối gặp anh. Bouazizi sau đó đổ xăng lên người và tự thiêu, hét lên, "Các người muốn tôi sống sao ?"

Tin tức về vụ việc này lan nhanh như cháy rừng ra khắp thế giới Ả Rập, bùng phát ngọn lửa khác với tên gọi Mùa xuân Ả Rập. Hiệu ứng tức thì thấy rõ ở Tunisia, nơi mà chưa đầy một tháng sau, bạo loạn tràn lan dẫn đến việc nhà độc tài cố vị Zine El Abidine Ben Ali rời ghế và từ chức. Các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra ở các thành phố Ả Rập khác, đáng chú ý nhất ở Ai Cập gần đó, nơi mà vị lãnh đạo uy quyền Hosni Mubarak bị buộc phải từ bỏ quyền lực vào tháng 2/2011. Các cuộc biểu tình và nổi dậy diễn ra ở Libya, Yemen, Bahrain và Syria, khi dân chúng cảm thấy được trao quyền và bỗng nhiên sẵn sàng chỉ trích các nhà lãnh đạo chuyên quyền. Điều được tất cả những người biểu tình này cùng chia sẻ là sự phẫn nộ vì cho rằng họ bị chính phủ làm nhục và coi thường.

Những năm sau đó, Mùa xuân Ả Rập chuyển biến xấu đi một cách tệ hại. Thảm kịch đau lòng nhất xảy ra ở Syria, nơi nhà độc tài Bashar al-Assad từ chối rời bỏ quyền lực và phát động cuộc chiến chống lại chính người dân của mình, khiến cho tới nay có hơn 400.000 người bị giết hại và hàng triệu người buộc phải di tản. Ở Ai Cập, các cuộc bầu cử dân chủ sớm đưa Tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền ; lo ngại về việc tổ chức này áp đặt chủ nghĩa Hồi giáo của mình lên đất nước đã khiến quân đội tiến hành đảo chính năm 2013. Libya và Yemen rơi vào nội chiến đẫm máu, và các nhà cai trị chuyên quyền siết chặt kìm kẹp trên toàn bộ khu vực. Chỉ Tunisia, nơi Mùa xuân Ả Rập khởi phát, bắt đầu giống một nền dân chủ tự do hơn, nhưng thực tại này vẫn mong manh như ngàn cân treo sợi tóc.

Khi nhìn lại những sự kiện này, sẽ dễ dàng phán xét rằng Mùa xuân Ả Rập ngay từ đầu không liên quan gì đến dân chủ, và xu hướng chính trị chủ yếu của khu vực là mô hình chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Tuy nhiên, điều này không công bằng cho khát vọng chính trị được cởi trói từ hành động tự thiêu của Mohamed Bouazizi. Thế giới Ả Rập phải chịu đựng chế độ độc tài đàn áp và trì trệ trong nhiều năm ; tại sao đột nhiên đông đảo mọi người lại liều mạng đáp trả chỉ vì một sự cố ?

Tình tiết trong câu chuyện của Bouazizi rất quan trọng. Anh không phải là người biểu tình hay tù nhân chính trị bị chế độ ngược đãi, mà là công dân bình thường đang vật lộn để mưu sinh trong khu vực kinh tế phi chính thức. Nhiều nhà doanh nghiệp ở các nước đang phát triển hoạt động phi chính thức vì hoạt động của chính phủ khiến việc tuân thủ một loạt quy định pháp lý để điều hành một doanh nghiệp chính thức là quá khó khăn. Điều khiến trường hợp của Bouazizi rất đỗi quen thuộc với hàng triệu người ở thế giới Ả Rập là cách mà anh bị nhà nước Tunisia đối xử : hàng hóa để anh kiếm sống bị tịch thu tùy tiện, anh bị công khai sỉ nhục và khi cố gắng phàn nàn và đi tìm công lý, không ai lắng nghe. Nhà nước không đối xử với anh như một con người : đó là một chủ thể đạo đức xứng đáng nhận được sự tôn trọng tối thiểu, ít nhất là xứng đáng nhận được một lời giải thích hoặc biện minh cho lý do tại sao sinh kế của mình bị tịch thu. Đối với hàng triệu người trong thế giới Ả Rập, hành động tự thiêu của anh là kết tinh cho cảm giác bất công mà họ cảm nhận về chế độ đang cai trị mình.

Thế giới Ả Rập sau đó rơi vào hỗn loạn vì chính người Ả Rập cũng không thể thống nhất về việc mô hình nào sẽ thay thế chế độ độc tài cũ. Tuy nhiên, trong một thời điểm vào năm 2011, họ có sự đồng thuận mạnh mẽ về những gì họ không thích : chính phủ chuyên quyền đối xử với họ tốt lắm cũng chỉ như với trẻ con, còn tồi tệ nhất thì như con rối để các chính trị gia tham nhũng lừa gạt, bóc lột về mặt kinh tế hoặc sử dụng làm bia đỡ đạn trong chiến tranh.

Trong hai thế hệ vừa qua, thế giới chứng kiến nhiều cuộc nổi dậy tự phát chống lại nhà nước chuyên quyền như sự chuyển đổi của Nam Phi từ chế độ phân biệt chủng tộc apartheid, các phong trào dân sự khác ở Châu Phi hạ-Sahara những năm 1990, "các cuộc cách mạng đa sắc màu" ở Georgia và Ukraine đầu những năm 2000, trong đó việc thừa nhận phẩm giá cơ bản là vấn đề trọng tâm.

Một trong những cuộc nổi dậy đó trên thực tế đã được gọi là cuộc Cách mạng Phẩm giá. Tháng Mười một năm 2013, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych tuyên bố ngừng những nỗ lực hoàn tất thỏa thuận hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu và thay vào đó sẽ tìm kiếm sự hợp tác mật thiết hơn với Nga trong Liên minh Kinh tế Á Âu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Yanukovych từng làm tổng thống vào thời điểm Cách mạng Cam năm 2004 ; những gian lận nhằm tái cử của ông làm dấy lên cuộc nổi dậy trên quy mô lớn buộc ông phải từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, đến năm 2010, ông trở lại vị trí tổng thống khi Liên minh Màu Cam nắm quyền bất đồng và tha hóa đã không thể thực hiện lời hứa lúc nắm giữ quyền lực.

Nỗ lực của Yanukovych đưa Ukraine trở về phe Nga gây ra một loạt cuộc biểu tình tự phát ở thủ đô Kyiv khi vào đầu tháng Mười hai, gần 800.000 người tụ tập tại Maidan để ủng hộ việc tiếp tục thỏa thuận hợp tác với EU. Chế độ của ông phản ứng bằng bạo lực, nhưng cũng giống như nhiều trường hợp tương tự, sát hại người biểu tình chỉ càng thổi bùng thêm sự phẫn nộ và tăng quy mô đám đông ủng hộ phong trào thân Liên Hiệp Châu Âu (Euromaidan). Sau cái chết của hơn một trăm người biểu tình vào tháng Hai, Yanukovych mất kiểm soát tình hình và rời ghế tổng thống lần thứ hai, mở ra một giai đoạn chính trị mới cho Ukraine.

Từ những sự kiện này, mức độ thành công trong việc xây dựng nền dân chủ tự do của Ukraine không hơn gì Tunisia. Kinh tế và chính trị bị chi phối bởi một nhóm đứng đầu, một trong số đó, Petro Poroshenko, sau này được bầu làm tổng thống cuối năm 2014. Tuy thế, điều quan trọng là phải hiểu được động cơ căn bản của các chủ thể chính trị liên quan, những người tạo nên cuộc Biểu tình Euromaidan và Cách mạng Phẩm giá.

Đúng ra, cuộc nổi dậy không phải vì dân chủ, nếu nền dân chủ mà chúng ta nhắc tới liên quan đến lựa chọn chung được thể hiện thông qua bầu cử. Yanukovych được bầu làm tổng thống một cách chính danh vào năm 2010, dựa trên sự ủng hộ từ Đảng Các Khu vực của ông. Chính xác hơn, cuộc chiến liên quan đến nạn tham nhũng và lạm quyền. Yanukovych với tư cách là tổng thống có thể đã tích lũy hàng tỷ USD tài sản cá nhân, khi những tiết lộ về cung điện xa hoa và các tài sản khác của ông sớm được phơi bày. Đảng Các Khu vực nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một cái đầu đứng trong bóng tối, Rinat Akhmetov, người kiểm soát hầu hết các ngành công nghiệp lớn ở miền đông Ukraine. Lựa chọn liên minh với EU hay nước Nga của Putin được coi như lựa chọn giữa việc sống trong một chính phủ hiện đại đối xử với mọi người như những công dân bình đẳng và sống trong chế độ mà dân chủ bị thao túng bởi những kẻ bất lương tự dàn xếp với nhau, đứng đằng sau bức màn dân chủ.

Nước Nga dưới thời Putin là đại diện tiêu biểu cho kiểu nhà nước này ; việc liên kết mật thiết hơn với Nga chứ không phải Châu Âu đại diện cho bước đi vào một thế giới, trong đó quyền lực thực thụ do tầng lớp tinh hoa vô trách nhiệm nắm giữ. Từ đó tạo ra niềm tin rằng cuộc nổi dậy Euromaidan hướng về việc đảm bảo quyền phẩm giá cơ bản của dân thường.

Những bộc phát hiện hữu ở giai đoạn đầu của Mùa xuân Ả Rập và ở các cuộc cách mạng đa sắc màu chỉ ra đâu là cốt lõi đạo đức của nền dân chủ tự do hiện đại. Các chế độ như vậy dựa trên nguyên tắc tự do và bình đẳng cùng tồn tại song hành. Tự do có thể được hiểu theo nghĩa tiêu cực, như không chịu sự kiểm soát từ quyền lực của chính quyền. Đây là cách mà nhiều người Mỹ bảo thủ giải thích từ này : cá nhân phải được phép tiếp tục cuộc sống riêng tư của mình theo cách họ muốn. Nhưng tự do thường có nghĩa lớn hơn việc không bị chính quyền quản chế : nó mang nghĩa chủ thể con người, khả năng thực hiện một phần quyền lực thông qua sự tham gia chủ động vào việc tự cai trị. Đây là yếu tố của tính chủ thể mà đám đông trên đường phố Tunis, Cairo hay Kyiv cảm nhận được, lần đầu tiên họ cảm thấy mình có thể thay đổi cách thức sử dụng quyền lực chính quyền. Sự tự do này được thể chế hóa bằng quyền bầu cử, đem tới cho mỗi người dân một phần nhỏ quyền lực chính trị. Nó cũng được thể chế hóa bằng quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, con đường dẫn tới tự biểu đạt chính trị. Do đó, nhiều hiến pháp dân chủ hiện đại bảo vệ nguyên tắc về quyền phẩm giá bình đẳng. Chúng dựa trên truyền thống Kitô giáo cho rằng phẩm giá bắt nguồn từ chủ thể đạo đức của con người. Nhưng chủ thể đó không còn được nhìn nhận theo nghĩa của tôn giáo, như khả năng chấp nhận Chúa ; mà là khả năng tham gia vào việc thực thi quyền lực với tư cách là thành viên của một cộng đồng chính trị dân chủ.

Nguyên tắc thứ hai trong những nền dân chủ tự do hiện đại, sự bình đẳng hiếm khi được hiểu theo hàm ý về một cam kết bình đẳng thực thụ về kinh tế hay xã hội. Chế độ xã hội chủ nghĩa, khi cố gắng biến điều này thành hiện thực, sớm nhận thấy chính mình đang vi phạm nguyên tắc đầu tiên về tự do, đòi hỏi thực hiện quyền kiểm soát của nhà nước với quy mô lớn đối với đời sống người dân. Nền kinh tế thị trường dựa trên việc theo đuổi lợi ích cá nhân, dẫn đến bất bình đẳng về tài sản, do năng lực và hoàn cảnh lúc sinh ra khác nhau của mỗi người. Bình đẳng trong nền dân chủ tự do hiện đại luôn mang nghĩa tương tự như bình đẳng về tự do. Điều này hàm ý cả về tự do phủ định, tức là không bị chính quyền lạm dụng quyền lực, lẫn tự do khẳng định – quyền tham gia vào việc tự cai trị và giao thương kinh tế.

Nền dân chủ tự do hiện đại thể chế hóa các nguyên tắc tự do và bình đẳng này bằng cách tạo ra nhà nước đủ năng lực nhưng bị ràng buộc bởi pháp quyền và trách nhiệm giải trình dân chủ. Pháp quyền giới hạn quyền lực bằng cách trao các quyền cơ bản nhất định cho người dân – cụ thể là nhà nước không thể hạn chế lựa chọn cá nhân trong một số lĩnh vực nhất định như ngôn luận, quyền hiệp hội, tài sản và niềm tin tôn giáo. Pháp quyền cũng tuân thủ nguyên tắc bình đẳng thông qua việc áp dụng bình đẳng các quy tắc đó với mọi công dân, kể cả người nắm giữ chức vụ chính trị cao nhất trong hệ thống. Đổi lại, trách nhiệm giải trình dân chủ trao cho tất cả công dân trưởng thành một phần quyền lực bằng cách trao quyền cho họ và cho phép họ thay thế giới cai trị nếu họ phản đối cách thức giới cai trị sử dụng quyền lực. Đây là lý do tại sao pháp quyền và trách nhiệm giải trình dân chủ thường có tính đan xen chặt chẽ. Luật bảo vệ cả tự do phủ định khỏi sự lạm dụng của chính quyền và bảo vệ tự do khẳng định của việc tham gia chính trị bình đẳng, giống như trong thời kỳ quyền dân sự ở Hoa Kỳ. Sự tham gia dân chủ ở khía cạnh này bảo vệ hệ thống tư pháp khỏi sự lạm dụng. Trong cuộc Nội chiến Anh ở thế kỷ 17, Quốc hội tập hợp lại nhằm bảo vệ tính độc lập của tòa án, cũng như xã hội dân sự Ba Lan tìm cách làm điều tương tự trong năm 2017, khi tính độc lập của tư pháp bị đảng cầm quyền đe dọa.

Các nền dân chủ tự do trong thế giới thực không bao giờ hoàn toàn đạt tới những lý tưởng nền tảng về tự do và bình đẳng. Các quyền thường bị vi phạm ; luật pháp không bao giờ áp dụng bình đẳng với người giàu và người có quyền lực giống như với người nghèo và người yếu thế ; công dân, mặc dù có cơ hội tham gia chính trị, thường lựa chọn không tham gia. Hơn nữa, xung đột về mặt bản chất tồn tại giữa mục đích tự do và bình đẳng : mức tự do lớn hơn thường kéo theo bất bình đẳng gia tăng, trong khi nỗ lực để bình đẳng hóa kết quả đầu ra làm giảm tự do. Nền dân chủ thành công không phải thông qua việc tối ưu hóa các lý tưởng của nó, mà bằng sự cân bằng : cân bằng giữa tự do cá nhân và bình đẳng chính trị, và giữa nhà nước đủ năng lực thực thi quyền lực chính danh và thể chế pháp luật và trách nhiệm giải trình tìm cách giới hạn nó. Nhiều nền dân chủ đã cố gắng để đạt được nhiều hơn thế, thông qua các chính sách nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, môi trường trong sạch, an toàn cho người tiêu dùng, hỗ trợ khoa học và công nghệ, và những thứ tương tự. Nhưng thực hiện một cách hiệu quả việc thừa nhận công dân như người trưởng thành bình đẳng, có năng lực đưa ra lựa chọn chính trị là điều kiện tối thiểu để trở thành nền dân chủ tự do.

Ngược lại, chính phủ chuyên quyền, không thừa nhận phẩm giá bình đẳng của công dân. Họ có thể ngụy tạo việc làm đó thông qua những hiến pháp hoa mỹ như ở Iran, liệt kê một danh sách phong phú các quyền công dân, nhưng thực tế thì khác. Dân thường được coi như đứa trẻ cần sự che chở của cha mẹ khôn ngoan, tức là nhà nước ; họ không có được sự tin tưởng để tự sống cuộc đời của mình. Trong các chế độ độc tài tồi tệ nhất, chẳng hạn như Hitler, những nhóm dân số lớn – phú nông (kulak), giai cấp tư sản, người Do Thái, người khuyết tật, các tộc người không phải chủng tộc Aryan – bị coi như rác rưởi phi nhân hạ đẳng, có thể bị thải loại nhân danh lợi ích tập thể.

Khát khao nhà nước thừa nhận quyền phẩm giá cơ bản là cốt lõi của các phong trào dân chủ kể từ Cách mạng Pháp. Một nhà nước bảo đảm quyền chính trị bình đẳng là cách thức duy lý duy nhất để giải quyết mâu thuẫn mà Hegel thấy trong mối quan hệ giữa giới chủ và nô lệ, khi chỉ có giới chủ được thừa nhận. Đây là điều khiến người Mỹ đứng lên phản kháng trong phong trào quyền dân sự, người dân Nam Phi đứng lên chống lại nạn phân biệt chủng tộc, Mohamed Bouazizi tự thiêu, và những người biểu tình liều mình ở Yangon, Myanmar, Quảng trường Maidan và Tahrir, và trong vô số các cuộc đối đầu khác trong nhiều thế kỷ.

Francis Fukuyama

Nguyên tác : Identity : The Demand for Dignity and the Politics of Resentment, Chap.5, Omega, Vietnam

Khắc Giang, Quang Thái, Bảo Linh dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 08/11/2020

Bài viết lấy từ chương 5 cuốn Bản Sắc – Nhu Cầu Phẩm Giá Và Chính Trị Phẫn Nộ (Identity : The Demand for Dignity and the Politics of Resentment) của tác giả Francis Fukuyama, do Omega+ ấn hành tại Việt Nam.

Francis Fukuyama là nhà triết học, chuyên gia kinh tế chính trị và tác giả người Mỹ, nổi tiếng với luận đề "Sự cáo chung của lịch sử". Ông từng đạt giải Sách hay nhất năm 2018 của tờ The Times (Anh) và Sách chính trị hay nhất năm 2018 do Financial Times bình chọn.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Francis Fukuyama
Read 1096 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)