Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

02/07/2022

Gia phả tóm lược họ Nguyễn huyện Thanh Trì (1540-2006) - 2

Nguyễn Trọng Kha

Gia phả tóm lược họ Nguyễn huyện Thanh Trì, giai đoạn 1540-2006 - 1

Lời tòa soạn : Chúng tôi giới thiệu phần tiếp theo của "Gia phả tóm lược họ Nguyễn huyện Thanh Trì, giai đoạn 1540-2006", do Nguyễn Trọng Kha biên soạn.

giapha1

Các quan lớn của tỉnh Thái Bình phía trước hành cung của tỉnh (1928) - Ảnh minh họa

Trong phần này, tác giả Nguyễn Trọng Kha cho chúng ta một thông tin rất hữu ích, mà anh cho là giả thuyết, về họ Nguyễn nói chung :

"Giả thuyết thứ nhất ấy đến từ một sự kiện lịch sử : khi vua nhà Trần lên ngôi qua mặt nhà Lý năm 1255, họ nhà Lý bị tàn sát và chu di tam tộc. Để thoát nạn, nhiều nguời phải đổi tên họ và lấy họ Nguyễn, một họ đã phổ thông. Họ trầm lặng sinh sống đến cuối đời nhà Trần, thế kỷ 15. Do sự thay đổi tên họ như vậy mà nhiều gia đình mang họ Nguyễn tuy không có liên hệ bà con họ hàng […].

Nhưng ta có thể kể một sự kiện lịch sử thú vị trong gia phả của một người có tên Nguyễn Phúc Tộc. Nhân vật này, không có quan hệ bà con với họ nhà ta, có kể rằng ở thời nhà Thương bên Tàu (1766 tr DL – 1123 sau DL) có một nước nhỏ tên là Nguyễn hoặc Nguyen (Yuan). Sau khi bị thôn tính năm 1136 tr DL, người dân nước ấy di tản khắp nơi và lấy họ Nguyễn để giữ ký ức đất nước của mình. Nhưng không có chứng cứ nào cho thấy những người họ Nguyễn ấy có quan hệ họ hàng với họ Nguyễn ở Việt Nam.

Người họ Nguyễn lâu đời nhất được nói đến trong lịch sử Việt Nam là ở kỷ thứ 10. Đó là Nguyễn Bạc (924 – 979), anh em nối khố của vua Đinh Bộ Lĩnh và làm Phụ Chính Đại Thần đời vua Đinh Tiên Hoàng. Rất có thể đó là tổ tiên của các vua triều Nguyễn".

Chúng tôi để quý độc giả khám phá thêm những điều lý thú mới về lịch sử Việt Nam qua những ghi chép của Nguyễn Trọng Kha về gia phả họ Nguyễn huyện Thanh Trì.

Nguyễn Văn Huy

Những bài thơ hay về hoa sim tím

 

4. Lịch sử họ Nguyễn huyện Thanh Trì theo thứ tự niên đại

4.1. Thế hệ thứ nhất

Thủy tổ họ Nguyễn chúng ta lập nghiệp ở Kim Lũ, huyện Thanh Trì là cụ Nguyễn Phúc Tâm. Đó là năm Canh Tý, năm thứ tám đời vua Lê Trang Tông (1533 -1548), tức năm 1540.

Gia phả không nói gì đến các thế hệ trước 1540 cho nên có nhiều bí ẩn cho phép ta đưa ra một số giả thuyết.

Giả thuyết thứ nhất ấy đến từ một sự kiện lịch sử : khi vua nhà Trần lên ngôi qua mặt nhà Lý năm 1255, họ nhà Lý bị tàn sát và chu di tam tộc. Để thoát nạn, nhiều nguời phải đổi tên họ và lấy họ Nguyễn, một họ đã phổ thông. Họ trầm lặng sinh sống đến cuối đời nhà Trần, thế kỷ 15. Do sự thay đổi tên họ như vậy mà nhiều gia đình mang họ Nguyễn tuy không có liên hệ bà con họ hàng.

Giả thuyết thứ hai đã được đề cập trong sự kiện lịch sử gần hơn : Khi vua Lê Trang Tôn (1533-1548) lên ngôi, tình hình trong nước rối loạn vì có tranh chấp giữa nhà vua và Mạc Đăng Dung nên một bộ phận của triều đình di tản về Kim Lũ. Có thể tổ tiên nhà ta cũng theo đi về làng Kim Lũ

Nhưng đó chỉ là những một giả thuyết mà thôi.

Con số rất đông đảo gia đình Việt Nam mang họ Nguyễn gây khó khăn khác cho việc tìm kiếm mối liên hệ họ hàng. Nhưng ta có thể kể một sự kiện lịch sử thú vị trong gia phả của một người có tên Nguyễn Phúc Tộc. Nhân vật này, không có quan hệ bà con với họ nhà ta, có kể rằng ở thời nhà Thương bên Tàu (1766 tr DL – 1123 sau DL) có một nước nhỏ tên là Nguyễn hoặc Nguyen (Yuan). Sau khi bị thôn tính năm 1136 tr DL, người dân nước ấy di tản khắp nơi và lấy họ Nguyễn để giữ ký ức đất nước của mình. Nhưng không có chứng cứ nào cho thấy những người họ Nguyễn ấy có quan hệ họ hàng với họ Nguyễn ở Việt Nam.

Người họ Nguyễn lâu đời nhất được nói đến trong lịch sử Việt Nam là ở kỷ thứ 10. Đó là Nguyễn Bạc (924 – 979), anh em nối khố của vua Đinh Bộ Lĩnh và làm Phụ Chính Đại Thần đời vua Đinh Tiên Hoàng. Rất có thể đó là tổ tiên của các vua triều Nguyễn.

Dường như gia phả chỉ phổ biến ở Việt Nam từ thế kỷ 17. Từ đó gia phả chỉ có thể đi nguợc trở lên một hai trăm năm.

Đó là trường hợp của gia đình nhà ta và đó cũng chỉ là một giả thuyết nữa mà thôi. Ta không thể chọn lựa giả thuyết nào cả.

Trở về với tổ tiên họ Nguyễn huyện Thanh Trì : Cụ Nguyễn Phúc Tâm có hai con trai.

Ngày sinh và ngày mất của cụ Nguyễn Phúc Tâm không rõ. Mộ của cụ ở trong làng, nơi mà cụ Nguyễn Phường Đình, trưởng họ chi trưởng thế hệ thứ mười đã xây khu lăng mộ của gia đình năm 1864. Cụ cũng lập gia phả chi tiết riêng của chi trưởng.

4.2. Thế hệ thứ hai

Trưởng nam của cụ Nguyễn Phúc Tâm là cụ Nguyễn Phúc Nghiêm mà chúng ta là hậu duệ. Người con thứ tên Quyền.

Cụ Phúc Nghiêm cũng có hai người con.

Ngày sinh và ngày mất của cụ cũng không rõ. Cụ an nghỉ ở bên cạnh thân sinh ra cụ.

4.3. Thế hệ thứ ba

Con cả cụ Phúc Nghiêm là cụ Phúc Canh, con thứ là cụ Phúc Chân. Chúng ta là hậu duệ cụ thứ. Nên ghi nhớ là chi trưởng có gia phả riêng.

Tên húy là Khuê, tên hiệu là Phúc Chân. Cụ làm con nuôi ông bà Lê Từ Đức, người trong họ không có con. Cụ làm thương gia hay đi xa nên mất ở Nghệ An ngày 20 tháng 5 và an táng tại đấy. Tính cụ hay làm việc thiện nên con cháu đều phú qúy.

Cụ có hai đời vợ. Cụ cả Chánh Dung sinh một gái. Cụ thứ Nguyễn Từ Tại có hai trai.

Ngày sinh của cụ Phúc Chân và hai cụ bà không rõ.

4.4. Thế hệ thứ tư

Con trưởng cụ Phúc Chân là cụ Phúc Lộc. Chúng ta là hậu duệ của cụ. Con thứ là cụ Đức Hiền.

Cụ Phúc Lộc tên húy là Ầm, tên tự là Nhân Kính. Cụ sinh ngày Canh Ngọ năm thứ hai Đức Long, đời vua Lê Thần Tông, tức năm 1630. Cụ mất năm 1711, thọ 82 tuổi.

Cụ bà là Thái Bính, sinh năm Mậu Thìn và mất năm Quý Mùi, thọ 76 tuổi.

Các cụ có hai trai.

Cụ Nguyễn Phúc Lộc, sau khi mất, được thăng hàm Tả Thị Lang bộ Lễ, tước Văn Thọ Hầu, các tước hàm ấy để vinh hoa cụ, khi cháu nội của cụ làm đại thần (xem thế hệ thứ Sáu).

4.5. Thế hệ thứ năm

Con cả cụ Phúc Lộc là cụ Phúc Cơ, con thứ là cụ Nhân Chánh.

Cụ Phúc Cơ tên húy là Biền, tên tự là Nhân Chánh, tên tự thứ hai là Sỹ Ưu. Cụ sinh ngày 26 tháng 8 năm thứ Tư đời vua Lê Thần Tông, tức năm 1652. Thọ 84 tuổi.

Cụ bà là cụ Hoàng mất năm 78 tuổi.

Các cụ có hai trai và bốn gái.

Cụ Phúc Cơ thi Hương đậu năm 1675 lúc 24 tuổi và làm việc ở nhiều phủ huyện.

Tính ôn hòa, thư thái, hồn nhiên, vô tư và thật thà chất phát. Da cụ sắc đen. Mỗi khi về làng cụ thích thú, vừa đi vừa ngâm thơ làm cho mọi người vui lây. Khi về hưu cụ luôn luôn có đời sống bình dị, mặc dầu con của cụ làm đại thần. Tính ham vui, không bì với cụ con, chẳng bao giờ vắng mặt ở đình đám, tuy đôi khi có lời khuyên răn của cụ con để cụ chừng mực.

Tốt bụng và lơ đãng. Một hôm, vào ngày nóng bức, cụ đi bộ lên kinh đô để gặp con trai làm Phụ Chính Đại thần. Con dâu của cụ ngạc nhiên và nói : "Trời ơi ! Đại nhạc quá cố đến nhà chúng con vào lúc nóng bức như vậy ?". Cụ trả lời : Thưa bà, tôi có một vấn đề quan trọng để thưa với quan Phụ Chính, trưởng nam của tôi. Nhưng sau hành trình, tôi qưên bẵng mất rồi. Nhưng bà đừng nói gì với quan lớn cả, hôm khác tôi sẽ quay lại".

Sau khi mất, cụ Nguyễn Phúc Cơ được triều đình thăng vinh hàm Tả Thị Lang Bộ Hộ, tước Đề Thọ Hầu, Trụ Quốc Thượng Giai (1748) để vinh hoa con của cụ.

4.6. Đời thứ sáu

Trưởng nam của cụ Phúc Cơ mà chúng ta là hậu duệ là cụ Công Thái. Cụ sinh ngày mồng Một tháng Mười năm thứ 5 đời vua Lê Huy Tông, tức năm 1684, mất ngày 21 tháng 11 năm Mậu Dần (1758). Thọ 75 tuổi.

Cụ có nhiều tên :

-       tên tục (tên mẹ đẻ khi còn nhỏ) là Phấn

-       tên húy (tên mẹ đẻ mà kiêng không gọi) là Công Thái (hoặc Công Thể theo cách gọi ở miền Trung và theo hai cách đọc chữ nôm)

-       tên thoại (tên vua ban sau khi qua đời) là Trung Mẫn (chắc có nghĩa trung thành – minh mẫn)

Chúng ta sẽ viết Công Thái, đôi khi Công Thể.

giapha7

Nhà thờ Nguyễn Công Thái, Xã Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội (Ảnh p. NCST)

Nguyễn Công Thái (1684 – 1758)

Cụ Nguyễn Công Thái bắt đầu đi học lúc lên 8. Thân sinh của cụ gửi cụ lên học ở kinh đô Hà Nội lúc 16 tuổi. Cụ thi hương đậu thủ khoa lúc 19 tuổi, đoạt Giải Nguyên và thủ khoa Tiến Sĩ, đạt Hội Nguyên !

Cụ có hai đời vợ, cụ cả mang họ Nguyễn sinh được một gái, cụ thứ là em cụ cả sinh ra chín trai, sáu gái.

Cụ là một vị đại thần, năm lần làm Tể Tướng (Thủ Tướng). Cụ đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng và đem lại hòa bình cho đất nước dưới triều Hậu Lê. Sự nghiệp của cụ có thể tóm tắt với hai sự kiện chủ yếu.

Sự kiện thứ nhất về việc kẻ biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Quả thế, vào những năm 1720, biên giới Việt Nam-Trung Quốc luôn luôn là vấn đề tranh chấp vì ở đấy có nhiều mỏ đồng và kẽm quan trọng. Thời bấy giờ Trung Quốc chia ra làm nhiều tỉnh tương đối tự lập đối với Bắc Kinh. Ở Vân Nam, tỉnh ráp ranh với Việt Nam có một Thổ Ty, quan chức địa phương, cứ gửi quân sang chiếm đóng vùng có các mỏ ấy đặng chiếm đoạt. Năm 1727, cụ Nguyễn Công Thái, đang công tác ở Hà Nội, được phái đi Ải Nam Quan tiếp phái đoàn Trung Quốc đàm phán về việc trao trả các vùng đất bị xâm chiếm. Cụ đã thuyết phục được chính quyền trung ương Bắc Kinh để phục hồi các vùng bị chiếm cho Việt Nam. Nhưng khi cụ đi công tác tại chỗ để xác định chính xác vị trí ranh giới, viên Thổ Ty gây hàng trăm trở ngại, dùng nhiều thủ đoạn đánh lạc đường ranh. Nhờ uy quyền và tài năng của cụ, ranh giới được xác định, đem về cho Việt Nam các mỏ đồng và kẽm.

Năm 1729, các cột chốt bằng đá được cắm đánh dấu biên giới Việt Trung cho đến ngày nay. Dường như ở ngưỡng cửa thế kỷ 21, biên giới này bị sửa lại, lần này lại có lợi cho Trung Quốc !

Sự kiện thứ hai liên quan đến vấn đề quốc nội.

Dưới đời vua Lê Ý Tông, ở thời cụ Nguyễn Công Thái làm Bộ Binh Tả Thị Lang (chỉ huy quân đội), kiêm bộ lại (nội vụ) năm 1739. Ở thời điểm ấy mọi quyền hành nằm trong tay chúa Trịnh Giang. Nhưng Trịnh Giang lại có cuộc đời sa đọa, mất cả minh mẫn sau một cú sét đánh vào dinh (!). Nhân cơ hội ấy, Thái Giám (đứng đầu bộ tài chính) Bảo và Thục lạm quyền, quản lý kém cỏi việc nước và biết rằng cụ Nguyễn Công Thái sẽ chống đối mình. Họ bèn dựng kế hoạch loại trừ cụ vĩnh viễn.

Ở thời điểm ấy Việt Nam gặp nhiều xáo trộn với nhiều cuộc nổi loạn ở một số địa phương miền Bắc. Bảo và Thục mạo danh hạ sớ thay vua, gửi cụ đi dẹp loạn ở Lạng Sơn. Cụ hào hùng nhận công tác. Chẳng ai có thể tưởng tượng cụ có thể trở về và không bỏ mạng. Cụ dẹp được bạo loạn, lãnh tụ thổ dân ở Lạng Sơn chấp nhận tuyên thệ trung thành với nhà vua, nhưng với điều kiện được trao các chức tước mà tổ tiên của y có thời xưa.

Cụ Nguyễn Công Thái trở về kinh đô làm bản báo cáo. Cụ lại có mật lệnh trở về Lạng Sơn. Bảo và Thục dặn dò là mật chiếu chỉ được mở ra trước mặt lãnh tụ thổ dân. Cụ bèn quay lại Lạng Sơn. Nhưng thật bất ngờ ! Chiếu hạ rằng họ chỉ được chức tước của cha ông, khi họ lập được công đánh dẹp được bọn giặc khác. Nổi giận, viên lãnh tụ quát lên : "Bọn tôi quỳ lâu gẫy hai đầu gối rồi, quân đội tôi về kinh uống cho sướng" (ý muốn nói uống máu).

Như vậy là một bên cụ bị bọn Bảo và Thục đánh lừa, bên kia bị đe dọa giết chết. Cụ phải vội vàng đánh tháo rút lui, quân lính đang thối chí lại bị thiếu lương thực. Khi cụ đã thoát ra khỏi núi, rút về đến gần kinh đô, các thành phố bị đốt cháy phía sau, kể cả Bắc Ninh. Cơn tức giận của bọn phản loạn thật quá đỗi khủng khiếp.

Nhiều cuộc nổi loạn xẩy ra ở các nơi khác. Nông dân nổi dậy chống lại thuế khóa quá nặng. Chúa Trịnh Giang và bọn lạm quyền Bảo và Thục ngày càng mất lòng dân. Cụ Nguyễn Công Thái, cùng với một số đại thần trong triều, quyết định truất phế Trịnh Giang, bèn bí mật dâng sớ lên vua Lê Ý Tông thỉnh cầu hạ bệ Trịnh Giang, đưa Trịnh Doanh là người em thứ ba lên thay thế và xin hạ chiếu cho Bảo cầm quân đi dẹp loạn. Hiểu rằng đó là cái bẫy, Bảo vẫn triều kiến về vụ việc. Ngày hôm ấy, cụ mời Trịnh Doanh lên cung điện nhà vua cùng với chư đại thần, đồng thời ra lệnh cho quân lính bao vây, khi Bảo đã tiến vào cung điện. Cụ Ngyễn Công Thái và một đại thần khác là Nguyễn Quí Kinh tuyên bố là Trịnh Doanh từ nay lên ngôi chúa, thay thế Trịnh Giang. Tính tình ngay thẳng, Trịnh Doanh từ chối. Nhưng khi thấy có chiếu nhà vua, Trịnh Doanh nhận lời. Cụ và Nguyễn Quí Kinh đỡ Trịnh Doanh lên ngôi dưới một hồi trống vang. Hoảng sợ, Bảo toan chạy trốn, nhưng bị lính bắn chết ngay tại chỗ. Thục cùng chung số phận.

Theo cuốn "Danh Nhân Nước Nam" của Kinh Lược Hoàng Cao Khải, chính Thái Hậu Võ Thái Thị, mẹ của Trịnh Giang và Trịnh Doanh đã triệu cụ Nguyễn Công Thái và Nguyễn Quí Kinh lên than rằng : "Những sai trái của Trịnh Giang đã vượt giới hạn, chư thần phải liệu tính làm sao ?"

Sau cuộc đảo chính, cụ Nguyễn Công Thái giữ nhiều chức vụ như Thượng Thư bộ Hộ, Tế Tử Quốc Giám, Tể Tướng, Phụ Tá Thế Tử (phụ tá chúa Trịnh Sâm) cụ chỉ đạo và chỉ huy quân đội đánh dẹp các cuộc nổi loạn ngày càng gia tăng ở miền Bắc. Nhiệm vụ kết thúc hoàn toàn tốt đẹp.

Ít lâu sau, khi vua Lê Hiến Tông lên ngôi năm 1740, cụ đưa nhà vua ra trận dẹp loạn, bình định các vùng phía Đông Bắc. Đi đến đâu, bình định đến đấy. Nhưng quá say sưa công tác tái lập kỷ cương, cụ quá khắc khe nên gây nhiều lời phê phán.

Mặc dầu vậy, nhà vua vẫn kêu gọi đến cụ để giữ kỷ cương trật tự trong nước, bình định các vùng phía Đông Bắc, các núi phía Nam và Thanh Hóa. Trong những thời gian ấy, cụ được triệu về kinh giữ chức Tể Tướng năm lần, vào những năm 1735, 1742,1744, 1746 và 1749.

Năm 1741, cụ được phong tước Kiều Quận Công rồi thăng chức Thượng Trụ Quốc (chức cao nhất của Tứ Trụ Đại Thần).

Năm 1746, vào tuổi 65, mệt mỏi vì các kèn cựa trong triều, cụ xin được rút lui hưu trí. Ba tháng sau cụ lại được triệu về giữ chức Thái Phó Đại Thần, hàm Thái Tử Thái (Thiếu) Phó, Kiêm Quản Quốc Tử Giám. Như vậy mà cụ vẫn còn thời giờ để giảng dạy nhiều học trò khác, trong đó có thái tử Trịnh Sâm.

Năm 1752, chúa Trịnh Doanh đã lớn tuổi mà vẫn chưa chính thức chỉ định người nối ngôi, nhiều cạnh tranh âm thầm manh múng, nhiều đại thần muốn đưa người con út lên ngôi, nhưng cụ Nguyễn Công Thái tâu Hoàng Thái Hậu xin nhất quyết đề cử người con trưởng là Trịnh Sâm lên ngôi nối nghiệp. Đề cử được chấp thuận. Nhờ vậy sau này nhà vua nói về cụ như sau : "một vị đại thần lớn là một cột nhà vững chắc, trong sáng và tài năng"

Tính cụ quá nghiêm khắc và không nhân nhượng, cho nên không phải lúc nào cụ cũng chỉ có thân hữu gần gũi. Cụ phải rời chính quyền năm 1756 và sẽ vĩnh viễn hưu trí. Khi rời chức vụ, cụ tỏ lời than : "Đó là chuyện con thiên nga và con cú, con cú ăn chuột, khi con thiên nga xuất hiện, con cú tỏ vẻ hung hăng giữ mồi. Tội nghiệp cho cú, nó không biết là thiên nga chỉ ăn măng !"

Hai năm sau (1758), cụ Nguyễn Công Thái mất. Thọ 75 tuổi. Theo di chúc, cụ được an táng ở Thanh Liệt, một làng cạnh Kim Lũ ở huyện Thanh Trì. Mộ của cụ là một mô đất lớn tồn tại cho đến một ngày gần đây, nay đang được xây thành lăng.

Để tuyên dương các công trạng cụ hiến cho đất nước, vua ban thưởng cụ lúc tại thế nhiều chức, tước, hàm như Kiều Quận Công, Thượng Quốc Trụ, Thái Tử Thiếu Phó. Sau khi mất cụ được lên Thái Tử Thái Phó và được thưởng thêm nhiều hàm tước khác.

Lịch sử thấy ở nơi cụ một trong những vị đại thần lớn nhất của đất nước ở triều đại nhà Hậu Lê. Các con cháu cảm thấy ở cụ một tấm lòng hiền hậu, thiết tha và chỉ thích những gì đơn giản bình dị.

Năm 2004, vào ngày sinh nhật thứ 320 của cụ, một buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức long trọng. Số báo đặc biệt của tạp chí Xưa và Nay tháng 11 năm 2004 với chủ đề về cụ. Trong số báo ấy, các sử gia cho biết vài chi tiết thú vị :

- Cuốn gia phả chính tay cụ viết mang nhan đề "Kim Lũ Nguyễn Tộc Gia Phả" vẫn còn lưu trữ đến ngày nay. Sử gia Mai Hồng có đọc ba tập làm nhân chứng. Trong đó ông có kể là thủy tổ Nguyễn Phúc Tâm lập nghiệp ở Kim Lũ năm 1536. Có một nghi vấn trên thời điểm ấy vì các hậu duệ của cụ tính là năm 1540.

Cuộc đời của cụ được tường thuật chi tiết trong một cuốn sách của người con thứ bảy của cụ là cụ Nguyễn Huy Tự.

Mỗi lần lãnh được phần thưởng nhờ những cống hiến cho đất nước, cụ đều chia phần cho bà con họ hàng và dân làng. Vậy là cụ đã đi đến tận cùng đạo đức của quan chức nhà nho.

Theo sử gia Phạm Huy Chú, cụ là một trong ba mươi đại thần lớn nhất của hai trăm năm triều đại nhà Hậu Lê.

4.7. Thế hệ thứ bảy

Xin nhắc lại là cụ Nguyễn Công Thái có chín người con trai và mười một con gái.

Trưởng nam là cụ Ôn Cung. Con thứ là cụ Thuần Lương. Chúng ta là hậu duệ cụ thứ.

Cụ Thuần Lương sinh năm 1735 và mất năm thứ ba đời vua Lê Chiêu Thống, tức năm 1789. Đời của cụ được đánh dấu với bằng Tiến Sĩ, đậu lúc 34 tuổi và được giao phó chỉ huy phòng thủ kinh đô đời nhà Lê.

(Ghi chú 2 : Một điều đáng được chú ý khác là theo tài liệu của giòng họ thì vua Lê Chiêu Thống còn trị vì đến năm 1789, trong khi ấy vị vua này đã tỵ nạn ở Trung Quốc và Nguyễn Huệ đã lên ngôi năm 1788. Gia đình họ Nguyễn huyện Thanh Trì phục vụ dưới triều Hậu Lê qua mấy đời nên không công nhận tính chính thống của anh em Tây Sơn và sau này nhiều người cũng không công nhận triều Nguyễn (xem đời thứ 8 và thứ 9). Điều đáng chú ý nữa : chính người viết gia phả họ Nguyễn nhà ta, tức cụ Nguyễn Trọng Hợp, Phụ Chính Đại Thần triều Nguyễn là người biên khảo lịch sử triều này. Cụ tôn trọng cách nhìn lịch sử theo truyền thống của tổ tiên giòng họ và có ghi trong tư liệu rằng cách diễn giải lịch sử truyền thống mẫu thuẫn với cách trình bày chính thống).

Cụ có hai đời vợ. Đời vợ thứ nhất với cụ Lê Diệu Uyển, con gái của một hoàng thân nhà Lê, có hai con trai là cụ ÔnTĩnh và cụ Phúc Hương. Đời vợ thứ hai với cụ Mai Thị có một trai, hai gái. Chúng ta là hậu duệ cụ trưởng Ôn Tĩnh.

Thế hệ thứ Bảy có điểm đặc biệt với nhân cách của cụ Nguyễn Huy Tự (1741 – 1812), người con thứ bảy của cụ Nguyễn Công Thái. Cuộc đời của cụ đầy lòng trung thủy như đã lược qua ở chương trước, khi nhà Lê sụp đổ, đối diện với anh em Tây Sơn. Tể tướng dưới đời vua Lê Chiêu Thống, cụ có trách nhiệm đem hoàng hậu và thái tử chạy trốn nơi an toàn, nghĩa là sang Trung Quốc. Bị quân lính của anh em Tây Sơn đuổi theo đến con sông gần biên giới, cụ phải cho con trai của mình cố thủ ở đàng sau. Trong khi trận chiến đang khốc liệt, muốn chặn đứng bước tiến của đoàn quân Tây Sơn cụ cho chặt đứt tức khắc cái cầu, sau khi đã đưa hoàng hậu và thái tử qua sông, bỏ lại con trai của cụ, chết đuối trên sông !

Vài năm sau, Gia Long công bố lên ngôi, cụ từ chối phục vụ nhà vua vì cho rằng ngôi vua phải về với nhà Lê. Cụ định cư xa quê nhà, tại tỉnh Sơn Tây, mở lớp dạy học ở đấy. Một chi họ Nguyễn ra đời với gia phả riêng. Ở chi này, thế hệ thứ 11 có một vị xuất chúng là nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1885 – 1939), cha đẻ khai sáng ra loại thơ mới Việt Nam.

4.8. Chi thứ tám

Cụ Ôn Tĩnh, trưởng nam cụ Thuần Lương, sinh năm 1772, mất năm 1841. Thọ 70 tuổi.

Cụ có ba đời vợ. Đời thứ nhất với cụ Nguyễn Thị Thanh sinh ra bốn trai. Đời thứ hai với cụ Cung Thị hạ sinh một trai, một gái và đời thứ ba với cụ Nguyễn Thị Pháp Trí có hai gái.

Chúng ta là hậu duệ của trưởng nam. Khi cụ này mới lên bốn, cụ thân sinh Nguyễn Thị Thanh mất ở tuổi 25. Cụ bà thứ ba là cụ Thị Pháp Trí lo nuôi nấng dạy dỗ tất cả con cái cho đến hết đời, ở tuổi 82.

Sau này, cụ Nguyễn Trọng Hợp viết trong cuốn Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả rằng thân sinh của cụ tỏ hết lòng nhớ ơn mẹ ghẻ.

Năm 1788, khi Lê Chiêu Thống mất ngôi, cụ Ôn Tĩnh mới có 17 tuổi, phải sống ẩn nấp trong nhiều năm trời chỉ vì cụ là hậu duệ của quần thần nhà Lê qua nhiều đời liên tiếp.

Sau này, khi Gia Long lên ngôi (1802), cụ Ôn Tĩnh cũng không muốn phục vụ nhà Nguyễn và ở ẩn nơi làng nhà. Trở thành một nhà nông lo việc cày cấy nuôi con, cho con đi học và thi cử. Cụ cũng chăm sóc cháu trai và gái gọi bằng bác, tức con của cụ Phúc Hương.

Vào cuối đời, cụ có vinh hạnh được một phái đoàn Trung Quốc đi sứ sang Việt Nam, ghé thăm cụ như một nông dân tầm thường trên đường đi Hà Nội.

4.9. Thế hệ thứ chín

Trưởng nam cụ Ôn Tĩnh là cụ Trang Khải. Chúng ta là hậu duệ của cụ. Tên húy (tên sinh) là Cư. Tên này được sử dụng trong các tài liệu sử học.

Cụ Nguyễn Cư sinh năm 1798, mất năm 1852, được mai táng tại làng Tri Lại ở Nam Định. Về sau mộ được đưa về Kim Lũ.

Cụ có một đời vợ là cụ Nguyễn Thị Sinh. Cụ sinh năm 1797, mất năm 1851.

Các cụ hạ sinh ba trai, một gái.

Cụ thi Hương đậu năm 30 tuổi, Tiến Sĩ năm 33 tuổi. Cụ về làng mở lớp dạy học. Vài năm sau được bổ làm Tri Huyện ở Hưng Nhân. Qua nhiều chức vụ khác nhau cụ phục vụ trong triều ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Từ 1833 đến 1840 dưới đời Minh Mạng :

-       Cụ công tác ở Hưng Yên, Nam Định, Hưng Nhân và nổi tiếng là người hăng say lo việc xây đắp đê điều bảo vệ các vùng trước kia bị ngập lụt thường xuyên,

-       Rồi cụ được cử làm Sơ Khảo thi Hương ở Nam Định, rồi Đồng Tri Phủ Nam Sách, kiêm huyện Thanh Hà

Từ 1841 đến 1848 dưới đời Thiệu Trị :

-       Cụ được bổ làm Giám Sát Ngự Sử (Giám sát Chính Trị) năm 1845. Nên con cháu ngày nay gọi là cụ Ngự.

-       Hoàn cảnh xã hội trong nước làm cụ lo lắng, năm 1846 ở vùng cụ công tác bị đại hạn, không một hạt mưa trong suốt mùa hè đến mùa rét, cụ dâng sớ mô tả hoàn cảnh khó khăn của nông dân, thỉnh cầu nhà vua bỏ lệ làm xâu và bảo vệ tài sản của dân cày với một cơ chế hành chính có hiệu quả hơn. Vào tháng tám năm ấy, cụ lại dâng sớ tố cáo việc xây lăng một công chúa dùng quá nhiều nhân lực làm xâu. Cụ xin không những giảm số người làm xâu, mà còn phải trả lương tối thiểu cho họ. Cả hai sớ đều được thi hành.

Từ 1848 đến khi về hưu trí non, một năm sau khi cụ dâng sớ lên vua Tự Đức để thông báo tình hình đáng lo của đất nước và xin có biện pháp đối phó, các sớ phản ánh tinh thần trách nhiệm sâu sắc của cụ đối với nhân dân.

-       Vào tháng ba ta năm 1848, cụ lại dâng sớ cùng với nhiều đại thần khác tố cáo lệ làm xâu đánh nông dân quá nặng ở Thừa Thiên (Huế), Quảng Nam, Hà Tĩnh và Nghệ An :

-       "Các quan trung thần (quan chức địa phương) không để tâm vào điều kiện sống của nhân dân mà chỉ nghĩ đến việc thu thuế. Những bản báo cáo đệ lên về hậu quả tai hại của nạn hạn hán khắp cả nước năm qua đều không có hồi âm. Nay, xin khẩn trương thỉnh cầu hai biện pháp : Rời việc thu thuế của khóa trước và giảm thu khóa này". Nhà vua hạ chiếu điều tra rồi cho thi hành ngay lập tức.

-       Vào tháng mười cụ vào triều dâng sớ mô tả tình hình báo động ở Quảng Nam và tệ hơn nữa ở Đồng Bằng Cửu Long : 

-     "Nông dân rơi vào cảnh khốn cùng, bị đẩy đi khỏi làng để trốn thuế. Nguyên nhân là họ bị đánh thuế quá nặng năm trước, bị bệnh dịch đậu mùa cũng như quân dịch bắt lính đi đánh ở biên giới phía Tây (Campuchia). Giá gạo và lương thực đắt đỏ ngày càng tăng, khiến đời sống của nông dân gặp ngày càng khó khăn. Vậy xin cho kiểm kê lại dân số để những làng có nhiều dân trốn đi hoặc bị bệnh dịch tàn phá thoát khỏi gánh nặng thuế thân. Một kế hoạch rời ngày thu thuế cần được ban hành cấp bách". (Ghi chú : nhà nước đánh thuế theo hình thức khoán từng làng, tính trên đầu người. Thuế thân là thuế đánh lên người đang tuổi lao động, từ 18 đến 60 tuổi).

"…Ngoài hoàn cảnh ấy, tình hình còn bất an, nói đúng hơn là đáng lo vì tàu bè của Tây hiện diện dọc theo bờ biển. Bảo vệ an ninh cho dân chúng là nhu cầu cấp bách".

Sớ còn xin một chính sách hội nhập cho hậu duệ và đồng phái nhà Lê : "Bỏ rơi các tài năng muốn quay trở về với đất nước thật là một chuyện đáng tiếc". (Ghi chú : nhiều người đang tỵ nạn ở Trung Quốc).

-       Vào tháng chạp, cụ lại môt làn nữa dâng sớ mô tả tình hình báo động ở các vùng phía Bắc Quảng Nam, dịch đậu mùa còn hoành hành và quân lính bị thối chí vì quá nhiều công tác. Thời gian nghỉ ngơi của lính cần được bố trí sắp xếp lại.

Nhà vua hạ lệnh cho thi hành các sớ ấy.

Cụ Nguyễn Trọng Hợp là người viết các giòng sau đây về thân sinh của cụ trong cuốn Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả : "Khi làm Quốc Sử Tổng Tài (Chủ trì việc viết sử)… trong Nội Các (văn phòng của vua) khi viết tập thứ tư của cuốn Đại Nam Liệt Sử, tôi khám phá ra như vậy và chỉ muốn nêu lên ở đây các sự việc cho con cháu biết đại khái thôi, không có ẩn ý nào khác".

Vào tháng giêng ta năm 1849, cụ Nguyễn Cư phạm một lỗi là vắng mặt ở buổi trực trong Nội Các vì phải tiễn đưa một người bạn đi hưu trí. Lỗi ấy bị tố cáo lên đến tận vua. Đọc sớ xong vua nói : "Viện Đô Sát là nơi có danh tiếng, nay chỉ trích lẫn nhau, Trẫm thật không vui". Cả hai người, người tố cáo, người bị tố, đều bị cách chức.

Như vậy là cụ Nguyễn Cư bị về hưu non ở tuổi 52. Cụ muốn trở về với nghề giảng dạy, nhưng chuyện không thành.

Vì năm ấy cụ phải mang tang mẹ ghẻ, nguời đã có công nuôi nấng cụ sau khi cụ bà thân sinh ra cụ qua đời, khi mới lên bốn. Hai năm sau cụ phải ở hóa và từ trần năm sau đó trong cảnh nghèo, tức năm 1852.

Sau khi cụ mất, vua Tự Đức thăng cụ lên hàm Trung Nghị Đại Phu năm 1873 và hàm Triều Liệt Đại Phu năm 1881. Về sau vua Đồng Khánh lại thăng cụ lên hàm Gia Nghị Đại Phu và Trung Phụng Đại Phu năm 1886.

Trong cuốn Đại Nam Liệt Truyện nổi tiếng, cuốn sách chính thức liệt kê tiểu sử các đại thần, có dành nhiều trang nói về thân thế của cụ. Đó là một cách tuyên dương hiếm hoi.

4.10. Thế hệ thứ mười

Cụ Nguyễn Trọng Hợp, vị tiền bối trực hệ của chúng ta là con trai thứ hai của cụ Nguyễn Cư. Cụ sinh ở Kim Lũ ngày mồng 3 tháng ba năm thứ 15 đời vua Minh Mạng, tức năm 1833. Cụ mất ngày 24 tháng tư năm thứ 14 đời vua Thành Thái, tức năm 1902, thọ 69 tuổi. Lăng cụ được xây ở Kim Lũ. Hiện đang có dự án tu sửa.

Cụ có nhiều tên :

-       tên húy (tên mẹ đẻ mà người ta kiêng không gọi) là Nguyễn Trọng Hợp. Khi công tác trong triều Hợp đổi ra Hiệp, theo cách gọi ở miền Trung

-       tên tục (tên mẹ đẻ khi còn nhỏ) là Tuyên hoặc Huyên

-       tên tự (tên chữ) là Quế Bình

-       tên chức là Văn Minh Điện Đại Học Sỹ, thường gọi tắt là Văn Minh

-       Tên hiệu (bút hiệu) là Kim Giang.

Trong tài liệu này chúng ta sẽ viết Trọng Hợp như trong tài liệu mới và Trọng Hiệp như trong trích dẫn tài liệu thời ấy.

Cụ Nguyễn Trọng Hợp (1833 – 1902)

giapha3

Cụ Nguyễn Trọng Hợp (1833 – 1902)

Lúc lên sáu, cụ Nguyễn Trọng Hợp được đi học, thầy giáo khai tâm đã khen là cụ rất thông minh và ghi trong học bạ : "học trò này xuất thân từ một gia đình nhà nho sẽ có một sự nghiệp sáng rói và kéo dài tựa như sông Tô Lịch (sông chảy sát ven làng Kim Lũ)".

Lúc 19 tuổi cụ mồ côi mẹ, một năm sau mất cha. Khóc hai cái đại tang ấy, cụ viết : "Khi tuổi còn thơ được cha mẹ nuôi dưỡng, nay đã trưởng thành, tôi không kịp tỏ lòng biết ơn, cha mẹ đã khuất núi". Lời than ấy phản ánh tinh thần nho giáo trong quan hệ phụ tử.

Cụ đậu Cử Nhân năm 25 tuổi và Tiến Sĩ năm 32 tuổi.

Cụ bà Lưu Thị Cầu sinh năm 1841, họ Lưu gia đình chồng của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan. Cụ mất năm 1924. Mộ cụ ở Kim Lũ.

giapha4

Cụ bà Lưu Thị Cầu (1841 – 1924)

Hai cụ có ba trai Thuần Đốc, Duy Nhiếp và Duy Môn và hai gái là Thị Văn, Thị Tho.

Cụ Nguyễn Trọng Hợp trước hết là một vị đại thần tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc và đất nước ở vào thời điểm sóng gió, thời Pháp đang tiến hành cuộc đô hộ. Cụ còn là một nhà viết sử để lại những bài viết tỷ mỷ cho ta hiểu cặn kẽ lịch sử và xã hội đương đại. Cuối cùng, cụ cũng là một nhà thơ, một nhà quan sát thời cuộc.

Một đại thần, một nhà viết sử và một nhà thơ. Ba cuộc đời song song của cụ sẽ được lần lượt tường thuật, nhưng chỉ có phần viết về vai trò chính trị của cụ là được kể lại chi tiết vì cụ là một nhân vật quan trọng trong vai trò của một Phụ Chính Đại Thần (phụ tá - trợ lý – chính của vua) từ 1889 đến 1897. Cho đến nay, sự nghiệp chính trị của cụ chưa được mô tả đầy đủ, mặc dầu đã có cuộc hội thảo ở Hà Nội năm 1991 về cụ. Các bài tham luận chủ yếu dựa lên các tài liệu lịch sử có trong nước.

-       Cuốn Kim Giang Văn Tập do hai người con trai của cụ dàn dựng là cuốn sách thu tập tất cả bài viết của cụ sau khi cụ đã quy tiên. Nó gồm chín tập, 626 trang tất cả. Cách sắp xếp theo thứ tự niên đại và cũng theo đề tài (sớ, thư từ hành chính, thơ, v.v.)

-       Cuốn Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên là cuốn sách chính thức liệt kê các chư thần của thời ấy.

Sau những bài tham luận ở cuộc hội thảo năm1991, có vài sử gia chuyên sâu về thời đại ấy của Việt Nam đem lại những ánh sáng mới với các thông tin lấy từ tài liệu lưu trữ ở Pháp, như là sách của các ông :

-       Nguyễn Thế Anh : "Monarchie et fait colonial au Việt Nam (1875 - 1925). Le crépuscule d’un ordre traditionnel" (Chế độ quân chủ và sự kiện thuộc địa ở Việt Nam (1875 – 1925). Hoàng hôn của một trật tự cổ truyền), nhà xuất bản l’Harmattan (1992).

-       Charles Fourniau : "Vietnam : domination coloniale et résistance nationale (1858 – 1914)" (Thống trị thực dân và kháng chiến quốc dân (1875 – 1925)), nhà xuất bản Les Indes savantes (2002).

Ngoài ra, tạp chí Xưa và Nay của Viện Chính Trị và Sử Học Việt Nam cũng đưa ra nhiều chi tiết quan trọng trong số ra ngày 28 tháng 6 năm 1996.

Đây là cơ hội để tường thuật cuộc đời đại thần của cụ qua các thông tin thu lượm được ngày nay. Chúng tôi không làm công việc của sử gia mà chỉ cố gắng dựa lên các tài liệu lịch sử mới và cũ để kể lại một cách trung thực nhất cuộc đời chính trị của cụ.

giapha5

Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp (Nguyễn Trọng Hiệp)

Nguyễn Trọng Hợp, một đại thần    

Cuộc đời đại thần của cụ chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh lịch sử ở thời ấy. Xin tóm lược như sau :

-       Đất nước rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng từ vài chục năm trước. Cụ có thuật lại nhân chứng của chính thân sinh ra cụ.

-       Toàn thể châu Á rơi vào khuyết nhược thê thảm so với phương Tây trên phương diện công nghiệp và quân sự. Yếu kém này được thể hiện ngay ở cuộc Chiến Tranh Thuốc Phiện bên Tàu năm 1842, ở trận mưa đạn của hải quân Hoa Kỳ bắn vào thành phố Nagasaki năm 1853 và cuộc đổ bộ của hải quân Pháp vào Đà Nẵng năm 1858.

-       Cuối cùng là việc nối ngôi vua Tự Đức (không có con) làm xáo trộn cùng cực triều đình.

Giai đoạn từ năm 1858 đến 1874 : từ học vấn đến công tác trong triều 

Cụ thi Hương đậu năm 1858. Năm sau thi Hội rớt, nhưng cụ vẫn được một số đại thần trong triều để ý, trong đó có chú của vua Tự Đức là Tùng Thiện Vương đem về nuôi dạy trong nhà, rồi sau cụ được giao phó công việc bảo quản thư viện và giảng dạy các cháu của nhà vua không có con. Thời kỳ ấy mở rộng thêm kiến thức và cho cụ cơ hội hiểu biết đầy đủ các khúc mắc, thế lực trong triều.

Năm 1865, cụ thi đậu Tiến Sĩ và được bổ làm tri phủ Xuân Trường ở Nam Định. Ở chức vụ đầu tiên này, cụ được triều đình chú ý trong chính sách xã hội thức thời của cụ : Hạ thuế cho nông dân, tăng ngân sách quốc gia bằng quản lý chặt chẽ các nguồn sinh lợi ở địa phương. Chúng ta nhớ những gì đã đề cập ở chương hai : ở thời điểm này kinh tế nước nhà rơi vào suy thoái cùng cực như chưa từng thấy nên nông dân bị đè nặng vô cùng dưới sức ép của thuế khóa. Ở đây vị thần trẻ tuổi đã chứng tỏ tài năng giúp ích đất nước và dân tộc.

Được triệu về kinh, cụ giữ chức Phủ Thừa (Án Sát) năm 1869 và chức Phủ Doãn Thừa Thiên (tỉnh trưởng), hàm Hồng Lô Tự Khanh. Ở chức vụ này cụ để tâm đến kinh phí của cung điện nhà vua và thu hẹp bớt các chi tiêu.

Năm 1873, cụ dâng sớ bí mật về tình hình đáng lo ngại ở Đồng Bằng Sông Hồng : cụ đã tiên đoán được hậu quả cuộc tranh chấp giữa nhà buôn phiêu lưu Pháp Dupuis và quân đội Việt Nam; nhưng bị bất ngờ, cụ không đối phó kịp phản ứng của nhà vua kêu gọi Toàn Quyền Nam Kỳ can thiệp vào sự cố, như đã kể ở chương hai. Ngày 2 tháng 11 năm 1873, Francis Garnier tấn công đánh chiếm Hà Nội. Cụ đem một nghìn quân lính ra cầu cứu. Ra đến Thanh Hóa thì có tin Ninh Bình thất thủ, cụ xin thêm quân viện. Thay vì có quân viện, cụ lại có lệnh thương thuyết. Được cử làm Tuần Phủ Hà Nội để đàm phán. Chúng ta biết cái gì sẽ xẩy ra : trong thời gan thương thảo, Garnier kéo quân tấn công và tử trận ở Cầu Giấy. Sự việc đưa đến Hiệp ước Huế ký ngày 15 tháng 3 năm 1874.

Sau Hiệp ước Huế, cụ Nguyễn Trọng Hợp phụ trách việc giải phóng Ninh Bình. Một giai thoại đáng được kể lại : quân Pháp rút lui trước khi quân lính Việt Nam tới nơi, họ để lại quân trang cho khoảng một nghìn lính đánh thuê, bọn này nổi loạn. Không đợi quân tiếp viện, cụ leo lên ngựa, một mình tiến đến bọn lính đánh thuê. Trước giáng oai nghi của cụ, chúng kinh hoàng, hoảng sợ nên xin đầu thú và xin được chiêu hồi, nhập ngũ.

giapha6

Bộ 3 đại quan tỉnh Nam Định năm 1898: Tổng Đốc Cao Xuân Dục, Quan Bố và Quan Án.

Giai đoạn thứ hai từ 1875 đén 1881 : một viễn tượng hiện đại về chính trị, kinh tế và xã hội

Sau khi lấy lại Ninh Bình, quân Pháp giao trả lại các tỉnh đã bị chiếm. Cụ được phong làm Tổng Đốc (Tỉnh Trưởng) Nam Định kiêm luôn hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, ngoài nguyện vọng của cụ, mặc dầu đó là một trọng trách lo xây dựng phát triển một vùng đất lớn và quan trọng vì cụ mong được bổ về một chức vụ nào đó trong triều đặng có thể áp dụng các chủ trương của mình đã trình bày trong sớ năm 1874. Trong sớ, cụ phê bình tinh thần khép kín, thế cô lập của đất nước và xin hiện đại hóa nền kinh tế nước nhà bằng khoa học kỹ thuật tiến bộ đến từ nước ngoài.

Chúng ta nên ghi nhận cụ không phải là người đầu tiên xin cải tổ dưới triều vua Tự Đức. Nguyễn Trường Tộ đã xin cải cách nền giáo dục mà không được, cũng như Phạm Phú Tư đã ca tụng sức mạnh kinh tế và kỹ thuật của Pháp, sau Hiệp ước Huế năm 1874 và sau cuộc viếng thăm nước này. Cụ Nguyễn Trọng Hợp thỉnh cầu nhà vua gửi người đi Pháp học tập khoa học kỹ thuật. Nhưng nhà vua lưỡng lự rồi nghe theo các thành phần bảo thủ. Họ ém nhẹp hồ sơ. Chúng ta cũng nên nhắc lại là sau khi Nagasaki bị nả mưa đạn năm1854, Nhật Bản phải trải qua một thời kỳ tranh đấu nội bộ gay gắt giữa thành phần bảo thủ (phe shôgun) và thành phần tiến bộ (phe trung thành với nhà vua). Cuộc tranh đấu kéo dài đến 1867. Phe canh tân thắng, Nhật Bản đi vào trường phái phương Tây. Cuộc thắng trận của Nhật chống lại Nga Hoàng bốn mươi năm sau, vào năm 1904 cho thấy là phe canh tân đi đúng đường ở châu Á.

Với tư cách Tổng Đốc Nam Định, cụ áp dụng chính sách kinh tế và xã hội rất hiện đại :

-       Giải ngũ để quân lính trở về đồng quê cầy cấy đúng theo nghề nghiệp của mình, khai thác đúng tài nguyên của địa phương để phát triển kinh tế.

-       Đắp đê khai khẩn các vùng sình lầy để tăng đất canh tác,

-       Giảm thuế cho dân nhờ kinh tế phát triển,

-       Khuyến khích các chủ rựa dự trữ lúa để giữ giá gạo và cứu đói khi mất mùa.

Năm 1876, cụ lại xin trở về triều, nhưng không được chấp thuận.

Năm 1879, cụ dâng sớ lên vua Tự Đức thỉnh cầu mở các cảng tiếp đón thương gia Trung Quốc, mở các trạm kiểm soát ngăn ngừa tệ buôn lậu qua biên giới. Cụ chống lại dự án cho phép tư nhân độc quyền thu mua các hàng đặc sản địa phương (mỹ nghệ và nông nghiệp) mà nhiều đại thần cho rằng nó sẽ tạo điều kiện tốt cho việc kiểm soát hàng hóa. Cụ cũng chống lại dự án cho các thương gia thầu lại công tác thu thuế. Điều dễ hiểu vì nạn tham ô sẽ dễ lộng hành.

Trong sớ cụ còn nói rõ hơn : "Chớ làm hại dân, nhất là khi không có lợi ích gì cho nhà nước". Lời kết luận ấy quả là thẳng thắn và hiện đại ở thời mà các sớ được viết theo ngôn ngữ bóng gió.

Năm 1880, cụ lâm bệnh và được về nghỉ vài tháng. Nghe tin trều đình có dự án gửi một phái đoàn đi sứ qua Pháp, cụ tỏ nguyện vọng tham gia. Nhưng dự án không thành.

Giai đoạn thứ ba từ 1881 đến 1884 : một hòa ước, một vết thương

Năm 1881, cụ được triệu về triều nhậm nhiều chức vụ khác nhau liên tiếp : Tham Tri Bộ Hộ (thứ trưởng tài chính), Thượng Thư Bộ Lại (bộ trưởng nội vụ) rồi giữ chức Thương Bạc Đại Thẩn, tức bộ trưởng ngoại thương. Bộ này có vai trò ngoại giao vì thời ấy chưa có bộ ngoại giao. Với chức ấy, vua Tự Đức muốn gửi cụ đi sứ sang Pháp và truyền rằng : "Trọng Hợp có kiến thức cao rộng, thơ văn uyên bác, có nhận định sâu sắc, trước kia trẫm không hay biết, nay quả là muộn, vậy việc bổ nhiệm vào chức Chánh Sứ, chuyến đi sứ này sẽ thỏa mãn mong đợi của Thương Bạc Đại Thần và có bổ ích chăng ?". Nhưng sứ mệnh ấy không thành vì quyết định quá trễ. Một năm sau, Cộng Hòa Đệ Tam Pháp gửi quân viễn chinh sang Việt Nam.

Với tư cách là Thương Bạc Đại Thần, cụ xin sáng lập các tòa đại sứ và gửi các phái đoàn ra nước ngoài. Triều đình chưa thật sự có bộ ngoại giao, đề nghị này quả là sáng kiến tiền phong ở thời ấy

Năm 1882, cụ Nguyễn Trọng Hợp được bổ làm Thượng Thư Bộ Lại (bộ trưởng nội vụ) đúng vào lúc Henri Rivière đem quân viễn chinh đánh Hà Nội. Sự việc xẩy ra như đã tường thuật ở chương hai.   

Vâng lệnh nhà vua, cụ và các đồng sự phải ký Hiệp ước Harmand ngày 25 tháng 8 năm 1883. Đối với cụ, đó là một tổn thương nặng nề mà về sau cụ có thổ lộ trong một bài thơ sẽ được trình bày ở chương tới.

giapha8

Cụ Phan Đình Phùng

Ở thời điểm từ 1881 đến 1884, chúng ta có thể nói đến các sự kiện lịch sử khác :

Năm 1883, vua Dục Đức bị hạ bệ và ám hại, một đại thần chống lại sự việc cũng bị Tôn Thất Thuyết kết án tử hình là Phan Đình Phùng. Cụ Nguyễn Trọng Hợp nhà ta là người độc nhất đứng lên cứu họ Phan. Vài năm sau, Phan Đình Phùng là người lãnh đạo phong trào Cần Vương. Chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề này trong chương tới cùng với sự kiện cụ từ chức khi nghe nói đến cái chết của họ Phan.

Hòa ước Harmand không chận đứng các tác chiến khốc liệt ở Bắc kỳ. Quân đội Việt Nam được quân đội Trung Quốc yểm trợ. Chúng ta nên nhắc lại chiến lược của cụ Nguyễn Trọng Hợp là lôi cuốn Trung Quốc vào cuộc. Nhưng vua Hiệp Hòa nhượng bộ trước áp lực của Harmand, hạ chiếu cử cụ ra Bắc để buộc các đại thần ở ngoài ấy phải thuần phục hạ súng và cách chức những người không tuân lệnh. Cụ nhà ra Bắc vào tháng 9 năm 1883, nhưng cụ chỉ có một biện pháp là yêu cầu vị tướng chỉ huy mặt trận rút ra khỏi Sơn Tây vì ở đấy đã có lực lượng của Lưu Vĩnh Phúc, người Tàu (có tài liệu gọi là quân Cờ Đen) đương đầu với quân Pháp. Cụ không cho ra một biện pháp trừng phạt nào cả.

Giai đoạn thứ tư từ 1885 đến 1889 : một quyền lực ở thế bí và bất lực

Dưới triều đại vua Đồng Khánh (1885 – 1889), cụ Nguyễn Trọng Hợp được thăng chức Kinh Lược Bắc Kỳ vào tháng 4 năm 1886, chức vụ này ở vào thới điểm hết sức tế nhị vì mục tiêu của Pháp là thôn tính và biến Bắc Kỳ thành một vùng đặt trực tiếp dưới quyền cai trị của mình. Nhưng cụ không để bị lèo lái, như ông Charles Fourniau đã ghi nhận ở trang 409 trong cuốn sách của ông : "Hồi ban đầu chức vụ ấy vẫn được giao cho Nguyen Trong Hiep, một đại thần chấp nhận hợp tác với người Pháp, nhưng vẫn giữ phẩm cách (bản lãnh của mình ?)". Có người còn đi xa hơn. Trong số 28 tháng 6 năm 1996 tạp chí Xưa và Nay của Viện Chính Trị và Sử Học Việt Nam có một bài mang tựa đề : "Công trạng của kinh lược Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp ở giai đoạn 1884 – 1892" kể lại rằng hồng y Puginier tố cáo trong các bài viết rằng cụ Nguyễn Trọng Hợp có nhiều quan hệ với phong trào Cần Vương mà cụ tìm cách bao che. Sau đó, năm 1891 vị ấy còn nói rằng cụ nhờ Toàn Quyền Lanessan phóng thích các nhà cách mạng Cần Vương ra khỏi trại tù Côn Đảo.

Từ giữa năm 1885 đến giữa năm 1886 tướng de Courcy, Khâm Sứ kiêm chỉ huy trưởng quân đội viễn chinh chủ trương chính sách bảo hộ dựa lên đàn áp. Chính sách ấy không đem lại kết quả, làm cho Paris khó chịu trong lúc mà chủ tịch mới của hội đồng chính phủ ở Pháp là Freycinet quyết định đưa quyền bảo hộ từ bộ hàng hải và thuộc địa sang bộ ngoại giao.

Vì vậy Paul Bert, dân biểu tỉnh Yonne, cựu bộ trưởng giáo dục đến Hà Nội ngày 8 tháng 4 năm 1886 thay thế tướng de Courcy. Ông Charles Fourniau viết ở trang 405 trong quyển sách của ông như sau :

"Vậy, tiến cử của Paul Bert vào chức vụ này đánh dấu một đường hướng mới cho chính sách thuộc địa của Pháp với một nhân vật có tầm vóc để đối phó tình hình. Là một nhà bác học lớn, đệ tử nối nghiệp Claude Bernard, đã để lại nhiều thành quả hữu ích cho ngày nay ; Paul Bert cũng là một trong những khuôn mặt Cơ Hội Chủ Nghĩa hàng đầu của phe Cộng Hòa… Một người to lớn lực lưỡng quê ở vùng Bourgogne 53 tuổi, có nhiều kiến thức khoa học và chủ nghĩa cộng hòa chống chủ nghĩa giáo quyền. Đó là hai vế của tư tưởng Phổ Biến Học, con đẻ của thế kỷ 18. Nước Pháp cộng hòa là người cầm cờ : Trường học thế tục và chủ nghĩa thực dân là hai phương tiện chủ yếu để truyền bá "Ánh Sáng và Tiến Bộ" và từ đó lấy lại thế mạnh và vẻ vang cho tổ quốc, sau thất bại 1870".

Paul Bert đến Việt Nam với ý tưởng ấy. Vị này muốn trực tiếp cai quản Bắc Kỳ. Các công chức của guồng máy bảo hộ Pháp phạm nhiều lỗi nặng, chẳng hạn như kết án công chức Việt Nam sau lưng kinh lược Bắc Kỳ làm cho vị đại thần này bị vạ lây. Paul Bert có vài nhầm lẫn trong nhận định với tư tưởng cộng hòa của mình, chẳng hạn như đánh giá sai lầm trong việc sáng lập Hội Tề Tư Vấn Bắc Kỳ mà các thành viên được bầu ra cho thời hạn một năm. Hội đồng này không bao giờ vận hành. Ông ấy sáng lập ra Hàn Lâm Viện Bắc kỳ với chương trình khoa học kỹ thuật, chẳng bao giờ viện này ra đời. Nhưng, việc xây dựng cảng Hải Phòng và dự án đường rầy Hà Nội - Lạng Sơn là những công trạng nhà lãnh đạo ấy để lại. Cụ Nguyễn Trọng Hợp là nhà cải cách nên thấy trong việc hiện đại hóa ấy là con đường mở cửa phát triển kinh tế cho Việt Nam như cụ đã hằng mong ước từ 1874. Nhưng cụ "rất gắn bó với đất nước và rất cương quyết trong vấn đề bảo tồn truyền thống, lễ nghi và tôn giáo nói riêng và trong vấn đề bảo vệ tổ quốc An Nam nói chung…" nên cụ tranh đấu cho các giá trị ấy. Chính Jean de Lanessan nói lại vài năm sau như vậy. Dự án tái lập các khoa thi Hội sau khi bị gián đoạn tám năm là một thí dụ điển hình : Paul Bert, cựu bộ trưởng giáo dục, khá khâm phục hệ thống giáo dục mang tính thế tục và dân chủ của ta và tán thành dự án đó. Thái độ của cụ nhà có thể so sánh với các nhà cải cách Nhật Bản : thực thi tiến bộ kỹ thuật phương Tây, nhưng bảo tồn gía trị truyền thống.

Trong quan hệ ban giao giữa hai chính quyền, các vua triều Nguyễn và chính quyền bảo hộ Pháp thường trao tặng huy chương hoặc chức tước cho một số các nhân vật, chẳng hạn như tướng de Courcy được vua Đồng Khánh thăng Bảo Hộ Quận Vương và Paul Bert trao tặng cụ huy chương "la croix de Commandeur de la Légion d’honneur" (Bắc đẩu Bội tinh) ngày 10 tháng 10 năm 1886. Cụ nhận sau khi đã từ chối một huy chương tương tự vài năm trước đó (xem Paulin Vial trang 50). Rất ngoại giao, nhân dịp ấy, cụ nhà mở một đêm khiêu vũ để chứng tỏ cụ cũng biết kính trọng phong tục tập quán của người Pháp. Nhưng chúng ta khó có thể tưởng tượng một vị đại thần khắc khổ đưa bước chân theo điệu nhảy đầm với bà Paul Bert, mặc dầu thiện cảm đậm đà cụ đã dành cho họ, thiện cảm ấy cụ phô bày bằng cách thăm viếng tỉnh Auxerre (vùng Bourgogne) trong cuộc công du nước Pháp vào mùa xuân năm 1894, tám năm sau khi Paul Bert qua đời ở Việt Nam.

Trong tất cả đông đảo các nhân vật như các công sứ, khâm sứ và toàn quyền Pháp mà cụ quen, chỉ có Paul Bert và de Lanessan được lòng cụ. Marcel Monnier, một phóng viên đặc biệt của tờ Le temps (Thời cuộc – nay là tờ Le Figaro), viết sau khi đến thăm cụ vào tháng 4 năm 1895 : "trong căn phòng tôi dược đưa vào không có trang trí lè loẹt hoặc sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Nguyên chỉ có một cái bàn khá đẹp và vài cái ghế khảm xa cừ theo kiểu Bắc cổ xưa. Trên tường có chân dung khá đẹp của Paul Bert ở vị trí danh dự và một tấm ảnh của de Lanessan, vị toàn quyền cuối cùng". Người ta biết rằng ở vào thời điểm cuộc thăm viếng ấy, người thứ nhất đã khuất núi, người thứ hai đã bị cách chức và bị nhà nước cộng hòa bỏ quên. Vậy đây không phải cụ có ý nịnh nọt !

Vào tháng 6 năm 1887, cụ Nguyễn Trọng Hợp rời chức Kinh Lược Bắc Kỳ và được triệu về kinh nhậm chức Tham Tri bộ Lại (bộ trưởng nội vụ), Tổng Tài Quốc Sử Quán (Thủ Trưởng Viện Sử Học Quốc Gia), gia nhập Viện Cơ Mật, rồi được phong Quốc Trụ Đại Thần (Phụ Chính) với danh hiệu là Văn Minh Điện Đại Học Sỹ vào tháng 2 năm 1888. Vậy là cụ giữ chức cao nhất trong triều.

Nhưng không được bao lâu. Viện lý do không làm trọn nhiệm vụ trong các vấn đề quốc sự, cụ xin được từ chức Quốc Trụ Đại Thần. Nhà vua không chấp nhận. Sau lại viện "lý do sức khỏe", cụ xin trở về quê. Lịch sử, nói đúng hơn là sự hiểu biết lịch sử có giới hạn của chúng tôi không cho phép hiểu chính xác lý do đích thực vụ từ chức của một vị đại thần có chức vụ cao như vậy (xem trang XX). Có một nhân chứng, những vẫn không đâm thủng được bí ẩn : Nguyễn Văn Mại (1858 – 1945), một trong các nhân vật đương đại và là đệ tử của cụ viết trong cuốn "Lư Giang Tiểu Sử" (hoặc Lỗ Giang) dành cho các đại thần quê quán ở Kim Lũ (Thanh Trì) như sau :

Khi cụ Trọng Hợp còn ở trong triều, cụ tặng mỗi thần một cuốn sách khuyên là phải tự tay mình tẩy và sửa chữa bản thảo, cho nên có lần một cộng sự viên xin làm thay, cụ nói : "Việc lớn không làm được, việc nhỏ không thèm làm, ngồi không mà ăn, người xưa thấy thế làm xấu hổ !"

Khi cụ đã rút lui về làng, tác giả quyển sách ấy viếng thăm cụ để rõ sự thật về vụ từ chức. Buồn, cụ chỉ vào cái nghiên và một tập giấy đặt trên bàn mà trả lời : "Ở nhà duy chỉ có việc này, mỗi lần ăn xong hoặc ngủ trưa giậy thì ta đi thong thả vài ba vòng rồi mài mực lấy giấy tùy ý viết năm ba chữ thảo để xem gân cốt còn mạnh hay yếu, khí lực vượng hay suy. Bút là tâm khí vậy... Gần đây bút mực của ta giảm sút".

Nhưng, mặc dầu đã rút lui về quê nhà, cụ vẫn tiếp tục lo việc nước.

giapha10

Chân dung vua Hàm Nghi

giapha9

Vua Hàm Nghi bên những bức tượng điêu khắc của ông tại nhà riêng ở Algérie

Giai đoạn thứ năm từ 1889 đến 1897 : tranh đấu ngoại giao và ngấm ngầm tiếp tay cho công cuộc kháng chiến quân sự

Vua Đồng Khánh băng hà ngày 28 tháng 1 năm 1889. Cụ ra khỏi thầm lặng, lên tiếng tranh đấu cho vua Hàm Nghi lên ngôi. Các tài liệu lưu trữ tại Archives d’Outre Mer (lưu khố hải ngoại) ở Aix-en-Provence chứng thực : Một giây thép đánh ngày 31 tháng 1 năm 1889 của Toàn Quyền Richaud gửi cho Khâm Sứ Rheinart nói rằng : "Được tin vua mới băng hà, Hiep đến gặp tôi, mặc dầu không được mời và tuyên bố Hàm Nghi là người độc nhất có thể lên ngôi. Ông ta nói là sẵn sàng trở về chức vụ Phụ Chính Đại Thần để trung thành phục vụ nhà vua". Richaud ưng thuận, nhưng Paris từ chối, chắc hẳn vì Hàm Nghi đã từng đứng lên toan đánh chống lại nền bảo hộ và đã bị đẩy đi đày.

Charles Fourniau cũng xác nhận sáng kiến này của cụ trong quyển sách "Annam et Tonkin 1885-1886 : lettrés et paysans vietnamiens face à la conquête coloniale" (Trung kỳ và Bắc kỳ 1885-1886 : sĩ phu và nông dân Việt Nam đối diện với cuộc xâm chiếm thực dân), nhà xuất bản L’Harmattan (1989), trang 147.

(Ghi chú : xin lưu ý là tên Hiệp được viết cho tên Hợp trong nhiều tài liệu lịch sử như đã nói ở trên)

Lên tiếng ủng hộ vua Hàm Nghi lên ngôi là điều rõ ràng, đến vào thời điểm quyết đinh để cụ diễn tả tâm tư nguyện vọng của mình. Nhưng nó mâu thuẫn với một vài tuyên bố của cụ trước đó, chủ yếu là công văn chính thức ngày 12 tháng 9 năm 1885 viết rằng Hàm Nghi chỉ là một hoàng thân, con của hoàng tử, nên không có quyền lên ngôi (xem trang 46 sách của của Paulin Vial). Có phải cụ đã thay đổi ý kiến hay cụ đã phải công bố một cách chính thức trong công văn như vậy, không đúng với tâm tư của mình, hoặc đó chỉ là một tuyên bố thức thời như tất cả các chính trị gia biết làm ở mọi thời đại ? Chẳng có gì để xác định chính xác điều ấy. Điều quan trọng là cụ đã can thiệp để đưa Hàm Nghi lên ngôi, một nhà vua cách mạng địch thủ của nền bảo hộ và đang bị đi đày.

giapha11

Cảnh quân Pháp xông vào bắt giữ vua Hàm Nghi

Cuối cùng, chỉ của Hoàng Thái Hậu đề cử một thái tử con vua Dục Đức lên ngôi, vị vua này bị hạ bệ ngay sau khi lên ngôi vào năm 1883. Thái tử ấy là Thành Thái, lên ngôi lúc mới 13 tuổi, ngày 1 tháng 2 năm 1889. Lúc ấy một Hội Đồng Phụ Chính được thành lập mà cụ nhà là một thành viên. "Đột ngột khỏi bệnh", cụ lên ghe rời quê nhà vào Huế và thoát nạn trong một cơn bão tố. Giáo sư sử gia Nguyễn Đắc Xuân cho biết là hồi ban đầu Hội Đồng Phụ Chính gồm ba người (một thân thần, tức là một hoàng gia và hai đại thần) về sau gồm bốn người (có thêm một thân thần nữa) (xem tham luận của Nguyễn Đắc Xuân trong Chim Việt Cành Nam số 25, "Đại thần Nguyễn Trọng Hợp (1834 – 1902), một nhân cách lớn thời Nguyễn suy tàn").

Trong Hội Đồng Phụ Chính cụ chính thức là nhân vật thứ ba, sau hai ghế dành cho hai hoàng tử.

giapha12

1892- Vua Thành Thái lên ngôi năm 1889 lúc 10 tuổi, ngồi trên ngai (ghế) trong trang phục đại triều.

Nhưng thực chất quyền hành vào hết trong tay cụ. Hãy để các sử gia mô tả thân thế và đường lối chính trị của cụ với tư cách là một nhà lãnh đạo hành pháp tối cao. Sử gia Nguyễn Thế Anh viết ở trang 154 và 155 trong quyển sách của ông :

"Nhưng tất cả quần thần đều công nhận tài đức cao nhất là đại thần Văn Minh Nguyễn Trọng Hiệp. Ngài thông minh hơn hẳn và dấn thân lèo lái mọi công việc. Ngài làm lu mờ các đồng sự với bản lãnh của mình và đã đảm trách nhiệm vụ lãnh đạo đường lối chính trị của triều đình mà không gặp chống đối nào cả. Vào tháng 4 năm 1890, thượng thư bộ Lễ Bùi An Viên, nhân vật số năm mà viên thượng khâm sứ Pháp dựa lên đề chống phá và ngăn cản bước tiến của cụ, cũng phải chịu thua rồi phục tùng cụ. Trong bối cảnh đặc biệt nhất ấy, vị đại thần vẫn tỏ ra rất chừng mực làm nổi bật bản năng chính trị của mình và chỉ lấy hết quyền hành, khi cần thiết để bảo vệ quyền lợi quốc gia và kềm hãm bước tiến ảnh hưởng của Pháp. Thái độ của ngài đối với chính quyền bảo hộ là giữ kẽ đến độ hầu như chống đối, gây ra ác cảm ở họ. Những người có cái nhìn khách quan nhất đều thấy giá trị nội tại trong con người của vị đại thần ấy.

Để diễn giải lời bình phẩm này, chúng ta có thể kể một vài sự kiện :

Ngay từ năm 1889, phong trào Cần Vương được tổ chức lại dưới sự lãnh đạo của Phan Đình Phùng, đem đến sức bật chống trả quân đội Pháp. Chiến lược của Phan Đình Phùng là truy nã và đôi khi không ngần ngại tấn công các đồn lính của Pháp và tấn công các nhà tù giải phóng tù nhân. Triều đình cố tình bỏ qua các biện pháp cứng rắn "ổn định trật tự", nhắm mắt làm ngơ, chuyển lên Khâm Sứ Pháp những bản báo cáo của quan chức địa phương kèm theo công thức đơn giản : "Chúng tôi yêu cầu chính quyền địa phương hãy nhất trí với quan công sứ" (xin xem Nguyễn Thế Anh trang 171).

Tức tối, không chịu được cách kháng cự ngấm ngầm ấy, viên Toàn Quyền mới là Piquet và Khâm Sứ Trung Kỳ mới là Hector mưu đồ truất phế vua Thành Thái mà không có một lời than phiền nào của Paris. Một trong những mục tiêu của họ là gỡ bỏ cụ Nguyễn Trọng Hợp (xem Charles Fourniau trang 450 và 456). Tháng 6 năm 1891, de Lanessan được đề cử vào ghế Toàn Quyền, mưu toan đánh đổ chính quyền Việt Nam mới chấm dứt. Về các âm mưu ấy, chúng ta có thể kể một giai thoại. Cụ Hoàng Minh Giám, cháu ngoại cụ Nguyễn Trọng Hợp kể trong quyển sách xuất bản năm 1933 rằng một tên ám sát lẻn lọt vào phòng ngủ, nằm dưới giường của cụ ba lần. Mỗi lần đều bị liệt cứng vì sợ hãi, không dơ tay lên nổi để đưa hành động cuối cùng dứt điểm đời cụ. Bị bắt, hắn thú thật tất cả, kể cả tên những người chủ mưu. Nhưng cụ nhà không cần biết sự thật để tránh sự cố chính trị.

Khâm sứ Bắc Kỳ là Brière viết trong bản báo cáo ngày 2 tháng 8 năm 1896 : "Trong phiên họp đáng ghi nhớ của Viện Cơ Mật tháng 11 năm 1893, Đệ Tam Phụ Chính đứng lên tuyên bố thẳng thừng là chính phủ của ông không thể chấp nhận làm tay sai cho chế độ bảo hộ" (xem Charles Fourniau trang 458). Chúng ta có thể nói rằng trong suốt thời kỳ đô hộ của người Pháp từ 1883 đến 1945, cụ Nguyễn Trọng Hợp là vị nguyên thủ độc nhất dám tuyên bố như vậy và dám có hành động đi đôi với lời nói.

Qua các bài viết của những người Pháp đương đại, chúng ta biết được tâm tư của họ đối với cụ Nguyễn Trọng Hợp và đường lối chính trị của cụ :

Khi Albert de Pouvourville viếng thăm Bắc Kỳ từ 1887 đến 1890, vào thời kỳ cụ nhà giữ các chức vụ Kinh Lược Bắc kỳ, bộ trưởng nội vụ rồi Phụ Chính Đại Thần, ông ta khẳng định : "Phụ Chính Nguyen Trong Hiep, đối thủ đáng gờm nhất chống lại ảnh hưởng của chúng ta…" (Mặt Giời, Albert de Pouvourville, trong cuốn "Le Tonkin actuel 1887 – 1890", nhà xuất bản Paris, Albert Savine (1891) trang 73. Đoạn câu này trích trong quyển sách của Emmanuel Poisson "Mandarins et subalternes au Nord Việt Nam" (Các quan lại và thuộc hạ ở miền Bắc Việt Nam), nhà xuất bản Maisonneuve & Larose (2004), trang 162.

Marcel Monnier, phóng viên đặc biệt của tờ Le Temps (Thời Sự, nay là báo Le Figaro) phỏng vấn cụ vào tháng 8 năm 1895. Ông ta viết trong cuốn "Le tour d’Asie, Cochinchine, Annam, Tonkin" (Chuyến đi châu Á, Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ nhà xuất bản Paris Plon (1807) trang 188-203 :

"… Chính ở vào chỗ của vị đại diện đáng kính cuối cùng của giòng dõi vua Gia Long là một hoàng tử đã gìà, thái tử Tuy Lý, con của vua Minh Mạng, ở bên cạnh vị ấy là Phụ Chính đại thần Van Minh Nguyen Trong Hiep, người lãnh đạo đích thực quyền hành pháp, điều hành thành công ít nhiều mấy năm qua các mối quan hệ chặt chẽ, đôi khí tế nhị mà các công ước rào buộc nước An Nam bị đô hộ với nước Pháp bảo hộ. Nhân vật ấy không phải là người mà người ta có thể tự đắc thấu hiểu được sau đôi ba lần tiếp cận… Bổn phận đầu tiên của một vị đại thần là không suy nghĩ ra tiếng và không lạnh lùng như tiền. Người Á châu được xem là những người làm chủ trong nghệ thuật ấy, Nguyen Trong Hiep giỏi hơn ai cả, một đại thần sinh ra để làm đại thần… người có thế mạnh nhất nước An Nam, xưa kia là kẻ thù của chúng ta, nay là người hợp tác coi được, đâu có phải là người mà đường lối chính tri của chúng ta đã chinh phục nổi ? Chắc chắn ông ta đã từng là địch thủ, chẳng có gì ngạc nhiên… Nhiều người tố cáo ông ta đi nước đôi, lên án ông ta ngấm ngầm gieo bất an và giữ trong đáy lòng nỗi cay đắng của nền độc lập đã mất, tôi không biết ông ta có giữ niềm hy vọng nào cho cuộc trả thù mai sau. Đôi ba người, mạc dầu có chút thiện cảm, nhận thấy ông ta không phải là người hiếu hòa với chúng ta và thoát ra câu nói quen thuộc : đây lại một người không ưa nước Pháp !"…

Paul Doumer được cử làm Toàn Quyền Đông Dương tháng 12 năm 1896, đến Bắc Kỳ tháng 3 năm 1897, năm ấy cụ nhà đi hưu trí. Trong cuốn "L’Indochine française, souvenirs" (Đông Pháp, ký ức), nhà xuất bản Librairie Vuibert Paris năm 1930, ông ta nhận định ở trang 173 và 174 :

"Vị đệ nhị phụ chính Nguyen Trong Hiep nguyên là một trong những nhân vật cao quý nhất mà tôi đã gặp ở Đông Dương. Ông ấy là một giá trị tri thức lớn, một con người tế nhị, đầy cảm xúc đúng đắn, một tấm lòng trung kiên và trung hậu hoàn hảo. Những đức tính ấy làm cho nguời Pháp ở Huế nhận ra ở ông bộ óc thông minh và cách đối xử khôn ngoan, nhưng họ nghi kỵ ông. Thời gian đi lại tiếp xúc nhiều với một vị đại thần vô cùng đặc sắc và ngoại lệ ấy khiến tôi luôn luôn dành cho vị ấy nhiều thiện cảm đặc biệt và lòng tin cậy của tôi, rồi vị ấy đối xử cởi mở với tôi như chưa bao giờ từng có đối với các người Pháp khác. Những điều ấy cho phép tôi làm chứng lòng cao thượng ở con người của vị đại thần ấy và mối quan hệ an toàn với ông ta.

Chúng ta có thể xem vị ấy trong số những người hồi ban đầu tranh đấu hết sức lực cho đất nước của mình chống lại công cuộc chiếm quyền của chúng ta và cưỡng lại sự can thiệp của chúng ta vào công việc của triều đình họ, rồi cố gắng cứu vãn tối đa quyền lực cho nhà vua. Nhiều người đã nghĩ nhầm. Vị đại thần ấy đã chấp nhận sự việc đã rồi một cách trung kiên, sự việc mà ông ta không còn chống đỡ được nữa. Ông ta đóng vai trò khó khăn của một vị nguyên thủ có bản lĩnh cho một chính phủ bảo hộ, biết phản đối những mệnh lệnh của người thắng trận, mỗi khi thấy có nguy hiểm hoặc không đúng; cố biện hộ cho quyền lợi của người An Nam, mỗi khi thấy cần thiết…".

Những nhân chứng đến từ Alfred de Pouvourville và từ Marcel Monnier phản ánh ác cảm của người Pháp ở Huế và ở Bắc kỳ đối với cụ. Vậy thì không có gì lạ trong các âm mưu chống lại cụ đã mô tả ở trên. Trong bối cảnh ấy, Paul Doumer tán dương cụ để đủ cho thấy cụ rất sáng suốt trong hoàn cảnh phức tạp éo le của một Phụ Chính. Paul Doumer nguyên là tiếng nói của Nhóm Thuộc Địa ở quốc hội Pháp trong những năm 1892, là chủ tịch Thượng Viện ở thời gian cho xuất bản ký ức của mình năm 1930 và làm tổng thống năm 1931. Ông ta mô tả một cụ Nguyễn Trọng Hợp hơi an phận vì chỉ biết cụ khi cụ đã rút lui ra khỏi chính trường.

Trong suốt thời gian cụ làm Phụ Chính, nhân vật Pháp cụ đi lại nhiều nhất là Jean de Lanessan, Toàn Quyền Đông Dương từ tháng tư năm 1891 đến tháng 12 năm 1894. Ông ta có một viễn tượng cho chính chính sách bảo hộ rất phóng khoáng. Về phía cụ Nguyễn Trọng Hợp, vì đã có tư trưởng cải cách từ thời vua Tự Đức, cụ cởi mở tiếp thu khoa học kỹ thuật phương Tây nên hai vị này cùng nhau xây dựng một sự hợp tác hài hòa. Theo hồng y Puginier, đàn áp bớt đi đến độ tù nhân ở Côn Đảo được phóng thích. Thay vì ép buộc nhà nước vận hành theo ý của người Pháp, de Lanessan tin vào "phía quốc gia An Nam", dưới nhãn quan của ông ta, được thể hiện qua vai trò của cụ Nguyễn Trọng Hợp. Làm như vậy, ông ta đã tái lập uy quyền và thế lực cho triều đình. Đồng thuận với cụ, nghịch với các cộng tác viên, ông ta chủ trương "một chính phủ bảo hộ cải cách. Các chức năng của quan lại và công chức Pháp được định nghĩa lại. Người Pháp đóng vai trò cố vấn và kiểm soát, đồng thời là chủ nhiệm các sở ngành kỹ thuật hiện đại" (xem Philippe Devilliers ở trang 50). Chính trong công cuộc mở mang Bắc Kỳ như công tác xây dựng đường sắt Hà Nội-Lạng Sơn và hoàn tất cảng Hải Phòng là ông ta tỏ ra đắc lực hơn cả. Ngân sách của chính phủ bảo hộ thiếu hụt, de Lanssan, một nhà lãnh đạo thiên tả, kêu gọi nguồn vốn tư nhân thay vì xin Paris tăng ngân sách.

Nhờ đồng thuận giữa de Lanessan và cụ Nguyễn Trọng Hợp nên :

-       quyền lực của nhà vua được củng cố thông qua quyền uy và tín nhiệm của Hội Đồng Phụ Chính.

-       giảm bớt các biện pháp đàn áp,

-       thực thi hiện đại hóa đất nước với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật Pháp.

Trong bối cảnh ấy, cụ thường xuyên tuyên dương de Lanessan với lời lẽ ca ngợi mà ông ta hãnh diện kể lại trong các bài viết, chẳng hạn như : "Ông ta (Nguyễn Trọng Hợp) tuyên bố vào cuối buổi dạ tiệc rằng ông ta sẽ cống hiến cuộc đời còn lại để giúp đỡ tôi trong công cuộc xây dựng hòa bình và tiến bộ mà tôi chủ trương". Vì cảm tình qua lại đôi bên, de Lanessan có nhiều thù nghịch chính trong hàng ngũ của mình và cụ nhà có một số quan chức chớp cơ hội "lập công" với các thành phần cứng rắn trong triều. Sau đây là cách mà các đối thủ của hai vị lãnh đạo thao túng.

Cụ Nguyễn Trọng Hợp công nhận nước Pháp có nền khoa học kỹ thuật và kinh tế cao hơn nên lấy sáng kiến đi tham quan và học hỏi. Vì vậy năm 1894 cụ dẫn phái đoàn đi Paris cùng với Toàn Quyền de Lanessan. Đó cũng là cơ hội để cụ "tham quan thế giới" như cụ mong muốn từ lâu vì chuyến du hành đưa cụ từ Saì Gòn đến Paris qua Đế Thiên Đế Thích, Singapore, Sri-Linka, Yemen, kinh Suez, Marseille, Lyon và Auxerre. Trong chuyến công tác qua Pháp, cụ cũng có thầm ý goại giao : Tìm một thỏa thuận rút toàn diện quân đội Pháp ra khỏi Trung Kỳ, nguyện vọng đã được cụ và Viện Cơ Mật của vua Đồng Khánh bày tỏ năm 1888 trong một bức thư gửi đến Tổng Thống Pháp do de Lanessan cầm tay chuyển, khi vị này còn làm dân biểu đảng Radical (Cấp Tiến).

Sự vắng mặt của cụ và của Toàn Quyền Pháp là cơ hội cho những người lộng hành tìm kế phá tan đường lối chính trị do hai vị lãnh đạo đã đề xướng. Tàu thủy vừa mới rời khỏi cảng Sài Gòn vào tháng 3 năm 1894, người tạm thay Toàn Quyền là Chavassieux và Khâm Sứ Boulloche lập ngay kế hoạch đàn áp phong trào Cần Vương : Nguyễn Thân nổi tiếng là người hoàn toàn theo phe Bảo Hộ một cách không nhân nhượng, đồng thời là nhạc thân tương lai của vua Thành Thái được đề cử đứng đầu một ban đặc vụ có quyền hạn quân sự rộng rãi. Y cũng nổi tiếng trong vụ đàn áp giã man cuộc nổi dậy của các văn thân trong những năm 1885-89. Những cuộc mặc cả khó khăn với Hội Đồng Phụ Chính kéo dài trong thời gian cụ Nguyễn Trọng Hợp vắng mặt. Khi ở Pháp trở về, cụ tức thì "giải quyết vấn đề Boulloche" và y bị sa thải được, nhưng cụ phải đối đầu tình thế nguy kịch với vụ de Lanessan bị đột ngột hồi về Pháp vào cuối tháng 12 năm 1894. Toàn Quyền mới là Rousseau xét lại toàn diện đường lối chính trị của người tiền nhiệm. Chính trong bối cảnh ấy Nguyễn Chân được đưa vào cầm đầu ban đặc vụ quân sự vào tháng 6 năm 1896. Sau sáu tháng tác chiến đẫm máu, y đánh bại quân kháng chiến của phong trào Cần Vương đã mệt mỏi. Vào tháng 1 năm 1896 người ta có tin Phan Đình Phùng tử trận và Nguyễn Thân ra lệnh đem thi hài của họ Phan ra trưng bày trước công chúng ba ngày liền.

giapha13

Cụ Nguyễn Trọng Hợp - Vị đại thần với vẻ trầm ngâm (tranh vẽ năm 1886 của một họa sĩ Pháp)

Khâm Sứ Brière ghi trong báo cáo ngày 10 năm 1896 : "vị đại thần lớn nhất trong các đại thần Nguyen Trong Hiep tuyên bố ý định xin về hưu ngay sau khi có tin Phan Đình Phùng bị bắt" (xem Nguyễn Thế Anh trang 172)

Sự thực cụ nhà "nghỉ dưỡng bệnh" vào tháng 9 năm 1896, trước khi rút lui vĩnh viễn ra khỏi chính trường vào tháng 1897. Việt Nam mất đi một trong những đại thần lớn.

Khâm Sứ Brière viết trong báo cáo : "Vị đại thần này (Nguyễn Thân) không có cái nhìn sắc bén, và cũng không tế nhị sâu sắc như người tiền nhiệm Nguyễn Trọng Hợp. Nhưng sự tin cậy bù đắp vào sự thiếu kinh nghiệm. Hội Đồng Phụ Chính gần như dễ sai khiến, chấp nhận lời khuyên và đương nhiên đi vào quan điểm chính trị, đường lối của chúng ta".

Sử ký Việt Nam đã sang trang !

Tóm lại, đường lối chính trị của cụ Nguyễn Trọng Hợp có thể được hiểu như sau :

Cụ là một nhà cải cách nên bất đồng với tinh thần tự cấp tự túc mà các nhà vua triều Nguyễn áp dụng cho nước nhà, cụ chủ trương mở cửa ra các nước phương Tây nói chung, nước Pháp nói riêng, như các sớ cụ tâu lên vua Tự Đức từ những năm 1874. Mở cửa là điều không thể tránh được sau mấy chục năm bế quan tỏa cảng, đối diện với thế thượng phong kỹ thuật và quân sự của phương Tây. Nhưng cụ cũng là người tranh đấu kiên cường cho quyền lực nhà vua chống lại quyền lợi thực dân. Cụ khẳng định không làm "tay sai cho chế độ bảo hộ". Trong suốt thời kỳ đô hộ từ 1883 dến 1945, cụ là người duy nhất dám phát biểu mạnh dạn như vậy và dám hành động theo lời nói. Nhờ bản lãnh cá nhân, cụ đã thành công tranh đấu ngoại giao bằng cách ngấm ngầm nâng đỡ công cuộc kháng chiến. Để làm được việc ấy, cụ để cho chính quyền địa phương giữ thái độ thụ động đối đầu với bạo lực và nhờ Toàn Quyền de Lanessan can thiệp, phóng thích tù nhân ra khỏi nhà tù Côn Đảo.

Đường lối chính trị của cụ đạt mục tiêu chủ yếu là duy trì quyền lực nhà vua, trước mắt cứu vãn quyền lợi quốc gia và chuẩn bị cho đất nước hội nhập thế giới kinh tế hiện đại.

Đó là kết luận mà chúng ta có thể rút tỉa từ các bài tham luận ở Hội Thảo 1991 về cuộc đời và sự nghiệp của cụ và từ những bài nghiên cứu mới đây của các sử gia chuyên sâu về thời đại ấy của Việt Nam.

Cụ nhà không để lại cho hậu thế những lời giải thích cá nhân về hành động của cụ trong những biến chuyển của thời kỳ đầy sóng gió ấy. Sau khi hưu trí, cụ chỉ viết tiểu sử của người khác và không đả động đến cuộc đời riêng tư của mình.

Năm 1902, vào dịp lễ khánh thành cầu Paul Doumer (cầu Long Biên), vua ghé qua làng Kim Lũ để thăm cụ. Đó là một vinh dự lớn dưới cế độ quân chủ. Cầu ấy là công trình của kỹ sư Pháp. Nó tồn tại qua nhiều cuộc chiến tranh, đến thế kỷ 21. Chính quyền đô hộ Pháp đâu có chỉ đem các nhà vua chống đối đi đày !

Chính ở thời cụ Nguyễn Trọng Hợp làm Phụ Chính Đại Thần, đóng góp kỹ thuật của Pháp đi những bước đầu cho Việt Nam. Chúng ta có thể kể :

-    Viện Pasteur Sài Gòn sáng lập năm 1891, viện Pasteur Nha Trang năm 1894, chỉ vài năm sau khi viện Pasteur Paris mở cửa vào tháng 9 năm 1888. Đó là các viện đầu tiên được mở ở hải ngoại dưới sự chủ trì của những bác sĩ có giá trị vượt bực như Albert Calmette và Alexandre Yersin.

-    Các vụ chích ngừa cho dân Bắc Kỳ bắt đầu từ năm 1895 sau những trận dịch tàn phá khiếp khủng vào cuối thế kỷ 19, làm giảm dần dân số (trang…). Ngược lại, vào đầu thế kỷ 20, dân số Việt Nam lại tăng 13% (xemNguyễn Thế Anh trong "Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn", nhà xuất bản Lửa Thiêng 1974 trang 34,

-    Các đường giây điện được đặt ở Hà Nội và Hải Phòng năm 1892, quả là rất sớm sau khi Edison phát minh ra đèn điện năm 1879,

-     Đường sắt bắt đầu hoạt động ngay từ 1885 ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ.

Bảo vệ cán cân thăng bằng giữa quyền lực nhà vua chống lại quyền lợi thực dân và hiện đại hóa nền kinh tế nước nhà nhờ kỹ thuật của Pháp. Đó là phương cách thực thi cải cách và yêu nước của cụ nhà để phục hồi đất nước và phục vụ dân tộc. Vì vậy bất đắc dĩ cụ phải từ chức rút lui, một khi thế thăng bằng ấy mất đi vì thủ đoạn huynh đệ tương tàn, biến Hội Đồng Phụ Chính thành một công cụ dễ bảo phục tùng chế độ bảo hộ.

Rời bỏ chính trường, cụ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của người dân cho đến hơi thở cuối cùng. Chẳng hạn như cụ can thiệp với Khâm Sứ Bắc Kỳ để nâng đỡ nông dân chống lại dự án đánh thuế nước tưới (xem luận án của S. Andrew Enticknap Smith ở Đaị Học Quốc Gia Úc (Australia National University) tháng 11 năm 2002, trang 149 lấy trong Lưu Khố Quốc Gia Hà Nội số 72 838).

giapha14

Quan đại thần Nguyễn Trọng Hợp : Công tác viết sử được giao phó cho các đại thần cao tuổi vì đó là các bậc "hiền triết" có viễn tượng sâu sắc và hiểu biết cao rộng về lịch sử

Nguyễn Trọng Hợp, nhà viết sử

Trước hết chúng ta cần nhắc lại rằng ở Việt Nam thời xưa, theo gương Trung Quốc, công tác viết sử được giao phó cho các đại thần cao tuổi vì đó là các bậc "hiền triết" có viễn tượng sâu sắc và hiểu biết cao rộng về lịch sử. Các vị ấy không còn tham vọng ở trần gian để sợ nói lên sự thật.

Theo nghiên cứu của Hội Thảo ở Hà Nội năm 1991, cụ Nguyễn Trọng Hợp đã cống hiến những công trình vĩ đại sau đây :

-       Minh Mạng Chính Yếu.

-       Đại Nam Thực Lục Chính Biên - Đệ Tứ Kỷ.

-       Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện Sơ Tập.

Cuốn Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện Sơ Tập gồm 26 tập được khởi đầu viết từ năm 1837. Đó là kết quả đóng góp của rất nhiều nhà sử học. Nhưng bản viết cuối cùng xuất bản năm 1897 được một nhóm bảy người sửa chữa lại dưới sự chủ trì cụ nhà với tư cách là Quốc Sử Tổng Tài.

Cuốn Đại Nam Thực Lục Chính Biên - Đệ Tứ Kỷ là một bộ sách quan trọng gồm 70 tập tường thuật các sự kiện lịch sử dưới ba triều vua Thiệu Trị, Minh Mạng và Tự Đức) (1847 – 1883). Cụ nhà phụ trách các tập về vua Tự Đức cùng với nhóm biên tập viên của cụ.

Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện Sơ Tập cũng là một bộ sưu tầm mênh mông. Cụ phụ trách "tập mở đầu". Tự mình viết một phần lớn và viết xong trong thời gian cụ hưu trí. Sau khi cụ mất, người kế thừa ghế Quốc Sử Tổng Tài là cụ Cao Xuân Dục cho ra 33 tập gồm 9 chương xuất bản năm 1909. Cụ Cao cũng chủ trì việc viết lách nhiều chương trong "Tập Mở Đầu". (Về sau cụ Cao là thông gia của họ Nguyễn nhà ta).

Theo các sử gia, cuốn "Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện Sơ Tập, phần chủ yếu, tập mở đầu" rất gía trị vì các cuốn sách ấy cho rất nhiều chi tiết về đất nước Việt Nam, cũng như các nước láng giềng. Duy chỉ có một cuốn lịch sử Việt Nam độc nhất trước đó là tác phẩm nổi tiếng của Lê Qúy Đôn (khoảng 1780).

Các sử gia nhận thấy cụ là nhà viết sử khách quan. Tỷ dụ như Nguyễn Huệ, một trong hai anh em Tây Sơn là kẻ thù của chúa Nguyễn, tổ tiên vua nhà Nguyễn được mô tả với lời lẽ ca tụng. Một điều không dễ ở thời điểm ấy.

Các sử gia cũng đều nhất trí về giá trị vô song của những quyển sách sử ấy. Nó là tài liệu gốc chứa đựng các dữ kiện xác thực cho công tác nghiên cứu chính trị, kinh tế và xã hội của thời ấy. Để lấy vài tỷ dụ, chúng ta hãy xem vài nhận định quốc tế mới đây :

Trong tạp chí "Modern Asian Studies (Công Trình Nghiên Cứu Châu Á Hiện Đại), tập 29, số 4 (1995) trang 741-764) và trong Asian Studies Review (Tạp Chí Nghiên Cứu Châu Á), tập 23, số 2 (1999) trang 205-331" bà Nola Cooke dùng các dữ kiện về tất cả các đại thần có mặt trong cuốn Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện Sơ Tập để nghiên cứu cách thức mà các vua triều Nguyễn dùng để chọn lọc các nhân vật ưu tú cho mình.*Trong cuốn "Các quan lại và thuộc hạ ở miền Bắc Việt Nam, một guồng máy trong thử thách (1820-1918)" nhà xuất bản Maisonneuve & Larose, Paris (2004), với 355 trang tiểu sử của 1270 vị, ông Emmanuel Poisson nghiên cứu bộ máy nhà nước ở Bắc Kỳ trước và sau nền bảo hộ Pháp.

Nguyễn Trọng Hợp, thi sĩ

Một vị đại thần là một nhà thơ. Đó là chuyện bình thường vì làm thơ là căn bản trong quá trình đào tạo quan lại. Nhưng nói đến thơ của một vị đại thần là nói đến những khía cạnh khác, đến sự nhạy cảm và các lo lắng riêng tư của vị ấy.

Tập thơ Kim Giang Tướng Công Thi Tập gồm 345 bài chia ra là hai phần. Phần thứ nhất dành cho làng Kim Lũ và đất nước của cụ, phần thứ hai mô tả những gì cụ đã thấy và quan sát trong chuyến công du ở Pháp. Chuyến đi ấy cho cụ cơ hội để hiến cho mỗi nước cụ ghé thăm một bài thơ và 36 bài cho nước Pháp và Paris.

Tất cả những bài thơ họa trong chuyến công du ấy được một nhà in ở Huế xuất bản năm 1895 với lời tựa của Miên Trinh, một trong các hoàng tử con vua Minh Mạng nổi tiếng văn hay. Những bài về nước Pháp và Paris được Jean Roux dịch và Schneider xuất bản năm 1897 ở Hà Nội dưới nhan đề "Paris, capitale de la France" (Paris, thủ đô của nước Pháp). Cuốn ấy lại được Jules Clarétie tường thuật trong làng báo Paris rồi sau trong báo chí Trung Quốc, đặc biệt tờ T’oung Pao (Tuần Báo ?) năm 1899 (xem Emmanuel Poisson, trang 164, quy chiếu vào trang trước).

Một vài bài thơ của cụ trình bày dưới đây được chọn để đánh dấu từng giai đoạn của đời cụ. Các hậu duệ đời thứ 13 dịch ra Pháp ngữ, ngoại trừ bài "Paris, kinh đô nước Pháp" là của Jean Roux dịch. Có hai bài dịch ra Việt ngữ từ Pháp ngữ ! Các bài dịch ấy làm sáng tỏ đôi chút về con người ẩn sau nhà thi sĩ, chắc chắn có nhiều thiếu sót, nếu không nói phản bản gốc của cụ.

giapha15

Bài thơ cụ họa thời còn trẻ :

Tiếng sáo thuyền câu

 

Sáo thuyền câu đâu đó

Vọng đến từ bờ lau

Theo nước chảy dìu dặt

Ưa bóng chiều thưa mau

Với mái chèo hòa nhịp

Đáp tiếng gõ thuyền câu

Đêm khuya đừng đến phá

Giấc ngủ rồng bạc đầu

(Bài dịch ra Việt ngữ của Trần Lê Văn)

Tạm dịch ra Pháp ngữ :

Air de flûte, barque de pêcheur 

 

Air de flûte d’une barque de pêcheur

Se faufilant vers la rive

En suivant la rivière qui dérive

Caresse la brume en douceur

Au rythme de l’aviron qui s’enivre

Des échos de la pêche endiablée

Tard dans la nuit agitée

Réveille Vieux Dragon endormi.

               (Nguyên Trong Linh tạm dịch)

Đó là một trong những bài viết về đời sống nông thôn cụ họa lúc còn là một thanh niên vô tư. Theo nhà thơ dịch giả Trần Lê Văn "rồng bạc đầu" ý chỉ một người nào đó, rất có thể là chính cụ với chút hài ước.

Bài thơ về hòa ước 1883

Nay vâng mệnh triều đình đi sứ

Sắc cầm tay khó sử muôn phần

Không đi, mang tội khi quân

Đi thì mang tiếng phản dân cầu hoà

Nếu biết trước ở nhà làm ruộng

Còn hơn làm ông thượng ông quan

Mấy lời nhắn nhủ thế gian

Học để mà biết, làm quan đừng màng

Tạm dịch ra Pháp ngữ :

Sur ordre impérial, mission m’est assignée

Ordonnance en main, mais cœur bien tourmenté

Refuser, ô lèse-majesté, quel affront !

Quémander cette paix, au regard du peuple : trahison !

Que ne l’ai-je su, j’aurais préféré laboureur

Plutôt que mandarin, ministre ou gouverneur

Puissent mes confidences vous porter ce message

Etudier pour savoir, point de mandarin, soyez sage

                                                (Thế hệ thứ 13 đồng dịch)

Bài này họa vào những năm sau khi ký hòa ước 1883 công nhận chế độ bảo hộ cho một phần đất lớn của nước Việt Nam. Cụ buộc phải ký theo sắc của vua Hiệp Hòa. Cụ diễn tả nỗi đau khổ của mình trong bổn phận đối với nhà vua và dân tộc.

Đó là một hiếm hoi, nếu không là bài thơ duy nhất diễn tả hết tâm tư của cụ, dù đó là một vấn đề của nhà nước. Chúng ta vô cùng cảm thông tâm sự chính đáng ấy của cụ.

Vài người cho rằng bài thơ ấy nói về cuộc công du ở Pháp năm 1894 vì trong bài gốc có câu "đi sứ" có thể có nghĩa đi sứ nước ngoài. Cách diễn giải ấy có lẽ không đúng vì ở vào thời điểm ấy cụ nhà đang làm Phụ Chính Đại Thần nắm hết quyền hành trong tay và không đi sứ sang Pháp. Thật ra đi sứ có nghĩa là đại diện nhà vua làm sứ mệnh của mình (ký hòa ước trên tàu thủy của Pháp, tức trên đất Pháp). Ở Pháp cụ không ký hòa ước nào cả.

Thơ họa trong chuyến công du nước Pháp

Một tháp cổ ở Campuchia

(Cao Miên cổ tháp)

Chân Lạp vốn nước cũ

Sông núi cảnh sum suê

Bao thời đại xa cách

Dấu cũ đã mờ che

Còn nghe hai tháp cổ

Cao lớn và uy nghi

Trên đất Ba-tam-bang

Cảnh tình xa bụi trần

Một tháp có năm chóp

Cao vút trời xanh kề

Vuông rộng hàng nghìn thước

Tường bao quách bốn bề

Một tháp có chín chóp

Chiều cao sánh với trời

Gió mưa không đụng đến

Tối sáng trước sau coi

Đôi tháp thế nương tựa

Quanh co mấy dặm dài

Như đá xanh tự tạc

Chặm khắc khéo tuyệt vời

Trăm thần linh tụ hội

Phật vàng vút lên trời

Rắn uốn khúc với ngọc

Rồng nổi vẩy nhiều nơi

Tường cao gió xuân lượn

Lan can mây chiều bơi

Bốn phía ao vuông vắn

Tuôn chảy nước đầy vơi

Khách vào sâu thǎm thẳm

Đốt đuốc mà thǎm chơi

Vết hổ in trên đá

Cúi trông, kinh hồn người

Gió trời quanh quất thổi

Hang nổi sáo liên hồi

Nín hơi, sự dựng tóc

Tưởng hoang đường đấy thôi !

Cảnh này, khi xây dựng

Sức người làm nổi sao !

Đá lớn cao mấy trượng

Rồng, voi khuân nổi đâu

Mưu trí của thần tướng

Nghìn năm còn sáng soi

Nhớ chuyện xưa cầm bút

Ghi cảm khái bồi hồi

                   Bản dịch của Trần Lê Văn

Tạm dịch ra Pháp ngữ

Temple d’Angkor (Extraits)

Cambodge, terre de vieille culture

Beaux paysages, riche nature.

Passe le temps

S’effacent les vestiges.

Deux tours pourtant se figent

En de beaux monuments

Dans le Battenbang antique

Si calme, si mystique.

Une tour juchée de cinq sommets

Si hauts, le ciel en est jaloux

Le jardin immense d’où elle s’élève

S’entoure d’un mur qui ne s’achève.

Une tour avec ses neufs sommets

Défiant les cieux en courroux

Contre vents et tempêtes

Jour et nuit, veille sans cesse.

Les deux tours s’entrelacent

Jusqu’à l’horizon qui s’efface

Les pierres vierges dessinent

Des figures d’une extrême beauté.

Des divinités par centaine

Entourent un Bouddha tout doré

Des serpents de jade tiennent en tenaille

Des dragons aux mille écailles.

Vent du printemps cajolant murs en falaise

Nuages flottant au crépuscule couleur de braise

De tout côté s’étalent les étangs

Harmonieuse, l’eau monte et descend.

Les visiteurs s’engouffrent dans les profondeurs

Torches en main ils s’éclairent

Des empreintes de tigre sur la pierre

Les plongent dans la frayeur.

Tout autour de nous hurle le vent

En un concert d’échos terrifiants

Souffle coupé, verbe rare

Monde irréel, notre esprit s’égare.

Ces merveilles sont-elles sorties du néant 

Surhumaines, des forces ont soulevé

Ces masses de pierre si chargées

Eléphants et dragons impuissants.

Chefs d’œuvre des hommes ou des dieux

Conçus jadis pour l’éternité.

Emu, j’ai pris ma plume et dédié

Mon hommage aux génies de ce lieu.

(Đặng Trường Yên và Nuyen Trong Linh tạm dịch)

Ở Đế Thiên Đế Thích, chặng đầu của cuộc du hành. Cụ không còn là đại thần nữa và để hồn thi sĩ theo dòng thơ.

Kinh đào Suez, ranh giới phương Tây

Tô-nhĩ-sĩ vận hà

Hùng hải vùng trời nước phiá tây

Bãi cát mênh mông, đường nào đi

Một giòng nước chảy thông ngay giữa

Bụi vàng đôi ngả như khói mây

Nghe nói vùng này vốn đại lục

Bao quát địa hạt cả hai châu

Tàu thuyền đi quanh hàng vạn dặm

Giận không khoét đất cho thuyền tàu

Há không người giỏi nghĩ thấu đáo

Có người phương Tây đào hào sâu

Bài dịch của Trần Lê Văn

Tạm dịch Pháp ngữ :

Canal de Suez

Un pays en Mer Rouge, aux confins de l’Occident

Au milieu d’un désert si grand qu’on se perd

Coule un fleuve aux reflets éclatants

Entre nuages de sable, de poussière.

Paraît-il, ce pays était vaste et puissant

Couvrant terres sur deux continents.

Les bateaux auraient fait un long cours

Sans un canal profond rempli d’eau

Un génie y pensa un beau jour

Cet homme de l’Occident, un héros.

                                          (Nuyen Trong Linh tạm dịch)

Bài này ca ngợi phương Tây và các kỳ công kỹ thuật của họ, tựa như nhiều bài khác của chuyến công du. Tác giả là một Phụ Chính Đại Thần muốn nói lên sự kiện, (một thông điệp ?).

Thơ về thành phố Paris

            Cảnh mùa xuân Paris

Dòng nước xanh xanh, lá hồng rực đỏ,

            Mặt trời xế lặn, hoàng hôn khéo tạc,

            Chiều xuân ấm áp.

Ta ngắm

Paris.

Các bà

Đông đảo rải bước như tiên,

Các cô vui vẻ cả đoàn theo sau.

 

Nguyễn Trọng Kha tạm dịch

Atmosphère printanière à Paris

Que l’eau est bleue, roses les arbres

Le jour tombe, un crépuscule admirable

Par un temps si doux, nous invite à sortir

Les grandes dames se promènent, fières devant

Un cortège de jeunes demoiselles suit gaiement.

(Bài Pháp ngữ này do Jean Roux dịch ra từ tiếng Tây Ba Nha, tiếng này được dịch từ tiếng Đức !) Nay, một trong hai dịch giả thô thiển tạm họa qua vần tự do. Bản dịch chắc chắn không xứng đáng bài gốc của cụ, xin bà con bỏ qua)

Văn sĩ triết gia mác xít Đức Walter Benjamin (1892 – 1940) lấy bài thơ này để mở đầu cho cuốn sách của ông "Paris, kinh đô của thế kỷ 21" viết năm 1936 và xuất bản sau khi ông qua đời. Trong một bài thơ tựa như không có gì đáng chú ý, ông ta đã thấy cái gì để lấy làm bài dẫn nhập ? Thật lạ, Baudelaire, thi sĩ nổi tiếng của Pháp ông ưa chuộng nhất và được nói đến trong quyển sách ấy lại không được chiếm vị trí vinh hạnh này. Suy nghĩ cho kỹ, vài câu thơ ấy của cụ phản ánh một không khí phù phiếm bao trùm Paris dưới thời Đệ Tam Cộng Hòa và một trật tự tư sản giả tạo của thời đại. Pha trộn phù phiếm thật sự và trật tự giả tạo phản chiếu ý niệm thật của W. Benjamin về những thành phố lớn, theo nhãn quan của ông ta, là biểu tượng của tầng lớp tư sản đi tìm ảo tưởng trường cửu. Nhà triết học Đức đánh giá cao cách mô tả tế nhị của thi sĩ. Đó là một hình thức tuyên dương cụ Nguyễn Trọng Hợp và cách giải thích của chúng tôi.

Sau này, cuốn sách của Walter Benjamin được dịch ra nhiều thứ tiếng : Tiếng Pháp do Jean Lacoste xuất bản năm 1989 ở Paris (nhà xuất bản du Cerf), tiếng Tây Ba Nha do Robero J. Vermingo xuất bản năm 1970, nhà xuất bản Monte Avilar Editores, tiếng Nga và tiếng Anh. Đại Học Chi Lê đưa bài thơ vào chương trình giảng dạy "Kinh nghiệm về mỹ học thế giới".

Mới đây, trong luận án bảo vệ vào tháng 5 năm 2006 ở Hoa Kỳ (Đại Học South Carolina), bà G.S. H. Marcelle Crickenberger giải thích mấy câu thơ (của cụ Nguyễn Trọng Hơp) dẫn nhập của W. Benjamin, theo phân tích của G.S. Crystal Bartolovich. Theo quan điểm của ông này, W. Benjamin không làm gì một cách tình cờ cả và không phải lúc nào cũng diễn xuất một cách rõ ràng. Bartalovich giải thích là W. Benjamin đưa lên hàng đầu mấy câu thơ của một thi sĩ Việt Nam để ngụ ý rằng nếu Paris là kinh đô của thế kỷ 19, đó là nhờ chính sách đế quốc của nước Pháp. Chúng ta không biết giải thích ấy có xác thực hay không, nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng cuộc gặp gỡ văn chương giữa một đại thẩn thi sĩ Việt Nam và một triết gia mác xít Đức tiếp tục làm chảy nhiều mực.

giapha17

giapha16

Sobre el programa de filosofia futura y otros ensayos

Về chương trì triết tương lai và các tiểu luận khác. Tác giả Walter Benjamin

Paris, capitale de la France

Clovis fonda un état puissant sur des bases très solides,

Il y a plus de mille ans, dans cette contrée si belle et si riche.

Notre mission est arrivée juste au printemps quand l’air

Y est précisément bien doux.

Dès ma descente de voiture, je me fais un devoir de chanter

L’illustre capitale.

Des palais et des hôtels magnifiques reposent leur superbe toiture

Dans la voûte azurée.

Comme un ruban d’argent, un fleuve aux eaux lustrées coule

A travers la ville.

Il y a des promenades charmantes qui éveillent aux voyageurs

Des élans virils.

Toutes les nuits des milliers d’éclatantes lumières brillent

Entre les vingt quatre ponts.

De tous côtés la circulation des voitures dans les rues

Soulève la poussière en un brouillard irisé.

Des défilés ininterrompus de promeneurs vont et viennent

Sans cesse.

Cette animation rend l’air chaud et nécessite des réfrigérants.

Heureusement, il y a des milliers de fontaines dont l’eau jaillissante

Rafraîchit l’atmosphère.

Que de jolies maisons, que de beaux hôtels se suivent et se lient

En longues chaînes.

Au coucher du soleil, le bruit des voitures gronde encore.

Soudain, on est surpris de voir les étoiles tomber de l’espace,

Car des milliers de lumières brillantes viennent empêcher

L’effet des ombres de la nuit.

Les habitations de six et sept étages se joignent sans discontinuer,

Le sous-sol est encore aménagé en compartiments.

C’est pour loger des habitants qui s’agglomèrent en foule immense,

Et pour enfermer des richesses que l’Industrie et le Commerce

Produisent dans de vastes proportions.

(Bài dịch của Jean Roux)

Paris, kinh đô nước Pháp

Clovis xây lên một đất nước

Mấy nghìn năm sau vẫn hơn thường

Phái đoàn ta dến đúng mùa xuân

Khiến ta ca tụng ngay khi xuống

Dinh đẹp nhà cao quá đài thành

Thẳng ru cho đến trời mây xanh

Như giải ngân hà qua thành phố

Một giòng sông chảy nước long lanh

Chỗ giạo đường đi khách thì đông

Khiến người vui vẻ tận trong lòng

Đêm đêm hang vạn đèn rực sáng

Chói lên mấy chục cầu bên sông

Bốn bên xe bốc bụi đủ màu

Người đi không rứt nóng đến đâu

May thay trăm vạn vòi suối mát

Phun nước mưa vàng trước và sau

Nối lên thăm thẳm trăm vạn nhà

Ầm ầm xe chạy lúc chiều qua

Bất chột nghìn sao rớt từ trời

Mấy ngàn đèn sáng bóng tan ra

Người ở lên trên sáu bảy lầu

Có hầm sắp đặt để được lâu

Muôn nghìn của quý chất đầy đống

Công thương xuất sản nhiều đến đâu

(Nuyen Trong Linh tạm dịch bài Pháp ngữ của Jean Roux) [1]

Tác giả ca tụng vẻ đẹp, tính phong phú và tính hiện đại của thành phố Paris, kinh đô của nước Pháp. Bài thơ đó cũng là một bản báo cáo của chuyến công du. Mấy câu cuối đáng được chú ý. Đó là lời kết của một ý tưởng cho công cuộc cải cách. Quả thế, theo truyền thống Việt Nam thời người Pháp đến Việt Nam, bậc thang giá trị ngành nghề là : sĩ nông công thương. Với ý thức hệ này Viễn Đông chỉ có thể lạc hậu trên phương diện kỹ thuật, công nghiệp và thương mại. Tuyên dương công nghiệp và thương mại là đặt lại vấn đề của hệ thống giá trị truyền thống. Đó là thông điệp của cụ Văn Minh Nguyễn Trọng Hợp. Một thông điệp như vậy ngày nay có vẻ như không có ý nghĩa gì lắm, nhưng lại rất cách mạng ở thời ấy. Theo đó, tinh thần cải cách của cụ Nguyễn Trọng Hợp được xác định.

Nguyễn Trọng Hợp : kết luận

Chúng ta hãy để Sử Ký phán xét vị đại thần, các nhà xã hội học và sử học nhận định về người viết sử, các bình phẩm gia văn chương bình luận nhà thi sĩ, chúng ta chỉ đúc kết bằng những kỷ niệm cụ để lại cho dân làng và hậu duệ.

Năm 1989, dân làng Kim Lũ và chính quyền địa phương tiếp tay với hậu duệ của cụ để tu tạo lăng của cụ. Dân làng nói rằng một trăm năm đã trôi qua, ký ức tập thể vẫn còn nguyên về vị đại thần ấy. Cái gì họ còn ghi nhớ là do truyền khẩu từ ông bà của họ, đó là một hiền nhân quân tử.

Để tôn kính hương hồn và tinh thần của cụ, hậu duệ của cụ chia một phần đất bao quanh lăng để xây nhà cho dân làng. Từ khi có chủ trương mở cửa đất nước và đánh giá lại quan điểm đối với triều Nguyễn, lăng của cụ có dự án tu tạo từ 1995. Nay đang ở trong vòng bàn thảo với các cơ quan chức năng để xúc tiến công tác.

Con cháu từ thế hệ này qua thế hệ khác truyền khẩu một giai thoại đáng ghi nhớ : Vua Thành Thái ban tặng cụ nhiều chức tước và hàm vị : Phụ Chính Đại Thần, Văn Minh Điện Đại Học Sỹ, Thái tử Thái Phó, Vĩnh Trung Tử, v.v. Thời cụ hưu trí, vua thân hành đến Kim Lũ thăm cụ và ngạc nhiên thấy cụ cư ngụ trong một cái nhà lá thô sơ (nhà này sau được xây bằng gạch) xin tóm lược lời nói của vua : "Trẫm biết ơn khanh biết bao, nhân dân nhớ lòng tận tụy của khanh đến chừng nào ! Làm sao có gì để đền ơn cho đủ ? Cụ nhà, một bề tôi, đồng thời là thầy dạy, đáp lại tương tự như sau : Bệ Hạ đã dành cho hạ thần nhiều khoan dung, nhân dân đem lòng tinh cậy vào công lao hèn mọn của hạ thần, thật quá hân hạnh. Hạ thần đâu có đáng hơn. Đòi hỏi nhiều hơn là chiếm đoạt, thiệt thòi cho kẻ khác, cho con cháu, hậu duệ của hạ thần".

Tóm tắt tiểu sử đại thần Nguyễn Trọng Hợp

Năm                      Về đại thần                                                                Sự kiện lịch sử

1833                   Sinh ở làng Kim Lũ                                                       Minh Mạng (1820-1840)

1858                   Đỗ Cử Nhân.                                                                 Thiệu Trị (1840-1848) Tự Đức (1848-1883)

                          Được Miên Thẩm (1819-1870) mang về kinh nuôi dạy       Pháp đánh Đà Nẵng (1858)                       

                          Trọng Hợp dạy các con của thầy

1865                   Đỗ Tiến Sĩ                                                                    Pháp chiếm ba tỉnh miền Nam (1862-1867)

                          Tri phủ Xuân Trường, Phủ doãn Thừa Thiên,

                          Hồng lô tự Khanh

1873                   Khâm sứ ra Bắc lập quân chống giặc.                              Garnier chiếm Hà thành (2/11/1873)

                          Vua ra lệnh điều đình với Garnier                                    Garnier tử trận (21/12/1873)

1874                   Tổng đốc Định Yên (1874-1880)                                     Hiệp ước Giáp Tuất (15/3/1874)

                          Dâng sớ phê bình chính tri khép kín và xin gửi người đi học nước ngoài

1876                    Xin trở về triều, không được chấp nhận

1880                    Xin đi cùng phái đoàn sang Pháp                                     Léon Gambetta : cổ động phong trào thực dân không thành không

1881-1883           Tham tri bộ Hộ, Thượng thư bộ Lại                                  Henri Rivière chiếm Hà thành (25/4/1883)

                           Thương bạc đại thần                       

                           Sớ xin mở các tòa đại sứ để giảm bớt ảnh hưởng của chính quyền Pháp           

                           Tự Đức băng hà (19/7/1883)

                           Can thiệp cứu Phan Đình Phùng và bị Tôn Thất Thuyết kết án tử hình (21/7/1883)  

                           Hiệp Hòa lên ngôi (30/7/1883)                                        Pháp đánh Thuận An (18/8/1883)

                           Lệnh vua ngừng chiến (20/8/1883)                                  Hiệp ước Philastre (25/8/1883)

                           Trọng Hợp dùng mưu đưa Trung Quốc vào cuộc chiến chống Pháp.

                            Không tuân lệnh vua : không phạt tướng quân còn kháng cự Pháp sau hiệp ước       

                            Vua Hiệp Hoà bị ám sát (23/11/1883)

                            Kiến Phúc lên ngôi (2/12/1883)

1884                     Từ chức đợi tội : bị dáng xuống chức Sơn Phòng Phó Sứ tỉnh Thanh Hóa (giữa tháng 2/1884)

                             Được tha tội (2/6/1884)                                                Hiệp ước Patenôtre (6/6/1884)

                             Kiến Phúc mất (31/7/1884)

                             Tổng đốc Sơn Hưng (4/1884- 4/1886)       

                             Hàm Nghi lên ngôi (2/8/1884)

1885                     Kinh thành Huế thất thủ (5/7/1885)

                              Hàm Nghi lên bưng

                              Đồng Khánh lên ngôi (19-9-1885)

1886                       Kinh Lược Bắc Kỳ (4/1886 – 6/1887)                              Paul Bert làm Khâm sứ

                                  Nhận "Bắc đẩu bội tinh" (10/10/1886)                            Đường tàu hỏa Bắc Kỳ

                              Mở cuộc thi Hội Nam Định (bị ngưng 7 năm)                    Mở rộng hải cảng Hải Phòng

1887-1888              Về Kinh : Thượng thư Bộ Lại, Tổng Tài Quốc Tử Quán,

                             Đại thần Cơ Mật viện, Văn Minh Đại học Sỹ, từ chức 2/1888

                             Hàm Nghi bị bắt (11/1888)

1889                      Đề nghị Hàm Nghi trở về lên ngôi

                             Phụ chánh vua Thành Thái                               

                             Thành thái lên ngôi (1/2/1889)

                             Che chở kín đáo kháng chiến                                            Phe Pháp có kẻ âm mưu ám sát cụ, chính quyền Pháp làm ngơ !                                           

                                                                                                                   de Lanessan làm Toàn quyền (1889-1894)

                             Lời tuyên bố bất hủ :

                             "Chính phủ chúng tôi không chấp nhận

                             đóng vai trò bù nhìn của chính quyền bảo hộ"                    Bắt mạng giây điện Hà Nội (1892)

1894                      Đi sứ qua Pháp                                                               Viện Pasteur mở ở Nha Trang (1894)

1895                      Chống phe "thân chính quyền bảo hổ"

1896                      Tuyên bố về hưu ngay khi có tin

                             Phan Đình Phùng tử trận (1/1896)

1897                      Hưu trí (4/1897)                                                             Paul Doumer làm Toàn quyền (13/2/1897)

                             Tiếp tục viết sử

1901                      Tiếp tục bênh vực nông dân, chống thuế nặng

1902                      Mất và an táng ở Kim Lũ

(Ghi chú Chữ đỏ : những sự kiện ít người biết)

4.11. Thế hệ thứ mười một

Cụ Nguyễn Trọng Hợp có ba trai, hai gái. Chúng ta là hậu duệ của cụ thứ hai Duy Nhiếp.

Cụ Duy Nhiếp sinh năm 1863, mất ngày 1904. Cụ có hai đời vợ. Cụ bà Phạm Thị Đoan có hai trai là cụ Sỹ Bổng và cụ Sỹ Giác. Cụ thứ có hai trai cụ Sỹ Túc, cụ Sị Đạo và một gái cụ Phương Nghi.

giapha17

Cụ Nguyễn Duy Nhiếp (1863 – 1904) -  Cụ Cao Ngọc Anh (1878 – 1970)

Cụ Nguyễn Duy Nhiếp thi Hương đậu năm 1891. Cụ bắt đầu sự nghiệp ở Quốc Sử Quán, sau này cụ sẽ làm con rể của thủ trưởng cơ quan ấy là cụ Cao Xuân Dục.

Cụ và cụ Duy Môn có công thực hiện quyển Kim Giang Thi Tập. Hai cụ kiên nhẫn chép lại bằng tay tất cả các văn kiện của cụ thân sinh Nguyễn Trọng Hợp, để kết lại thành một bộ sưu tập gồm chín tập 626 trang, sắp xếp theo thứ tự niên đại và theo đề tài (sớ, thơ, văn kiện…) Bản thu tập ấy là một di sản văn chương Việt Nam cuối thế kỷ 19.

Một giai thoại về cuộc đời của cụ được đăng tải trên báo chí : Cụ thi Hương đậu ở thời cụ thân sinh còn làm Phụ Chính Đại Thần trong triều. Đắc chí cụ đi từ Hà Nội vào Huế để thông báo tin mừng cho thân sinh. Nhưng đó lại là một tin không vui ! Cụ thân sinh cho người lấy roi đánh đòn (cụ đã 29 tuổi !) và nói : "Ai cho phép con đi thi ? Con có giỏi đến đâu, người ta cũng có thể nghĩ rằng con thi đậu nhờ ban giám khảo vị nể con của một Phụ Chính ?" Rất có thể đó chỉ là một thông điệp cụ gián tiếp gửi đến các đồng sự vì con các đại thần hay đi thi Hương.

Trong thời gian cụ đang làm Án Sát ở Son Tây, cụ thân sinh mất. Cụ về làng mang đại tang rồi chăm lo hương khói như mọi người con cho trọn chữ hiếu. Nhưng vì thương tiếc cha, đêm cụ ra nằm ngủ cạnh mộ, ngày cụ lo chép lại tài liệu để làm cuốn Kim Giang Thi Tập. Làm việc quá sức và một hôm đêm trời quá lạnh, cụ bị trúng lạnh lâm bệnh rồi mất lúc mới 42 tuổi, chỉ hai năm sau cụ thân sinh.

Cụ bà Phạm Thị Đoan cũng mất sớm để lại hai con trai. Cụ Lưu Thị Cầu lo nuôi hai cháu nội mồ côi trong cảnh nghèo.

Cụ bà Cao Thị Ngọc Anh, 27 tuổi, ở góa nuôi dạy ba người con ở tuổi thơ với sự giúp đỡ của thân sinh là cụ Cao Xuân Dục. Ở góa suốt đời, là một nữ thi sĩ, cụ làm rất nhiều thơ mô tả cuộc đời cô đơn trung thủy của mình, mặc dầu cụ có rất nhiều bạn thơ thổ lộ lòng chung. Nhưng rất thơ của cụ bị thất lạc. Những bài còn lại được thu thập trong quyển.

Khuê Sầu Thu Thảo xuất bản và in lại nhiều lần vào năm 1953, 1961 và 1964. Bà Tôn Lệ Vân, cháu nội của cụ, cho in lại năm 1999 ở Canada.

giapha18

Bộ 3 đại quan tỉnh Nam Định năm 1898 : Tổng Đốc Cao Xuân Dục, Quan Bố và Quan Án.

giapha19

Cụ Cao Xuân Dục (1842-1923)

Các chi hậu duệ khác của cụ Nguyễn Trọng Hợp

Một vài giòng sơ lược. Xin nhắc lại là cụ Trọng Hợp và cụ Thị Cầu có ba trai Thuần Đốc, Duy Nhiếp và Duy Môn, hai gái là Thị Văn, Thị Tho.

- Cụ cả Thuần Đốc, mất sớm.

-       Cụ thứ là cụ Duy Môn (thế hệ thứ 11) thi Hương đậu năm 1900. Cụ có ba đời vợ. Cụ bà cả là cụ… không có con. Cụ bà thứ hai là… có một gái. Cụ bà thứ ba là… có hai gái.

Con gái cụ bà thứ hai là :

-       Cụ Nguyễn Việt An (thế hệ thứ 12) có chồng là cụ Nguyễn Văn Phùng. Hai cụ có một trai, một gái.

-       Ông Nguyễn… Cương mất ở Pháp khoảng năm 1955. Con gái là

-       Bà Nguyễn… Xuyên hiện đang cư ngụ tại Washington (Hoa Kỳ).

Hai con gái cụ bà thứ ba là :

-       Cụ Nguyễn… Nga (thế hệ thứ 12). Cụ ông là Nguyễn Văn Chung. Hai cụ có hai trai, ba gái.

-       Ông Nguyễn Văn Chinh (thế hệ thứ 13) mất ở Hà Nội năm 1999. Có một trai và một gái.

-       Bà Nguyễn Hiền Thục (thế hệ thứ 13) có chồng là ông Đào…. Hai người có hai gái và hai trai ở Hoa Kỳ :

     . Đào Mỹ Hằng

     . Đào Thúy Loan

     . Đào Nguyễn Minh

     . Đào Nguyễn Thanh

-       Bà Nguyễn Thị Thảo (thế hệ thứ 13), có chồng là ông Nguyễn…, mất ở California. Bà có một gái ba trai :

      . Nguyễn Thiện Chân                  

      . Nguyễn Kim Vân

      . Nguyễn Thiện Hùng

      . Nguyễn Thiện Dũng

      . Nguyễn Thiện Chí.

-       Bà Nguyễn Hiền Đức (thế hệ thứ 13), có chồng là ông Trần Lưu…, hiện sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Bà có bốn trai :

      . Trần Lưu Duy

      . Trần Lưu Ân

      . Trần Lưu Vũ

      . Trần Lưu Thăng.

-       Ông Nguyễn Văn Chương (thế hệ thứ (13), có vợ là bà…, có một trai, một gái :

      . Nguyễn Văn Tín

      . Nguyễn Kim An

-       Cụ bà Nguyễn… Dung (thế hệ 12) mất sớm.

-       Cụ bà Nguyễn Thị Văn (thế hệ thứ 11) có chồng là cụ Hoàng… Hai cụ có một trai là :

-       Cụ Hoàng Tăng Bí (thế hệ 12 của họ Nguyễn, cháu ngoại cụ Trọng Hợp) có vợ là cụ Cao Thị Thuyên (thế hệ 11 của họ Nguyễn), chị của cụ Cao Ngọc Anh (con cụ Cao Xuân Dục, thông gia cụ Trọng Hợp). Cụ Tăng Bí có ba trai :

-       Cụ Hoàng Minh Huyên

-       Cụ Hoàng Minh Thiết

-       Cụ Hoàng Minh Giám (thế hệ thứ 13 của họ Nguyễn, con của ông thông gia họ Cao ở thế hệ 11, vậy là thông gia thế hệ 12 đối với họ Nguyễn).

Cụ Hoàng Minh Giám công tác ở Viện Khảo Cổ Hà Nội. Năm 1933 cụ viết về ba nhân vật Công Thái, Huy Cư, và Trọng Hợp. Bạn (đống nghiệp, giào sư trung học ?) học của tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ gia nhập Đảng Cộng Sản, lần lượt làm bộ trưởng ngoại giao, nội vụ và giáo dục, rồi hưu trí và mất ở Hà Nội. Cụ nội cụ Giám được cụ Trọng Hợp chăm lo đi học khi còn trẻ. Để ghi ơn và với tư cách là cháu của cụ Trọng Hợp, cụ Giám đã đốc thúc thành công cuộc hội thảo về cụ Nguyễn Trọng Hợp năm 1991.

-       Cụ bà Nguyễn Thị Tho (thế hệ thứ 11) thường gọi là cụ Tuần Cảnh, có chồng là cụ Nguyễn Tấn Lân ? Hai cụ có môt gái lấy chồng là cụ huyện Công họ Trương.

Con trai cụ là Trương… Huyền (thế hệ 12, còn có tên là Cử Huyền (cử nhân ?). Cụ Huyền sinh sống ở Hồng Công để tiếp tục con đường kháng chiến chống Pháp và lấy vợ người Hoa.

Con gái của cụ Cử Huyền là bà Trương Tiến Anh (thế hệ thứ 13) mất năm 1968.

4. 12. Thế hệ thứ mười hai

Trong chương này chúng ta sẽ nói nhiều về cụ Sỹ Túc mà tác giả quyển gia phả này là hậu duệ. Nhưng chúng tô cố gắng đưa một số thông tin rất sơ lược về các chi hậu duệ khác cũa cụ Duy Nhiếp.

Cụ Nguyễn Sỹ Túc sinh năm 1902, mất năm 1970.

Cụ bà là cụ Bùi Xuân Dung, con của cụ Bùi Hướng Thành, cháu nội cụ nhà văn Bùi Dị (xem tr…) và cháu ngoại cụ Phạm Thận Duật (xem tr…). Cụ mất năm 1948.

giapha20

Cụ Nguyễn Sỹ Túc (1902-1970) và cụ bà Bùi Xuân Dung (1903-1948)

Hai cụ có chín con, sáu trai và ba gái ; hai cụ có một gái nuôi, cháu gọi bằng cậu và mợ, mồ côi cha và xa mẹ vì chiến tranh. (Mẹ là chị ruột của cụ Xuân Dung).

Cụ Sỹ Túc mồ côi cha lúc lên ba, nên sinh sống rất gần gũi với gia đình nhạc thân Cao Xuân Dục. Nhờ vậy cụ được đi học ở thời mà chữ Hán, chữ Nôm còn thịnh hành hơn Việt ngữ, nhưng cụ cũng rất giỏi Pháp ngữ.

Khi nhạc thân Cao Xuân Dục đi hưu trí, cụ mới lên 11. Do đó cụ đã phải xuất thân rất sớm, nên không đủ tuổi để đi làm. Cụ phải khai thêm hai tuổi để có thể được tuyển làm công chức. Công tác đầu tiên của cụ là làm thư ký riêng và Lại Nguyễn Hữu Bài. Cụ Hữu Bài che chở cụ vì ký ức về cụ Nguyễn Trọng Hợp hãy còn tiếng vang trong hàng ngũ các đại thần, nhất là khi cụ Hữu Bài có chân Phụ Chính Đại Thần và trong Hội Đồng Phụ Chính lại có thông gia Cao Xuân Dục của cụ Nguyễn Trọng Hợp, dưới thời vua Duy Tân.

Hai mươi bảy tuổi cụ được bổ đi làm Tri Huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, quê Hương của anh em Tây Sơn, người đã đánh bại quân Trung Quốc và thống nhất đất nước, làm tướng giỏi hơn làm vua. Cụ nhà vóc dáng lực lưỡng khỏe mạnh (nhờ gêne của bố vợ). Khi đến nhậm chức ở Hoài Ân, dân hiến cụ mộ con ngựa giữ hung hăng để thử thách ! Cụ nhảy lên lưng phi một vòng làm cho dân vui vẻ tán thành và kính trọng ngay trong buổi tiếp xúc đầu tiên.

Ba mươi tuổi, cụ được thăng lên làm Tri Phủ Hòa Vang, Quảng Nam. 33 tuổi làm Tri Phủ Duy Xuyên, cùng một tỉnh. Trong bốn năm quản lý phủ này, cụ đã để lại hình ảnh một ông quan năng động : mở trường học, trạm y tế, làm đường, xây cầu, đắp đê, trồng cây ngăn gió giữ cồn cát ; trồng dâu, nuôi tằm là một thành công lớn mà hồi ban đầu dân không chịu. Hai muơi năm sau, năm 1956, có một số dân đề nghị tạc tượng cụ để ghi công cụ đã làm cho kinh tế phát triển trong vùng.

Năm 1940, cụ được thăng chức làm quản đạo (tỉnh trưởng miền Tây Nguyên) tỉnh Di Linh. Trong mấy năm liền cụ bị đổi đi làm những chức nhỏ hơn ở nhiều nơi khác nhau, rất cực nhọc vì tính cụ không chấp nhận luồn cúi.

giapha21

Gia đình cụ Nguyễn Sỹ Túc (1938)

Năm 1944, cụ được đổi đi làm tỉnh trưởng Buôn Mê Thuột ở Tây Nguyên. Đó là thời quân đội Nhật Hoàng chiếm đóng nước ta.

Năm 1945, sau Thế Chiến Thứ Hai, sau khi vua Bảo Đại thoái vị, Cánh Mạng thành công, Đảng Cộng Sản nắm chính quyền và không dùng người có quan hệ trực tiếp với Đảng. Cụ đưa gia đình trở về Bắc. Cuộc chiến chốn lại thực dân Pháp nhanh chóng bùng nổ với bom đạn thời chiến hiện đại, một cuộc di tản khổng lồ cả nước bỏ thành thị về quê lánh nạn, cuộc đời du mục gồng gánh của gia đình cụ Sỹ Túc liên tục từ làng này qua xã khác bằng mọi phương tiện, rồi cuối cùng bằng ghe đi vào Đồng Chiêm xa xôi hưu quạnh phía Đông Nam Hà Nội, tạm định cư ở một làng có tên Phú Khê. Mấy năm ấy là 1946 đến 1948.

Đời sống ở thôn quê xa vắng, không một hứa hẹn cho tương lai cho một gia đình đông con. Cụ Sỹ Túc không có việc làm, cụ bà ốm đau không có thuốc men, con cái không có trường đi học. Cụ bèn quyết định trở về Hà Nội, lại gồng gánh lên đường xuyên qua những vùng tác chiến lửa đạn. Năm 1948 là năm có vẻ như đã hé ra một tia hy vọng vì cụ Sỹ Túc tìm ra việc làm ở Hải Phòng, các con lại được đi học. Nhưng thảm họa lại đến. Cụ bà, rường cột của gia đình con mọn, sau mấy năm rồng rã ốm đau thiếu thuốc men, cuối cùng qua đời vì ung thư máu, ở thời mà khoa học chưa biết nguyên căn và chữ trị.

giapha22

Cụ Nguyễn Sỹ Túc : cuộc đời hy sinh cho con cái

Cụ Sỹ Túc tự nguyện và cương quyết một mình gà trống nuôi con, xây dựng tương lai cho mười đứa con, chưa người nào ra khỏi bậc Trung Học. Lòng quyết tâm phải vượt qua mọi thử thách khó khăn để bầy con đi học thành người trong những điều điện tốt nhất mà cụ không có được vì chính bản thân mồ côi sớm và đã phải xuất thân chống chọi với đời ở tuổi 18. Cụ đã thành công lần luợt gửi con hết sang Pháp, một mình ở lại đeo đưổi cuộc đời góa vợ, cặm cụi làm việc trong cảnh cô đơn, thiếu thốn. Tình yêu vợ chồng mất đi, cụ chỉ còn lại tình yêu bao la dành cho mười đứa con nhỏ và đặc hết tin tưởng vào chúng. Trong suốt mười mấy năm trời, cụ chỉ sống với những bức thư dài trao đổi với con. Bước tiến trong việc học hành của con cái là niềm vui độc nhất của cuộc đời gà trống nuôn con của cụ.

Nhưng chúng ta hãy quay lại đời của cụ. Năm 1948, sau khi cụ bà khuất núi, cụ quyết định đem gia đình vào Đà Lạt vì sợ miền Bắc nằm kề với Trung Quốc có cơ rơi vào cuộc chiến Đông Tây đang mấm mầm. Cụ làm việc trong văn phòng của nhà vua cuối cùng nhà Nguyễn, vua Bảo Đại nay đóng vai trò Quốc Trưởng Việt Nam. Cụ công tác ở đấy đến 1952 rồi được đổi ra Nha Trang để có một chức vụ yên ổn hơn vì đứng ngoài các hoạt động chính trị. Đà Lạt với không khí mát mể với trường trung học Yersin, Nha Trang là một thành phố nghỉ hè với bãi biển tuyệt đẹp đã tạo ra một không khí gia đình êm dịu mà cụ được hưởng trong những ngày tháng ngắn ngủi với hơn phân nửa các con của cụ hãy còn ở Việt Nam. Các con lớn đang du học ở Pháp.

Năm 1955, Quốc Trưởng Bảo Đại rời chính quyền. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đề nghị cụ một ghế trong chính phủ, nhưng cụ không muốn mất danh dự, nhanh chóng trở bàn tay, mặc dù là chỗ quen biết lâu đời.

Chưa đến tuổi hưu trí và con đông đang đi học, cụ bèn đi giạy chữ Nôm trong một trường trung học ở Sài Gòn. Cụ nghỉ hưu trí năm 1961.

Trong thời gian ấy hai bà con gái cả và bà con gái nuôi lập gia đình vào cuối năm 1950 và đầu năm 1960 rồi trở về Việt Nam cùng với chồng. Lúc bấy giờ cụ nhà mới bắt đầu được ở gần với con và các cháu ngoại.

Năm 1968, cụ Nguyễn Sỹ Túc đưa người bạn cuối đời, cụ bà Phạm Liên Chi, sang Pháp chữa bệnh Nhưng cụ bà mất vài ngày sau khi đến Paris. Cụ Sỹ Túc quyết định ở lại Paris một thời gian với các con trai của cụ. Nhưng tiếc thay ! Chỉ hai năm sau, tức ngày 24 tháng 12 năm 1970 cụ đột ngột ra đi vì ung thư. Hai cụ được an táng trong cùng một ngôi mộ ở nghĩa trang Montrouge (Cimetière parisien à Montrouge).

4.13 đến 15. Thế hệ thứ mười ba đến mười lăm

Chương này nói về hậu duệ cụ Ngyễn Sỹ Túc đến thế hệ 15 và theo truyền thống không đi vào chi tiết.

-       Bà Nguyễn Lệ Tuyết sinh năm 1925. Chồng là ông Trương Văn Khai. Ông bà có một trai là

     . Anh Trương Vĩnh Toàn Peter (thế hệ 14) sinh năm 1959. Vợ là chị Nguyễn Khiêm Teresa. Anh chị có một trai là

     . Michael Trương (thế hệ 15) sinh năm 1999.

Tất cả cư ngụ tại California. Hoa Kỳ.

-       Bà Nguyễn Lệ Vân sinh năm 1926. Chồng là ông Tôn Thất Thiện. Ông bà có một gái :

            . Chị Tôn Nữ Thùy Lan (Minou) sinh năm 1959. Chồng là anh Vũ Hùng. Anh chị có hai trai, một gái :

            . Vũ Như Mây (thế hệ 15) sinh năm 1992.

            . Vũ Cung Đàn sinh năm 1995

            . Vũ Sao Nam sinh năm 1999.

      Tất cả cư ngụ tại Ottawa, Canada.

      ▫ Ông Nguyễn Trọng Kỳ sinh năm 1928. Vợ là bà Nguyễn Minh Đức mất năm 1980. Ông bà có một trai, một gái :

            . Anh Nguyễn Trọng Bình sinh năm 1958.

            . Chị Nguyễn Minh Tâm sinh năm 1963. Chồng là anh Godric Cole. Anh chị có một trai, môt gái :

                  ++ Elliot Sơn Cole (thế hệ 15) sinh năm 2001.

                  ++ Vénice Mây Cole sinh năm 2008.

      Ông Trọng Kỳ trước ở Paris, hưu trí ở Hà Nội. Hậu duệ ở Paris.

      ▫ Ông Nguyễn Trọng Du sinh năm 1930. Vợ là bà Trịnh Hồng Anh. Ông bà có hai trai :

                  + Anh Nguyễn Trọng Tuấn sinh năm 1966. Vợ là chị Suzanne Le Bel.

                  + Anh Nguyễn Trọng Kim sinh năm 1972.

  Tất cả cư ngụ tại Montréal, Canada.

      ▫ Ông Nguyễn Trọng Kha sinh năm 1932. Vợ là bà Dư Kim Anh. Ông bá có hai trai, hai gái :

            + Nguyễn Kim sinh năm 1975.

   + Nguyễn Trọng Khanh sinh năm 1977.

   + Nguyễn Hoài Hương sinh năm 1979.

   + Nguyễn Hoài Mỹ sinh năm 1979.

  Tất cả cư ngụ tại Paris.

      ▫ Bà Nguyễn Lệ Hà sinh năm 1933. Chồng là ông Ngô Văn Quế. Ông bà có một con gái nuôi :

               + Chị Ngô Lệ Ánh sinh năm 1974. Chồng là anh Phan Xuân Thành. Anh chị có một trai, một gái :

    ++ Phan Quốc Hưng (thế hệ 15) sinh năm 2000.

    ++ Phan Cát Tiên sinh năm 2005.

Tất cả cư ngụ tại Montréal, Canada.

       ▫ Bà Nguyễn Trường Yên sinh năm 1934. Chồng là Ông Đặng Văn Châu. Hai ông bà có ba trai và hai gái :

     + Anh Đặng Văn Dương sinh năm 1958. Vợ là chị Agnès Pijapijana. Hai anh chị có một gái :

    ++ Suzanne (Thanh Thủy) Đặng (thế hệ 15) sinh năm 1985.

   + Chị Đặng Thị Thanh (Jeanne) sinh 1959, có hai đời chồng. Đời thứ nhất là anh Yann Tabaries de Grandsaigne. Đời thứ hai với anh Raphaël Gérondeau. Chi có hai trai với anh Yann :

    ++ Kim Đảo Tabaries de Grandsaigne (thế hệ 15) sinh năm 1992.

    ++ Dan Tabaries de Grandsaigne sinh năm 1995.   

   + Anh Đặng Văn Hải sinh năm 1960. Vợ là chị Đoàn Kim Phượng. Hai anh chị có bốn gái (hai sinh đôi) :

    ++ Đặng Anh Mai (thế hệ 15) sinh năm 1993.

    ++ Đặng Mỹ Linh 1996.

    ++ Đặng Mỹ Loan 1996.

    ++ Đặng Mai Anh 2000.

   + Chị Đặng Hương Giang sinh năm 1966. Chồng là James H. Wyne. Hai anh chị có một gái và một trai :

    ++ Lâm An Wyne (gái thế hệ 15) sinh năm 2000.

    ++ Oliver Wyne (trai) 2003.

   + Anh Đặng Vǎn Mô sinh năm 1970.

Ngoại trừ gia đình anh Dương et sa famille ở Tân Tây Lan và chị Hương Giang ở Hoa Kỳ, toàn thể gia đình ở Pháp.

      ▫ Ông Nguyễn Trọng Châu sinh năm 1935, mất năm 1997.

      ▫ Ông Trong Linh sinh ăm 1936. Vợ là bà Renée (Pascale) Le Cerf, mất năm 2007. Khi vào quốc tịch Pháp ông Linh lấy tên là Nuyen Trong Linh. Hai ông bà có một trai :

+ Anh Laurent Nuyen sinh năm 1964. Vợ là chị Virginie Vassou. Hai anh chị có một tai và một gái :

++ Max Nuyen (thế hệ 15 - trai) sinh năm 1997.

++ Ella Nuyen gái năm 2001.

Gia đình cư ngụ tại Pháp.

      ▫ Ông Mguyễn Trọng Lâm sinh năm 1941. Vợ là bà Noura Etemad. Ông bà cư ngụ tại Thụy Sỹ.

Các chi hậu duệ khác của cụ Nguyễn Duy Nhiếp (thế hệ 11)

Dưới đây là vài thông tin về các con cháu khác của cụ Nguyễn Duy Nhiếp :

Xin nhắc lại là cụ Duy Nhiếp có hai đời vợ, hạ sinh bốn trai và một gái.

-       Con trai cả là cụ Nguyễn Sỹ Bổng (thế hệ 12) có vợ là cụ bà Ngô Thị Nhuận. Hai cụ có một trai :

▫ Cụ Nguyễn Duy Điển (thế hệ 13) có vợ là cụ Nguyễn Thị Lê. Hai cụ có ba trai, ba gái.

-       Con trai thứ là cụ Nguyễn Sỹ Giác (thế hệ 12), sinh năm 1889. Cụ có một đời vợ.

Cụ thi Hội đỗ Tiến Sĩ thủ khoa năm 1910, lúc mới 22 tuổi, người cuối cùng cỡi ngựa trắng che lọng về làng của lịch sử khoa thi Hội. Với cái vinh hạnh vẻ vang như vậy, cụ vẫn từ chối không ra làm quan để trở thành một đại thần trong triều vì không muốn hợp tác với chính quyền Pháp. Chúng ta hiểu cụ hơn với quá khứ của cụ : Khi còn đi học, cụ tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của các khoa bảng cải cách chủ trương một hệ thống giáo dục mới, một guồng máy hành chính hiện đại và thực thi một tổ chức phát triển kinh tế qua một hệ thống hợp tác xã nông nghiệp và thương nghiệp. Đó là một giải đáp thay thế cho phương thức đấu tranh bằng bạo lực với sự trợ giúp của Nhật Bản mà một số trí thức khác chủ trương ở thời bấy giờ. Nhưng công an thực dân Pháp không muốn phân biệt và chấp nhận các hình thức đề xướng cải cách hay tranh đấu bạo lực. Sau tiếng vang của vụ bỏ thuốc độc bị đổ vỡ ở một đồn lính Pháp tại Hà Nội năm 1908, cụ Sỹ Giác, vô tội bị bắt. Ông Charles Fourniau viết ở trang 706 trong cuốn sách của ông : "…Những buổi họp chuẩn bị được tổ chức ngay trong thành phố Hà Nội, với sự hợp tác của phong trào Duy Tân, duới bóng một buổi hội thảo về giáo dục, dường như có liên quan đến Đông Kinh Nghĩa Thục. Một cháu nội của Nguyen Trong Hiep điều khiển một đồng lối ? (hội ?) bị buộc tội tiếp tay cho những người đi Nhật ; dường như con gái của Thượng Thư Cao Xuân Duc cũng liên lụy trong vụ này" (ghi chú : người con gái này là cụ Cao Ngọc Anh, vợ cụ Duy Nhiếp, dâu cụ Trọng Hợp)

Để sinh sống cụ Sỹ Giác theo đuổi sự nghiệp giảng dạy Hán Nôm và dịch sách cổ.

Cụ mất năm 1974 ở Sài Gòn, thọ 86 tuổi.

Cụ có một con trai là :

      ▫ Cụ Nguyễn Duy Liễn (thế hệ 13).

Cụ bà là… Cụ Duy Liễn là một nhà ngoại giao. Hai lần làm Đại Sứ cho Việt Nam Cộng Hòa: một lần ở Đức (Bonn), một lần ở Liên Hiệp Quốc (New York). Cụ có một đời vợ là bà Vũ Thượng Trinh và hai trai, ba gái :

            + Trai cả (thế hệ 14) mất sớm.

            + Trai thứ là Nguyễn Trọng Luật, tốt nghiệp MIT, cư ngụ tại Washington.

            + Con gái là Nguyễn Phương Chi cũng cư ngụ tại Hoa Kỳ.

Các hậu duệ của cụ Nguyễn Duy Nhiếp (thế hệ 11) và cụ Cao Ngọc Anh, đời vợ thứ hai là:

-       Cụ Nguyễn Sỹ Túc (đã lược thuật ở trên).

-       Cụ Nguyễn Sỹ Đạo (thế hệ 12) sinh năm 1903. Cụ bà là cụ Tần Thị Soạn. Hai cụ có sáu trai một gái (thế hệ 13). Tất cả đều sinh sống cùng với con cái (thế hệ 14) ở Việt Nam (Hà Nội và Quảng Ninh).

▫ Ông Nguyễn Trọng Lân (thế hệ 13) sinh …, bác sĩ thú y, có vợ là bà…., sinh năm… Hai ông bà có ba con gái :

              + Chị Nguyễn… (thế hệ 14) sinh…, có chồng là…. và con là

                     ++ …… (thế hệ 15)

▫ Ông Nguyễn Trọng Long sinh…., giáo sư…, mất…, có vợ là bà … Châm. Hai ông bà có hai trai :

           + Anh Nguyễn Công Bình (thế hệ 14) sinh…., thương gia xuất nhập khẩu, có vợ là bà… chưa có con riêng nên nuôi cháu ruột gọi bằng bác là

                  ++ Anh Nguyễn… (thế hệ 15) sinh…

              + Anh Nguyễn… (thế hệ 14) sinh…, trang trí gia (nội thất), có vợ là bà… Hai ông bà có hai trai :

                     ++ Nguyễn…. (thế hệ 15) sinh….

                     ++ Nguyễn… sinh...

▫ Ông Nguyễn Trọng Tú sinh…, Giám Đốc trường học, có vợ là bà …Lan. Hai ông bà có hai trai là :          

       + Anh Nguyễn… (thế hệ 14) sinh… có vợ là chị….

        + Anh Nguyễn…

                  ++ Nguyễn…(thế hệ (15) sinh…

++ Nguyễn…., sinh….

          ▫ Bà Nguyễn Ngọc Châu sinh…., ….. Chồng là …        Hai ông bà có con là

        + Anh …..

▫ Ông Nguyễn Trọng Toản sinh năm…., kỹ sư…. Có hai đời vợ là bà…. mất năm…. Đời vợ thứ hai là bà…. Có con là :       

+ Anh Nguyễn…. (thế hệ 14) sinh…   , có vợ là… Có con là

        ++ Nguyễn….(thế hệ 15) sinh… Có con là :                ++ Nguyễn….                                                 

▫ Ông Nguyễn Trọng Tấn sinh…, kỹ sư công chính, có vợ là….

▫ Ông Nguyễn Trọng Tuấn sinh….., kỹ sư…. Co vợ là…

Con gái cụ Sỹ Nhiếp là :

- Cụ bà Nguyễn Phương Nghi (thế hệ 12) sinh năm 1898. Chồng của cụ là cụ Võ Văn Quí. Cụ Quí người ở Phụng Hiệp, gần Cần Thơ. Hai cụ có hai trai :

▫ Cụ Jacques (Phúc) Vo Van Quí sinh năm 1925, mất năm 1988. Ông đi học và hành nghề bác sĩ ở Montpellier. Vợ của ông là bà Nicole Mathias, bác sĩ y khoa, con cả cụ Mathias, viện trưởng Đại Học Montpellier. Bà mất năm 2005. Hai ông bà có ba trai, hai gái :

+ Anh Michel Vo Van Qui, kinésithérapeute.

+ Anh Jean-Luc Vo Van Qui, kỹ sư trường Bách Khoa và trường Mines ở Paris.

+ Paul Vo Van Qui, bác sĩ hành ghề ở Montpellier.

+ Chị Mireille Vo Van Qui, kinésihérapeute.

+ Chị Marianne Vo Van Qui, mất sớm.

Cụ Pierre (Đức) Vo Van Qui sinh khoảng 1930, mất năm 2007 tại Paris.

Thế hệ 14 và Thế hệ 15 (+), 16 (++):

Xin nhắc lại là cụ Duy Điển (thế hệ 13) có một đời vợ, hạ sinh ba trai và ba gái.

+ Con gái cả là bà Nguyễn Thị Như Quỳnh (thế hệ 14) sinh 10/10/1933

         + Chồng là ông Lê Nhỡ sinh 4/2/1924. Hai ông bà có các con cháu :

++ Con gái : Lê Thị Thanh Hằng sinh 15/1/1955, kỹ sư luyện kim

++ Chồng : Vũ Quang Côn sinh 1/7/1944, giáo sư Tiến Sĩ Sinh vật học

+++ Cháu gái :   Vũ Hằng Phương 5/6/1991

+++ Cháu gái :   Vũ Nhật Linh            15/9/1994

                        ++ Con trai : Lê Thành Chung sinh6/3/1957 Tiến Sĩ trắc địa học

                        ++ Vợ : Trần Đỗ Quyên sinh   2/9/1967, thạc sỹ Ngôn ngữ học

                              +++ Cháu trai :   Lê Khang      21/7/2001  

                              +++ Cháu gái : Lê Vy             4/9/2002

                              +++ Cháu gái : Lê Hồng Nhung17/4/1982

++ Con gái : Lê Minh Nguyệt, 27/4/1958, giảng viên Âm nhạc (Piano)

                    ++ Chồng : Nguyễn Hoàng Nam, 10/10/1955, kỹ sư máy

                          +++ Cháu gái : Nguyễn Thảo Ly, 26/1/1988

++ Con gái : Lê Thu Thủy, 7/8/1963, giáo viên tiểu học

                    ++ Chồng : Nguyễn Viết Hữu, 7/8/1961, kỹ sư hóa học

+++ Cháu gái : Nguyễn Khánh Như 11/4/1990  

                          +++ Cháu trai :   Nguyễn Việt Dũng  23/1/1997

++ Con trai : Lê Hoàng Nam, 5/10/1966, bác sỹ

                    ++ Vợ : Nguyễn Vân Anh, 20/3/1967, thạc sỹ ngôn ngữ học

                          +++ Cháu trai : Lê Hoàng Đức, 7/9/1996    

                          +++ Cháu gái : Lê Hoàng Hiên, 3/12/1999              

               + Bà Nguyễn Thúy Bội (thế hệ 14) sinh…

+ Con trai cả là ông Nguyễn Duy Hoàng (thế hệ14)

+ Vợ là bà Ngô Đặng Thị Xuân. Hai ông bà có các con cháu :

++ Duy Khanh sinh năm…, vợ là…., có con là

+++ …

+++ …

++ Duy Khánh sinh năm…, làm con nuôi bà cô ruột Thúy Bội.

++ Duy Kim sinh năm…, vợ là...

      + Ông Nguyễn Trọng… mất sớm.

      + Ông Nguyễn Trọng Anh (thế hệ 14) sinh…

      + Vợ là bà… có con là :                

            ++ Nguyễn…., sinh…

                     ++ Nguyễn, , sinh..

                     ++ Nguyễn…, sinh…

                     ++ Nguyễn…., sinh…

     + Bà Nguyễn Lệ Dư, sinh… (thế hệ 14) sinh…

     + Chồng là ông… Hai ông bà có con là

                     ++

                     ++

 

Tóm lược vcác thông gia họ Nguyễn huyện Thanh Trì

Chi cụ Nguyễn Sỹ Túc - thế hệ 12

giapha23

Đôi lời trìu mến gửi đến bà con

Gia phả là tài liệu giúp con cháu từ đời này qua đời kia ôn lại tiểu sử gia đình giòng họ người công dân ở cương vị của mình. Họ

 

Họ Cao Xuân

Bài này chủ yếu nói về đời và sự nghiệp cụ Cao Xuân Dục dựa lên các bài lấy trên mạng Internet, bài "Notice Nécrologique S. E. Cao-Xuân-Dục" của Charles Patris, đang trên tờ "Bulletin des Amis du Vieux Hué" do anh Cao Xuân Trứ tặng và cuốn "Mandarins et subalternes au nord du Viet Nam, une bureaucratie à l'épreuve (1720-1918)" của ông Emmanuel Poisson, nhà xuất bản Maisonneuve & Larose (2004). Để biết thêm về họ Cao Xuân, về cụ Cao Ngọc Anh (Cao Thị Hòa) cũng như thơ của cụ, xin bà con tham khảo trên mạng.

Theo cây gia phả họ Cao Xuân để lại đến ngày nay, thủy tổ còn để tên là cụ Đặng Văn Khanh. Đời sau là cụ Đặng Văn Quang. Đời thứ ba có bốn anh em trai. Cụ Cao Văn Cự là người thứ ba. Con trai cụ Cự là cụ Cao Xuân Dục, thông gia đời thứ 10 họ Nguyễn huyện Thanh Trì.

Cụ Cao Xuân Dục ở thế hệ th 10 họ Nguyễn

Ông Ngoại cụ Nguyễn Sỹ Túc - thế hệ thứ 12

Cụ Cao Xuân Dục sinh năm 1843 tại Thịnh Mỹ, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Cụ có bảy vợ, hạ sinh hai mươi người con. Đương thời con cháu đã đông quây quẩn trong bầu không khí đầm ấm hạnh phúc của một đại gia đình. Nay hậu duệ mấy thế hệ sau đông đảo sinh sống khắp năm châu, ở Hoa Kỳ, ở Úc, vài gia đình ở Pháp và Việt Nam.

Vợ cả củ cụ Cao Xuân Dục là cụ Phạm Thị Tiệp hạ sinh một trai, ba gái. Chúng ta là hậu duệ của cụ út Cao Thị Hòa, tên hiệu là Ngọc Anh. Sau này cụ chỉ được biết dưới tên này. Cụ kết hôn với cụ Nguyễn Duy Nhiếp, thế hệ thứ 11 họ Nguyễn huyện Thanh Trì. Bà chị cả của cụ Ngọc Anh là cụ Cao Ngọc Bích làm dâu họ Đặng Văn, lập gia đình với cụ Đặng Văn Thụy, ông nội của ông Đặng Văn Châu. Vậy đối với họ Nguyễn ở chi cụ Sỹ Túc, họ Đặng Văn vừa là họ bên nội, vừa là thông gia với gia đình cụ Sị Túc vì ông Đặng Văn Châu có vợ là bà Nguyễn Trường Yên, cháu gái cụ Bùi Xuân Dung, họ bên ngoại và là con nuôi của cụ Sỹ Túc và cụ Xuân Dung.

Cụ Cao Xuân Dục inh trưởng trong một gia đình nhà nghèo, nhưng cụ rất thông minh và rất chăm chỉ nên được thầy của cụ quý mến đem về nuôi dạy từ thuở còn thơ. Về sau được thầy gả con gái, về làm rể một gia đình nhà nho. Là một người cởi mở thích sinh hoạt thơ văn nên ngay từ thuở còn trẻ nhà của cụ là nơi tụ họp các văn nhân, người ra kẻ vào thi thố như trong một cái club. Tính cụ rất rộng lượng thương người. Ở ngoài xã hội, từ chỗ quen biết đến kẻ xa lạ cụ năng động hăng say giúp đỡ bao che. Sau ra làm quan, cụ rất tận tình chăm sóc và gần gũi đời sống của dân.

Năm 1876, cụ đỗ Cử Nhân, đồng khoa với Phan Đình Phùng. Ra làm quan, đi đến đâu, từ Bắc vào Nam, người dân lúc nào cũng quý mến, mỗi lần cụ được thăng chức đổi đi nơi khác, họ đều tỏ lòng thương nhớ. Đôi khi họ xem cụ như một ông thần sống có uy quyển tâm linh tác động đến đời sống của thiên hạ. Bản thân cụ không tin như vậy nên khi được mời giải tỏa thiên tai hay một bi kịch xã hội nào đó trong làng, cụ cười ồ ồ rồi khuyên răn giải quyết cụ thể vấn đề. Nhưng cuối cũng phải viết lên giấy đỏ mấy chữ trừ tà thì người ta mới để cụ đi. Là một nhà văn tinh tế, kiến thức sâu rộng, cụ lại rất khôn khéo, có tài thương thảo giải quyết các bất đồng va chạm trong xã hội và ngay từ khi còn làm Tri Huyện, cụ đã tỏ ra có tài năng quân sự. Nơi nào khó khăn nhất, vua cử cụ đến đấy dẹp loạn. Thương thuyết không được, cụ ra tay xông pha tự mình xem xét tình hình của địch, tự mình chỉ huy đánh giặc. Lực lưỡng, khỏe mạnh phi thường, thức trắng đêm mưa nắng, cụ xuất quân đánh đâu thắng đó. Thời bấy giờ tình hình xã hội trong nước rất rối ren, cái tài quân sự của cụ khiến cụ công tác ở các địa phương rất nhiều. Được triệu về triều, cụ lại phải đi dẹp loạn ở xa, không ngần ngại tránh né tình hình nguy hiểm.

Sau khi làm Án Sát 1883 và Bố Chánh Hà Nội năm 1884, cụ được thăng lên làm Tuần Phủ Hưng Yên, rồi Tổng Đốc Sơn Hưng Tuyên (1889). Đó là những năm ở miền Bắc quân Pháp tấn công gây cấn nhất. Năm 1894, cụ được cử làm Khâm Sai Chủ Khảo Thi Hương Hà Nam. Sau khi làm Tổng Đốc Định Ninh cụ được phong hàm Kiên Giang Quận Công năm 1898 và giữ chức Phó Tổng Tài Quốc Sử Quán tại kinh đô. Năm 1901 cụ làm Chủ Khảo Thi Hội, hai năm sau làm Tổng Đốc Tài Quốc Sử Quán. Chức vụ ấy đưa cụ lên làm Bộ Học Thượng Thư (1907), rồi làm Cơ mật viện Đại thần - Phụ chính Đại thần, thăng hàm Thái Tử Thiếu Bảo năm 1908 (dạy vua) và tước An Xuân Tử (1911). Trước khi hưu trí hàm cao nhất của cụ là Đông các Đại học sĩ (1913). Theo Emmanuel Poisson từ trang 94 đến 99 trong sách của ông và như bản tóm tắt dưới đây, ta thấy cuộc đời làm quan của cụ được thăng tiến đều đặn qua bảy đời vua nhà Nguyễn. Tuy nhiên cụ bị giáng xuống làm Tri Phủ huyện Quốc Oai, khi Hoàng Cao Khải muốn làm Phó Vương, bắt các quan trong triều phải ký vào biểu dâng lên Vua, cụ phê vào mấy câu sau :

Trời không có hai mặt trời

Nước không có hai vua

Thần Cao Xuân Dục

Không thể ký

Cụ là một nhà văn hóa viết sách, viết sử, để lại cho hậu thế một kho tàng quý báu:

  • Đại Nam Thực Lục (ghi sử 1883-1888),
  • Quốc Triều Sử Toát Yếu (ghi sử Nguyễn Kim -1886),
  • Đại Nam Nhất Thống Chí (địa chí Trung Bộ - Duy tân - 1910),
  • Đại Nam Dư Địa Chí Ước Biên (Trung và Bắc Bộ),
  • Quốc Triều Luật Lệ Toát Yếu (Duy Tân 1907-1916),
  • Quốc triều tiền biên toát yếu,
  • Bộ Nhân Thế Tu Tri (1901 - 8 tập 900 trang) trích trong Kinh Sử những lời hay ý đẹp nhằm nhằm giúp giáo dục con người tu dưỡng, sửa mình và mưu sinh.
  • v.v.

Cụ Cao Xuân Dục qua đời ở quê nhà năm 1923, thọ 81 tuổi.

Một điểm đáng được chú ý : Một trong những học trò nghèo được cụ giúp đỡ là Nguyễn Sinh Sách, thân sinh của nhà lạnh đạo Hồ Chí Minh.

Điểm thứ hai là từ khi Việt Nam mở cửa đổi mới vào những năm 1990 , những người tài giỏi ở thời đại nhà Nguyễn có công đóng góp cho đất nước được phục hồi danh dự và tuyên dương, đôi khi có tên đường. Thành Phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên cụ ở quận Tám.

Tóm tắt tiểu sử Đại Thần Cao Xuân Dục

Năm                             Về Đại Thần                                              Sự kiện lịch sử

 

1843                                              Sinh làng Thịnh Mỹ                                                                          Thiệu Trị (1840-1848)

1876                                              Đỗ Cử Nhân                                                                                    Tự Đức (1848-1883)

1878-1881                                     Hậu Bổ Quảng Ngãi, tổ chức phát gạo cho dân trong nạn đói               F. Garnier đánh chiếm Hà Thành, rồi tử trận.

                                                                                                                                                          Hiệp ước Philatre (3-1874)

                                                                                                                                            Tri Phủ Bình Sơn rồi Mộ Đức                                                             Léon Gambetta : đề cao phong trào thực dân

1881-1884                                     Tư vụ, rồi Chủ sự Bộ Lại                                                                  Tự Đức băng hà

                                                                                                                                                          Hiệp Hòa lên ngôi

                                                     Biện Lý Bộ Hình (5 tới 7-1884)                                                         Hiệp ước Harmand (8/1883)

                                                     Án sát Hà Nội (8 tới 10-1884)                                                           Hiệp ước Patenôtre (6/1884)

1884-1886                                          Bố Chánh Hà Nội (9 tới 12/1885, rồi 9/1888 tới 7/1889)                     Ba đời vua : Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh (1885-1889)

                                                     Tuần Phủ Hưng Yên (11-1889 tới 2-1890)                                           Thành Thái (1889- 1907)

                                                     Tổng Đốc Nam Định (2- tới 9/1890)

                                                     Tổng Đốc Sơn Hưng Tuyên (10/1890 tới 10/1894)

                                                     Chủ khảo thi Hương Hà Nam (1894)                                                   Toàn quyền de Lanessan (1891-1894)

1896-1907                                     Tổng Đốc Định Ninh                                                                           Chống đối "Phó vương" của Hoàng Cao Khải

                                                     Phó Tổng tài Quốc sử Quán (1898)                                                      Toàn Quyền Paul Doumer (3/1897 - 9/1902)

                                                    Tổng Tài Quốc sử Quán (1903)       

                                                    Chủ khảo trưởng thi Hội (1901)                                                            Paul Beau : Toàn Quyền

1907- 1913                                   Thượng Thư Bộ Học ((1907)                                                                 Thành Thái mất ngôi (9/1907)

                                                    Cơ Mật Viện Đại Thần, Phụ Chánh Đại Thần                                           Duy Tân (1907-1916)                                                

                                                     Thái Tử thiếu bảo (1908)                                                                    Âm mưu bỏ thuốc độc ở trại lính Hà Nội bị lộ (6/1908)

                                                     An Xuân Tử (1911)                                                                            Toàn Quyền Klobukowski (1908-1911)

                                                        Hưu trí (1913)                                                                                   Toàn Quyền Albert Sarrault : (1911-1914)

                                                    Đông Các Đại Học Sỹ (1913)

1923                                             Qua đời

Họ Bùi

Gia phả cho biết là tổ tiên họ Bùi nguyên ở tổng Thường Phúc, phủ Thuờng Tín, tỉnh Hà Đông nay thuộc về thành phố Hà Nội. Qua đời thứ hai, họ Bùi lấy làng Châu Cầu ở Phủ Lý, nay cũng thuộc về Thành Phố Hà Nội, làm quê hương.

Thế hệ thứ nhất

Cụ Bùi Viết Cung là thủy tổ đến Phủ Lý lập nghiệp vào cuối đời nhà Lê, khoảng năm 1740, ở thời trước khi anh em Tây Sơn đánh thắng vua Lê Chiêu Thống năm 1788. Vậy cụ chứng kiến thời cuộc chiến tranh và hoàn cảnh xã hội rối loạn trong nước. Cụ mất ngày 18 tháng Ba (không rõ năm), thọ 80 tưổi. Cụ Viết Cung có một đời vợ. Cụ bà Ngô Thị Từ Đức hạ sinh hai trai Viết Kinh và Viết Quý.

Thế hệ thứ hai

Cụ Bùi Viết Quý phục vụ nhà Lê như cụ thân sinh. Cụ chuyển xuống ở làng Châu Cầu sinh cơ lập nghiệp và mất ở đấy năm 76 tuổi. Cụ bà Trần Thị Thiện Nhẫn hạ sinh sáu trai và hai gái, con cả là cụ Hữu Sỹ.

Thế hệ thứ ba

Cụ Bùi Hữu Sỹ làm Huyện Thư dưới đời vua Gia Long (1802-1820), sau công tác ở bộ Giáo Dục. Cụ mất năm 66 tuổi. Cụ bà Nguyễn Thị Thái cũng hạ sinh sáu trai, hai gái và thọ 72 tuổi. Chúng ta là hậu duệ cụ thứ Tư Việt Phố.

Thế hệ thứ tư

Cụ Bùi Việt Phố có bốn trai và hai gái với cụ bà Hồ Thị Kiều. Cụ được thăng hoa nhiều tước hàm theo truyền thống nhờ cháu nội là cụ Bùi Dị làm Đại Thần có công với triều đình. Cụ thọ 93 tuổi.

Thế thệ thứ năm

Cụ Bùi Văn Hy là con thứ ba của cụ Việt Phố đậu Tú Tài. Cụ bà Nguyễn Thị Nghiêm hạ sinh ba trai, hai gái. Hai cụ cũng được thăng nhiều tước hàm nhờ người con trưởng.

Thế hệ thứ sáu

Cụ Bùi Văn Dị - thế hệ thư 10 của họ Nguyễn

Ông Nội của cụ Bùi Xuân Dung - thế hệ 12

Bài viết này về đời cụ Bùi Dị chủ yếu dựa lên bài viết của Giáo sư Đinh Xuân Lâm và quyển sách "Bùi Văn Dị, Nhà Thơ Yêu Nước Thế Kỷ XIX" do Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam xuất bản năm 1995 ở Hà Nội.

Cụ Bùi Văn Dị hoặc Bùi Dị hoặc tên vua ban là Bùi Án Niên. Cụ sinh năm 1833. Cụ có năm bà vợ hạ sinh sáu trai, năm gái. Hai trai mất sớm. Cụ bà cả Đặng Húy Hạo có ba trai, ba gái. Con trai cả là cụ Bùi Hướng Thành mà chúng ta là hậu duệ.

Cụ khuất núi năm 1895, an táng ở Phủ Lý. Nhân ngày giỗ 100 năm Hội Khoa Hoc Lịch Sử Việt Nam xuất bản năm 1995 quyển sách bằng Hán Văn có bản dịch ra Việt Ngữ với nhan đề "Bùi Văn Dị, Nhà Thơ Yêu Nước Thế Kỷ XIX" gồm 185 bài thơ do cụ Hướng Thành thâu thập và phổ biến năm 1894 với lời tựa của Hoàng Tử Miên Trinh nổi tiếng văn hay cuối triều Nguyễn.

Cụ là một đại thần dưới các đời vua Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và Thành Thái.

Sinh trưởng ở làng Châu Cầu, tỉnh Phủ Lý nay thuộc thành phố Hà Nội. Cùng tuổi với cụ Nguyễn Trọng Hợp, hai cụ cùng đi trên một con đường và về sau hai gia đình trở thành thông gia. Cụ thi Hương đậu tú tài năm 1852, cử nhân năm 1855, thi Hội đậu phó bảng năm 1865 cùng với người em họ con chú con bác là cụ Bùi Văn Quế, sau được đặc cách nhận học vị Tiến sĩ. Sự nghiệp làm quan của hai vị đại thần tiến triển song song theo cùng một định mệnh. Các đại thần thường cũng là các nhà thơ. Cụ Bùi Dị có khuynh hướng tự nhiên nghiêng về văn chương, cụ Hợp có vẻ như cương quyết trong chính trường chính trị nên hai sự nghiệp có hơi khác nhau.

Như thường lệ cụ Bùi Dị lần lượt được bổ nhiệm làm nhiều chức vụ ở miền Bắc, rồi làm Án Sát Ninh Bình trước khi được bổ sung vào triều đình Huế. Năm 1981 cụ làm Thương Bạc Đại Thần, tương đương bộ trưởng ngoại giao bây giờ vì thời ấy không có bộ ngoại giao. Khi quân Pháp đánh Bắc Kỳ, cụ dâng sớ xin đánh chống ngoại xâm và được cử làm Khâm Sai Phó Kinh Lược Bắc Kỳ, cụ trực tiếp chỉ huy đánh trận. Sau Hòa Uớc 1883 cụ từ chối chức Tổng Đốc Ninh Thái về ở ẩn tại Thanh Hóa. Năm 1884 lại được triệu về triều giảng dạy vua Kiến Phúc rồi vua Hàm Nghi. Năm 1887 cụ được thăng làm Phụ Chính Đại Thần. Năm 1890, cụ từ chức Thượng Thư bộ Lại và Phụ Chính Đại Thần và chỉ nhận làm Phụ đạo Đại Thần kiêm Phó Tổng Tài Quốc Sứ Quán cho đến khi cụ quy tiên năm 1895, sau 29 năm làm quan dưới bảy đời vua nhà Nguyễn.

Vậy là chúng ta thấy rõ cụ hăng hái tham gia đánh giặc, là con người có tâm huyết nên hay xin từ chức ở ẩn vì không chịu khuất phục. Có tài văn chương nên đến cuối đời cụ tự nguyện xa lánh địa vị cao cả nhất trong triều để giữ chức vụ chuyên về văn hóa. Thơ văn của cụ được tập hợp trong các cuốn: Vạn Lý Hành Ngâm, Du Hiên Thi Thảo, Tốn Am Thi Sao, Du Hiên Tùng Bát, Trĩ Chu Thù Xướng Tập. Đó là các tập thơ văn chữ Hán. Đến cuối thế kỷ 20, thơ văn của cụ mới bắt đầu được dịch ra Việt ngữ để được phổ biến.

Như phần đông các thi sĩ, tiếng thơ của cụ thổ lộ tình cảm đậm đà đối với bạn bè thân hữu, giản dị mộc mạc nói lên thú vui thắng cảnh thiên nhiên êm dịu thôn dã. Nhưng tiếng thơ ấy trở nên sôi động hùng hồn thoát ra những tiếng gào đến từ đáy lòng vang lên khí thế quyết thắng, sau các trận thắng quân Pháp ở Gia Lâm và Cầu Giấy năm 1883. Nhưng các bài khác lại thổ lộ tâm tình lo lắng, đau xót vì hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đối đầu với sức mạnh của một quân đội hùng cường nhất thế giới ở thời bấy giờ. Đó là những trăn trở chua xót vì quê hương ở thời đen tối nhất của đất nước.

Chẳng hạn như :

Uất hận, cung đàn sao giải được,

Lòng ta, máu nóng có nguôi đâu ?

Hoặc :

Sách hay mọt gặm, lưỡi gươm han,
Những giận ngày nào ngỏ cửa quan
Sống chỉ nhuốm thêm màu tóc bạc
Mười năm hai lượt khóc giang san.

(Bản dịch của Nguyễn văn Huyền)

Tóm lược sự nghiệp Đại Thần Bùi Văn Dị

Năm                             Tiểu sử                                                                         Sự kiện lịch sử

1833                             Ra đời                                                                         Minh Mệnh (1820-1840)

1865                             Đậu phó bảng, sau được công nhận Tiến Sĩ (1889)          Pháp chiếm ba tỉnh ở Nam Kỳ                                                     (1862)

1866                             Tri huyện ở Bắc Ninh                                                     Pháp chiếm thêm ba tỉnh Nam Kỳ (1867)

1871                             Công tác trong triều

                                     Làm chức Duyệt Quyển chọn 11 Tiến sỉ

1873                              Ra Bắc tham gia lấy lại bốn tỉnh.                                   Pháp chiếm thêm bốn tỉnh Bắc Kỳ (1873)

1874                              Án Sát Ninh Bình                                                          Hiệp ước Philatre (3/1874)

                                                                                                                        Pháp trả lại tỉnh Bắc Kỳ

1875                              Về triều ở bộ Lại

                                     Thị Lang bộ Lễ

1876                              Chánh sứ phái bộ sang Trung Quốc     

1878                              Triệu về triều 

                                     Tham Tri bộ Binh, Thương tá Viện Cơ Mật    

                                     Làm Duyệt Quyển cùng với cụ Phạm Thận Duật

                                     Xuất bản thơ Vạn Lý Hành Ngâm và

                                     Du Hiên Tùng Bút nói về Trung Quốc

1881                              Thương Bạc Đại Thần

1882                              Khâm sai Phó Kinh Lược Bắc Kỳ                                      Pháp đánh chiếm Hà Nội (25/4/1882)

                                     (cụ Trọng Hợp làm Kinh Lược)

1883                              Cầm quân đánh Henri Rivière                                          Rivière tử trận (14/4/1883)

                                     Từ chức Tổng Đốc Ninh Thái                                            Tự Đức băng hà (19 /7/1883)

                                     Ở ẩn ở Thanh Hóa (lần thứ nhất)                                      Pháp đánh Thuận An (20/8/1883)

                                     Hoàn thành tập thơ Du Hiên Thi Thảo                                Hiệp Ước Harmand (1883)

                                     Trở về triều

1884                              Làm Tả Tham Tri (Thứ Trưởng) bộ Lại                                Kiến Phúc lên ngôi (12/12/1883)

                                     (Nguyễn Văn Tuờng làm Thượng Thư)                               Phe chủ chiến chuẩn bị lực lượng

                                     Nhật Giảng Quan (giảng dạy hàng ngày) vua Kiến Phúc      Hiệp Ước Patenôtre (6/6/1884)                                                  

                                     Phụ Đạo Đại Thần (thầy dạy vua Hàm Nghi)                      Hàm Nghi lên Ngôi (2/8/1884)

                                     Tham gia Viện Cơ Mật                        

1885                              Từ chức ở ẩn ở Thanh Hóa (lần thứ hai)

1787                              Tham Tri bộ Binh                                                             Hàm Nghi và Phong Trào Cần Vương

                                     Thương Tá Viện Cơ Mật                                                     Đồng Khánh lên ngôi (1885)

1888                              Quyền Thượng Thư bộ Lễ                                                  Hàm Nghi bị bắt (11/1888)

                                      Phó Tổng Tài Quốc Sử Quán

                                      (tham gia viết Đại Nam Thực Lục Đệ Tứ Kỷ) 

                                      Từ chức về Thanh Hóa (lần thứ ba)

1889                                                                                                                     Thành Thái lên ngôi (1/2/1889)

1890                               Phụ Chính Đại Thần và Thượng Thư bộ Lại

                                      Phụ Đạo Thành Thái 

                                      Phó Tổng Tài Quốc Sử Quán

                                      Từ chức Phụ Chính Đại Thần (lần thứ tư)

1894                               Hoàn tất Đại Nam Thực Lục Đệ Tứ Kỷ  

1895                               Mất ở Huế                                         

Đời thứ bảy

Cụ Bùi Hướng Thành sinh năm 1867. Sau khi đỗ khoa thi Hương cụ làm nhiều chức vụ ở miền Bắc rồi được bổ vào công tác ở bộ Giáo Dục do cụ Cao Xuân Dục làm Thượng Thư từ 1907 đến 1913. Cụ Hướng Thành là một trong các tác giả của bộ sách giáo khoa cải cách "Ấu Học Hán Tự Tân Thư" gồm các tập dạy các môn khoa học tự nhiên, luân lý, sử ký, địa dư (xem sách của ông Emmanuel Poisson trang 97 và 192).

Trước khi đi hưu trí năm 1923, cụ làm Tuần Phủ Sơn Tây.

Cụ khuất núi năm 1926, thọ 62 tuổi. Lăng cụ ở trên núi Trung Miếu huyên Thanh Liêm xưa kia phải đi thuyền mới đến được. Phong cảnh ở đấy rất hùng vĩ. Dân làng ngày nay tôn cụ lên làm Thành Hoàng.

Cụ có một đời vợ là cụ Phạm Thị Nhàn, hạ sinh bốn trai, bảy gái. Cụ con gái thứ tám Thị Kiến (vì sinh ở Kiến An), tức là cụ Bùi Xuân Dung, làm dâu thế hệ 12 họ Nguyễn chúng ta. Hai gia đình họ Bùi và Phạm rất khăn khít với nhau nên em gái cụ Nhàn là cụ Phạm Thị Thư kết hôn với người em trai con chú con bác là cụ Bùi Thức. Cụ bà mất năm 1944.

Thế hệ thư tám

Cụ Bùi Xuân Dung, trong nhà gọi là cô Kiến lập gia đình với cụ Nguyễn Sỹ Túc ở thế hệ thứ 12 họ Nguyễn huyện Thanh Trì. Hai cụ có sáu trai, ba gái và một con gái nuôi là cháu ruột gọi cụ bà bằng mợ, tức là con của chị ruột của mẹ nuôi. Cụ mất năm 1948.

Họ Phạm

Cụ Phạm Thận Duật – thế hệ 10 của họ Nguyễn

Ông Ngoại của cụ Bùi Xuân Dung - thế hệ 12

Bài viết này chủ yếu dựa lên các bài lấy trên mạng và qua truyền khẩu trong gia đình.

Cụ Phạm Thận Duật sinh năm 1825 ở Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Mồ côi cha lúc lên tám, cụ bà thân sinh tần tảo nuôi con đi học. Sau được hai thầy dạy học đem về nuôi và gả con gái.

Cụ có hai đời vợ. Cả hai đều là con gái của thầy mình. Cụ bà cả là cụ Phạm Thị Hiếu, con gái của thầy Phạm Lục Khê. Cụ bà thứ hai là cụ Phạm Thị Tuyển, con gái của thầy Phạm Văn Nghị. Cùng họ Phạm, nhưng các cụ không có liên hệ bà con. Cụ ông có tất cả năm trai và nhiều con gái (người viết không rõ con số). Theo phong tục xưa hai họ Bùi và Phạm thân thiết gần gũi với nhau nên hứa gả con cho nhau khi các cụ hãy còn nhỏ : Cụ Phạm Thị Nhàn kết hôn với cụ Bùi Hướng Thành, trai trưởng của cụ Bùi Văn Dị và thân sinh của cụ Bùi Xuân Dung (thế hệ 12). Cụ Phạm Thị Thư, em của cụ Nhàn, đã được hứa với con của Phụ Chính Tôn Thất Thuyết. Nhưng chồng hụt bị đày đi Tahiti, cụ giữ chung thủy trong 15 năm trước khi kết hôn với người em con chú con bác của cụ Hướng Thành. Cụ Phạm Thị Nhàn là một phụ nữ rất giỏi về thương mại. Cụ điều hành cai quản và lập nên cơ nghiệp to lớn cho gia đình. Nhưng điều ấy làm cho cụ Bùi Dị cảm thấy không thoải mái vì một gia đình nhà nho không lo việc buôn bán, nhất là nhạc thân lại đang làm quan.

Cụ Phạm Nhật Duật đỗ cử nhân năm 1850, không có điều kiện đeo đuổi thi Hội, hai năm sau cụ ra làm quan dưới triều Nguyễn, đời vua Tự Đức. Cụ giữ nhiều chức vụ ở Bắc Kỳ như Tri Châu, Tri Phủ Án Sát, rồi Bố Chính Bắc Ninh. Trước khi đảm nhiệm các chức vụ trong triều, cụ làm Tuần Phủ Hà Nội, Bắc Ninh, Hộ lý Tổng đốc Bắc Ninh - Thái Nguyên.

Ở Bắc Ninh cụ nghiên cứu đi sâu vào mọi vấn đề trong vùng nên cụ để lại nhiều công trình nghiên cứu về dân chủng học miền Bắc cũng như về thủy lợi đê điều. Cụ còn có nhiều tác phẩm thơ văn có gía trị. Trăn trở trên vận mệnh của đất nước ở thời buổi khó khăn nhất, nên sau một thời gian dài công tác ở đất Bắc, cụ được triệu về triều và sẽ liên tục thăng tiến trong sự nghiệp Đại Thần của mình.

Năm 1882, cụ dâng mật sớ lên vua xin xây dựng đồn sơn phòng ở vùng rừng núi hiểm trở, thiết lập căn cứ hậu phương ở miền Trung, phía Bắc kinh đô để chuẩn bị kháng chiến chống Pháp.

Đầu năm 1883 cụ được cử cầm đầu phái bộ ngoại giao sang cầu viện Trung Quốc. Chuyến đi sứ không có kết quả vì nhà Thanh lúc ấy cũng đang khốn đốn bị quân đội của các nước phương Tây dồn dập tấn công.

Năm ấy vua Tự Đức băng hà, không có con nối ngôi. Trong triều cảnh huynh đệ tương tàn khiến ba ông vua thay nhau lên ngôi liên tiếp. Ở bên ngoài quân Pháp đổ bộ chiếm cửa biển Thuận An, triều đình Huế phải ký Hiệp Ước Harmand năm 1883. Tôn Thất Thuyết, Phụ Chính Đại Thần có quyền uy lớn nhất lúc bấy giờ, giữ chức Thượng Thư bộ Binh, Nguyễn Văn Tường giữ chức Thượng Thư bộ Lại. Cụ nhà có chân trong Viện Cơ Mật, lãnh nhiệm vụ Thượng Thư bộ Hộ. Đó là ba bộ quan trọng nhất của triều đình, ra sức tổ chức và chuẩn bị đợi thời cơ đánh chống lại quân Pháp.

Triều đình nhà Nguyễn lâm vào thế yếu, cụ thay mặt phía Việt Nam ký Hiệp Ước Giáp Thân Patenôtre ngày 6 tháng 6 năm 1884 và dành được một số điều khoản tạo điều kiện cho phong trào Cần Vương bùng nổ một năm sau đó. Hiệp Uớc này đòi lại các tỉnh Bình Thuận và Thanh - Nghệ - Tĩnh và giới hạn điều kiện quân Pháp đóng trên đất Việt Nam và tại kinh thành Huế. Trong thời gian ấy, cụ cho xây dựng những đồn phòng thủ dọc đường biên giới phía tây (đồn Sơn Phòng) ở Quảng Trị, lập "Thủ đô kháng chiến" với vũ khí đạn dược, kho tiền, kho lúa… Tôn Thất Thuyết cùng cụ đưa vua Hàm Nghi chạy ra đấy, khi đại sự bị lộ. Các sử gia nghĩ rằng chính cụ là người thảo Chiếu Cần Vương vì Tôn Thất Thuyết là một nhà binh, cụ là nhà văn trong nhóm chủ trương kháng chiến ở Viện Cơ Mật. Chiếu Cần Vương lấy danh nghĩa nhà vua ban bố ngày 13/7/1885 kêu gọi sĩ phu và nhân dân nổi dậy kháng chiến chống quân Pháp. Tiếc thay, trên đường ra Bắc chiêu tập nghĩa sĩ, cụ bị bắt ngày 19/7/1885 và bị đày biệt xứ ra đảo Tahiti. Cụ qua đời vào ngày 29 tháng 11 năm 1885 trên chuyến tàu chở cụ đi Tahiti. Công cuộc chiến sự sau này sẽ đi đến thất bại.

Như chúng ta đã phân tích ở chương lịch sử bàn về tình hình xã hội Việt Nam nói riêng và Á Châu nói chung đứng trước sức mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật của phương Tây, thất bại quân sự của triều Nguyễn là một điều khó tránh khỏi.

Ở đây, để con cháu có cái nhìn khách quan về cụ Phạm Thận Duật, chúng ta hãy nhường đôi lời bình luận khách quan đến từ bên ngoài :

Giáo sư Đinh Xuân Lâm viết :

"Hơn 30 năm đầy khó khăn gian khổ, kinh qua bao chức vụ từ nhỏ tới lớn, ở địa phương cũng như ở triều đình, Phạm Thận Duật đã tỏ ra là một người có nhiều tài và trong bất cứ công tác nào được giao đều tỏ ra là một người năng động, luôn luôn mang hết sức mình phục vụ, một lòng vì dân vì nước".

Tờ báo "Bình Dương" tóm lược con người của cụ qua ngòi bút của Hoa Cúc Vàng như sau :

"Bên cạnh những cống hiến trong phong trào chống Pháp, cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Thận Duật còn là tấm gương sáng về đức tính thanh liêm, chính trực đối với dân với nước. Ông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, nhà thủy lợi tài năng. Ông đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị như Hưng Hóa ký lược, Vãng sứ Thiên tân nhật ký, Quan Thành tấu tập, những bài tấu về đê điều được tập hợp trong "Hà đê tấu tập". Về sử học và giáo dục, ông là người kiểm duyệt lần cuối bộ Quốc sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục, giữ chức vụ Phó tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc tử giám. Ông đã từng là thầy dạy học cho hai hoàng thân là vua Dục Đức và Đồng Khánh sau này. Ông còn giữ chức Độc quyển trong khoa thi Đình năm Kỷ Mão (1879) khoa thi Hội năm Giáp Thân (1884)".

Tóm lược sự nghiệp của Đại Thần Phạm Thận Duật

Năm                              Tiểu sử`                                                                 Sự kiện lịch sử

1825                             Ra đời                                                                     Minh Mệnh (1820-1840)                

1850                             Đỗ Cử Nhân      `                                                     Tự Đức (1848-1883)

1855                             Tri châu ở Hưng Hóa (Sơn La)

                                    Tri phủ Lạng Giang

1862                            Án sát sứ rồi Bố chính Bắc Ninh                                  Pháp chiếm ba tỉnh ở Nam Kỳ (1862)

                                   Diệt quân thổ phỉ                                                       Pháp chiếm thêm ba tỉnh Nam Kỳ (1867)

                                                                                                                   Pháp chiếm thêm bốn tỉnh Bắc Kỳ (1873)   

1874                            Tuần Phủ Hà Nội Bắc Ninh                                           Hiệp ước Philatre (1874)

                        Hộ lý Tổng đốc Bắc Ninh - Thái Nguyên                        Pháp trả lại các tỉnh ở Bắc Kỳ      

1876                            Tả tham tri Bộ Lại kiêm Phó Đô ngự sử.

1878                            Thượng thư Bộ Hình

                                   Phó Tổng Tài Quốc Sử Quán kiêm Quốc Tử  Giám

                                   Làm Duyệt Quyển cùng với cụ Bùi Văn Dị

1879                            Độc quyển khoa thi Đình

                                                                                                                     Pháp đánh chiếm Hà Nội 25/4/1882

1883                            Đại thần Viện cơ mật                                                    Rivière tử trận Hiệp Ước Harmand (1883)

                                   Chánh Sứ cầu viện Trung Quốc                                      Tự Đức băng hà (19 /7/1883)

1884                           Mão khoa thi Hội năm Giáp Thân                                    Hiệp Ước Giáp Patenôtre (1884)

1885                           Soạn Chiếu Cần Vương                                                 Chiếu Cần Vương ban bố 13/7/1885

29/11/1885                  Qua đời

Cây gia phả họ Nguyễn huyện Thanh Trì

Thế hệ thứ 1 đến thế hệ thứ 7

giapha24

Hậu duệ cụ Nguyễn Công Thái - thế hệ thứ 6

Thế hệ thứ 7 đến thế hệ 10

giapha25

Hậu duệ cụ Nguyễn Trọng Hợp - thế hệ thứ 10

Chi Trưởng và chi Hai hậu duệ cụ Duy Nhiếp và cụ Phạm Thị Đoan (thế hệ 11 đến thế hệ 14)

giapha26

Hậu duệ cụ Nguyễn Trọng Hợp - thế hệ thứ 10

æChi thứ Ba hậu duệ cụ Duy Nhiếp và cụ Cao Ngọc Anh (từ thế hệ 11 đến thế hệ 13)

Hậu duệ cụ Nguyễ Sỹ Túc - thế hệ thứ 12

giapha27

Hậu duệ cụ Nguyễn Trọng Hợp - thế hệ thứ 10

æChi thứ Ba hậu duệ cụ Duy Nhiếp và cụ Cao Ngọc Anh (từ thế hệ 11 đến thế hệ 13)

Hậu duệ cụ Nguyễ Sỹ Túc - thế hệ thứ 12

giapha28

Hậu duệ cụ Nguyễn Trọng Hợp - thế hệ thứ 10

Chi thứ Ba hậu duệ cụ Duy Nhiếp và cụ Cao Ngọc Anh (từ thế hệ 11 đến thế hệ 15)

Hậu duệ cụ Nguyễn Sỹ Túc - thế hệ thứ 12

giapha29

Hậu duệ cụ Nguyễn Trọng Hợp - thế hệ thứ 10

Chi thứ Ba hậu duệ cụ Duy Nhiếp và cụ Cao Ngọc Anh (từ thế hệ 11 đến thế hệ 15)

Hậu duệ cụ Nguyễn Sỹ Túc - thế hệ thứ 12

giapha30

 Hậu duệ cụ Nguyễn Trọng Hợp - thế hệ thứ 10

Chi thứ Tư hậu duệ cụ Duy Nhiếp và cụ Cao Ngọc Anh (từ thế hệ 11 đến thế hệ 13)

Hậu duệ cụ Nguyễn Sỹ Đạo - thế hệ thứ 12

giapha31

 Hậu duệ cụ Nguyễn Trọng Hợp - thế hệ thứ 10

Chi thứ Tư hậu duệ cụ Duy Nhiếp và cụ Cao Ngọc Anh (từ thế hệ 11 đến thế hệ 15)

Hậu duệ cụ Nguyễn Sỹ Đạo - thế hệ thứ 12

giapha32

 Hậu duệ cụ Nguyễn Trọng Hợp - thế hệ thứ 10

Chi thứ Tư hậu duệ cụ Duy Nhiếp và cụ Cao Ngọc Anh (từ thế hệ 11 đến thế hệ 15)

Hậu duệ cụ Nguyễn Sỹ Đạo - thế hệ thứ 12

giapha33

 Hậu duệ cụ Nguyễn Trọng Hợp - thế hệ thứ 10

Chi thứ hậu duệ cụ Duy Nhiếp và cụ Cao Ngọc Anh (từ thế hệ 11 đến thế hệ 15)

Hậu duệ cụ bà Nguyễn Phương Nghi - thế hệ thứ 12

giapha34

Hậu duệ cụ Nguyễn Trọng Hợp - thế hệ thứ 10

Chi Trưởng hậu duệ cụ Nguyễn Sỹ Bổng và cụ…. (từ thế hệ 12 đến thế hệ 15)

Chi Trưởng cụ Nguyễn Duy Điển - thế hệ 13

giapha35

 Hậu duệ cụ Nguyễn Trọng Hợp - thế hệ thứ 10

Chi Trưởng hậu duệ cụ Nguyễn Sỹ Bổng và cụ…. (từ thế hệ 12 đến thế hệ 15)

Chi Trưởng cụ Nguyễn Duy Điển - thế hệ 13

giapha36

Hậu duệ cụ Nguyễn Trọng Hợp - thế hệ thứ 10

Chi thứ Hai hậu duệ cụ Nguyễn Sỹ Bổng và cụ…. (từ thế hệ 12 đến thế hệ 15)

Hậu duệ cụ Nguyễn Duy Liễn - thế hệ 13

giapha37

Đôi lời cùng bà con

 

Tổ tiên Nội Ngoại để lại cho chúng ta những tấm gương sáng ngời cho tinh thần trách nhiệm đối với gia đình giòng họ cũng như với xã hội, quê hương và đất nước. Đôi khi hoàn cảnh xã hội éo le, khó xử đưa các cụ đến những tư tưởng và hành động khác nhau để đối phó với tình hình nghiêm trọng của đất nước, nhưng mục đích cuối cùng luôn luôn là phục vụ dân tộc đúng theo lương tâm và đạo đức của người công dân ở cương vị của mình. Họ nhà ta đã từng trung thành tuyệt đối với nhà Lê, sau lại hết mình cho nhà Nguyễn. Ngày nay mỗi người một hướng, nhưng mục tiêu trước tiên và cuối cùng vẫn là để phục vụ xã hội, dân tộc và tổ quốc. Bốn khuôn mặt mở đầu chương "thông gia" của bốn giòng họ ở vào thời đại khó khăn đen tối nhất của đất nước. Các cụ hành động mỗi người một cách, làm đúng với lương tâm của chính mình và đạo đức của đại thần, nhiều khi mâu thuẫn trái ngược nhau, mặc dù chủ đích tối hậu vẫn là một. Đâu có phải vì như vậy mà các cụ không tạo được hòa khí với người đồng hương hoặc thiếu vắng tình nghĩa với đất nước và không giữ được cho gia đình giòng họ một bầu không khí đầm ấm trọn vẹn. Đó là cái gương các cụ đã để lại cho con cháu.

Ở đầu thế kỷ 21, loài người đang biến chuyển nhanh và mạnh hơn bao giờ hết, tốc độ chuyển hóa ngày càng gia tăng. Chưa bao giờ một dụng cụ như máy điện thoại di động chảng hạn chỉ cần mười năm để tỏa ra và bao trùm toàn thế giới. Điện tử và hệ thống Internet chuyên chở hình ảnh và tư tưởng đến mọi nơi trên toàn cầu trong chớp nhoáng. Trao đổi đa chiều tuyệt diệu ấy làm cho các nền văn hóa tác động lên nhau, phong phú hóa và cùng nhau tiến lên. Trong bối cảnh ấy, gia phả trở về nguồn, đi tìm gốc gác của thể xác và của tinh thần, nền tảng của bản thân để xây dựng con người của chính mình. Đó là một nhu cầu của mỗi cá nhân, mỗi xã hội vì nhờ đó chúng ta mới biết từ đâu đến và có thể sẽ đi về đâu. Gia phả là một trong những phương tiện bảo vệ bản sắc và nuôi dưỡng lành mạnh mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi giòng họ và mổi dân tộc.

Đọc cuốn gia phả bằng Pháp ngữ và bằng Việt Ngữ, chúng ta thấy có một vài chi tiết trình bày hơi khác nhau hoặc đôi khi một số sự kiện được tường thuât có vẻ như không cần thiết. Chẳng hạn như lịch sử và văn hóa Việt Nam được ôn qua lại từng giai đoạn để hậu thế sinh trưởng ở các môi trường và ở các nền văn hóa khác nhau có thể cùng nhau đọc và hiểu quyển gia phả này trên cùng một cơ sở tư tưởng.

Bản sơ phác này còn rất nhiều thiếu sót. Tác giả và người dịch xin bà con tiếp tay góp thêm thông tin để quyển gia phả được đầy đủ hơn khi đến tay bà con trong thời gian ngắn nhất.

Cảm tạ.

Đồng dịch giả

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15 tháng 11 năm 2008

Địa chỉ liên lạc của tác giả và dịch giả :

Nuyen Trong linh: linh.Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.

và đồng dịch giả Nguyễn Trọng Kha : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.


[1] Đọc xong bài dịch "thất ngôn" ta nhận thấy bài cuả Jean Roux tựa như là gồm lại mấy bài thơ của cụ nhà : Bài thứ tư trong tập "Tây sà thi thảo", theo bài dịch của Trần Lê Vân dưới đây, giống như bốn câu của Jean Roux chúng tôi dịch

Gác lớn lầu cao nối tiếp liền   

Chiều tà xe ngựa rộn huyên thuyên

Nối lên thăm thẳm trăm vạn nhà 

Bỗng ngờ sao rụng trên trời xuống

Đèn sáng trời không biết có đêm

Ầm ầm xe chạy lúc chiều qua

Bất chột nghìn sao rớt từ trời 

Mấy ngàn đèn sáng bóng tan ra

 

Và bài thứ hai trong sách cụ nhà, theo bài dịch của Tạ Ngọc Liễn cũng giống tám câu thơ khác của Jean Roux :

 

Thành quách chen nhau ngấp ngô cao ngất trời xanh

Nước sông như giải bạc lấp lánh chảy xa xuôi

Bao du khách tới đây thăm làm thêm hào khí

Đêm đêm ánh đèn rực sáng trên hai  mươi bốn chiếc cầu

Dinh đẹp nhà cao quá đài thành

Thẳng ru cho đến trời mây xanh

Như giải ngân hà qua thành phố

Một giòng sông chày nước long lanh

Chỗ giạo đường đi khắch thì đông

Khiến người vui vẻ tận trong lỏng

Đêm đêm hàng vạn đèn rực sáng

Chói lên mấy chục cầu bên sông

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Trọng Kha
Read 1823 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)