Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

15/01/2023

Nhắc lại thời Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên cầm quyền

Nguyễn Tiến Hưng

Những gian lao của Thủ tướng Ngô Đình Diệm giành độc lập từ tay người Pháp

Tiếng hát của ca đoàn vang vang trong Thánh Đường buổi sáng hôm ấy. Nhà thờ ‘Chính tòa’ Sài Gòn (còn gọi là ‘Nhà thờ Đức Bà’) đã chật ních những giáo dân. Bầu không khí thật trang nghiêm, long trọng. Đã từ mấy tuần rồi, ca đoàn phải tập dượt cho thật kỹ một số nhạc khúc chọn lọc để hát vào một dịp lễ đặc biệt. Lần đầu tiên, một Hồng y Mỹ nổi tiếng, ông Francis Spellman, tới thăm viếng Việt Nam. Ông là thượng khách của tân thủ tướng chính phủ. Phần đông ca đoàn là những thanh niên vừa được tầu Mỹ chuyên chở từ miền Bắc di cư vào Nam mùa Hè 1954, trong đó có tác giả.

ngo01

Ông Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, xuất hiện tại một hội chợ ở Sài Gòn năm 1957

Từ nơi bão lụt triền miên, chiến tranh loạn lạc, nay được hưởng bầu không khí thanh bình của miền Nam trù phú, chúng tôi hết sức lên tinh thần. Thành phố Sài Gòn văn minh, tráng lệ, đúng là ‘Viên Ngọc Trân Châu của Á Đông’. Hằng ngày đài phát thanh nói đến ‘Nhà chí sĩ Ngô Đình Diệm’ từ Mỹ trở về. Bây giờ lại có Hồng y Giáo phận New York tới thăm. Thấy vậy, nhóm thanh niên chúng tôi tràn đầy hứng khởi.

Suy nghĩ của tuổi trẻ đơn sơ là như vậy. Có ngờ đâu vào vào thời gian ấy, những sự sắp xếp trên bàn cờ chính trị tại miền Nam đã thật là rối ren, nguy hiểm. Trông gương mặt của Thủ tướng Diệm, thấy ông lầm lầm, lỳ lỳ, ít cười nhưng bình tĩnh, khó ai biết được những khó khăn mà ông và trên thực tế, cả miền Nam, đang gặp phải.

Ý định ‘từ quan’ không thành

Trong quá vãng, Quốc trưởng Bảo Đại đã mời ông Diệm làm thủ tướng tới ba lần. Lần thứ tư ông mới chấp nhận. Lần thứ nhất là vào năm 1949 : sau khi ông Diệm đã đóng góp vào việc đưa ông Bảo Đại từ Hong Kong về làm Quốc trưởng, ông được mời làm thủ tướng. Hai lần sau là vào năm 1951 khi ông Diệm còn đang ở Mỹ. Cả ba lần ông Diệm đều từ chối vì cho rằng ông không thể làm được việc gì khi người Pháp còn dính líu vào chính trị Việt Nam. Tới năm 1954, sau khi Quốc hội Pháp đã thông qua Hiệp ước Độc lập (Treaty of Independence) ngày 4/6/1954, ông Diệm mới chấp nhận lời mời của ông Bảo Đại.

Ngày 16/6/1954 khi chỉ định ông Diệm, thoạt đầu thì ông Diệm đã từ chối. Trong cuốn hồi ký Con Rồng Việt Nam (1990), ông Bảo Đại đã ghi lại về câu chuyện này :

"Cứ mỗi khi mà tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ", Quốc trưởng Bảo Đại nói với ông Ngô Đình Diệm.

- Thưa Hoàng thượng, không thể được ạ, ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…

- Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay, tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.

Sau một hồi yên lặng, cuối cùng ông ta đáp :

- Thưa Hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.

Như vậy, giây phút ấy - ngày 16/6/1954 - là giây phút quyết định số mệnh của ông Ngô Đình Diệm. Ông muốn từ quan – không phải là để "lên non tìm động hoa vàng" nhưng là… để đi tu. Khi Quốc trưởng Bảo Đại nại đến sự tồn vong của đất nước và không cho ông được phép từ quan, ông mới lĩnh nhận sứ mạng, một sứ mạng đã đưa đến cho ông biết bao nguy hiểm, gian lao ngay từ đầu, để rồi tiếp tục cuộc hành trình chông gai đi tới cuối đường, nơi tử thần đã đứng sẵn để chờ đợi ông.

ngo2

Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, Bảo Đại

Bước gian truân ban đầu

Khi chỉ định ông Diệm, Quốc trưởng Bảo Đại chỉ hỏi ý kiến Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles, chứ không phải là "Mỹ đưa ông Diệm về Việt Nam làm Thủ tướng" như dư luận hay nói đến. Vì biết rõ uy tín của ông Diệm ở Việt Nam nên Mỹ rất ủng hộ ý kiến của ông Bảo Đại.

Nhưng sự ủng hộ cũng không kéo dài được bao lâu. Chỉ nội trong 10 tháng Thủ tướng Diệm cố gắng để thành lập một chính phủ trong hoàn cảnh rối ren 1954 của Sài Gòn, Mỹ đã muốn thay thế ông. Lý do chính yếu là sự vận động thành công của Pháp để loại trừ ông vì biết thành tích chống Pháp của gia đình Ngô Đình Khả.

Mỹ đã nghe những lời khuyến dụ của tướng Paul Ely (Tư lệnh Pháp ở Đông Dương) đánh giá ông Diệm không đủ khả năng lãnh đạo và không được dân chúng Miền Nam ủng hộ. Ely lại là bạn đồng liêu của tướng Mỹ John Collins trong Thế Chiến II. Bây giờ ông Collins là Đặc ủy (rồi Đại sứ) của Tổng thống Dwight Eisenhower tại miền Nam. Đầu tháng 4/1955 tướng Collins đề nghị rõ ràng về năm bước để loại bỏ ông Diệm (xem 'Khi Đồng Minh Nhảy Vào', Chương 11).

Và Collins đã thành công : cuối tháng 4/1955 Washington đã có chỉ thị tối mật : thay thế Thủ tướng Diệm. Nhưng nhờ cơ may, ông Diệm đã lật ngược được thế cờ trong khoảnh khắc và Washington đã hủy mật lệnh này.

Với cái thế mạnh sau tháng 4/1955, Thủ tướng Diệm đã đẩy được người Pháp ra khỏi Việt Nam, thu hồi được độc lập cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế, tài chánh, hoàn thành được giấc mộng mà gia đình Ngô Đình Khả đã nuôi dưỡng từ khi còn làm quan triều Nguyễn.

Hiệp Định Geneva (tháng 7/1954) chỉ là để phân chia ranh giới rút quân : quân đội Liên hiệp Pháp rút về bên dưới vĩ tuyến 17 chứ không phải là rút khỏi Việt Nam.

Ngày 20/5/1955 là mốc lịch sử vì hôm đó quân đội Pháp rút khỏi khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn. Tới tháng 7, số quân đội Pháp đã từ 175.000 xuống chỉ còn 30.000. Ông Diệm yêu cầu là cả quân đội lẫn huấn luyện viên người Pháp đều bắt buộc phải rời khỏi miền Nam vào mùa Xuân, 1956.

Ông Diệm đã thật vất vả và chấp nhận nhiều nguy hiểm khi đi tới quyết định này. Sau cùng, vào tháng 8/1955, Pháp đồng ý đóng cửa cơ quan quản lý thuộc địa, gọi là "Bộ các quốc gia liên kết".

Về phía Mỹ thì Đại sứ Collins, người nghe lời tướng Pháp Paul Ely vốn đã muốn lật đổ Thủ tướng Diệm, cũng bị thuyên chuyển. Ngày 14/5/1955, ông rời Việt Nam sang nhận trách nhiệm mới tại NATO. Đại sứ G. Frederick Reinhardt sang thay Collins. Tân đại sứ liền tuyên bố ngày 27/5 :

"Tôi tới đây với chỉ thị là thi hành chính sách của Hoa Kỳ ủng hộ chính phủ hợp pháp của Thủ tướng Ngô Đình Diệm".

Sang Thu 1955, uy tín của Thủ tướng Diệm lên cao. Đối nội, ông đã nối kết lại được một quốc gia đang bị phân tán nặng nề, khuất phục được sự chống đối của viên Tổng tham mưu quân đội (thân Pháp) Nguyễn Văn Hinh, chấm dứt được sự đe dọa của cảnh sát ; quân đội quốc gia đã tuân lệnh ông quét sạch lực lượng Bình Xuyên, rồi được Đại hội các đoàn thể chính đảng nhất mực ủng hộ. Thêm nữa, ông có hậu thuẫn mạnh mẽ của gần một triệu người di cư.

Đối ngoại thì ông Diệm đã cương quyết chống trả và khuất phục được mưu đồ của Pháp và kế hoạch dẹp tiệm của cặp Ely-Collins, bây giờ lại được Washington nhất mực ủng hộ. Nhiều nhà quan sát quốc tế bình luận : "ông Diệm đã làm được những việc như phép lạ".

Với cái thế ấy, ngày 26/10/1955, Thủ tướng Diệm tuyên bố thành lập một chế độ ‘cộng hòa’, và trở thành Tổng thống đầu tiên. Tên chính thức của nước Việt Nam đổi từ ‘Quốc Gia Việt Nam’ sang ‘Việt Nam Cộng Hòa,’ nhưng bài quốc ca và quốc kỳ không thay đổi.

Quốc hội đầu tiên : tháng 3/1956

ngo3

Cao ủy Pháp Henri Hoppenot (phải) chúc mừng Tổng thống Đình Ngô Diệm ngày thành lập đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa tháng 10/1955

Ngày 4/3/1956, cột trụ của chính thể cộng hòa được xây dựng. Nhân dân Miền Nam đi bầu một Quốc hội Lập hiến. Với một dân số là 12 triệu người, gần 80% số người được đi bầu đã thực sự tham gia để chọn 123 dân biểu trong số 405 ứng cử viên. Dù tới gần một phần ba số ứng cử viên được chính phủ đề cử đã không trúng cử, đa số những người được bầu là ‘thân chính’.

Tuy không phải là một cuộc bầu cử lý tưởng vì chắc chắn đã có những vận động, sắp xếp không chính đáng, hoặc gian lận, như các phe đối lập tố cáo, nó cũng là bước đi đầu tiên của một hành trình lâu dài để xây dựng nền cộng hòa. ‘Res Publica’ quan niệm của nhà triết học Plato từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên, có nghĩa là ‘sự việc hay cơ chế của nhân dân,’ ta dịch là ‘Cộng hòa’. Nòng cốt của cơ chế này là một thể chế đại diện cho nhân dân để làm ra luật pháp. Mục đích của Quốc hội năm 1956 là soạn thảo một hiến pháp. Với sự cố vấn của ông J.A.C. Grant, một chuyên gia hiến pháp người Mỹ, một Hiến pháp thành hình, đặt nặng nguyên tắc phân quyền giữa hành pháp, lập pháp, và tư pháp giống như hiến pháp Hoa Kỳ, ít nhất là về mặt lý thuyết.

Bầu xong Quốc hội Lập hiến, vào hè 1956, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ gửi một Bản ghi nhớ cho Tổng Tham mưu Liên quân thông báo ‘ý định của Tổng thống Dwight Eisenhower, các cơ quan có thẩm quyền về quân sự phải cổ vỏ giới quân sự Việt Nam để làm một kế hoạch song song và phù hợp với kế hoạch dựa trên căn bản chính sách của Hoa Kỳ để đối phó với những tấn công của Cộng sản. Và một cách kín đáo, phải thông báo cho họ biết rằng Hoa Kỳ sẽ yểm trợ nước Việt Nam tự do để đương đầu với bất cứ sự tấn công nào từ bên ngoài vào".

Tổng thống Eisenhower hết mực ủng hộ. Riêng đối với Ngoại trưởng Dulles thì sau chuyến viếng thăm Tổng thống Diệm vào ngày 14/5/1956, ông lại càng thêm tin tưởng. Điều trần tại một Ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ sau ngày trưng cầu dân ý, ông Dulles khẳng định :

"Ông Diệm đã làm được một việc quá tốt đẹp, dĩ nhiên là với sự yểm trợ của chúng ta, là quét sạch được các lực lượng phe phái… và quyền bính của ông bây giờ được đại chúng chấp nhận. Ông đã được Hoa Kỳ yểm trợ để đào tạo và võ trang một quân đội quốc gia, và quân đội ấy đã chiến đấu một cách trung thành và hữu hiệu, mang được quyền bính của trung ương tới mọi nơi trong nước tới mức độ thật ngạc nhiên…

Nhân dân miền Nam đã có được một cuộc trưng cầu dân ý khoáng đại. Ngày tôi rời Việt Nam, họ đã bắt đầu có những cuộc họp để sửa soạn cho cuộc bầu một quốc hội đầu tiên, như vậy nền móng đã được đặt xuống để xây dựng một chính phủ đại diện cho quốc dân.

Ông Bảo Đại đã bị loại bỏ đi rồi và nhân dân Việt Nam hiện có khả năng xây dựng một chính thể chống cộng mạnh mẽ và hữu hiệu tại một nơi mà đã có lúc coi như sắp bị tan rã vì hai lý do : hậu quả của việc Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ, và những điều khoản bất lợi của một hiệp định đình chiến (Hiệp định Geneva)".

Ngày 26/10/1956 Quốc hội Lập hiến trở thành Quốc hội Lập pháp sau khi Hiến pháp được ban hành (và năm 1959, Quốc hội được bầu lại lần thứ hai).

ng4

Tổng thống Dwight Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles đón Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm tới Washington năm 1957

"Một quốc gia tự do vừa ra đời"

Tháng 5/1957, Tổng thống Eisenhower mời tân Tổng thống nước Cộng hòa Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ ba tuần. Ông gửi máy bay riêng Columbine III sang tận Honolulu để chở Tổng thống Diệm tới Washington, một hành động rất hãn hữu. Khi máy bay hạ cánh xuống phi trường National (bây giờ là phi trường Reagan) thì chính Tổng thống Eisenhower đã có mặt để đón chào. Đây là lần thứ hai trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống mà ông Eisenhower đã đích thân ra tận phi trường để đón quốc khách. Lần đầu là đón quốc vương Saud xứ Saudi Arabia.

Sau khi trao đổi với Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Diệm được cả Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ mời tới Quốc hội để diễn thuyết. Nghị sĩ, dân biểu cả lưỡng đảng đều có mặt đầy đủ. Cho tới lúc ấy thì chưa có lãnh đạo Á Đông nào có cái vinh dự này. Những tràng pháo tay nổ ran khi ông Diệm nói tới "ước nguyện của nhân dân Việt Nam chỉ là được sống trong hòa bình, tự do và họ sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ tự do và độc lập của mình, chỉ yêu cầu nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ cho họ về phương tiện và vật chất". Một cách gián tiếp, ông muốn gửi thông điệp là chúng tôi chỉ cần sự yểm trợ vật chất, các ông chớ có mang quân vào Việt Nam.

Rồi ông nhấn mạnh đến quyền lợi hỗ tương của cả hai nước dựa trên căn bản miền Nam là tiền đồn của Thế giới tự do. Ông nói thẳng bằng tiếng Anh chứ không qua thông dịch viên. Theo một người bạn chúng tôi lúc ấy làm ở đài VOA (bác Trịnh Văn Chẩn) được cử đi làm phóng sự, ông Diệm nói với âm hưởng Huế, có câu các dân biểu, nghị sĩ không hiểu rõ, nhưng cứ đứng lên vỗ tay vang vang thật lâu, và đứng lên nhiều lần.

Tại New York, Thị trưởng Robert F. Wagner tổ chức một cuộc diễn hành để chào mừng vị Tổng thống đầu tiên của Việt Nam. Ít quốc khách nào được đón tiếp như vậy. Dù ít người ở thành phố này biết đến ông Diệm, nhưng dân chúng đã đổ xô ra đường phố để hoan hô. Từ các cao ốc, những cánh hoa đủ mầu sắc được rắc xuống chiếc xe limousine mở mui chở ông Diệm đi qua. Báo chí đồng loạt ca tụng, nói đến "Một quốc gia tự do vừa ra đời". Tờ New York Times gọi Tổng thống Diệm là "một người giải phóng Châu Á" ; Tuần báo Life : "Con người cứng rắn và như phép lạ của Việt Nam" (A tough miracle man of Vietnam). Sau này Phó Tổng thống Lyndon Johnson (thời Tổng thống Kennedy) còn gọi ông Diệm là "Churchill của Châu Á".

Phản ứng tại Quốc hội Mỹ hết sức thuận lợi. Các nghị sĩ, dân biểu thay nhau khen ngợi. Nghị sĩ Jacob Javits (tiểu bang New York) tuyên bố : "Ông là một trong những anh hùng của thế giới tự do". Nghị sĩ Mike Mansfield (Montana), người đã ủng hộ ông Diệm trong những giờ phút nguy hiểm, giờ đây hết sức vui mừng, ca ngợi Tổng thống Diệm là con người có quyết tâm, can đảm, trong sạch và chính trực, "một người đã chứng tỏ khả năng rất cao trước những khó khăn thật là to lớn". Nghị sĩ (sau là tổng thống) John F. Kennedy (Massachussets) còn tuyên dương về Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Diệm : "Việt Nam là nền tảng của Thế giới tự do ở Đông Nam Á, là đỉnh vòm của vòng cung (keystone to the arch), là ngón tay trên con đê (finger in the dyke)".

Cuối hè 1957, những hình ảnh tiếp đón Tổng thống Diệm linh đình tại thành phố New York và thủ đô Washington được chiếu thật lớn trên màn ảnh tại các rạp xi nê ở Sài Gòn cũng như các đô thị, sau phần tin tức nhộn nhịp về thể thao. Bầu không khí lúc ấy thật là phấn khởi. Sinh viên, học sinh chúng tôi hết sức vui vẻ "xuống đường" liên tục, chăng biểu ngữ đi biểu tình để "chào mừng Tổng thống đầu tiên, ủng hộ Quốc hội Lập hiến".

Mỗi buổi sáng, tiếng kèn trống của ban quân nhạc oang oang trên đài phát thanh cử hành lễ chào cờ, tiếp theo là bài tung hô Ngô Tổng thống : "Bao nhiêu năm từng lê gót nơi quê người…".

Ngày 28/4/1956, những người lính Pháp cuối cùng đã rời Việt Nam.

Sự chiếm đóng của quân lực Pháp từ Hiệp ước Patenôtre do Triều đình Huế ký với Pháp năm 1884 tới đây đã hoàn toàn chấm dứt trên thực tế.

Buổi bình minh của nền Cộng hòa thực là huy hoàng rực rỡ.

Nguyễn Tiến Hưng

Nguồn : BBC, 31/10/2022

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản bộ sách : Khi Đồng minh tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh nhảy vào (2016).

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Tiến Hưng
Read 1047 times

1 comment

  • Comment Link Vĩnh Châu samedi, 25 février 2023 03:36 posted by Vĩnh Châu

    Kg: Ban Biên Tập,
    Trong bài "Những gian lao của thủ tướng Ngô đình Diệm.....", ông Nguyễn tiến Hưng đã thuật lại một việc không đúng sự thật. Cụ thể, tác giả viết:

    "Tới năm 1954, sau khi Quốc hội Pháp đã thông qua Hiệp ước Độc lập (Treaty of Independence) ngày 4/6/1954, ông Diệm mới chấp nhận lời mời của ông Bảo Đại."

    Sự thật, hiệp ước nói trên không hề được quốc hội Pháp thông qua.Nó chỉ được ký tắt bởi thủ tướng Bửu Lộc và phó thủ tướng Pháp Paul Reynaud. Không được quốc hội phê chuẩn thì nó không có giá trị pháp lý. Hơn nữa, dựa trên sự kiện không có thật này, tác giả lại đi đến kết luận sau đó cho rằng " ...... ông Diệm mới chấp nhận lời mời của ông Bảo Đại."

    Mong Thông luận không đưa lên diễn đàn của mình những nhận định sai lệch về lịch sử - dẫu vô tình hay cố ý.

    Trân trọng,

    Vĩnh Châu.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)