Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

21/07/2023

Mạnh thường quân tặng hơn một trăm bản đồ quý cho Việt Nam

Mỹ Hằng - Nguyễn Đông

Người sưu tập bản đồ cổ Trung Quốc để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Mỹ Hằng, BBC, 21/07/2023

Sinh ra và lớn lên ở miền biển Quảng Ngãi, sau khi sang Mỹ học tập và định cư, anh Trần Thắng - hiện là kỹ sư hàng không - vẫn tha thiết với biển đảo quê nhà. Anh đã tốn không ít tiền của và công sức sưu tập hàng trăm bản đồ cổ của Trung Quốc cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa chưa từng thuộc chủ quyền của nước này.

tranthang1

Kỹ sư hàng không Trần Thắng

Trong cuộc trò chuyện với BBC News Tiếng Việt, anh Trần Thắng cho biết hành trình sưu tập bản đồ của anh bắt đầu năm 2013, khi Tiến sĩ Mai Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu Thư viện, Viện Hán Nôm, công bố tặng bản đồ nhà Thanh cho Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Bản đồ này nói về chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc dừng lại tại đảo Hải Nam, phía nam Trung Quốc.

"Khi ấy tôi đang lướt mạng tìm mua vài món cổ vật Việt Nam. Tôi đã thử tìm bản đồ Trung Quốc và rất vui khi thấy các bản đồ Trung Quốc giống như bản đồ nhà Thanh.

"Trong đầu tôi thoạt nghĩ, mình phải sưu tập các bản đồ Trung Quốc, Hoàng Sa và Trường Sa giúp cho Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo".

tranthang2

Sách Atlas - Trung hoa Dân quốc Bưu chính dư đồ, Tổng cục Bưu chính, Bộ Giao thông, Trung hoa Dân quốc, 1919 (62cm x 38cm). Sách có 29 bản đồ, viết bằng 3 ngôn ngữ Trung Hoa, Anh, Pháp.

Đêm đầu tiên, anh Thắng tìm được khoảng năm, bảy bản đồ Trung Quốc do các nước phương Tây phát hành. Anh gửi số bản đồ này về Việt Nam cho Tiến sĩ Trần Ðức Anh Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng) đánh giá.

Kết quả bước đầu cho thấy đây là những bản đồ có độ tin cậy cao. Có thêm động lực, anh Trần Thắng bắt đầu dấn thân vào hành trình sưu tầm bản đồ cổ Trung Quốc.

Chỉ sau gần một năm, anh sưu tập được 150 bản đồ cổ.

Trong bộ sưu tập có 75 bản đồ Trung Quốc trong 400 năm, từ bản đồ năm 1618 phát hành tại Hà Lan cho đến bản đồ năm 2008 phát hành tại Mỹ. Các bản đồ này đều do các nước phương Tây phát hành.

Ðặt biệt, anh Thắng sưu tập được ba sách Atlas Trung Quốc quí hiếm. Cuốn đầu tiên do Hội truyền giáo Trung Quốc phát hành tại London năm 1908. Và cuốn Trung Hoa Dân Quốc Bưu chính Dư đồ do Bộ Giao thông & Truyền tin Trung Hoa Dân Quốc phát hành năm 1919, tái bản năm 1933.

"Dù bản đồ xuất bản tại Trung Quốc hay tại phương Tây, chúng có chung một điểm là đảo Hải Nam là điểm cuối nằm ở phía nam của Trung Quốc. Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc", anh Thắng nói.

Trong bộ sưu tập của anh Thắng, có 50 bản đồ Hoàng Sa và 25 bản đồ khu vực Ðông Nam Á. Các bản đồ Hoàng Sa được vẽ nằm sát với nước An Nam (tên gọi Việt Nam ngày xưa).

Anh Thắng tiếp tục gửi toàn bộ bản đồ này về Ðà Nẵng, nơi có Bảo tàng Hoàng Sa, để bảo quản và nghiên cứu.

Những bản đồ đặc biệt quý hiếm

Trong bộ sưu tập của mình, anh Thắng cho hay có những bản đồ đặc biệt quý hiếm. Trong đó phải kể đến bộ sách bản đồ thế giới Atlas sáu quyển do Viện trưởng Viện địa lý Hoàng gia Bỉ, Giáo sư Phillipe Vandermaelen, phát hành năm 1827 và được nhà vua Bỉ phê chuẩn.

"Bộ Atlas cổ này thuộc loại đồ sộ nhứt thế giới trong thời gian bấy giờ. Quyển Châu Á có bản đồ Hoàng Sa thuộc về nước An Nam, trên bản đồ Hoàng Sa (Paracels) ghi rất rõ về địa lý và chính trị nước An Nam", anh Thắng nói.

Ngoài ra còn có sách Atlas Trung Hoa Dân Quốc Bưu chính Dư đồ do Bộ Giao thông Trung Hoa phát hành năm 1919 có 29 bản đồ thể hiện cho thuộc 29 tỉnh, xuất bản bằng ba ngôn ngữ - Trung Hoa, Anh, Pháp. Bản đồ tỉnh Quảng Ðông bao gồm đảo Hải Nam nằm về phía nam của Trung Quốc. Trong phần phụ lục của sách, không ghi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo tiếng Anh hoặc Trung Hoa.

Theo nhận định của anh Thắng, sách Atlas Trung Hoa Dân Quốc Bưu chính dư đồ tái bản năm 1933, không gì thay đổi so với cuốn đầu tiên năm 1919.

"Như vậy bản đồ Biển Ðông ngày nay do Trung Quốc vẽ, gọi là "đường lưỡi bò", chiếm trọn Biển Ðông, không có trong sách bản đồ nhà nước Trung Hoa Dân Quốc trước năm 1933", anh Trần Thắng nói với BBC.

Giá trị pháp lý của bộ sưu tập

Theo anh Thắng, Việt Nam có bộ Châu Bản nhà Nguyễn ghi rõ triều đình quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Triều đình nhà Nguyễn có hải đội đi ra Hoàng Sa và Trường Sa hằng năm. Xa hơn, dưới thời Lê, sử sách cũng ghi về hai quần đảo này.

Bộ sưu tập bản đồ của anh Thắng là tư liệu bản đồ về Trung Quốc và Hoàng Sa, do nhà nước Trung Hoa và các nước phương Tây phát hành.

Anh Thắng cho rằng sự kết hợp giữa bộ sưu tập bản đồ cổ của anh và bộ Châu bản nhà Nguyễn sẽ tạo thế vững chắc về pháp lý và lịch sử để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Ðông của Việt Nam.

Trao đổi với BBC News tiếng Việt, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales, Úc - người từng có mặt trong một số triển lãm bộ sưu tập bản đồ của anh Trần Thắng, nhận định :

"Trong các bản đồ luật quốc tế, chẳng hạn như bộ sưu tập đồ sộ của Trần Thắng, không có giá trị pháp lý trừ khi chúng được đính kèm với một hiệp ước để minh họa cho một quan điểm. Nhưng những bản đồ này thực sự có giá trị trong việc chống lại các yêu sách chính trị sâu rộng của Trung Quốc đối với tất cả các thực thể ở Biển Đông dựa trên lịch sử".

Giáo sư Thayer kể lại rằng, ông đã nhiều lần đặt câu hỏi với các học giả và quan chức Trung Quốc tại các hội nghị quốc tế như sau : "Các vị tuyên bố Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, chiếm giữ và quản lý tất cả các thực thể đất ở Biển Đông.

"Các vị có thể cho tôi ví dụ nào về việc Trung Quốc bị một cường quốc nước ngoài buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát hành chính của mình đối với một thực thể ở Biển Đông không ? Có xảy ra vũ lực không ? Thường dân có bị giết không ?

"Tôi chưa bao giờ nhận được một ví dụ nào để giải thích cách thức Philippines, Malaysia, Philippines và Việt Nam chiếm đóng các thực thể đất ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố đã chiếm đóng và quản lý", Giáo sư Carl Thayer nói với BBC.

Theo phân tích của Giáo sư Thayer, những tấm bản đồ trong bộ sưu tập của anh Trần Thắng cho chúng ta biết rằng các quan chức Trung Quốc và các chính phủ nước ngoài cũng như các nhà vẽ bản đồ đều đồng ý rằng cho đến thế kỷ 19, Trung Quốc không đưa ra yêu sách nào ngoài đảo Hải Nam.

"Điều đáng chú ý là các bản đồ được sản xuất ở các nước Châu Âu khác nhau đều có chung điểm này", Giáo sư Thayer nói.

tranthang3

Kỹ sư hàng không Trần Thắng (phải) và Giáo sư Carl Thayer

Cũng theo Giáo sư Thayer, trong luật pháp quốc tế, yêu sách chủ quyền phải dựa trên sự chiếm đóng và quản lý liên tục. Và "bộ sưu tập bản đồ của Trần Thắng chỉ là điểm khởi đầu".

"Ai đã vẽ bản đồ và tại sao họ lại làm như vậy ?

"Các yêu sách về chủ quyền phải được các bên yêu sách chứng minh bằng bằng chứng về sự chiếm đóng và quản lý liên tục, chẳng hạn như xây dựng một ngôi đền, ngọn hải đăng, đài phát thanh, trường học và các tài liệu như giấy khai sinh cấp cho cư dân địa phương.

"Yêu sách chủ quyền được coi là có cơ sở khi các quốc gia nước ngoài thừa nhận và tôn trọng sự chiếm đóng và quản lý của một quốc gia khác", Giáo sư Thayer nói với BBC.

Khoảng trống trong giáo dục Việt Nam

Trong quá trình tìm hiểu thông tin về Hoàng Sa, Trường Sa và sưu tập các bản đồ cổ, anh Trần Thắng nhận thấy có khoảng trống về thông tin lịch sử của hai quần đảo này trong sách giáo khoa Việt Nam.

"Việc nghiên cứu Biển Ðông của Việt Nam cũng chưa đặt đúng mức độ quan trọng của nó.

"Việt Nam chưa có đủ đội ngủ chuyên viên dầy dạn kinh nghiệm về Biển Ðông bao gồm các mặt như luật pháp quốc tế về biển đảo, địa chính trị, hàng hải, v.v...

"Ngoài ra, dưới sức ép Trung Quốc, Việt Nam phải giữ mức độ dung hòa tránh xung đột ở Biển Ðông", anh Trần Thắng nhận định.

Anh Thắng nhấn mạnh rằng cần phải đưa thông tin chính xác và đầy đủ về lịch sử hình thành và phát triển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa Việt Nam để giảng dạy cho các thế hệ học sinh về chủ quyền biển đảo của quê hương mình.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các bảo tàng về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Ðông để ghi nhận mọi mặt về địa chính trị, du lịch, kinh tế, năng lượng dầu mỏ, khí đốt, sinh thái biển, lịch sử phát triển diễn ra tại các vùng biển này.

"Hiện nay, Việt Nam có nhà trưng bày Hoàng Sa ở Ðà Nẵng và Trường Sa ở Nha Trang ở mức cơ bản. Chúng ta cần xây dựng những nhà trưng bày trở nên chuyên nghiệp và sống động hơn nhằm thu hút người Việt và du khách quốc tế đến tham quan".

Sau khi bộ sưu tập bản đồ cổ của anh Thắng được công bố, Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam đã kết hợp với bộ sưu tập sẵn có của bộ để tổ chức hơn 100 cuộc triển lãm từ bắc vào nam trong năm 2015-2016.

"Tôi có dự cuộc triển lãm tại Hà Nội và tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tôi cũng nghe nói cuộc triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng thu hút hàng ngàn người xem, mọi người sắp hàng dài.

"Sau khi tham dự các cuộc triển lãm, tôi rất vui vì mình đóng góp đôi chút vào công việc và khơi dậy tinh thần nhận thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Việt Nam", anh Thắng tâm sự.

Không dừng lại ở việc sưu tập bản đồ cổ, anh Thắng còn phối hợp với các tổ chức liên quan tổ chức một số hội thảo Biển Đông, thu hút nhiều học giả Việt Nam và quốc tế. Trong đó có thể kể đến hội thảo do Viện văn hóa và giáo dục Việt Nam (IVCE) mà anh Trần Thắng sáng lập, kết hợp với khoa Ðông Nam Á học thuộc đại học Yale năm 2015.

"Từ hội thảo này, tôi nhận được phản ánh từ các học giả Mỹ rằng tài liệu về Biển Ðông tại Việt Nam viết bằng tiếng Anh rất ít, điều này làm khó khăn cho các học giả Mỹ khi nghiên cứu về Biển Ðông".

Từ mối quan tâm của học giả Mỹ, anh Trần Thắng nhen nhóm ý định dịch những sách Biển Ðông hay ra tiếng Anh, phục vụ cho các học giả Mỹ, Châu Âu, Canada, Úc và phương Tây và thư viện các trường đại học.

Vài năm qua, anh đã thu thập khoảng 100 sách và tư liệu, chọn ra khoảng 20 sách tốt nhất, rồi từng bước chuyển dịch ra tiếng Anh và tìm nhà xuất bản hợp tác.

Anh Thắng cũng gửi tặng bộ sưu tập bản đồ cổ đến 100 thư viện Ðông Nam Á thuộc các đại học hàng đầu tại Mỹ và các học giả Mỹ.

tranthang4

Ảnh Trung Hoa Dân quốc Bưu chính dư đồ (62cm x 38cm), do Tổng cục Bưu chính, Bộ Giao thông, Trung hoa Dân quốc, phát hành năm 1919.

"Khi có đầy đủ bản đồ Trung Quốc và Hoàng Sa, sinh viên Mỹ và giáo sư có nguồn tư liệu tham khảo về nguồn gốc của biển đảo khu vực Biển Ðông, nơi có mật độ hàng hải lớn nhứt thế giới. Ðặc biệt, tư liệu bản đồ này chống lại bản đồ "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đơn phương đưa ra cho thế giới".

Đôi nét về 'người sưu tập bản đồ' Trần Thắng

Anh Trần Thắng sinh ra tại Quảng Ngãi. Khi anh lớn lên, gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống.

Khi anh Thắng đỗ vào Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh thì gia đình đi xuất cảnh tại Mỹ năm 1991. Tại Mỹ, anh học tại University of Connecticut với ngành kỹ sư cơ khí.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Trần Thắng làm việc cho công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney từ năm 2000-2020. Anh đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như thiết kế, phân tích mô phỏng, qui trình ráp động cơ...

"Tôi yêu thích công việc hàng không máy bay, nơi rèn luyện cho người kỹ sư nhiều kỹ năng sắc bén, hiểu về mô hình nền công nghiệp máy bay hiện đại", anh Thắng nói với BBC.

Ngoài công việc chính, anh Trần Thắng cùng bạn bè thành lập Viện văn hóa & giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York năm 2000 với mục đích giới thiệu văn hóa Việt Nam tại các trường đại học và trung tâm văn hóa Mỹ, quảng bá giáo dục Mỹ tại Việt Nam.

Từ năm 2002-2016, anh Thắng của các cộng sự của mình về Việt Nam mỗi dịp hè để làm các hội thảo Du học Mỹ, nhằm giúp cho các bạn trẻ Việt Nam tìm cơ hội du học tại Mỹ.

"Tôi cho rằng từ đó mà làn sóng du học Mỹ hình thành và phát triển mạnh trong 10 năm gần đây", anh Thắng nói.

Hiện tại anh Trần Thắng đang có dự xây dựng trường nội trú trung học Mỹ và đại học Mỹ tại Ðà Lạt nhằm thu hút học sinh và sinh viên Mỹ về Việt Nam học ngắn hạn, đồng thời thu hút học sinh và sinh Châu Á đến học trong đó có Việt Nam.

Anh cũng chia sẻ về kế hoạch xây dựng Trung tâm Việt-Mỹ nơi tập trung các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật và học giả người Việt tại Mỹ để trợ giúp cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khắp Việt Nam.

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 21/07/2023

******************************

Người gốc Việt triển lãm bản đồ Hoàng Sa trên đất Mỹ

Nguyễn Đông, VnExpress, 10/05/2016

Lần đầu tiên những bản đồ cổ giúp chứng minh chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa do Việt kiều Trần Thắng sưu tầm được trưng bày ở Mỹ.

tranthang5

Một bản đồ cho thấy quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh : Trần Thắng.

20 bản đồ Hoàng Sa, 20 bản đồ cổ Trung Quốc và 2 sách atlas Trung Quốc được triển lãm tại Hội thảo quốc tế "Sự xung đột trong Biển Đông", tổ chức tại ĐH Yale, Mỹ cuối tuần qua. Ðây là 40 bản đồ trong bộ sưu tập 150 bản đồ cổ Hoàng Sa và Trung Quốc, cùng 3 sách atlas Trung Quốc mà ông Trần Thắng, Việt kiều Mỹ, sưu tập từ giữa năm 2012. Những bản đồ này đã được ông Thắng gửi tặng cho Việt Nam và UBND huyện đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng.

20 bản đồ Hoàng Sa do các nước phương Tây và Việt Nam vẽ, từ năm 1618 đến 1859, cho thấy vùng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong khi đó, 20 bản đồ các nước phương Tây vẽ về Trung Quốc từ năm 1626 đến 1980, cho thấy miền Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Hai sách bản đồ Atlas, một cuốn do Nhà nước Trung Hoa phát hành tại Nam Kinh năm 1933, cuốn còn lại do Phái bộ truyền giáo Trung Quốc phát hình tại Anh năm 1908 cũng chỉ rõ lãnh thổ nước này dừng lại ở Hải Nam.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia người Australia nghiên cứu các vấn đề về Biển Đông, từng nhận xét bộ sưu tập của ông Trần Thắng cho thấy những mâu thuẫn trong tuyên bố của Trung Quốc về cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Thắng, chủ tịch Viện văn hóa - giáo dục Việt Nam (IVCE), cho biết các học giả tham dự hội thảo đều cho rằng, hiện chưa có sách hoặc công trình nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa được viết bằng tiếng Anh được phát hành rộng rãi. Điều này khiến các học giả quốc tế than phiền rằng họ không có tài liệu để nghiên cứu.

"Việt Nam được một số học giả quốc tế tranh đấu bảo vệ lợi ích Biển Ðông. Chính phủ Việt Nam cũng cần lập ra quỹ về Biển Ðông để tạo mọi điều kiện phát triển thông tin về Biển Ðông. Từ nguồn ngân sách này, có thể dùng dịch sách, các công trình nghiên cứu, phim tài liệu và tài liệu về Biển Ðông sang tiếng Anh và tiếng Trung Quốc", ông Thắng nói và cho rằng quỹ Biển Ðông cũng sẽ hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu Biển Ðông.

tranthang6

The Atlas of The World, Johnsons Atlas, New York, 1869, cũng cho thấy lãnh thổ phía nam của Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam. Ảnh : Trần Thắng.

Hiện Trung Quốc và các nước trong khối Ðông Nam Á tăng cường phát triển quân sự, có nghĩa là phát triển "sức mạnh cứng". Cái giá phát triển sức mạnh cứng là hàng tỷ tỷ USD, trong khi giá thành phát triển sức mạnh mềm như đầu tư nghiên cứu Biển Đông chỉ vài triệu USD. "Ðiều quan trọng của sức mạnh mềm là gìn giữ được hoà bình trong khu vực trong các cuộc xung đột về Biển Ðông", ông Thắng nói.

"Tôi nghĩ Chính phủ cần phải công khai giải pháp cụ thể về Biển Đông. Ví dụ như trường hợp Philippines họ chọn giải pháp về môi trường biển và giá trị pháp lý về đường lưỡi bò để chống lại Trung Quốc tại tòa án quốc tế, và giải pháp này được công khai trong nước và cả thế giới", ông cho biết thêm.

-----------------------------

Ông Trần Thắng tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại University of Connecticut và làm việc cho công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney từ năm 2000. Ông đồng thời là Chủ tịch Viện văn hóa - giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York, nhằm phát huy giáo dục Mỹ tại Việt Nam và giới thiệu văn hóa Việt Nam tại các Đại học Mỹ. 

Năm 2012, ông Trần Thắng sưu tầm 150 bản đồ cổ Trung Hoa, bản đồ Hoàng Sa và 3 sách atlas Trung Hoa chứng minh chủ quyền biển đảo Việt Nam. Với đóng góp này, ông nhận được bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy Ban biên giới - Bộ Ngoại giao, UBND thành phố Ðà Nẵng.

Nguyễn Đông ghi

Nguồn : Vnexpress, 10/05/2016

***********************

Người sưu tầm 100 bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa

Nguyễn Đông, VnExpress, 02/11/2012

Tạm gác công việc bận rộn của một kỹ sư máy bay, ông Thắng lên mạng rồi đến các cửa hàng đồ cổ tìm mua các bản đồ của Trung Quốc và thế giới chứng minh quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là phần lãnh thổ của Việt Nam.

tranthang7

Ông Trần Thắng vừa quyết định tặng 100 tấm bản đồ quý cho Việt Nam. Ảnh : NVCC.

Ông Trần Thắng (*), 42 tuổi đang sống tại tiểu bang Connecticut (Mỹ), Chủ tịch Hội Văn hóa - Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE), vừa quyết định tặng toàn bộ số bản đồ mình cất công sưu tầm cho Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Đà Nẵng, nơi có chương trình nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Thắng cho biết, đã sưu tầm được 100 bản đồ độc bản. Trong đó có 70 bản đồ lãnh thổ Trung Quốc, 15 bản đồ vẽ Hoàng Sa nằm sát bờ biển Việt Nam, 15 bản đồ khu vực Đông Dương hay Đông Nam Á, và 2 sách toàn đồ chứng minh Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo ông Thắng, các bản đồ cổ và sách toàn đồ của Chính phủ Trung Quốc nói lên tính lịch sử và tính pháp lý rất cao. "70 bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc đã chỉ rõ miền nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. 15 bản đồ vẽ Hoàng Sa nằm sát bờ biển Việt Nam. Tại sao người Tây phương không vẽ Paracels (Hoàng Sa) nằm sát Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Brunei, mà lại vẽ nằm sát Việt Nam ? Là vì từ Paracels đến bờ biển của An Nam gần so với các nước khác và trên đảo Paracels có người An Nam sinh sống nên người Tây phương cho rằng đảo này thuộc về An Nam", ông Thắng lý giải.

Nhà sưu tầm cho hay, 5 bản đồ vẽ các tuyến đường hàng hải trọng điểm đều đi qua Hoàng Sa nơi Pháp quản lý vùng biển và đảo của Indochina. Ngoài ra, Hoàng Sa có thể là nơi dừng chân cho các tàu bè trên tuyến hàng hải Nam - Bắc Châu Á. Sau hiệp định Geneva 1954, Pháp trao trả "toàn vẹn lãnh thổ" cho Việt Nam, tất nhiên phải có cả Hoàng Sa.

tranthang

Bản đồ do Petrus hay Pieter vẽ năm 1594 có thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông với tên gọi chung là Pracel, còn vùng lãnh thổ trong đất liền thì ghi là Costa de Pracel (Bờ biển Hoàng Sa).

Kể về hành trình sở hữu những tấm bản đồ quý, ông Thắng chia sẻ, cuối tháng 7 vừa qua, sau khi biết tin tiến sĩ Mai Hồng (Hà Nội) tặng bản đồ nhà Thanh (miền Nam Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam) cho bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ông đã lên mạng và thấy có người rao bán vài tấm bản đồ cổ của Tây phương về lãnh thổ của Trung Quốc. Ông liền liên hệ và mua lại những bằng chứng này.

Là người "ngoại đạo" nên ông Thắng cẩn thận gửi các bản đồ này cho hai người bạn thân quen là Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Đà Nẵng) và Tiến sĩ Nguyễn Nhã xem. "Hai vị này có cảm nhận tốt thế là tôi bắt đầu tìm kiếm bản đồ. Khi ấy có nguồn cảm hứng thế nào mà tôi toát ra suy nghĩ rất nhanh là phải sưu tầm nhiều bản đồ của Tây phương để chứng minh miền Nam của Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam", ông Thắng kể.

Tạm gác lại công việc bận rộn của một kỹ sư máy bay, ông tìm đến những cửa hiệu đồ cổ, điểm rao bán bản đồ để tìm mua. Số lượng bản đồ về lãnh thổ Trung Quốc được xuất bản tại Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Ý... trong thời gian 1626 - 1980 ngày một nhiều lên. Tuy nhiên, ông chỉ tìm được một tấm bản đồ có Hoàng Sa vẽ nằm sát bờ biển Việt Nam.

"Khi ấy tôi hơi lo lắng vì mình đã chứng minh miền nam của Trung Quốc dừng tại đảo Hải Nam, nghĩa là Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc. Vậy làm thế nào mình chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam ? Nếu chỉ có một bản đồ thì không đủ thuyết phục ?", ông tự đặt câu hỏi và nỗ lực tìm kiếm câu trả lời. Giữa tháng 9, ông tình cờ phát hiện tấm bản đồ cổ có Hoàng Sa và liền sau đó ông sưu tầm thêm được 15 bản đồ cùng loại.

Ông Thắng cũng phát hiện điều rất lạ là cả 3 cuốn Toàn đồ Trung Hoa dân quốc Bưu dư đồ của Trung Quốc in tại Nam Kinh năm 1919 và 1933 (gồm 78 bản đồ), và Atlas of The Chinese Empire do phái bộ China Inland Mission xuất bản tại Anh năm 1908 (gồm 23 bản đồ) đều không liệt kê Hoàng Sa, Trường Sa.

Tuy nhiên, do giá các cuốn sách cổ này rất đắt đỏ, bản thân lại không đủ tiền nên ông Thắng kêu gọi bạn bè thân đóng góp. Việc này được thực hiện bí mật, phòng khi thông tin lan rộng sẽ có người khác mua mất. "Trong 2 tuần chờ đợi tiền, tôi rất hồi hộp, ngày nào cũng đi làm về sớm xem sách còn trên mạng không. Khi cầm được sách trên tay tôi mới cảm thấy thanh thản", vị kỹ sư độc thân trải lòng.

tranthang9

Bản đồ Scherer Atlas Novus (Đức) năm 1670 cũng cho thấy lãnh thổ của Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh : Trần Thắng.

Mua được bản đồ quý, ông lại bỏ thời gian kiểm tra lại thông tin về nhà xuất bản, năm xuất bản, mã số, làm khung, bọc giấy kính để bảo quản. Từ đây, ông bắt đầu giới thiệu cho người Mỹ và các bạn trẻ người Việt biết về Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Toàn bộ hình ảnh về bộ sưu tập này được lưu lại tại trang web của Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam.

"Tôi nghĩ rằng mọi người Việt trong và ngoài nước đều là những người yêu nước, không riêng gì tôi. Tôi làm công việc sưu tập tài liệu bản đồ một cách tự nhiên, không bị áp lực nào về tính thời sự chính trị. Tôi không xem việc này là của Chính phủ hay việc kia là của người dân. Tôi thấy việc nào có lợi cho xã hội cho cộng đồng là làm", ông Thắng chia sẻ và cho biết, sau khi công bố tài liệu sẽ cùng với các luật sư ở Mỹ gặp nhau để cùng bàn cách giúp Việt Nam về tính pháp lý tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau khi xem qua bản sao của gần 100 bản đồ ông Trần Thắng gửi từ Mỹ về, Giáo sư Sử học Phan Huy Lê nhận xét, bộ sưu tập này dù có một số chưa xác định đầy đủ xuất xứ nhưng đều rất quý, phong phú hơn những bộ sưu tập về bản đồ liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa trước đây. Cảm kích trước tấm lòng của một nhà khoa học nước nhà luôn hướng về quê hương, giúp Việt Nam có thêm chứng cứ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, Giáo sư Lê đã viết thư cảm ơn ông Thắng.

"Ý nghĩa của những tấm bản đồ này gắn liền với ý nghĩa lịch sử và pháp lý. Đặc biệt, những tấm bản đồ của Trung Quốc đến năm 1933 cho thấy thời điểm đó chính quyền Bắc Kinh không có nhận thức về về lãnh thổ phía Nam, tất cả bản đồ đều ghi rõ lãnh thổ của Trung Quốc kéo dài đến đảo Hải Nam. Trong khi đó, những tấm bản đồ của thế giới vẽ Châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam đều chỉ rõ Hoàng Sa, Trường Sa gắn liền với Việt Nam", Giáo sư Phan Huy Lê nói.

Nguyễn Đông

Nguồn : VnExpress, 02/11/2012

(*) Năm 1991, ông Trần Thắng cùng gia đình sang Mỹ định cư. Ông tốt nghiệp kỹ sư cơ khí và làm cho công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney từ năm 1999. Ông cũng là người đứng ra thành lập Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam tại New York để phát triển văn hóa Việt Nam, cũng như phát triển hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mỹ Hằng, Nguyễn Đông
Read 822 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)