Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

05/08/2023

Đông và Tây : Về triết lý con người "chinh phục tự nhiên" và "hòa hợp với tự nhiên"

Hồ Sĩ Quý

Khi đề cập đến thái độ ứng xử của con người đối với giới tự nhiên, hầu hết các nhà lý luận đương đại đều quan niệm rằng triết lý con người chinh phục tự nhiên là thế giới quan chủ đạo của các dòng văn minh phương Tây. Thế giới quan này đối lập với triết lý con người hòa hợp với tự nhiên – thế giới quan chủ đạo trong các nền văn minh phương Đông. Đây là một đề tài rộng lớn và có rất nhiều nội dung thật đáng quan tâm. Trong bài này, chúng tôi xin đề cập đến một số nội dung cơ bản nhất mà logic của vấn đề đòi hỏi phải trình bày.

dongvatay0

Hầu hết các nhà lý luận đương đại đều quan niệm rằng triết lý con người chinh phục tự nhiên là thế giới quan chủ đạo của các dòng văn minh phương Tây.

I

Năm 1854, Franklin Pierce, Tổng thống của người da trắng ở Washington muốn mua đất của thổ dân da đỏ. Trong quan niệm của vị Tổng thống này, đất đai là một thứ hàng hóa và có thể mua bán được. Nhưng với người da đỏ ở Seatle, thì đất đai cùng với con người và sinh vật ở đó là một khái niệm thiêng liêng. Thủ lĩnh Seatle đã thay mặt cộng đồng da đỏ gửi thư trả lời Franklin Pierce ; trong thư có đoạn viết : "Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú ? Và nếu chúng ra đi thì con người cũng chết dần chết mòn vì nỗi buồn cô đơn về tinh thần, bởi lẽ điều gì sẽ xảy đến với con thú thì cũng sẽ xảy ra với chính con người. Mọi vật trên đời nay đều có sự ràng buộc lẫn nhau" [1].

Bức thư này được coi là hay nhất trong mấy trăm năm nay về quan hệ giữa con người với tự nhiên.

Thực ra, không phải đến bây giờ con người mới biết quan tâm đến môi trường sống của mình. Mà ngay từ rất xa xưa, người ta đã biết tới hình ảnh vườn địa đàng trong các huyền thoại tôn giáo phương Tây, cũng như chốn bồng lai trong các quan niệm dân gian phương Đông. Đó chắc chắn là hình tượng thể hiện niềm khát vọng thiêng liêng của con người về một môi sinh lý tưởng cho mình.

Có sơ sở để nói rằng, sự tiến triển của nền văn minh nhân loại, ngay từ buổi bình minh của lịch sử đã được thể hiện trong sự xử lý, giải quyết mối quan hệ – khi bạn, lúc thù – giữa con người với tự nhiên.

Nhưng lịch sử văn hóa – văn minh trong bản chất của nó là lịch sử của sự phát triển con người, mà trong đó chinh phục tự nhiên cũng là một phương tiện của sự phát triển.

Nghịch lý của sự phát triển bắt đầu nảy sinh từ đây : con người ngày càng hiểu biết sâu hơn về quy luật của thế giới xung quanh thì sự tác động của con người đến giới tự nhiên cũng ngày càng mãnh liệt hơn theo cả chiều thuận lẫn chiều nghịch. Vai trò ngày càng lớn hơn của con người trong việc xử sự với giới tự nhiên, mặc dù đã giúp con người khống chế giới tự nhiên ngày càng đáng kể hơn, nhưng không vì thế mà con người tránh được nguy cơ phiêu lưu hơn. Giới tự nhiên, cái nôi của cuộc sống con người đã trở nên dễ thương tổn hơn nhiều trong nhịp sống sôi động của xã hội công nghiệp. Bà G.H. Brundland, nguyên Chủ tịch ủy ban môi trường và phát triển thế giới (WCED) nhận định : "Trừ chiến tranh hạt nhân ra thì sự biến đổi của khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với loài người. Nó không những đe doạ sự tồn vong của con người mà còn uy hiếp cả tương lai của trái đất" [2].

Vấn đề là ở chỗ, sự phát triển của nền văn minh ngày nay đã trở nên "quá nóng". Trong xã hội hiện đại, con người phải đương đầu với những vấn đề mà tính nghiêm trọng của nó thì tất cả những thế kỷ đã qua gộp lại cũng chưa thể so sánh được. Sức mạnh của cơ chế thị trường ở trình độ toàn cầu hóa và những tiến bộ kỳ diệu về khoa học – công nghệ, trong khi làm cho xã hội loài người phát triển ngày càng nhanh hơn, thì đồng thời cũng làm nảy sinh mặt trái của sự phát triển – "cơn khát" khai thác tự nhiên với năng lực "tăng theo cấp số nhân" của con người cũng ngày càng gia tăng. Trong không ít trường hợp, việc nhìn nhận và giải quyết mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên, trong sự thúc ép của những nguyên nhân chủ quan và khách quan phức tạp khác nhau, đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Thêm vào đó, những toan tính sai lầm của một số chiến lược ích kỷ dựa trên cơ sở những thành công về kinh tế và khoa học – công nghệ đã làm tăng thêm khả năng con người trở thành kẻ thù của tự nhiên và giới tự nhiên luôn luôn rình rập báo thù con người.

Chưa kể đến những hành vi chủ tâm phá hoại tự nhiên, mà chỉ tính đến hệ quả tiêu cực của những chương trình, những kế hoạch phát triển kinh tế, phát triển khoa học – công nghệ… thì tình trạng xâm hại cân bằng sinh thái trong mấy thập kỷ qua đã làm cho cả cộng đồng thế giới từ lâu lo ngại : giới tự nhiên đã mất đi khả năng tự phục hồi. Nạn cạn kiệt tài nguyên, tình trạng ô nhiễm môi trường, sự tuyệt chủng nhiều loài sinh vật – hậu quả của sự khai thác tự nhiên một cách qúa sức chịu đựng của nó đã đặt nhân loại trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu – sự huỷ diệt chính bản thân nhân loại [3].

Kẻ thù nguy hiểm nhất của giới tự nhiên hóa ra lại là con người.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, nếu con người với khoa học – công nghệ trong tay vô tình trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của giới tự nhiên thì không ai khác, cũng chính con người với bộ óc biết tư duy của mình sẽ là lực lượng duy nhất có thể và buộc phải chặn đứng nguy cơ khủng hoảng sinh thái.

Sự phát triển mạnh mẽ của nền sản xuất hiện đại trên cơ sở những tiến bộ khoa học – công nghệ có thể làm cho một số người, thậm chí nhiều người có ảo tưởng về khả năng chinh phục tự nhiên của mình, nhưng con người với tính cách là đại biểu ưu tú nhất của vũ trụ, bao gồm không ít những bộ óc vĩ đại thì chắc chắn không bị trói buộc trong cái ảo tưởng thống trị tự nhiên đó ?

Vậy, lịch sử, sức mạnh và những điểm hạn chế của các dòng triết lý "Con người chinh phục tự nhiên" và "Con người hoà hợp với tự nhiên" nói lên điều gì.

II

Xin được lưu ý rằng, nói rằng chinh phục tự nhiên là thế giới quan chủ đạo của các dòng văn minh phương Tây, còn hòa hợp với tự nhiên là thế giới quan chủ đạo của phương Đông dẫu sao cũng chỉ là cách nói tương đối và gần đúng.

Bởi lẽ, không phải mọi học thuyết phương Tây đều chủ trương đề cao thái độ chinh phục của con người đối với giới tự nhiên, cũng như không phải mọi triết thuyết phương Đông đều chủ trương con người phải hoà hợp với tự nhiên. ấy là chưa kể ngay trong thế giới quan chinh phục tự nhiên cũng vẫn có những quan điểm còn tôn trọng tự nhiên hơn cả một vài quan điểm đề cao sự hòa hợp. Sự khác nhau giữa thế giới quan phương Đông và phương Tây trong vấn đề này là có thật và cũng rất đáng kể nhưng không tuyệt đối. Đây là điều khá phức tạp cho nên trong khi thảo luận các nhà nghiên cứu bao giờ cũng phải ngầm thừa nhận một sự giả định : không nhất thiết cái được coi là chủ đạo của phương Đông (hoặc phương Tây) phải đúng cho mọi trường hợp ở phương Đông (hoặc phương Tây).

Ngay cả các khái niệm Đông và Tây cũng chỉ có ý nghĩa tương đối.

Đây không phải là các khái niệm địa – chính trị, càng không phải là các khái niệm địa lý mà là các khái niệm văn hóa vùng. Những khái niệm này xuất hiện từ thời cổ đại khi đế quốc La Mã muốn bành trướng ảnh hưởng của mình sang phía mặt trời mọc (The Orient) ở bên kia bờ Địa Trung Hải. Vùng Ai Cập và Lưỡng Hà, do vậy được xem là nơi bắt đầu của phương Đông về phương diện địa lý [4]. Trải qua các thời kỳ lịch sử, người Châu Âu hiểu biết thêm về phương Đông khi họ "khám phá" ra Ấn Độ và Trung Quốc. Có thể những thương gia Châu Âu có mặt ở Ấn Độ và Trung Quốc sớm hơn nhiều [5], song Châu Âu hiểu biết về hai nền văn hóa vĩ đại này lại quá muộn. Mãi tới thế kỷ XV, một vài thư tịch cổ chữ Phạn mới được dịch sang tiếng Anh và sau đó mới đến các văn bản chữ Hán. Từ đó đến tận hôm nay, phương Đông luôn được hiểu là vùng văn hóa mà Trung Quốc và Ấn Độ là khởi nguồn và là đại biểu (người ta còn nói đến vai trò của văn minh Ai Cập – Lưỡng Hà trong việc kiến tạo nên bộ mặt các nền văn minh phương Đông, song tính đến đầu công nguyên thì văn minh Ai Cập cổ đại cũng đã bị Hy Lạp hóa, còn văn minh Lưỡng Hà thì về căn bản cũng đã bị mai một dưới vó ngựa chinh phạt của đế quốc Ba Tư).

Như vậy, trên thực tế khái niệm phương Đông được sử dụng không bao gồm toàn bộ những nền văn minh ở phía Đông bán cầu tính từ Địa Trung Hải, mà chỉ là những nền văn minh chịu ảnh hưởng hoặc có khởi nguyên từ Trung Quốc và ấn Độ cổ đại. Một phần Châu Âu, toàn bộ Châu Phi và một vài vùng khác nữa ở Đông bán cầu không thuộc về khái niệm phương Đông.

Khái niệm phương Tây lúc đầu dùng để chỉ các nền văn minh có nguồn gốc Hy – La phát triển về phía bờ tây Địa Trung Hải. Về sau được dùng với nghĩa là Châu Âu và Châu Âu hóa. Từ thế kỷ XX, khái niệm này lại chủ yếu được hiểu là phương Tây tư bản chủ nghĩa, bao gồm cả Âu – Mỹ, thậm chí khi người Nga nói phương Tây tư bản chủ nghĩa thì có thể còn gồm cả Australia, Nhật Bản, Israel, v.v. Nước Nga và văn hóa Nga, trước kia cũng như hiện nay, thường không được coi là thuộc về khái niệm phương Tây.

Thái độ hòa hợp với tự nhiên của phương Đông được hình thành từ lâu và đã định hình trên cơ sở những quan niệm về con người trong các học thuyết phương Đông.

Theo nhiều tác giả, con người trong quan niệm của tất cả các tôn giáo phương Đông và trong hầu hết các học thuyết triết học phương Đông truyền thống đều không đối lập với giới tự nhiên. Nó luôn luôn được coi là một thành tố, một bộ phận của giới tự nhiên [6].

Trong các quan niệm Nho giáo, tự nhiên, vũ trụ (thiên, thiên đạo, thiên tính, thái hư, thiên mệnh…) bao giờ cũng là cái nằm ngoài ý chí của con người, sinh ra họa phúc, thiện ác… trần gian. Các nhà nho đều thừa nhận "thiên mệnh" và cho rằng, không một ai có thể cải tạo được "thiên mệnh" mà cần phải thích nghi với nó. Mặc dù không phủ nhận đời sống con người cũng có "đạo", có "thời" của riêng nó ("nhân đạo" khác với "thiên đạo"- Lão Tử, Trang Tử), nhưng quan điểm Nho giáo không đối lập "thiên đạo" với "nhân đạo". Ngược lại, Nho giáo cho rằng, con người sống trong trời đất, sống giữa vạn vật nên giữa con người và trời đất luôn luôn có quan hệ "thiên nhân cảm ứng". Bởi vậy, trong đời sống của mình, con người cần phải hiểu mệnh trời, phải biết sợ mệnh trời ("tri thiên mệnh", "úy thiên mệnh"- Khổng Tử) ; để từ đó biết "ứng thời" theo "thiên mệnh", "thiên đạo" [7].

Trong học thuyết Duyên khởi, cơ sở triết học của của Phật giáo nguyên thủy, quan hệ tác động qua lại của vạn vật, trong đó có tự nhiên và con người, còn được giải thích một cách "biện chứng" hơn. Theo thuyết này thì mọi sự vật và hiện tượng trong vũ trụ đều có quan hệ với nhau và đều là điều kiện cho sự tồn tại của nhau ("Thử hữu cố bỉ hữu, thử sinh cố bỉ sinh, thử vô cố bỉ vô, thử diệt cố bỉ diệt" – Sở dĩ cái này tồn tại nên cái kia tồn tại, sở dĩ cái này sinh ra nên cái kia sinh ra, sở dĩ cái này không có nên cái kia cũng không tồn tại, sở dĩ cái này mất đi nên cái kia cũng mất) [8].

Đương nhiên, thuyết Duyên khởi không trực tiếp giải thích mối quan hệ của con người với tự nhiên, song với logic của quan niệm về "thử" và "bỉ" như trên, chúng ta có thể hiểu ở đây không có chỗ cho một sự đối lập nào giữa tự nhiên với con người.

Khác với những gì vừa nêu trên, ở Châu Âu, quan niệm của triết học Hy – La cổ đại về sự tôn vinh con người và tinh thần của Kytô giáo về sự sáng tạo của Thượng đế luôn luôn chi phối và ảnh hưởng một cách sâu sắc đến sự phát triển của các nền văn minh phương Tây. Phần lớn những thành tựu vĩ đại làm nên diện mạo của phương Tây, cũng như phần lớn những quan điểm tiêu cực nảy sinh trong quá trình đối xử với thế giới xung quanh đều có khởi nguồn sâu xa từ đây. Cũng từ đây, triết lý con người chinh phục tự nhiên đã xuất hiện và phát triển.

Như chúng ta đã biết, một trong 4 nội dung quan trọng của Thượng đế luận Kytô giáo là luận thuyết về sự sáng tạo [9].

Luận thuyết này cho rằng, trước khi sáng tạo ra con người, Chúa đã sáng tạo ra thế giới. Một mặt, sự sáng tạo đó là nguyên nhân tồn tại của con người, của xã hội loài người và của vạn vật. Nhưng mặt khác, con người lại là đỉnh cao của sự sáng tạo đó, là hình ảnh của Chúa, nên bản thân con người cũng có khả năng sáng tạo. Tính hai mặt của quan điểm này nằm ngoài tầm kiểm soát của Giáo hội Kytô giáo. Đúng như A.G. Xpirkin nhận xét, "Kytô giáo thần thánh hóa nhân cách tuyệt đối của tạo hóa và bằng cách đó cũng thần thánh hóa cả con người như là hình ảnh và đồng dạng của tạo hóa" [10]. Điều này dĩ nhiên có mặt tiêu cực của nó, nhưng trong những trường hợp nhất định cũng có khả năng tạo cho con người lòng say mê, tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh của bản thân, kích thích thái độ tích cực của cá nhân con người đối với thế giới.

Truyền thống văn hóa này rất khác với phương Đông, nó quy định tính chất của văn hóa Châu Âu.

Ở thời cổ đại Hy Lạp, lần đầu tiên chúng ta bắt gặp thái độ tôn vinh con người nhưng thái quá đến mức vị kỷ có lẽ là ở Protagoras.

Khi đưa ra quan niệm của mình về chân lý, Protagoras cho rằng, việc chứng minh sự vật nào đó là hiện thực hay không hiện thực hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến của từng chủ thể cá biệt ; điều đó có ý nghĩa đối với từng chủ thể đó. Protagoras khẳng định : "Con người là thước đo của mọi vật" [11]. Quan điểm của Protagoras được Sokrates tán đồng và làm rõ thêm "con người với tư cách là kẻ biết suy nghĩ mới là thước đo của mọi vật". Với Sokrates, con người đương nhiên có vị trí ở trung tâm của thế giới ; tuy vậy, ông nhấn mạnh năng lực tư duy của con người với nghĩa là không phải tất cả mọi người đều có vị trí ấy [12].

Nên nhớ rằng ở thời cổ đại, kiến thức về giải phẫu học đã đạt tới trình độ khá cao ; hội hoạ và điêu khắc cổ đại đã sử dụng rất phổ biến những tỷ lệ của cơ thể người để tiêu chuẩn hóa hình họa và vì thế nói con người là thước đo của vạn vật thì đó không chỉ là mệnh đề có tính chất phương pháp luận chung chung. Theo Sokrates, con người luôn luôn là một bí ẩn đối với nhận thức, hiểu được nó không phải là điều dễ dàng. Vì vậy, thuộc tính biết tư duy mới là cơ sở để khẳng định vai trò trung tâm của con người trong thế giới. Ngoài việc nêu ra tuyên ngôn nổi tiếng về con người cần phải nhận thức chính mình, Sokrates còn đề ra phương pháp hoài nghi trong tranh biện. Với Sokrates, rõ ràng con người đã được coi là có vai trò rất cao đối với thế giới bên ngoài nó.

Đỉnh cao trong các quan niệm về con người trong triết học cổ đại phương Tây có lẽ là không phải Sokrates mà là Aristotle, "bộ óc bách khoa nhất trong số các nhà triết học cổ đại".

Khi tiếp tục truyền thống đề cao con người có từ trước đó, Aristotle đã phát triển tư tưởng của Plato, Sokrates và đưa ra những quan điểm mới của mình. Ông khẳng định : "Bẩm sinh, con người là một động vật chính trị" [13]. Đây là tư tưởng có ý nghĩa rất đáng kể trong việc nhận thức vấn đề con người cho đến tận sau này. Có thể nói, Aristototle là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên sớm nhận ra tính xã hội của hoạt động người ; nếu không có Aristototle, người đời sau chắc không thể có những lập luận kiểu như con người là động vật kinh tế, con người là động vật văn hóa, con người là động vật xã hội, v.v…

Như vậy, nếu logic của sự chinh phục thế giới diễn ra theo đúng quan niệm cho rằng, lúc đầu sự chinh phục thế giới của con người chỉ được thực hiện với tính cách là loài hoặc cộng đồng, phải đến khi tri thức về thế giới tích lũy được nhiều, xã hội phát triển tới một trình độ nhất định, con người mới có khả năng khẳng định mình với tính cách là những cá nhân, thì đến thời kỳ cổ đại Hy Lạp, vấn đề chinh phục thế giới đã được đặt ra ở trình độ cá nhân. Điều này thể hiện đặc biệt rõ ở Sokrates và Aristototle. Cũng ở thời kỳ này, khái niệm tự nhận thức đã xuất hiện và có giá trị định hướng to lớn.

Quan niệm con người chinh phục thế giới đã bao hàm cả nội dung con người chinh phục xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà Socrate khẳng định rằng, "phẩm hạnh đồng nhất với tri thức ; khi hiểu được điều thiện là gì con người sẽ không cư xử một cách tồi tệ" [14].

Sau hơn mười thế kỷ bị mai một dưới sự thống trị của nhà thờ Kitô giáo Trung cổ, truyền thống đề cao con người bắt nguồn từ triết học cổ đại Hy -La được khơi dậy và phát triển rực rỡ kể từ thời đại Phục Hưng. Trên cơ sở những thành tựu mới của nền khoa học tự nhiên, lý tưởng giải phóng con người (Emancipation) khỏi xiềng xích tôn giáo đã được tiếp thêm sức mạnh. Và cũng nhờ đó, quan điểm chinh phục thế giới được bộc lộ ở một trình độ mới.

Về phương diện chính trị – xã hội, từ giữa thế kỷ XV, phương Tây bắt đầu tiến hành cuộc tìm kiếm những miền đất mới. Trong khoảng ba thế kỷ, gần như toàn bộ thế giới với những nền văn hóa rất khác nhau đã được khám phá. Có rất nhiều lý do đã được nêu ra để giải thích sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản Châu Âu thời bấy giờ, trong đó có cả những lý do nhân đạo, đầy tinh thần nghĩa hiệp tồn tại bên cạnh những lý do tham tàn của chủ nghĩa thực dân. Điều đáng lưu ý là "những người thực hiện cuộc bành trướng có những lý do phức tạp không kém những Thập tự quân trước đó ; và cũng giống như Thập tự quân, họ tin tưởng phần nào là họ đang làm công việc của Thượng đế" [15].

Theo chúng tôi đây là điều rất đáng lưu ý.

Về phương diện nhận thức, như F. Engels đã nhận xét, từ cuối thế kỷ XV, cùng với sự ra đời của "nền khoa học tự nhiên thật sự", Châu Âu đã đạt tới "những tiến bộ khổng lồ" trong lĩnh vực nhận thức giới tự nhiên. Đi đôi với sự xuất hiện những Viện Hàn lâm khoa học tầm cỡ ở các nước Anh, Pháp, Mỹ…, chủ nghĩa duy lý và phương pháp tư duy siêu hình cũng giữ địa vị thống trị trong nhận thức. Phải đến khi có những phát kiến mới của khoa học tự nhiên thế kỷ XVIII thì những sơ đồ nhận thức thế giới bắt nguồn từ I. Newton, J. Locke, T. Hobbes mới lộ ra là có nhiều hạn chế. Phương pháp nhận thức siêu hình "gặp phải một ranh giới mà nếu nó vượt quá thì nó trở thành phiến diện, hạn chế, trừu tượng và sa vào những mâu thuẫn không thể nào giải quyết được". Khoa học tự nhiên thời F. Engels đã cho phép kết luận rằng : "Trong tự nhiên, rút cục lại, mọi cái diễn ra một cách biện chứng chứ không phải siêu hình" [16].

Không thể nói rằng, triết học Marx nằm ngoài truyền thống chinh phục thế giới của văn hóa Châu Âu.

Bởi vì hơn ai hết, chính K. Marx đã khẳng định : "Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, vấn đề là cải tạo thế giới" [17]. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ, Marx và Engels đã chủ trương chinh phục thế giới, cải tạo giới tự nhiên như thế nào ? Theo chúng tôi, cũng sẽ là sai lầm nếu mọi quan điểm về cải tạo và chinh phục thế giới đều bị phê phán một cách định kiến.

Không thể phủ nhận rằng, con người khác con vật chính là ở chỗ nó biết chinh phục và cải tạo thế giới để thoả mãn nhu cầu của mình. Không nên căn cứ vào những sai lầm của xã hội hiện đại trong việc bảo vệ môi sinh, hoặc căn cứ vào nhu cầu cấp thiết phải hoà hợp với tự nhiên mà chúng ta lại phủ định một cách sạch trơn những quan điểm hợp lý về sự chinh phục và cải tạo thế giới. Nên nhớ rằng, chính các tác gia kinh điển đã hiểu rất rõ tính chất nguy hiểm của thái độ cực đoan trong chinh phục thế giới ; xuất phát từ đó, các ông đã đặt vấn đề phải cải tạo thế giới với một hệ thống các quan điểm khá hợp lý [18].

Theo chúng tôi, tư tưởng điển hình nhất của chủ nghĩa Marx về thái độ tôn trọng tự nhiên, sống hoà hợp với giới tự nhiên được F. Engels trình bày trong tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên". Trong tác phẩm này, F. Engels cho rằng, sự tiến bộ của nền khoa học tự nhiên thế kỷ XIX, một mặt, cho phép con người hiểu được ngày càng chính xác hơn các quy luật của tự nhiên, nhưng mặt khác cũng giúp con người ngày càng cảm thấy và nhận ra sự phụ thuộc của mình vào giới tự nhiên – "con người với giới tự nhiên chỉ là một" [19]. F. Engels chỉ rõ : "chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên" [20].

Trong thời đại ngày nay, khi nhân loại đang cận kề với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, khi giới tự nhiên đã bị tàn phá đến mức nặng nề thì việc đề cao thái độ hoà hợp với tự nhiên, nâng quan điểm đó thành một triết lý hành động là điều cần thiết và có thể còn mang ý nghĩa sống còn. Thêm vào đó, thế giới quan truyền thống phương Đông trong việc đối xử với tự nhiên lại là cơ sở văn hóa rất tin cậy cho việc tôn vinh triết lý đó. Tuy nhiên, lẽ nào chúng ta lãng quên F. Engels đã nói gì về thái độ của con người trong việc thống trị giới tự nhiên. Mà F. Engels, đương nhiên, không phải là người phương Đông.

III

Như vậy, sự khác nhau giữa thái độ của phương Đông và phương Tây trong việc đối xử với giới tự nhiên có cội nguồn văn hóa của nó. Truyền thống văn hóa phương Đông hiện thời đang tỏ ra là có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghiã là, ở phương Đông không có tình trạng bóc lột quá đáng đối với giới tự nhiên, hoặc không có vấn đề gì đáng phàn nàn về môi trường sống. Thực ra môi trường sống của nhiều nước phương Đông hiện thời cũng tồi tệ không kém gì những nước có môi trường sống tồi tệ ở phương Tây. Điều này nói lên rằng, cũng sẽ là sai lầm và ấu trĩ nếu nhìn vào mô hình phương Tây ta chỉ thấy những hạn chế và khiếm khuyết của nó.

Văn minh phương Tây không phải là khuôn vàng thước ngọc cho phần còn lại của thế giới, song thành tựu của văn minh phương Tây cho đến hôm nay vẫn đang là vĩ đại và vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với nhân loại. Cùng với phương Đông, phương Tây cũng sẽ còn đóng góp nhiều cho sự phát triển tiếp theo của thế giới.

Hồ Sĩ Quý

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 05/08/2023

* Tác giả Hồ Sĩ Quý là Giáo sư Tiến sĩ , nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Bài đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu Châu Âu số 6 (60)/2004.

——————

[1]. Bức thư của thủ lĩnh da đỏ (1995). Báo "Văn nghệ" Số 1.

[2]. Global Studies : Encyclopedia (2003). Raduga. Moscow. c. 577.

[3]. Xem : Jen Erik Fenstad (1998), Có thể dự đoán được thiên nhiên không ? Người đưa tin UNESCO, số 5.

[4]. Xem : Crane Brinton, John B. Christopher, Robert Lee Wolff (1994). Lịch sử phát triển văn hóa văn minh nhân loại. Văn minh phương Tây. Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin.

[5]. Xem : Nguyễn Tài Thư (chủ biên, 1998). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. tr.12-39.

[6]. См : В.И. Самохвалова (1992), Человек и мир : проблема антропосентризмаФилософские науки. № 3.

[7]. Xem : Nguyễn Tài Thư (1997), Nho học và Nho học ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. tr.12-55.

[8]. Xem : Hoàng Tâm Xuyên (1999), Mười tôn giáo lớn trên thế giới. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. tr.300.

[9]. Философский энциклопедический словарь (1989), Москва. c. 521.

[10]. A.G. Xpirkin (1989), Triết học xã hội. Nxb Tuyên huấn. tr.188.

[11]. Xem : Nguyễn Tài Thư (chủ biên, 1998). Sđd.

[12]. Xem : Nguyễn Tài Thư (chủ biên, 1998). Sđd.

[13]. ФЭС. (1989), Sđd. c.40.

[14]. ФЭС. (1989), Sđd. c. 599.

[15]. Crane Brinton,… (1994). Sđd. tr.337.

[16]. K. Marx và F. Engels (1994), Toàn tập, t. 20, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. tr. 36, 39.

[17]. K. Marx và F. Engels (1994), Toàn tập, t. 3, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. tr. 12.

[18]. Hồ Sĩ Quý, (Chủ biên, 2000), Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong sự phát triển xã hội. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

[19]. K. Marx và… (1994), t. 20, Sđd. tr. 655.

[20]. K. Marx và… (1994), t. 20, Sđd. tr. 655.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hồ Sĩ Quý
Read 762 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)