Nhìn lại cuộc chiến đã qua, xương máu của những chiến sĩ và thường dân đã đổ ra trên đất nước này để rồi được gì ? Những năm sau đó là tiếng khóc than do những thiên tai bão lụt, hạn hán gây nên, nạn đói đe dọa, đời sống người dân Việt Nam chỉ là đau khổ. Quê hương này thật là bất hạnh.
Tiếng khóc than do thiên tai bão lụt, hạn hán gây nên, nạn đói đe dọa, đời sống người dân Việt Nam chỉ là đau khổ.
Người Việt Nam cứ im lặng bước tới, dẫm đạp lên quá khứ, giành giật nhau từng miếng sống, mạnh được yếu thua, bất chấp những qui luật sơ đẳng của một xã hội văn minh. Người trong guồng máy chính quyền như những rô bô, chỉ biết làm theo mệnh lệnh của cấp trên ban ra.
Tại sao cũng là con người mà người ta đối xử với nhau tệ hơn loài thú ? Những thế hệ thanh niên ngày hôm nay, còn gọi là "thế hệ Hồ Chí Minh", không còn biết kính nễ những bậc đàn anh, những người sa cơ thất thế, nhất là những người đã từng một thời cầm súng bảo vệ quê hương của họ. Tôi muốn nói đến tập thể những thương phế binh hiện nay, tất cả đều đã lớn tuổi và yếu kém mọi mặt, đang sống những ngày đen tối trong xã hội mới.
Mỗi lần đi ngang qua những "nghĩa trang liệt sĩ", tôi không khỏi đau buồn cho những "nghĩa trang ngụy quân, ngụy quyền". Đều là người chết nhưng người chết phía bên này thì được tôn vinh, người chết phía bên kia thì bị chà đạp. Đất nước này từ bao năm qua vẫn chưa vượt khỏi tâm lý "được thì làm vua, thua thì làm giặc". Đọc lại sử ký nước nhà mà buồn cho dân tộc. Các triều vua mới luôn tìm cách dày mồ đạp mả các vị vua trước. Ngày nay không ai biết mộ phần các vị vua Đinh, Lý, Trần, Hồ, Mạc hay Lê chôn cất ở đâu. Khi Tây Sơn vừa lên ngôi, họ liền đào mồ tổ tiên các chúa Nguyễn, rồi khi nhà Nguyễn vừa lên thay họ lại đào mộ các vua Tây Sơn, cái vòng lẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại.
Chế độ cộng sản cũng vậy, vừa cướp chính quyền xong họ liền cho đập phá các bia mộ những người thua cuộc. Các "nghĩa trang quân đội ngụy quân, ngụy quyền" bị cày phá lên để xây dựng những "cung văn hóa". Văn hóa gì khi không tôn trọng những người đã khuất ? Chế độ cộng sản được gì khi đào mồ, phá mả những người đã chết. Ai bảo đảm mồ mả tổ tiên, gia đình con cái của họ, những "nghĩa trang liệt sĩ" của họ sẽ còn được giữ nguyên sau này ? Nếu không tôn vinh sự hy sinh của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa thì hãy để yên cho họ nằm nghỉ.
Những người cộng sản cầm quyền không nghĩ như vậy, tâm địa của họ rất là thâm hiểm. Họ không những đào mồ, bới mả những người bại trận để trả thù mà còn đem bêu xác Hồ Chí Minh ở giữa quản trường. Hành động bêu xác người chết ngày xưa chỉ dành cho những tội đồ hung ác, có lẽ tội ác của Hồ Chí Minh quá lớn đối với đất nước nên chính những người đã từng theo ông phải bêu xác của ông cho người đời nguyền rủa. Mặc dù rất căm hận tội ác của Hồ Chí Minh nhưng chúng tôi không có dã tâm nhìn người chết bị nhục mạ thêm nữa, đây là tinh thần cao thượng tối thiểu của những người biết suy nghĩ và tự trọng.
Tại sao những người cầm quyền ngày hôm nay dám hỗn xược với cả lãnh tụ của họ ? Chúng tôi là những người bại trận và đang trả giá cho sự thất bại đó, nhưng vì lòng nhân đạo yêu cầu chế độ cộng sản hãy đem chôn cất xác chết Hồ Chí Minh. Yên mồ đẹp mả là ước muốn chung của người người quá cố.
Hãy để yên cho người chết chết hẳn trong lòng đất lạnh. Tội lỗi của ông Hồ Chí Minh hãy để lịch sử phán xét, hơn nữa chính ông là người đã khai sinh ra chế độ cộng sản trên đất nước Việt Nam. Tập thể thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản hãy tôn trọng di chúc của ông Hồ Chí Minh, yêu cầu những người đã từng tôn thờ Hồ Chí Minh trao trả xác ông cho gia đình của ông chôn cất. Chế độ hiện nay còn dành những vùng đất tốt bán cho ngoại nhân xây nhà cất xưởng, tiếc gì một mảnh đất nhỏ dành cho một người đã chết. Tục lệ Việt Nam ngày xưa thường dành những miếng đất tốt cho người quá cố, nhiều gia đình còn phải đi tìm những vùng địa linh để chôn cất thân nhân. Vậy chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản không được xâm phạm đến mồ mả những người đã chết vì tổ quốc miền Nam.
Tôi chỉ cầu mong sau này, bất cứ phe nào lên cầm quyền hãy để yên những người đã khuất. Nếu chúng ta không tu sửa những mộ phần bỏ hoang thì cũng đừng nên dẫm đạp lên nó. Tội này nặng lắm. Việc thiện ít ai nhớ tới, việc ác khó có người quên. Bài học về cuộc chiến vừa qua đã không vinh quang cho người thất trận và cũng không vinh danh người chiến thắng. Chỉ có dân tộc Việt Nam là nạn nhân của chính sự độc ác của người Việt Nam. Trả thù báo oán chỉ chuốc lại trả oán báo thù, phải vượt ra cái vòng luẩn quẩn của hận thù và tâm địa nhỏ nhen. Đất nước Việt Nam đã ngập tràn tiếng khóc than của trẻ thơ và các bậc cha mẹ, không nên khơi lại vết thương chưa lành và không để nước mắt chảy thêm trên những gương mặt thương đau.
Những người có tham vọng lãnh đạo đất nước Việt Nam sau này phải nhớ bài học ngày hôm nay, hãy ngước mắt lên nhìn vào thế giới, các dân tộc khác đang sống trong tự do, hạnh phúc, hòa bình và sung túc. Nhưng Việt Nam không có may mắn đó. Không ai kỳ vọng gì nơi những người cộng sản, họ đã làm tất cả để nước mắt và hận thù tràn ngập trong lòng mọi người. Không nơi đâu không có tiếng than van vì những chèn ép và áp bức của những người đại diện chế độ. Có lẽ những người lãnh đạo cộng sản nghĩ rằng chế độ của họ sẽ còn kéo dài mãi mãi nên không cần nghĩ tới hậu quả. Các chính sách của chế độ cộng sản hôm nay đang đào sâu hố thù hận giữa họ với nhân dân. Phải nói gì khi có biến động, ai sẽ bênh vực cho họ và cho con cháu họ không đền nợ máu ?
Không ! Quê hương Việt Nam bất hạnh như vậy đã đủ rồi. Chúng ta nên nhìn về phía trước, cùng nắm tay nhau đi trong tình anh em tìm lại. Chúng ta cầu mong những người cộng sản ngày hôm nay trở lại tính người, san sớt nỗi đau của người khác, chia sẻ cái khổ của người khác. Nếu Trời còn có mắt, hãy mở mắt cho những người này, giúp họ trở về đường ngay nẻo chính, dẫn dắt họ ra khỏi sai lầm và tội ác. Nợ máu xương này có thể chuộc lại, hãy giúp họ xây dựng lại tình người. Nhìn lại lịch sử các dân tộc trên thế giới, chỉ những dân tộc nào có lòng bao dung mới tiến xa về phía trước, những dân tộc nào chìm đắm trong hận thù cuối cùng chỉ sống cùng cực trong tăm tối, để rồi trở thành nô lệ của ngoại bang. Ngoại bang cung cấp súng đạn cho các dân tộc kém may mắn tiếp tục cấu xé, bắn giết lẫn nhau, như thế họ chỉ có thể nghèo nàn và kiệt quệ hơn, để rồi cống hiến tất cả tài nguyên con người và đất nước cho ngoại bang khai thác. Không ! Dân tộc Việt Nam phải xứng đáng có một chỗ đứng vinh quang hơn trước mặt nhân loại.
Người Việt chúng ta kính trọng tổ tiên và người đã khuất, hãy tổ chức mỗi năm một ngày tưởng nhớ tổ tiên. Con không cha như nhà không nóc, tục ngữ Việt Nam thường nói như vậy. Đừng để những người cộng sản đánh mất linh hồn của chúng ta. Dân tộc Việt Nam đâu có hèn mọn, chúng ta đã dám đương đầu với bất cứ bạo lực nào. Nếu hôm nay bạo lực vẫn còn mạnh ngày mai nó sẽ yếu đi. Không bạo lực nào tồn tại mãi với thời gian, chỉ có tình người mới là vĩnh cửu. Nhưng rất tiếc ngày nay trên đất nước này thù hận chất chứa đầy trong tâm khảm mỗi người, chỉ cần một ngòi nổ tất cả sẽ nổ bùng. Bất cứ vì lý do gì và vào bất cứ thời điểm nào nồi thuốc súng hận thù này bùng nổ, lúc đó quê hương chúng ta sẽ là xưởng sản xuất quan tài và hũ đựng trong cốt bát tràng.
Nhiều lúc quá bực mình trước thế thái nhân tình, tôi trở nên quẩn trí. Lý luận nhiều quá làm tôi điên loạn. Tôi nghĩ đến những trẻ thơ vô tội, sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ đang đi lượm từng bao rác hay đang đứng rình rập ở một góc chợ chờ một khách hàng khờ khạo đi qua chụp lấy bóp tiền mang về cho những tay đầu nậu để được miếng ăn. Tương lai gì ở những em này, nếu không vào nhà giam thì cũng sẽ gục chết trước bạo lực hè phố. Tôi nghĩ đến những người mẹ đã từng mang nặng đẻ đau, thương xót đứa con vừa mới lớn lên đã vội nằm xuống cho một lý tưởng ngoại lai. Nếu không có những lý tưởng này, con bà đã không chết non và mẹ con bà có lẽ được sống những ngày đầm ấm. Tôi nghĩ đến những đoàn người bồng bế nhau trên đường chạy loạn, chạy đi đâu cho thoát kiếp người, nhất là kiếp người Việt Nam.
Là người Việt Nam sao mỗi chúng ta không có tình người, chúng ta dễ dàng qui kết những người không có cùng suy nghĩ với chúng ta là kẻ thù. Lý luận này quá đơn giản, kẻ thù ở đâu mà nhiều đến thế, nó chỉ dẫn đến xung đột. Thật sự thì đã có xung đột, hơn bốn triệu người chết và sáu trăm ngàn người bị tàn phế suốt đời, trong đó có tôi. Những người tàn phế như chúng tôi đâu có muốn ăn bám vào xã hội, chúng tôi cũng muốn được sống bình thường như mọi người khác, nhưng làm người Việt Nam trong xã hội ngày hôm nay thật là tủi nhục.
Muốn được yên thân, chúng tôi phải cúi đầu lẫn tránh những người quyền chức. Thật sự chúng tôi cũng muốn lẫn tránh lắm chớ, nhưng rồi ai cho chúng tôi ăn, ai cho chúng tôi mặc. Chúng tôi cũng là người, không những người như mọi người khác mà chúng tôi đã cống hiến một phần thân thể này cho đất nước được trường tồn. Chẳng may chúng tôi đứng bên này chiến tuyến, bị thua trận nên phải trả giá cho sự bất công và phân biệt đối xử. Còn những anh em phía bên kia chiến tuyến, gia đình các anh cũng đã chịu nhiều mất mát, thân thể các anh cũng bị thương tật như chúng tôi, tỏ ra hơn nhau để rồi được gì. Người Mỹ đã ra đi, chỉ còn lại người Việt Nam với nhau, tại sao các anh lại hà hiếp chúng tôi đến thế ? Có lẽ các anh muốn bảo vệ chế độ để hưởng chút quyền lợi nên cứ che mặt hiếp đáp chúng tôi. Làm người ai cũng biết đau, biết đói như nhau và cũng có những ước muốn như nhau. Chúng tôi chỉ ước mong xã hội này tôn trọng nhân phẩm của mọi người và để chúng tôi được sống bình yên. Vinh dự gì kiếp sống ăn xin, vậy mà cũng chẳng được yên. Nhiều lúc nghĩ đến thân phận làm người, làm người Việt Nam ngày hôm nay thật là bất hạnh. Người ta có thể tàn ác đối với kẻ thù nhưng ở đây người ta còn tàn ác cả với người tàn tật. Chỉ tiếc là chúng tôi đã không chết để làm vừa lòng nhiều người, chúng tôi vẫn sống và sự sống của chúng tôi không có lối thoát.
Nhớ lại những năm tháng còn sống với mẹ cha, đời sống thật là bình yên. Chúng tôi đã là những đứa con bình thường như mọi đứa con trong mỗi gia đình. Chúng tôi đã biết thế nào là "tiên học lễ hậu học văn", hoặc là "công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", thế nào là Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín... Chúng tôi cũng không quên những lần bị roi vọt hay đùa giỡn, giành giật giữa anh chị em trong nhà. Chúng tôi cũng không quên những tiếng mèo nhe : "Mẹ ơi, Ba ơi" hoặc những câu lễ giáo gia phong : "Thưa Ba con đi học, thưa Mẹ con đi học về".
Ôi, còn đâu những kỷ niệm êm đềm trong mái ấm hạnh phúc khi thực trạng của ngày hôm nay chỉ là một đống tro tàn xác xơ. Ôi không biết còn bao nhiêu là thảm trạng, sự sống và cái chết không còn làn ranh, những người trong nước đối xử với nhau như dã thú. Nói về dã thú, ít ra chúng cũng còn tình đồng loại, không bao giờ cắn xé, giết chóc lẫn nhau khi một con thú chấp nhận thua thiệt. Đằng này những người thắng cuộc đang muốn dày xéo cuộc đời chúng tôi dù đang ở dưới lớp bùn. Thật là đau đớn.
Nỗi đau này đã kéo dài gần ba mươi năm qua. Nhớ lại năm 1972, từ Quân Y Viện 3 Dã Chiến (Mỹ Tho), tôi khập khiểng bước đi trên cặp nạng chống, đầu cúi xuống đất. Tôi đau cho thân phận mình. Một tháng trước đây tôi vẫn còn là một người bình thường, giờ thì đã trở thành người tàn phế. Chân trái tôi đã không còn nữa. Nhưng tôi tự an ủi là mình vẫn còn may vì chung quanh những chiến hữu khác ngồi, nằm la liệt, trên cơ thể đầy những vết thương còn kinh khủng hơn tôi. Ôi, sao tôi ghét chiến tranh đến thế, nó không những làm tan nát biết bao gia đình mà còn lấy đi những gì tạo hóa đã cho. Con người thật là tàn ác. Chiến tranh có lẽ là trò chơi ác độc nhất do con người sáng tạo ra, nó là sản phẩm của những con người ích kỷ chỉ lo nghĩ đến chuyện buộc kẻ khác phải tùng phục. Trong thế giới loài vật không bao giờ có chiến tranh, qui luật mạnh được yếu thua chỉ xảy ra cho những loài vật yếu đuối nhưng những loài thú dữ chỉ săn mồi khi đói, ăn đủ rồi thì thôi. Con người không phải thế, cho dù có được ăn mặc đầy đủ cũng vẫn thích hành hạ, giết chóc kẻ khác.
Đi ngang qua những căn phòng nhỏ hẹp của quân y viện, tiếng rên siết của những chiến hữu vọng ra vì sự đau nhức do những vết thương gây nên, lòng tôi càng xót xa. Tôi thương những người bạn chưa quen biết đó, họ còn đau khổ hơn tôi. Tự nhiên tôi căm thù luôn những viên đạn vô tri, những mảnh đạn pháo cùng mảnh vụn của bom mìn, tôi thương cho những thớ thịt bầy nhầy, lỡ loét trên cơ thể của những chiến binh như tôi đang bị đám ruồi muỗi bu quanh. Đám ruồi muỗi này dường như chỉ thích mùi hôi của máu, mùi tanh của thịt.
Những câu vui đùa, những mẫu chuyện tiếu lâm đã đem đến sự êm ái làm dịu bớt nỗi đau trong tâm hồn và trên thể xác.
Những ngày nằm điều trị trong quân y viện đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng chúng tôi. Đây là nơi không ai muốn hẹn đến, nhưng đến rồi thì không muốn rời đi. Những câu vui đùa, những mẫu chuyện tiếu lâm đã đem đến sự êm ái làm dịu bớt nỗi đau trong tâm hồn và trên thể xác. Vì thiếu vắng tình thương của mẹ hiền, chúng tôi thường vòi vĩnh những "bà mẹ" điều dưỡng lo cho chúng tôi từng chén cơm ly nước. Thật là cảm động khi thấy những "bà mẹ" đổ từng bịch nước tiểu và phân của những anh em bị thương nặng, săn sóc vết thương của những anh em vừa được trực thăng chuyển từ chiến trường về. Có khi chúng tôi reo hò vui vẻ khi có một trong người bạn được gia đình đến thăm nuôi. Thật là cảm động khi nghe những tiếng mời mọc vang lên các phòng sau đó.
- Anh em qua đây ăn với tôi cho vui, một miếng thôi cũng được mà. Còn đây là vợ tôi, đây là em gái tôi.
Những buổi tiệc không được dự trù trước làm ấm bầu không khí huynh đệ chi binh, khó mà quên được. Nhìn những thân thể còn băng bó chia sẻ với nhau những món quà mọn, nhìn những cử chỉ âu yếm của người vợ nhún khăn lau chùi từng giọt mồ hôi cho chồng và nhìn những cánh quạt giấy của những bà mẹ xua đuổi sự nóng bức và ruồi muỗi cho con, tôi thấy tình người thật vĩ đại. Trong sự khốn cùng người ta dễ chia sẻ cho nhau từng nỗi bất hạnh. Ngày mai khi ra khỏi trại, trở về cuộc sống bình thường liệu chúng tôi còn bắt gặp những cử chỉ này không ? Không ai dám nghĩ tới, chúng tôi cứ tiếp tục hưởng thụ những giây phút êm đềm trong hoàn cảnh khó khăn này.
Khi thời gian thăm nuôi đã hết, những người thân ra về, anh em chúng tôi chia ra từng tốp ngồi xoay những lá bài tây hay cùng nhau hợp xướng với tiếng khua của chén muỗng, ghế bàn cho qua ngày tháng. Ban giám đốc thường xuống khiển trách anh em chúng tôi làm ồn không cho những anh em bị thương nặng khác được nằm nghỉ, nhưng trong lúc tuyệt vọng chúng tôi vẫn cứ làm ồn. Nghĩ lại thật là xấu hổ. Cuộc sống vô vọng khiến chúng tôi trở nên lì lợm và ích kỷ, nhiều buổi hợp ca kéo dài gần tới sáng.
Lúc mới vào trại tôi rất ghét những tiếng ồn ào này, rồi với thời gian tôi không những là thành viên tích cực của các ban hợp xướng mà còn là hoạt náo viên của các chương trình. Tôi huyên thuyên giới thiệu các trò chơi và "ca sĩ" mới. Mỗi khi hát xong là tiếng vỗ tay, tiếng đập bàn vang lên cả trại. Vui nhất là thấy những cặp nạng gỗ đưa lên đưa xuống theo từng nhịp ca như những bức tranh hoạt họa. Những anh em nào còn đứng được thì dìu những bạn khác xoay qua xoay lại giữa phòng như trên sàn nhảy. Sống trong cảnh tuyệt vọng, những giây phút đó đã giúp chúng tôi vơi đi nỗi đau trên cơ thể và làm quên đi nỗi đau tinh thần. Chúng tôi rất sợ tiếp cận với tương lai. Ngày được xuất trại là ám ảnh lớn nhất trong đời phế binh. Chúng tôi rất sợ là vì phải đơn thương độc mã đi vào cuộc sống của những người bình thường với một cơ thể không còn bình thường, sự thua thiệt đã trông thấy rõ.
Thời gian cứ tiếp tục trôi. Người ta có thể cản bất cứ vật gì nhưng không ai cản được thời gian. Nó cứ lạnh lùng đi tới, bất chấp ý muốn của con người. Chúng tôi bất lực đi theo bước tiến của thời gian và tự thích nghi với hoàn cảnh mới. Nỗi đau thể xác vơi dần và tinh thần cũng lần hồi ổn định. Mỗi ngày đều có người ra đi và có thêm người vào. Những chiếc giường cũ được thay ra để đón người mới tới. Không bao giờ quân y viện vắng vẻ tiếng kêu than và tiếng cười của những người không còn gì để mất. Kẻ ra người vào cứ thế liên tục. "Vòng tròn vẫn là vòng tròn". Từ tâm điểm xuất phát, bánh xe vẫn lăn quay. Tiếng còi hụ của xe cấp cứu ra vào tấp nập.
Tôi liếc nhìn qua khung cửa sổ của trại, đoàn người áo blouse trắng qua lại không ngừng. Đó là những cán sự trợ y, những y sĩ đeo trên cổ áo những cành hoa mai vàng đủ các cấp, trung úy, đại úy và thiếu tá. Những vị lương y này làm việc không có giờ giấc, bất cứ lúc nào họ cũng có mặt, bước chân luôn luôn vội vã, nét mặt lúc nào cũng khẩn trương. Những cánh tay của các vị này lúc nào cũng lem luốc máu tươi, hằng ngày họ đã mổ và giải phẫu không biết bao nhiêu bệnh nhân và đã chứng kiến bao nhiều cái chết trước mặt.
Nhân dịp này chúng tôi muốn vinh danh những vị y sĩ vô danh đã cứu sống hay làm địu đi nỗi đau của hàng ngàn chiến sĩ, mặc dù không tham gia trực tiếp chiến trường nhưng họ đã can đảm giật lại trên tay thần chết biết bao mạng người. Phải chứng kiến cách làm việc của những vị lương y này mới hiểu thế nào là sự tận tụy. Thật vui mừng khi thấy trên những khuôn mặt đầy lo âu này một nụ cười kín đáo sau những ca phẫu thuật khó khăn, nhiều người đã đứng hằng giờ, ngày cũng như đêm bên bàn mổ để cứu một mạng người. Thay vì tỏ ra hách dịch với những binh sĩ cấp thấp hơn mình, những vị y sĩ này luôn luôn chăm chú nghe lời than van của kẻ bị thương và dặn dò ân cần từng người nằm bệnh. Sự kiên nhẫn và lòng tận tụy khó ai bì kịp. Tôi cũng đã từng thấy nét mặt lo âu của người thầy thuốc khi chạy theo từng chiếc băng ca chuyên chở thân thể của người lính trẻ, tay bấu mạnh vào cạnh băng ca để trấn áp cơn đau hay tiếng rên rỉ, tiếng hét la của những người bị thương nặng. Phải thật bình tĩnh mới không bị choáng váng trước cảnh đổ ruột, đổ gan ra ngoài.
Các "bà mẹ" điều dưỡng đã thay thế thân nhân đút cơm đút cháo cho những người thương tật nặng, đã an ủi và vui vẻ trò chuyện với anh em trong những ngày buồn chán nhất.
Tôi cũng nhân dịp này ghi ơn những cán sự trợ y đã không quản ngại dơ bẩn, tanh hôi, chăm sóc tận tình từng anh em chúng tôi khi được chuyển vào phòng cấp cứu hay trong những phòng hồi sinh. Nếu không yêu người và yêu nghề thì không ai có thể vào làm việc trong những điều kiện nghiệt ngã như ở đây. Những vị này đã săn sóc tận tình từng người lính chiến, đã để lại bao nỗi quyến luyến cho mỗi anh em khi phải chia tay. Các "bà mẹ" điều dưỡng đã thay thế thân nhân đút cơm đút cháo cho những người thương tật nặng, đã an ủi và vui vẻ trò chuyện với anh em trong những ngày buồn chán nhất. Sự lành lặn của chúng tôi đã một phần lớn nhờ tình thương của những người này.
Biết bao kỷ niệm vui buồn trong quân y viện. Có một lần tôi nghe những tiếng chân chạy dồn dập trong hàng lang, nhìn lại thì thấy hai cán sự trợ y tay cầm bịch máu và chai nước biển, hối hả chạy lên lầu một. Vừa đến ngưỡng cửa phòng hồi sinh thì hay tin người thương binh đã chết. Nhìn những ánh mắt của các y sĩ và y tá cùng các cán sự trợ y bước ra từ phòng hồi sinh, tôi nhận thấy họ đã bất lực trước cái chết mặc dù đã cố gắng hết sức để giành lại sự sống trên tay tử thần. Anh chiến sĩ này được đưa về cấp cứu từ chiến trường An Lộc, anh là lính Biệt Cách Dù, bị trúng đạn pháo, thân thể bị mảnh đạn cắt đứt ngang người, ruột gan lòi hẳn ra ngoài. Anh chết vì mất quá nhiều máu, và nếu có sống thì cũng bị liệt vì cột xương sống đã gãy.
Tôi được biết anh đó là một anh hùng đã ở lại với tướng Lê Văn Hưng tử thủ An Lộc. Một mình anh đã bắn cháy hai chiếc T54 bằng súng M72. Đang lúc nhắm bắn chiếc thứ ba thì anh bị pháo từ chiếc xe tăng khác của địch bắn trực xạ vào chỗ nấp. Y tá chỉ kịp bơm thuốc cầm máu và chờ trực thăng đến chở anh về hậu cứ. Mạng sống của anh như chỉ mành treo chuông, hơi thở của anh gần như đứt khoảng, sự tiếp trợ bằng phương pháp hô hấp nhân tạo trong thời gian này cũng rất khó vì tất cả xương ngực của anh đều bị dập nát, khi đến y viện thì lực đã tàn, tim anh ngưng đập. Quân Y Viện Cộng Hòa lúc này đã đầy nên anh được trực thăng chở về Quân Y Viện Dã Chiến 3.
Các bạn tôi lần lượt rời trại, riêng tôi thì phải ở thêm quân y viện một thời gian nữa để chữa trị thêm. Thật nghiệt ngã khi đang còn điều trị nghe những tin tức chiến trường càng ngày càng tồi tệ, tôi không còn đủ kiên nhẫn để nghe nữa. Những tin này chỉ gây hoang mang trong lòng những người đang nằm điều trị và ban giám đốc trại. Thế rồi điều không ngờ đã xảy đến, ngày 30/4/1975 miền Nam đầu hàng. Cái tin không thể tưởng tượng được : toàn đất nước đã lọt vào tay quân cộng sản. Sự hy sinh của những người lính như chúng tôi như vậy còn ý nghĩa nào. Tất cả chỉ còn lại con số không. Số không có thể lớn đối với nhiều người nhưng đối với những thương phế binh như chúng tôi, số không đó bao trùm cả cuộc đời. Đối phó với kẻ thù người ta còn đủ tay chân nhưng chúng tôi không có may mắn đó.
Thật ra chúng tôi đã đoán biết "sự việc" trước đó vài ngày. Chung quanh chúng tôi thật là vắng lặng, quân y viện im lìm, không còn tiếng xe cấp cứu ra vào tấp nập như trước. Những vị y sĩ cũng đã vắng mặt, chỉ còn lại những màu xanh và trắng của những bức tường và những người bán căn tin, ai nấy đều lo âu. Thế rồi cái ngày đó đã đến. Ngày đầu tháng 5/1975, một toán bộ đội tiến vào quân y viện buộc chúng tôi phải rời y viện ngay tức khắc. Bọn người này chửi bới chúng tôi là phản quốc, tay sai đế quốc, v.v... Phản quốc nào, quê hương chúng tôi bị họ xâm chiếm. Tay sai đế quốc nào khi dân tộc chúng tôi, thân thể chúng tôi bị đạn của Nga Tàu gây thương tích. Những chiếc "nón cối" này đại diện cho ai mà dám la hét :
- Cút, cút ra khỏi đây. Bọn ngụy quân chúng mày không được nằm tại đây. Đồ lính đánh thuê, lũ quân bán nước...
Có một anh lính trẻ, nhỏ hơn tôi vài tuổi mới nhập viện vừa hơn mười ngày, anh bị cưa mất chân phải và trên người còn băng bó nhiều vết thương.
Chúng tôi khập khểnh ra đi, lòng ngổn ngang trăm mối. Vừa hận mất nước vừa thương cho bản thân mình, chúng tôi không biết phải đi về đâu. Về nhà cha mẹ vợ con với thân thể què cụt này còn gì nhục nhã cho bằng, nhưng không về lại nhà thì biết đi đâu. Nhiều lúc muốn tự sát cho rãnh nợ đời, nhưng chết trong giờ thứ 25 này có lợi cho ai. Chung quanh tôi có những chiến hữu trên cơ thể mang đầy vết thương còn đang rỉ máu, thế mà cũng bị lạnh lùng đuổi đi. Thật đáng thương cho những huynh đệ lúc đó.
Riêng tôi thì vết thương nơi khúc chân bị cưa cũng đã lành, gan ruột và phổi đã trở lại bình thường. Nếu không có gì trở ngại thì tôi sẽ được xuất viện về nhà hay ra trại an dưỡng nửa tháng sau đó. Mặc dù đi đứng còn khó khăn, tôi đã tự túc chống nạng đi được. Có một anh lính trẻ, nhỏ hơn tôi vài tuổi mới nhập viện vừa hơn mười ngày, anh bị cưa mất chân phải và trên người còn băng bó nhiều vết thương. Thấy anh đi đứng khó khăn, tôi đến gần an ủi rồi đề nghị cầm giùm đồ đạc. Anh bạn trẻ nhìn tôi cảm động rồi chống nạng theo tôi cùng đoàn người ra cổng. Trên đường ra cổng tôi chào từ giã từng người quen biết, chúng tôi chia tay nhưng không ai hẹn ngày gặp lại. Có lẽ đây là lời chào vĩnh biệt. Tôi vừa suy nghĩ lung tung, vừa bước rời khỏi quân y viện.
* * *
Hai chúng tôi bước từng bước một trên đoạn đường mà hằng ngày tôi thấy quen thuộc, tưởng là ngắn ngủi nhưng sao hôm nay nó thật là dài. Chúng tôi khập khểnh đi ra ngoài cổng không buồn quay lại nhìn lần cuối quân y viện, kể từ nay nó chỉ còn là một kỷ niệm đau buồn. Chúng tôi chống nạng âm thầm đi trong phố vắng. Công viên của thị xã Mỹ Tho đã hiện ra trước mắt, gần đó là bến xe. Trên một khoảng trống của khu nhà khách, tôi dìu chiến hữu trẻ ngồi xuống từ từ tựa lưng vào tường nghỉ mệt. Mặt anh ta tái mét, hai cánh tay run lên bần bật. Tôi lo âu nhìn anh bất lực. Làm sao đây ? Làm sao san sẻ bớt những nỗi đau đang cấu xé thân thể người bạn kia ? Tôi cũng lo âu cho chính thân tôi, nhưng với tư cách người lớn tuổi hơn tôi giữ im lặng và chỉ hỏi han tình trạng sức khỏe của chiến hữu kia.
Tới được bến xe, tôi liền móc túi lấy số tiền lương vừa lãnh hồi cuối tháng 4/1975 chia cho chiến hữu kia một nửa làm lộ phí đi về quê cũ. Bạn tôi về Cai Lậy, còn tôi về Sài Gòn. Tôi nhờ hành khách đỡ anh bạn tôi lên xe và tìm chỗ ngồi, tôi giơ tay vẫy chào khi chuyến xe bạn tôi đã chạy. Tôi đón xe khác về lại Sài Gòn. Ngã đầu trên ghế, tôi cứ thắc mắc không biết bạn mình có về đến nơi đến chốn hay không, lỡ xảy ra chuyện gì thì ai chăm sóc, lòng tôi bất an cho số phận của người bạn trẻ. Khả năng của tôi có giới hạn, tôi chỉ có thể giúp tới đó thôi vì còn phải lo cho số phận của mình, tôi chỉ cầu xin ơn trên ban phước lành cho chiến hữu trẻ đó được bình yên về tới quê nhà. Cầu nguyện xong tôi mới yên tâm chợp mắt một chút, những giây phút này thể xác và tâm hồn tôi mới được thư giản.
Những luồn gió thổi qua cửa kiếng, sự mát mẽ của cơn gió làm dịu đi một phần nào phiền muộn. Nhìn những cánh đồng xanh bát ngát, những nông dân đang cày ruộng, tôi thấy lòng thư thái, nhẹ nhàng. Trầm tư trong sự suy nghĩ, không biết rồi đây cuộc đời mình sẽ ra sao khi lịch sử đã sang trang, máu và nước mắt có còn chảy nữa trên quê hương này không... Về đến nhà tôi mới thật yên tâm. Phố xá Quận 4 vẫn như ngày nào, nhưng nó có vẻ phẳng lặng hơn, không như những ngày nào tôi còn ở nhà. Trước kia đường phố rất ồn ào do sự la hét của trẻ thơ nô đùa, sự phẳng lặng ngày hôm nay báo động một cơn giông sắp đến. Tôi sợ sự yên lặng bất bình thường này. Chung quanh tôi chỉ toàn cờ đỏ.
Gia đình mừng rỡ khi thấy tôi về, nhưng trong bối cảnh mới này ai cũng lo âu cho tương lai của gia đình. Hàng ngày tôi thấy trước mắt tôi từng đoàn người, già có, trẻ có và những đám con nít thay phiên nhau giành giựt những thùng đồ hộp, gạo sấy, máy móc từ trong những nhà kho của chế độ cũ để lại. Trong số đó có cả người thân của tôi, đúng ra là những đứa em tôi, bởi vì những ngày này không có họp chợ, nếu không làm như thế lấy gì mà ăn. Gia đình tôi không giàu nên không bao giờ trữ sẵn gạo và thức ăn, mỗi ngày phải mua gạo và thức ăn ngoài chợ vì nhà tôi gần chợ.
Dòng người đổ xô tràn vào những kho tồn trữ, nhưng dưới chân cầu Tân Thuận bất chợt có tiếng súng nổ. Những người đội nón cối mặc áo xanh và áo vàng, "bò điên" và "chó sói", sả súng bắn thẳng vào đám người đói khát trước những nhà kho. Nhiều người nằm dãy dụa dưới đất, trong vũng máu. Dân chúng chạy tản mát trốn, nhưng sau vài phút họ lại tràn vào các nhà kho, đông hơn và bất kể súng đạn. Ai bị bắn trúng thì té nằm xuống, những người khác thì cứ nhào lên cậy cửa các kho gạo. Cứ thế những chuyến xe ba gác cứ nhào đến chất đầy những bao gạo cùng những thùng đồ hộp ; chuyến này ra chuyến khác vào, luân phiên tấp nập.
Trong những ngày này, một dòng người khác ngược xuôi chạy giặc, tay bồng tay dắt con cái và bao bị chạy ra bến Bạch Đằng đón tàu ra biển. Gia đình tôi cũng có mặt trong đoàn người này vì nhà ở gần cầu Tân Thuận. Ôi thôi, người đông đếm không xiết, trên những chuyến tàu nhỏ chật ních người. Bến cảng lúc này chật đầy ghe thuyền, dòng người cứ đổ xô về bến cảng nhảy đại lên những chiếc tàu để ra cửa biển. Trên các bong tàu toàn người với người.
Người trên tàu nhắn vọng với người còn kẹt trên bến cảng, tiếng la hét vang vọng một góc trời. Những chiếc tàu đi sông lừ lừ nổ máy chạy ra cửa Cần Giờ, bỏ lại sau lưng thành phố Sài Gòn. Những đám "chó sói" đứng nhìn căm hận đoàn tàu lướt đi mà chính họ cố tình đẩy những người này ra khỏi đất nước. Tôi vì thương tật, không chen lấn được với dòng người xô đẩy nên bị bỏ lại một mình trên bến cảng, gia đình tôi không biết đã đi trên chuyến tàu nào. Lúc đó quang cảnh rất là hỗn loạn, mạnh ai nấy chen lấn tìm một chỗ đứng trên bong tàu.
Tôi không buồn và cũng không tiếc, vì biết số phận mình hẫm hiu. Về lại nhà, đồ đạc đã bị ai đó chở đi đâu mất, chỉ còn lại bốn vách tường không. Tôi buồn bã ngồi bệt xuống sàn nhà ngẫm nghĩ về thân phận mình. Tôi chợp mắt ngủ đi lúc nào không hiết. Tôi mơ thấy tôi có lại hai chân, đi ra bờ sông ngắm nhìn mây nước. Đến giữa khuya, tôi giật mình thức dậy, trong nhà có tiếng động lạ. Tôi lồm cồm chống tay nhìn ra ngoài cửa thì thấy hai bóng đen đang cạy cửa vào nhà. Tôi hỏi ai đó thì hai bóng đen liền vụt mất. Thời buổi loạn ly này nhiều người lợi dụng vào nhà ăn cắp. Trên đường tôi thấy nhiều xe ba gác chở tủ lạnh, tivi, bàn ghế chạy khắp nơi trên đường phố. Lúc đầu cứ ngỡ là người ta chạy giặc nhưng sau này mới biết đó là đồ đạc ăn cắp trong những nhà vắng chủ.
Suốt đêm tôi không chợp mắt nổi, cứ nghĩ miên man không biết những chuyến tàu đó có những đứa em và cha mẹ tôi không. Tôi tin tưởng rằng sáng mai thế nào họ cũng về lại. Nhưng tôi cũng thầm khấn vái cầu cho mọi người được an toàn thoát đi. Đi đâu thì tôi không biết. Tôi cầu cho các đoàn tàu thoát khỏi Việt Nam an toàn, không bị quân cộng sản nã đạn pháo vào như họ vẫn thường làm hồi chiến tranh. Trước kia quân cộng sản thường pháo kích vào các trường học và khu dân cư rồi đổ thừa cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ để kích động lòng căm thù. Chiến thuật này một thời được nhiều người tin theo, mong rằng nó không xảy ra cho những người thân trong gia đình tôi. Cầu mong đoàn người vượt trùng dương bao la trên những chiếc tàu đi sông an toàn.
Vài ngày sau tin đồn có những xác người trôi dọc lòng sông Nhà Bè càng làm tôi lo ngại. Rồi cũng có những tin đồn những chiếc tàu đầy ắp người đó được Hạm Đội 7 của Mỹ ngoài khơi Vũng Tàu cứu vớt, mọi người đều được đưa qua đảo Guam rồi cho qua Mỹ. Tôi cũng hy vọng gia đình tôi có mặt trong những người may mắn đó. Hơn hai mươi bốn năm qua tôi đã cố gắng chờ đợi mà không thấy tin tức gì cả. Sau này tôi được biết có những tàu bị công an chặn lại ngoài cửa biển, bắn chìm cả tàu, tất cả những người trên tàu đều bị chết. Những xác người trôi bồng bềnh, những dòng máu đỏ chan hòa trong biển cả.
* * *
Những tháng đầu tiên trong một xã hội đã thay ngôi đổi chủ đầy rẫy biến động. Tôi bây giờ chỉ có một mình, phải tự túc mưu sinh. Ngày ngày tôi lầm lủi chống nạng ra đi, trên vai đeo lũng lẵng thùng đồ nghề đựng lon keo, bàn bào, bàn ép, cái thau nhỏ và cái bơm tay để vá xe, tối về tham gia những buổi họp tổ dân phố vô vị. Hôm đầu tiên khi đến ngã tư Đồng Khởi, gần nhà hàng Maxim's, đường Tự Do, tôi ngồi bệt dưới gốc cây me chờ khách bị "thũng" bánh xe. Tôi ngồi như một kẻ ăn xin, thời gian cứ trôi qua, căng mắt nhìn về ngã tư, tôi rất bàng hoàng xót xa khi thấy một ông già cùng hai đứa bé ì ạch đẩy bộ chiếc xe đạp nặng chịch, hai bánh xe xẹp lép. Trên xe chất lỉnh kỉnh hành trang của những người tha phương cầu thực, không nhà không cửa. Hai đứa bé thì tóc rối, thân hình dính đầy bụi đất, gương mặt nhễ nhãi mồ hôi. Khi thấy mấy cháu lấy tay quẹt những giọt mồ hôi chảy vào mắt, tôi động lòng từ tâm kêu gọi :
- Bác ơi, bác đẩy xe lại đây cháu bơm cho.
Ngày ngày tôi lầm lủi chống nạng ra đi, trên vai đeo lũng lẵng thùng đồ nghề đựng lon keo, bàn bào, bàn ép, cái thau nhỏ và cái bơm tay để vá xe
Ông già quay lại nhìn tôi một hồi rồi không nói lời nào, tiếp tục đẩy xe đi. Mặt trời đã gần đứng bóng mà tôi vẫn chưa có người khách nào, bụng thì đói cồn cào, tiền thì không có. Mùi thơm của xe bán mùi hủ tiếu mì gần bên bay thoang thoảng làm cho cơn đói càng mãnh liệt, bụng tôi cứ sôi lên ùn ục. Bất chợt tôi nghe tiếng kêu vá xe, nhìn lại thì thấy hai người lớn tuổi đang dựng chiếc Honda đam lên trước mặt. Tôi vội vàng lấy đồ nghề ra để vá. Thật là vụng về, công việc không dễ như tôi tưởng. Cạy tới, cạy lui, khoảng 10 phút sau tôi mới mở được vỏ xe để vá.
Thật ngỡ ngàng. Bụng thì đói, tay thì run, mồ hôi cứ nhỏ giọt trên màng tang. Khi vừa hoàn tất, tôi nhận tiền cùng với ánh mắt không mấy thân thiện. Thế là có một bữa ăn. Tôi vội vàng gói ghém đồ nghề lại rồi băng qua đường Nguyễn Huệ mua cơm. Nhưng đâu phải có tiền là có bữa ăn ngay đâu, phải sắp hàng mua phiếu rồi đưa cho các nhân viên cửa hàng ăn uống và ngồi chờ để nhận phần cơm. Rồi những ngày kế tiếp cứ tuần tự như vậy. Gạo càng ngày càng hiếm hoi do bọn "chó sói" đã chở gạo tồn kho về Bắc, số ít còn lại trả nợ cho "đồng minh" để đền ơn về sự giúp đỡ vũ khí trong chiến tranh và nhận lại những bao bột mì mốc và bobo mà "đồng minh" dành
cho súc vật.
Bắt đầu từ đây trong cuộc sống hàng ngày tất cả mọi người đều ăn bột mì mốc cùng bobo sơ cứng, rất ít khi mua được gạo. Chỉ khi nào có lễ hội thì các hợp tác xã mới bán cho mỗi gia đình một kí gạo kèm theo khoai lang hoặc khoai mì để trộn vào, gọi là "ăn độn". Mặc cho thế sự thay đổi, đổi thay như thế nào, cuộc sống vẫn đều đặn như vậy. Bột mì thường được chế biến thành bánh tầm bì, bánh canh hoặc có thể đổi lấy bánh mì để đắp đổi qua ngày. Có những lúc tôi phải nhịn đói vì không có khách, phải uốn nước lã thay cơm, chính vì vậy mà sức khỏe càng ngày càng suy yếu, đôi khi đứng không vững.
Đói quá tôi quyết định đi xa, sáng sớm tôi ra ngã tư Hàng Xanh tìm chỗ để hành nghề vá xe. Nơi "làm việc" của tôi sát ngay chốt giao thông của đám công an. Những ngày đầu tôi chịu áp lực nặng nề của những người này. Có những lần vừa đặt đồ nghề xuống thì bị chúng đá văng và cấm tôi không được đến gần nơi bọn chúng đóng chốt. Tay lượm đồ nghề, tôi đưa ánh mắt căm hận nhìn. Bọn chúng biết tôi không thể làm gì được nên cứ tỉnh bơ. Tôi phải ngồi cách đó khoảng 300 mét. Từ khi tôi làm cách xa ngã tư, công việc rất bấp bênh. Cứ thế, có những lúc tôi được no nê để rồi những ngày kế tiếp phải nhịn đói, và khi đói quá thì ăn cháo bobo.
Người đời thường nói "đói thì đầu gối phải bò", hoặc là "cùi không sợ lở". Từ những câu ngạn ngữ, thế là tôi đánh liều trở lại ngã tư để làm, cứ mặc cho bọn "chó sói" muốn đá, muốn quăng như thế nào đi chăng nữa. Một khi đã liều tôi không còn sợ gì nữa, ngang nhiên đối mặt cùng bọn "chó sói". Có lúc tôi và bọn chúng lớn tiếng chửi nhau, nhưng vì chung quanh có rất nhiều người tò mò đứng nghe bọn chúng im lặng. Đôi khi tôi bị bọn chúng phối hợp cùng một lũ "chó sói" khác bắt giam tôi vào nhà đá vài ngày, khi ra khỏi tù tôi vẫn về ngồi lại ngã tư vì đó là điểm tựa mà tôi phải bám, mất chỗ đó tôi sẽ bị đói. Tôi quyết chí bám chặt nơi này và ngày này qua ngày nọ tôi cứ ngồi lì ở đây. Cũng vì chỗ này tôi đã vào tù ra khám năm lần, cơm tù đối với tôi như cơm bữa. Nhưng cũng từ đó bọn chúng không thèm đả động đến việc tôi làm nữa.
Ngày qua ngày, đêm qua đêm, tôi tận mắt chứng kiến thấy những con "chó sói" sách nhiễu đồng bào, chúng nói năng với những bác tài xế, bất kể tuổi tác như thế nào, lời lẽ hổn láo và xấc xược. Bọn chúng tìm đủ mọi cách để kết tội những bác tài xế để làm tiền, nào là đèn cháy bóng, thắng không ăn, chở quá tải và quá nhiều khách, chạy quá tốc độ qui định, xe tung ra nhiều khói bụi và nhiều thứ hạch hỏi khác. Nghĩ cho cùng, mục đích của chúng chỉ là làm tiền mà thôi. Kể từ đó bọn chúng tạo một thông lệ, khi các xe đò hay xe tải chạy gần đến chốt lập tức lơ xe nhảy xuống chạy tới trạm trình giấy, trong đó có kẹp sẵn số tiền đúng theo thủ tục "đầu tiên". Bọn chúng lanh tay đút tiền vào túi, liếc mắt lấy lệ qua cuốn sổ rồi vẫy tay cho xe đi. Nếu xe nào không làm đúng thủ tục "đầu tiên" sẽ bị lập biên bản phạt ngay. Tiền đóng lệ phí "đầu tiên" thì ít mà tiền đóng phạt thì gấp mười lần, đôi khi còn bị giam xe, do đó không bác tài nào để bị phạt. Chính vì lý do đó mà bọn chúng không muốn để tôi ngồi gần chốt để hành nghề. Đúng là một lũ chó sói, đứng núp sau bộ đồ để làm tiền thiên hạ. Tâm địa chúng rất là gian manh, chỉ chực chờ cơ hội cướp cơm thiên hạ.
Những người dân lương thiện, chắt chiu từng đồng từng cắc bạc để có miếng ăn, vì công việc làm ăn phải dâng lên miệng chúng số tiền góp nhặt để được yên thân. Đó là tâm trạng của những bác tài xế lái xe đò, xe tải, vì sự sống và miếng ăn đành phải im lặng cúi đầu đưa tiền cho chúng ăn. Cảnh đời thật là trớ trêu. Bọn công an này biết rất rõ hoàn cảnh của những chủ xe, chỉ khi nào xe lăn bánh gia đình mới có cơm, xe mà bị giam cuộc sống sẽ lâm vào bế tắc. Thôi thì đành phải chấp nhận nuốt hận mà thôi.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, những tháng ngày cơ cực cứ đeo bám cuộc đời của tôi. Chính quyền cộng sản cứ biểu quyết điều này, ban hành điều nọ hạn chế việc sinh sống của nhân dân, tuyển chọn thêm những thành phần ác ôn vào bộ máy để kềm chế nhân dân. Những điều luật mới khắc khe hơn những điều luật trước, cứ thế chúng siết chặt bụng, bóp chặt cổ chúng tôi, kinh khủng nhất là sắc lệnh về "lòng và lề đường". Từ xưa đến nay, những người dân nghèo tay lấm chân bùn, vì nghèo khó và thất học phải ra ngồi lề đường buôn bán, họ có cướp giật, hà hiếp ai đâu mà bây giờ phải chịu muôn vàn đắng cay. Xã hội mới tưởng đâu đem lại cơm no áo ấm cho mọi nhà, nào ngờ chỉ đem nghèo đói, rách rưới đến khắp mọi nơi. Nay lại ban thêm sắc lệnh về "lòng và lề đường" vượt quá mức chịu đựng, xâm phạm trực tiếp đến quyền sống và quyền sinh kế của con người.
Tổ tiên của chúng ta, "con Rồng cháu Tiên", từ buổi sơ khai đã phải tự lực cánh sinh kiếm sống, mỗi người phải tự lo cho bản thân mình. Mỗi bộ tộc, mỗi làng đều phải lên rừng săn thú, xuống biển bắt tôm mới có miếng ăn, cho nên mới có câu : "tay làm hàm nhai". Nói về lịch sử đấu tranh, dân tộc ta không thiếu gì những thí dụ. Dân tộc Việt Nam đã thoát ra cảnh "ngàn năm nô lệ giặc Tàu, trăm năm đô hộ giặc Tây", tổ tiên chúng ta đã tranh đấu để có một nước tự do độc lập, không phải làm nô lệ cho ai và bị ai đô hộ. Tuy nghèo nhưng không ai ăn cắp của ai, mọi người đều biết tích trữ phòng cơ, lấy cây rừng xây dựng thành lũy, lợi dụng núi non ngăn cản quân thù, sử dụng sông biển làm nguồn tiếp tế và giao thông. Nói chung, tất cả mọi người chung lưng cật lực bảo vệ núi sông và xây dựng đất nước, có đâu như ngày nay những người cầm quyền chỉ sống trong lợi dụng. Trong thời chiến họ lợi dụng xương máu chiến sĩ để chiếm chính quyền, trong thời bình họ lợi dụng lao lực của đồng bào để được phì gia. Trả những người trong bộ máy cầm quyền cộng sản hiện nay về đời sống dân sự, chắc chắn không ai biết làm ăn lương thiện. Vì quen ăn bám, chắc chắn họ sẽ không làm được gì cả, họ chỉ muốn ăn mà không muốn làm. Ai chịu làm mọi cho họ cưỡi đầu, cưỡi cổ mãi mãi ?
Dân ăn không đủ no, bệnh không có thuốc, lấy gì để dâng cho các quan cách mạng ăn mãi. Bởi có câu : "có thực mới vực được đạo", không đủ ăn thì không còn đạo nghĩa gì nữa, người ta cướp cơm thì phải chống lại, đó là qui luật của thiên nhiên có từ ngàn đời trước và sẽ trường tồn mãi mãi đến ngàn đời sau. Lịch sử vẫn còn in đậm những tấm gương anh dũng chống trả sự hà hiếp bóc lột của tằng lớp cường hào ác bá, luôn thôi thúc những con người can đảm đứng lên tranh đấu cho lẽ phải, bảo vệ kẻ yếu. Không còn gì để bào chữa cho chế độ này, một chế độ nhẫn tâm tước đi sự sống của người dân. Thử hỏi nếu không có những người dân tay lấm chân bùn tiếp tế, lo lắng, che chỡ, bảo vệ từng nẻo đường, từng tất đất, nếu không có những người đào hầm, lo từng miếng ăn giấc ngủ và cung cấp thuốc men trong cuộc chiến vừa qua, làm sao những người cộng sản có ngày hôm nay. Những người đó là ai, nếu không phải là những con người nghèo hèn đang ngồi trên các lòng lề đường kia tự túc sinh nhai, không hề van xin sự bố thí của chính quyền ? Người cộng sản ăn trái quên kẻ trồng cây, sự vô ơn bạc nghĩa này khó bị tẩy quên.
Xã hội đang cơn biến động, nhà cao tầng mọc lên như nấm, đông kẻ quần thoa áo gấm qua lại trên đường, càng ngày càng có nhiều lễ hội. Thay vì giúp đỡ những người nghèo khó có cuộc sống xứng đáng hơn, chính quyền cộng sản bóp cổ, xiết bụng nhân dân. Những cuộc truy quét, thu gọn rầm rộ được phát động trong những xóm lao động nghèo, những vật dụng ăn cướp của đám bần dân được quăng đầy trên những xe cây : cây dù, tủ thuốc lá, xe đẩy trái cây, xe bán nón, đòn gánh, rỗ bánh tráng, thúng trái cây. Chưa hết, bên cạnh những chiếc xe chở hàng tịch thu là những chiếc xe bít bùng chở đầy cụ già, người tàn tật ; những bà mẹ cùng với đám con thơ đều được đẩy lên xe đưa về trại tập trung ; tất cả bị kết tội lấn chiếm lề đường. Các đường lớn, cơ quan nhà nước chiếm hết, chỉ còn lề đường để dân chúng sinh nhai mà cũng không được. Còn đâu lẽ sống của người cô thế ?
Nhớ lại ngày nào còn sinh sống dưới chế độ cũ, tuy cũng có cảnh nghèo giàu, mạnh được yếu thua nhưng có đâu quá quắc và vô nhân đạo như ngày nay. Người ta lúc nào cũng linh động chừa một lối thoát cho kẻ sa cơ. Đã không giúp được ai thì làm ngơ đi cho người khác sống, đằng này không những chính quyền cộng sản không cho người dân sinh sống mà còn bắt cả ông già, bà lão, đàn bà, con nít và người tàn tật vào các trại tù. Còn gì trớ trêu cho bằng. Những ai đã từng sống trong chế độ trước không khỏi bùi ngùi tiếc thương cho ngày tháng cũ, ngày nay chỉ có những cảnh xô đẩy, giành giựt, đá đổ, la hét, thu gom chở về chất đầy kho nhà nước. Họ muốn giết dân nghèo mà. Đồ vật tịch thu đem về chất đống, phơi nắng, phơi mưa, phơi gió, để cho rỉ sét, mục nát theo thời gian những của cải, tài sản của người nghèo.
Ngụy ngôn "làm đẹp thành phố" là khẩu hiệu tiêu diệt dân nghèo thành thị. Dân lao động nghèo là ai nếu không phải là những người đã từng một thời hy sinh xương máu giúp họ lên cướp chính quyền ? Đúng là một bọn ăn cướp, ăn cướp công lao xương máu của các chiến sĩ cũ của họ, nay muốn ăn cướp luôn mạng sống của con người bần cố. Nếu có cuộc đổi đời, hậu quả không biết sẽ như thế nào.
Một hôm như thường lệ, trời vừa sáng tôi mang đồ nghề ra ngã tư Hàng Xanh làm việc. Chưa kịp đặt bao đồ xuống đất, tôi nghe tiếng la ơi ới : "Chạy, chạy, bà con ơi, "chó sói" đến kia rồi". Trước mắt tôi là những tiếng la hét, tiếng chân chạy thình thịch, tiếng ly chén vỡ và tiếng khóc than vang một góc trời. Người ta rầm rập đẩy những chiếc xe bán nước mía, bán bánh mì chạy trốn. Những người phụ nữ, kẻ gánh người gồng chạy trong hỗn loạn. Ôi thôi, nào là bánh mì, tủ thuốc lá, mâm trà đá văng đổ tứ tung. Bỗng đâu bốn chiếc xe công an chạy tới thắng cái kịt, nhiều toán công an và dân quân nhảy xuống, chạy tới chụp giật phương tiện buôn bán của bà con, tiếng kêu la ơi ới. Trước mắt tôi một con "chó sói" mặc áo xanh, tay chỉ chõ, miệng la hét một người bán thuốc lá lẻ trên lề đường cạnh đó. Tên này ngoác to mồm, rống hết gân cổ tuôn ra những từ khó nghe và rất mất dạy. "Đ.m, đã cấm buôn bán, lấn chiếm lề đường mà cứ ngoan cố. Mày có lỗ tai không ? Mày là con trâu hay con người ?". Thế là đồ đạc bị tịch thu, nạn nhân chỉ biết nhìn theo ánh mắt buồn bã. Đám công an cùng những dân quân khác, mặt mày hùng hổ, lăng xăng lít xít chạy tới chạy lui chụp giật đồ đạc của những người bán buôn trên lề đường quăng lên xe.
Tôi không may cũng lọt vào ổ phục kích này. Chưa biết phải làm gì trước tình huống này thì một công an ở đâu từ phía sau chạy tới giật thùng đồ nghề của tôi quăng lên xe. Tôi chỉ biết nhìn theo, lòng nặng trĩu. Vừa cay đắng vừa đau xót, tôi ngậm bồ hòn nhìn "chén cơm" bị cướp. Thế là trắng tay. Hướng tầm mắt về những nơi khác của ngã tư, cảnh la hét, tiếng khóc la vang lên liên tục. Chợt đâu đó có tiếng hét thất thanh của một phụ nữ làm tôi giật mình. Chị ta đang giằng co với một tên dân quân cái thúng đựng trái cây. Cạnh một bên chị là hai cháu bé, đứa lớn khoảng 5 tuổi, đứa nhỏ chừng 3 tuổi. Ánh mắt chúng thật là ngây thơ, bé nhỏ hơn chợt khóc thét lên khi nó thấy mẹ nó bị người ta xô té, ổi và mận văng tứ tung. Chị ta vẫn cương quyết giữ chặt cái thúng về phía mình, cuối cùng đành phải buôn xuôi vì không chống nổi với hai tên khác nhào tới xô chị té xuống đất. Mắt chị rực lửa căm hờn nhưng chị đành bất lực nhìn cái thúng, "nồi cơm", bị lũ "chó sói" quăng lên xe. Cùng lúc đó, hai đứa bé chạy lại ôm chầm lấy mẹ. Chị lồm cồm ngồi dậy, ôm hai đứa bé vào lòng rồi vỗ về : "Nín đi con, mẹ con mình kiếm chỗ khác để bán". Lúc này lũ "chó sói" đã đi xa vì đã hoàn thành sứ mạng. Bà con đổ xô lại an ủi ba mẹ con, những tiếng nói chan chứa tình thương của người cùng khổ thật là xúc động. Chỉ trong nỗi khổ mới biết thế nào là tình người. Tôi móc trong túi ra một ít tiền chia cho ba mẹ con. Chị phụ nữ nhìn tôi ngại ngùng, nhưng tôi cứ dúi tiền vào tay con chị. Chị phụ nữ cất tiếng cám ơn rồi ôm hai con khóc, hai đứa nhỏ cũng khóc theo. Thật là tội nghiệp, thật là oan trái. "Trời xanh ơi, hãy ngó xuống những kẻ khốn khổ trong tình cảnh hoạn nạn này". Tôi hậm hực chửi thầm : "Lũ khốn nạn chúng bay rồi có ngày sẽ lãnh hậu quả". Sống trong những phút giây căng thẳng này, khó mà giữ được bình tĩnh.
Trong những lần bố ráp khác, bọn công an bắt luôn cả người. Những cụ già, những chị phụ nữ bồng bế con nhỏ, những người tàn tật bị bắt đưa lên những chuyến xe đầy ắp chở vào những trại cải tạo. Tiếng khóc la, chửi bới của những người bị đưa lên xe mà bọn chúng cho là đối tượng lang thang kêu vang suốt cả đoạn đường về trại. Bà con hai bên đường chỉ biết vẫy gọi những số phận hẫm hiu và cầu mong cho họ được bình yên. Cuộc sống vẫn tiếp tục, người nghèo khổ vẫn ra lề đường buôn bán. Họ biết đi đâu bây giờ, ai nuôi gia đình họ nếu không được buôn bán, chính quyền này có làm gì để giúp họ đâu. Đã không giúp đỡ mà còn bắt bớ, chế độ này là một chế độ tàn bạo, họ muốn giết chết cuộc sống của những người nghèo khó.
Trong công việc bơm vá bánh xe hàng ngày, tôi vừa làm vừa lo âu. Con người lúc nào cũng di động, hễ thấy động một chút là lò cò cất giấu đồ đạc trốn đi nơi khác. Vì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, công việc trở nên khó khăn, lúc được lúc không, khách khứa vắng dần. Từ chỗ quá lo lắng tôi đâm sinh bệnh, cơ thể ngày gầy ốm hơn. Những cơn ho cứ kéo dài, có lúc vừa chống nạng đứng lên tôi choáng váng cả mặt mày té ngồi xuống đất. Tôi cảm thấy thân hình nặng nhọc, uể oải, đầu óc cứ quay cuồng không còn tập trung được nữa. Có lúc tôi phải từ chối nhận khách vì bị chóng mặt, lợi tức càng bị teo hẹp. Mặc dầu vậy tôi vẫn tự an ủi : "Mình có thần hộ mạng, khó khăn chỉ thoáng qua thôi, ông bà còn thương số phận mình". Thật đúng vậy, những cơn ho và chóng mặt chỉ thoáng qua thôi, độ nửa giờ tôi khỏe trở lại.
Những đợt truy quét và thu gom cứ liên tục, công việc làm ăn trở nên khó khăn. Tôi phải nghỉ vài ngày chống nạng lang thang vào Sài Gòn, Chợ Lớn quan sát cảnh đời thay đổi. Khi nào đói quá thì sà đại vào những hàng quán "ăn xin" lây lất qua ngày và để dành tiền sắm lại đồ nghề đã bị tịch thu. Tôi sống những ngày không định hướng.
Một hôm mỏi quá, tôi dừng chân nghỉ mệt tại một công viên. Bỗng nhiên một cơn mưa ào ào trút xuống, tôi nép mình vào thân cây đa. Cùng lúc đó một phụ nữ tay cầm giỏ xách chạy về hướng cây đa nơi tôi đang trú mưa, cùng đứng trú. Chúng tôi đối diện cùng nhau. Cơn mưa càng lúc càng nặng hạt, trời đầt tối sầm lại. Hơi lạnh bắt đầu thấm vào da thịt. Tôi thấy cô ta dùng giỏ xách ép sát vào người để cho bớt run. Để tránh đi sự im lặng và cái lạnh, tôi lên tiếng hỏi thăm. Đại khái về công ăn việc làm và gia đình. Thỉnh thoảng những tia chớp lóe lên, tiếng nổ ầm ầm làm chúng tôi xích lại gần hơn. Cô ta cho tôi biết từ kinh tế mới trở về, không gia đình không nhà cửa. Mỗi ngày cô vào các chợ xin làm những việc vặt vãnh để sống qua ngày, tối về ngủ đại ở đâu đó để sáng hôm sau ra chợ tìm việc khác. Có nơi làm được một tuần, có nơi một hai ngày như giặt quần áo, phụ khiêng hàng hóa. Lúc này kiếm việc rất khó khăn vì chiến dịch dọn dẹp lòng lề đường. Nói chung cuộc sống của cô ta không lấy gì sung sướng, làm lụng cực nhọc đôi bàn tay chai sạn mà vẫn không đủ ăn. Thật là không may cho kiếp "hồng nhan bạc phận", cô đi hết nơi này đến nơi khác tìm việc mà vẫn không ra, như hôm nay chẳng hạn.
Thế là chúng tôi quen nhau. Cùng chung cảnh ngộ, chúng tôi thông cảm và chia sẻ niềm vui nỗi buồn của nhau. Chúng tôi tâm đầu ý hợp nên quyết định cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. Kể ra đời tôi cũng còn chút may mắn, với tấm thân tàn phế mà vẫn lập được gia đình. Cô ta trở thành vợ của tôi và sinh ra một bé trai. Con trai của tôi không có giấy khai sinh vì sinh đẻ ở nhà, tôi phải nhờ một bà hàng xóm sang cắt rún giùm. Tôi đặt tên con là Nhơn vì muốn nó sau này biết yêu thương đồng loại. Nó vừa là đứa con trai đầu lòng vừa là sợi dây thắt chặt tình nghĩa vợ chồng chúng tôi. Nhờ vào người bạn đồng hành mới mà công việc vá xe của tôi bớt đi phần cực nhọc, vợ tôi thôi đi xin việc trong các chợ và ra ngả tư phụ giúp tôi trong việc vá vỏ ruột xe. Căn nhà nghèo hèn trở nên ấm cúng, tiếng khóc tiếng cười của trẻ con mang lại niềm vui trong lòng. Bệnh lao của tôi cũng giảm cường độ, những cơn ho dai dẳng cũng thưa dần. Tôi đang sống trong hạnh phúc.
* * *
Cuộc sống mới tuy thật hạnh phúc nhưng đầy âu lo. Chúng tôi gặp rất nhiều rắc rối vì sống trong một chế độ thối nát. Vì kế mưu sinh, tôi phải trực diện hằng ngày với lũ "chó sói". Chúng tiến tôi tiến, chúng lùi tôi lùi, tánh tôi lúc nào cũng cương trực, không chịu cúi đầu nên bị chúng bắt nhốt nhiều lần. Những lần như thế, vợ con tôi phải tha phương cầu thực để có tiền thăm nuôi tôi. Tội nghiệp con tôi, một đứa bé chưa ráo máu đầu vì tôi đã phải ăn xin ngoài đường. Mỗi lần vào thăm, thấy mặt nó lem luốc, mũi chảy lòng thòng, lòng tôi quặn lại. Tôi chỉ biết nghẹn ngào nhìn vợ nhìn con lòng đầy hối hận. Thế là từ đó tôi quyết định đóng vai "câm điếc" trước đám công an "chó sói" khi có chiến dịch.
Ngày ra khỏi tù, mặc dù cơ thể tôi vì bệnh lao phổi, tôi phấn đấu tới cùng, hy sinh tất cả để cho vợ và con được bình yên. Tôi cố che giấu cơn đau để rồi đêm đêm khóc thầm cho số phận bi đát. Tôi muốn vượt thoát mặc cảm tàn phế để hòa mình vào cuộc sống, nhưng số phận cứ tiếp tục khắc khe với chính tôi. Thời gian này là thời gian tôi tranh đấu gian nan cho sự sống của bản thân và của gia đình, nhưng làm sao có chỗ đứng khi chỉ biết trốn chạy. Mỗi ngày tôi cứ bày hàng ra và ôm hàng chạy trốn, cuộc sống như thế tiếp diễn đều đặn. Tôi chỉ mong được yên phận nhưng người ta không cho tôi cơ hội đó.
Ngày tháng cứ trôi qua, anh em chúng tôi sống triền miên trong cảnh đói khổ. Chính quyền cộng sản bố ráp một thời gian rồi lại buông thỏng, những người đói khổ như chúng tôi may mắn không bị bắt đưa vào các trại tập trung cải tạo lao động được dịp bày hàng ra hè phố buôn bán. Mãi lo làm ăn, không ai nghĩ tới chuyện đề phòng công an bố ráp. Khoảng thời gian này, tôi ngỡ như là cây khô được tưới nước mưa và cảm thấy yên tâm. Tôi hăng say công việc bơm vá ruột xe. Nhưng nỗi hạnh phúc nhỏ này không kéo dài lâu, độ một hai tháng sau chiến dịch dẹp lòng lề đường lại tái diễn, cuộc sống bất ổn trở lại.
Không thể hình dung được cuộc sống trong xã hội này, người dân là chuột, chính quyền là mèo, mèo muốn vờn chuột lúc nào cũng được. Khi no thì mèo nghỉ, khi đói mèo rình bắt chuột. Nhân phẩm con người không có trong xã hội này. Sự đau khổ là dấu ấn của "thời đại xã hội chủ nghĩa", nó in sâu vào tâm trạng người dân nghèo khó như giấy thông hành đi vào thiên đường cộng sản. Nhiều lúc tôi cố quên nỗi đau thương và tủi hận hôm nay để tìm về quá khứ, tiếc thương một thời vàng son trong xã hội cũ, nơi đó con người biết sống với luật "nhân quả", ăn lành ở hiền, tôn trọng nhân phẩm của nhau và cư xử như những con người.
Bản nhạc "Tình khúc thứ nhất" có một đoạn như sau : "có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai". Đúng Đức Phật đã nói : "Cuộc đời này quả là biển khổ", nhận thức được nó là đã giác ngộ, phải tìm cách thoát ra và quên đi nỗi khổ. Taylor nhận định : "Chẳng có hạnh phúc tột đỉnh nào trên trái đất này mà không trĩu nặng những thương đau. Chẳng có hạnh phúc nào lên đến tột đỉnh mà không bị đổ nhào vì những tai ương". Byron cho rằng : "Con người là cái quả lắc giữa nụ cười và nước mắt. Ai chưa biết khóc thì chưa hẳn là người. Người ta chào đời bằng tiếng khóc và lìa đời cũng bằng nước mắt. Đời người tuy ngắn ngủi, nhưng cũng rất dài. Chúng ta không dừng ở một điểm nào vì không biết điểm nào là điểm cuối cùng. Đời sống là một cuộc chiến đấu liên tục, chiến đấu với ngoại cảnh và chiến đấu với bản thân, do đó cần phải vượt lên nỗi đau bằng cách chấp nhận nó để sống. Vấp ngã sẽ giúp chúng ta vững tiến trên đường đi tới, đừng vì nó mà thối chí và chùn chân trong vũng lầy tuyệt vọng vì không có gì tuyệt đối trong cuộc đời, con người phải đánh đổi mạng sống hằng ngày để tìm đường sống". La Rochefoucault nói : "Chưa bao giờ chúng ta hạnh phúc hay khổ đau như chúng ta tưởng", v.v...
Những nhà tư tưởng lớn đã nói như vậy sá gì cuộc sống hèn mọn của tôi. Hiểu được điều này, tôi cảm thấy bớt bị dằn vặt và an phận với số mạng của mình. Những khi buồn khổ, tôi thường ngồi tịnh tâm suy ngẫm triết lý của đạo Phật hay những câu triết lý của những bậc vĩ nhân, đó là những tia nắng sưỡi ấm hồn tôi. Từ đó tâm thần tôi được yên ổn, những hành hạ thể xác và tinh thần của những người cộng sản không còn làm tôi bận tâm. Hôm nay có ăn, tôi vui vẻ hưởng thụ, ngày mai bị đói tôi chấp nhận một cách khoang dung. Tôi tin vào luật nhân quả, ăn lành ở hiền sẽ có ngày gặp quả tốt. Tôi tha thứ cho những ai đã hành hạ tôi ngày hôm nay.
Nhưng đó không phải là tâm trạng của những người khác, họ vẫn còn căm hận lũ "chó săn". Đối với họ, những đám công an là một bầy "chó sói", trước kia chúng sống chui rút trong rừng chỉ biết cào bới những nấm mộ hoang để tìm mảnh xương vụn trong lòng đất lạnh, hôm nay chúng về thành phố, nắm giữ quyền uy và biết gậm nhấm những đĩa thịt cao sang, bản chất không hề thay đổi. Chúng được nằm ngủ trong những nhà cao tầng, những ngôi biệt thự, uống những thứ rượu ngon, đi chơi trên những chiếc xe lộng lẫy, ngủ với những thiếu nữ trẻ đẹp, nhưng vẫn không giã từ bản chất gian manh. Cho dù có mặc áo thụng, sửa đổi dáng đi, hình hài và bản chất của chúng vẫn là "chó sói". Nhưng tôi không muốn bận tâm những chuyện đó nữa, cuộc đời này đã đủ khổ đau để không còn nghĩ đến chuyện khác.
Bầu trời trở nên đen tối, những cơn gió ào ạt rít vang từng hồi. Mưa bắt đầu trút xuống, những giọt nước tung tóe trên khắp nẻo đường, gây lụt lội sình lầy khắp nơi. Đài truyền thanh loan báo cơn bão cấp 9, cấp 10, đã tràn vào Việt Nam. Dân chúng lo âu tìm cách tránh né, nơi đâu cũng bị cơn bão hành hạ. Tội nghiệp nhất là đám dân lành, nhà cửa đã nghèo lại còn bị sụp. Mọi người trông ngóng ánh mặt trời trở lại.
Những ngày này cả nhà tôi phải nghỉ làm. Cái lạnh cứ ray rứt. Nhưng cái lạnh ngoài da có thấm gì cái lạnh trong tâm hồn. Chúng tôi đang chờ bàn tay nóng ấm tình người từ hải ngoại bay về kéo vực chúng tôi ra khỏi cảnh lầm than, giúp đỡ con cái chúng tôi đi về ánh nắng mặt trời.
"Mưa ơi, hãy trút xuống những cuộn sóng khổng lồ và những ngọn cuồng phong mãnh liệt xóa tan nỗi đau trên những thể xác không toàn vẹn. Nắng ơi, nắng hỡi, hãy chiếu những tia dịu hiền mang lại niềm vui cho khắp mọi nhà, xóa tan màu đen tối vây quanh. Xin ánh sáng tình thương soi sáng những tâm hồn mê muội chỉ biết hành hạ người đồng hương. Xin ánh sáng tình thương thay đổi tâm linh loài lang sói. Cầu mong sự tha thứ chiếm ngự con tim để cho thù hận chìm vào quên lãng".
* * *
May mắn đã đến với tôi khi được biết tại hải ngoại vẫn còn nhiều người nhớ đến chúng tôi. Tôi được bạn bè phế binh cho biết địa chỉ bác sĩ Phan Minh Hiển ở Pháp, người đang tích cực vận động giúp đỡ chúng tôi. Thế là tôi dẫn con đi chụp hình và làm giấy tờ xin bác sĩ Hiển trợ cấp nhân đạo. Con tôi may mắn được một ân nhân hải ngoại nhận làm con nuôi và giúp tôi tiền để điều trị bệnh lao.
Nguyễn Văn Huy (1999)
Viết lại theo lời kể của Bất Hạnh, một phế binh cụt chân trái hiện ở Khánh Hội, Sài Gòn.