RFA, 01/12/2023
Việt Nam tiếp tục bác bỏ sự tồn tại của "người bản địa" trong phiên báo cáo về Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/11 tại Geneva (Thụy Sỹ).
un.org
Đây là kỳ báo cáo lần thứ 17 của Việt Nam kể từ khi tham gia CERD vào năm 1982, thế nhưng, quốc gia độc đảng này chỉ mới có năm lần thực hiện báo cáo trực tiếp với Ủy ban Công ước CERD.
Buổi báo cáo được phát trực tuyến trên trang web của Liên Hiệp Quốc.
Tại phiên báo cáo, ông Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - trưởng đoàn Việt Nam, khi trả lời câu hỏi chất vấn của Uỷ ban CERD về vấn đề Việt Nam không công nhận "người bản địa" đối với cộng đồng người Chăm, Khmer và người Thượng ở Tây Nguyên, cho rằng, Chính phủ Việt Nam không dùng từ "bản địa" mà thay vào đó là từ "dân tộc thiểu số".
Theo ông Y Thông, Việt Nam trước năm 1954 là thuộc địa của Pháp. Những người dân sống ở Tây Nguyên lúc bấy giờ là người "bản địa" đối với người Pháp (RFA dẫn nguyên câu phát biểu của ông tại cuộc họp như sau) :
"Người đồng bào dân tộc thiểu số cùng với đồng bào dân tộc đa số tại Tây Nguyên là những người làm công nhân cho các đồn điền cao su, cà phê của ông chủ người Pháp. Do đó, người dân tộc ở vùng này cũng trở thành người "dân tộc bản địa" của các ông chủ người Pháp, tại thời điểm là thuộc địa của Pháp.
Cho nên chúng tôi không dùng cái từ đấy nữa mà chúng tôi dùng cái từ "dân tộc thiểu số" hoặc là "dân tộc rất ít người".
Tuy nhiên, cùng có mặt tại cuộc họp, bà Biap Krong, thuộc BPSOS - một tổ chức chuyên vận động cho Quyền Tự do tôn giáo và Quyền của người bản địa ở Việt Nam, cho rằng, cách giải thích của ông Y Thông chỉ là một chiến thuật "chơi chữ" của chính quyền Hà Nội. Bà nói với RFA :
"Bởi vì trong Công ước về quyền của người bản địa thì họ có rất nhiều quyền tự quyết. Họ có thể áp dụng những quyền ở trong đó để nói chuyện lại với nhà nước Việt Nam. Tôi nghĩ rằng họ (Chính phủ Việt Nam - PV) sợ người bản địa có được ưu thế dựa vào bản tuyên ngôn về người bản địa. Họ cũng có chiến thuật hết trơn rồi".
Mục sư Vàng A Mình, một người sắc tộc H’Mong, cũng tham gia đầy đủ hai ngày trả lời chất vấn của phái đoàn Việt Nam, cho biết Uỷ ban CERD có đặt câu hỏi về những cáo buộc rằng chính quyền Hà Nội đàn áp nhiều người H’Mong theo đạo tin lành, thế nhưng phía Việt Nam không đưa ra câu trả lời cho vấn đề này :
"Họ đặt câu hỏi về người H'Mông theo đạo Tin Lành bị bắt và họ cũng đặt câu hỏi về những người H'Mông chạy sang Thái Lan lánh nạn nhưng phái đoàn Việt Nam không trả lời. Họ chỉ nói sơ sơ chứ họ không nhắc gì đến người dân tộc H’Mông".
Đoàn Việt Nam ở hải ngoại chụp ảnh cùng báo cáo viên đặc biệt Surya Deva. Ảnh : BPSOS
Các thành viên của Uỷ ban tại cuộc họp cũng yêu cầu Việt Nam giải trình về một số vấn đề khác, bao gồm việc thực hiện chính sách dành cho người sắc tộc thiểu số, lời nói phân biệt chủng tộc và kích động hận thù, quyền được tham gia chính trị của nhóm người này…
Trả lời các câu hỏi nêu trên, đoàn Việt Nam, bao gồm đại diện các Bộ Tư pháp, Thông tin và truyền thông, Giáo dục… (theo ghi nhận của RFA từ buổi ghi hình trực tuyến) thì hầu như phía Việt Nam chỉ đọc các bản báo cáo được soạn sẵn. Nội dung chủ yếu liên quan đến pháp luật, chính sách, các cơ chế, điều khoản trong hệ thống pháp luật mà họ cho là có thể "bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số".
Một thành viên trong uỷ ban yêu cầu phái đoàn Việt Nam ngưng đọc các điều khoản luật một cách dong dài, thay vào đó, Việt Nam cần trả lời thẳng vào các trường hợp vi phạm cụ thể mà uỷ ban CERD đã nêu ra. Người này đề nghị :
"Thật không thú vị khi nghe bạn nói về nội dung của các điều khoản Hiến pháp, pháp lý hay chỉ thị hành chính. Điều này bạn đã nói với chúng tôi rất nhiều lần.
Sự bình đẳng trong luật pháp không đảm bảo được sẽ không xảy ra phân biệt đối xử. Chính việc áp dụng sẽ cho chúng tôi biết điều gì đang diễn ra.
Chúng tôi nhìn vào những nạn nhân, những người nói rằng họ là nạn nhân bị phân biệt đối xử, để đặt câu hỏi và mong đợi câu trả lời dựa trên những câu hỏi đó. Chuyện gì đang xảy ra với nạn nhân ?
Vui lòng cho chúng tôi biết về những điều như vậy để chúng ta có thể có đối thoại mang tính xây dựng hơn, hợp tác và hiệu quả hơn".
Nói về các báo cáo của đoàn Việt Nam, Bà Biap Krong khẳng định Chính phủ Hà Nội vẫn nhất quyết từ chối và phủ nhận quyền của người bản địa một cách thẳng thừng.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch BPSOS nhận xét thêm rằng :
"Cái quan trọng nhất là chính người dân, những nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc có tiếng nói ở tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Và khi mà người dân ở trong nước Việt Nam theo dõi thì sẽ biết rằng tiếng nói của họ trực tiếp với chính quyền thì chưa có ảnh hưởng, nhưng đi vòng qua Liên Hiệp Quốc thì họ lại có quyền gián tiếp đòi hỏi nhà nước phải giải trình".
RFA, 01/12/2023
*****************************
166 người Việt kẹt giữa vùng chiến sự Myanmar kêu cứu vì hết lương thực
RFA, 01/12/2023
"Chúng tôi là người Việt Nam, ở đây 40 ngày rồi, không có cơm ăn, không điện, không nước. Giờ chúng tôi lạnh quá, hết tiền ăn, lương thực giờ đã cạn kiệt.
Nhóm người Việt Nam đang được bố trí sống tạm trong một trường học bỏ hoang ở phía bắc Myanmar - Facebook Mẫn Linh
Xin Đại sứ quán Việt Nam cứu chúng tôi về Việt Nam càng sớm càng tốt. Cứu, cứu, cứu !"
Đó là tiếng kêu đồng thanh của nhóm người Việt đang bị kẹt lại ở vùng chiến sự ở biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc, trong video mà thân nhân của một trong số họ gửi cho Đài Á Châu Tự Do (RFA).
Họ nằm trong số 166 người bị lừa sang làm việc cho những công ty cờ bạc trực tuyến ở phía bắc Myanmar, được quân đội của chính quyền quân sự giải cứu vào ngày 20/10 vừa qua, và sau đó được bố trí sống tạm trong một trường học bị bỏ hoang.
Một giọng nam khác tiếp lời khi đám đông ngừng hô :
"Đại sứ quán bảo xác nhận được (thông tin của các công dân Việt Nam-PV) nhưng mà vẫn chưa thấy đến thăm gặp chúng tôi và xử lý cho chúng tôi để chúng tôi về.
Mong tất cả Đại Sứ quán và Chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng cứu lấy chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi về quê hương sớm nhất có thể. Cứu lấy chúng tôi !"
Một phụ nữ ở tỉnh Kiên Giang có con gái đang bị kẹt lại cùng nhóm người trên hôm 01/12 cho hay, con bà cùng nhiều người khác được quân đội Myanmar giải cứu trong một cuộc kiểm tra hành chính ở một công ty có tên Việt là Tập đoàn Liên Thắng.
Người phụ nữ không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh cho biết, 166 người sống trong những phòng học, chỉ được cấp điện từ một đến hai tiếng trong buổi sáng, không có nước sinh hoạt, quân đội phát đồ ăn ngày hai bữa, tiêu chuẩn một bữa chỉ được một bát cơm và canh rau cho mỗi người.
"Thời tiết bên đó bây giờ lạnh rồi mà nhiều người không có áo ấm để mặc", bà thuật lại lời người con.
Đang làm việc ổn định ở một nhà hàng địa phương, con bà bỏ nhà sang Myanmar vào giữa tháng 8 theo lời dụ dỗ có công việc nhẹ nhàng với mức lương 21 triệu đồng/tháng. Bà chia sẻ với RFA :
"Hai tuần đầu thì tương đối dễ chịu, được đi nhà hàng và mua sắm. Sau đó công ty ký hợp đồng lao động và bắt đầu siết chặt con tôi lại liền. Nó không cho dùng điện thoại luôn.
Ký hợp đồng xong là công ty bắt con tôi sử dụng mạng xã hội Facebook để kêu gọi đầu tư, lừa đảo người Việt Nam. Nếu không đạt chỉ tiêu doanh thu một ngày 200-300 triệu thì công ty sai người đánh đập con em của mình hoặc là bỏ đói trong phòng, có khi là chích điện.
Công ty ép buộc một số cháu khác tìm người Việt Nam qua bên đó làm việc cho công ty. Nếu mà không được chỉ tiêu là công ty cũng cho người đánh đập và chích điện".
Bà cho biết con của bà cùng đi với nhóm bạn hàng chục người và đều làm trong cùng một công ty. Điều hành công ty là những người nói tiếng Trung Quốc và Myanmar, và công ty có thông dịch viên người Việt để truyền đạt mệnh lệnh cho nhân viên.
Những người Việt bị kẹt đến từ nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước qua Myanmar làm việc theo lời dụ dỗ, riêng Kiên Giang có khoảng 100 người, bà cho hay.
Một số người trong nhóm bị kẹt trên đã được RFA đưa tin vào ngày 15/9. Theo đó, nhóm buôn người lừa và ép đưa sang Myanmar để làm công việc lừa đảo trực tuyến trong nhiều tiếng đồng hồ một ngày. Họ bị hành hung và tra tấn khi không làm đúng theo ý của chúng hay không đạt chỉ tiêu.
Sau khi những nạn nhân gọi điện về nhà cầu cứu, bà cùng các thân nhân khác viết đơn đề nghị giải cứu công dân đến Sở Ngoại vụ và Công an tỉnh Kiên Giang vào ngày 16/10, và bốn ngày sau họ lặn lội ra Hà Nội để gửi đơn cho Cục Lãnh sự và Bộ Ngoại giao, nhưng cho đến nay chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan này.
"Hồi bữa chúng tôi có điện lên chỗ mà chúng tôi nộp đơn thì người ta nói hiện nay Việt Nam và Myanmar đang đàm phán với Trung Quốc để phía Trung Quốc mở tạm cửa khẩu để người Việt rời vùng chiến sự của Myanmar để sang đó tạm lánh.
Tôi nghe thông tin công dân của các quốc gia Thái Lan, Campuchia, và Philipine đã được về nước qua đường Trung Quốc, nhưng không hiểu sao con tôi và các bạn vẫn bị kẹt tại Myanmar".
Ngày 01/12, Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay có 121 người chủ yếu là công dân Malaysia bị nghi là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến đã được sơ tán khỏi Myanmar sau khi họ bị mắc kẹt do giao tranh giữa quân đội và các nhóm nổi dậy ở phía bắc đất nước.
Trong khi đó theo trang myanmaritv, có hơn 700 công dân Trung Quốc cư trú bất hợp pháp được hồi hương từ Myanmar hôm 28/11 nâng tổng số công dân Trung Quốc được đưa về nước từ cuối tháng 10 đến nay là gần 10.000 người.
16 công dân Lào trong tình trạng tương tự cũng được hồi hương hôm 13/11.
Một người đàn ông ở Kiên Giang không muốn nêu danh tính cũng có con gái đang bị mắc kẹt trong nhóm 166 người, cho RFA biết theo thông tin của con ông thì họ bị tạm giam để phía Myanmar điều tra, nhưng không rõ điều tra gì mà mấy tháng rồi họ không được đưa trở về Việt Nam, công an địa phương cũng nói với ông như vậy.
Phóng viên nỗ lực liên lạc với những người bị mắc kẹt qua các ứng dụng nhắn tin nhưng không được hồi đáp.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Myanmar để hỏi thông tin về nhóm người Việt trên nhưng chưa nhận được phản hồi.
Phóng viên gọi điện cho Đại Sứ quán Việt Nam ở Myanmar trong buổi chiều ngày 01/12 nhưng người trực máy đề nghị phóng viên gọi cho Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Một cán bộ trực Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao sau đó khẳng định với phóng viên RFA :
"Đối với những trường hợp người dân bị đưa về tạm giữ tại doanh trại quân đội thì bên Đại Sứ quán đang có báo là đề nghị bên mình giữ bình tĩnh, bởi vì công việc giải cứu và hỗ trợ những người bị mắc kẹt ở Myanmar hiện tại rất phức tạp và mất thời gian vì bên đó đang có nội chiến".
Khi phóng viên hỏi thêm vì sao công dân của các nước khác đã được hồi hương nhưng công dân Việt vẫn còn ở lại, cán bộ này đề nghị gọi cho Đại Sứ quán hoặc chờ bên Cục Lãnh sự Việt Nam đưa tin.
Một cán bộ tên Lập của Phòng Lãnh sự- Sở Ngoại vụ của tỉnh Kiên Giang cho biết cơ quan của ông đã nhận được hơn 20 lá đơn của thân nhân những người của địa phương đang bị kẹt ở Myanmar. Cơ quan này đã chuyển đơn đến Cục Lãnh sự và Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng chưa nhận được trả lời.
Hôm 26/11, trang Facebook của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đăng thông báo đề nghị các công dân Việt Nam đang ở thị trấn Laukkaing và cửa khẩu Myanmar giáp Trung Quốc nhanh chóng gửi hình chụp trang nhân thân hộ chiếu gửi email cho cơ quan này trước ngày 27/11 để kịp làm thủ tục với các bên nước ngoài liên quan, danh sách đính kèm lên đến hơn 400 người.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 09/11, Phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng của Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của VnExpress :
"Về tình hình người Việt được giải cứu từ các sòng bạc lừa đảo ở Myanmar, cho đến nay đã xác định được 166 công dân Việt Nam trong số người nước ngoài được giải cứu, những người này đã được đưa về khu vực an toàn ở biên giới phía bắc Myanmar, giáp với Trung Quốc".
Theo bà Hằng, khu vực biên giới phía bắc cùng một số nơi khác ở Myanmar đang xảy ra giao tranh. Do vậy, việc tiếp cận và bảo hộ công dân gặp khó khăn.
VnExpress dẫn lại lời bà Hằng về hoạt động của phía Việt Nam trong việc hồi hương nhóm người này :
"Đại sứ quán Việt Nam ở Myanmar đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng sở tại và trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc để có phương án bảo hộ công dân và đẩy nhanh công tác điều tra, xác minh, hoàn tất các thủ tục để hỗ trợ đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất, đồng thời đề nghị Myanmar có phương án bảo đảm an ninh, an toàn và điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho công dân".
RFA, 01/12/2023
Người bản địa ở Việt Nam
Hôm 11/6/2023, ở Tây Nguyên xảy ra một vụ tấn công hai đồn cảnh sát trong đêm, giết chết một số cảnh sát và quan chức địa phương. Vụ tấn công bạo lực này được cho là do một số người Thượng ở Tây Nguyên thực hiện. Vụ việc này đã làm dấy lên những thảo luận trên báo chí tiếng Việt ở nước ngoài về tình trạng của người Thượng ở Việt Nam.
Những cô gái người dân tộc ở Pleiku trong trang phục truyền thống. Ảnh chụp vào ngày 19/6/1966 (minh họa)
"Bản Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" có nhiều điểm tiến bộ để bảo vệ quyền con người của người bản địa trên thế giới. Nhưng bản thân tuyên ngôn này cũng có những điểm mơ hồ về câu chữ, tạo điều kiện để diễn giải "quyền của người bản địa" theo hướng nó có thể mâu thuẫn với lợi ích quốc gia chung, khiến cho nó không nhận được sự đồng thuận phổ biến. Ngược lại, ở Việt Nam có một quan niệm chính thống của nhà nước cho rằng Việt Nam không có "dân tộc bản địa".
Nhân dịp này, RFA trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Giáo sư phụ trách Khoa Các Dân tộc Đông Nam Á, Đại học Paris, Pháp, về khái niệm "dân tộc bản địa" và những chính sách đi cùng với nhận thức về khái niệm này.
Bài phỏng vấn gồm nhiều phần. Ở phần đầu tiên này, Giáo sư Nguyễn Văn Huy sẽ giải thích những bất cập của cả "Bản Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" và của cả quan niệm chính thống về người bản địa ở Việt Nam ngày nay.
1. Từ Bản tuyên ngôn mơ hồ của Liên Hiệp Quốc đến việc phủ nhận khái niệm "người bản địa" ở Việt Nam
2. Lịch sử cho thấy Việt Nam có người bản địa
3. Quyền của người bản địa : Nguy cơ cát cứ của vùng tự trị và cách giải quyết
4. Ứng xử với người bản địa : Hãy định nghĩa Việt Nam như một dự án tương lai chung
5. Tái định nghĩa Việt Nam là quốc gia của các cộng đồng
Nguyễn Văn Huy, nguyên Giảng viên bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999)
***********************
1. Từ Bản tuyên ngôn mơ hồ của Liên Hiệp Quốc đến việc phủ nhận khái niệm "người bản địa" ở Việt Nam
RFA, 28/06/2023
RFA : Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc về quyền của người bản địa không đưa ra định nghĩa về khái niệm "người bản địa", nhưng rõ ràng là họ dùng khái niệm này theo cách hiểu phổ quát nên không cần định nghĩa. Xin ông cho biết cách hiểu phổ quát về khái niệm này.
Nguyễn Văn Huy : Bản "Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" có một số điểm không rõ ràng. Tôi không hiểu tại sao ekip chuyên gia soạn văn bản đó không đưa ra định nghĩa nào cho khái niệm "người bản địa" trong văn bản này. Định nghĩa khái niệm này không phải là việc khó khăn.
Nếu giải thích một cách đơn giản thì "dân tộc bản địa" là những sắc tộc đã có mặt ở một vùng đất nào đó từ lâu, trước khi có một hoặc nhiều thế lực khác đến chiếm hữu, khai thác vùng đất họ đang ở, khống chế họ bằng các phương thức khác nhau (kinh tế, xã hội, chính trị và thậm chí quân sự…) để đạt được các mục đích về đất đai, chính trị, kinh tế cho riêng mình, hoặc thậm chí thành lập một quốc gia khác. Với thời gian, những người mới đến chiếm ưu thế, quay sang thống trị cộng đồng cũ, tạo ra những so sánh về giàu nghèo, chênh lệch văn hóa, và bất bình đẳng giữa người mới đến và người cũ, từ đó dẫn đến những bất đồng, bất mãn.
Bản "Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" chỉ đưa ra những quyền cần phải trao cho người bản địa mà không có định nghĩa nào về khái niệm "người bản địa". Bản Tuyên ngôn này không thực hiện công đoạn đầu tiên là định nghĩa khái niệm, vì vậy nó tạo ra một sự mơ hồ và khiến cho nhiều quốc gia không muốn kí vào.
Ủy ban soạn thảo Tuyên ngôn này cũng để lại nhiều điểm lấn cấn, vì vậy có nhiều quốc gia không muốn kí vào. Và sau nhiều lần sửa đổi, mỗi bên đề nghị sửa đổi bổ sung một vài điểm, cuối cùng tạo ra một văn bản thiếu thống nhất.
Văn bản này do đó có những điểm mà nhiều quốc gia không thể chấp nhận được. Ví dụ, Điều 3 của Bản tuyên ngôn nói một cách mơ hồ như sau :
"Các dân tộc bản địa có quyền tự quyết. Nhờ quyền đó, họ tự do xác định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của mình".
Điều này có thể tạo điều kiện để diễn giải là người bản địa có những quyền chính trị độc lập với quốc gia. Nếu một văn bản có tính quy ước nhưng lại lại mơ hồ để có thể diễn giải theo nhiều hướng thì rất khó đạt được đồng thuận chung.
Mặc dù Điều 46 có nói rằng "không nội dung nào trong Tuyên bố này có thể được hiểu là hàm ý cho bất kỳ Quốc gia, dân tộc, nhóm hoặc người nào có quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào trái với Hiến chương Liên hợp quốc hoặc được hiểu là ủy quyền hoặc khuyến khích bất kỳ hành động nào sẽ chia cắt hoặc làm suy yếu, toàn bộ hoặc một phần, sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự thống nhất chính trị của các Quốc gia độc lập và có chủ quyền", nhưng quyền tự quyết định về chính trị trong một quốc gia đã tồn tại là một ý mơ hồ, và không ai có thể chấp nhận, ngay cả những nước như Mỹ, Úc, Canada. Đối với những quốc gia có người bản địa như Việt Nam, Úc, Brazil, nếu quy định một cách không rõ ràng, tạo ra cách hiểu là người bản địa có thể có những địa vị chính trị dẫn đến độc lập với quốc gia thì khó có thể được chấp nhận. Điều đó tạo ra sự khập khiễng của Bản Tuyên ngôn này.
RFA : Có phải vì một số yếu tố mơ hồ như vậy mà có những quốc gia hiện đã có chính sách ưu đãi tốt với người bản địa như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand đã từ chối ngay từ đầu kí vào bản Tuyên ngôn này ?
Nguyễn Văn Huy : Đúng vậy. Nhiều nước dân chủ phủ nhận thẳng thắn một số điểm của Bản tuyên ngôn. Còn một số nước độc tài trong đó có Việt Nam thì nói là tán thành Bản tuyên ngôn nhưng trên thực tế không không chấp nhận những nguyên tắc mà Bản tuyên ngôn nêu ra.
Người Thượng lên xe buýt sau khi đến sân bay Quốc tế Phnom Penh hôm 28/7/2004. Nhóm người Thượng theo Tin lành đã phải vượt biên giới sang các nước láng giềng vào chạy trốn sự đàn áp tôn giáo của chính quyền (minh họa). Reuters
RFA : Ở Việt Nam có những ý kiến từ phía Nhà nước phủ nhận khái niệm "người bản địa". Vậy chúng ta nên nhìn vấn đề như thế nào ?
Nguyễn Văn Huy : Gần đây, trong một phúc đáp ngày 10/5/2023, gửi các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam khẳng định một mặt "Việt Nam nhất trí với Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) trên tinh thần quốc tế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung", nhưng mặt khác, do "UNDRIP không đưa ra định nghĩa cụ thể về người bản địa. Do đó, các quốc gia có thể hiểu và vận dụng khác nhau tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở mỗi quốc gia ; không thể áp đặt trong việc áp dụng UNDRIP. Khái niệm "người bản địa" không phù hợp với đặc điểm, lịch sử hình thành và phát triển của các dân tộc Việt Nam. Nói cách khác, ở Việt Nam không có khái niệm dân tộc bản địa".
Tôi thấy Việt Nam nói "nhất trí" với Bản tuyên ngôn cũng chỉ là cách nói cho vui, cũng giống như Việt Nam đồng ý hết với bản Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhưng trong thực tế không áp dụng. Còn về vấn đề quyền của người bản địa, tôi có đọc một bài viết trên Tạp chí Cộng sản năm 2008 nói rằng ở Việt Nam không có "người bản địa". Đó là bài "Bối cảnh lịch sử "Quyền của người bản địa" không tồn tại ở Việt Nam", ngày 28/10/2008 . Bài viết này phủ nhận rằng ở Việt Nam có dân tộc bản địa, mà dân tộc nào ở Việt Nam cũng là bản địa cả. Bài viết lập luận như sau :
"Ở Việt Nam, trước khi thực dân Pháp xâm lược, tất cả các dân tộc đều đã cùng nhau khai sơn, phá thạch, đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu để xây dựng và giữ gìn mảnh đất này. Có thể nói, 54 dân tộc hiện dang sống trên Tổ quốc Việt Nam đều đã chôn nhau, cắt rốn, sinh sống trên mảnh đất này ngay từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Nếu theo quan điểm : hễ dân tộc nào có mặt đầu tiên trên mảnh đất mà ngày nay họ đang sinh sống, dân tộc ấy là "người bản địa", thì tất cả 54 dân tộc sống trên đất Việt Nam đều là "người bản địa" ! Họ đang ở cả Bắc, Trung, Nam, ở cả đồng bằng, trung du, miền núi. Họ có thể là người Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Cao Bằng, Lạng Sơn, Cần Thơ, An Giang…, thậm chí, cả ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…".
Tôi thấy ngượng thay cho người viết. Trình độ và cấp bậc của người viết bài này chắc hẳn là rất cao chứ không phải là một người mới tập tành viết lách. Bài viết từ chối Việt Nam có người bản địa và cho rằng hễ dân tộc nào có mặt đầu tiên trên mảnh đất mà ngày nay họ đang sinh sống, dân tộc ấy là "người bản địa" là một lối lý luận nói càng, một yếu kém trí tuệ lớn.
Mặc dù Bản tuyên ngôn không có định nghĩa rõ ràng thế nào là người bản địa, nhưng theo cách hiểu thông thường, và cũng là cách hiểu được thể hiện trong ngữ cảnh của Bản tuyên ngôn, thì "người bản địa" là những cộng đồng dân tộc đã có mặt trên một vùng đất rất lâu, trước khi có một lực lượng hay cộng đồng nào khác đến để cạnh tranh, áp đảo hoặc thống trị họ, làm suy yếu họ để giành quyền lợi, quyền sống, quyền tự quyết của họ. Có thể đó là cách hiểu phổ thông nên người ta không định nghĩa. Nhưng rõ ràng một văn bản quốc tế quan trọng như vậy thì nên có định nghĩa.
Tôi nghĩ cách lập luận phủ nhận khái niệm người bản địa ở Việt Nam là một cách nói để từ chối công nhận quyền sống khác biệt của người bản địa : quyền tự trị trong khu vực sinh cư nhất định của họ về văn hóa, phong tục tôn giáo, những tập quán cổ truyền.
Tôi cũng hiểu những lo lắng của Nhà nước Việt Nam và thông cảm một phần, nhưng từ chối Việt Nam không có người bản địa là một tư duy khiên cưỡng. Nó giống như một kẻ ỷ lớn hiếp nhỏ, cậy mình là một cộng đồng lớn hơn, đông hơn, mạnh hơn, từ chối sự hiện hữu của những cộng đồng nhỏ hơn và ép họ phải tuân phục mình.
RFA : Xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Huy đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo, Giáo sư Nguyễn Văn Huy sẽ giải thích về thực tế tồn tại của "người bản địa" ở Việt Nam từ góc độ lịch sử.
***************************
2. Lịch sử cho thấy Việt Nam có người bản địa
RFA, 05/07/2023
Tiếp theo phần trước, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giáo sư Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999), trao đổi với độc giả RFA về lịch sử người bản địa ở Việt Nam. Việt Nam từng có những cơ cấu tiến bộ tôn trọng quyền của người bản địa, nhưng đáng tiếc là những cơ cấu này đều "đoản mệnh".
Một người phụ nữ J'rai ở tỉnh Gia Lai (ảnh minh họa) - Reuters
RFA. Giáo sư nói rằng thực tế lịch sử cho thấy Việt Nam có người bản địa. Xin Giáo sư giải thích.
Nguyễn Văn Huy : Đất nước mình tuy có lịch sử lâu dài, như người ta hay nói là 4000 năm, nhưng thực ra rất là mới.
Hơn nữa, lịch sử lâu dài đó của Việt Nam thực sự chỉ tập trung ở phía Bắc, xung quanh sông Hồng. Còn dải đất miền Trung thì mới chỉ được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam sau đó. Thanh Hóa, Nghệ An thì sớm hơn, còn từ Huế trở vào thì mới nhập vào lãnh thổ Việt Nam mấy trăm năm nay. Miền Nam thì gia nhập trễ nhất, có những khu vực mới nhập vào từ thế kỉ 19.
Còn Tây Nguyên thì thực tế chỉ được "hội nhập" vào lãnh thổ Việt Nam từ đầu thế kỉ 20. Trước đó thì quyền lực các vương triều phong kiến đối với Tây Nguyên rất lỏng lẻo, chỉ có tính chất tượng trưng, phủ dụ.
Thành ra, nếu mình nói cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên không phải là người bản địa, hay người Khmer ở Miền Nam, người Chăm ở miền Trung không phải là người bản địa chỉ là cách nói hồ đồ, khiên cưỡng, không đúng với sự thật.
Mình nói lịch sử Việt Nam có 4000 năm thì đó chỉ là lịch sử trong quan niệm của người Kinh, chứ người Khmer, người Chăm, người Thượng họ không biết lịch sử đó của mình. Cộng đồng người Thượng, người Chăm, người Khmer có lịch sử riêng của họ trước khi người Kinh đến.
RFA. Xin Giáo sư cho biết Tây Nguyên trước khi chính thức nằm trong bộ máy quản trị hành chính của Việt Nam thì như thế nào ?
Nguyễn Văn Huy : Thực sự thì Tây Nguyên thời phong kiến Việt Nam chỉ là một vùng "trái độn". Việt Nam thời xưa tổ chức không gian theo mô hình Trung Hoa, gồm có nhiều ô vuông chồng lên nhau. Ô vuông thứ nhất là Khu cấm thành, nơi vua quan ở. Ô vuông thứ hai ở phía ngoài Khu cấm thành, gọi là Khu trung tâm, là nơi các quan và thế lực trung thành với vua. Ô vuông thứ ba là vùng đất của cư dân cùng nền văn hóa với vua, văn hóa Khổng Mạnh, gọi là Khu vực an bình. Ở Việt Nam, đó là nơi người Kinh sinh sống. Vùng thứ tư là Khu vực ảnh hưởng hay Khu vực cưỡng chế, vùng đan xen, pha trộn giữa cộng đồng người Kinh và các cộng đồng người Man, tức là người thiểu số ở xa. Thời đó các vương triều Đại Việt coi người Kinh là ở khu vực trung tâm và lân cận, còn người Man là ở xa trung tâm. Còn khu vực thuộc vòng tròn thứ 5 là Khu ngoại biên, tức khu vực vô cương không được chấp nhận trong hệ thống, tức là vùng "man di", nơi bị gán là không văn minh, thực chất là không cùng chung văn hóa Khổng giáo với họ.
Ở Trung Quốc, họ xây Vạn lí trường thành để ngăn chặn những người ở vùng vành đai thứ 5, rợ Hung, có thể tràn vào vành đai thứ 4 hoặc sâu hơn. Việt Nam trước đây chỉ có ở khu vực Bắc trung bộ, trong đó các ô vuông trung tâm là Thăng Long và vùng đồng bằng Hồng hà phụ cận. Khi Việt Nam từ thế kỉ 15 và 16 bắt đầu mở rộng xuống phía Nam, đặc biệt là từ khi Trịnh Nguyễn phân tranh từ thế kỉ 17. Trong cuộc phân tranh này, bị chúa Trịnh truy ép thì phía chúa Nguyễn đưa dân tiến dần theo vùng duyên hải xuống phía Nam, lấn chiếm lãnh thổ của người Chăm.
Bản đồ Việt Nam thế kỷ 17 được các giáo sĩ dòng Thừa sai (Jésuites) vẽ lại (Ảnh Giáo sư Nguyễn Văn Huy cung cấp)
Người Kinh là những người quen thuộc với đồng bằng. Thời đó họ hoàn toàn chỉ sống trong vùng đồng bằng và rất sợ vào các vùng rừng núi. Họ coi đó không phải là của mình. Họ đi theo vùng đồng bằng ven biển rồi dần dần họ xâm thực vào vùng người Chăm sinh cư.
Trước đó, xung đột giữa Đại Việt ở khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay với Champa diễn ra triền miên nhiều thế kỉ. Và đến năm 1471 thì thành Đồ Bàn tức Vijaya (Qui Nhơn), kinh đô của Champa, ngày nay thuộc tỉnh Bình Định của Việt Nam, hoàn toàn rơi vào tay Đại Việt.
Đại Việt sau đó đem dân của mình tới khai thác những vùng sinh cư của vương triều Champa để lại, trong người Chăm rút dần về phía nam. Khi khai thác dần đến vùng chân núi dãy Trường Sơn, Tây Nguyên ngày nay, thì người Kinh bắt đầu tiếp xúc với người Thượng.
Thời đó thỉnh thoảng người Thượng tràn xuống đồng bằng cướp lương thực mỗi khi bị mất mùa, nên Đại Việt xây dựng những bức thành lũy gọi là Tĩnh Man Trường Lũy để ngăn chặn họ. Ngày nay dấu vết của trường lũy này vẫn còn ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Trong thế kỉ 17 và 18, các chúa Nguyễn đã hoàn thành những công trình như vậy để ngăn chặn cộng đồng người Thượng xuống đồng bằng cướp lương thực hoặc tiếp xúc với mình.
Khi chúng ta xem xét chính sách "nhu viễn" của các vương triều phong kiến, tức là mềm dẻo, phủ dụ với người phương xa, để giữ yên vùng ngoại biên. Chính sách này không có mục đích đồng hóa người thiểu số ở vùng xa mà chỉ giữ họ trong vòng ảnh hưởng của mình.
Cho nên nhìn vào sự thực lịch sử thì không thể nói Việt Nam không có người bản địa. Các vùng đất ở xa đồng bằng sông Hồng, trước khi người Kinh đến, lúc ban đầu đã có người ở từ trước, tức người bản địa.
Còn trong lịch sử hiện đại, khi ông Hồ Chí Minh lập ra chiến khu Việt Bắc để chống lại quân Pháp thì người bản địa là Mường, Tày, Nùng, Mông đã giúp đỡ tận tình. Và sau 1954 thì Hồ Chí Minh đã cho lập thành những vùng tự trị ở Tây Bắc.
RFA. Thưa Giáo sư, trong thế kỉ 20, Việt Nam từng có những cơ chế pháp lý nào thừa nhận nước mình có "người bản địa" và bảo đảm quyền của người bản địa hay chưa ?
Nguyễn Văn Huy : Có. Ít nhất đã từng có hai cơ chế tôn trọng quyền của người bản địa như vậy. Dưới thời Pháp cai trị, xã hội người Thượng ở Tây Nguyên, người Pháp gọi là "Pays des Montagnards du Sud indochinois – PMSI, không có xáo trộn gì lớn. Sau khi Chính phủ Quốc gia Việt Nam ra đời, ông Bảo Đại đặt ra quy chế "Hoàng triều Cương thổ", tôn trọng tính tự trị của người bản địa ở Tây Nguyên và các vùng miền núi phía bắc. Đối với người Thượng ở Tây Nguyên, cơ chế "Hoàng triều Cương thổ" tôn trọng cơ cấu chức sắc truyền thống của người Thượng, cho thành lập Tòa án Phong tục Thượng (xét xử dựa trên phong tục lâu đời của người bản địa, chứ không áp đặt luật của nhà nước trung ương). Cơ chế này cũng đặt ra nguyên tắc "bảo đảm quyền sở hữu đất đai của người Thượng" (Sách : Lê Đình Chi, "Người Thượng Miền Nam Việt Nam", Gardena, CA: Văn Mới, 2006).
Năm 1956, ở miền Bắc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố Sắc lệnh số 268/SL ngày 7/1/1956 thành lập Khu Tự trị Việt Bắc. Nội dung của Sắc lệnh này đã chứng tỏ rất rõ là Việt Nam có người bản địa, dù văn bản này không nhắc tới khái niệm đó.
Điều 3 của Sắc lệnh này khẳng định "Khu tự trị Việt Bắc là một bộ phận của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính quyền Khu tự trị là một cấp chính quyền địa phương". Chương 3 của Sắc lệnh có quy định về "quyền tự trị chính trị và quân sự", trong đó, Điều 8 cho phép "chính quyền Khu tự trị được quyền quy định những luật lệ riêng. Những luật lệ riêng này sau khi được Chính phủ Trung ương chuẩn y mới thi hành". Điều 9 cho phép "chính quyền Khu tự trị được tổ chức bộ đội địa phương, dân quân và công an Khu tự trị, để bảo vệ an toàn của Khu tự trị và giữ gìn trật tự trong khu. Bộ đội địa phương và dân quân trong Khu tự trị là những bộ phận trong quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc quyền chỉ huy tối cao của Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh. Công an Khu tự trị là một bộ phận trong tổ chức công an toàn quốc thuộc quyền chỉ đạo chung của Bộ Công an". Điều 12 quy định "các dân tộc trong Khu tự trị có quyền tự do tín ngưỡng và có quyền giữ gìn hoặc thay đổi phong tục tập quán của mình". Điều 13 quy định "các dân tộc có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong mọi công việc như : hành chính, giáo dục, tuyên truyền, v.v…". Điều 14 quy định "chính quyền Khu tự trị có quyền lập trường học, mở nhà thương và tổ chức những cơ quan văn hóa, xã hội v.v... của các dân tộc trong Khu tự trị".
Cả hai cơ cấu "Hoàng triều Cương thổ" của Quốc gia Việt Nam và "Khu Tự trị Việt Bắc" của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều là những minh chứng cho thấy thực tế lịch sử là Việt Nam có người bản địa. Cả hai cơ cấu này đều có những nét tiến bộ giống như "Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" ra đời sau này.
RFA : Thưa Giáo sư, tại sao hai cơ cấu "Hoàng triều Cương thổ" của Quốc gia Việt Nam và "Khu Tự trị Việt Bắc" của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có những điểm tiến bộ nhưng sau đó không còn nữa ?
Nguyễn Văn Huy : Đáng tiếc là cả hai cơ cấu này đều đoản mệnh. Ở Tây Nguyên, cơ cấu "Hoàng triều Cương thổ" đến thời Đệ nhất Cộng hòa đã bị bãi bỏ năm 1955. Tòa án phong tục dựa trên tinh thần tôn trọng văn hóa người bản địa Tây Nguyên bị Chính phủ Ngô Đình Diệm bãi bỏ. Quyền tự trị của người Thượng không còn. Điều này dẫn đến những phản kháng về mặt chính trị và quân sự và di hại còn đến ngày nay.
Còn ở phía bắc, sau khi thành lập "Khu Tự trị Việt Bắc" năm 1956 không bao lâu thì Chính phủ Hồ Chí Minh cũng bãi bỏ cơ chế này trên thực tế. Lý do là có một số lãnh tụ người bản địa ở Việt Bắc thời đó đã có những động thái chính trị gắn với Trung Quốc, tạo ra nguy cơ đe dọa toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.
RFA : RFA xin chân thành cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Huy đã giành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Phần tiếp theo, Giáo sư Nguyễn Văn Huy nêu quan điểm riêng về chính sách đúng đắn cần có với người bản địa.
***********************
3. Quyền của người bản địa : Nguy cơ cát cứ của vùng tự trị và cách giải quyết
RFA, 06/07/2023
Bàn về vấn đề dân tộc bản địa ở Việt Nam, tiếp theo phần 2, Giáo sư Nguyễn Văn Huy bàn về hai trạng thái cực đoan, hoặc là đòi hỏi quyền của người bản địa ở mức độ có thể dẫn đến chia cắt quốc gia, hoặc theo hướng ngược lại là phủ nhận quyền của người bản địa. Đồng thời, Giáo sư Huy cũng chỉ ra con đường để Việt Nam dung hòa giữa hai yêu cầu là bảo vệ an ninh quốc gia và tôn trọng quyền của người bản địa.
Nhà rông làng Kon K'lor tỉnh Kon Tum (ảnh minh họa) Tỉnh Kon Tum
RFA : Ở phần trước, Giáo sư đã nói một chút về nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nếu người bản địa có quyền chính trị liên quan đến đối ngoại. Xin giáo sư giải thích thêm.
Nguyễn Văn Huy : Trước hết, chúng ta hãy khảo sát một trường hợp đã từng xảy ra ở Bắc Việt sau năm 1954. Sau năm 1955, 1956, sau khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát được phần bắc vĩ tuyến 17, và cho thành lập Khu Tự trị Việt Bắc, một số lãnh tụ lãnh tụ người Mèo (người H'Mông) và người Nùng cho rằng nếu đã cho họ tự trị thì họ được tự quyết định về chính trị. Khi lực lượng Việt Minh lập căn cứ trên vùng Việt Bắc, lãnh tụ những sắc tộc thiểu số đã chứng kiến cảnh cố vấn quân sự và binh lính Trung Quốc sang giúp đỡ Hồ Chí Minh và Ban lãnh đạo Việt Minh Khi được Hồ Chí Minh cho thành lập các vùng tự trị, một số lãnh tụ của những sắc tộc này đã mời người Trung Quốc sang cố vấn và Trung Quốc đã gửi người tới giúp đỡ họ. Một số lãnh tụ người bản địa còn đi xa hơn, bày tỏ ý tưởng muốn sáp nhập vùng đất của họ vào lãnh thổ Trung Quốc. Thực sự là điều đó đã xảy ra.
Chính vì vậy, ông Hồ Chí Minh đã chấm dứt cơ cấu tự trị của các Khu tự trị Việt Bắc năm 1956 và yêu cầu cố vấn Trung Quốc rút về nước và không can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Từ đó, Chính phủ Hồ Chí Minh đưa cán bộ người Kinh vào các cơ quan hành chính trên khắp các vùng Việt Bắc, áp dụng các biện pháp giáo dục của Trung ương như dạy chữ quốc ngữ và tổ chức quản lý xã hội như kiểu người Kinh, nhất là đào tạo cấp tốc một giai cấp lãnh đạo người thiểu số ủng hộ Đảng cộng sản Việt Nam.
Các biện pháp này đã giúp cộng đồng người thiểu số trên miền hượng du Bắc Việt "hội nhập" vào nước Cộng hòa dân chủ Việt Nam thay vì Cộng hòa nhân dân Trung Quốc. Điều này cũng không cản trở một số cộng đồng người bản địa lùi xa và lùi sâu hơn lên các vùng núi cao, xa các vùng trung tâm ở đồng bằng sông Hồng.
RFA : Ở đây dường như chúng ta thấy hai cực : một cực bên này là cho phép cộng đồng bản địa có thể có quyền chính trị ở cái mức họ quyết định các chính sách liên quan đến nước ngoài, và do đó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, và một cực khác, ở phía ngược lại, là để ngăn ngừa điều đó thì người ta phủ nhận sạch trơn quyền của người bản địa. Liệu có cách nào dung hòa được cả hai cực đó hay không ?
Nguyễn Văn Huy: Bài viết "Bối cảnh lịch sử 'Quyền của người bản địa' không tồn tại ở Việt Nam", ngày 28-10-2008 trên Tạp chí Cộng sản có thể hiện nỗi lo ngại của Nhà nước Việt Nam nếu thừa nhận khái niệm "người bản địa" ở nước mình :
"Cũng theo lập luận của các phần tử dân tộc cực đoan, thì tất cả 54 dân tộc đều có "quyền tự trị" - có lãnh địa, thiết chế chính trị và có văn hóa, tổ chức tôn giáo riêng… Thử hỏi, nếu những đòi hỏi này được đáp ứng thì liệu dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam có còn nữa hay không ?"
Theo tôi, nói như vậy là hơi khiên cưỡng. Thứ nhất, ở Việt Nam, có những dân tộc bây giờ chỉ còn một hai trăm người. Họ không thể hình thành những thiết chế chính trị cho riêng một mình họ được. Ngoại trừ một số sắc tộc ở Việt Nam có dân số đông đảo như người Thái, người Tày, người Nùng hay người H'mong (Mèo) ở miền Bắc, hay người Chăm, người Thượng, người Khmer ở miền Trung và miền Nam, công chung lại khoảng 15% dân số Việt Nam nhưng lại ở rải rác khắp nới, nhiều sắc tộc còn lại có dân số ít hơn. Cho nên trường hợp cả 54 sắc tộc ở Việt Nam đều có lãnh địa riêng, có thiết chế chính trị riêng mà bài viết này đặt ra là khiêng cưỡng, cả vú lấp miệng em, một trường hợp không thể xảy ra trên thực tế.
Thứ hai, nhiều quốc gia tiên tiến ngày nay vẫn duy trì các khu tự trị cho người bản địa và điều đó không ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia, thậm chí ngược lại, giúp bình ổn được an ninh. Thực tế trên thế giới cho thấy, tại một số quốc gia phát triển phương Tây, chính quyền đã có những chính sách ứng xử văn minh với người bản địa vừa để duy trì sự hài hòa dân tộc và bảo đảm an ninh quốc gia, vừa để tôn trọng bản sắc riêng về văn hóa, xã hội, kinh tế, đất đai của người bản địa, và nhờ vậy mà các cộng đồng sắc tộc tiểu tố đã tự nguyện hội nhập và làm phát triển cộng đồng của mình, không tạo ra những bất ổn an ninh cho thế hệ sau.
RFA : Theo Giáo sư, làm cách nào để giữ được sự quân bình đó ?
Nguyễn Văn Huy : Để giữ được sự quân bình giữa lợi ích quốc gia và quyền của người bản địa, việc đầu tiên cần phải làm là có một bản Hiến pháp bảo đảm chỗ đứng ngang nhau cho các cộng đồng dân tộc, không chỉ cho người sắc tộc mà cho của các cộng đồng văn hóa và xã hội khác như người gốc Hoa, người Công giáo, người già và người trẻ, người đồng bằng và người miền núi, v.v. Ở đây, nước Việt Nam dân chủ tương lai phải tôn vinh và tôn trọng những cộng đồng bản địa đã có mặt từ lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam, trước khi người Kinh tới lập nghiệp. Nói chung mọi người và mỗi người đều có tiếng ngang nhau trong bản Hiến pháp tương lai của quốc gia Việt Nam.
Nhờ bản Hiến pháp đó, những cộng đồng người bản địa có một chỗ đứng quang vinh trong quốc gia Việt Nam, họ là những công dân Việt Nam trọn vẹn, có những quyền có thể được ưu tiên hơn để bắt kịp đà tiến hóa chung trong văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội. Nhưng quốc gia Việt Nam không chấp nhận bắt cứ âm mưu ly khai, chia cắt lãnh thổ, đòi quyền có quân đội, ngoại giao và đồng tiền riêng… Điều này không có nghĩa là quốc gia Việt Nam tương lai bác bỏ những quyền sinh hoạt cá biệt về văn hóa, tín ngưỡng, mà đặc biệt phải giao lại những cơ sở h và tôn giáo của người bản địa đã bị chính quyền quản lý. Khi đã thống nhất được với nhau rõ ràng như vậy thì những yêu cầu đòi tự trị, tự quyết sẽ không có cơ sở để tồn tại.
Đó cũng là thiếu sót của Bản Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của Người bản địa. Bản Tuyên ngôn này nên tuyên bố rõ ràng về việc các bên, trong đó có người bản địa, phải cùng tôn trọng hiến pháp của quốc gia.
Thứ hai, xác lập mối quan hệ hài hòa giữa ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ của người bản địa. Mỗi quốc gia chỉ có một ngôn ngữ chung để làm công cụ giao tiếp và giáo dục cho cả quốc gia. Ngôn ngữ này có thể được chính thức công nhận là ngôn ngữ quốc gia (như tiếng Việt ở Việt Nam, tiếng Pháp ở Pháp, tiếng Nga ở Nga…) hoặc không cần được tuyên bố chính thức nhưng được mọi người sử dụng như là ngôn ngữ chung (như tiếng Anh ở Hoa Kỳ hay Anh quốc). Nhưng bên cạnh ngôn ngữ quốc gia, chúng ta cần có chính sách duy trì ngôn ngữ của người bản địa ở bậc tiểu học để trẻ em bản địa không quên tiếng mẹ đẻ và văn hóa cổ truyền của mình.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, trong nền Đệ nhị Cộng hòa, có chính sách dạy ngôn ngữ bản địa cho cộng đồng bản địa (Khmer, Chăm, Mnong, J’rai…) ở cấp tiểu học và một phần đến trung học. Mục đích là để giúp cộng đồng bản địa duy trì ngôn ngữ của mình như một văn hóa riêng, đồng thời học sinh và sinh viên người bản địa vẫn học tập ngôn ngữ quốc gia (tiếng Việt). Nhưng khi lên đến bậc đại học thì chỉ còn dạy bằng ngôn ngữ quốc gia (tiếng Việt). Ngôn ngữ cần được phát triển ở cấp độ cao hơn thì mới có thể sử dụng cho các mục đích nghiên cứu khoa học và giáo dục bậc cao.
Mỗi một quốc gia chỉ cần một ngôn ngữ cho giáo dục bậc cao như vậy. Việc phát triển tất cả các ngôn ngữ lên mức độ có thể dùng trong khoa học và giáo dục đại học, sau đại học là việc bất khả thi về mặt nguồn lực. Nhưng ngược lại, các ngôn ngữ bản địa là những di sản văn hóa quý báu và to lớn của Việt Nam, có thể đem lại những lợi ích về lâu về dài cho quốc gia nếu những người lãnh đạo quốc gia Việt Nam tương lai có hiểu biết và biết cách duy trì, khai thác đúng đắn. Nếu để nền văn hóa bản địa này mất đi thì đó là chúng ta đã đánh mất một di sản văn hóa lớn của quốc gia và của dân tộc.
Tôi cũng thấy lấn cấn với Điều 14 của "Bản Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của Người bản địa" quy định về vấn đề giáo dục vì cách diễn đạt của nó khá là mơ hồ : "Các dân tộc bản địa có quyền thiết lập và kiểm soát hệ thống giáo dục của họ và các cơ sở cung cấp giáo dục bằng ngôn ngữ của họ, theo cách phù hợp với phương pháp dạy và học văn hóa của họ". Tôi thấy điều này rất dễ dẫn đến hiểu lầm và trái với hiến pháp. Nếu những khu vực sinh sống của người bản địa tự xây dựng cho mình một nền giáo dục tách rời hoàn toàn khỏi hệ thống giáo dục quốc dân thì chẳng bao lâu nền tảng giáo dục của quốc gia đó sẽ bị phá vỡ. Tôi cổ võ sự hài hòa giữa quyền của người bản địa và sự thống nhất của quốc gia.
Tôi nghĩ trong tương lai, một Hiến pháp đúng đắn có thể làm cho người người Việt ngày hôm nay chấp nhận được và những thế hệ mai sau hài lòng là quốc gia Việt Nam phải được định nghĩa như một dự án tương lai chung, trong đó mỗi và mọi người đều có tiếng nói và chỗ đứng ngang nhau để cùng bắt tay nhau dẫn đưa đất nước Việt Nam đi lên, bắt kịp đà tiến bộ chung của các quốc gia dân chủ phương Tây và Đông Á.
Riêng với lãnh tụ các cộng đồng sắc tộc và người bản địa, hãy cùng những người dân chủ Việt Nam suy tìm một dự án xây dựng đất nước Việt Nam chung, trong đó các bạn và tất cả chúng ta có thể chấp nhận được, nghĩa là nội dung một bản Hiến pháp mới dựa trên một dự án chính trị vừa dân chủ vừa đa nguyên. Hãy cùng đồng tiến trong dị biệt.
*************************
4. Ứng xử với người bản địa : Hãy định nghĩa Việt Nam như một dự án tương lai chung
RFA 06/07/2023
Tiếp theo phần 3, Giáo sư Nguyễn Văn Huy chia sẻ với độc giả RFA về con đường hiện đại hóa cộng đồng bản địa Tây Nguyên dựa trên tri thức của chính người bản địa để đi đến những mục tiêu hiện đại.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (ảnh minh họa) Ủy ban Dân tộc
Dựa trên tri thức bản địa để hiện đại hóa người bản địa Tây Nguyên
RFA : Theo nhiều nghiên cứu và ghi chép dân tộc học, như cuốn "Rừng người Thượng" của Henri Maitre xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 1912, dịch giả Lưu Đình Tuân dịch sang tiếng Việt năm 2008 (NXB Tri thức), "Rừng, đàn bà, điên loạn" của Jacques Dournes (xuất bản lần đầu năm 1952 và được Nhà văn Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt năm 2001, xuất bản bởi NXB Tri thức) thì đời sống xã hội, kinh tế và tâm linh của người Thượng Tây Nguyên gắn bó mật thiết với rừng. Nhưng sau 1975 đến nay, rừng Tây Nguyễn đã bị khai thác gần như không còn. Có một số chuyên gia dân tộc học ở Việt Nam cho rằng vì rừng không còn nữa nên không thể khôi phục lại bản sắc người Thượng như trước mà phải làm cho người Thượng cùng phát triển với cộng đồng cả nước nói chung. Giáo sư có quan điểm gì về vấn đề này ?
Nguyễn Văn Huy : Tôi nghĩ những chuyên gia dân tộc học như vậy không thể đi xa được. Mỗi cộng đồng có lối sống phù hợp với văn hóa, thổ nhưỡng của họ. Bản sắc là cái không thể xóa đi dễ dàng được.
Cũng như ngày nay, cộng đồng người Việt ở Mỹ, ở Pháp dù có lối sống nhìn bề ngoài rất hòa nhập với xã hội Mỹ, Pháp nhưng thực ra bản sắc bên trong của họ vẫn rất khác, và họ vẫn được tôn trọng bản sắc này.
Hiện đại hóa người Thượng không có nghĩa là bắt họ cứ phải làm như người Kinh, sống theo lối sống người Kinh. Làm như vậy có khác nào người Pháp, người Mỹ giúp người Việt hiện đại hóa bằng cách ăn hamburger, uống rượu vang mỗi ngày.
Thời thực dân Pháp mới đến, họ đã "khai hóa" xã hội người Việt bằng các phương tiện kĩ thuật, công nghệ tối tân, xây dựng những thành phố mới, xây dựng đường sắt, hệ thống giáo dục mới. Những đổi mới này đã giúp đất nước Việt Nam phát triển hơn trước, nhất là ở những khu đông dân cư. Nhưng trong chiều sâu, cuộc hiện đại hóa mang tính đảo lộn và có tính chất cưỡng bách. Nó tạo ra những khủng hoảng xã hội sâu sắc ở Việt Nam thời đó, nhất là trong giới trí thức cựu trào Nho học và Tây học.
Người Kinh chúng ta cuối thế kỉ 20 đầu thế kỉ 21 cũng đã tạo ra những cuộc đảo lộn tương tự với người bản địa Tây Nguyên. Chúng ta hành xử theo kiểu ỷ mình lớn hơn, mạnh hơn, mình dùng sức mạnh nhà nước để ép họ phải theo đời sống kinh tế, xã hội và tâm linh của mình.
Những người bản địa ở Việt Nam dù là người Thượng ở Tây Nguyên hay người miền núi phía Bắc, họ không đòi hỏi những gì mà người Kinh chúng ta có. Họ chỉ muốn được sống cuộc sống phù hợp với họ.
Những chuyên gia dân tộc học đã đạt đến trình độ cao như vậy thì không nên nói những điều cho thấy mình lùn đi, không tôn trọng nhân phẩm của người bản địa. Dù nhiều người bản địa không có trình độ giáo dục theo khoa học mới như những người được đào tạo ở miền xuôi, họ vẫn có nhân phẩm và tri thức bản địa của họ, họ chỉ muốn sống phù hợp với văn hóa và cuộc sống của họ, trong thiên nhiên giữa rừng núi.
Nhìn người bản địa bằng con mắt hiện đại hóa theo kiểu tư duy đô thị hiện đại thì cũng không khác gì các vương triều phong kiến ngày xưa coi những cộng đồng không theo Khổng giáo là "man di", như người Hán đã từng miệt thị những người Lạc Việt vào thiên niên kỷ thứ nhất. Kinh có nghĩa là người sống trong phồn hoa đô hội, những người đã được khái sáng bởi văn hóa khổng Mạnh.
Cách nhìn đó cũng không khác thời thực dân Pháp, khi có nhiều người thực dân cho rằng họ có sứ mệnh "khai hóa văn minh" cho các dân tộc bị trị. Và "khai hóa văn minh" đối với họ là biết sử dụng những phương tiện kỹ thuật, công nghệ mới. Nhưng cuộc sống truyền thống của những dân tộc thuộc địa không cần đến những thứ đó.
Ngày nay có những quốc gia cựu thực dân đã có can đảm và sự sáng suốt để lên tiếng xin lỗi các cộng đồng dân tộc ff bị thực dân hóa, và những cộng đồng bản địa bị những người thực dân mới đến thống trị. Họ cũng có những chính sách để chuộc lỗi.
Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên làm điều đó. Nhưng để làm điều đó thì cần có những lãnh đạo chính trị có đủ tầm và sự hiểu biết. Nếu chưa có lãnh đạo hiểu biết thì chúng ta có nói bao nhiêu đi nữa cũng không ăn thua gì hết.
RFA : Vậy liệu chúng ta có thể hiện đại hóa cuộc sống của người bản địa Tây Nguyên mà không áp đặt tư duy của người Kinh ?
Nguyễn Văn Huy : Trước khi vào vấn đề này, tôi xin trình bày về tên gọi. Tên gọi tạo ra nhiều ngộ nhận. Ngộ nhận tạo ra chính sách sai. Khi người Pháp đến khám phá Tây Nguyên, lần đầu tiếp xúc với những cộng đồng bản địa đó, họ đặt rất nhiều tên gọi cho những nhóm người họ tiếp xúc : Mnong, J’rai, Ede, S’tieng, Ktu… Điều đó tạo ra ấn tượng là có rất nhiều cộng đồng sắc tộc bản địa khác nhau ở Tây Nguyên. Cũng giống như khi các giáo sĩ phương Tây lần đầu tiếp xúc với người Kinh ở miền Trung, và miền Bắc, họ thấy giọng nói khác nhau thì tưởng là các cộng đồng dân tộc khác nhau.
Theo tôi, cộng đồng người bản địa Tây Nguyên thực sự chỉ có 2 nhóm nhân chủng lớn : một nhóm là Mon Khmer, gốc Khmer từ đế quốc Angkor và Môn từ Miến điện, và nhóm thứ hai Malayo Polynésien, gốc hải đảo từ vùng biển phía nam đi lên chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Người J’rai và Rhadé trước kia là những thần dân của các vương triều Champa, sau những tranh chấp và chiến tranh họ đã chạy lên vùng cao nguyên dãy Trường Sơn lánh nạn và ở luôn trên đó, tạo thành những nhóm ngữ hệ J'rai và Rhadé (Ê đê), hai nhóm này có truyền thống định cư như người Chăm nhưng làm rẫy.
Nói họ là dân du canh du cư giống như nói người Mông Cổ lang thang trên thảo nguyên là sai. Cộng đồng bản địa Tây Nguyên trước đây vốn không phải là du canh du cư. Họ tổ chức thành từng buôn làng, chỉ khoảng ba bốn chục đến khoảng một trăm hộ gia đình, có một không gian canh tác riêng. Không ai xâm chiếm của họ. Mỗi gia đình thường sở hữu nhiều khoảnh đất, họ chỉ trồng trọt một hai khoảnh đất cho mỗi vụ mùa. Đến mùa mới, họ đốt nương ở khoảnh đất cũ, để cỏ và cây bị cháy tạo thành tro để làm phân bón, họ để cho khoảnh đất cũ nghỉ ngơi, chờ mưa xuống cho thấm đất để phục hồi dinh dưỡng đất. Trong thời gian đó, họ chuyển đến khoảnh đất mới. Bằng cách đó, họ duy trì luật phục hồi của tạo hóa cho đất một cách tự nhiên.
Khi người Kinh chúng ta cho rằng hiện đại hóa nền nông nghiệp của họ là phải tăng năng suất bằng cách dùng nhiều phân bón hóa học, chất trừ sâu, thực ra chúng ta đang áp đặt một cách cưỡng ép cách tư duy của chúng ta lên họ. Chúng ta nghĩ chúng ta dùng hóa chất để tăng năng suất là đang áp dụng "khoa học", thực ra thì cách canh tác nông nghiệp truyền thống của họ cũng dựa trên khoa học. Chỉ có điều, đó là một khoa học khác với khoa học của chúng ta, tôn trọng luật của tạo hóa hon là hóa học.
Nền nông nghiệp dùng hóa chất của chúng ta có thể giúp tăng năng suất trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó hủy hoại khả năng tự phục hồi của đất, và làm giảm năng suất nếu xét về tổng thể. Khi đất đã bạc màu, bị hủy hoại bởi hóa chất, các loại sâu và côn trùng phá hoại mùa màng cũng tiến hóa khác với trước, cây rừng bị đốn sách thì vùng đất đó chỉ là những vùng ô trọc. Để tiếp tục canh tác người ta sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu nhiều hơn và năm sau nhiều hơn năm trước. Kết cục là rơi vào một cái vòng luẩn quẩn phá hoại môi trường ngày càng trầm trọng trong dài hạn.
Cách canh tác truyền thống của người bản địa Tây Nguyên, nếu được hiện đại hóa theo cách giữ được nguyên lý nông nghiệp tự nhiên, sẽ giúp giữ được năng suất ổn định trong khi không phá hoại môi trường. Phải nghĩ đến tiềm năng du lịch môi sinh của một số quốc gia phát triển phương Tây đang cố gắng phục hồi. Tây Nguyên có thể sẽ là những vùng du lịch sinh thái tiềm năng của Việt Nam nếu biết giữ gìn và khai thác đúng.
Trở lại với cách dinh dưỡng đất của người bàn địa, ở các nền nông nghiệp hiện đại, sau nhiều thế hệ "công nghiệp hóa" đất đai bằng cơ khí và hóa chất, họ đang tìm cách quay trở lại với nông nghiệp tự nhiên nhưng với tư duy hiện đại hơn.
Ở Pháp người ta cũng đã áp dụng cách làm nông nghiệp giống như cách làm truyền thống của người bản địa Tây Nguyên. Ví dụ năm trước đã canh tác vùng đất này thì năm sau họ cho đất nghỉ ngơi (gọi là jachère), họ chỉ trồng hoa cho đẹp rồi khi hết mùa hoa thì cày lên để xác cỏ và hoa thành phân bón tự nhiên. Đây là cách làm tuân theo luật luân hồi của đất. Xét về tổng thể thì cách làm này đem lại lợi ích lớn hơn là dùng hóa chất để khai thác đất đến cùng kiệt, teo cách gọi thời đại là bio.
************************
5. Tái định nghĩa Việt Nam là quốc gia của các cộng đồng
RFA, 07/07/2023
Ở phần cuối, Giáo sư Nguyễn Văn Huy nêu quan điểm riêng về con đường xây dựng một Việt Nam thống nhất nhưng tôn trọng sự khác biệt và nuôi dưỡng sự đa dạng.
Tranh cổ động của UNESCO cho đa dạng văn hóa (ảnh minh họa) - UNESCO
RFA : Đất đai là vấn đề lớn của Việt Nam nói chung, không chỉ với người bản địa ở Tây Nguyên và các vùng khác. Đất đai là cơ sở kinh tế cho những thực hành bản sắc xã hội và tinh thần của họ. Vậy liệu còn khả năng phục hồi những điều đó không ?
Nguyễn Văn Huy : Vấn đề là ở Việt Nam đất đai truyền thống của người bản địa không còn. Sau năm 1975 thì toàn thể đất đai của Việt Nam Cộng Hòa bị quốc hữu hóa, hoặc chỉ còn một phần, không đủ để cách luân phiên theo từng khoảnh ruộng theo cách nông nghiệp tự nhiên. Sau khi Hà Nội áp dụng chính sách kinh tế thị trường đến nay thì đất đai đã bị phân lô hết cả. Bằng nhiều cơ chế và quy trình khác nhau, giờ đây rừng Tây Nguyên không còn như trước và phần lớn đất đai ở Tây Nguyên đều do người Kinh chiếm hữu, nhiều nhất là quân đội.
Trên Tây Nguyên, chúng ta nên thực hành nông nghiệp tự nhiên theo cách hiện đại, tức là khôi phục và làm mới phương thức canh tác nông nghiệp tự nhiên của người bản địa. Nếu được như vậy cũng là thực hành xu hướng canh tác mới mà các nền nông nghiệp "hữu cơ" ở các nước tiên tiến đã bắt đầu từ lâu, gọi là "bio".
Nhưng muốn làm như vậy thì phải trả lại đất đai, rừng núi cho người bản địa Tây Nguyên. Việc trả lại đất chỉ là vấn đề kĩ thuật. Chúng ta có thể mua lại đất, rừng để trả lại cho họ, hoặc kêu gọi sự hiến tặng đất, nếu được. Nếu có các chuyên gia kĩ trị trong chính phủ thì công tác này có thể làm được nhanh hơn. Khi nào Việt Nam trở thành một đất nước dân chủ thực thụ, chúng ta sẽ có những định chế chuyên ngành về việc nâng cao mức sống của người bản địa để các bên có thể thương lượng bình đẳng, phải có sự thành tâm tôn trọng quyền lợi của các nhóm yếu thế thì những vấn đề này có thể dàn xếp được trong tương lai.
Để làm được những điều đó thì điều quan trọng nhất không phải là "khai hóa" người bản địa mà là khai hóa những cấp lãnh đạo quốc gia ngày hôm nay và cho mai sau. Phải có những chương trình giảng dạy bao dung để giới trẻ hiện nay, những nhà lãnh đạo cho mai sau hiểu được, dung thông được lịch sử của đất nước và văn hóa của các sắc tộc khác, từ đó họ có chính sách đúng đắn dựa trên chính sự hiểu biết và tinh thần dung thông văn hóa này.
RFA : Việt Nam chỉ có 54 săc tộc, trong khi đó Indonesia có hơn một ngàn sắc tộc bản địa khác nhau. Trên quốc huy của nước này có khắc câu nói nổi tiếng, như một phương châm quốc gia, "Bhinneka Tunggal Ika", nghĩa là "nhiều, nhưng là một", và được họ dịch sang tiếng Anh là "Unity in Diversity" ("Thống nhất trong Đa dạng"). Theo họ, nền tảng của sự thống nhất quốc gia không phải là sự thống trị tuyệt đối của chủng tộc hay một bản sắc nào đó mà là một tổng hợp đa dạng của các bản sắc khác nhau. Về mặt ngôn từ thì Việt Nam không xa lạ với điều này, nhưng thực tế, về mặt tâm lý xã hội và chính trị, chúng ta đã từng bao giờ thực hành được điều đó chưa ?
Nguyễn Văn Huy : Cách làm đó đã từng được thực thi thời Đệ nhị của Việt Nam Cộng Hòa. Thời đó miền Nam có chính sách Cải cách Điền địa, tương tự như Cải cách Ruộng đất ở Bắc Việt nhưng họ làm văn minh hơn. Việt Nam Cộng Hòa mua lại đất, hoặc đề nghị hiến tặng nếu có, rồi chia lại cho dân cày. Chính sách Cải cách Điền đại được thực thi khắp cả miền Nam Việt Nam, trong đó với người bản địa Tây Nguyên thì chế độ Việt Nam Cộng Hòa không can thiệp vào quyền sở hữu đất đai cổ truyền của họ, ngược lại chính quyền miền Nam giúp họ bảo quản phong tục canh tác nông nghiệp tự nhiên kế thừa từ truyền thống. Mặt khác, chế độ Việt Nam Cộng Hòa chọn người trong các buôn làng và các sắc tộc đưa xuống đồng bằng đào tạo ngắn hạn. Mục đích là để những người này có một tinh thần quốc gia, tức là thấy được họ có một tổ quốc là đất nước Việt Nam, khi tốt nghiệp họ sẽ trở về phát triển vùng đất của họ thì đó cũng là cách phát triển tổ quốc chung. Cách làm này vừa để hài hòa giữa nhu cầu phát triển địa phương của người bản địa nhưng cũng vừa để ngăn ngừa tinh thần cát cứ thành quốc gia hay lãnh địa riêng.
Việt Nam ngày nay có những nhóm hơi quá khích về mặt sắc tộc, khi muốn thành lập những vùng tự trị theo cái nghĩa là họ độc lập về mặt chính trị. Điều này đã lỗi thời rồi. Barcelona là một vùng đất của người Catalan vừa có nền văn hóa lâu đời vừa là một vùng đát phát triển nhất Tây Ban Nha, nhưng khi họ biểu quyết tách khỏi Tây Ban Nha để thành lập một quốc gia riêng thì cả Ban lãnh đạo và dân chúng Barcelona bị Tây Ban Nha và Liên Hiệp Châu Âu lên án và phủ nhận. Tôi nghĩ những cấp lãnh đạo cũng người sắc tộc hay người bản địa ở Việt Nam nên suy nghĩ lại. Nếu cứ tiếp tục điều này thì họ sẽ không được sự ủng hộ của người Việt Nam, và cả thế giới. Ngay cả những người dân chủ thực sự ở Việt Nam cũng sẽ không chấp nhận có những nhóm mưu toan tách ra thành một nước riêng, hoặc thấp hơn là tự trị về mặt chính trị có thể dẫn đến bất ổn về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Không quốc gia nào chấp nhận tạo ra cơ sở để cho các quốc gia khác can thiệp vào, hỗ trợ để tách ra và lập quốc riêng.
Con đường đúng là phải vừa tôn trọng bản sắc, xã hội và quyền lợi kinh tế của người bản địa, vừa phát triển tinh thần cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam chung.
RFA: Vậy bước đi đầu tiên để Việt Nam có thể "thống nhất trong đa dạng" là gì ?
Nguyễn Văn Huy : Điều đầu tiên phải làm là định nghĩa lại về khái niệm đất nước "Việt Nam". Nước Việt Nam không phải là một chủng tộc, người Kinh. Đất nước Việt Nam của chúng ta phải là một dự án tương lai chung, một đất nước của những cộng đồng. Trong đó, mỗi chúng ta cùng nhau đầu tư trí tuệ vào một dự án chính trị tốt đẹp, một dự án chính trị dân chủ đa nguyên. Tất cả những ai đồng ý với dự án đó thì đều có thể trở thành công dân Việt Nam nếu muốn.
Cũng giống như chúng ta đến Mỹ hay Pháp, chúng ta không phải là người bản địa, nhưng chúng ta đã cùng chia sẻ một dự án chung là cùng xây dựng và bảo vệ một quốc gia dân chủ thì chúng ta có thể trở thành công dân Mỹ hay công dân Úc, Pháp, Đức... Cộng đồng người Mỹ, người Pháp gốc Việt thực tế đã có những đóng góp to lớn cho những dự án chung của quốc gia đã tiếp cư họ. Đó là cách sinh sống tự nhiên giữa con người với nhau. Nếu chúng ta có tinh thần đó, người bản địa Tây Nguyên có thể có những đóng góp rất tích cực cho chế độ Việt Nam mình.
Tôi thấy ngày nay có nhiều người thanh niên người bản địa Tây Nguyên đạt được những thành tích quốc tế và đem lại vinh dự cho Việt Nam như cô H’Hen Niê là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017 và sau đó vào nhóm Top 5 Hoa Hậu Hoàn vũ 2018. Khi thực hiện những dự án môi trường, hay đi ra thế giới thực hiện các hoạt động văn hóa quốc tế, cô ấy vẫn nói mình là người Việt Nam, nhưng trong nước nhiều nơi vẫn nói cô ấy là người Rhađê, tức là coi cô ấy chỉ đại diện cho một dân tộc thiểu số. Tôi thấy đó là một sự xúc phạm. Trong khi đó ở Mỹ có rất nhiều nhóm cộng đồng nhỏ khác nhau và những nhân tài Mỹ thuộc các nhóm sắc tộc nhỏ ấy vẫn được gọi là người Mỹ.
RFA : Có những trở ngại nào cần vượt qua để Việt Nam có thể phát triển mạnh được tinh thần bao dung như họ, để tinh thần này chiếm vị thế áp đảo trong xã hội ?
Nguyễn Văn Huy : Tôi xin nói một chút từ góc độ dân tộc học, nhân chủng học. Người Kinh chúng ta có thói quen tổ chức xã hội một cách độc đoán theo kiểu Trung Quốc, từ đó chúng ta nhiễm tinh thần độc đoán từ cách tổ chức xã hội đó.
Các xã hội ở vùng Đông Dương có hai cách tổ chức theo hai mô hình Trung Hoa và Ấn Độ. Người Kinh theo cách tổ chức của Trung Hoa, nghĩa là tập trung và độc đoán. Trong không gian hạn hẹp của cộng đồng đó chỉ có mình ta, có văn hóa của ta là nổi bật, tiến hóa cao hơn những nhòm dân cư khác, do đó phải cai trị hay loại trừ những nhóm khác. Ví dụ thời xưa ở nông thôn Bắc Bộ, cùng là người Kinh nhưng người làng này sang làng khác sống đã bị coi là dân "ngụ cư", tức là người di cư từ bên ngoài đến rồi. Về chính trị quốc gia thì chúng ta theo mô hình Trung Quốc, tức là cái gì cũng phải tập trung và trung ương quyết định.
Trong khi đó cách tổ chức xã hội người bản địa ở phía nam của Việt Nam thì giống với các tổ chức xã hội của người Ấn Độ, truyền thống hơn và đa nguyên hơn. Người Ấn Độ trước đây tổ chức xã hội theo cách tản quyền, đa quyền. Họ di cư đến Đông Nam Á, họ không xung đột với ai hết và dễ dàng kết hợp với người bản địa để tạo dựng những quốc gia mới và có thể sống chung với nhau. Các quốc gia nhỏ có thể kết hợp với nhau thành những quốc gia lớn hơn, theo kiểu liên lập. Ngày nay nhiều nước vẫn tổ chức theo cách đó, như Malaysia là sự kết hợp của các tiểu vương quốc trước đây với hình thức liên bang, Indonesia là một nước với hơn một ngàn dân tộc bản địa khác nhau cùng sinh sống dù chính trị tập quyền mạnh hơn. Họ rất đa dạng và cũng giống hầu hết các nơi khác là trải qua bạo lực trong lịch sử nhưng giờ đây họ tìm thấy được sự đồng thuận để cùng nhau xây dựng một tổ quốc chung.
Tất cả chúng ta đều là anh em nên phải làm sao củng cố lại anh em, cùng nhau xây dựng lại tình huynh đệ để cùng chia sẻ một tương lai chung, xây dựng một đất nước chung, dân chủ hơn. Việt Nam chúng ta cũng cần đồng lòng tìm một quan niệm chung về đất nước mình như một dự án chung, một đất nước của các cộng đồng mà tất cả các bên đều thấy mình là một phần được công nhận, dù bản sắc rất khác nhau.
Tôn trọng sự khác biệt vốn không phải là truyền thống của chúng ta. Nhưng đứng trước thực tế nước ta là một quốc gia đa chủng thì chúng ta cần học tinh thần đa nguyên để tạo ra không gian sinh tồn mà những người ngày hôm nay có thể chấp nhận được và các thế hệ mai sau sẽ rất hài lòng.
RFA : RFA xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Huy đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Nguồn : RFA, 07/07/2023
Người bản địa : từ Bản tuyên ngôn mơ hồ của Liên Hiệp Quốc đến việc phủ nhận khái niệm "người bản địa" ở Việt Nam
Hôm 11/6/2023, ở Tây Nguyên xảy ra một vụ tấn công hai đồn cảnh sát trong đêm, giết chết một số cảnh sát và quan chức địa phương. Vụ tấn công bạo lực này được cho là do một số người Thượng ở Tây Nguyên thực hiện. Vụ việc này đã làm dấy lên những thảo luận trên báo chí tiếng Việt ở nước ngoài về tình trạng của người Thượng ở Việt Nam.
Những cô gái người dân tộc ở Pleiku trong trang phục truyền thống. Ảnh chụp vào ngày 19/6/1966 (minh họa)
"Bản Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" có nhiều điểm tiến bộ để bảo vệ quyền con người của người bản địa trên thế giới. Nhưng bản thân tuyên ngôn này cũng có những điểm mơ hồ về câu chữ, tạo điều kiện để diễn giải "quyền của người bản địa" theo hướng nó có thể mâu thuẫn với lợi ích quốc gia chung, khiến cho nó không nhận được sự đồng thuận phổ biến. Ngược lại, ở Việt Nam có một quan niệm chính thống của nhà nước cho rằng Việt Nam không có "dân tộc bản địa". Nhân dịp này, RFA trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Giáo sư phụ trách Khoa Các Dân tộc Đông Nam Á, Đại học Paris, Pháp, về khái niệm "dân tộc bản địa" và những chính sách đi cùng với nhận thức về khái niệm này.
Bài phỏng vấn gồm nhiều phần. Ở phần đầu tiên này, Giáo sư Nguyễn Văn Huy sẽ giải thích những bất cập của cả "Bản Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" và của cả quan niệm chính thống về người bản địa ở Việt Nam ngày nay.
RFA : Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc về quyền của người bản địa không đưa ra định nghĩa về khái niệm "người bản địa", nhưng rõ ràng là họ dùng khái niệm này theo cách hiểu phổ quát nên không cần định nghĩa. Xin ông cho biết cách hiểu phổ quát về khái niệm này.
Nguyễn Văn Huy : Bản "Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" có một số điểm không rõ ràng. Tôi không hiểu tại sao ekip chuyên gia soạn văn bản đó không đưa ra định nghĩa nào cho khái niệm "người bản địa" trong văn bản này. Định nghĩa khái niệm này không phải là việc khó khăn.
Nếu giải thích một cách đơn giản thì "dân tộc bản địa" là những sắc tộc đã có mặt ở một vùng đất nào đó từ lâu, trước khi có một hoặc nhiều thế lực khác đến chiếm hữu, khai thác vùng đất họ đang ở, khống chế họ bằng các phương thức khác nhau (phương thức kinh tế, xã hội, chính trị và thậm chí quân sự…) để đạt được các mục đích về đất đai, chính trị, kinh tế cho riêng mình, hoặc thậm chí thành lập một quốc gia khác. Với thời gian, những người mới đến chiếm ưu thế, quay sang thống trị cộng đồng cũ, tạo ra những so sánh về giàu nghèo, chênh lệch văn hóa, và bất bình đẳng giữa người mới đến và người cũ, từ đó dẫn đến những bất đồng, bất mãn.
Bản "Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" chỉ đưa ra những quyền cần phải trao cho người bản địa mà không có định nghĩa nào về khái niệm "người bản địa". Bản Tuyên ngôn này không thực hiện công đoạn đầu tiên là định nghĩa khái niệm, vì vậy nó tạo ra một sự mơ hồ và khiến cho nhiều quốc gia không muốn kí vào.
Ủy ban soạn thảo Tuyên ngôn này cũng để lại nhiều điểm lấn cấn, vì vậy có nhiều quốc gia không muốn kí vào. Và sau nhiều lần sửa đổi, mỗi bên đề nghị sửa đổi bổ sung một vài điểm, cuối cùng tạo ra một văn bản thiếu thống nhất.
Văn bản này do đó có những điểm mà nhiều quốc gia không thể chấp nhận được. Ví dụ, Điều 3 của Bản tuyên ngôn nói một cách mơ hồ như sau :
"Các dân tộc bản địa có quyền tự quyết. Nhờ quyền đó, họ tự do xác định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của mình".
Điều này có thể tạo điều kiện để diễn giải là người bản địa có những quyền chính trị độc lập với quốc gia. Nếu một văn bản có tính quy ước nhưng lại lại mơ hồ để có thể diễn giải theo nhiều hướng thì rất khó đạt được đồng thuận chung.
Mặc dù Điều 46 có nói rằng "không nội dung nào trong Tuyên bố này có thể được hiểu là hàm ý cho bất kỳ Quốc gia, dân tộc, nhóm hoặc người nào có quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào trái với Hiến chương Liên hợp quốc hoặc được hiểu là ủy quyền hoặc khuyến khích bất kỳ hành động nào sẽ chia cắt hoặc làm suy yếu, toàn bộ hoặc một phần, sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự thống nhất chính trị của các Quốc gia độc lập và có chủ quyền", nhưng quyền tự quyết định về chính trị trong một quốc gia đã tồn tại là một ý mơ hồ, và không ai có thể chấp nhận, ngay cả những nước như Mỹ, Úc, Canada. Đối với những quốc gia có người bản địa như Việt Nam, Úc, Brazil, nếu quy định một cách không rõ ràng, tạo ra cách hiểu là người bản địa có thể có những địa vị chính trị dẫn đến độc lập với quốc gia thì khó có thể được chấp nhận. Điều đó tạo ra sự khập khiễng của Bản Tuyên ngôn này.
RFA : Có phải vì một số yếu tố mơ hồ như vậy mà có những quốc gia hiện đã có chính sách ưu đãi tốt với người bản địa như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand đã từ chối ngay từ đầu kí vào bản Tuyên ngôn này ?
Nguyễn Văn Huy : Đúng vậy. Nhiều nước dân chủ phủ nhận thẳng thắn một số điểm của Bản tuyên ngôn. Còn một số nước độc tài trong đó có Việt Nam thì nói là tán thành Bản tuyên ngôn nhưng trên thực tế không không chấp nhận những nguyên tắc mà Bản tuyên ngôn nêu ra.
Người Thượng lên xe buýt sau khi đến sân bay Quốc tế Phnom Penh hôm 28/7/2004. Nhóm người Thượng theo Tin lành đã phải vượt biên giới sang các nước láng giềng vào chạy trốn sự đàn áp tôn giáo của chính quyền (minh họa). Reuters
RFA : Ở Việt Nam có những ý kiến từ phía Nhà nước phủ nhận khái niệm "người bản địa". Vậy chúng ta nên nhìn vấn đề như thế nào
Nguyễn Văn Huy : Gần đây, trong một phúc đáp ngày 10/5/2023, gửi các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam khẳng định một mặt "Việt Nam nhất trí với Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) trên tinh thần quốc tế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung", nhưng mặt khác, do "UNDRIP không đưa ra định nghĩa cụ thể về người bản địa. Do đó, các quốc gia có thể hiểu và vận dụng khác nhau tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở mỗi quốc gia ; không thể áp đặt trong việc áp dụng UNDRIP. Khái niệm "người bản địa" không phù hợp với đặc điểm, lịch sử hình thành và phát triển của các dân tộc Việt Nam. Nói cách khác, ở Việt Nam không có khái niệm dân tộc bản địa".
Tôi thấy Việt Nam nói "nhất trí" với Bản tuyên ngôn cũng chỉ là cách nói cho vui, cũng giống như Việt Nam đồng ý hết với bản Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhưng trong thực tế không áp dụng. Còn về vấn đề quyền của người bản địa, tôi có đọc một bài viết trên Tạp chí Cộng sản năm 2008 nói rằng ở Việt Nam không có "người bản địa". Đó là bài "Bối cảnh lịch sử "Quyền của người bản địa" không tồn tại ở Việt Nam", ngày 28/10/2008 . Bài viết này phủ nhận rằng ở Việt Nam có dân tộc bản địa, mà dân tộc nào ở Việt Nam cũng là bản địa cả. Bài viết lập luận như sau :
"Ở Việt Nam, trước khi thực dân Pháp xâm lược, tất cả các dân tộc đều đã cùng nhau khai sơn, phá thạch, đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu để xây dựng và giữ gìn mảnh đất này. Có thể nói, 54 dân tộc hiện dang sống trên Tổ quốc Việt Nam đều đã chôn nhau, cắt rốn, sinh sống trên mảnh đất này ngay từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Nếu theo quan điểm : hễ dân tộc nào có mặt đầu tiên trên mảnh đất mà ngày nay họ đang sinh sống, dân tộc ấy là "người bản địa", thì tất cả 54 dân tộc sống trên đất Việt Nam đều là "người bản địa" ! Họ đang ở cả Bắc, Trung, Nam, ở cả đồng bằng, trung du, miền núi. Họ có thể là người Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Cao Bằng, Lạng Sơn, Cần Thơ, An Giang…, thậm chí, cả ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…".
Tôi thấy ngượng thay cho người viết. Trình độ và cấp bậc của người viết bài này chắc hẳn là rất cao chứ không phải là một người mới tập tành viết lách. Bài viết từ chối Việt Nam có người bản địa và cho rằng hễ dân tộc nào có mặt đầu tiên trên mảnh đất mà ngày nay họ đang sinh sống, dân tộc ấy là "người bản địa" là một lối lý luận nói càng, một yếu kém trí tuệ lớn.
Mặc dù Bản tuyên ngôn không có định nghĩa rõ ràng thế nào là người bản địa, nhưng theo cách hiểu thông thường, và cũng là cách hiểu được thể hiện trong ngữ cảnh của Bản tuyên ngôn, thì "người bản địa" là những cộng đồng dân tộc đã có mặt trên một vùng đất rất lâu, trước khi có một lực lượng hay cộng đồng nào khác đến để cạnh tranh, áp đảo hoặc thống trị họ, làm suy yếu họ để giành quyền lợi, quyền sống, quyền tự quyết của họ. Có thể đó là cách hiểu phổ thông nên người ta không định nghĩa. Nhưng rõ ràng một văn bản quốc tế quan trọng như vậy thì nên có định nghĩa.
Tôi nghĩ cách lập luận phủ nhận khái niệm người bản địa ở Việt Nam là một cách nói để từ chối công nhận quyền sống khác biệt của người bản địa : quyền tự trị trong khu vực sinh cư nhất định của họ về văn hóa, phong tục tôn giáo, những tập quán cổ truyền.
Tôi cũng hiểu những lo lắng của Nhà nước Việt Nam và thông cảm một phần, nhưng từ chối Việt Nam không có người bản địa là một tư duy khiên cưỡng. Nó giống như một kẻ ỷ lớn hiếp nhỏ, cậy mình là một cộng đồng lớn hơn, đông hơn, mạnh hơn, từ chối sự hiện hữu của những cộng đồng nhỏ hơn và ép họ phải tuân phục mình.
Nguyễn Văn Huy, nguyên Giảng viên bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999)
RFA : Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo, TS. Nguyễn Văn Huy sẽ giải thích về thực tế tồn tại của "người bản địa" ở Việt Nam từ góc độ lịch sử.