Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/12/2023

Người bản địa Việt Nam – người Việt Nam tại Myanmar

RFA tổng hợp

Việt Nam vẫn không công nhận "người bản địa" tại Liên Hiệp Quốc

RFA, 01/12/2023

Việt Nam tiếp tục bác bỏ sự tồn tại của "người bản địa" trong phiên báo cáo về Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/11 tại Geneva (Thụy Sỹ).

vietnam1

Đoàn Việt Nam báo cáo trước Uỷ ban CERD của Liên Hiệp Quốc - un.org

Đây là kỳ báo cáo lần thứ 17 của Việt Nam kể từ khi tham gia CERD vào năm 1982, thế nhưng, quốc gia độc đảng này chỉ mới có năm lần thực hiện báo cáo trực tiếp với Ủy ban Công ước CERD.

Buổi báo cáo được phát trực tuyến trên trang web của Liên Hiệp Quốc.

Tiếp tục bác bỏ "người bản địa"

Tại phiên báo cáo, ông Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - trưởng đoàn Việt Nam, khi trả lời câu hỏi chất vấn của Uỷ ban CERD về vấn đề Việt Nam không công nhận "người bản địa" đối với cộng đồng người Chăm, Khmer và người Thượng ở Tây Nguyên, cho rằng, Chính phủ Việt Nam không dùng từ "bản địa" mà thay vào đó là từ "dân tộc thiểu số". 

Theo ông Y Thông, Việt Nam trước năm 1954 là thuộc địa của Pháp. Những người dân sống ở Tây Nguyên lúc bấy giờ là người "bản địa" đối với người Pháp (RFA dẫn nguyên câu phát biểu của ông tại cuộc họp như sau) :

"Người đồng bào dân tộc thiểu số cùng với đồng bào dân tộc đa số tại Tây Nguyên là những người làm công nhân cho các đồn điền cao su, cà phê của ông chủ người Pháp. Do đó, người dân tộc ở vùng này cũng trở thành người "dân tộc bản địa" của các ông chủ người Pháp, tại thời điểm là thuộc địa của Pháp. 

Cho nên chúng tôi không dùng cái từ đấy nữa mà chúng tôi dùng cái từ "dân tộc thiểu số" hoặc là "dân tộc rất ít người".

Tuy nhiên, cùng có mặt tại cuộc họp, bà Biap Krong, thuộc BPSOS - một tổ chức chuyên vận động cho Quyền Tự do tôn giáo và Quyền của người bản địa ở Việt Nam, cho rằng, cách giải thích của ông Y Thông chỉ là một chiến thuật "chơi chữ" của chính quyền Hà Nội. Bà nói với RFA :

"Bởi vì trong Công ước về quyền của người bản địa thì họ có rất nhiều quyền tự quyết. Họ có thể áp dụng những quyền ở trong đó để nói chuyện lại với nhà nước Việt Nam. Tôi nghĩ rằng họ (Chính phủ Việt Nam - PV) sợ người bản địa có được ưu thế dựa vào bản tuyên ngôn về người bản địa. Họ cũng có chiến thuật hết trơn rồi".

Mục sư Vàng A Mình, một người sắc tộc H’Mong, cũng tham gia đầy đủ hai ngày trả lời chất vấn của phái đoàn Việt Nam, cho biết Uỷ ban CERD có đặt câu hỏi về những cáo buộc rằng chính quyền Hà Nội đàn áp nhiều người H’Mong theo đạo tin lành, thế nhưng phía Việt Nam không đưa ra câu trả lời cho vấn đề này :

"Họ đặt câu hỏi về người H'Mông theo đạo Tin Lành bị bắt và họ cũng đặt câu hỏi về những người H'Mông chạy sang Thái Lan lánh nạn nhưng phái đoàn Việt Nam không trả lời. Họ chỉ nói sơ sơ chứ họ không nhắc gì đến người dân tộc H’Mông".

o cáo chung chung, không thực tế

vietnam2

Đoàn Việt Nam ở hải ngoại chụp ảnh cùng báo cáo viên đặc biệt Surya Deva. Ảnh : BPSOS

Các thành viên của Uỷ ban tại cuộc họp cũng yêu cầu Việt Nam giải trình về một số vấn đề khác, bao gồm việc thực hiện chính sách dành cho người sắc tộc thiểu số, lời nói phân biệt chủng tộc và kích động hận thù, quyền được tham gia chính trị của nhóm người này…

Trả lời các câu hỏi nêu trên, đoàn Việt Nam, bao gồm đại diện các Bộ Tư pháp, Thông tin và truyền thông, Giáo dục… (theo ghi nhận của RFA từ buổi ghi hình trực tuyến) thì hầu như phía Việt Nam chỉ đọc các bản báo cáo được soạn sẵn. Nội dung chủ yếu liên quan đến pháp luật, chính sách, các cơ chế, điều khoản trong hệ thống pháp luật mà họ cho là có thể "bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số". 

Một thành viên trong uỷ ban yêu cầu phái đoàn Việt Nam ngưng đọc các điều khoản luật một cách dong dài, thay vào đó, Việt Nam cần trả lời thẳng vào các trường hợp vi phạm cụ thể mà uỷ ban CERD đã nêu ra. Người này đề nghị :

"Thật không thú vị khi nghe bạn nói về nội dung của các điều khoản Hiến pháp, pháp lý hay chỉ thị hành chính. Điều này bạn đã nói với chúng tôi rất nhiều lần.

Sự bình đẳng trong luật pháp không đảm bảo được sẽ không xảy ra phân biệt đối xử. Chính việc áp dụng sẽ cho chúng tôi biết điều gì đang diễn ra.

Chúng tôi nhìn vào những nạn nhân, những người nói rằng họ là nạn nhân bị phân biệt đối xử, để đặt câu hỏi và mong đợi câu trả lời dựa trên những câu hỏi đó. Chuyện gì đang xảy ra với nạn nhân ?

Vui lòng cho chúng tôi biết về những điều như vậy để chúng ta có thể có đối thoại mang tính xây dựng hơn, hợp tác và hiệu quả hơn".

Nói về các báo cáo của đoàn Việt Nam, Bà Biap Krong khẳng định Chính phủ Hà Nội vẫn nhất quyết từ chối và phủ nhận quyền của người bản địa một cách thẳng thừng.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch BPSOS nhận xét thêm rằng :

"Cái quan trọng nhất là chính người dân, những nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc có tiếng nói ở tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. 

Và khi mà người dân ở trong nước Việt Nam theo dõi thì sẽ biết rằng tiếng nói của họ trực tiếp vi chính quyền thì chưa có ảnh hưởng, nhưng đi vòng qua Liên Hiệp Quốc thì họ lại có quyền gián tiếđòi hỏi nhà nước phải giải trình".

RFA, 01/12/2023

*****************************

166 người Việt kẹt giữa vùng chiến sự Myanmar kêu cứu vì hết lương thực

RFA, 01/12/2023

"Chúng tôi là người Việt Nam, ở đây 40 ngày rồi, không có cơm ăn, không điện, không nước. Giờ chúng tôi lạnh quá, hết tiền ăn, lương thực giờ đã cạn kiệt.

vietnam3

Nhóm người Việt Nam đang được bố trí sống tạm trong một trường học bỏ hoang ở phía bắc Myanmar - Facebook Mẫn Linh

Xin Đại sứ quán Việt Nam cứu chúng tôi về Việt Nam càng sớm càng tốt. Cứu, cứu, cứu !"

Đó là tiếng kêu đồng thanh của nhóm người Việt đang bị kẹt lại ở vùng chiến sự ở biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc, trong video mà thân nhân của một trong số họ gửi cho Đài Á Châu Tự Do (RFA).

Họ nằm trong số 166 người bị lừa sang làm việc cho những công ty cờ bạc trực tuyến ở phía bắc Myanmar, được quân đội của chính quyền quân sự giải cứu vào ngày 20/10 vừa qua, và sau đó được bố trí sống tạm trong một trường học bị bỏ hoang.

Một giọng nam khác tiếp lời khi đám đông ngừng hô :

"Đại sứ quán bảo xác nhận được (thông tin của các công dân Việt Nam-PV) nhưng mà vẫn chưa thấy đến thăm gặp chúng tôi và xử lý cho chúng tôi để chúng tôi về.

Mong tất cả Đại Sứ quán và Chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng cứu lấy chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi về quê hương sớm nhất có thể. Cứu lấy chúng tôi !"

Một phụ nữ ở tỉnh Kiên Giang có con gái đang bị kẹt lại cùng nhóm người trên hôm 01/12 cho hay, con bà cùng nhiều người khác được quân đội Myanmar giải cứu trong một cuộc kiểm tra hành chính ở một công ty có tên Việt là Tập đoàn Liên Thắng.

Người phụ nữ không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh cho biết, 166 người sống trong những phòng học, chỉ được cấp điện từ một đến hai tiếng trong buổi sáng, không có nước sinh hoạt, quân đội phát đồ ăn ngày hai bữa, tiêu chuẩn một bữa chỉ được một bát cơm và canh rau cho mỗi người.

"Thời tiết bên đó bây giờ lạnh rồi mà nhiều người không có áo ấm để mặc", bà thuật lại lời người con.

Đang làm việc ổn định ở một nhà hàng địa phương, con bà bỏ nhà sang Myanmar vào giữa tháng 8 theo lời dụ dỗ có công việc nhẹ nhàng với mức lương 21 triệu đồng/tháng. Bà chia sẻ với RFA :

"Hai tuần đầu thì tương đối dễ chịu, được đi nhà hàng và mua sắm. Sau đó công ty ký hợp đồng lao động và bắt đầu siết chặt con tôi lại liền. Nó không cho dùng điện thoại luôn.

Ký hợp đồng xong là công ty bắt con tôi sử dụng mạng xã hội Facebook để kêu gọi đầu tư, lừa đảo người Việt Nam. Nếu không đạt chỉ tiêu doanh thu một ngày 200-300 triệu thì công ty sai người đánh đập con em của mình hoặc là bỏ đói trong phòng, có khi là chích điện.

Công ty ép buộc một số cháu khác tìm người Việt Nam qua bên đó làm việc cho công ty. Nếu mà không được chỉ tiêu là công ty cũng cho người đánh đập và chích điện".

Bà cho biết con của bà cùng đi với nhóm bạn hàng chục người và đều làm trong cùng một công ty. Điều hành công ty là những người nói tiếng Trung Quốc và Myanmar, và công ty có thông dịch viên người Việt để truyền đạt mệnh lệnh cho nhân viên.

Những người Việt bị kẹt đến từ nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước qua Myanmar làm việc theo lời dụ dỗ, riêng Kiên Giang có khoảng 100 người, bà cho hay.

Một số người trong nhóm bị kẹt trên đã được RFA đưa tin vào ngày 15/9. Theo đó, nhóm buôn người lừa và ép đưa sang Myanmar để làm công việc lừa đảo trực tuyến trong nhiều tiếng đồng hồ một ngày. Họ bị hành hung và tra tấn khi không làm đúng theo ý của chúng hay không đạt chỉ tiêu.

Sau khi những nạn nhân gọi điện về nhà cầu cứu, bà cùng các thân nhân khác viết đơn đề nghị giải cứu công dân đến Sở Ngoại vụ và Công an tỉnh Kiên Giang vào ngày 16/10, và bốn ngày sau họ lặn lội ra Hà Nội để gửi đơn cho Cục Lãnh sự và Bộ Ngoại giao, nhưng cho đến nay chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan này.

"Hồi bữa chúng tôi có điện lên chỗ mà chúng tôi nộp đơn thì người ta nói hiện nay Việt Nam và Myanmar đang đàm phán với Trung Quốc để phía Trung Quốc mở tạm cửa khẩu để người Việt rời vùng chiến sự của Myanmar để sang đó tạm lánh.

Tôi nghe thông tin công dân của các quốc gia Thái Lan, Campuchia, và Philipine đã được về nước qua đường Trung Quốc, nhưng không hiểu sao con tôi và các bạn vẫn bị kẹt tại Myanmar".

Ngày 01/12, Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay có 121 người chủ yếu là công dân Malaysia bị nghi là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến đã được sơ tán khỏi Myanmar sau khi họ bị mắc kẹt do giao tranh giữa quân đội và các nhóm nổi dậy ở phía bắc đất nước.

Trong khi đó theo trang myanmaritv, có hơn 700 công dân Trung Quốc cư trú bất hợp pháp được hồi hương từ Myanmar hôm 28/11 nâng tổng số công dân Trung Quốc được đưa về nước từ cuối tháng 10 đến nay là gần 10.000 người.

16 công dân Lào trong tình trạng tương tự cũng được hồi hương hôm 13/11.

Một người đàn ông ở Kiên Giang không muốn nêu danh tính cũng có con gái đang bị mắc kẹt trong nhóm 166 người, cho RFA biết theo thông tin của con ông thì họ bị tạm giam để phía Myanmar điều tra, nhưng không rõ điều tra gì mà mấy tháng rồi họ không được đưa trở về Việt Nam, công an địa phương cũng nói với ông như vậy.

Phóng viên nỗ lực liên lạc với những người bị mắc kẹt qua các ứng dụng nhắn tin nhưng không được hồi đáp.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Myanmar để hỏi thông tin về nhóm người Việt trên nhưng chưa nhận được phản hồi.

Phóng viên gọi điện cho Đại Sứ quán Việt Nam ở Myanmar trong buổi chiều ngày 01/12 nhưng người trực máy đề nghị phóng viên gọi cho Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Một cán bộ trực Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao sau đó khẳng định với phóng viên RFA :

"Đối với những trường hợp người dân bị đưa về tạm giữ tại doanh trại quân đội thì bên Đại Sứ quán đang có báo là đề nghị bên mình giữ bình tĩnh, bởi vì công việc giải cứu và hỗ trợ những người bị mắc kẹt ở Myanmar hiện tại rất phức tạp và mất thời gian vì bên đó đang có nội chiến".

Khi phóng viên hỏi thêm vì sao công dân của các nước khác đã được hồi hương nhưng công dân Việt vẫn còn ở lại, cán bộ này đề nghị gọi cho Đại Sứ quán hoặc chờ bên Cục Lãnh sự Việt Nam đưa tin.

Một cán bộ tên Lập của Phòng Lãnh sự- Sở Ngoại vụ của tỉnh Kiên Giang cho biết cơ quan của ông đã nhận được hơn 20 lá đơn của thân nhân những người của địa phương đang bị kẹt ở Myanmar. Cơ quan này đã chuyển đơn đến Cục Lãnh sự và Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng chưa nhận được trả lời.

Hôm 26/11, trang Facebook của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đăng thông báo đề nghị các công dân Việt Nam đang ở thị trấn Laukkaing và cửa khẩu Myanmar giáp Trung Quốc nhanh chóng gửi hình chụp trang nhân thân hộ chiếu gửi email cho cơ quan này trước ngày 27/11 để kịp làm thủ tục với các bên nước ngoài liên quan, danh sách đính kèm lên đến hơn 400 người.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 09/11, Phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng của Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của VnExpress :

"Về tình hình người Việt được giải cứu từ các sòng bạc lừa đảo ở Myanmar, cho đến nay đã xác định được 166 công dân Việt Nam trong số người nước ngoài được giải cứu, những người này đã được đưa về khu vực an toàn ở biên giới phía bắc Myanmar, giáp với Trung Quốc".

Theo bà Hằng, khu vực biên giới phía bắc cùng một số nơi khác ở Myanmar đang xảy ra giao tranh. Do vậy, việc tiếp cận và bảo hộ công dân gặp khó khăn.

VnExpress dẫn lại lời bà Hằng về hoạt động của phía Việt Nam trong việc hồi hương nhóm người này :

"Đại sứ quán Việt Nam ở Myanmar đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng sở tại và trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc để có phương án bảo hộ công dân và đẩy nhanh công tác điều tra, xác minh, hoàn tất các thủ tục để hỗ trợ đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất, đồng thời đề nghị Myanmar có phương án bảo đảm an ninh, an toàn và điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho công dân".

RFA, 01/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 100 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)