Việt Nam - Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện, quản lý bất đồng ở Biển Đông
RFA, 01/12/2023
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang ở thăm Việt Nam đã có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao ở Hà Nội trong hai ngày qua để thảo luận một loạt các vấn để về hợp tác, cam kết tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Ngoại trưởng Vương Nghị và Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ở Hà Nội hôm 1/12/2023 - AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết, ông Vương Nghị đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Sơn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản VN Lê Hoài Trung.
Tại các cuộc gặp này, hai bên đã đánh giá cao những thành tựu đạt được trong quan hệ hai nước trong suốt 15 qua sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao song phương mà Việt Nam có được với các nước khác.
Theo Tuổi Trẻ, tại cuộc gặp với ông Lê Hoài Trung hôm 2/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tin tưởng với định hướng của lãnh đạo cao nhất, hai nước sẽ vượt qua mọi thách thức, thúc đẩy sự nghiệp của mỗi nước phát triển, đóng góp vào phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới.
Ông Trung khẳng định sự coi trọng cao độ và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc, nhấn mạnh ý nghĩa định hướng chiến lược lâu dài của quan hệ hai Đảng và lãnh đạo cao nhất hai Đảng đối với sự phát triển của quan hệ hai nước trong thời kỳ mới.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Bùi Thanh Sơn hôm 1/12, hai bên thảo luận các vấn đề bao gồm việc Việt Nam đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam ; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, nhất là đường sắt và đường bộ.
Hai bên cũng thảo luận các vấn đề biên giới lãnh thổ, vấn đề Biển Đông. Truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết hai bên nhất trí thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao về kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng trên biển, không để ảnh hưởng đến đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Tờ China Daily của Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị thúc giục Việt Nam tiếp tục cải thiện lòng tin giữa hai nước, duy trì tham vấn và giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Theo truyền thông Việt Nam, tại cuộc gặp giữa hai bộ trưởng ngoại giao, hai bên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy và phối hợp chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp trong thời gian tới.
Theo dự kiến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Việt Nam trong tháng này.
RFA, 02/12/2023
*************************
Dư luận lên tiếng việc Việt Nam đề nghị Trung Quốc giúp chống tham nhũng ?
RFA, 01/12/2023
Khi tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc hôm cuố tháng 11/2023, Trưởng Ban Nội chính Trung ương - Phan Đình Trạc đã đưa ra đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo cán bộ chuyên ngành nội chính, pháp luật, phòng, chống tham nhũng...
Courtesy dcs.vn
Ý nghĩa "sâu xa" !
Đề nghị trên của ông trưởng ban Nội chính gặp không ít sự "tranh luận" của giới thạo tin trong và ngoài nước. Hôm 1/12, khi được hỏi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy nói với RFA :
"Có hai vấn đề trong câu chuyện này. Thứ nhất, Đảng cộng sản Việt Nam đã chọn sao chép mô hình chính trị từ Trung Quốc từ rất lâu. Việc đề xuất nhờ đào tạo cán bộ chống tham nhũng là một bước trong quá trình sao chép chính sách và kinh nghiệm xây dựng mô hình chính trị từ nước láng giềng".
Thứ hai, việc đưa ra một lời kêu gọi như vậy đồng nghĩa với việc Việt Nam gửi đi một thông điệp về phía Trung Quốc rằng chúng tôi vẫn luôn ngưỡng mộ và học hỏi mô hình của các anh, và chúng tôi sẽ tiếp tục ở trong quỹ đạo của các anh".
Ngoài việc nhờ "đồng chí tốt" hỗ trợ phòng, chống tham nhũng, ông Phan Đình Trạc còn yêu cầu hai nước VN-TQ tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, ủng hộ quan điểm, lập trường tại các diễn đàn đa phương về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp và các lĩnh vực liên quan giữa hai đảng...
Từ Hà Nội hôm 1/12/2023, cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí chia sẻ ý kiến của ông với RFA rằng, việc Việt Nam nhờ Trung Quốc huấn luyện thì ngay từ thời xưa đã có, nhiều người được đào tạo ở các học viện, tại các trường đảng của Trung Quốc như ở Quảng Châu... nhưng sau một thời gian không còn nữa. Tuy nhiên theo ông Trí, khoảng 20 năm trở lại đây thì việc này lại tiếp tục. Ông Trí nói tiếp :
"Tôi có theo dõi tương đối sát và thấy dư luận có phần bức xúc về việc này. Ví dụ như việc Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng sang một thành phố của Trung Quốc để bế giảng lớp hợp tác đào tạo cán bộ chủ chốt của thành ủy Hà Nội. Nhưng mà nếu theo dõi kỹ một chút thì tôi nghĩ rằng chuyện đấy cũng là bình thường, như là đi thực tế tham quan, có lẽ dừng ở mức độ đấy. Tôi thấy ta cũng không nên quá lo ngại, vì rõ ràng về mặt xây dựng chủ nghĩa xã hội, hay thiết lập chuyên chính vô sản, duy trì quyền lực của đảng cộng sản... thì rõ ràng Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay đang làm tốt hơn Đảng cộng sản Việt Nam, kể cả về phát triển kinh tế, phát triển khoa học...".
Riêng về lĩnh vực chống tham nhũng và đặc biệt với đề nghị mới đưa ra hôm cuối tháng 11/2023 như vừa nêu ở trên, ông Vũ Minh Trí cho rằng "cũng là thỏa đáng". Ông lý giải :
"Bởi vì trong thời gian vừa qua, Trung Quốc có nhiều kết quả nổi bật về công tác phòng chống tham nhũng, những cán bộ bị bắt của họ như Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ chính trị và phụ trách công tác nội chính của Trung Quốc mà còn bị sờ đến, thì rõ ràng họ khá quyết tâm, khá mạnh tay trong việc đấy. Và qua các vụ đánh án, họ bắt một lúc hai Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, và họ bắt một loạt tướng... Thì thấy chắc chắn về mặt điều tra, về mặt chuyên môn nghiệp vụ của họ, có kết quả tương đối nổi bật, đáng để Việt Nam học tập. Tôi nghĩ việc ông Phan Đình Trạc đề nghị lãnh đạo Trung Quốc giúp Việt Nam chống tham nhũng thì cũng là khá thỏa đáng".
Việt Nam-Trung Quốc & những khác biệt
Tuy nhiên, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 1/12/2023 lại cho rằng, thoạt nhìn thì thấy Đảng cộng sản Trung Quốc cũng giống Đảng cộng sản Việt Nam và việc Trung Quốc chống tham nhũng thành công thì Việt Nam cũng hy vọng sẽ chống tham nhũng thành công. Nhưng, theo ông Già, nếu xét kỹ hơn sẽ thấy nhiều khác biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam trong việc chống tham nhũng :
"Thứ nhất, Trung Quốc thành công trong việc chuyển từ chế độ độc đảng toàn trị sang độc tài toàn trị, còn Việt Nam cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ với chế độ độc đảng toàn trị. Điều này có nghĩa ông Tập Cận Bình xuất hiện từ trong nước đến nước ngoài thì gần như tuyệt đối với vai trò thống lĩnh thiên hạ tại Trung Quốc. Tôi cho rằng ông Tập Cận Bình đã gầy dựng hình ảnh đúng như Khổng Tử nói, tức là ‘tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’... Còn ở phía Việt Nam cho đến nay, không một nhân vật nào làm được gì hết... tu thân, tề gia không xong thì lấy gì trị quốc, còn bình thiên hạ thì xin lỗi miễn bàn".
Khác biệt thứ hai theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già chính là văn hóa. Ông Già cho rằng thoạt nhìn Việt Nam và Trung Quốc cũng giống nhau, vì cùng xuất thân từ nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu, nhưng Trung Quốc đến nay đã gần như bức phá, thoát khỏi nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu với sự thành công về kinh tế khiến cả thế giới kinh ngạc và có phần e dè. Còn Việt Nam, theo ông Già, tính từ năm 1975 tới nay đã gần nửa thế kỷ mà vẫn là nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu, với đặt trưng ‘đất lề quê thói’... đúng với tục ngữ xưa ‘một người làm quan, cả họ được nhờ’. Ông Nguyễn Ngọc Già nói tiếp :
"Xét ở khía cạnh văn hóa chống tham nhũng, tại Việt Nam chống tham nhũng là chống lại lòng tham, tức là chống lại bản chất của chế độ đã gầy dựng lên sự nghiệp cho Đảng cộng sản Việt Nam, bằng chứng là đa số quan chức cao cấp dính tham nhũng đều vô cùng giàu có và ăn theo họ là hàng hàng lớp lớp những người có liên quan, như câu tục ngữ tôi vừa thưa. Trong khi đó ở Trung Quốc, những nhân vật dính đến tham nhũng đều có mang màu sắc chính trị. Còn ở Việt Nam nói một cách mỉa mai, là tham nhũng thuần khiết".
Yếu tố khác biệt thứ ba theo ông Nguyễn Ngọc Già là yếu tố pháp luật, khi việc thực thi pháp luật ở Trung Quốc có sự xuyên suốt rõ ràng, còn ở Việt Nam việc thực thi pháp luật trong vấn đề chống tham nhũng là theo thời cuộc, lúc này lúc khác, rất nghiệp dư... Ông Già nêu dẫn chứng :
"Ví dụ như vụ tày trời mới nhất đó là bà Trương Mỹ Lan, với hàng triệu tỷ đồng, chưa xét xử gì mà báo chí đã phóng tin với dư luận rằng ‘những người liên quan mà không mưu lợi thì được miễn truy tố’.
Yếu tố khác biệt thứ tư là yếu tố an ninh quốc gia trong lĩnh vực chống tham nhũng. Yếu tố này Trung Quốc đặt lên hàng đầu. Còn ở Việt Nam nó nhục nhã lắm, những quan chức tham nhũng không quan tâm đến an ninh quốc gia, mờ mắt chỉ biết tiền, không cần quan tâm danh dự của Đảng cộng sản Việt Nam thì nói gì đến an ninh quốc gia".
Vị nhà báo độc lập này cho rằng còn một yếu tố nữa khiến Việt Nam-Trung Quốc khác biệt đó là yếu tố nhân tâm. Ông giải thích :
"Nhân tâm của người Việt Nam hiện nay người ta không phục, không tin vào vấn đề chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam. Bởi vì họ thấy cách chống tham nhũng trong hàng chục năm qua mang đậm màu sắc thanh trừng, hơn là vì dân vì nước".
Theo nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, việc Việt Nam muốn mời Trung Quốc "dạy" chống tham nhũng thành công... là suy nghĩ nông cạn và những người muốn mời chỉ xét một cách phiến diện bằng phương châm ‘bốn tốt, 16 chữ vàng’ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Và điều nguy hại hơn theo ông Già là Việt Nam không lường trước được vấn đề an ninh quốc gia có thể bị đe dọa và bắt làm con tin chính trị, khi Trung Quốc dạy Việt Nam cách chống tham nhũng.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, cách suy nghĩ nông cạn này càng tự bộc lộ ra trong nội bộ của cấp cao và cấp cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam, đang có một sự phân rã mãnh liệt.
RFA, 01/12/2023