Loay hoay tìm cách xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc
RFA, 29/11/2023
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào ngày 28/11/2023.
Thành phố Hồ Chí Minh đang tính toán lại giá và thời điểm để đưa ra đấu giá lại 4 lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được đấu giá với mức giá cao gần gấp tám lần giá khởi điểm, sau đó các công ty trúng đấu giá đều bỏ cọc.
Theo Dự án Luật sửa đổi này, người tham gia đấu giá phải nộp tiền cọc bằng 5-20% giá khởi điểm tài sản đấu giá. Đây là mức cọc bằng với quy định hiện hành trước khi sửa đổi. Với mức này nhiều vụ trúng đấu giá rồi bỏ cọc đã xảy ra.
Tại phiên thảo luận vào ngày 28/11, theo truyền thông nhà nước, một số Đại biểu quốc hội đề nghị tăng mức tiền cọc cao hơn 5-20%, nhưng Bộ Tư pháp lại cho rằng làm vậy sẽ ít người đủ điều kiện tham gia đấu giá (!?).
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, hôm 28/11/2023 nhận định với RFA :
"Tôi đề nghị tăng mức tiền cọc, quy định tiền cọc theo giá trị tài sản. Riêng tài sản đặc thù có thể nâng tiền cọc lên 50% giá khởi điểm. Tôi thấy tăng lên như vậy để tránh trường hợp mua đất đai trục lợi, mà chỉ mua để phục vụ hoạt động của mình".
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, ông đề xuất tăng tiền cọc vì gần đây nhiều người tham gia và trúng đấu giá các lô đất hoặc biển số xe ôtô đẹp, sau đó bỏ cọc. Như vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, đấu giá thuê đảo ở hồ Xuân Hương… Ngoài ra ông Hậu còn đề xuất thêm :
"Nên bổ sung chế tài để xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc, như phạt tiền, bồi thường chi phí tổ chức đấu giá hoặc không cho tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định, thậm chí xử lý hình sự, vì làm như vậy là có trục lợi".
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu hôm 29/11 khi trao đổi với RFA từ Việt Nam cho rằng, việc nhiều thứ đem ra đấu giá ở Việt Nam ví dụ như đấu giá bản số xe là không hợp lý :
"Tôi nghĩ việc các cơ quan chức năng đưa ra đấu giá, bao gồm việc đấu giá bảng số xe là một điều không hợp lý. Tại vì như nhiều quốc gia khác, vấn đề nhận được số xe là do cơ quan quản lý cấp, còn bây giờ có những số xe Việt Nam xem là đẹp và phải mua số xe đó… Và được đem ra đấu giá, là một hình thức mà tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng dùng cách đó để có doanh thu cho cơ quan của mình. Đây là điều không hợp lý, tại vì tất cả những dịch vụ như thế là dịch vụ công và dĩ nhiên người dùng phải trả lệ phí, nhưng đó là lệ phí phổ thông, chứ không phải lệ phí thông qua đấu giá hoặc thông qua hình thức kinh doanh".
Liên quan Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đang được Quốc hội xem xét, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết ý kiến của ông :
"Tôi nghĩ thông thường, nếu đấu giá thì đặt cọc bảo đảm cho những người đấu giá, trong trường hợp thành công rồi mà bỏ kết quả đấu giá đó thì họ mất cọc. Nhưng tôi nghĩ 5% là quá thấp, đặc biệt những nhóm đầu cơ đóng cọc để tạo ra giá ảo của một miếng đất, thì các cơ quan chức năng phải tỉnh táo để mà xem thực lực của những người đấu giá như thế nào ? Không những yêu cầu họ phải đóng cọc, mà cũng cần phải xem xét những thành phần tham gia đấu giá có năng lực tài chính hay không ?"
Vài năm gần đây, nhiều vụ trúng đấu giá với giá rất cao, nhưng sau đó lại bỏ cọc, đơn cử như vụ bốn lô đất rộng khoảng hơn 30 ngàn m2 ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm – Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 12/2021 đã được đấu giá với mức giá 37.350 tỷ đồng, cao gần gấp tám lần giá khởi điểm, sau đó các công ty trúng đấu giá đều bỏ cọc.
Một người có đầu tư bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đình Đệ, người bị chính quyền lấy đất Thủ Thiêm nhưng không được đền bù thỏa đáng, hôm 29/11 nói với RFA :
"Tôi nhận xét chẳng qua họ có thủ đoạn muốn bơm giá lên không đúng sự thật, để những người mua những miếng đất xung quanh thấy miếng này đắt tiền, thì tranh thủ mua những miếng của họ kế bên. Còn số xe thì tôi nghĩ do họ mua rồi mà bán không được, nên họ bỏ cọc. Theo luật thì về mặt hành chính không xử lý được gì, vì trước khi đấu giá đã đóng cọc, khi bỏ thì mất cọc thôi, chứ không xử lý được gì. Còn chuyện bơm giá là bình thường, đó là quy luật của những nhóm đầu tư, họ muốn những miếng đất họ có xung quanh được bơm lên để thao túng thị trường. Mua giá thực thì không sao, chứ bơm kiểu đó thì thị trường sẽ náo loạn. Nhà nước thì trong những trường hợp như thế không xử lý được, vì chỉ vi phạm hành chính".
Liệu nếu quy định mức cọc như cũ có tái diễn tình trạng đấu giá cao, bỏ cọc như vừa xảy ra ? Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, các nước hiện không quy định cụ thể về tiền cọc đấu giá. Thay vào đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền cọc theo loại tài sản, hình thức đấu giá. Với dự thảo lần này đưa ra lấy ý kiến Quốc hội, ông Hậu cho rằng nên quy định người tham gia đấu giá không trả giá, cố tình trả giá không hợp lệ, tức dưới giá khởi điểm, ghi phiếu sai… thì sẽ bị mất tiền cọc.
Ngoài ra, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phải hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về tham gia đấu giá, nhất là năng lực tài chính. Cùng với đó nghiên cứu làm sao, đối với người trúng đấu giá mà bỏ cọc sẽ bị cấm tham gia đấu giá, phạt hành chính hoặc phạt vi phạm hợp đồng… Ông Hậu cho rằng, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay, để tránh những trường hợp trục lợi như vừa qua.
Ngoài vụ 4 công ty bỏ cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, mới đây còn có vụ người trúng đấu giá thuê đảo ở hồ Xuân Hương hơn 15 tỷ đồng một năm xin rút lui, bỏ 600 triệu đồng đặt cọc. Hay gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ bỏ cọc đấu giá xe, biển số xe VIP với giá rất cao… nhưng rồi cũng ‘bỏ của chạy lấy người’.
Ngày 29/11/2023, Quốc hội bước sang ngày thứ hai thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản… Tại buổi họp, Đại biểu quốc hội Phan Thị Mỹ Dung từ tỉnh Long An cho rằng nên tăng tiền đặt cọc lên 20% đến 30% và phải nộp ngay khi có kết quả trúng đấu giá, nếu không sẽ bị loại. Tuy nhiên theo truyền thông nhà nước, một số đại biểu khác cho rằng ‘bị loại’ không hiệu quả với người muốn ‘bỏ cọc’.
Cũng trong ngày 29/11/2023, khi thảo luận về ‘Chế tài để ngăn bỏ cọc’… nhiều ý kiến cho rằng ‘phải xử phạt, phạt tù, cấm tham gia đấu giá với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản’… Đại biểu quốc hội Phạm Văn Thịnh thuộc đoàn Bắc Giang lại cho rằng đây là quan hệ dân sự, nên sẽ khó xử lý hình sự như phạt tù…
Nguồn : RFA, 29/11/2023
*************************
Phản ứng về dự án buộc lắp camera hành trình xe máy
RFA, 29/11/2023
Hôm 24 tháng 11 năm 2023, Quốc hội Việt Nam thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có đề xuất xe máy bắt buộc phải lắp camera hành trình và lắp thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe. Theo quy định hiện hành (Nghị định 47/2022), xe ô tô kinh doanh vận tải bắt buộc phải lắp đặt camera hành trình mới được cấp phù hiệu, biển hiệu lưu thông. Tất cả dữ liệu được truyền về cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông Vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Xe gắn máy được gắn camera giám sát để ghi lại hành trình - Ảnh minh họa
Một số người dân cho rằng, việc quy định lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe máy có thể giúp cho việc quản lý về mặt nhà nước, nhưng không phù hợp với thực tế, bởi Việt Nam có hơn 73 triệu xe máy đang lưu hành. Ngoài ra, quy định này còn vi phạm luật về nhân quyền.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người có gần 30 năm hành nghề tại Việt Nam, hiện đang ở Hoa Kỳ, nêu quan điểm của ông về việc này :
"Thực tế ở Việt Nam, cảnh sát giao thông từng phạt những chiếc xe gắn máy có gắn những thiết bị khác với thiết kế ban đầu. Thậm chí thay những thiết bị sẵn có bằng những thiết bị khác cùng chức năng cũng bị phạt. Cảnh sát giao thông họ phạt với lý do làm thay kỹ thuật của xe. Bây giờ Quốc hội lại đề xuất ráp camera cho tất cả các phương tiện giao thông. Nếu đề xuất này được thông qua dự luật và ban hành thành chính sách, thì đây là một chính sách tác động đến toàn thể người dân Việt Nam.
Số tiền đầu tư để ráp camera sẽ rất lớn. Mục đích là bán camera chăng ? Chắc chắn có ai đó đứng đằng sau đầu cơ số camera đó. Theo tôi, chỉ nên khuyến khích những người sử dụng xe ô tô gắn camera vì quyền lợi của họ. Không nên ép buộc. Nếu họ thấy quyền lợi của họ được bảo đảm thì họ sẽ tự gắn.
Ép buộc sẽ sinh ra nhiều thứ, kể cả tiêu cực. Thứ nhất là tốn tiền mua camera, thứ hai là tốn tiền phạt, thứ ba là tốn tiền đút lót cho công an. Và xét về mặt nhân quyền, việc ép buộc người dân gắn camera vào xe gắn máy là vi phạm quyền tự do đi lại của người ta. Bởi xe là người. Họ đi đến đâu, gặp ai sẽ bị ghi lại toàn bộ".
Trao đổi với truyền thông nhà nước, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định rằng, không có nước nào trên thế giới quy định xe máy phải lắp camera hành trình, nếu yêu cầu xe gắn máy phải lắp thiết bị giám sát hành trình thì phải có đề án nghiên cứu, đánh giá tác động một cách đầy đủ về việc này.
Cũng cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quang, một người dân ở Sài Gòn nói với RFA sáng 29/11/2023 :
"Điều đầu tiên, theo tôi, việc gắn camera hành trình vào xe gắn máy là vi phạm pháp luật về quyền riêng tư. Tài sản của chủ phương tiện do họ toàn quyền định đoạt, không ai có quyền ép buộc họ phải lắp thêm thiết bị ngoài tiêu chuẩn thiết kế ban đầu.
Chẳng lẽ Quốc hội không còn việc gì để bàn hay sao ? Đại biểu quốc hội khi vào Quốc hội họp thì phải bàn chuyện quốc gia đại sự, đừng phát biểu theo cảm tính. Khi đề xuất vấn đề gì đi đến chính sách ảnh hưởng đến toàn dân thì phải nghiên cứu, khảo sát chứ. Không thể lên Quốc hội họp mà nghĩ sao nói vậy, giống như họp mà không phát biểu gì thì cũng dở, nên phát biểu đại cho có vậy".
Năm ngày sau phiên họp của Quốc hội về đề xuất bắt buộc xe gắn máy phải gắn camera hành trình, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) lên tiếng trên báo chí, lý giải rằng người dân đang hiểu sai cụm từ ‘xe máy chuyên dùng’. Theo giải thích của ông Minh, ‘xe máy chuyên dùng’ được nhắc đến trong dự thảo là xe máy thi công ; xe máy thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt.
Tuy vậy, Điểm c Khoản 1 Điều 33 của dự thảo luật yêu cầu cả xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình ; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Theo Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì xe cơ giới bao gồm cả xe mô tô hai bánh ; xe mô tô ba bánh ; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Một người dân Hà Nội không muốn nêu tên, nói với RFA suy nghĩ của ông về việc Bộ Công an đề xuất xe máy bắt buộc phải lắp camera hành trình và lắp thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe :
"Tại sao luật đã quy định tại phòng hỏi cung ở các cơ quan điều tra phải có camera giám sát thì các ông nói khó với mọi lý do. Còn gắn camera hành trình cho 70 triệu xe máy là chuyện đơn giản ?
Tôi không tin việc lắp đặt camera cho hơn 70 triệu phương tiện xe hai bánh ở Việt Nam là để bảo vệ sinh mạng con người, mà đằng sau đó là nhóm lợi ích. Chẳng hạn như ai sẽ nhập khẩu camera ; ai sẽ cấp phép cho camera "đạt chất lượng" ?"
Nhắc đến mối liên quan giữa nhóm lợi ích và các quy định của luật, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật hôm 26/7/2022, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, lưu ý cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết ; phải chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm… trong việc xây dựng các quy định pháp luật.
Ông Chính cũng yêu cầu đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các bộ, cơ quan trong trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thể chế ở các cơ quan soạn thảo, góp ý, thẩm định, thẩm tra.
Việc "không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cài cắm vào quá trình xây dựng luật" cũng từng được ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa 15.
Nguồn : RFA, 29/11/2023