Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/12/2023

Tại sao phải xây tới ba đập thủy điện trong Vườn Quốc gia Cát Tiên ?

RFA tổng hợp

Những điều cần minh bạch về ba dự án thủy điện trong Vườn Quốc gia Cát Tiên

Đặng Hùng Võ, RFA, 01/12/2023

Hai bài viết về ba dự án thủy điện Đăk R’lấp 1, 2 và 3 trong Vườn Quốc gia Cát Tiên mà RFA đã đăng tải trong tuần qua nhận được sự quan tâm rộng rãi của giới chuyên gia và truyền thông.

cattien1

Cây cổ thụ trong Vườn Quốc gia Cát Tiên (ảnh minh họa) - Vườn Quốc gia Cát Tiên

Hiện vẫn có một số ý kiến trái chiều về dự án này, đặc biệt sau khi đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên khẳng định (trong cuộc họp diễn ra năm 2020) rằng các dự án này được dự kiến sẽ xây dựng "trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của vườn quốc gia". "Biên bản làm việc" ghi lại ý kiến của các bên trong cuộc họp này cũng có ghi rằng "Hiện tại chưa xác định được các dự án có ảnh hưởng đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Cát Tiên".

Trước các vấn đề nêu trên, RFA phỏng vấn Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam về các vấn đề liên quan đến ba dự án thủy điện này. 

RFA : Xin Giáo sư cho một số nhận xét của mình về ba dự án thủy điện Đăk R’lấp 1, 2 và 3, từ góc nhìn của một chuyên gia về tài nguyên, môi trường. 

Đặng Hùng Võ : Tôi muốn phân tích tác động tích cực và tiêu cực của ba dự án thủy điện Đăk R’lấp 1, 2 và 3 tại thượng nguồn sông Đồng Nai từ khung cảnh chung của toàn thế giới và thu hẹp dần tới khung cảnh của các địa phương nơi đề xuất các dự án thủy điện này. 

Đối với khung cảnh toàn thế giới, kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu năm 1992 tại Rio De Janeiro (Brasil), các quốc gia đã sát cánh cùng nhau theo những cam kết được thống nhất tại các hội nghị COP hàng năm (COP1 năm 1995) về ứng phó với biến đổi khí hậu. Ban đầu là định hướng phát triển bền vững, và sau đó từng bước đã có các chương trình hành động cụ thể như hơn Nghị định thư Kyoto tại COP3 (1997), Hội nghị COP19 (2013) tại Ba Lan về vận hành khung REDD+ nhằm hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ; COP21 (2015) tại Pháp về cơ chế thương mại carbon. Tổng quan lại, việc bảo vệ rừng tự nhiên, trồng thêm rừng, gìn giữ các khu đất ngập nước (công ước Ramsar), phát triển sạch được coi như những chiến lược của từng quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết với thế giới rằng Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 (2021) tại Glasgow, Vương quốc Anh. Để giảm phát thải ròng chỉ có một cách duy nhất là không làm suy giảm diện tích rừng, bảo vệ đất ngập nước và tổ chức sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt sao cho không phát thải khí carbon. 

Nhìn tổng quan, ba dự án thủy điện Đăk R’lấp đang đi ngược lại lời cam kết của Thủ tướng Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Theo văn hóa phương Đông, chữ tín phải được khẳng định từ những việc nhỏ nhất.

Đối với khung cảnh địa phương, ba dự án thủy điện Đăk R’lấp sẽ phá hủy một phần khung cảnh của Vườn quốc gia Cát Tiên (khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới), khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên và khu đất ngập nước Bàu Sấu (khu Ramsar thứ 14999 của thế giới). Điều này có nghĩa là Việt Nam đã làm mất đi nhiều địa điểm mà UNESCO đã thừa nhận cần phải bảo vệ.

RFA : Theo Giáo sư, ba dự án thủy điện ở thượng nguồn sông Đồng Nai, nếu được thực hiện, có thể tác động tới môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội của toàn khu vực ra sao ? Lợi ích (và thiệt hại, nếu có) về mặt kinh tế cho chủ đầu tư thì thế nào ? Lợi ích và thiệt hại tổng thể (kinh tế, xã hội, văn hóa, tài nguyên, môi trường, du lịch…) cho Việt Nam sẽ ra sao ?

Đặng Hùng Võ : Nhìn vào bản chất, ba dự án thủy điện này sẽ làm mất rất nhiều rừng và thu hẹp khu đất ngập nước, làm giảm khả năng hấp thụ carbon tại Việt Nam. Những hồ thủy điện lớn sẽ hình thành tại đây, gây nguy cơ sạt lở và sụt lún đất, ngập lụt vì nước lũ do xả lũ từ hồ thủy điện và mất rừng làm đất thiếu kết dính do rễ cây tạo ra. 

Về mặt xã hội, những nguy cơ nói trên còn gây ra các tác động tiêu cực trực tiếp vào đời sống của đồng bào dân tộc sinh sống tại đây. Điều này đã diễn ra ở nhiều nơi trong khoảng mươi năm gần đây. Nhìn lại, có thể hình dung ra bóng dáng của việc đánh đổi bền vững xã hội và môi trường để lấy phát triển kinh tế.

Cái được duy nhất là ba dự án thủy điện này có tiềm năng cấp điện lớn, đóng góp vào giải quyết khó khăn về điện trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa.

RFA : Có nhiều ý kiến trái ngược nhau về một số vấn đề quan trọng của dự án, như diện tích chiếm dụng đất của ba đập thủy điện, hay vị trí của ba dự án thủy điện này trong Vườn Quốc gia Cát Tiên. Xin Giáo sư cho biết quan điểm của mình về vấn đề này.

Đặng Hùng Võ : Diện tích chiếm đất của ba dự án này là một điểm có nhiều ý kiến ngược với tính toán diện tích chiếm đất mà chủ đầu tư đề xuất các dự án đã ước tính. 

Tôi nhớ lại, tình trạng tương tự cũng đã xảy ra khi xem xét để phê duyệt các dự án thủy điện nhỏ khoảng hơn hai mươi năm trước : chỉ tính diện tích đất để xây dựng nhà máy và vùng lòng hồ ở mức nước thấp nhất, không tính phần đất sẽ trở thành hồ thủy điện ở mức nước cao nhất. 

Theo biên bản làm việc về ba dự án thủy điện tại địa phương, phía có ý kiến không đồng thuận đã đưa ra ba lý do : một là số liệu thống kê về diện tích đất rừng bị mất do các dự án này gây ra không khớp với thực tế ; hai là tất cả diện tích đất sử dụng của các dự án nằm trong Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, và đã là di tích quốc gia đặc biệt ; ba là diện tích bị mất rừng thuộc khu vực có liên quan pháp luật quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên quy định tại Nghị định 83/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Du lịch 2017, Luật Di sản văn hóa 2001. 

Đã có ý kiến như vậy thì phải đặt ra yêu cầu xác định diện tích đất, diện tích rừng bị mất thật chính xác, đúng thực tế, có kiểm tra và giám sát kỹ lưỡng của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và người dân, và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ba dự án thủy điện này đã được đưa vào Quy hoạch điện VIII cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, trong đó ba dự án Đăk R'lấp 1, Đăk R'lấp 2 và Đăk R'lấp 3 được liệt kê tại Phụ lục III - Danh mục các dự án thủy điện tiềm năng, cùng với yêu cầu "phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về tác động môi trường, đất đai, ảnh hưởng đến rừng của dự án" trong Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII.

Theo tôi biết, bản Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII đã được trình đến lần thứ tư nhưng vẫn chưa được Chính phủ đồng ý. Hơn nữa, nếu các dự án này được phép triển khai thì khâu xét duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng không dễ dàng vì chắc chắn phải đề cập tới vấn đề "phát triển sạch" một cách toàn diện gắn với cam kết của Thủ tướng với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng ba dự án thủy điện Đăk R’lấp có vị trí rất gần với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6A và Đồng Nai 6B đã được đề xuất từ 10 năm trước cho Quy hoạch điện VII nhưng đã bị Chính phủ bãi bỏ. Đây là thông tin cần giới thiệu để thấy chính sách của Chính phủ cần đảm bảo tính nhất quán, khi có gì cần đổi mới thì cũng phải giới thiệu đầy đủ và rõ ràng. 

Tìm cách phát triển kinh tế có hiệu suất cao là cần thiết, nhưng phải phát triển sạch để đảm bảo phát triển là bền vững. Phát triển nhưng không để lại bất kỳ rủi ro nào về môi trường và xã hội cho địa phương. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế đã thống nhất các tiêu chí kỹ thuật cụ thể về phát triển sạch trong khuôn khổ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia.

RFA : RFA xin cảm ơn Giáo sư Đặng Hùng Võ đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 01/12/2023

**************************

Sự "tái sinh" của các dự án thủy điện trong Vườn Quốc gia Cát Tiên

RFA, 28/11/2023

Ngày 20/11/2023 là hạn chót Bộ Công thương Việt Nam trình cho Chính phủ bản kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII lần thứ tư. Một đại diện Bộ Công thương nói trên báo Người Lao Động ngày 21/11/2023 rằng bản kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII lần thứ tư này có đưa vào 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3 nằm trong địa phận Vườn Quốc gia Cát Tiên.

duan1

Cổng vào Vườn Quốc gia Cát Tiên - Ảnh minh họa

Vị trí của 3 dự án thủy điện này nằm rất gần, trên cùng một lưu vực với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B, vốn đã bị bác bỏ và loại khỏi Quy hoạch Điện VII năm 2013, vì lí do chiếm khoảng 327 ha rừng, trong có có khoảng một phần ba nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Trước đó, Bộ Công thương đã 3 lần trình bản kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8 này nhưng cả ba lần đều bị Chính phủ bác bỏ do chưa đạt yêu cầu. Hiện tại chưa có thông tin liệu bản kế hoạch lần thứ 4 của Bộ Công thương, trong đó có kèm cả 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3 nằm trong địa phận Vườn Quốc gia Cát Tiên nêu trên, có được Chính phủ thông qua hay không. 

Ba dự án mới này do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng sạch Tây Nguyên đề xuất. Hai dự án này nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai, trong Vườn Quốc Gia Cát Tiên. Theo dự kiến, phần hồ chứa phía bờ phải nằm ở phía huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắc Nông, phần bờ trái nằm trên địa phận tỉnh Lâm Đồng. 

Chuyên gia : 3 dự án mới sẽ tác động xấu đến môi trường sinh thái

RFA đã có cuộc trao đổi ngắn với Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật về thủy điện Đắk R'lấp 1,2 và 3. Ông là cựu chuyên gia của Vườn Quốc gia Cát Tiên, nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành Môi trường Quốc tế và Phát triển Nông thôn tại Đại học Nông nghiệp và công nghệ Tokyo, Nhật Bản, năm 2010. Ông là người Việt Nam duy nhất đạt Giải Môi trường xanh ASEAN năm 2012. Ông Nguyễn Huỳnh Thuật khẳng định với RFA rằng ba dự án thủy điện Đắk R'lấp 1,2 và 3 nằm trong cùng một không gian sinh thái và văn hóa với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B trước đây. Cả 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B đã bị bác bỏ năm 2013 vì lý do 2 dự án này tác động nguy hại đến Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, đến kinh tế, xã hội, môi sinh ở hạ lưu sông Đồng Nai. Theo ông Nguyễn Huỳnh Thuật, những tác động nguy hại của 3 dự án này với hệ sinh thái rừng quốc gia Cát Tiên, với kinh tế xã hội môi truờng ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai cũng tuơng tự như tác động của 2 dự án đã bị bác bỏ truớc kia. Thậm chí, 3 dự án mới có thể có tác động xấu lớn hơn, vì nhiều hơn. Chủ đầu tư dự kiến đề xuất những 3 thủy điện thay vì chỉ hai cái như cách đây hơn 10 năm.

Năm 2020 : Vườn Quốc gia Cát Tiên không đồng ý với 3 dự án

"Biên bản Làm việc" của cuộc họp giữa các sở, ban ngành của tỉnh Lâm Đồng ngày 23/10/2020, để cho ý kiến về 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3, có ghi lại đầy đủ ý kiến của Vườn Quốc gia Cát Tiên, cơ quan trực thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đại diện cơ quan này đã nêu ra một loạt lý do bác bỏ việc đề xuất tỉnh Lâm Đồng và Bộ Công thương đưa 3 dự án này vào Quy hoạch Điện VIII. 

duan2

Cổng ra vào Vườn Quốc gia Cát Tiên - Ảnh minh họa

Lý do thứ nhất là số liệu thống kê về diện tích đất rừng bị mất do dự án này gây ra hoàn toàn không đúng với thực tế. 

Lý do thứ hai là "tất cả diện tích đất sử dụng do dự án nằm trong Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn sinh loài- sinh cảnh ; là di tích quốc gia đặc biệt" (trang 7 của "Biên bản Làm việc" nêu trên).

Lý do thứ ba là 3 dự án này "vướng mắc" một loạt quy định pháp lý liên quan : quy định về chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên (Nghị định số 83/2020/NĐ-CP), Luật Lâm Nghiệp, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, Luật Du lịch năm 2017, Luật Di sản văn hóa năm 2001. Ngoài ra, theo Vườn Quốc gia Cát Tiên, cả 3 dự án này còn "vướng mắc" các định chế quốc tế mà Việt Nam tham gia như Ban thư ký công ước Ramsar công nhận vùng đất ngập nước Bàu Sấu (một phần của Vườn Quốc gia Cát Tiên) là Khu Ramsar thứ 14999 của thế giới năm 2005, UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là khu dự trữ sinh quyển của thế giới thứ 411. 

Theo khảo sát của RFA, diện tích chiếm dụng đất của 3 dự án này mà Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng sạch Tây Nguyên công bố mâu thuẫn với chính các thông tin khác của họ. Theo RFA tính toán từ hồ sơ bổ sung quy hoạch do công ty này công bố tháng 10 năm 2019, tổng diện tích chiếm dụng đất của 3 dự án là 197,23 ha, trong đó "đất có rừng" là 145,49 ha. Tuy nhiên, khi tính toán "diện tích mặt hồ tại mực nước dâng bình thường" thì cả 3 dự án này sẽ tạo ra tổng diện tích mặt nước là 411 ha. 

Một chuyên gia về thủy lợi hiện làm việc ở Việt Nam không muốn nêu tên khẳng định với RFA rằng "diện tích mặt hồ" nói trên là diện tích tối thiểu mà 3 dự án thủy điện này chiếm dụng đất, trong đó có đất rừng và diện tích lòng sông nơi mà các dự án dự kiến được xây dựng. Nói đây là diện tích tối thiểu, vì ngoài diện tích trên, 3 dự án còn phải cần các loại đất khác như đường giao thông phục vụ xây dựng, phục vụ quản lý, vận hành, đường dây diện để đấu nối nhà máy vào mạng lưới điện quốc gia. Do đó, diện tích chiếm đụng đất thực sự còn lớn hơn rất nhiều, vượt xa con số mà chủ đầu tư nêu ra.

Tại Hà Nội, ngày 29/11/2023 sẽ diễn ra cuộc họp của Chính phủ xem xét bản Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII mà Bộ Công thương trình lần thứ tư. Câu hỏi đặt ra là nếu Bản Kế hoạch này được thông qua, trong đó có kèm theo 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3, thì điều đó có đồng nghĩa với việc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng sạch Tây Nguyên sẽ được phép xây dựng dự án hay không. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng sạch Tây Nguyên sẽ còn cần những điều kiện gì để tiến hành nghiên cứu tiền khả thi cho ba dự án đó ? Việc đánh giá tác động môi trường của 3 dự án này sẽ có tầm quan trọng thế nào đối với các dự án ? Ở phần tiếp theo, RFA sẽ trao đổi với một số chuyên gia về vấn đề này.

RFA, 28/11/2023

**************************

Dự án thủy điện Đắk R’lấp 1,2 và 3 : còn hy vọng cho Vườn Quốc gia Cát Tiên

RFA, 28/11/2023

Tiếp theo phần trước, RFA điểm lại quá trình 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1,2 và 3 có thể lọt vào Quy hoạch Điện VIII, dù nó dự kiến được xây dựng ở khu vực của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B đã bỏ bác bỏ năm 2013. 

duan3

Một đập thủy điện trên sông Đồng Nai - EVN

Tiếp theo phần trước, RFA điểm lại quá trình 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1,2 và 3 có thể lọt vào Quy hoạch Điện VIII, dù nó dự kiến được xây dựng ở khu vực của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B đã bỏ bác bỏ năm 2013. 

Ai đồng ý với 3 dự án này ? 

Ngày 10/9/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo trong văn bản số 7513/VPCP-CN, đề nghị bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện Đắk R’lấp 1,2 và 3 để có cơ sở đưa các dự án này vào Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch Điện 8). 

Ngày 25/9/2020, Bộ Công thương gửi công văn số 7191/BCT-ĐL đề nghị các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước và (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng sạch Tây Nguyên) cập nhật diện tích chiếm đất của các dự án nêu trên.

Trong Quy hoạch Điện 8 được ban hành chính thức hôm 15/5/2023, cả 3 dự án thủy điện Đắk R'lấp 1,2 và 3 đã được đưa vào, nhưng nằm ở phần Phụ lục III, "danh mục các dự án thủy điện tiềm năng", là các dự án "sẽ được xem xét trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch và sau này". Đối với các dự án thủy điện Đăk R'lấp 1, Đăk R'lấp 2 và Đăk R'lấp 3, bản Quy hoạch Điện VIII cũng thận trọng ghi thêm ở Phần Ghi chú, rằng "các phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về tác động môi trường, đất đai, ảnh hưởng đến rừng của dự án".

Để đi đến được kết quả nói trên, khi cả 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3 lần lượt được đưa vào Quy hoạch Điện VIII và sau đó là bản thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII (đang chờ thẩm định), cả 3 dự án này đã vượt qua nhiều bước thẩm định tại các địa phương liên quan. 

Trong "Biên bản Làm việc" của cuộc họp giữa các sở, ban ngành của tỉnh Lâm Đồng ngày 23/10/2020, để cho ý kiến về 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3, tất cả các sở ban, ban ngành của tỉnh này tham gia cuộc họp đều "đề xuất" UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ Công thương đưa các dự án này vào Quy hoạch Điện VIII. Các cơ quan của tỉnh Lâm Đồng đồng ý đề xuất đưa 3 dự án thủy điện này vào Quy hoạch Điện 8 hồi năm 2020 bao gồm : Sở Công thương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND huyện Cát Tiên, UBND huyện Bảo Lâm. 

Cuộc họp nói trên có 10 bên tham gia. Ngoài 8 cơ quan của tỉnh Lâm Đồng nêu trên, còn có đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên (thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Việt Nam) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng sạch Tây Nguyên, là bên đề xuất 3 dự án này. Như đã nói ở phần trước, tại cuộc họp đó, Vườn Quốc gia Cát Tiên đã không đồng ý với 3 dự án thủy điện này. 

Ngày 13/6/2023, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng gửi văn bản số 1394/SCT-QLCN đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng, trong đó có nội dung đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh này đáp ứng yêu cầu của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng sạch Tây Nguyên, "tích hợp các dự án thủy điện Đắk R’lấp 1,2, và 3 trên sông Đồng Nai vào Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kì 2021-2030". 

Đắk R’lấp 1, 2 và 3 nằm ở đâu ?

Theo luật pháp Việt Nam hiện hành, có thể chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên để xây dựng dự án thủy điện nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng điều kiện đi kèm rất rõ ràng : "dự án không nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng". (Nghị định số 83/2020/NĐ-CP, điểm b, khoản 3, Điều 41a). 

Điều đáng lưu ý là trang 5 của "Biên bản Làm việc" của tỉnh Lâm Đồng ngày 23/10/2020 đã ghi "Hiện tại chưa xác định được các dự án có ảnh hưởng đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Cát Tiên". 

Nhưng biên bản này không ghi rõ đây là ý kiến của đại diện cơ quan nào hay đó là ý kiến được cả cuộc họp thống nhất thông qua.

Tuy nhiên, trang 7 của Biên bản này cũng đã ghi rõ lời khẳng định của đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên tại cuộc họp, rằng khu vực dự kiến xây dựng 3 thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3 "nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của vườn quốc gia".

Như vậy, vị trí địa lý của 3 thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3 (có nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Cát Tiên hay không) rõ ràng có tính quyết định về mặt pháp lý đến tính hợp pháp của việc xây dựng các dự án đó. RFA đã gọi điện thoại vào số máy của Vườn Quốc gia Cát Tiên để xin xác nhận về vị trí dự kiến của 3 dự án thủy điện này, nhưng chưa kết nối được với người có trách nhiệm.

Chuyên gia : vẫn còn hi vọng cho rừng Cát Tiên 

Trao đổi với RFA, một chuyên gia về thủy lợi không muốn nêu tên khẳng định ông vẫn còn hi vọng 3 dự án này sẽ bị hủy bỏ, mặc dù cả 3 dự án đã được đưa vào Quy hoạch Điện 8 và sau đó là bản thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8, sẽ được Chính phủ xem xét hôm 29/11/2023. 

Theo vị chuyên gia nói trên, nếu 3 dự án này được Chính phủ duyệt chung với Bản kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII thì cơ hội cứu rừng Cát Tiên vẫn chưa phải là đã hết. Bởi lẽ, chủ đầu tư trước hết phải xin được chủ trương đầu tư của UBND Tỉnh Lâm Đồng, rồi lập thiết kế và thực hiện bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Các bước này vẫn cần được các nhà khoa học đánh giá, phản biện. Thực tế là 3 dự án thủy điện này nằm cách vị trí 2 thủy điện Đồng Nai 6A và 6B trước đây không xa. Cả hai dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B trước đây đều đã có chủ trương đầu tư của địa phương, đã có thiết kế và thực hiện bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng vẫn bị hủy bỏ vì các nhà khoa học khi đó đã phản biện một cách đúng đắn về nguy cơ phá hủy rừng Nam Cát Tiên của nó.

Vị chuyên gia ẩn danh muốn lưu ý các nhà khoa học Việt Nam rằng cả 3 dự án thủy điện mới này nằm gần với vị trí 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B trước đây, cho nên có một nguy cơ là chủ đầu tư sử dụng lại bản thiết kế và bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án cũ, chỉ điều chỉnh cho phù hợp với 2 dự án mới. Nếu điều đó xảy ra, nguy cơ tàn phá rừng của 3 dự án mới không khác gì các dự án đã bị bác bỏ trước đây.

Ba thủy điện sẽ tác động thế nào đến môi trường nếu được xây dựng ?

Thạc sĩ Nguyễn Hỳnh Thuật, cựu chuyên gia của Vườn Quốc gia Cát Tiên và là nhà sáng lập Rừng Gọi, đã khẳng định nhiều tác động nguy hại của ba dự án thủy điện Đắk R'lấp 1,2 và 3 nếu được xây dựng. Theo ông, cả ba dự án đều nằm trong cùng một không gian sinh thái và văn hóa với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B trước đây. Cả 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B đã bị bác bỏ năm 2013 vì lý do 2 dự án này tác động nguy hại đến Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, đến kinh tế, xã hội, môi sinh ở hạ lưu sông Đồng Nai. Những tác động nguy hại của 3 dự án này với hệ sinh thái rừng quốc gia Cát Tiên, với kinh tế xã hội môi truờng ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai cũng tuơng tự như tác động của 2 dự án đã bị bác bỏ truớc kia. Thậm chí, 3 dự án mới có thể có tác động xấu lớn hơn, vì nhiều hơn. Chủ đầu tư dự kiến đề xuất những 3 thủy điện thay vì chỉ hai cái như cách đây hơn 10 năm. 

Thạc sĩ Nguyễn Hỳnh Thuật giải thích ba tác động xấu của các dự án thủy điện Đắk R'lấp 1,2 và 3 nếu được xây dựng :

Thứ nhất, phức hợp Rừng - Di sản - Sinh quyển Vườn Quốc gia Cát Tiên không chỉ là báu vật của đất nước mà là di sản thế giới và lá phổi xanh của nhân loại. Không nên vì lợi ích ngắn hạn mà làm gì ảnh hưởng đến rừng, dù mức độ ảnh hưởng đến đâu đi nữa. 

Thứ hai, ba dự án thủy điện này không chỉ ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái rừng vùng thượng nguồn mà còn ảnh hưởng lớn đến hạ lưu. Sông Đồng Nai đã gánh nhiều thủy điện rồi, nay nếu thêm 3 con đập nữa thì nguy cơ với dòng sông huyết mạch của Đông Nam Bộ sẽ vô cùng lớn, không thể bù đắp lợi ích về điện mà nó tạo ra. Nguy cơ lớn nhất chính là làm dòng sông cạn nước, không còn đủ lực nước để đẩy mặn xâm nhập ở hạ lưu, khiến công cuộc chống biến đổi khí hậu của Nhà nước ở các đô thị lớn ở hạ lưu trở nên vô cùng khó khăn.Thứ ba, cả 3 dự án thủy điện mới này sẽ cùng với các thủy điện khác, tạo thành một chuỗi các bậc thang thủy điện chia cắt sông Đồng Nai. Nếu các con đập này được xây dựng, sông Đồng Nai có thể bị chia cắt thành một chuỗi hồ chứa. Chuỗi hồ chứa này sẽ gây hiệu ứng domino ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân vùng hạ lưu trong mùa mưa lũ cũng như mùa khô hạn.

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật nhận xét rằng các thủy điện mới này, giống như ông đã từng chỉ ra với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B, nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nếu phá rừng trong khu vực này, dù diện tích phá là bao nhiêu đi nữa, cũng ảnh huởng xấu đến môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã ở đây. Ông cho biết trong lá thư gửi Chủ Tịch nước hơn 10 năm trước kêu gọi dừng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B, ông đã có trình bày các tác động xấu đến môi truờng như vậy. Các tác động này cũng sẽ tương tự, nếu 3 dự án thủy điện mới bây giờ được phép xây dựng trong cùng khu vực. 

RFA, 28/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 383 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)