Vào giữa thập niên 1980, khi nhìn chăm chú vào những bức ảnh vệ tinh chụp bán đảo Yucatan của Mexico, một nhóm các nhà khảo cổ người Mỹ không biết phải hiểu như thế nào về một mô-típ bất ngờ : có một vòng tròn gần như hoàn hảo với đường kính vào khoảng 200 km.
Ảnh minh họa - ALAMY
Phát hiện bất ngờ
Cenotes, những hố nước xanh, là hình ảnh chủ đạo trên những tờ quảng cáo du lịch Yucatan. Chúng điểm xuyết cho khung cảnh khô cằn ở nơi đây, và dường như tùy tiện mở ra khi bạn đi trên vùng đất bằng phẳng rộng lớn của Yucatan, một khúc ngoặt có rừng rậm khô thấp ở rìa phía đông của Mexico.
Nhưng nếu nhìn từ không gian, chúng hợp chung lại để tạo thành một mô-típ : một hình vòng cung - kéo gần nửa vòng tròn - như thể là có ai đó đã cắm một chiếc com-pa lên bản đồ bãi biển Vịnh Mexico và quay nó một vòng cho đến khi không còn chỗ để quay nữa.
Các nhà khảo cổ khám phá ra mô-típ này vốn bao trọn thủ phủ của Yucatan là Merida, và các thị trấn hải cảng Sisal và Progreso, trong quá trình tìm hiểu xem nền văn minh Maya vốn đã từng ngự trị trên bán đảo này đã phát triển như thế nào.
Người Maya bản địa đã dựa vào những cái hố sụt này để lấy nước uống, nhưng sự sắp đặt những hố sụt này theo hình tròn một cách huyền bí đã làm các nhà nghiên cứu đau đầu khi họ đưa ra những phát hiện của mình cho chuyên gia vệ tinh xem tại một hội thảo khoa học ở Acapulco, Mexico, vào năm 1988.
Với một khoa học gia trong hàng ghế cử tọa là bà Adriana Ocampo, khi đó còn là một nhà địa chất hành tinh trẻ ở Nasa, thì cấu tạo hình tròn này gióng lên tiếng chuông mà bà trông chờ từ những gì bà đã học ở trường.
Bà Ocampo, giờ đây 63 tuổi, giải thích rằng bà nhìn thấy không chỉ là một vòng tròn mà là những vòng tròn hồng tâm.
"Ngay khi tôi nhìn thấy những hình ảnh trình chiếu đó, đó là khoảnh khắc 'A ha' vỡ òa của tôi. Tôi nghĩ, 'Đây là cái gì đó rất ấn tượng. Có thể là chính nó'", bà Ocampo, người hiện là giám đốc chương trình Lucy của Nasa vốn sẽ đưa phi thuyền lên quỹ đạo sao Mộc vào năm 2021, nói.
"Trong lòng tôi thật sự phấn khởi, nhưng tôi giữ bình tĩnh bởi vì rõ ràng ta chưa thể biết điều gì cho đến khi ta có thêm bằng chứng".
Tiến gần đến các nhà khoa học, tim đập thình thịch, bà Ocampo hỏi liệu họ có nghĩ đó là do tác động từ một vụ va chạm của thiên thạch - một thiên thạch chổi khổng lồ, va đập mạnh đến nỗi đã tạo ra những vết sẹo trên hành tinh mà đến 66 triệu năm sau vẫn còn có thể thấy được hay không.
"Họ thậm chí còn không hiểu là tôi đang nói gì", bà cười.
Vụ nổ khủng khiếp
Cuộc tiếp xúc tình cờ của bà Ocampo là sự khởi đầu của một nghiên cứu khoa học vốn là nền tảng cho điều mà hầu hết các khoa học gia ngày nay đều tin : vòng tròn đó tương ứng với rìa của một cái hố được tạo ra bởi một thiên thạch có đường kính rộng 12km từng đâm vào Yucantan và nổ tung với lực mạnh không thể tưởng tượng nổi, khiến đá cũng tan chảy.
Kể từ đầu những năm 1990, nhiều nhóm khoa học gia từ Mỹ, Châu u và Châu Á đã làm việc để điền vào những chỗ vẫn còn chưa biết.
Giờ đây, họ tin rằng vụ va chạm đã ngay lập tức tạo nên một hố sâu 30 km, khiến cho Trái Đất phản ứng như một cái hồ sau khi bị một hòn đá rơi xuống : Từ trong lòng hồ đất trồi lên tạo thành một quả núi - chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc - cao gấp đôi độ cao của Đỉnh Everest, rồi sụp xuống.
Trong những năm sau vụ va chạm long trời lở đất đó, thế giới đã thay đổi đến mức không còn nhận ra. Cột tro bụi che bầu trời và tạo ra đêm tối vô tận trong hơn một năm, đẩy nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng và giết chết gần 75% sự sống trên Trái Đất - trong đó gồm hầu như toàn bộ khủng long.
Ảnh minh họa - ALAMY
Ngày nay, điểm trung tâm đó, nơi mà chiếc com-pa tưởng tượng đó cắm vào và ngọn núi đó nhô lên, bị chôn vùi sâu một kilometre dưới một thị trấn nhỏ gọi là Chicxulub Puerto.
Khi tôi đến thăm thị trấn chỉ có vài ngàn dân đó, những ngôi nhà sơn vàng, trắng, cam và hoàng thổ bao quanh một quảng trường đơn sơ tạo thành những ngôi làng Yucatan rất ăn ảnh nhưng không gây ấn tượng.
Thị trấn này được quảng bá ít đến nỗi số ít những người yêu khủng long thật sự cố gắng đi tìm về thời xa xưa dọc theo những con đường dài ngoằn ngoèo của Yucatan giữa những khu rừng bụi thấp gai góc cuối cùng thường bị lạc sang thị trấn lân cận gọi là Chicxulub Pueblo, nửa tiếng lái xe vào nội địa.
Ngay cả khi họ vào đúng thị trấn, nằm cách khu nghỉ mát nổi tiếng Progreso 7 km về phía đông dọc theo bờ biển cát trắng, thì cũng có ít chỉ dấu cho thấy đây là nơi diễn ra một sự kiện khủng khiếp nhất và chấn động nhất trong vòng 100 triệu năm qua trong lịch sử Trái Đất.
Dạo bước quanh quảng trường chính, bạn sẽ bắt gặp cảnh trẻ em địa phương ngồi vẽ khủng long.
Có một sân chơi gần đó nơi những bức tường tập leo núi và cầu trượt mà ở phía trên là những cái chân khủng long bằng nhựa cứng với những màu sắc cơ bản.
Tượng đài duy nhất của thị trấn, nằm trước nhà thờ ở quảng trường chính, có hình dáng một miếng xương hoạt hình được làm từ xi măng đặt trước một bàn thờ giống như một cái bệ mô tả các loài khủng long.
Loài người được lợi
Trước khi những phát hiện của Ocampo được công bố vào năm 1991, khu vực này của Yucatan thu hút ít sự quan tâm của quốc tế.
Ngày nay, nơi đây có một bảo tàng được khánh thành vào tháng 9/2018 nằm ở giữa Chicxulub Puerto và thủ phủ Merida của Yucatan.
Bảo tàng Khoa học Hố thiên thạch Chicxulub, một dự án chung giữa Chính phủ Mexico và trường đại học lớn nhất nước - Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM) - có mục đích đưa du khách quay trở về khoảnh khắc 66 triệu năm trước, khi một thiên thạch có kích thước 12 km đã thay đổi lịch sử thế giới, chấm dứt sự thống trị của loài khủng long khổng lồ vốn đã kéo dài hàng triệu năm.
Và bằng cách tăng cường nhận thức của người dân địa phương về sự kiện chấn động đã từng xảy ra ở đây, bảo tàng hy vọng bắt đầu quá trình đưa du khách tới khám phá quá khứ tiền sử của Yucatan vốn giao thoa với những điểm đến lịch sử nổi tiếng của người Maya như Chichen Itza và thành phố tiệc tùng Cancun.
Chicxulub Puerto và khu vực xung quanh đáng được thế giới biết đến nhiều hơn, bà Ocampo, người sinh ra ở Colombia nhưng chuyển đến Argentina khi còn nhỏ và đến Mỹ lúc 15 tuổi, nói.
Thiên thạch ngày xưa, mặc dù tàn phá khủng khiếp vùng này, nhưng lại làm lợi cho một sinh vật hơn tất cả mọi loài khác : loài người, hàng triệu năm sau đã tiến hóa để lấp đầy khoảng trống sinh thái do sự hủy diệt loài ăn thịt lớn nhất thế giới tạo ra.
Ảnh minh họa - WIKIMEDIA COMMONS
Nếu không có vụ va chạm thiên thạch đó thì loài người có lẽ đã không bao giờ tồn tại.
"Nó giúp cho chúng ta có lợi thế để cạnh tranh, để phát triển như chúng ta đã làm được", bà nói.
Khám phá của Ocampo xảy ra vào giai đoạn cuối của cuộc tìm kiếm kéo dài chục năm vị trí của vụ va chạm thiên thạch.
Khoảnh khắc lóe sáng trong đầu bà đã là một trực giác mà bà đã có được sau khi làm việc với một nhân vật huyền thoại trong khoa học không gian, ông Eugene Shoemaker.
Shoemaker, nhà địa chất tiên phong người Mỹ được ghi nhận là một trong những người sáng lập ngành khoa học hành tinh và cho đến nay, 21 năm sau khi ông qua đời, vẫn là người duy nhất có tro cốt được chôn cất trên Mặt Trăng, đã dạy cho bà rằng những vòng tròn gần như hoàn hảo không có khả năng do những sinh vật trên Trái Đất tạo ra mà chúng có thể đưa ra manh mối về sự phát triển địa chất của Trái Đất.
Ai là người đầu tiên nghĩ ra ?
Ý tưởng cho rằng một thiên thạch khổng lồ đã hủy diệt hoàn toàn loài khủng long do cha con Luis và Walter Alvarez ở California đưa ra vào đầu những năm 1980.
Tuy nhiên, vào lúc đó, ý tưởng này cực kỳ gây tranh cãi, Ocampo cho biết. Điều mà bà đã làm là đặt vào một trong những mảnh ghép cuối cùng để bắt đầu kết nối lại những ý tưởng rời rạc giữa các nhà khoa học làm việc độc lập với những mảng thông tin riêng rẽ, mà thường là thu được từ các cuộc điều tra có phần chồng chéo lên nhau.
Ví dụ, cho đến tận 1978, nhà vật lý địa chất Glen Penfield, vốn làm việc cho hãng dầu khí quốc gia Mexico Pemex bên cạnh ông Antonio Camargo-Zanoguera, đã bay ra trên vùng biển Caribbe vốn vỗ vào bờ cát của Chicxulub Puerto.
Sử dụng bộ đo sóng điện từ, ông đã quét vùng biển này để tìm dấu hiệu của dầu nhưng lại tìm thấy dưới đáy biển một nửa của một hố sâu khổng lồ. Tuy nhiên, bằng chứng đó thuộc về Pemex cho nên nó không được công bố cho giới khoa học.
Thật ra, người đầu tiên liên kết những vòng tròn Yucatan với giả thiết va chạm thiên thạch là một nhà báo Texas có tên là Carlos Byars - ông đã viết một bài báo cho tờ Houston Chronicle vào năm 1981 đặt vấn đề có phải hai thứ liên hệ với nhau.
Byars sau đó đã chia sẻ giả thiết này với một sinh viên cao học có tên là Alan Hildebrand, người lúc đó đã tìm đến Penfield sau khi khảo sát một lớp đá ở Haiti.
Chính hai ông đã khẳng định rằng miệng hố đó không phải là núi lửa mà là do tác động của va chạm thiên thạch. "Byars được nhìn nhận là người đầu tiên kết nối các mảnh ghép", bà Ocampo nói. "Đó là một câu chuyện kỳ diệu khi bạn kết nối các tất cả các mảnh ghép lại với nhau".
Giúp hiểu về sao Hỏa
Nhưng câu chuyện ở đây không chỉ là lịch sử, nó còn giúp chúng ta hiểu về sự sống bên ngoài Trái Đất.
Các bài học rút ra được từ hố thiên thạch đã cung cấp thông tin cho chuyến du hành của tàu tự hành Curiosity của Nasa vốn hạ cánh xuống Sao Hỏa hồi năm 2012 và đã nghiên cứu môi trường và hệ sinh thái sao Hỏa trong sáu năm qua.
Các mảnh vỡ được phát hiện từ vụ va chạm thiên thạch trên sao Hỏa so sánh với những vật chất phát ra từ hố thiên thạch Chicxulub thể hiện những điểm tương đồng cho thấy xưa kia sao Hỏa từng có bầu khí quyển đặc hơn nhiều so với bây giờ - nó gần giống với bầu khí quyển hỗ trợ cho sự sống trên Trái Đất.
"Điều quan trọng là chúng ta phải biết những gì xảy ra trong quá khứ để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai", bà Ocampo nói. "Nó giúp cho chúng ta hiểu biết rất nhiều về những gì đã xảy ra trong quá trình tiến hóa địa chất trên sao Hỏa".
Tuy nhiên, ở hố thiên thạch Chicxulub, phần lớn những hiểu biết không ngờ đó vẫn bị chôn giấu dưới lòng đất và ít được du khách và dân địa phương nhìn nhận, mặc dù đã khánh thành bảo tàng và việc Mexico đã đệ đơn xin Unesco công nhận nơi này là di sản thế giới.
Không có nhiều thứ quý giá cho du khách xem do vụ va chạm diễn ra cách nay đã rất lâu. Du khách nào thật sự đến thăm một trong số ít các di tích - những hố sụt ấn tượng, nơi họ có thể bơi cùng với cá và những rễ cây lủng lẳng - có thể không biết rằng những hiện tượng địa chất này có được chỉ vì đá từ sâu dưới lòng đất bị đẩy lên trên mặt đất trong vụ rơi thiên thạch. Qua hàng ngàn năm, nước nhỏ xuống đã cắt qua lớp đá vôi để khoét nên những hố sụt này.
Matthew Ponsford
Nguồn : BBC, 15/12/2018