Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

04/02/2019

Những chuyện kỳ thú về năm Hợi

Nhiều tác giả

Năm Hợi nói chuyện Heo

Thích Nữ Giới Hương, Thư Viện Hoa Sen, 21/12/2018

Chúng ta đang sống trong chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ, nên quỹ đạo bốn mùa (xuân hạ thu đông) hay 12 con giáp (Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi) luôn xoay chuyển. Năm 2019 là xuân Kỷ hợi, năm con heo, xin được nói chuyện về heo.

con1

Heo ông Địa - Heo Thần tài - Ảnh minh họa

Heo là một loài vật có hình dáng tròn trịa mũm mỉm, béo tốt ủn ỉn và hiền từ, khác với loài thú dữ khác như rắn, sư tử, beo… hại người, hại vật. Theo tự điển online, tên khoa học của heo là sus, thuộc họ lợn (suidae), tiếng Anh là pig. Heo còn được gọi là lợn, ỉn, hợi, trư, thỉ và nhiều tên riêng (danh từ riêng đặt cho chúng, như lão Trư, heo Móng Cái, heo Tây Ninh, heo Mọi, heo Tu Lại, ông Hợi, heo Năm Móng, heo Ba Giò, heo Mép, chú Lợn Snowball, cô heo Squealer, v.v…). 

Trong chuỗi 12 con giáp, ba con vật cuối cùng (gà, chó, và heo) có mối liên hệ gần với con người hơn các con vật như chuột, trâu, cọp, v.v. Heo là một con vật mà chỉ nói đến tên chúng ta cũng có thể cảm thấy gần gũi ; một con vật mà hình ảnh của nó đã đi vào thơ ca, hội họa dân gian và là biểu tượng văn hóa. Trong tiếng Việt hằng ngày, heo cũng thường được nhắc đến, nào là "mập như heo", "ngu như heo", "lười như heo", "ăn như heo", "ngủ như heo", "sướng như heo", và "dơ như heo", vv... Nói chung là các từ ngầm so sánh để diễn ta một ai đó không làm gì cả, khỏi phải động não, chẳng hề căng thẳng(stress), mà vẫn "phây phây", tốt tướng, hưởng thụ, nhàn nhã. Nhưng đứng trên phương diện sinh học mà nói, thật ra heo không có tối dạ ; trái lại, heo rất thông minh, dễ dạy, ngoan hiền và thân thiện.

Heo là con vật có một mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ người Á châu mà còn cả Âu châu. Đối với người Việt Nam và Trung Quốc, heo gần gũi đến độ được nhân cách hóa qua nhân vật hư cấu nửa người nửa heo Trư Bát Giới trong truyện nổi tiếng "Tây Du Ký". Đối với các dân tộc sống tại các đảo ngoài lục địa Đông Nam Á, ngoài "chức năng" cung cấp thực phẩm, heo còn là biểu tượng của sự giàu có. 

Theo văn hóa Việt Nam hay Châu Á, heo là biểu trưng của tiền bạc, sự phồn thịnh, sung túc, tài lộc, nên nhiều nghệ nhân đã đúc tượng heo vàng, lịch ảnh heo treo tường, heo ống tiết kiệm làm giàu, tranh dân gian để thể hiện sự chúc tụng năm mới nhiều may mắn, con cháu đông vui, sanh sôi nảy nở, phúc lộcdồi dào phong phú. Heo cũng còn là biểu tượng của vật tế lễ cúng bái như sính lễ hôn nhân, đám giỗ, quà cưới cho cô dâu, tạ lễ sau khi thành công ở thương trường buôn bán, sanh con, cúng tế thần linh, lễ khai trương, v.v.

Ở các bán đảo Thái Bình Dương, loại heo không lông Kapia thường được dùng làm con vật để tế thần, vì người ta tin rằng heo có linh hồn, sẽ linh thiêng. Ở Âu châu thời cổ đại, heo là con vật được nữ thầnDemeter (thần sinh sản trong thuyết Hy Lạp Cổ Đại) ưa thích. Bởi lẽ, heo là biểu tượng cho sự sinh sản con cái sung túc, nên phụ nữ hay mua heo mạ đồng vàng để trong nhà hay phòng riêng để cầu mắn con. Người thổ dân da đỏ ở Mỹ cũng xem heo là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn. Ở Đức, tham dự vào buổi tiệc có thịt heo vào đêm Noel có ý nghĩa ngăn ngừa quỉ thần và đem lại thịnh vượng, tiền tài cho năm mới. Ở Mỹ, heo được làm biểu tượng của đội thể thao, như đại học Arkansas đặt tên cho đội thể thao là Sus Scrofa (Con Lợn Lòi) (https ://en.wikipedia.org/wiki/Domestic_pig) hay Đội Lợn Hoang, đội bóng nhí gồm 12 thành viên thiếu niên bị kẹt trong hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan suốt 18 ngày, đã nổi tiếng trên khắp thế giới.

con2

Lợn trong Tranh Đông Hồ - Ảnh minh họa

Với trẻ con Việt nam, con heo đất còn là người bạn thân thiết. Thuở nhỏ bé tí, các bé nhóc đã được ba mẹ ông bà dạy cách tiết kiệm bằng cách bỏ vài đồng, vài cắc cent vào chú heo con nho nhỏ, màu vàng, màu bạc hay màu đất để cúng chùa, giúp người nghèo, làm từ thiện... Tích tiểu thành đại ! Bài học "heo ống" nhỏ này sẽ giúp trẻ con hay ngay cả người lớn biết xài tiết kiệm, san sẻ bố thí, cúng dường làm phước.

Heo là con vật thuộc 12 con giáp, rất thân thiện và gần gũi với con người. Nó sướng nhất vì chỉ ăn và ngủ, khỏi phải lo lắng điều gì. Vì heo vốn là nhàn nhã, sống vô tư, không lo nghĩ, tròn trịa trù phú, mũm mĩm phồn thực, phúc lộc, nên năm heo sẽ mang nhiều niềm vui, vận may, tụ tài lộc, lợi nhuận sung túc thoải mái cả tinh thần và vật chất đến với mọi người.

12 con giáp xoay vần. Năm mới Tết đến. Lại một chú Heo ngấp nghé trước thềm. Chúc mọi người một cuộc sống "sung sướng, nhàn nhã như Heo", "vô tư, không lo nghĩ như Lợn" và "thoải mái từng ngày như Hợi".

Chúc mọi nhà một năm mới đủ ăn, dư mặc, thừa tình yêu thương và giàu lòng quảng đại. Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 ! 

Thích Nữ Giới Hương

Nguồn : thuvienhoasen, 21/12/2018

******************

Năm Hợi kể chuyện những vụ án vui về... heo !

An Yên, Công An Thành phố, 03/02/2019

Từ xa xưa đến nay, heo trở thành con vật thân quen với nhiều gia đình. Ở nông thôn đất rộng, ruộng vườn thênh thang, người dân có thể nuôi heo thịt, heo nái theo bầy đàn. Còn thành phố đất chật, người đông, nhiều nhà hướng đến việc tiết kiệm bằng cách vỗ béo các chú heo đất "thần tài".

con3

Từ xa xưa đến nay, heo trở thành con vật thân quen với nhiều gia đình. Ảnh minh họa

Dù heo thịt hay heo đất cũng đều bán ra tiền hoặc chứa đựng kim ngân nên nhiều năm qua có không ít vụ án trộm heo gây bất bình và không kém phần hài hước.

Ăn lót dạ xem world cup bằng heo… hàng xóm

Các trận cầu World Cup thường diễn ra vào khoảng 1 hoặc 3 giờ sáng giờ Việt Nam, nên những người mê bóng đá thường phải thức khuya chầu chực xem trái bóng lăn trên sân cỏ.

Nửa đêm về sáng, khí trời mát mẻ, năng lượng đã tiêu hao cho việc hò reo cổ vũ các trận đấu diễn ra tối hôm trước nên phần lớn tín đồ bóng đá đều cảm thấy đói bụng. Chính vì thế mà Nguyễn V. (SN 1986) và Ngô Quang S. (SN 1995, cùng quê Bình Định) đã nghĩ ra chiêu chống đói khá lạ lùng là trộm... heo, gà nhà hàng xóm xẻ thịt ăn lót dạ.

Phát hiện mất con heo, còn đàn gà cũng vơi đi đáng kể nên ông Nguyễn X. (SN 1948, ngụ huyện Tây Sơn, Bình Định) báo công an. Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng tìm ra thủ phạm là V. và S. Cả hai thành khẩn khai do đói bụng vì thức khuya xem bóng đá nên đã trộm heo, gà làm thịt. Tất nhiên, cả hai phải chịu trách nhiệm về hành vi trộm cắp lạ lùng của mình.

Trộm heo "thần tài"

Trào lưu nuôi heo đất tại các đô thị trở thành phong trào tiết kiệm của nhiều hộ gia đình, trường học thì các cơ sở sản xuất cũng đẩy mạnh việc cho ra lò đủ chủng loại heo đất xinh xắn, trong đó có các chú heo "thần tài" lấp lánh ánh vàng. Công nghệ làm heo thần tài tốn kém hơn heo đất thông thường nên giá khoảng vài chục ngàn đồng đến hơn trăm ngàn một con. Vì thế, nếu trộm được heo rỗng ruột đem bán vẫn có tiền xài.

Rạng sáng 17/09/2018, thấy một phụ nữ chở theo bao tải căng đầy có hình thù kỳ lạ nên tổ tuần tra xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) yêu cầu dừng xe kiểm tra. Mở bao, tất cả ngạc nhiên khi thấy bên trong chứa rất nhiều heo "thần tài" vàng óng, còn mới toanh.

Sau một lúc quanh co, Đỗ Thị Ph. (SN 1972, ngụ Đà Nẵng) khai vừa trộm số heo trên tại cơ sở Kim H. (P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ) và đang vận chuyển đi cất giấu. Đấu tranh mở rộng, Ph. khai thêm trước đó đã hai lần đột nhập cơ sở này trộm 39 con heo "thần tài" cùng 27 lọ hoa bằng sứ. Từ lời khai của Ph., số tang vật sau đó được thu hồi và xử lý.

Hai chàng làm thuê trộm... 153 con heo

Trộm được 153 con heo thịt, bình quân mỗi con nặng hơn nửa tạ thì quả là quá siêu. Cao thủ trong làng trộm heo thịt đã thuộc về Đặng Văn N. (SN 1987) và Đặng Văn P. (SN 1985, cùng quê Bạc Liêu).

N. và P. xuất phát là người làm thuê trong trang trại nuôi heo của ông Phạm Hồng Th. (ngụ H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Nơi đây nuôi hơn 2.500 con heo thịt theo hợp đồng gia công nên thi thoảng ông chủ mới tạt qua giám sát, phần lớn thời gian còn lại giao cho người làm công tự quản.

Thấy điều kiện thuận lợi, từ ngày 8 đến 12-1-2016, N. và P. đã bắt trộm 153 con heo thịt, thuê xe tải đến chở qua huyện Xuyên Mộc bán lấy tiền tiêu xài. Đến đợt kiểm tra định kỳ, phát hiện hao hụt đến hơn 150 con heo thịt trị giá nhiều triệu đồng, ông chủ mới trình báo công an nhờ điều tra nên N. và P. đã bị bắt tạm giam để xử lý về hành vi "trộm cắp tài sản".

Mất cả "bầy" heo đất chứa 200 triệu

Thông thường, mỗi hộ chỉ nuôi một, hai con heo đất là cùng, còn nuôi thành bầy đến năm con như gia đình anh N.T.B (ngụ P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) thì hơi hiếm và đây là vụ án trộm heo đất có giá trị lớn được khám phá nhanh.

Đóng cổng và cửa cẩn thận rồi đi ngủ, nhưng sáng dậy gia đình anh B. không khỏi hoảng hốt khi phát hiện kẻ gian đã đột nhập trộm nguyên đàn heo đất 5 con (trong chứa hơn 200 triệu đồng) cùng 1 túi xách có 8 triệu đồng, 5 điện thoại di động đắt tiền, 1 máy iPad và một nhẫn vàng 9999.

Sự việc được trình báo với cơ quan công an. Tổ chức khám nghiệm hiện trường, công an quận Thủ Đức thu thập dấu vết vân tay và hình ảnh từ camera để tổ chức truy tìm thủ phạm. Sau hai ngày quyết liệt truy xét, công an quận Thủ Đức đã bắt được thủ phạm là Lê Văn P. (SN 1989, quê Phú Yên) để xử lý vào chiều 9/8/2018.

Qua đấu tranh, P. khai nhận, khoảng 1 giờ ngày 7/8/2018 đi lòng vòng quanh khu vực quận Thủ Đức, khi ngang qua nhà anh B., P. leo vào rồi lên lầu 2. Tại đây, phát hiện đàn heo đất nên P. gom hết, cùng một số tài sản khác rồi bỏ trốn ra Nha Trang.

Tưởng không ai phát hiện ra hành vi của mình, nào ngờ chỉ sau hai ngày gây án, P. đã bị Công an Thủ Đức bắt tạm giam để trả giá cho hành vi trộm cắp.

"Ba chàng ngự lâm" và kịch bản trộm 28 con heo

Nhiều lần đến lò mổ heo ở thị trấn Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) chơi nên Nguyễn Hồ Anh T. (SN 1996) và Đỗ Ái Q. (SN 1995, cùng ngụ Bảo Lộc) hiểu rõ đường đi lối lại, cũng như việc quản lý tài sản có phần chủ quan, hớ hênh tại đây. Nhân lúc kẹt tiền tiêu xài, cả hai nảy sinh ý định trộm cắp vào ngày 23/07/2018.

Để thực hiện ý đồ, Tú - Quốc rủ thêm đồng bọn tên R. cùng tham gia và lên kế hoạch chi tiết. Theo những gì đã vạch ra thì T. mua sẵn một sim điện thoại mới rồi giao cho R. đóng vai chủ nhà, thuê hai ôtô đến lò mổ heo. Lợi dụng lúc lò mổ không có người trông coi, cả 3 đã bắt 28 con heo thịt do nhiều hộ dân gửi ở đây rồi đưa đến một lò mổ khác ở Bình Thuận bán được hơn 120 triệu đồng. Trả tiền thuê xe tải xong, số còn lại ba đối tượng chia nhau.

Vụ mất trộm heo thịt trong lò mổ nhanh chóng được trình báo cơ quan công an. Sau hai tuần khẩn trương điều tra, từ những manh mối mỏng manh, Công an huyện Di Linh đã lần ra nơi ở của T. và Q., thực hiện lệnh bắt tạm giam để xử lý theo pháp luật.

"Mần thịt" heo đất ở trường học

Phong trào nuôi heo đất tiết kiệm được nhiều trường học phát động trong mấy năm gần đây. Số tiền thu được từ mỗi chú heo khi đập chỉ vài trăm đến một triệu đồng là cùng, nhưng mục tiêu chính nhà trường muốn xây dựng là tinh thần tiết kiệm, biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn cho học sinh.

Vậy nhưng một loạt trường học tại thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã bị kẻ gian đột nhập đập heo đất trộm tiền và các thiết bị giảng dạy nên cơ quan công an không thể làm ngơ trước hiện tượng trộm cắp lạ lùng.

Sau thời gian tổ chức giăng lưới mật phục, đến tối 9-10-2017, Công an phường Bình Thắng (thị xã Dĩ An) bắt được Vũ Văn L. (SN 1994, quê Thanh Hóa), Nguyễn Chí H. (SN 1995, quê An Giang), Trần Đức V. (SN 1993) và Nguyễn Đình T. (SN 1997, cùng quê Nghệ An) khi vừa từ trong trường Nguyễn Khuyến leo ra ngoài đường tính tẩu thoát.

Tang vật gồm máy tính và một máy chiếu. Qua đấu tranh, nhóm này khai thêm đã đập bể 6 con heo đất trong trường Nguyễn Khuyến lấy được 540.000 đồng.

Mở rộng điều tra cho thấy, nhóm trộm này chính là thủ phạm các vụ đột nhập trường học trộm tiền heo đất và các tài sản khác. L. và H. từng có tiền án về tội trộm cắp tài sản, khi mãn hạn tù trở về lấy nghề phụ hồ làm kế sinh nhai.

Lười nhác lao động lại sẵn bản tính xấu nên cả hai rủ nhau lập nhóm trộm cắp, chọn các trường học làm mục tiêu đột kích. Điều phát sinh ngoài dự kiến là lớp học nào cũng nuôi heo đất tiết kiệm nên chúng… thịt luôn. Để tăng số đông dễ hành động, sau đó L., H. rủ thêm V. và T. cùng tham gia và chúng đã 8 lần đột nhập các trường Lý Thường Kiệt, Bình An, Tân Đông Hiệp... để trộm tiền heo đất và các tài sản khác.

An Yên

Nguồn : Công an Thành phố, 03/02/2019

****************

Tản mạn về "Con Heo" trong Ca dao Việt Nam nhân năm "Hợi"

Lê Ngọc Châu, 13/12/2018

Lời phi lộ : Bài này đã được phổ biến năm 2007, nhân Tết Đinh Hợi. Thắm thoát 12 năm trôi qua, đúng một giáp. Năm 2019 là Tết Kỷ Hợi, để phù hợp với thời gian người viết hiệu đính đề bài và năm tháng, giới thiệu lại cùng độc giả. Mong hoan hỷ cho mọi sự. Đa tạ (LNC).

* * *

Trong khuôn khổ bài này người viết chỉ muốn giới thiệu đến quí độc giả một vài nét đặc thù của dân tộc Việt Nam chúng ta, đó là Ca dao, đặc biệt những câu ca dao liên quan đến con giáp "Hợi" hay "Heo" nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

333333333333333333

Nhưng Ca dao là gì ? Theo định nghĩa trong Tập "Tục Ngữ, thành ngữ Ca dao và Dân ca Việt Nam" của cụ Trần Ngọc Ngải, Chicago, Illinois, USA 1997 thì Ca dao là những câu hát ngắn ghép thành khúc điệu được phổ thông trong dân gian. Có thể nói Ca dao là văn chương dân gian, rất bình dân và trải qua nhiều thế hệ lịch sử, đã được sinh ra trong những giai đoạn xã hội từ ngàn xưa và lưu truyền cho đến ngày nay. Rất ít người biết rõ được ai là tác giả của ca dao, tuy nhiên ca dao ít nhiều cũng đã là vũ khí chống lại những xâm nhập văn hóa trải qua sự đô hộ của nhiều thời đại. Vì vậy cũng có thể nói rằng Ca dao Việt Nam đã góp phần không ít trên phương diện bảo tồn nền văn hóa dân tộc Việt. Những câu ca dao tục ngữ, các lời hò, hát dặm hay những bài vè thường đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau như xã hội, gia đình, tín ngưỡng, tình yêu, thiên nhiên v.v... Do đó, ca dao Việt Nam là một kho tàng vô giá, là nền văn hóa căn bản của dân tộc, làm giàu thêm tiếng Việt, vì thế chúng ta nên cố gắng và trang trọng gìn giữ nó. Cho nên khi nói đến ca dao là chúng ta muốn nói đến niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mình.

Như đã nói ở trên, ca dao tục ngữ thường đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt là xã hội, gia đình và tình yêu. Và xã hội nào cũng vậy, có kẻ giàu người nghèo. Đáng buồn là dân nghèo thì chiếm đa số. Để diễn tả sự chênh lệch của hai giai cấp này, trong đó người ta lấy con "Heo" hay "Lợn" làm biểu tượng cho sự giàu có sung túc qua các lễ hội, đám đình vì thế dân gian Việt đã đặt ra bài ca dao sau đây :

"Anh là con trai nhà nghèo

Nàng mà thách thế anh liều anh lo

Cưới em anh nghĩ cũng lo

Con lợn chẳng có, con bò thì không

Tiền gạo chẳng có một đồng

Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần

Sớm mai sang hiệu cầm khăn

Cầm được đồng bạc để dành cưới em..".

Cũng có những câu ca dao khen tặng sự khéo léo, chăn nuôi quanh năm hay làm ăn thành công của những gia đình nông dân :

"Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn

Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm".

Hay :

"Giàu lợn nái, lãi gà con"

Nuôi lợn để đem bán là một sinh kế của giới nông dân Việt. Lắm khi chẳng được gì nên từ đó cũng nẩy sinh ra những câu ca dao đùa cợt cảnh mấy bà gánh heo đi rồi lại gánh về :

"Ba bà đi bán lợn con

Bán đi chẳng được lon ton chạy về

Ba bà đi bán lợn sề

Bán đi chẳng được chạy về lon ton"

Người đàn bà Á Châu bản tánh vốn đảm đương. Đàn bà Việt Nam xưa nay giỏi trên nhiều phương diện, nhất là lo cho gia đình chồng con. Để diễn tả sự khó nhọc, bổn phận làm vợ và khả năng đa diện của người đàn bà Việt, ca dao có câu :

"Đang khi lửa tắt cơm sôi

Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem

Bây giờ lửa đã cháy rồi

Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm"

Hoặc để ám chỉ sự giàu có của ai đó :

"Cồng cộc bắt cá dưới bàu

Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo"

Cảnh mẹ chồng khắc nghiệt với nàng dâu thời phong kiến và cho đến bây giờ đã làm cho nhiều cuộc tình tan vỡ hay vợ chồng lục đục. Dân Việt chúng ta đã lồng hình ảnh này vào ca dao, tuy nhẹ nhàng nhưng rất phong phú qua lối diễn đạt :

"Bố chồng là lông con lợn

Mẹ chồng như tượng mới tô,

Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi"

Dân quê Việt Nam hầu hết nhà nào cũng nuôi gia súc, trâu, bò, gà, vịt, heo... Heo, người ta cố nuôi cho mập, hy vọng chúng đẻ nhiều heo con đem bán lấy tiền nuôi dưỡng gia đình con cái. Con heo thường ăn xong nằm trong chuồng nên ca dao đã tả hình ảnh chú lợn như sau :

"Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ụt ịt (ủn ỉn) mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Bà (Mẹ) ơi đi chợ mua tôi đồng riềng"

Ai có gia đình con cái đều biết rõ sự khó khăn khi nuôi dưỡng con cái. Cách dạy con trai hay gái thường khác nhau. Đề cập đến phương diện này, ca dao Việt cũng đã diễn tả cảnh nuôi đứa con trai mà không dạy thì cũng giống như nuôi một con lừa. Còn nuôi đứa con gái mà không dạy, thì cũng giống như nuôi một con lợn :

"Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư

Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư"

Nói lên sự thiếu thật thà của con buôn, dân gian cũng có câu :

"Treo đầu heo, bán thịt chó".

Lắm khi cha mẹ phải vắng nhà, giao cho con trẻ trông coi. Khi về nhà thì hỡi ơi, nhiều chuyện bất ngờ xảy ra và ca dao Việt đã ví von kể lại chuyện này, nhẹ nhàng nhưng phản ảnh rõ nét sự ngây thơ của trẻ con :

"Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà.

Bao nhiêu củ rím củ hà

Để cho con lợn con gà nó ăn".

Nhằm trách khéo những người mẹ nghèo muốn con gái mình lấy chồng giàu nên (ngày xưa) đã ép duyên con và đưa đến những chuyện không may như sau :

"Mẹ em tham thúng xôi dền

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.

Em đã bảo mẹ rằng đừng

Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay vào

Bây giờ chồng thấp vợ cao

Như đôi đũa lệch so sao cho bằng".

Cảnh ép duyên đôi khi mang lại một cuộc sống buồn, không mấy hạnh phúc đối với người đàn bà Việt tại thôn quê nói riêng. Nhiều người đã mượn ca dao để than trách số phận hẩm hiu của mình :

"Thân em mười sáu tuổi đầu

Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người

Nói ra sợ chị em cười

Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay

Tối về đã mấy năm nay

Buồn riêng thì có, vui rày thì không.

Ngày thời vất vả ngoài đồng

Tối về thời lại nằm không một mình.

Có đêm thức suốt năm canh

Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò".

Thay vì nói rõ ra mình muốn gì, ca dao Việt thâm thúy hơn mượn hình ảnh con lợn để diễn tả ý nghĩ thầm kín đó, nên có câu :

"Trông mặt mà bắt hình dong

Con lợn có béo thì lòng mới ngon"

Cũng có câu ca dao trách khéo sự thiên vị như :

"Mèo theo thịt mỡ ồn ào

Cọp tha con lợn thì nào thấy chi !"

Tỏ tình là cả một nghệ thuật, thông thường mấy chàng văn hoa bóng bẩy nhưng cũng có người mượn con lợn làm phương tiện hầu đạt được cứu cánh. Hãy nghe anh chàng ngố tìm cách làm quen, bày tỏ :

"Cô kia đi chợ Hà Đông

Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi

Anh đi chưa biết mua gì

Hay mua con lợn phòng khi cheo làng"

Đặc biệt ca dao cũng là phương tiện để những chàng trai tìm cách tán tỉnh đàn bà, thiếu nữ. Nhiều anh chàng tỏ tình kín đáo, khéo nói :

"Tình cờ bắt gặp nàng đây

Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần

May xong anh trả tiền công

Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho

Anh giúp một thúng xôi vò

Một con lợn béo một vò rượu tăm...

Anh giúp đôi chiếu em nằm

Đôi chăn em đáp đôi tằm em đeo

Anh giúp quan tám tiền cheo...".

Hoặc than thân trách phận vì không cưới được người yêu giống như cảnh con heo bị chủ bỏ đói để rồi mừng rỡ khi ước mơ thành sự thật :

"Yêu nhau chả lấy được nhau

Con lợn bỏ đói buồng cau bỏ già

Bao giờ sum họp một nhà

Con lợn lại béo cau già lại non".

Không những chỉ nhẫn nại thôi mà người đàn bà Việt hy sinh cho chồng con. Lắm khi vì thương chồng phải gánh chịu nhiều cay đắng cho nên ca dao đã để lại những câu :

"Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối,

Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan,

Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan

Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười".

Người Việt mình, nhất là nữ giới thường mê tín dị đoan. Tết về hay đi xem bói xin quẻ. Để mỉa mai mấy ông thầy bói dỏm, ca dao Việt không nhân nhượng :

"Bói cho một quẻ trong nhà

Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên"

Và để kết thúc bài này, người viết xin nhắc lại vài dữ kiện lịch sử liên quan đến năm Hợi, biểu tượng cho con heo ủn ỉn.

Vào Năm Tân Hợi 1611, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã lấy phần đất của Chiêm Thành lập ra phủ Phú Yên, rồi chia ra làm hai huyện Đồng Xuân và Tuyên Hòa.

Năm Tân Hợi 1851, nhà Nguyễn mở khoa thi hương ở An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định, nên về sau mới có câu :

"An Nhơn có tháp Mò O

Có chùa Thập Tháp có đò Trường Thi"

Riêng năm Đinh Hợi (1645) quân nhà Trịnh Tráng đem đại binh sang đánh Quảng Đông thu hồi đất cũ, mấy vùng quân ta từng làm chủ.

Tết năm 2007 là Tết Đinh Hợi, 12 năm trôi qua thật nhanh. Năm 2019 là Tết Kỷ Hợi, không biết việc gì sẽ xảy ra cho quê hương Việt Nam ?. Mặc dầu đồng hương chúng ta (đôi khi vì hoàn cảnh) tuy vẫn hằng mang tâm trạng :

"Dù ai buôn bán nơi đâu

Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về"

nhưng khi biết rằng tại quê nhà hiện nay người dân vẫn còn sống dưới ách độc tài kềm kẹp của chế độ CSVN nên có rất nhiều người Việt tị nạn cộng sản tuy luôn trăn trở về quê hương, đất nước nhưng cũng đã dằn lòng, vượt qua tình cảm riêng tư chấp nhận kiếp sống lưu vong, ăn Tết tha hương :

"Dân ta khổ sở trăm bề

Cộng sản còn đó có về được chăng !"

Ca dao hay tục ngữ truyền khẩu về con "Heo" thì còn rất nhiều nhưng người viết chỉ trích một số ít ca dao trên đây, rất tiếc bài viết có giới hạn nên tôi không thể trích dẫn hết để trình bày cùng quí vị, xin thông cảm. Nhưng qua đó cũng đủ gói ghém ý nghĩa sâu sắc của ca dao, có thể nói là căn bản của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Xuân Đinh Hợi 2007 / Xuân Kỷ Hợi 2019

© Lê Ngọc Châu 

(Nam Đức, tối 12/12/2018)

Tài liệu tham khảo :

- Phỏng tác theo tài liệu của Hà Phương Hoài

Quay lại trang chủ
Read 943 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)