Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

17/03/2019

Anh Quốc, một chặng dừng chân ý nghĩa

Tường Huy

Tặng Vân Nguyễn, và cảm ơn "xứ sở sương mù" đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp khó quên và những trải nghiệm sâu sắc khi cùng người yêu đeo ba-lô khám phá một góc của nước Anh yêu dấu hôm nào. Xin hẹn một ngày trở lại thăm "xứ sở sương mù" đó và mong rằng ngày ấy không xa lắm !


Nước Anh nổi tiếng là một quốc gia bảo thủ nhưng lại là nơi chốn của cái nôi khai sinh ra nền dân chủ "thực sự" đầu tiên trên thế giới. Vì sao ?

anh1

Anh nổi tiếng là một quốc gia bảo thủ nhưng lại là nơi chốn của cái nôi khai sinh ra nền dân chủ "thực sự" đầu tiên trên thế giới

Như tất cả chúng ta ít nhiều cũng biết là Cách mạng Tư sản Anh hình thành rất sớm. Từ năm 1642 đến 1651, cuộc nội chiến Anh (the English Civil War) bùng nổ giữa hai chính phái : phe Quốc hội và phe Hoàng gia (Bảo hoàng). Và kết thúc phe Quốc hội thắng và nền Quân chủ Lập hiến (Parliamentary government, sau này hình thành ra Dân chủ Đại nghị) ra đời mãi cho đến ngày hôm nay. Nước Anh đã có dân chủ từ ngày ấy trong khi các quốc gia khác ở Âu Châu còn nằm dưới chế độ quân chủ truyền thống và bị ảnh hưởng của Tòa Thánh Vatican chi phối quyền lực (xã hội thần quyền còn thống trị).

Quân chủ Lập hiến thực chất là : cái ruột dân chủ nhưng cái vỏ vẫn có vua chúa tựa như phong kiến đại diện quốc gia, nhưng vua chúa chỉ là biểu tượng mà không có thực quyền (nôm na là bù nhìn). Từ dạo ấy đến nay gần hơn 4 thế kỷ nước Anh vẫn giữ mô hình "vỏ vua chúa, ruột dân chủ" và đại đa số người dân Anh đều ủng hộ và tán thành. Bên ngoài lớp vỏ không thay đổi là bao sau nhiều vương triều nối tiếp nhau, nhưng bên trong lớp ruột thay đổi rất nhiều và đến nay Anh Quốc vẫn là một trong những quốc gia phát triển mạnh mẻ và có nền kinh tế hàng đầu của thế giới.

Thế giới tự do hưởng lợi từ Cách mạng Tư sản Anh rất nhiều !

Đó là nền tảng và học thuyết về một mô hình nhà nước dân chủ cộng hòa với thể chế phân lập ra đời được nhà triết học lỗi lạc người Pháp là Montesquieu viết trong tác phẩm "Tinh thần Pháp luật" (The Spirit of the Laws). Tác phẩm ấy ra đời năm 1748, tức sau gần 100 năm nền dân chủ Anh Quốc hình thành. Cũng chính tác phẩm đó đã được làm nền tảng cho bản Hiến pháp Huê Kỳ (the US Constitution) sau đó 39 năm (vào năm 1789, tức là 8 năm sau khi Huê Kỳ giành độc lập từ tay Anh Quốc). Ngoài ra, tác phẩm ấy cũng là nền tảng cho nhiều quốc gia dân chủ cộng hòa sau này trên thế giới. Sự thịnh vượng xây dựng từ đó ! Như vậy Montesquieu chỉ định mô hình dân chủ Anh Quốc từ dạng Quân chủ sang Cộng hòa. Chỉ đổi vỏ, còn ruột thì gần như giống nhau. 

Anh Quốc từ đầu thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 là một cường quốc bá chủ thống trị thế giới, và đã ảnh hưởng sâu sắc về văn hóa lẫn quân sự. Anh Quốc thuở ấy có thuộc địa khắp địa cầu, câu nói "mặt trời không bao giờ lặn trên Đế quốc Anh" đã chứng minh cho điều đó. Hải quân Hoàng gia (the Royal Navy) đã thống trị khắp biển cả và các thương thuyền của Công ty Đông Ấn Anh Quốc (the British East India Company) đã giương buồm ra khơi và buôn bán khắp mọi hải cảng trên thế giới. Huê Kỳ cũng từng là thuộc địa cũ của Anh Quốc và vùng lên ly khai sau cuộc cách mạng, rồi trở thành một quốc gia hùng cường sau đó nhờ học theo tinh thần của Anh Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà Anh Quốc hùng mạnh đến hơn 300 năm và sau đó nhường lại vị thế "bá chủ toàn cầu" cho Huê Kỳ. Mấu chốt ở chỗ họ là quốc gia khai sinh nền dân chủ sớm nhất thế giới và dân chủ đã đưa họ dẫn đầu thế giới hơn suốt 300 năm và sau đó bị một nền dân chủ trẻ hơn soán ngôi (tức Huê Kỳ). Có dân chủ là có phồn thịnh và hùng cường, và điều đó đã được khẳng định gần hơn 400 năm qua !

Những quốc gia từng là thuộc địa cũ của Anh Quốc đều được hưởng lợi thế từ nền dân chủ Anh Quốc cho đất nước họ trong thời kỳ thuộc địa và sau khi nhận được nền độc lập từ "quốc mẫu" thời hậu Thế chiến thứ Hai. Nhìn lại các thuộc địa cũ của Anh Quốc, đại đa số các quốc gia đó đều thịnh trị và thịnh vượng. Ngoài trừ Huê Kỳ độc lập rất sớm, các nước còn lại như : Canada, Úc, New Zealand, Hong Kong, Singapore, Malaysia, các quốc đảo vùng Caribbean, đều hưởng trọn vẹn nền dân chủ từ Anh Quốc và kinh tế trở nên phồn thịnh và giàu có sau đó. Riêng Ấn Độ-Pakistan-Bangladesh (ngày trước là Đông Hồi - East Pakistan) không tiếp thu trọn vẹn được nền dân chủ của Anh Quốc vì có nhiều vấn đề chủng tộc và tôn giáo nội bộ nên không thịnh vượng. Cần mở ngoặc thêm là thể chế chính trị của Ấn Độ không kế thừa từ Anh Quốc như các nước thuộc địa cũ : Canada, Úc, New Zealand ; mặc dù Ấn Độ tuy là quốc gia dân chủ sau khi được Anh Quốc trả độc lập năm 1947 nhưng nền chính trị vẫn tập trung duy nhất trong tay của một đảng chính trị (the Congressional Party) do Thủ tướng Nehru và con gái của ông (sau này cũng là Thủ tướng) là bà Indira Gandhi lập ra.

Như vậy, những quốc gia độc lập theo đấu tranh ôn hòa để được trao trả độc lập có cái lợi như sau :

- Thứ nhất không tốn xương máu.

- Thứ nhì thừa hưởng một nền dân chủ để tiến bước vững mạnh và đưa đến thịnh vượng. Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì với đất nước Việt Nam mình, vì vậy đất nước ta bị tàn phá kinh khủng, từ tài nguyên đến ý thức hệ, mặc dù ta đã có nền độc lập từ năm 1954 và chiến tranh đã kết thúc từ năm 1975. Tâm lý "nội chiến" của người Việt Nam còn quá nặng, và con đường hòa hợp hòa giải dân tộc sẽ khó thành nếu tâm lý "nội chiến" vẫn còn nằm sâu trong tư tưởng của đại đa số người Việt Nam mình.

Sau Montesquieu hơn 100 năm thì Karl Marx và Frederich Engel đã viết Tuyên ngôn Cộng sản (the Communist Manifesto). Bản tuyên ngôn này chính thức kêu gọi hành động lật đổ Nhà nước Tư sản (capitalism) do Adam Smith đề xướng, và lập nên nhà nước Vô sản (communism). Sau này Lenin còn bổ sung thêm con đường đấu tranh bằng bạo lực cách mạng, ông từng khẳng định rằng : "không có cách mạng bạo lực thì không thể thay thế nhà nước tư sản bằng nhà nước vô sản được" (ghê thật !). Điều đáng sợ ở đây là họ cổ võ cho tầng lớp thấp kém và ít học trong xã hội làm cách mạng. Vì thế những con người đó quản trị được gì khi chỉ bị chế độ nhồi sọ và sách động ? Hiện tượng đó sẽ đưa đến một nhà nước độc tài toàn trị, và có mức tàn phá khủng khiếp (một cách vô nhân tính và vô đạo đức). Như vậy cả Karl Marx và Lenin đều quay lưng lại với mô hình dân chủ cộng hòa mà Montesquieu đã đưa ra trước đó hơn 100 năm, và chính hai nhân vật này chủ trương xóa bỏ mô hình dân chủ cộng hòa để đưa ra một mô hình chính trị khác. Nhưng đáng tiếc là kết quả hơn một nửa nhân loại rơi vào cảnh lầm than khốn cùng, cuộc sống không xứng đáng là con người đúng nghĩa mà ngày nay nó vẫn còn duy trì trên đất nước Việt Nam (lẫn Trung Quốc, Bắc Hàn, Lào, Cuba, và Venezuela). Buồn thay !

anh2

Ngày nay trên thế giới, đa số các quốc gia dùng Anh ngữ đều rất giàu có và thịnh vượng. Những quốc gia thịnh vượng khác cũng theo một trong các mô hình chính trị của Anh Quốc hoặc Huê Kỳ hay Pháp.

Nhìn chung, mô hình chính trị dân chủ đại nghị bắt đầu từ nhận thức của người dân Anh Quốc, chính họ đã biết chọn lựa mô hình này từ rất sớm, điều đó cho thấy dân tộc này tiềm ẩn một nội lực trí tuệ rất mạnh, và đi trước các dân tộc khác rất lâu về tư duy và tầm nhìn chính trị. Nhìn bề ngoài họ rất thủ cựu, vẫn có vua chúa nhưng bên trong lại là một nền dân chủ vững chắc. Bên ngoài họ rất bảo thủ, nhưng bên trong họ luôn chứng tỏ cái thâm thúy thượng hạng. Tựa như những chiếc xe hơi do Anh Quốc chế tạo, bề ngoài rất bảo thủ nhưng bên trong nó là một chất lượng hoàn hảo như : Rolls Royce, Bentley, Cougar, Range Rover, Mini Coopers, v.v. đều mang tính chất đó cả.

Chưa kể đến các trạm tàu điện métro (subway) của Anh Quốc luôn sạch sẻ, gọn gàng, tỉ mỉ, và đặc tính quan trọng là họ chạy đúng giờ một cách chính xác theo từng giây đồng hồ. Gần hơn hai tuần xách ba-lô chu du "xứ sở sương mù" vẫn chưa bị "trễ tàu" và họ làm việc chính xác một cách đáng nễ, dù ở London hay Brighton hoặc Hove hay Albion.

Các quán ăn ở Anh tuy là thực phẩm hơi có phần hơi lạt (theo khẩu vị riêng của tôi), nhưng đa phần các món ăn ở đó có đầy đủ dinh dưỡng và đặc trưng rõ nét của từng vùng miền ở nước Anh. Tôi khoái món ăn dân dã "Fish-and-Chips" của người Anh, tuy là một món bình dân nhưng nó gói ghém cả một tâm huyết của một dân tộc "ăn chắc, mặc bền" trong đó. Chỉ cần một miếng cá cod tẩm bột chiên và với một mớ khoai tây cắt bảng lớn chiên cùng, rắc lên một ít muối và malted vinegar, bấy nhiêu đó cũng đã phảng phất cả một vùng trời thơ mộng của một quốc đảo bên trời Âu Châu xa xôi ngày nào. Nhiều người không hạp với thức ăn của nước Anh và cho rằng không ngon, nhưng không biết rằng chúng ta đã quên những sản phẩm nổi tiếng để đời từ xứ sở đó như : thuốc lá 555, Worcestershire sauce, Scotch whiskey, áo mưa Burberry, v.v.

Một dân tộc tinh anh và hùng cường, lại có kỷ luật và châm chỉ kinh doanh thương mại, vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy họ đã chinh phục được cả thế giới ngày trước và vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm mãi đến sau này.

Huê Kỳ thay thế Anh Quốc ngôi vị bá chủ toàn cầu chỉ vì Huê Kỳ chính là "hậu duệ" của Anh Quốc mà làm nên. Cảm phục và ngưỡng mộ dân tộc tính của "xứ sở sương mù" Anh Quốc này quá xá luôn !

Tường Huy

(17/03/2019)

Quay lại trang chủ
Read 569 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)