Làng hoa Hạ Lũng nằm ở ngoại ô thành phố Hải Phòng, trải qua hơn một trăm năm tồn tại và định danh trên đất Bắc bởi sắc hoa tươi, cành cứng cáp, đẹp và giữ độ bền. Dường như hoa của làng Hạ Lũng đi khắp đất Bắc và đến đâu cũng được ưa chuộng. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước. Hiện tại, làng hoa Hạ Lũng có nguy cơ mất dấu vì nhiều lý do. Trong đó, nhà nước thu hồi đất để quy hoạch xây dựng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quỹ đất trồng trọt ngày càng eo hẹp, người nông dân không còn đất để canh tác.
Làng hoa Hạ Lũng đã có hơn một trăm năm tồn tại
Ông Hai, nông dân trồng hoa làng Hạ Lũng, Hải Phòng, chia sẻ với VOA : "Trước đây gọi là làng hoa Hạ Lũng, Lũng Đông thuộc xã Đằng Hải, trồng hoa. Chứ bây giờ không còn gì nữa đâu. Đất thu hẹp lại, người ta tiếc những phần đất còn lại mà trồng vậy thôi chứ không thấm vào đâu. Vì năm nay sinh ra chuyện tái định cư, không có diện tích để trồng. Giờ chỉ nói là người Đằng Hải trồng hoa trên đất tái định cư thôi. Không còn như xưa nữa. Bây giờ trồng manh mún, chủ yếu trồng cúc vậy thôi !"
Hoa thược dược, hoa cẩm chướng, hoa cúc, hoa lay ơn và hoa li là những dòng hoa đặc trưng của làng hoa Hạ Lũng. Trước đây, làng hoa Hạ Lũng có thể cung cấp hoa cho các tỉnh lân cận Hải Phòng, thậm chí một số tư thương ở Hà Nội cũng vào làng Hạ Lũng để đặt hoa giá sỉ. Tuy nhiên hiện tại, do quỹ đất bất ổn, eo hẹp, nhà cửa xây dựng ngày càng nhiều và không có chỗ thoát nước, không có nguồn nước để tưới, nghề trồng hoa rơi vào khủng hoảng và manh mún.
Giới trẻ đất Cảng mê mẩn chụp ảnh làng hoa Hạ Lũng
Anh Hiếu, kĩ sư hàng hải, chủ vườn hoa ở Hạ Lũng, Hải Phòng, cho biết : "Làng hoa của chúng tôi đã có từ rất lâu đời rồi. Và cách đây chừng chục năm thì phía bên dưới (khu dân cư) này trồng hoa hết. Lên đến vài chục hecta. Còn bây giờ, nhà dân mọc lên nhiều rồi. Dưới kia thì có dự án của quân đội, họ lấy bớt đất của dân và lấy đất làm sân bay. Diện tích giờ thu hẹp chỉ còn dưới mười hecta thôi. Nhưng đã có chủ trương bảo tồn làng nghề. Rất tiếc là tuổi trẻ người ta không mấy ai trồng hoa, chủ yếu là người già giữ nghề thôi".
Mặc dù nhà nước đang có chủ trương phục hồi và phát triển những làng nghề, trong đó làng hoa Hạ Lũng cũng đươc nhắm đến. Tuy nhiên, có một tình trạng chung ở hầu hết các làng nghề là một khi nhà nước đã công nhận làng nghề và kèm theo đó là những gói kinh phí điều chỉnh không hợp lý, thì hệ quả là làng nghề chết dần chết mòn sau khi được công nhận, người nông dân hay thợ thầy làng nghề chịu thiệt thòi nhiều thứ. Mối nguy này không ngoại trừ Hạ Lũng. Bởi hiện tại, những gia đình nông dân bỏ nghề trồng hoa ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, việc mở rộng sân bay Cát Bi, Hải Phòng, cũng ảnh hưởng đến phần lớn diện tích làng hoa Hạ Lũng. Rất tiếc, vấn đề đền bù giải tỏa vẫn không có gì là thỏa đáng đối với người nông dân. Bởi cầm một ít tiền theo giá đền bù đất nông nghiệp để rồi không còn đất canh tác và sử dụng nó theo định mức thành phố thì chẳng bao lâu, người nông dân sẽ chẳng còn gì để sống. Và câu hỏi ‘nếu không trồng hoa, người nông dân sẽ làm gì’ hầu như không có câu trả lời, rơi vào ngõ cụt.
Tranh thủ bán đất để đi tìm về vùng quê mua lại đất canh tác ; tranh thủ trồng những luống dưa, luống cà trên đất đã đền bù giải tỏa nhưng chưa thi công ; tranh thủ nguồn nước cống xả của thành phố để tưới những gốc hoa đang vào mùa khô hạn ; tranh thủ được ngày nào mừng ngày đó. Dường như mọi kiểu tranh thủ, nấn ná giữ lại vườn hoa, khóm hoa hay luống hoa chỉ có tính chất tạm bợ. Và rồi đây, không biết vườn hoa Hạ Lũng sẽ còn lại bao nhiêu người trồng hoa, bao nhiêu luống hoa ? Câu hỏi này nghe ra có vẻ đã muộn màng !
Nguồn : VOA, 18/03/2017