Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

31/05/2019

Phim 'Vợ ba' : 3 nguyên tắc của sự thỏa thuận

Nguyễn Trang Nhung

Hai tuần trôi qua, các tranh cãi xung quanh phim 'Vợ ba' vẫn chưa chấm dứt.

Bên cạnh lý lẽ về sự hi sinh vì nghệ thuật, một lý lẽ khác thường được sử dụng bởi những người ủng hộ phim là cả Trà My và mẹ cô đã đồng ý về việc cô đóng phim có các cảnh nóng.

vo1

Một cảnh trong phim 'Vợ ba' (Nguồn : Internet)

Liệu lý lẽ này có ổn hay không ?

Sự đồng ý của Trà My và mẹ cô được thể hiện qua hợp đồng với nhà làm phim. Hợp đồng này, như mọi hợp đồng, về bản chất là một thỏa thuận. Một thỏa thuận đúng nghĩa phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, trong đó có 3 nguyên tắc : (1) dựa trên sự tự do, tự nguyện, (2) không vi phạm điều cấm của luật, (3) không trái đạo đức xã hội (khoản 2, Điều 3, Bộ luật Dân sự 2015). 

Trong khuôn khổ của bài viết này, người viết đi vào phân tích 3 nguyên tắc cơ bản vừa nêu. Hai nguyên tắc sau là về pháp luật và đạo đức, mà hai khía cạnh này đã được bài viết "Phim 'Vợ ba' : Khi nghệ thuật thiếu dung hòa với pháp luật và đạo đức " đề cập. Dù vậy, hai khía cạnh này một lần nữa được đề cập tại đây ở góc độ của hai nguyên tắc của sự thỏa thuận, với một vài điểm nhìn bổ sung.

Về nguyên tắc 1, các thông tin trên báo chí hầu như cho thấy hai bên tự do và tự nguyện thỏa thuận. Song, sự tự do và tự nguyện này chỉ là thoạt nhìn. Để có thể xác định rõ hơn, người ta cần xem xét liệu hai bên có đủ thông tin để đi đến thỏa thuận, nhất là về những gì bất lợi mà hai bên không mong muốn. Chẳng hạn : Hai bên có đủ hiểu biết về pháp luật liên quan ? Hai bên có đủ hiểu biết về tâm lý trẻ em nói chung và khi đóng cảnh nóng nói riêng ? Hai bên có lường trước được các hệ lụy khi để trẻ em đóng cảnh nóng ? v.v. 

Thỏa thuận dựa trên sự hiểu biết đầy đủ tất nhiên có tính tự do và tự nguyện cao hơn so với thỏa thuận dựa trên sự hiểu biết hạn chế. Nếu có thể chứng minh sự hiểu biết hạn chế khiến ít nhất một trong hai bên có lựa chọn bất lợi cho mình, thì có thể kết luận rằng nguyên tắc tự do, tự nguyện không được bảo đảm. Trong trường hợp của phim 'Vợ ba', rất khó để nói rằng Trà My và mẹ cô đủ hiểu biết các vấn đề nêu trên. Còn nhà làm phim ? Có thể họ hiểu biết hơn song không cung cấp hết thông tin cần thiết mà mình biết cho bên còn lại.

Nói riêng về các hệ lụy, không khó để một người đủ hiểu biết lường trước các vấn đề của việc trẻ em đóng cảnh nóng như : (a) ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em (đặc biệt là tâm lý, về lâu dài), (b) ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của xã hội, vì nếu có tiền lệ thì về sau sẽ có thêm trẻ em đóng cảnh nóng ; (c) những hình ảnh và phim có trẻ em đóng cảnh nóng sẽ trở thành đối tượng của các website ấu dâm, khiêu dâm, cũng như của những kẻ biến thái, và trẻ em đóng cảnh nóng có thể trở thành đối tượng của sự chọc ghẹo, làm nhục, v.v.

Hệ lụy thứ nhất có thể sẽ xuất hiện theo thời gian, dù Trà My đã trả lời báo chí rằng mình không hối hận dù phim có nhiều ý kiến trái chiều [1]. Từ kinh nghiệm của nhiều diễn viên trẻ em của điện ảnh Mỹ (với các cảnh chưa đến nỗi nóng như của Trà My), như Jodie Foster 13 tuổi vào vai Iris trong 'Taxi Driver', Natalie Portman 11 tuổi vào vai Mathilda trong 'Léon : The Professional', Kirsten Dunst 11 tuổi vào vai Claudia trong 'Interview with the vampire' [2], v.v có thể nói rằng diễn viên trẻ em nói chung sẽ chịu tổn thương tâm lý, và Trà My không chắc sẽ là ngoại lệ.

Hệ lụy thứ hai là khá rõ ràng. Nếu phim 'Vợ ba' trở thành tiền lệ, đây sẽ là tiền lệ nguy hiểm. Nó mở ra một xã hội Việt Nam tương lai mà ở đó việc trẻ em đóng cảnh nóng được xem là bình thường, nhưng vì thế xã hội khi ấy đáng tiếc không còn bình thường nữa. Hiện nay, ngay tại một nước tự do, phóng khoáng như Mỹ, trẻ em hoàn toàn không được phép đóng cảnh tình dục, kể cả mô phỏng [3], thì Việt Nam cần học hỏi để hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng cấm trẻ em đóng cảnh tình dục như trong phim 'Vợ ba'.

Hệ lụy thứ ba đã xảy ra và hẳn sẽ còn tiếp diễn, khi phim 'Vợ ba' đã có mặt trên một số website khiêu dâm. Người ta có thể thấy điều này bằng một vài thao tác tìm kiếm giản đơn. Không rõ Trà My, mẹ cô và nhà làm phim có biết điều này, và nếu biết thì điều đó có thành vấn đề đối với họ hay không ? Dù câu trả lời là gì thì điều này đã thành vấn đề đối với xã hội.

Ngay cả khi các hệ lụy trên đây không xảy ra trong trường hợp của Trà My, thì điều đó không có nghĩa là các cơ quan chức năng sẽ không can thiệp, bởi can thiệp hay không, với mức độ nào – từ góc nhìn của họ với tư cách những nhà quản lý, những nhà làm luật, làm chính sách – sẽ phụ thuộc vào đánh giá tác động tổng thể của việc trẻ em đóng cảnh nóng nói chung. Thực tiễn cho thấy, tác động tiêu cực của việc này là đáng kể, chí ít là ở hệ lụy thứ nhất như đã nêu trên, nên sự can thiệp của các cơ quan chức năng là cần thiết.

Về nguyên tắc 2, mặc dù pháp luật Việt Nam hiện hành không có các quy định cụ thể về việc cấm trẻ em đóng cảnh nóng, song có các quy định mang tính nguyên tắc về các công việc được giới hạn cho trẻ em, theo đó, trẻ em chỉ được sử dụng vào các công việc bảo đảm sự phát triển nhân cách, cũng như không bị sử dụng vào các công việc không bảo đảm điều này.

Sự thiếu sót này của pháp luật Việt Nam nên được nhìn theo hướng khắc phục để hoàn thiện pháp luật, thay vì được nhìn theo hướng khai thác để đạt được mục đích nghệ thuật (hoặc mục đích khác) của người lớn nhờ sử dụng trẻ em đóng cảnh nóng – vốn khó tránh khỏi ảnh hướng xấu đến nhân cách. Thêm nữa, với tham chiếu pháp luật nước ngoài, nhà làm phim đủ hiểu biết phải tránh việc sử dụng trẻ em đóng cảnh nóng.

Về nguyên tắc 3, nguyên tắc này đặt các quan hệ dân sự vào sự ràng buộc của đạo đức xã hội. Không phải vô cớ mà đạo đức xã hội là một nguyên tắc cho các quan hệ dân sự. Pháp luật không bao giờ là đủ để điều chỉnh mọi quan hệ dân sự nói riêng và mọi quan hệ trong đời sống nói chung, và đạo đức xã hội là một hệ thống quy phạm song hành với pháp luật để điều chỉnh các quan hệ đó.

Đạo đức xã hội tối thiểu ở đây là không ai, kể cả và đặc biệt là trẻ em, bị sử dụng như phương tiện cho mục đích của người khác. Nếu người lớn coi trọng trẻ em như một chủ thể cần được bảo vệ tốt nhất để phát triển toàn diện thể chất lẫn tinh thần, và đặt điều này lên trên mục đích nghệ thuật (như cần phải thế), dựa trên sự hiểu biết tốt nhất có thể của mình, thì việc để trẻ em đóng cảnh nóng lấy lý do gì để biện minh ? 

Như vậy, qua xem xét 3 nguyên tắc của sự thỏa thuận trên đây, có thể thấy sự thỏa thuận giữa hai bên không bảo đảm tối thiểu các nguyên tắc 1 và 2, nếu không muốn nói là không bảo đảm cả 3 nguyên tắc, nên sự đồng ý của Trà My và mẹ cô với nhà làm phim là không đủ thuyết phục. Cùng với lý lẽ về sự hi sinh vì nghệ thuật, lý lẽ về sự đồng ý chỉ là một biện minh vụng về, và cả hai lý lẽ cộng lại chẳng bao giờ là đủ để phim 'Vợ ba' xứng đáng đến được với công chúng. 

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 31/05/2019 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] Trà My 'Vợ ba' : Không hối hận dù bị bàn tán bởi cảnh nóng

[2] Sao nhí đóng phim người lớn : Tổn thương tâm lý và những hệ lụy nhiều năm sau mới thấy

[3] Nhà sản xuất Mỹ : 'Tôi giận dữ khi ê-kíp Vợ ba để bé 13 tuổi đóng cảnh tình dục'

Quay lại trang chủ
Read 826 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)