Ở trung tâm Hà Nội, tòa nhà Art Deco số 22A Hai Bà Trưng với rạp chiếu phim nghệ thuật Hanoi Cinematheque đã tồn tại được 14 năm sắp bị phá hủy để nhường chỗ cho trung tâm thương mại Vincom.
Tôi từng đọc được một câu văn ý đại khái là người Hà Nội có thể đi thật xa khỏi Hà Nội, nhưng không bao giờ có thể đưa Hà Nội ra khỏi tâm hồn mình. Tôi thấy mình trong câu nói đó. Tôi bắt đầu rời khỏi Hà Nội từ những năm niên thiếu, cứ đi thật xa, thật lâu rồi mới quay về, đặt chân lên biết bao miền đất mới, trò chuyện với những người thuộc nhiều nền văn hóa văn minh khác biệt, nhưng vẫn luôn thấy mình thẩn thờ và cũ kỹ như một chiều thu Hà Nội ảm đạm năm nào. Cảm giác ấy in sâu và trở thành một phần con người tôi. Tôi có một ông bác làm ở bên bộ ngoại giao, đã lâu không thăm hỏi. Ngày còn nhỏ mẹ hay gửi tôi qua nhà nhờ bác trông nom trong một căn hộ nhỏ xíu nằm lọt thỏm trong khu tập thể cũ giữa lòng phố cổ. Căn nhà nhỏ nắng khó lọt qua khe cửa, thoang thoảng mùi thuốc bắc ấm cúng khiến tôi lúc nào cũng lơ mơ trong cơn buồn ngủ. Đến chiều bố qua đón về tôi vẫn còn ngất ngưởng ngủ gật. Và tôi cứ lớn lên trong một Hà Nội bình yên như thế. Sau này chỗ khu nhà đó bị phá, gia đình ông bác tôi chuyển ra ngoại ô thành phố sống vì ông đã nghỉ hưu. Thủ đô cũng không còn thiết tha với những tâm hồn già cỗi như ông nữa. Lớp trẻ chúng tôi thì lớn lên và lãng quên.
Ở trung tâm Hà Nội, tòa nhà Art Deco số 22A Hai Bà Trưng với rạp chiếu phim nghệ thuật Hanoi Cinematheque đã tồn tại được 14 năm sắp bị phá hủy để nhường chỗ cho trung tâm thương mại Vincom. Rạp chiếu phim nhỏ này do một người Mỹ tên là Gerald Herman sáng lập năm 2002. Ông là một người yêu điện ảnh và muốn mang tình yêu đó truyền cảm hứng cho các nhà làm phim trẻ tuổi tại Việt Nam. Tại đây, ông Herman đã xây dựng được một kho phim khổng lồ với 3.500 bộ phim nổi tiếng toàn thế giới với chất lượng hình ảnh tuyệt đẹp. Rất nhiều bộ phim Việt Nam được ông lưu giữ và trình chiếu như Bao giờ cho đến tháng mười (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Gánh xiếc rong (đạo diễn Việt Linh)… Nơi đây đã gắn bó và lưu giữ kỷ niệm của rất nhiều thế hệ người Hà Nội (thông tin tham khảo tại Vĩnh biệt "rạp chiếu bóng thiên đường" của Hà Nội của tác giả Lê Hồng Lâm trên báo Tuổi trẻ)
Hà Nội dường như đang mất dần đi những giá trị văn hóa, giá trị tâm hồn đẹp mượt mà rất riêng biệt. Đó là lý do vì sao tôi nhớ về ông bác già nua của mình. Nhưng điều nhức nhối hơn bên cạnh nỗi buồn mất mát đó là sự lạnh lùng khinh khi những giá trị nghệ thuật đẹp đẽ ấy. Số phận của Hanoi Cinematheque đã được định đoạt từ tháng 3 năm 2016 nhưng đến tháng 11 đội ngũ quản lý mới thông báo tin tức rộng rãi đến công chúng như một lời chia tay chính thức. Sau đó, tuy có rất nhiều cuộc vận động thu thập chữ ký, thay đổi hình đại diện Facebook để bày tỏ mong muốn giữ lại rạp chiếu phim, bên tập đoàn VinGroup vẫn không có một lời hồi âm nào. Hà Nội đang đi vào vết xe đổ của các nước tư bản phát triển, tiêu biểu là Seoul, Hàn Quốc. Thủ đô Seoul cũng đã trải qua rất nhiều thay đổi trong công cuộc hiện đại hóa, và tốc độ phát triển chóng mặt đã dẫn đến sự sụp đổ của nhiều giá trị truyền thống tại thành phố này. Seoul trở thành một kinh nghiệm "xương máu" khiến chính phủ Hàn Quốc vội vã đưa ra chính sách bảo tồn các công trình văn hóa ở nhiều thành phố khác, vừa để bảo tồn bản sắc dân tộc, vừa để thu hút du khách đến tham quan tìm hiểu.
Vẫn là câu chuyện đầu tư thông minh, nhưng đây lại là câu chuyện không của riêng ai. Trên thực tế, tôi thấy rất ít các nhà văn, nhà báo hay các nhà hoạt ngôn tìm hiểu, nghiên cứu về các vấn đề về văn hóa nghệ thuật nước nhà và sự thay đổi trong thời cuộc hiện nay, cho đến khi những giá trị văn hóa ấy đã bị đánh mất. Hanoi Cinematheque chỉ là một ví dụ rất nhỏ trong vô vàn những điều đẹp đẽ còn đang ẩn giấu trong các ngõ ngách Hà Nội mà ít ai thực sự quan tâm tới. Liệu sẽ có một công trình nghệ thuật nào khác như Hanoi Cinematheque trong tương lai, như một cách để gợi nhớ về, để bảo tồn và để phát triển giá trị cũ xưa đáng trân trọng như thế ? Đó là câu hỏi mà tôi nghĩ tất cả chúng ta cần phải quan tâm và cùng nhau tìm lời giải đáp.
Hoàng Giang
Nguồn : VOA, 29/12/2016