Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

24/03/2017

Phong cách "kiến trúc Đông Dương" tại Việt Nam đầu thế kỷ XX

Caroline Herbelin

Với những công trình như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm hay Dinh xã Tây - Hôtel de Ville (nay là trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Sài Gòn được mệnh danh là "Hòn Ngọc Viễn Đông". Với Nhà hát lớn, phố Paul Bert (nay là Tràng Tiền), Nhà thờ lớn, Nhà thờ Cửa Bắc, Dinh Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), Hà Nội được ví như một Paris thu nhỏ.

kientruc1

Giảng viên đại học Toulouse II-Jean Jaurès tại phòng thu RFI.RFI / Tiếng Việt

Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là "một công trường lớn" theo nhận định của nhà sử học Pháp Philippe Papin. Những công trình đồ sộ đậm nét phương Tây phục vụ bộ máy hành chính Pháp là "cách phô trương uy thế để duy trì sự kiểm soát người dân bị đô hộ". Sau đó xuất hiện những ngôi nhà, biệt thự vẫn được xây theo kiến trúc phương Tây nhưng thích nghi với điều kiện khí hậu và truyền thống địa phương.

Vậy cảnh quan kiến trúc Việt Nam thay đổi như thế nào trong suốt một thế kỷ Pháp thuộc ? Ban tiếng Việt đài RFI đã đặt câu hỏi với Caroline Herbelin, giảng viên Lịch sử đại học Toulouse II-Jean Jaurès, kiêm chủ tịch hội Nghiên cứu Đông Nam Á (AFRASE), tác giả cuốn Kiến trúc của Việt Nam thời thuộc địa : Nhìn lại phong cách hỗn hợp. (*)

kientruc2

Bưu điện Sài Gòn. Ảnh chụp năm 1895. BNF/André Salles

RFI : Xin chị cho biết sự có mặt của người Pháp ở Đông Dương đã làm thay đổi cảnh quan kiến trúc Việt Nam như thế nào ?

Caroline Herbelin : Vừa thay đổi rất nhiều mà cũng không nhiều lắm vì còn tùy thuộc vào từng khoảng thời gian. Trong thời kỳ đầu Pháp xâm chiếm Việt Nam (những năm 1860) đến khi công cuộc bình định kết thúc (những năm 1880), chính người Pháp phải thích nghi với kiến trúc địa phương. Khi tới Việt Nam, người Pháp không mang theo thợ nề hay chủ thầu mà chỉ có vài kỹ sư quân sự và nhất là không hề có dụng cụ. Do thiếu nơi trú ngụ nên các toán quân Pháp tịch thu đền chùa hay nhà ở của dân địa phương.

Cho đến đầu thế kỷ XX, vẫn còn rất nhiều quân nhân và người Pháp sống trong những ngôi nhà tranh, theo lời miêu tả trong các bức thư của công chức Pháp gửi về gia đình. Cũng có rất nhiều người Pháp sống trong những ngôi nhà ống nhiều gian. Năm 1932, ở Hà Nội, gần 35% người Châu Âu sống trong những ngôi nhà như vậy.

Thế nhưng, sau này, sự hiện diện của Pháp đã tác động mạnh đến quá trình đô thị hóa. Ví dụ, từ một trung tâm nhỏ, Hải Dương nhanh chóng phát triển nhờ vào Nhà máy Rượu Đông Dương. Ngoài quá trình đô thị hóa, cảnh quan kiến trúc cũng thay đổi nhờ chính quyền Pháp xóa bỏ nhiều đạo luật hạn chế chi tiêu mang tính bắt buộc (do triều Nguyễn ban hành). Kể từ đó, người dân có thể xây nhà tầng và được tự do trang trí. Điều này cũng giải thích tại sao mặt tiền nhiều ngôi nhà ống có hoạ tiết trang trí cầu kỳ với mầu sắc rực rỡ vào đầu thế kỷ XX. Điều đáng lưu ý là những họa tiết trang trí tân cổ điển này (néoclassique) không chỉ bị ảnh hưởng từ Pháp, mà còn chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa nơi phong cách kiến trúc Đông-Tây phát triển mạnh tại các thương cảng như Thượng Hải, Giang Âm…

kientruc3

Dinh thự tại Hà Nội của Lucien Faure, chánh văn phòng toàn quyền Paul Doumer. Ảnh chụp năm 1898. BNF/André Salles

RFI : Chị nói là kiến trúc Pháp ít thích ứng tại Việt Nam trong giai đoạn đầu thuộc địa. Vậy phải giải thích thế nào về một số công trình được xây vào thời kỳ đó, mà đến nay vẫn tồn tại, như Dinh xã Tây - Hôtel de Ville (nay là trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh) hay Nhà hát lớn Hà Nội ?

Caroline Herbelin : Đúng vậy, những công trình này rất đồ sộ, được chính quyền thuộc địa cho xây dựng và chẳng giống kiến trúc Việt Nam chút nào. Chúng mang chuẩn phong cách Pháp, cứ như được bê thẳng từ bên đó sang vậy. Đó là những công trình phục vụ cho chính sách thị uy của chính quyền thuộc địa để "gây ấn tượng với người dân địa phương", nhưng cũng có thể hiểu đơn giản là những công trình hành chính quan trọng cấp Nhà nước đều được xây như vậy ở Pháp. Nhiều kiến trúc sư sang Việt Nam nói là họ chẳng biết làm gì khác ngoài phong cách tân cổ điển. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng vào thời kỳ đầu nhưng sau đó không còn như vậy. Hình ảnh thể hiện qua kiến trúc của chính quyền thuộc địa đã thay đổi.

Ví dụ Dinh Toàn quyền năm 1873 là một tòa nhà rất lớn nằm giữa trung tâm Sài Gòn, trong khi Dinh Toàn quyền được xây ở Hà Nội sau này (từ 1900 đến 1907) lại đi theo một ý tưởng khác. Trên thực tế, tòa nhà ở Hà Nội bị thu nhỏ khoảng 1/3 so với thiết kế ban đầu. Vì lúc đó, chính quyền thuộc địa cho rằng hình ảnh uy quyền của Pháp cần được thể hiện qua đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như hệ thống đường sắt, hơn là những tòa nhà công đồ sộ, sừng sững nhưng lại không vĩ đại. Hơn nữa, chính quyền thuộc địa cũng bị hạn chế về ngân sách nên không thể làm tất cả cùng một lúc.

Cũng không nên nói quá về tác động của người Pháp đối với thành phố. Việc xây dựng thành phố, trong đó có những ngôi biệt thự xinh đẹp (như ở phía nam Hà Nội hay xung quanh hồ Thuyền Quang), còn được thực hiện nhờ người Việt. Kiểu kiến trúc được áp dụng không hẳn là phong cách tân cổ điển hay tân baroc của Pháp mà Nhà nước thuộc địa vẫn khuyến khích để thể hiện uy thế. Phong cách kiến trúc thay đổi tuỳ theo chính sách được tiến hành ở Đông Dương. Ví dụ toàn quyền Albert Sarraut (hai nhiệm kỳ 1911-1913 và 1916-1919) muốn áp dụng chính sách hợp tác, hứa để giới tính hoa Việt Nam cùng tham gia chính quyền. Trong lĩnh vực văn hóa, ông muốn đề cao nền văn hóa của các nước Đông Dương. Vì thế, trong thời gian đương nhiệm, phủ toàn quyền ở Hà Nội và các căn hộ riêng, đặc biệt là phòng ngủ của Albert Sarraut được bài trí bằng những đồ vật và đồ gỗ chạm trổ họa tiết Việt Nam.

kientruc4

Phố Paul Bert năm 1920 (nay là phố Tràng Tiền). BNF/Société de Géographie

RFI : Chị vừa đề cập đến một số đồ đạc trong nhà mang phong cách Việt Nam, nhân nói đến giao thoa Đông-Tây, liệu có một kiểu phong cách kết hợp như vậy trong kiến trúc không ?

Caroline Herbelin : Có, người ta vẫn gọi là phong cách Đông Dương. Đó là phong cách hỗn hợp do Ernest Hébrard phát minh. Ông từng được trao giải thưởng lớn Roma và đến Đông Dương vào năm 1921, theo lời mời của một số người thân cận với toàn quyền Sarraut. Ông được giao nhiệm vụ thiết kế một công trình nhà nước vừa thể hiện được sự hiện diện của Pháp, vừa pha trộn được hai nền văn hóa Pháp-Việt. Rất tâm huyết với nhiệm vụ này, Hébrard tạo ra được một phong cách lấy cảm hứng từ những ngôi nhà Việt Nam, đặc biệt là cấu trúc của những ngôi này, vừa mang nét phương Tây, vừa thích nghi với khí hậu nhờ hiên nhà hay mái vươn dài.

Tuy nhiên, phong cách Đông Dương không thành công lắm vì tốn kém. Chính quyền nhanh chóng muốn quay lại với phong cách cổ điển hơn, vì họ thích những tòa nhà công phải giống y chang những công trình bên Pháp. Có thể kể một vài công trình nổi tiếng nhất của Hébrard là Sở Tài chính Đông Dương (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam), Nhà thờ Cửa Bắc…

Bảo tàng Lịch sử (trước là bảo tàng Louis Finot) cũng mang phong cách kiến trúc Đông Dương và được hoàn thiện năm 1931, nhưng đó là tác phẩm của một kiến trúc sư của trường Viễn Đông Bác Cổ, Charles Batteur. Sự kết hợp giữa hai kiểu kiến trúc đã biến Bảo tàng Lịch sử thành công trình đẹp nhất mang phong cách Đông Dương.

kientruc5

Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) - Flickr.com

RFI : Vậy phía Việt Nam có sử dụng kiểu kiến trúc hỗn hợp Đông-Tây không ?

Caroline Herbelin : Có, ngay từ đầu thế kỷ XX, người Việt đã xây nhà theo kiến trúc Pháp. Trong những năm 1930 xuất hiện phản ứng từ phía các nhà trí thức và thành phần quan lại tiến bộ khi ngày càng có nhiều chủ nhà Việt Nam giầu có xây những ngôi nhà hoàn toàn theo phong cách Pháp.

Hội Khai Trí Tiến Đức (Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites, AFIMA), mang tư tưởng cải cách ôn hòa, cho rằng nên có một kiểu kiến trúc mới, hiện đại kết hợp với các họa tiết trang trí trong kiến trúc miền bắc Việt Nam. Để khuyến khích ý tưởng này, vào đầu những năm 1920, AFIMA tổ chức nhiều cuộc thi với quy định tìm được những mô hình vừa lấy cảm hứng từ kiến trúc miền bắc Việt Nam vừa có đủ tiện nghi hiện đại như nhà tắm, gara… Kết quả cuộc thi rất tốt nhưng trên thực tế, kiểu kiến trúc này lại không được áp dụng và không nổi tiếng lắm nên không tác động được đến cảnh quan kiến trúc Việt Nam. Chỉ có một vài quan lại giầu có mới có thể xây được nhà theo phong cách này.

Bên cạnh kiểu kiến trúc kết hợp chính quy đó, còn có nhiều trường hợp tự phát hơn, như những ngôi nhà được xây trong thập kỷ 1930 ở Nam Kỳ của các địa chủ giầu có người Việt hay người Hoa, ví dụ đặc sắc nhất chính là hai ngôi nhà ở Bình Thuỷ (Cần Thơ) và Sa Đéc. Mặt tiền những ngôi nhà này kết hợp cả ba yếu tố Pháp, Việt và Hoa, nhưng bên trong giữ nhiều nét truyền thống.

kientruc6

Dinh Toàn quyền Đông Dương, Sài Gòn. Ảnh chụp năm 1896. BNF/André Salles

RFI : Kiến trúc hiện đại đã có tác động đến người Việt như thế nào ?

Caroline Herbelin : Kiểu kiến trúc hiện đại phát triển ở Châu Âu từ đầu thế kỷ XX. Khi đi dọc Việt Nam, dù chúng ta không thấy nhiều ví dụ về kiểu kiến trúc này, nhưng khi tra cứu tài liệu thời kỳ đó, chúng ta nhận thấy là những nguyên tắc của kiến trúc hiện đại được tiếp nhận ở Việt Nam và thu hút sự quan tâm của giới quý tộc Việt Nam. Trong những năm 1930, nhiều tạp chí phổ biến khoa học viết bằng chữ quốc ngữ đăng rất nhiều bài báo về bê tông và giải thích cách sử dụng. Giới nhà giầu Việt Nam cho xây những ngôi biệt thự theo nghệ thuật trang trí và đổ trần bê tông.

kientruc7

Bìa cuốn sách Kiến trúc của Việt Nam thuộc địa.Caroline Herbelin

Một ví dụ khác thú vị hơn về phong cách hiện đại là các kiến trúc sư người Việt của trường Mỹ Thuật Đông Dương, trường nổi tiếng đào tạo ra thế hệ "nghệ sĩ Đông Dương", cũng được học các nguyên tắc của Hébrard. Nhưng sau khi tốt nghiệp, rất nhiều người từ bỏ "mác" này và không muốn tác phẩm của mình mang tính "Đông Dương". Với họ, phải có được một phong cách kiến trúc riêng do người Việt nghĩ ra và dành cho người Việt. Có nghĩa là những ngôi nhà phải đáp ứng được nhu cầu của người Việt về mặt thẩm mỹ, đồng thời phải tôn trọng các tiêu chí về kỹ thuật và khí hậu. Những công trình của họ còn mang tính xã hội, như trường hợp Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp, cả hai thực hiện kiểu "Nhà ánh sáng" sử dụng nguyên vật liệu rẻ tiền và sẵn có ở địa phương để giúp người nghèo có chỗ ở.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 24/03/2017

(*) Caroline Herbelin, Architectures du Vietnam colonial : Repenser le métissage (Kiến trúc của Việt Nam thời thuộc địa : Nhìn lại phong cách hỗn hợp), Paris : INHA, 2016.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Caroline Herbelin
Read 1123 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)