Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

08/10/2019

Irene Ohler nói về Bà Triệu và phụ nữ Việt Nam thời nay

BBC tiếng Việt

Cây bút Irene Ohler người Áo hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói về Bà Triệu và các vấn đề phụ nữ Việt Nam thời nay phải đối mặt.

ohler11

Bà Irene Ohler hiện sống cùng gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 02/10/2019 ở London, đầu tiên bà Irene Ohler giải thích vì sao bà lại lấy tên nữ anh hùng chống Trung Quốc của Việt Nam, Triệu Thị Trinh, đặt cho cuốn sách mà bản tiếng Anh là "Ba Trieu's 21st Century Daughters : Stories of Remarkable Vietnamese Women" đang được tái bản.

Irene Ohler : Có hai lý do. Đầu tiên, Bà Triệu không đơn thuần chỉ là một nữ anh hùng chống quân xâm lược Trung Quốc, mặc dù tôi rất thích hình ảnh bà ấy cưỡi voi với thanh kiếm trên tay, mà còn góp phần chống lại những thành kiến đối với vai trò của người phụ nữ.

Bà ấy có một câu nói nổi tiếng rằng bà ấy muốn "cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng giữ, chém cá Kình ở biển Đông, giành lại giang sơn, chứ không phải cúi đầu để làm tì thiếp người ta".

Vì vậy, Bà Triệu không chỉ chiến đấu để chống quân xâm lược Trung Quốc, mà còn chiến đấu cho cả những người phụ nữ khác. Và tôi nghĩ rằng, bà ấy vẫn là một hình mẫu cho tất cả chúng ta tới tận hôm nay.

Lý do thứ hai, khi nghĩ đến Bà Triệu, tôi muốn cho cả thế giới và phụ nữ Việt Nam biết rằng, họ có dòng máu chiến binh chảy trong người và là những người phụ nữ vô cùng mạnh mẽ.

BBC : Nhưng bản thân người Việt Nam đã trải qua đủ các cuộc chiến tranh và xung độ và nay họ đang chỉ muốn chuyển hướng sang làm kinh doanh ?

Irene Ohler : Đúng vậy, nhưng họ vẫn cần tinh thần chiến binh ấy để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào mà họ tham gia, cho dù đó là kinh doanh hay lĩnh vực khác. Tôi nghĩ phụ nữ Việt Nam luôn cần một chút tinh thần sẵn sàng "cưỡi voi với cây kiếm trong tay" như Bà Triệu.

BBC :Bất chấp tinh thần chiến đấu đó, cộng đồng phụ nữ làm kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định. Bà có nghĩ rằng đó là những thách thức về văn hóa hoặc hệ thống nhà nước ?

Irene Ohler : Theo chia sẻ của những người phụ nữ tôi đã gặp, Việt Nam là một câu chuyện thành công, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, 25% giám đốc điều hành hoặc thành viên ban quản trị doanh nghiệp là phụ nữ. Bên cạnh đó, lao động nữ cũng chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, có quá nhiều kỳ vọng đối với phụ nữ Việt Nam. Thực tế, khi nói chuyện tôi vẫn hay đùa rằng : "Phụ nữ Việt Nam phải là một người vợ hoàn hảo, một người con hoàn hảo, một người mẹ hoàn hảo, một người con dâu hoàn hảo, có một sự nghiệp hoàn hảo và phải đẹp suốt 24 giờ mỗi ngày". Mọi người thường cười khi nghe tôi nói vậy, và tôi đáp lại rằng : "Các bạn cười vì đó là sự thật".

Phụ nữ Việt Nam được mong đợi phải đảm đương tốt quá nhiều vai trò. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến họ trong lĩnh vực kinh doanh.

Thứ nhất, họ phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Dù có thực lực, tháo vát và kiên cường đến đâu, họ vẫn luôn phải làm việc chăm chỉ.

Thứ hai, tôi muốn đề cập đến các nhà tuyển dụng, đặc biệt là các công ty nước ngoài và công ty đa quốc gia. Các công ty này thường mất rất nhiều nhân tài là phụ nữ trẻ tuổi.

Có thể họ không bỏ việc, nhưng họ thường không tham gia các dự án bổ sung hoặc mở rộng đối tác để đảm bảo được thăng tiến trong công việc. Lý do là vì họ phải đảm nhiệm quá nhiều vai trò khác nhau.

BBC : Bà có biết có bao nhiêu phụ nữ nắm giữ các vị trí trong chính phủ Việt Nam ? Vai trò của phụ nữ trong bức tranh chính trị và bức tranh kinh doanh là khác nhau, đúng không ?

Irene Ohler : Tôi e là vậy, mặc dù mọi thứ đang bắt đầu thay đổi. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cao nhất từ trước đến này là dưới thời chiến tranh chống Mỹ. Đó là điều đáng tiếc. Trước cuộc bầu cử năm 2016, một cuộc thúc đẩy lớn nhằm đạt tỷ lệ 33-35% nữ đại biểu Quốc hội đã diễn ra nhưng không thành công. Ở các cấp độ khác trong chính phủ, chúng ta cũng thấy phụ nữ thường giữ vị trí Phó, thay vì Trưởng các cơ quan.

BBC : Chúng ta có thể làm gì để thay đổi điều này?

ohler2

Xã hội trông đợi phụ nữ Việt Nam 'phải là người vợ hoàn hảo, người con hoàn hảo, một người mẹ hoàn hảo, con dâu hoàn hảo, sự nghiệp hoàn hảo và phải đẹp 24 giờ mỗi ngày' - Irene Ohler

Irene Ohler : Cám ơn câu hỏi của bạn. Hiện tại, tôi đang làm việc với chính phủ Úc để tổ chức một cuộc hội thảo về bình đẳng giới vào tháng 10/2019. Một trong những chủ đề tôi muốn đưa vào cuộc hội thảo đó là các cuộc đối thoại giữa nam giới và nữ giới.

Theo tôi, đây là vấn đề quan trọng. Phụ nữ không chỉ nói chuyện về vấn đề phụ nữ với nhau, mà còn cần chia sẻ những thách thức và giải pháp với một nửa còn lại của thế giới. Mục đích của hội thảo là nhằm chỉ cho nam giới thấy họ có thể đồng hành cùng chiến dịch trao quyền cho phụ nữ như thế nào.

Bên cạnh đó, báo cáo năm ngoái của McKinsey (tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh) nói rằng với sự thúc đẩy vai trò lãnh đạo và trao quyền cho phụ nữ ngày càng tăng, Việt Nam có thể bổ sung khoảng 34 tỷ đô la Mỹ vào nền kinh tế mỗi năm. Tôi không nhớ chính xác con số, nhưng dù gì đây cũng là một con số ấn tượng. Có thể thấy, trao quyền cho phụ nữ không chỉ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, mà còn mang lại lợi ích kinh tế, đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước. Nếu không nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ, và không để họ có cơ hội nắm giữ các vị trí lãnh đạo, chúng ta có thể sẽ phải trả giá đắt.

BBC : Vậy là về cơ bản, tiềm năng của phụ nữ Việt Nam trong nền kinh tế vẫn chưa được phát huy đầy đủ ? Xin hỏi thêm, bà đến từ Châu Âu, và bà đang quảng bá các giá trị về bình đẳng giới, nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình chính trị Châu Âu cũng đã thay đổi đáng kể. Các quốc gia đang hướng về phía cánh hữu, bao gồm cả Áo - quê hương của bà. Vậy, thông điệp từ Châu Âu liệu còn phù hợp ?

Irene Ohler : Tôi có thể nói rằng thông điệp chính thức từ Liên minh Châu Âu (EU) vẫn luôn như thế. Cụ thể, Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam vẫn sẽ luôn thúc đẩy các giá trị đó.

BBC : Bà đã sống và làm việc ở Việt Nam bảy năm. Chắc chắn bà đã chứng kiến nhiều sự thay đổi ?

Irene Ohler : Đúng vậy, và điều đó thật tuyệt vời.

BBC : Việt Nam đang có nhiều thay đổi tích cực, bà nghì gì về những thay đổi này ?

ohler3

Phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục có 'tinh thần chiến đấu' cho bình đẳng giới

Irene Ohler : Tôi nghĩ vậy, ngoại trừ chất lượng không khí ở Hà Nội. Những sự thay đổi tích cực này là một phần lý do khiến chúng tôi quyết định ở lại Việt Nam. Tôi đã có gia đình nên quyết định ở lại Việt Nam là không hề dễ dàng. Chúng tôi đã chuyển từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và thành lập công ty ở đây vì chúng tôi muốn là một phần trong sự phát triển năng động của Việt Nam.

BBC :Bà đến từ nước ngoài, sống ở Việt Nam bảy năm, và chứng kiến nhiều sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, có rất nhiều các bạn trẻ Việt Nam, bao gồm nữ giới, không nhìn thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp tại Việt Nam. Họ nói nhiều về chất lượng không khí, giáo dục và y tế, và muốn sống ở Mỹ, Châu Âu, Úc, New Zealand hoặc các nước khác. Bà nghĩ gì về điều này ?

Irene Ohler : Thật là một sự trùng hợp thú vị vì tôi đã được hỏi về vấn đề này trong một bài phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ hai tháng sau khi chúng tôi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. Bạn biết đấy, chúng ta có thể đi bất cứ đâu. Chồng tôi là một nhà ngoại giao đến từ New Zealand, còn tôi đến từ Châu Âu, nhưng chúng tôi quyết định ở lại Việt Nam trong khi nhiều người khác muốn rời đi. Chúng tôi ở lại vì chúng tôi nhìn vào sự thay đổi tích cực và mặt sáng của sự phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn thấy những thách thức, đặc biệt là vấn đề giáo dục, và vẫn còn đó một khoảng cách lớn giữa cung và cầu ở Việt Nam.

Thực tế, thu hẹp khoảng cách cung, cầu là một phần công việc của chúng tôi, vì điều này rất quan trọng đối với các gia đình cũng như đất nước Việt Nam.

Tôi đã chọn cách rời quên hương. Tôi chuyển từ phương Tây sang phương Đông và tôi biết nhiều người cũng muốn di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó. Tuy nhiên, tôi cũng quan tâm đến việc làm thế nào để các bạn đi ra nước ngoài có thể mang những gì họ học hỏi được về Việt Nam.

Bà Irene Ohler có buổi giới thiệu sách và hỏi đáp tại sự kiện 'Phụ nữ Anh - Việt trong kinh doanh' ở London 02/10/2019.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 08/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 625 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)