Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

03/04/2017

Hoa Tương Tư trong văn chương Hồng Thủy

Phạm Trần

Văn hóa

Hoa Tương Tư trong văn chương Hồng Thủy

 

Tác phẩm "Hoa Tương Tư" - một tập hợp những mẩu chuyện về cuộc đời, những suy tư và kỷ niệm của nhà văn Hồng Thủy vừa được phát hành hồi cuối tháng Ba (2017) ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn - là một khúc quanh Tùy bút chưa hết vương vấn tuổi học trò của một tác giả đã xa thời tuổi hoa.

tuongtu1

Ở tuổi tóc đã ngả mầu sương gió, nhà văn Hồng Thủy vẫn thơ ngây, vẫn tinh nghịch và hồn nhiên nhìn vào sự vật, con người và không gian như khi còn ngồi trên ghế trường Trưng Vương, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn.

Hình ảnh của những hàng phượng vĩ đỏ ngày ấy ở Hà Nội và Sài Gòn, với những chùm me làm chảy nước miếng và tiếng ve rút ruột lòng người vào mỗi trưa hè trong văn Hồng Thủy đã làm sống lạitrong mỗi con chữ của những xót xa và tiếng cười của tuổi thơ ngây tóc bím.

Từ "Những Cánh Hoa Dại Mầu Vàng", ra đời năm 2010 đến "Hoa Tương Tư" năm 2017, một chặng đường bảy năm xa nhau mà như rất gần. Lời văn, ý tứ và tâm tư Hồng Thủy không thay đổi mà chỉ già dặn hơn, mặn nồng thêm nhưng cũng không hiếm đắng cay.

tuongtu2

Tác phẩm Hoa Tương Tư của Nhà văn Hồng Thủy vừa được phát hành hồi cuối tháng Ba (2017) vùa qua ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn

Phảng phất đó đây trong Hoa Tương Tư là hình ảnh của một Mộng Huyền, bút hiệu đầu tiên của Hồng Thủy, mơ màng trên Bích báo Trưng Vương,kỷ nguyêncủa những truyện tình học trò ngây ngô dang dở nổ tung trên hai nhật báo Ngôn LuậnTiếng Chuông của Sài Gòn xa xưa. Rồi những cuộc tình có thật giữa Trưng Vương và Chu Văn An nở ra trong thời chinh chiến, cũng đã được làm sống lại dưới ngòi bút Hồng Thủy để mãi quấn quýt bên nhau trong thời hậu chiến. Những dở dang, bám víu, trái ngang, chia ly và hờn dỗi dày vò với nhau cũng lẫn lộn trong Hoa Tương Tư như trong cuộc sống của con người.

tuongtu3

Hình ảnh của những hàng phượng vĩ đỏ ngày ấy ở Hà Nội và Sài Gòn với tiếng ve rút ruột lòng người vào mỗi trưa hè

Nhưng cũng vì có những ngổn ngang này mà các "bà", các "cụ" Trưng Vương ngày nay vẫn còn gắn bó bên nhau để nhớ , để thương về những kỷ niệm vui buồn với ngôi trường cũ.

Trong những chuyện bẩy nổi ba chìm này cũng có cả những mẩu tình đẹp mà cũng chả hiếm dang dở, trái ngang hoặc giận hờn giữa các cô áo xanh "đanh đá" Trưng Vương và các cậu " kiêu hãnh" Chu Văn An.

Hãy nghe Hồng Thủy tỉ tê trong Trải Lòng : "Văn nghiệp học trò kéo dài được hai năm, tôi bị dụ khị lên xe hoa về nhà chồng. Chú rể là Hải quân gốc C.V.A (Chu Văn An). Sau đó thay vì sáng tác truyện ngắn thì tôi sản xuất tí nhau. Bốn nhóc tì tiếp tục ra đời. Bận lo cho bốn đứa con, tôi bỏ luôn giấc mộng viết văn, và cái tên giấc mộng đen (Mộng Huyền) cho chìm vào dĩ vãng".

Nhưng Mộng Huyền ra đi thì Hồng Thủy lại hiện ra với văn đàn ở nước ngoài từ năm 1986. Bà viết lại trên Đặc san Trưng Vương vào mỗi dịp họp mặt của trường cũ. Hồng Thủy cho biết : "Cầm bút trở lại… với chủ đích của Đặc san là tìm về kỷ niệm. Tôi bỗng thấy mình đang mơ mộng đi trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rợp lá me bay, hay dạo bến tầu những chiều lộng gió. Sài Gòn với những sáng đón đưa, chiều hò hẹn. Những buổi dạo phố cùngbạn bè trên đường Tự Do, Nguyễn Huệ, hiện ra trong cuốn phim dĩ vãng. Ngòi bút miên man, bao nhiêu kỷ niệm của thuở học trò lần lượt trở về…".

tuongtu4

Tôi bỗng thấy mình đang mơ mộng đi trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rợp lá me bay

Những lần "trở về" này, sau đó, đã chôn chân cây viết Hồng Thủy trong cõi văn chương Việt Nam ở hải ngoại. Bà được chú ý đến không vì một phát hiện bất ngờ hay như một ngôi sao chợt đến rồi chợt đi không bao giờ thấy nữa.

Hồng Thủy đã ở lại với bạn bè, với độc giả, với gia đình và với chính mình trong chữ nghĩa giản dị, ý tưởng mộc mạc nhưng tò mò, thắc mắc và than van cũng lắm.

Bà viết : "Tôi may mắn được định cư ở vùng Hoa Thịnh Đốn, nơi có thời tiết bốn mùa, nên lại được tái ngộ với mùa thu của tôi. Ngôi nhà tôi ở có rừng cây ở phía sau, nên các chú nai thường rủ nhau đến rong chơi.

Tôi trót yêu "con nai vàng ngơ ngác" của (thi sĩ) Lưu Trọng Lư, và "con nai vàng hát khúc yêu đương" của (nhạc sĩ) Ngô Thụy Miên, nên đành ngậm đắng nuốt cay khi mấy con nai đêm đêm cứ mò ra ăn sạch bách hết những cây hoa quý của tôi… Những con nai đã hư đốn như vậy. Đám lá vàng cũng làm tôi mệt phờ người luôn. Năm nào cuối thu, tôi cũng phái hốt lá mệt nghỉ… Bây giờ nhìn thảm lá vàng là nghĩ ngay tới cái lưng già sắp còng thêm một tí vì phải lom khom hốt lá. Và xương cốt sắp sửa rêm rêm. Chao ơi, ngán ngẫm làm sao cái tuổi già…".

Nhưng nhà văn nữ này có thật sự "chán mớ đời" mấy chú nai ngơ ngác và lá vàng rơi không ?

Bà trả lời : "Nai thì phá như vậy, lá vàng cũng làm mình mệt nhoài. Vậy mà tôi vẫn yêu mùa thu, vẫn thương mấy chú nai và vẫn ngẩn ngơ nhìn những rừng lá vàng, lá đỏ. Có phải vì duyên nợ với mùa thu ?" (Mùa Thu và những chiếc khăn quàng của Mẹ).

tuongtu5

"Tôi mê mầu tím, nhưng lại yêu hoa phượng vô cùng".

Không những bà có duyên nợ mà bà đã "mê" mùa Thu mới đúng với tâm tư lãng mạn của ngòi bút Hồng Thủy.

Sự lãng mạn văn chương này đã thể hiện trọn vẹn trong câu chuyện của "Hoa Tương Tư".

Bà kể : "Tôi mê mầu tím, nhưng lại yêu hoa phượng vô cùng. Hoa Phượng đã nhắc tôi nhớ đến một chuyện tình thật đẹp và buồn của cái thuở :

"Cổng trường e lệ mắt nai

Khẽ nghiêng vành nón thoáng ai đứng chờ"

Câu chuyện tình buồn nhưng đẹp này được tác giả tự coi như một truyện cổ tích để hợp thức hóa Hoa Tương Tư không ai biết của ai, hay vì bà đã "yêu hoa phượng vô cùng" nên mới nhân cách hóa nó thành người yêu của riêng mình ?

Câu chuyện được tóm tắt về một cô học trò trộm yêu ông thầy dạy học nên mỗi dịp hè đến thấy hoa phương nở là cô học trò biết ngày "xa người yêu trong mơ" đã đến gần. Cô giận hoa phượng nên đặt tên là "hoa chia ly".

tuongtu6

Mỗi dịp hè về thấy hoa phương nở là biết ngày "xa người yêu trong mơ" đã đến gần.

Tác giả Hồng Thủy viết bóng gió : "Cô bạn thân của cô học trò không chịu cái tên "hoa chia ly", viện cớ chia ly là thôi, là hết, không còn gì nữa cả. Chia ly là mất nhau vĩnh viễn. Xa nhau chỉ ba tháng hè rồi lại được gặp nhau. Xa nhau mà vẫn nghĩ đến nhau, vẫn nhớ nhau thì làm sao gọi là "chia ly" được. Đặt cho hoa phượng cái tên "hoa chia ly" thì tội hoa phượng qúa. Phải gọi là "hoa tương tư" mới chính xác…".

Nhưng câu chuyện oái oăm thầy-trò "tình trong như đã, mặt ngoài còn e" của tác giả Hồng Thủy đi đến hồi kết thúc thật buồn. Bà cho biết, sau một kỳ hè nhớ nhung và hy vọng, cô học trò kia phát giác ra ông thầy đã đeo nhẫn cưới trong ngày tựu trường nên cô quyết định đổi trường.

Hồng Thủy viết : "Trước khi chia tay, cô học trò nói với thầy "dù em mất thầy vào mùa hoa phượng, nhưng em vẫn cứ muốn gọi hoa phượng là hoa tương tư chứ không gọi là hoa chia ly.

"Bốn mươi năm sau", Hồng Thủy kể tiếp, "cô học trò được tin ông thầy cũ bị bệnh ung thư sắp chết. Cô, bây giờ đã là bà nội, bà ngoại và tóc đã điểm sương, cố lặn lội đi thăm ông thầy vì cô biết ông cô đơn có một mình, và cô cũng không còn gì ràng buộc".

Phần cuối của truyện, Hồng Thủy viết :

"Gặp lại người xưa, ông thầy nhìn cô học trò cũ ứa nước mắt : Dù chúng ta sắp vĩnh biệt nhưng em nhớ nhé, đừng bao giờ đổi tên "hoa tương tư" của chúng ta. Bao nhiêu năm qua trong hồn tôi, hoa phượng vĩ của mùa Hè năm đó vẫn là "hoa tương tư" em có biết không ?

Cô nắm bàn tay gầy guộc của ông thầy cũ nhẹ gật đầu, nước mắt ràn rụa".

(trích Hoa Tương Tư)

Với mẫu chuyện tình "gẫy cánh giữa đường" này, hãy thưởng thức thêm những câu thơ trong bài "Ngắm Thu D.C., nhớ Thu Hà Nội" của nhà văn Hồng Thủy để thấy những nét chấm phá rất đáng yêu trong văn của bà :

Mùa thu D.C.

Nắng vàng như ươm mật

Cả rừng phong rực rỡ đến sững sờ

Lá đỏ thắm tươi như áo em ngày cưới

Là vàng mơ sầu đẹp tựa cô dâu

Em bước ra đi

Ánh mắt buồn vương lại

Anh xót xa nhìn

Chẳng biết nói năng chi…"

Phạm Trần

(Mùa Xuân D.C, 03/04/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 860 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)