Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

04/04/2017

Những bản dịch Thơ ngụ ngôn La Fontaine sang tiếng Việt

Thu Hằng

Gần năm thế kỷ trôi qua, những bài học đạo đức ý nghĩa được truyền tải một cách dí dỏm và hấp dẫn trong Thơ ngụ ngôn La Fontaine dường như vẫn còn giá trị trong thời hiện đại. Sau bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh được in thành sách lần đầu tiên vào năm 1916, một số dịch giả khác, trong đó có Nguyễn Trinh Vực, tiếp tục chuyển ngữ những vần thơ của thi hào Pháp một cách thuần Việt hơn và hợp với truyền thống Việt Nam. Kể từ đầu những năm 1980, nhiều nhà xuất bản như Giáo Dục, Kim Đồng, Văn Học, Thế Giới, Mỹ Thuật, luôn quan tâm tái bản Thơ Ngụ ngôn La Fontaine của hai dịch giả trên.

lafontaine1

Bìa trang nhất và trang bốn, bản dịch Thơ ngụ ngôn La Fontaine (Les Fables de La Fontaine), của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, năm 1943, BNF. RFI / Tiếng Việt

Tháng 01/2017, sau hơn 100 năm bản dịch sang tiếng Việt đầu tiên được phát hành, nhà xuất bản Nhã Nam và Hội Nhà Văn cho tái bản tác phẩm song ngữ Việt-Pháp Thơ Ngụ ngôn La Fontaine (dịch ra văn vần) do dịch giả Nguyễn Trinh Vực thực hiện với phần tranh minh họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh và được nhà xuất bản Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) phát hành năm 1945.

Trả lời RFI tiếng Việt, anh Nguyễn Xuân Minh, trưởng phòng bản quyền của Nhà xuất bản Nhã Nam, giải thích lý do chọn ấn bản song ngữ này :

"Nhã Nam được thành bởi bốn người rất yêu sách và đam mê văn học mà trong số đó có một người sưu tầm sách cũ và sách cổ. Trong bộ sưu tập của anh đấy có cuốn Truyện cổ La Fontaine do dịch giả Nguyễn Trinh Vực dịch và họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa. Ngoài ra cũng có bản của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, cũng do họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa. Nhưng vì bản dịch của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh đã có rất nhiều nhà xuất bản khác của Việt Nam tái bản rồi và bản dịch của Nguyễn Trinh Vực cũng là một bản dịch xuất sắc không kém cho nên Nhã Nam muốn giới thiệu lại bản dịch này cho độc giả, với các hình minh họa rất đẹp và đậm đà chất Việt Nam của họa sĩ Mạnh Quỳnh".

Đúng vậy, những vần thơ tiếng Pháp được dịch giả Nguyễn Trinh Vực tài tình chuyển sang các thể thơ dân gian Việt Nam quen thuộc, dễ đi vào lòng người như lục bát, song thất lục bát, lục bát gián thất hay thơ năm chữ, với nhiều điển tích cổ của Việt Nam. Nội dung câu chuyện lại rất đỗi bình dị, được hư cấu từ những nhân vật chính là những con vật thân quen, cùng với phần tranh minh họa gần gũi với văn hóa Việt của họa sĩ Mạnh Quỳnh càng lôi cuốn người đọc. Chính vì điểm này, Nhã Nam quyết định tôn trọng bản gốc năm 1945.

"Ấn bản 2017 của Nhã Nam xuất bản Truyện cổ La Fontaine tôn trọng hoàn toàn bản được xuất bản lần đầu tiên. Tuy nhiên, có một số quy tắc chính tả đã thay đổi rất nhiều nên chúng tôi chỉ chỉnh sửa một chút xíu phần chính tả và dựa theo quy tắc chính tả hiện hành. Ngoài ra, các cách thức trình bày, minh họa và cách đặt minh họa từng trang, kể cả phần song ngữ, đều hoàn toàn tôn trọng theo ấn bản xuất bản lần đầu tiên".

Ấn bản năm 1945 chỉ được in mầu ở trang bìa đầu và cuối, còn bên trong là hình vẽ đen trắng. Đáng tiếc là có rất ít thông tin về sự nghiệp của Nguyễn Trinh Vực. Còn họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh (1917-1991) được biết đến như một họa sĩ tiên phong trong lĩnh vực sáng tác truyện tranh của Việt Nam. Ông là cây cọ chủ lực cho tờ báo nhi đồng đầu tiên Cậu Ấm - Nhi đồng giáo dục (02-05/1935), sau này được đổi thành Cậu Ấm Cô Chiêu (1935-1937). Khi minh họa cho Thơ Ngụ ngôn La Fontaine, những con vật hiện ra ngộ nghĩnh, thân quen dưới nét vẽ của Mạnh Quỳnh. "Ngay cả con vật dữ tợn như sư tử, sói… cũng đều biết cười ! Và trông nét mặt chúng đáng yêu làm sao !", như một nhà bình luận từng viết.

lafontaine2

Bìa Truyện Ngụ ngôn La Fontaine, bản dịch của Nguyễn Trinh Vực năm 1945, Nhà xuất bản Nhã Nam tái bản năm 2017.

Dịch tác phẩm nước ngoài để làm giầu văn học và chữ quốc ngữ

Trước bản dịch của Nguyễn Trinh Vực, cần phải nhắc đến bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhiều trí thức cựu học nhưng theo xu hướng cởi mở và trí thức tân học rất chú ý đến văn học Pháp. Với họ, dịch các tác phẩm Pháp là cơ sở để sáng tác văn học Việt Nam. Vì thứ nhất văn xuôi (văn vần) còn chưa phổ biến, ngoại trừ các thể loại thơ. Thứ hai, chữ quốc ngữ còn nghèo nàn và chỉ được một bộ nhỏ trí thức và quan lại sử dụng. Vì vậy, viết báo và dịch văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học Pháp, là các cách hiệu quả để cải thiện và làm giầu chữ quốc ngữ.

Lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, thi sĩ La Fontaine được phiên âm qua Hán-Việt là Lã Phụng Tiên. Khi làm chủ biên tờ Đại Nam Đăng Cổ Tùng báo, ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch nhiều bài trong tuyển tập Thơ Ngụ ngôn La Fontaine và lần lượt đăng trên báo từ năm 1907, như Con ve và con kiến hay Con sói và con chiên con (con cừu)…

Năm 1916, Nguyễn Văn Vĩnh cho xuất bản hai tập Thơ Ngụ-ngôn của La Fontaine tiên-sanh diễn quốc âm trong nhóm III của tủ sách "Phổ thông giáo khoa thư xã" (Bibliothèque franco-annamite de vulgarisation) do François-Henri Schneider, ông chủ nhà in kiêm nhà xuất bản cùng tên, thành lập. Cũng trong nhóm III, chuyên về Văn Học, Nguyễn Văn Vĩnh còn cho in thêm một số tác phẩm văn học dân gian khác của Pháp, như Truyện trẻ con của Perrault tiên-sanh diễn nôm (les Contes de Perrault), Télémarque phiêu lưu ký (les Aventures de Télémarque), Bil Blas de Santillane, Guilliver phiêu lưu ký (le Voyage de Guilliver)…

Năm 1928, lần đầu tiên tập Thơ Ngụ ngôn La Fontaine gồm 44 bài của Nguyễn Văn Vĩnh được họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa trong ấn bản do Nhà xuất bản Trung Bắc Tân Văn phát hành. Đến năm 1943, tập thơ được Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes tái bản. Trong phần "Mấy lời của dịch giả", nhà trí thức Nguyễn Văn Vĩnh viết :

"Tập dịch-văn này tôi làm ra kể đã lâu năm lắm rồi, khi còn ít tuổi, chưa làm văn vần bao giờ, mà đọc qua thơ La Fontaine cũng phải cảm-hứng, chấp chảnh nên vần, tuy lắm câu văn còn lấc-cấc lắm, nhưng các bạn độc-giả, cũng nhiều ông xét quá rộng cho là dụng công dịch lấy đúng. Đúng đây là đúng cái tinh-thần, chứ không có nề gì những chữ "hổ" đổi làm "sư-tử", "cái gậy" đổi ra "con chó", khiến cho những người thắc-mắc được một cuộc vui, ngồi soi-bói từng câu từng chữ, mà kể được ra có ba bốn chỗ dịch lầm…"

lafontaine3

Bản dịch Thơ Ngụ ngôn La Fontaine của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh in lần đầu năm 1916, bản microfiche lưu tại BNF. RFI / Tiếng Việt

Sức lôi cuốn gần 5 thế kỷ…

Thơ ngụ ngôn La Fontaine nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng thế giới dù đã gần… 500 tuổi ! Nhiều ấn bản đặc sắc, có minh họa hay sách đọc, vẫn thường xuyên được tái bản tại Pháp dành cho độc giả nhí từ 6 tuổi.

Jean de La Fontaine sáng tác thơ ngụ ngôn (Fables) trong khoảng những năm 1668 đến 1696, dưới triều đại vua Louis XIV, nổi tiếng thịnh vượng trong vương triều Pháp. Văn hóa cổ đại, đặc biệt là văn học Hy Lạp-La Mã, rất được ưa chuộng trong giai đoạn này. La Fontaine sử dụng một loại hình văn học thuần cổ đại, đó chính là truyện ngụ ngôn, để dạy dỗ hoàng tử.

Toàn bộ tác phẩm của La Fontaine được chia thành ba tập và lần lượt được đề tặng cho ba người thân cận của nhà vua : tập thứ nhất (xuất bản năm 1668) được dành cho thái tử kế nghiệp ; tập thứ hai (1678) dành cho Quý bà Montespan, ái phi được nhà vua sủng ái từ bốn năm qua ; tập cuối (1693) được đề tặng cho Louis de France, công tước vùng Bourgogne và là cháu của vua Louis XIV.

Các câu chuyện ngụ ngôn, được kể bằng văn vần hay bằng thơ, miêu tả cỗ máy hoạt động của chính thể chuyên chế thông qua biện pháp nhân cách hóa một số loài vật, như con hổ tượng trưng cho vương quyền. Thông qua những đoạn hội thoại và khéo léo sử dụng nghệ thuật trào phúng giữa những con vật, các câu chuyện có dụng ý "uốn nắn những phong tục, tật xấu bằng tiếng cười" với một bài học đạo đức rút ra sau mỗi câu chuyện hoặc được giải thích ở cuối hay ngay đầu bài.

Tôn trọng nguyên bản tập thơ được dịch từ năm 1945, Nhà xuất bản Nhã Nam giúp độc giả so sánh quá trình cải tiến của tiếng Việt, giới thiệu một tác phẩm văn học nổi tiếng của Pháp, song cũng qua đó, khẳng định những lời khuyên đầy ý nghĩa trong tập thơ ngụ ngôn vẫn còn giá trị trong xã hội hiện nay.

"Khi tái bản hiện nay, thì sách song ngữ Anh-Việt sẽ phổ biến hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có rất nhiều người yêu văn học Pháp và yêu Pháp ngữ nên chúng tôi vẫn quyết định tái bản song ngữ Pháp-Việt, một phần là dành cho các học sinh học tiếng Pháp có thể trau dồi thêm. Ngoài ra, chúng tôi nghĩ khi đã tái bản một ấn bản cũ thì nên tôn trọng ấn bản đó và chỉ chỉnh sửa tối thiểu có thể. Tôi nghĩ là tác phẩm này vẫn được độc giả Việt Nam đón nhận, dù có nhiều người không biết tiếng Pháp, thì họ vẫn có thể đọc phần tiếng Việt và xem phần tranh minh họa mà bỏ qua phần tiếng Pháp. Còn những người quan tâm đến phần dịch và biết tiếng Pháp thì vẫn có thể tham khảo".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 04/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 779 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)