Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

05/04/2017

Thi ca, thi nhân & cường quốc

Tưởng Năng Tiến

Tôi gặp Tản Đà rất sớm, ngay từ khi mới bước chân vào trường trung học nhưng hoàn toàn không để ý chi đến những câu thơ rất ngông nghênh (và cũng rất trẻ con) của cái ông già dở hơi này :

Văn dài hơi tốt ran cung mây

Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay

Với thời gian, rồi đến lượt tôi già. Đời về chiều, đọc lại Tản Đà mới chợt nhận ra là ổng có nhiều câu thơ sao (mà) thấm thía :

Vèo trông lá rụng đầy sân

Công danh phù thế có ngần ấy thôi

………………..

Công danh hai chữ mùi men nhạt

Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ

Đối với một anh thường dân dấm dớ (cỡ) như tôi thì "công danh" lẫn "sự nghiệp" – tất nhiên – đều là những chuyện rất xa vời nên không dám lạm bàn nhưng cái "mùi men nhạt" thì tôi đã nếm qua, và không chỉ một lần. Rất nhiều lần, tôi quá chén. Nửa đêm thức giấc miệng đắng, môi khô, đầu óc bần thần, cơ thể rã ruợi, lờ qườ vớ một được cái ly (cứ tưởng là ly nước) ực xong mới hiểu thế nào là "ngậm mà nghe" ! Té ra đó là ly rượu uống dở, ban chiều.

Nôn, oẹ tới mật xanh mật vàng luôn. Má ơi, nó nhợn thấu xuống tới ruột già, và ớn lên tới óc.

Thầm nhủ (thôi) bỏ rượu cho rồi nhưng chỉ "nhủ thầm" lúc đó thôi. Chậm lắm, đến chiều hôm sau là tôi lại tà tà vào tiệm xách ra vài chai, cả bia lẫn rượu, như thể là chưa bao giờ có "sự cố"gì đáng tiếc xẩy ra (vào đêm qua) cả !

Tôi nghe nói ông Tản Đà cũng thế, thằng chả cũng uống liên miên (và quá chén đều đều) nên thiếu hụt triền miên. Lắm lúc, vì cơm áo, nhà thơ của chúng ta còn phải ngồi lê ở vỉa hè để coi Hà Lạc nữa !

Ôi tưởng gì, chứ vì chuyện áo cơm thì đời ai mà không lụy (ít nhất, cũng chục phen) nhưng "xuống" tới cỡ phải làm thêm nghề... thầy bói kiếm ăn thì tôi chưa bị lần nào. Chả phải tôi hay ho gì hơn ông Tản Đà mà chả qua chỉ vì ông ấy xui thôi. Cái xui xẻo của một người cầm viết sinh vào thời đại "văn chương hạ giới rẻ như bèo" chỉ vì nước nhà còn đang bị thực dân đô hộ.

Sau này, ở vùng Mỹ/Ngụy tạm chiếm, tình trạng của giới văn nghệ sĩ cũng vậy. Cũng có người (suýt) phải xem bói bài để kiếm thêm thu nhập, theo như một bài viết của Võ Phiến liên quan đến Nguyễn Thị Thụy Vũ :

Trên tạp chí Bách Khoa số vừa rồi, nữ sĩ Nguyễn Thị Thụy Vũ có đăng thiên truyện ngắn : Nghề mới.

Cái nghề mới mà nữ sĩ nói đây là nghề... bói bài cào. Cho đến nay nhân vật "tôi" trong truyện chưa thực sự làm nghề mới. Tuy nhiên, bạn bè khuyến khích, người nhà (cậu em) khuyến khích và dường như chính nhân vật "tôi" cũng nhận thấy nghề mới - xét về một khía cạnh - không phải không có sức cám dỗ.

Tác phẩm của nữ sĩ tuy gọi là "truyện ngắn", thực ra có giọng bút ký, tự truyện (Cũng như nhiều tác phẩm khác của nữ sĩ đã đăng ở các tạp chí Bách Khoa, Văn hồi gần đây ). Nghề chính, "nghề cũ" của nhân vật "tôi" là thực : nghề viết văn. Các thành phần trong gia đình được nói đến đều có thực. Các bạn bè được kể ra đều có thực. Bởi vậy, người đọc có quyền nghĩ rằng nội dung của truyện cũng là chuyện thực. Và đó là điều bi đát.

Tất nhiên, "điều bi đát" này chỉ có thể xẩy ra ở miền Nam – vùng địch tạm chiếm – thôi. Chứ còn ở miền Bắc ("của chúng ông") thì giới thơ văn sống khoẻ :

Bố tôi kể, những năm đó mỗi bài thơ Tết được đăng, với những "cây bút hàng đầu" như Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu cũng chỉ được 15 đồng, còn Tố Hữu thì "500 đồng, một cành đào và một cặp gà trống thiến". Khi nhận nhuận bút, ông Lành nói : "Nhuận bút như ri, thì nhà thơ Việt Nam sống khỏe hè". (F.B Ngô Nhật Đăng, 15/02, 10g19 sáng).

Nhuận bút như rứa thì quá nhiều nhưng những nhà thơ cỡ Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Sóng Hồng, Tố Hữu … – xem ra – hơi ít. Đếm chưa chắc đã đủ mười đầu ngón tay. Với tuyệt đại đa số còn lại thì cuộc sống, dường như, không được khỏe mạnh gì cho lắm. Nguyễn Thị Hoài Thanh là một trường hợp (vất vả) điển hình :

"Thời con gái chị vốn xinh đẹp. Nhất dáng nhì da. Chị được cả hai. Nhưng hồng nhan đa truân. Hai lần kết hôn, hai lần ly dị. Vẻ đẹp của tuổi ba muơi đang chín. Cái sắc đẹp không chủ đã gây cho chị biết bao nhiêu khó khăn, nhiều khi cả nguy hiểm nữa. Hình như Nguyễn Thị Hoài Thanh sinh ra là để gặp rắc rối và vuợt qua những rắc rối khó khăn. Chịu đựng và vượt qua một cách thản nhiên bình tĩnh, không kêu ca như cuộc đời vốn như vậy...

Có việc gì mà không trải qua. Hãy kể những việc chính : Công nhân xi măng, thợ điện Hải Phòng điện khí, thợ điện công ty xây lắp, công nhân bóc lạc công ty xuất nhập khẩu, đứng máy bào cuốn xí nghiệp gỗ Trương Công Định, công nhân công ty xếp dỡ, cấp dưỡng công ty vật liệu kiến thiết, súc sạc ắc qui Công Ty Quốc Doanh Đánh Cá Hạ Long… Đó là chưa kể còn đi giao bánh rán, bánh mì, kẹo lạc, làm và bán nước mắm… Đồng luơng không đủ nuôi mình mà còn phải nuôi con…" (Bùi Ngọc Tấn, "Một Mơ Ước Về Kiếp Sau", Viết Về Bè Bạn, Tiếng Quê Hương, Virginia, 2005).

thica1

Thảo nào mà thơ của Nguyễn Thị Hoài Thanh đọc nghe như một tiếng thở dài, dù (rất) khẽ :

Sông Cấm ơi ! Sông như người bạn mới quen

Thân thiết thế mà sao không hiểu được

Chiều tan ca tôi đi bên dòng nước

Sông với tôi, với bóng là ba

Bóng tôi nghiêng với bao la

Sông mang về biển

Bóng tôi còn nguyên vẹn không sông ?

Sông Cấm chả hiểu có mang được "nguyên vẹn" bóng người "về biển" hay không nhưng chị Thanh, tiếc thay, đã không giữ được nguyên vẹn hình hài của chính mình :

"Tai nạn xẩy ra ngay ngã Sáu, gần nhà tôi. Chị nằm ngất trên đường mưa dầm ngày tết, mặt đường sền sệt một thứ nước bùn hoa. Cánh tay dập nát, xương gẫy… Chị bảo người nhà xin cho người tài xế đã gây ra tai nạn vì người ta không cố ý, người ta cũng khổ như mình" (Bùi Ngọc Tấn, sđd, trang 111-112).

Sau đó, sau khi bị thương tật, Nguyễn Thị Hoài Thanh đã lâm vào bước đường cùng. Loay hoay mãi vẫn không lối thoát, chị đành bỏ nhà vào Nam đi … mót !

Đi mót, nghĩ cho cùng, vẫn đỡ hơn đi xin như hoàn cảnh (vất vả hơn chút xíu) của một nhà thơ khác :

"Lật hồ sơ Dương Ánh Dương, thấy ông ghi thế này : Họ và tên : Dương Thân Mật. Sinh năm 1950. Bút danh : Dương Ánh Dương. Nghề nghiệp : ăn mày…

Mình bật cười. Mấy ông văn nghệ sĩ chỗ nào cũng tếu táo được. Hồ sơ lý lịch là chuyện nghiêm túc, các ông vẫn đùa như thường... Té ra không phải, Dương Ánh Dương không đùa, anh hành nghề ăn mày đã mấy chục năm rồi. (Nguyễn Quang Lập. "Gã Ăn Mày Thi Sĩ", Bạn Văn 2, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội, không rõ năm xuất bản).

thica2

May mắn là cái thời mà nhà thơ phải đi mót hay đi xin không kéo dài mãi mãi. Sau khi Đảng và Nhà Nước "dũng cảm nhìn vào sự thực", quyết tâm "bẻ lái con tầu đất nước" thì cả dân tộc đã ào ạt bước ra biển lớn. Giới thi nhân, có người, đi đến tận chân trời góc bể để làm... ô sin nữa – theo như bài tường thuật của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều :

"Đó là một người đàn bà Việt Nam đang giúp việc cho một gia đình ở Đài Bắc. Chị tên là Phạm Thị Tường. Khi người đề dẫn chương trình buổi đọc thơ bế mạc Liên hoan Thơ giới thiệu chị lên đọc thơ thì tôi mới biết chị có ở đó. Một người phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi vẻ thùy mị, mỉm cười và bước lên sân khấu. Chị giới thiệu về bản thân mình bằng tiếng Hoa. Rồi chị ngâm bài thơ do chị sáng tác...

thica3

Nhà thơ Phạm Thị Tường. Ảnh : vietnamnet

Chúng ta đã nghe quá nhiều chuyện về số phận của những người phụ nữ Việt Nam làm ôsin cho các gia đình ở Đài Loan. Có người bị đánh đập. Có người bị xỉ nhục. Có người bị lừa gạt. Và hình như, chúng ta chưa bao giờ nghe nói một câu chuyện có hậu về những người phụ nữ Việt nam đi làm thuê này. Bởi thế khi một người làm thuê bước lên một sân khấu của một trung tâm văn hóa lớn với những chùm đèn rực rỡ làm tôi choáng váng".

Tôi cũng "choáng váng" thấy bà luôn, sau khi đọc xong câu chuyện "có hậu" vừa rồi. Báo Nhân Dân, số ra ngày 30 tháng 8 năm 2015, có bài bình luận "Việt Nam Thế Thế Nước Đang Lên". Thì hẳn là thế rồi nhưng ai mà dè lên nó mau dữ vậy, Trời ! Coi : mới hôm nào giới thi nhân Việt Nam còn có kẻ lê la đi xin ăn, và quanh quẩn đi mót khoai mót bắp mà nay đã có người "bước lên một sân khấu của một trung tâm văn hóa lớn với những chùm đèn rực rỡ" ở tận bên Đài Loan lận. Đất nước có bao giờ được như thế này không ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 05/04/2017 (tuongnangtien's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tưởng Năng Tiến
Read 868 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)