Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

02/03/2020

Thành phố Sài Gòn mất 18 địa danh

Hoàng Nghị, Đình Trường

Thành phố Hồ Chí Minh "mất trắng" 18 địa danh : Sở Văn hóa và thể thao nói gì ?

Hoàng Nghị, Đình Trường, Lao Động, 29/02/2020

Ngày 27/2, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Hoàng Nghị - Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) đã cho biết ý kiến xung quanh việc hàng loạt địa danh  có tuổi đời cả trăm năm của thành phố bị "mất trắng". Theo đó, việc các công trình phá bị bỏ hay thay thế "đã được cân nhắc kỹ lưỡng giữa hai yếu tố bảo tồn và phát triển".

sg1

Đình Trường : Phía Sở Văn hóa và thể thao ý kiến gì về bản danh sách 18 địa danh biến mất khỏi Thành phố Hồ Chí Minh đã được Báo Lao Động phản ánh trong loạt bài viết gần đây ?

Hoàng Nghị : Tôi cho rằng giữa bảo tồn và phát triển luôn luôn là hai quá trình song song, nên chúng tôi đã cân nhắc hết sức và tính toán kỹ các phương án. Phương án được đưa ra phải phù hợp cho sự phát triển chung của thành phố. 

Sau quá trình cân nhắc giữa các ngành rồi thành phố mới xem xét để đưa tới quyết định thay thế hay nâng cấp các công trình lâu đời. Với cả có những công trình đã xuống cấp quá rồi, giữ làm sao được. Khó lắm, trong thực tế nó rất là khó!

Các công trình có thể bị thay thế nhưng chúng tôi đã lưu ý sử dụng một số yếu tố, chi tiết cũ ở công trình mới để lưu giữ lại những kỷ niệm, những ký ức về di sản đó. Như thương xá Tax  giữ lại các yếu tố về thiết kế, cầu Nhị thiên đường giữ lại hàng cột đèn,...

Hay cũng cần thông tin cho rõ lại như Trại David không phải "mất trắng" mà đã được công nhận di tích quốc gia, sắp tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng với Bộ Quốc Phòng tiến hành trùng tu, tôn tạo. Hoặc khu di tích Ba Son sắp tới sẽ lập đề án và đang tiến hành thực hiện dự án tôn tạo với tổng diện tích với 6.000m2,...

Đình Trường : Trước khi một số công trình bị phá bỏ, phía Sở Văn hóa và thể thao với chức năng của mình có đưa ra ý kiến hay kiến nghị nào không ?

Hoàng Nghị : Hầu hết với các công trình, phía chính quyền thành phố đều xin ý kiến các sở, ngành để cân nhắc trước khi đưa ra hội đồng quy hoạch kiến trúc. 

sg2

Thương xá Tax - công trình từng gắn bó hơn 130 năm thăng trầm với Thành phố Hồ Chí Minh nay đã không còn nữa.

Đình Trường : Nhiều ý kiến cho rằng, các công trình bị biến mất do không được công nhận là di tích nên đã không có cơ chế nào để bảo vệ ?

Hoàng Nghị : Điều đầu tiên khi làm hồ sơ xếp hạng di tích là phải có đơn đề nghị của chủ sở hữu hoặc là người có quyền quản lý trực tiếp. Hiện nay, có một số khó khăn trong luật hiện hành là cơ sở hay công trình có đủ điều kiện nhưng người ta không đề nghị, không làm đơn để xét di tích.

sg3

Cầu Nhị Thiên Đường sau khi nâng cấp còn lại hàng cột đèn gợi nhớ về kiến trúc cũ.

Hơn nữa, khi xếp hạng di tích cần phải có nhiều nội dung như : bản vẽ, bản chụp, khu khoanh vùng bảo vệ di tích... Cần phải vào tận nơi để khảo sát di tích đó, xem nó có kiến trúc và hiện vật gì. Phải khảo sát toàn bộ di tích, nhưng nếu với công trình chủ sở hữu tư nhân họ không đồng ý, họ không cho mình vào thì làm thế nào được, vào mặt mũi họ không vui thì mình cũng đâu có vui. 

Ví dụ như một số công trình như Bưu điện thành phố, Chợ Bến Thành… rất xứng đáng nhưng chưa đạt được sự đồng thuận trong việc đề nghị xếp hạng di tích nên không đủ thành phần hồ sơ để mà tiến hành xét duyệt. 

Theo tôi, việc này nên điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. 

Đình Trường : Vậy đâu sẽ là cách thức để chúng ta có thể bảo tồn những địa danh chưa được xếp hạng trước nguy cơ chúng có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào ?

Hoàng Nghị : Vào năm 2017, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định đưa 100 công trình vào danh mục kiểm kê di tích . Đây là các công trình có giá trị nhưng chưa được xếp hạng. Theo quy định cứ 5 năm là phải rà soát lại nên hiện nay, Sở Văn hóa và thể thao tiếp tục kiểm tra, bổ sung các công trình địa điểm có đủ tiêu chí và khả năng để đưa vào danh sách này. 

Với những công trình đã được đưa vào danh mục kiểm kê thì sẽ được đối xử như di tích.

Đình Trường : Trong bài phỏng vấn với báo Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa có cho rằng, nhiều người nghĩ rằng, đến Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là để kiếm tiền, là để làm kinh tế. Điều này dẫn đến ý thức về văn hóa, về giá trị của lịch sử phần nào giảm đi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?

Hoàng Nghị : Tôi không cho rằng như vậy. Chúng ta phải đặt những vùng đất trong bối cảnh lịch sử, phát triển hay điều kiện tự nhiên của nó. Con người ở đây họ cởi mở, họ dung hòa các yếu tố văn hóa từ các nơi. Chứ không hẳn người ta chỉ quan tâm kinh tế mà không quan tâm văn hóa. 

Nhưng phải thừa nhận thực tế là thời gian qua, đầu tư cho văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh chưa xứng tầm. Đó là đầu tư chứ không phải nhận thức con người. Vì vậy cần phải tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị các văn hóa nói chung và các công trình di sản nói riêng.

Đình Trường

Nguồn : Người Lao Động, 29/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Nghị, Đình Trường
Read 702 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)