Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

18/05/2020

Tự do của tôi thời Cô Vi

Chu Văn

Trong cố gắng tự túc và chạy theo cao trào "hữu cơ", ngoài cây trái nhiệt đới và rau xanh đủ để có "mùa nào thức ấy", tôi còn nuôi 5 chị gà mái. Nói theo ngôn ngữ nhà đạo của tôi, mấy chị gà mái này tuy đẻ trứng liên tục, nhưng vẫn thuộc loại "trọn đời đồng trinh sạch sẽ". Không biết từ thuở nào, cái thiên chức làm mẹ của mấy chị đã bị tước đoạt. Hội đồng thị xã của tôi lại cấm nuôi gà trống. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng xé rào thả một chú gà trống vào vui chơi với mấy chị một thời gian ngắn. Chị nào cũng hí ha hí hửng. Có chị hễ thấy chú gà trống xáp lại là nằm rạp xuống trong tư thế hiến dâng trọn vẹn. Trông thật tội nghiệp! Nhưng dù sao, mấy chị gà mái của tôi vẫn có đủ một không gian thông thoáng vừa đủ để đi bộ và bới móc. So với cậu chó nhà tôi, các chị gà mái dường như vẫn tỏ ra bằng lòng với số phận làm gà "đi bộ" của mình hơn !

covi1

Cậu chó chị gà mái nhà tôi dường như bằng lòng với số phận của mình - Ảnh minh họa

Cậu chó nhà tôi, vốn là thú cưng cho nên được cưng tới bến. Đồ ăn thức uống lúc nào cũng đầy đủ. Mỗi tuần nhà tôi tắm cho cậu một lần. Thỉnh thoảng cậu còn được đưa đến "viện thẩm mỹ" để được làm đẹp. Phía sau nhà tôi là cả một khu rừng vắng. Mỗi ngày cậu được tự do leo đồi xuống núi để săn đuổi mấy con gà lôi rừng (bush turkey) mắc dịch chuyên phá hoại vườn tược của tôi. Mỗi buổi chiều cậu còn được nhà tôi dẫn đi dạo một vòng. Đây là lúc tôi thấy thương cậu chó nhà tôi nhứt: dù có được săn sóc và cưng chiều cỡ nào, cậu vẫn cảm thấy cô đơn. Mỗi ngày cậu ngồi buồn bã trong căn nhà nhỏ của cậu và trông ngóng từng giây từng phút để được có người đến hỏi chuyện hay dắt đi chơi. Mà đi chơi thì có được tự do đâu: cậu phải bị tròng vào cổ một sợi giây và đi theo chủ! Tôi tin chắc là cậu rất buồn khi phải làm kiếp thú cưng, thui thủi một mình suốt ngày. Ngoài ra, đáng thương hơn cả là cậu chó nhà tôi không được sống trọn vẹn cái kiếp chó của mình. Không rõ từ lúc lên mấy tháng tuổi, cậu đã bị người chủ cũ bắt phải làm "hoạn quan" suốt đời. Nếu so với giống chó cỏ được nuôi ở quê tôi, thì quả thật, cậu chó cưng nhà tôi khốn khổ hơn nhiều. Chó ở nhà quê tôi được thả chạy rong, đi dạo chơi suốt ngày từ nhà này sang nhà khác để "giao lưu" với bạn bè hàng xóm. Mỗi tháng Bảy về thì khỏi nói: các cô cậu chó trong xóm tôi họp quần lại để liên hoan thâu đêm suốt sáng và nhờ vậy dòng dõi nhà chó mới được truyền tử lưu tôn. Dù không được nuôi dưỡng đầy đủ, các cô cậu chó ở quê tôi xem ra có một cuộc sống xứng với "phẩm giá" của chó hơn !

Tôi không ghi danh vào bất cứ hội tranh đấu cho thú quyền nào cả. Nhưng cứ nhìn theo quan điểm của những nhà tranh đấu cho thú quyền thì quả thật việc tôi cướp đoạt thiên chức làm mẹ của mấy chị gà mái và nhứt là cưỡng bách cậu chó nhà tôi phải suốt đời sống cô đơn và độc thân thì đây hẳn phải là một hành động vi phạm thú quyền. Với tôi, nếu đi cho đến tận cùng của lý luận thì vừa tranh đấu cho thú quyền vừa nuôi thú cưng là một hành động đầy mâu thuẫn!

Thú vật mà còn được tranh đấu cho để được tôn trọng trong thú quyền thì huống chi là con người. Trong các quyền con người thì dĩ nhiên quyền sống là căn bản và quan trọng nhứt. Ngày nay tại một số nước Tây Phương, nhứt là tại Hoa Kỳ, tranh đấu cho quyền sống và chống phá thai đã trở thành một lá bài ăn khách trong sinh hoạt chính trị. Chính trị gia nào hô hào tranh đấu cho quyền sống và chống phá thai có nhiều may mắn để kiếm phiếu từ những cử tri có tôn giáo và bảo thủ hơn các chính trị gia khác.

covi2

Các cuộc xuống đường đòi hỏi chính quyền của một số tiểu bang ở Mỹ phải hủy bỏ lệnh đóng cửa trong thời đại dịch - Ảnh minh họa

Theo dõi các cuộc xuống đường đòi hỏi chính quyền của một số tiểu bang ở Mỹ phải hủy bỏ lệnh đóng cửa trong thời đại dịch, tôi thấy rùng mình khi nhìn thấy hình ảnh của súng ống và một số khẩu hiệu vốn dễ làm cho một người tỵ nạn công sản như tôi bị dị ứng. Có nơi người ta giơ cao hiệu lệnh "Hãy giải phóng" (Liberate) của Tổng thống Donald Trump. Đã nếm mùi "giải phóng" của mấy ông cộng sản Việt Nam, hễ nghe nói đến "giải phóng" là tôi run. Có nơi, đoàn người biểu tình còn giương cao khẩu hiệu bằng tiếng Đức "Arbeit macht frei" nghĩa là "Lao động giải phóng" được Đức Quôc Xã cho treo lên ở cổng của các trại tập trung. Thế giới vừa kỷ niệm 75 năm Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Thảm kịch của 6 triệu người Do Thái và vô số nạn nhân khác bị Đức Quốc Xã tàn sát không thể không hiện về trong ký ức tập thể của nhân loại. Với riêng tôi, khẩu hiệu "Lao động giải phóng" còn gợi lại câu thần chú "Lao động là vinh quang" mà mấy ông bà cộng sản Việt Nam đã tụng niệm để đẩy bao nhiêu người lên vùng kinh tế mới cho chết dần chết mòn với đói khát và đủ mọi thứ bệnh tật.

Khẩu hiệu "Lao động giải phóng" được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi hỏi phải mở cửa kinh tế bằng mọi giá ở Mỹ không thể không gợi lại cho tôi chủ trương độc ác vô nhân đạo và giả nhân giả nghĩa của Đức Quốc Xã là: tiêu diệt những thành phần yếu kém và dễ bị tổn thương nhứt trong xã hội! Với những người biểu tình đòi mở cửa kinh tế bằng mọi giá ở Mỹ, khẩu hiệu ấy có nghĩa là: phải hy sinh một số thành phần yếu kém trong xã hội để cho người khỏe mạnh được sống! Vô tình hay hữu ý, người ta lập lại câu nói nổi tiếng trong quyển tiểu thuyết giả tưởng "Trại súc vật" (Animal Farm) của nhà văn Anh George Orwell : "Tất cả mọi thú vật đều bình đẳng, nhưng có một số thú vật bình đẳng hơn".

Trong các chính trị gia Mỹ đứng đàng sau những cuộc biểu tình đòi hỏi phải mở cửa kinh tế bằng mọi giá, ngoài Tổng thống Trump, tôi đặc biệt chú ý đến dân biểu Trey Hollingsworth, đại diện cho một đơn vị ở Tiểu bang Indiana. Ông dân biểu này nổi tiếng là người tranh đấu cho quyền sống và chống phá thai. Năm 2017, ông đã tuyên bố rằng thai nhi là "quà tặng của Thượng Đế" và cam kết bẳng mọi giá "sẽ tiếp tục tranh đấu cho sự thánh thiêng của sự sống con người". Nhưng trong các cuộc biểu tình đòi hỏi phải mở cửa kinh tế bằng mọi giá thì ông lại chủ trương vì kinh tế của đất nước và vì lợi ích của phần lớn người Mỹ, cần phải hy sinh những thành phần yếu kém và dễ bị tổn thương nhứt trong xã hội. Chủ trương như thế thì đâu có khác gì vừa tranh đấu cho thú quyền vừa nuôi thú cưng (1) !

Sự sống của con người là thánh thiêng. Tôi luôn tin như thế. Thánh thiêng từ lúc xuất hiện trong lòng mẹ cho đến lúc chết tự nhiên. Sự sống của thai nhi trong lòng mẹ thánh thiêng bao nhiêu thì sự sống của những thành phần yếu kém và dễ bị tổn thương nhứt trong xã hội cũng thánh thiêng bấy nhiêu.

Trong thời đại dịch này, tôi đặc biệt nghĩ đến sự sống của những người nghèo khổ và cách riêng những người già cả trong các viện dưỡng lão. Trên toàn nước Úc, tính đến nay con số người bị nhiễm Covid-19 chỉ trên dưới 7.000 người. Trong số này có đến 90 phần trăm đã bình phục và số người thiệt mạng cũng chỉ suýt soát 100 người. Chính phủ Úc có đủ lý do để hãnh diện vì đã thành công trong việc đối phó với cơn đại dịch. Nhưng cho tới nay tôi chưa thấy có nhà lãnh đạo nào trong chính phủ Úc khoe khoang về thành tích này. Riêng Thủ tướng Scott Morrison cũng chẳng phải họp báo mỗi ngày để khoe mẻ. Duy có một lần ông làm cho cả nước xúc động khi nói rằng ông không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh người dân Úc không được đến gần người thân trong những giây phút cuối đời và tiễn đưa họ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi chưa từng nghe thấy một giọt nước mắt nào như thế nơi Tổng thống Trump. Báo The Washington Post đã phân tích hơn 13 giờ họp báo của ông về đại dịch Covid-19 tại Mỹ. Ông chỉ bỏ ra một phần trăm của thời lượng ấy để chia buồn với các nạn nhân của đại dịch. Toàn bộ các cuộc họp báo, ông dành để khoe thành tích và vận động bầu cử (2).

Thủ tướng Morrison không phải là một nhà lãnh đạo được đa số dân Úc ủng hộ. Nhưng ít ra nơi ông tôi vẫn còn nhìn thấy được một trong những đức tính quan trọng nhứt của một nhà lãnh đạo. Đức tính đó là sự đồng cảm. Trong thời đại dịch, mỗi cái chết là một thảm kịch chớ không phải là một con số để đo lường sự thành công của một chính phủ. Trong thời đại dịch, cái chết nào cũng là một thảm kịch và thảm kịch lại càng đau đớn hơn khi đó là cái chết của một người nghèo khổ vô phương tự vệ, nhứt là những người già trong các viện dưỡng lão, những người đã đóng góp cả một đời cho xã hội. Họ xứng đáng hưởng một cuối đời an bình và thanh thản.

Với tôi, sự đồng cảm phải là căn cước của một nhà lãnh đạo. Nhưng không riêng các nhà lãnh đạo quốc gia hay trong bất cứ lãnh vực nào, sự đồng cảm cũng phải là nền móng để xây dựng nhân cách của mỗi người, bất luận họ chiếm giữ địa vị nào trong xã hội. Thiếu sự đồng cảm con người khó có thể sống cho ra người tử tế.

Đồng cảm cũng có nghĩa là biết hy sinh những thứ mà mình cho là quyền và tự do của mình, bởi lẽ chẳng có quyền và tự do nào là tuyệt đối. Ai đó đã nói một cách chí lý : quyền tự do của bạn chấm dứt khi nó chạm đến mũi của tôi.

Chu Văn

18/5/2020

1.    https://edition.cnn.com/2020/04/23/us/reopening-country-coronavirus-utilitarianism/index.html

2.    https://www.psychologytoday.com/au/blog/mind-the-manager/202005/whatever-happened-empathy-in-leadership

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chu Văn
Read 1070 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)