Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

26/05/2020

Tôn giáo thời Cô Vi

Chu Văn

Thời đại dịch, mọi thứ đều thay đổi. Kể cả sinh hoạt tôn giáo. Từ vài tháng nay, mấy ông bạn già công giáo của tôi không cần phải tới nhà thờ vào mỗi cuối tuần nữa : ngồi nhà chú mục vào màn ảnh truyền hình, vừa rung đùi vừa "xem lễ" mà vẫn thấy tham dự đầy đủ vào "các phép" trong đạo !

Xem lễ mùa dịch Covid-19 qua mà ảnh truyền hình (Úc)

Sinh hoạt tôn giáo là một nhu cầu thiết yếu của người có niềm tin tôn giáo. Bỏ nước ra đi, các tín đồ Việt Nam thường tìm đến định cư ở những nơi nào có chùa chiền, đền thờ, thánh thất, giáo đường và nhứt là có đông người đồng hương để tham dự các sinh hoạt tôn giáo.

Đến nơi thờ phượng không chỉ để thỏa mãn nhu cầm tâm linh, mà còn để có được chút hơi ấm của tình đồng hương, bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa và những giá trị truyền thống của dân tộc. Có người còn tìm đến các sinh hoạt tôn giáo với một mục đích thầm kín khác. Một ông bạn người Úc của tôi tâm sự rằng lúc nhỏ ông đã được nuôi dạy trong một môi trường thuần công giáo : học trường công giáo, đi lễ mỗi ngày chúa nhựt. Nhưng ông thú nhận rằng ở tuổi đôi mươi, ông háo hức đến nhà thờ mỗi ngày chúa nhựt là chỉ để nhìn ngắm đàn bà con gái !

Nhưng sinh hoạt tôn giáo không chỉ là một nhu cầu, mà còn là một nghĩa vụ. Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã được uốn nắn để lúc nào cũng xem sinh hoạt tôn giáo trước hết như một nghĩa vụ. Một cách cụ thể, tôi đã được dạy rằng thánh lễ chúa nhựt là một "lễ buộc". Bà mẹ đạo đức của tôi luôn đe dọa rằng bỏ "lễ buộc" là phạm tội trọng và hễ phạm tội trọng mà lỡ chết tươi ăn năn tội chẳng kịp thì sẽ sa hỏa ngục đời đời kiếp kiếp chẳng cùng ! Nghe khiếp quá cho nên có lười biếng và ham chơi cỡ nào, tôi cũng không bao giờ dám bỏ lễ chúa nhựt.

tongiao01

Hình ảnh người Công giáo Miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. (Ảnh Nhà thờ Thái Hà)

Cùng với lời đe dọa của mẹ tôi, tôi còn phải chịu sự rình mò theo dõi của các "công an tôn giáo" là các bà xơ và ông cha sở. Đây là những ông kẹ bà chằng lúc nào cũng giám sát chặt chẽ các sinh hoạt tôn giáo của tôi. Lúc nhỏ tôi đã chịu không biết bao nhiêu trận đòn chí tử trước mặt những đứa trẻ khác chỉ vì cái tội bỏ học giáo lý và trốn tránh các sinh hoạt tôn giáo khác ở nhà thờ. Bị đòn giữa nhà thờ, có lúc tôi cũng ngước mắt nhìn lên Chúa, nhưng dung mạo của Chúa mà tôi thấy được qua dòng nước mắt lại được phản ảnh qua hình ảnh hung bạo của ông cha sở và các bà xơ.

Trong trí tưởng tượng của tôi, Chúa là một ông già râu tóc bạc phơ, trên tay lúc nào cũng cầm cây gậy và ánh mắt dữ dằn lúc nào cũng rình rập săm soi mọi sự "trong ngoài" của tôi để trừng phạt hơn là yêu thương. Nói cho cùng, tôi đã "giữ đạo" vì sợ hơn vì mến. Sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh của Do Thái và Kitô Giáo đã chẳng dạy rằng "kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan" (Châm Ngôn 9,10) đó sao ?

Trong những suy tư về niềm tin tôn giáo của mình, tôi thường tự hỏi : niềm kính sợ Thiên Chúa đã được người lớn nhồi nhét vào đầu óc thơ dại của tôi hay nó đã có sẵn trong máu của tôi ?

Những cuộc nghiên cứu trong một số lãnh vực như khảo cổ học, xã hội học, nhân chủng học... về cuộc sống của những người sống vào thời hái lượm cho thấy rằng các tổ tiên tiền sử của loài người không hề có tôn giáo. Họ cũng tin có những thần linh vô hình đàng sau những sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng ý niệm về một Đấng trên đầu trên cổ luôn có mặt để theo dõi và xét xử con người thì hoàn toàn xa lạ với họ. Họ không cần có một niềm tin vào Thiên Chúa hay một Đấng Tối Cao nào đó để theo dõi họ. Trong những bộ lạc nhỏ bé của họ, mọi người đều biết nhau ; chẳng có gì là bí ẩn đối với nhau. Nói cách khác, họ không cần có một Đấng từ trên trời cao nhìn xuống để theo dõi, giám sát và điều hợp thói ăn nết ở của họ.

Chỉ cách đây khoảng 10.000 năm, khi nông nghiệp xuất hiện thì các tôn giáo có tổ chức mới phát sinh. Biết canh tác cũng có nghĩa là có dư thừa thực phẩm có thể nuôi sống nhiều người một lúc. Làng mạc và đô thị càng phát triển thì con người càng trở thành xa lạ với nhau và cũng dễ có khuynh hướng vì tư lợi mà hãm hại người khác. Đó là định nghĩa dễ hiểu nhứt về thế nào là sự dữ và điều ác. Cảnh sát không phải lúc nào cũng có mặt khắp nơi để giữ gìn an ninh và trật tự trong xã hội. Chỉ còn mong đợi có một Đấng Toàn Năng và Toàn Tri may ra mới có thể làm điều đó. Chính vì vậy mà các nền văn minh của nhân loại mới "phát minh" ra các thần linh hay một Đấng Tối Cao để khuyến khích hay buộc con người phải biết ăn ngay ở lành, làm điều thiện và tránh điều ác và nhờ vậy mới bảo đảm được trật tự xã hội.

Ngay từ Thế kỷ 18, triết gia Pháp Voltaire đã muốn giải thích về nguồn gốc của tôn giáo khi ông nói : "Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì cần phải tạo ra Thiên Chúa" (1).

Theo Kinh Thánh, "Thiên Chúa đã tạo dựng con người" (Sáng Thế Ký 1, 26). Nhưng lịch sử nhân loại dường như lại nói với tôi rằng chính con người mới tạo dựng Thiên Chúa và vẽ cho Ngài một dung mạo với đủ mọi hình thái có khi hoàn toàn đối nghịch nhau. Thiên Chúa của dân tộc này ra lệnh tàn sát dân tộc của một Thiên Chúa khác.

Cứ mỗi lần xảy ra ôn dịch hay đại dịch, tôi cũng thường nghĩ đến Thiên Chúa do con người tạo ra. Oberammergau là một trong những thị trấn nổi tiếng nhứt của Đức. Nổi tiếng nhờ vở tuồng "Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu" do chính người dân thị trấn đồng diễn xuất cứ 10 năm một lần và là cơ hội để thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Lẽ ra năm 2020 này là năm thị trấn Oberammergau trình diễn vở tuồng này, nhưng vì đại dịch Covid-19 vở tuồng được dời vào năm 2022. Vở tuồng huy động đến 3.000 diễn viên vốn là người dân của thị trấn. Những diễn viên chính trong vở tuồng sẽ phải tập dượt và nhập vai trong suốt 10 năm ròng rã !

tongiao2

Kiệu lễ "Cuộc tử nạn của Chúa Jesus" tổ chức cứ 10 năm một lần ở Thành phố Oberammergau, Đức

Theo truyền tụng, vào năm 1633, một trận dịch đã càn quét làng Oberammergau. Chỉ trong 33 ngày, đã có 81 người, tức một nửa dân số trong làng, bị thiệt mạng. Những người còn sống sót liền bày tỏ cam kết với Thiên Chúa rằng nếu Ngài tha mạng cho họ thì cứ mỗi 10 năm kế tiếp, họ sẽ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Sau khi dân chúng dâng lên Thiên Chúa lời khấn nguyện đó, Thần Chết đã không còn bắt thêm một người nào nữa và đúng như cam kết, năm sau người dân làng Oberammergau đã trình diễn vở tuồng ấy. Từ đó cho đến nay, vì hoàn cảnh hoặc vì lý do bất khả kháng, vở tuồng đã bị đình hoãn nhiều lần, nhưng thị trấn Oberammergau vẫn cố gắng giữ truyền thống và lời cam kết của họ với Thiên Chúa, một Thiên Chúa mà người ta luôn tin là có vai chủ động trong ôn dịch hay chiến tranh của con người (2).

Trong đại dịch Covid-19 hiện nay, tôi cũng nhớ lại quyển tiểu thuyết "Dịch Hạch" (La Peste) nổi tiếng của nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960) mà tôi đã có dịp đọc trong những năm cuối của thập niên 1960 khi tập tễnh làm quen với trào lưu triết học hiện sinh. Theo một trong những nhân vật chính của quyển tiểu thuyết là linh mục Paneloux, ôn dịch là một sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với những kẻ cứng lòng tin nơi Ngài. Chứng kiến cái chết của một đứa trẻ, vị linh mục tuyên bố rằng đây là ý Chúa. Ông kêu gọi giáo dân hãy chấp nhận điều đó. Bị lây nhiễm, thay vì gọi bác sĩ đến, ông đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa và nằm chờ Ngài đến cứu chữa. Và ông đã chết trong niềm tin tưởng ấy !

Tôi không biết có nên so sánh niềm tin của linh mục Paneloux trong quyền tiểu thuyết "Dịch Hạch" với thái độ thách thức của một số nhà lãnh đạo tinh thần ở Mỹ trong thời đại dịch hiện nay không. Một trong các nhà lãnh đạo Tin lành nổi tiếng ở Mỹ trong thời đại dịch này là mục sư Ralph Drollinger. Theo ông, đại dịch đang hoành hành tại Mỹ hiện nay là biểu hiện của "cơn thịnh nộ của Thiên Chúa". Trong một lần thuyết giảng cho các nhân viên Tòa Bạch Ốc, ông quy trách cơn đại dịch cho những người đồng tính, những người tranh đấu để bảo vệ môi sinh cũng như những người mà ông gọi là "có đầu óc bại hoại". Theo một cuộc thăm dò mới đây do hãng thông tấn AP thực hiện, có đến hai phần ba tín hữu Kitô, phần lớn là Tin Lành, tin lời của vị mục sư này. Trong số này, không thiếu người cho rằng thuốc chủng ngừa Covid-19 có thể là một cuộc tấn công nhắm vào Kitô Giáo.

Bất chấp lệnh đóng cửa tại nhiều tiểu bang, một số vị mục sư đã mở cửa nhà thờ để tổ chức việc thờ phượng. Người ta dựa vào Thánh Vịnh 91 trong Kinh Thánh để bày tỏ niềm tin tưởng vào Thiên Chúa : "Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa. Dù tả hữu có ngàn người quỵ ngã, dù hai bên có chết vạn người, riêng phần bạn, tuyệt nhiên không hề hấn". Với niềm tin tưởng ấy, tại Tiểu bang Virginia, một vị giám mục Tin Lành đã tuyên bố : "Thiên Chúa vĩ đại hơn con siêu vi". Và ông sẵn sàng đi tù hay vào nhà thương chớ không chấp nhận bị cấm cố trong thời đại dịch. Ngày 15 tháng Ba, ông đã công khai tổ chức một buổi thờ phượng với sự tham dự của khoảng 200 giáo dân. Một tháng sau đó, ông qua đời vì Covid-19. Tại Mỹ, đã có hàng tá nhà lãnh đạo tôn giáo chết vì không chấp nhận lệnh cấm cố trong thời đại dịch (3). Mới đây, ở Đức, tin tức cho biết cũng có nhiều người bị lây nhiễm vì tham dự các buổi thờ phượng bất chấp lệnh cấm cố.

Theo dõi cung cách thể hiện niềm tin tôn giáo trên đây, tôi không thể không nghĩ đến câu nói của nhà bác học lừng danh của Thế kỷ 20 là Albert Einstein : "Tôn giáo không có khoa học là tôn giáo mù quáng".

Là người có niềm tin tôn giáo, tôi thường lấy câu chuyện sau đây ra nghiền ngẫm : "Một tín đồ nọ tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn che chở và cứu thoát mình khỏi mọi nguy biến. Một trận lũ lụt xảy đến. Trong khi mọi người di tản thì ông lại leo lên mái nhà để chờ đợi Thiên Chúa đến cứu thoát. Nhiều đoàn cứu thương đã đi rảo qua khắp làng để tìm kiếm những người cuối cùng. Ngay cả một chiếc trực thăng cũng bay lượn mấy vòng. Nhưng mặc cho lời kêu gọi di tản, người tín đồ cứ ngồi chờ trên nóc nhà. Nước lũ ngày càng dâng cao và cuối cùng nhận chìm ông trong dòng nước. Ra trình diện trước mặt Thiên Chúa, người tín đồ trách móc tại sao Thiên Chúa đã không đích thân đến cứu thoát một người đặt niềm tin tuyệt đối vào Ngài như ông. Thiên Chúa mới trả lời : Ta đã cho mấy đoàn cứu thương đến tìm người. Ta cũng đã cho cả một chiếc trực thăng đến nài nỉ ngươi. Vậy mà ngươi có chịu lắng nghe lời Ta đâu !".

Chu Văn

(26/05/2020)

(1) https://www.psychologytoday.com/us/blog/talking-apes/202005/when-god-is-watching-you-in-the-bedroom

(2) https://en.wikipedia.org/wiki/Oberammergau_Passion_Play

(3) https://www.news.com.au/world/coronavirus/global/coronavirus-us-evangelical-preachers-and-their-congregations-dying-from-covid19-in-droves/news-story/95551ef7e19be231bab80a00710080ef?btr=19a90fbee7060e797e4c8f4d5f527f31

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chu Văn
Read 765 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)