Không thủ đạo đất Thần kinh : thế hệ Suzucho Karatedo Nghĩa Dũng Việt Nam
Tú Anh, Nguyễn Văn Dũng, RFI, 24/05/2020
Karatedo, Không thủ đạo Nhật Bản, du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu của hậu bán thế kỷ 20. Trong hơn 60 năm qua, Karate với tôn chỉ đào luyện tâm hồn giới trẻ, được tiếp nối tại đất Thần kinh (Huế) và phát triển mạnh nhờ công lao của các cao đồ thế hệ đầu tiên. (Tạp chí phát lần đầu ngày 10/11/2019).
Cố đại võ sư Suzuki Choji (phải). Ảnh do Võ sư Nguyễn Văn Dũng cung cấp
Võ sư Hồ Cẩm Ngạc sau 7 năm luyện tập tại Nhật, đem Judo, Karate, Kendo và Aikido về Sài Gòn vào năm 1947. Trong khi đó, tại Huế, võ sư Suzuki Choji, một sĩ quan Nhật nhận Việt Nam làm quê hương, truyền dạy Karate cho một số đệ tử chọn lọc tại đạo đường nằm cạnh cầu Đông Ba.
Rất nhiều thanh thiếu niên được đào tạo tại đạo đường Suzucho-Karatedo là những bậc tài hoa của đất Thần kinh. Karateka Nguyễn Văn Dũng, 7 đẳng, nguyên là giáo sư quốc văn, tốt nghiệp đại học sư phạm Huế, sư trưởng Nghĩa-Dũng Karatedo, là một trong những người nuôi dưỡng ngọn lửa lý tưởng này, theo nhiều bài báo võ thuật trong nước.
Trong thời lượng hạn hẹp, RFI hân hạnh được võ sư nhận trả lời phỏng vấn dưới đây. Xin trân trọng giới thiệu đến quý thính giả bốn phương đôi nét về đạo đường và những nỗ lực của hệ phái Suzocho-Karatedo, Huế với chủ đề "Karatedo từ chân cầu Đông Ba đến núi Bạch Mã".
*****
Tháng 8/2019, võ sư Nguyễn Văn Dũng, sư trưởng Nghĩa-Dũng Karatedo "gác kiếm" và tâm sự "muốn bé lại" như ngày xưa. Là một trong những đại đệ tử của võ sư Suzuki Choji, võ sư cho biết nhân duyên nào cách nay hơn 60 năm đã thúc đẩy ông đến với môn võ Không thủ đạo :
"Ban đầu tôi đến với Karate là để trả thù những kẻ đã đánh thầy dạy Văn của mình. Nhưng mà sau khi khổ luyện, thấy có thể thực hiện ý đồ của mình thì tôi lại nghĩ là tha cho kẻ thù của mình là cách trả thù tốt nhất. Tôi chủ động đến và kết thân với những người đó và chúng tôi trở thành bạn bè với nhau cho đến bây giờ. Người thầy của tôi là một thầy dạy Văn, là một linh mục. Vào năm 1963, khi xảy ra cuộc đảo chính ông Ngô Đình Diệm, thì ban đêm có một toán thanh niên vào trong nhà thờ, lôi ông thầy đó ra rồi hành hạ ông. Còn tôi, tôi bảo vệ ông"
Trong một bức thư gửi thầy, Hạ Quốc Huy, một trong những trưởng tràng đã viết một câu rất cảm động "…dù trên đường lưu lạc, con được gặp nhiều danh sư, diện kiến nhiều cao nhân, nhưng hình ảnh thân kính của thầy vẫn là chân dung lớn trong hồn con và đạo đường thân yêu ngày trước, nhìn về như một ước mơ" (ghi lại theo trí nhớ).
RFI : Xin võ sư Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm cố đại võ sư Suzuki Choji là một nhân vật như thế nào ? Vì sao ông chọn Huế làm quê hương ?
Nguyễn Văn Dũng : Thầy Suzuki Choji là một sĩ quan trong quân đội Nhật hoàng. Thầy ở lại Việt Nam sau năm 1945 và tham gia mặt trận Việt Minh… Đến sau năm 1954, theo lời mời của một người bạn, thầy về định cư ở Huế. Khi người bạn này trở thành trưởng ty cảnh sát Thừa Thiên-Huế thì ông mời thầy Suzuki dạy nhu đạo cho lính. Lúc đầu thầy chỉ dạy nhu đạo, cho đến 1963 thì dạy thêm Karate và lập ra hệ phái Suzucho-Karatedo của thầy.
Thầy Suzuki Choji là một người rất nghiêm. Nhưng bên cạnh thầy, vợ của thầy là một người rất nhân từ. Chúng tôi kính và sợ thầy nhưng mà chúng tôi rất yêu thương cô. Chúng tôi coi thầy như người cha và cô như một người mẹ và võ đường ở số 8 đường Võ Tánh của thầy như một ngôi nhà.7
****************
Võ đường số 8, Võ Tánh rồi núi Bạch Mã là nơi mà mỗi cuối tuần khi trời đẹp, từ suốt mấy chục năm nay, võ sư Nguyễn Văn Dũng dẫn học trò lên núi tập luyện. Bạch Mã là một địa danh cốt lõi, là một bước thứ hai trong dòng sông phát triển Karate tại Huế từ chân cầu Đông Ba. Và cũng từ tổ đường, Không thủ đạo phổ biến ra khắp nơi với những môn sinh đầu tiên được chọn lọc. Võ sư Nguyễn Văn Dũng hồi tưởng :
"Thầy Suzuki rất trọng tri thức (connaissance), trân trọng và đặc biệt đầu tư sâu cho những môn sinh của thầy có trí thức (intellectuels). Vì vậy cho nên những môn sinh đầu tiên đều là những người khoa bảng : anh Nguyễn Nhuận là giảng sư Đại học Huế, anh Ngô Đồng, giảng viên Đại học Huế, anh Hạ Quốc Huy là một họa sĩ tài danh của miền Nam trước đây cũng như anh Nguyễn Xuân Dũng, Hồ Văn Ngọc…
Trước 1975, phong trào Karate của thầy Suzuki chỉ phát triển ở phạm vi Huế mà thôi. Và có một lò võ Karate ở Đà Nẵng của anh Hạ Quốc Huy và hai Câu lạc bộ ở Sài gòn của anh Ngô Xuân Dũng. Mãi đến sau năm 1975, phong trào mới phát triển khắp cả nước.
Thế hệ môn sinh thứ hai của thầy sau này cũng đều là những trí thức, có văn hóa… Có thể nói hệ phái Suzucho-Karatedo phát triển rất mạnh, mạnh nhất trong làng Karate và trong làng võ ở Việt Nam nói chung…".
Từ cố đô, một số cao đồ của đạo đường "dưới chân cầu Đông Ba" đã đưa môn phái phát triển tại Bắc Mỹ và Châu Âu.
Riêng tại Việt Nam, với sở nguyện đào luyện tâm hồn tự hào cho giới trẻ, võ sư Nguyễn Văn Dũng chọn núi Bạch Mã làm người thầy thứ hai cho môn đệ ? Mời quý thính giả theo dõi phần phỏng vấn chủ nhật tuần sau.
Tú Anh tổng hợp
Nguồn : RFI, 24/05/2020
*******************
Suzucho-Karatedo : "Tâm thức Núi" trong võ đạo
Tú Anh, RFI, 17/11/2019
Suzucho-Karatedo là đạo đường Không thủ đạo do võ sư Suzuki Choji, tên Việt là Phan Văn Phúc, sáng lập vào đầu thập niên 1960 tại Huế. Võ đạo truyền thống tiếp tục được duy trì trong tinh thần núi thiêng Bạch Mã, ngọn núi cao nhất ở Thừa Thiên.
Luyện Karatedo trên núi Bạch Mã, Huế. Ảnh do môn phái Nghĩa Dũng cung cấp
Trong Tạp chí thể thao tuần trước, võ sư Nguyễn Văn Dũng một trong những cao đồ của chưởng môn, giới thiệu nhân duyên và thành tựu của môn phái. Từ gần 60 năm qua, tại Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác, Suzucho-Karatedo tiếp tục lớn mạnh với nhiều hệ phái, đặc biệt nhất là Nghĩa Dũng-Karatedo gắn liền với thiên nhiên và Bạch Mã sơn.
Năm 1978, do thời cuộc, chưởng môn Suzuki Choji về nước và qua đời vào năm 1995. Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác, các cao đồ đầu tiên đưa Karatedo từ võ đường mẹ dưới chân cầu Đông Ba tỏa ra khắp bốn phương.
Không thủ đạo đất Thần kinh : Cầu Đông Ba, núi Bạch Mã
Tại Việt Nam, người giữ lửa cho "ân sư" Suzuki Choji là võ sư Nguyễn Văn Dũng. Sư trưởng Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1941, nguyên là giáo sư quốc văn, tốt nghiệp đại học sư phạm Huế. Ông sáng lập đạo đường Nghĩa Dũng-Karatedo, với tâm nguyện không thể thao hóa võ đạo, nỗ lực thắp sáng tâm thức tuổi trẻ, tinh thần dấn thân và trách nhiệm. Võ đạo truyền thống tiếp tục được duy trì trong tinh thần núi thiêng Bạch Mã, ngọn núi cao nhất ở Thừa Thiên.
Trân trọng gửi đến quý thính giả phần hai của cuộc phỏng vấn.
Tinh thần Bạch Mã sơn
RFI : Kính chào sư trưởng Nguyễn Văn Dũng, trong phần một, võ sư có dịp nói qua về vai trò của núi Bạch Mã "vị thầy vĩ đại thứ hai" (sau ân sư Suzuki) của môn sinh Suzucho-Karatedo và đặc biệt là giới trẻ thuộc Nghĩa Dũng Karate-Do. Xin võ sư giải thích thêm về "đường lên ngọn núi thiêng", một trong những quyển sách của võ sư ?
Nguyễn Văn Dũng : Hồi trước, tôi đi tập với thầy Suzuki thì phòng tập của chúng tôi rất là nhỏ. Ngày nay, tôi muốn mở rộng không gian giảng dạy cho các em mà thiên nhiên là một yếu tố ưu tiên hàng đầu. Ở Huế, có một ngọn núi nổi tiếng là núi Bạch Mã, cao gần 1.500 mét. Tôi thường đưa môn sinh của tôi lên rèn luyện ở đó. Các em mang ba lô nặng 15 kí lô. Đoạn đường đi lên là 19 cây số, cộng thêm sinh hoạt trên đó, cả đi và về cũng 50 cây số.
Đây thực chất là một cuộc hành hương, nhưng về mặt tổ chức thì coi đó như một cuộc hành quân đầy gian khổ, đầy thử thách, đầy hiểm nguy.
Tôi muốn thông qua đó để giúp cho các em biết mình là ai và tự hào về bản thân mình. Giúp cho các em ý thức kỷ luật, đúng giờ, cái tinh thần hợp tác, tính năng động, quyền biến và đặc biệt là những kỹ năng để mưu sinh trong tình huống ngặt nghèo.
Cho các em được ngắm hoàng hôn trên núi Bạch Mã, thức dậy lúc 4 giờ sáng để ngắm bình minh ở Biển Đông, đêm ngửa mặt ngắm sao trời… tôi cho đó là những yếu tố bồi dưỡng cho tâm hồn các em. Đó cũng là một yếu tố để các em thấy quê hương, đất nước của mình đẹp quá và từ đó nẩy sinh tấm lòng yêu nước và ý thức bảo vệ đất nước mình.
Sau chuyến đi, các em phải viết một bản thu hoạch thường là khoảng 15 trang. Trong mấy ngàn bản thu hoạch đó, gần đây, tôi chọn một số để in thành một quyển sách và được nhiều người yêu mến. Tên quyển sách đó là Tâm Thức Núi.
RFI : Thế nào là "tâm thức núi" ? Phải chăng võ sư không có chú trọng nhiều về "võ nghệ", mà đặt nặng phần "võ đạo" nhiều hơn ?
Nguyễn Văn Dũng : Núi cao là nơi hun đúc những giá trị tâm linh. Ví dụ như Bạch Mã Sơn chẳng hạn, tôi nghiệm ra rằng khí thiêng của trời đất, năng lượng của trời đất đã đúc kết ở nơi đó. Cho nên, lên Bạch Mã và nếu biết mở rộng cái tâm văn hóa , mình sẽ thấy tâm hồn mình cao rộng hơn, trái tim của mình chan chứa yêu thương và độ lượng hơn, sự suy nghĩ của mình nó minh triết hơn. Bạch Mã Sơn, ngọn núi tâm thức của thầy trò chúng tôi cũng là nơi để chúng tôi vọng về. Rất nhiều em môn sinh đến đó, bây giờ ra đời gặp những lúc khó khăn thì các em tưởng về Bạch Mã để tìm thấy một sự bình an trong tâm hồn các em. Cũng có nhiều em đã thành đạt nhưng mà năm, mười năm, các em trở về Bạch Mã đôi ba ngày để hấp thụ năng lượng đó, tìm thấy sức mạnh cho mình để tiếp tục đi vào đời. Đối với thầy trò chúng tôi thì núi Bạch Mã là linh địa, là thánh địa của Nghĩa Dũng - Karatedo.
Sống thật, nhân ái không một dạ hai lòng
RFI : Được biết võ sư còn có tâm nguyện là đào tạo cho môn sinh karatedo, một tinh thần hào hiệp, trách nhiệm với bản thân và xã hội, đa năng đa hiệu, thông thạo văn võ, cầm kỳ thi họa. Thụ giáo Nghĩa Dũng Karatedo, môn sinh được đào luyện theo những phương pháp nào ?
Nguyễn Văn Dũng : Tôi nghĩ "Văn không võ là văn nhu nhược. Võ không văn là võ bạo tàn". Bởi vậy cho nên tôi mới có ý muốn đào tạo cho những người học trò của tôi trở thành con người toàn diện, về tính cách, về nhân cách và đặc biệt là trong cách ứng xử ở đời. Làm thế nào để được sự hài hòa giữa tình và lý, giữa cương và nhu, giữa văn và võ.
Muốn được hài hòa và toàn diện như vậy thì tôi mở rộng không gian tập luyện, không phải chỉ giới hạn trong võ đường mà mở rộng ra bên ngoài. Ví dụ, tôi kêu gọi các em mỗi tháng đóng góp hai lon gạo, rồi mỗi năm nhịn một bữa ăn sáng. Tất cả góp lại, sau đó giúp đỡ người nghèo, các cô nhi viện, xây những ngôi trường cho trẻ em vùng cao, làm cây cầu bắc qua suối để trẻ em không bị lũ cuốn.
Đó là những hoạt động bồi dưỡng cho tâm hồn các em, để các em trở thành những người có lòng nhân ái, biết cảm thông, biết sẻ chia và có tinh thần trách nhiệm.
Đó là những điều mà tuổi trẻ hiện nay rất là thiếu.
Chúng tôi cũng coi trọng việc đọc sách. Chúng tôi nói với các em, sách là người thầy vĩ đại và thông qua sách, các em học hỏi được rất nhiều điều hay.
Tôi bắt buộc mỗi võ đường phải có một tủ sách. Trong chương trình tập luyện, phải dành thời gian cho các võ sinh trao đổi sách để đọc và làm thế nào có các nguồn cung cấp cho tủ sách ngày càng phong phú.
Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các em tham gia những hoạt động xã hội, nhặt rác, vệ sinh môi trường. Hiện nay, chúng tôi đang đăng ký để bảo vệ và làm đẹp một khoảng sông Hương.
Theo quan điểm giáo dục của tôi, tất cả những giá trị tinh thần mà chúng tôi muốn hun đúc thì không phải qua cái rao giảng của người thầy, mà thông qua cái quá trình rèn luyện của các em.
Bên Thiền học người ta gọi là Tu và Chứng. Phải có tu mới có chứng. Trong tập luyện Karate, các em được tập đòn đánh ra là phải qua quá trình "điều hơi, tụ khí và phát lực". Một đòn đánh phải là kết tinh của tất cả khí lực của mình. Tập luyện một thời gian dài, các em sẽ ngộ, sẽ nhận ra rằng muốn làm cái gì cũng phải làm hết sức mình chứ không bầy hầy làm nửa chừng. Dần dần các em ngộ ra, sẽ nhận ra là sống với ai phải sống hết mình chứ không phải một dạ hai lòng. Từ kỹ thuật tập luyện, các em sẽ đạt tới những giá trị tinh thần mà các em ngộ ra. Đó là đặc điểm mà võ đường Nghĩa Dũng -Karatedo đào tạo cho các võ sư của mình.
RFI : Xin đặt câu hỏi cuối, từ Huế, Nghĩa Dũng-Karatedo đã phát triển khắp nước và ra nước ngoài như thế nào ?
Nguyễn Văn Dũng : Sau khi thầy tôi về Nhật năm 1978, tôi thành lập võ đường lấy tên là Nghĩa Dũng-Karatedo. Dũng là tên người đứng đầu, còn Nghĩa là tôn chỉ của võ đường. Từ đó đến nay đã phát triển hơn một ngàn võ đường Nghĩa Dũng trong phạm vi toàn quốc và thêm sáu võ đường ở nước ngoài : Úc, Canada, Nga, Slovakia, Cộng hòa Czech và Mỹ.
Có một điều là dù các em võ sư mở võ đường ở những nước hiện đại, các em đó cũng vẫn duy trì truyền thống và tôn chỉ mục tiêu của võ đường Nghĩa Dũng ở Huế.
RFI : Xin cám ơn võ sư, sư trưởng Nguyễn Văn Dũng.
Tú Anh thực hiện
Nguồn : RFI, 17/11/2019
**********************
Võ sư Suzuki Choji - Sáng tổ hệ phái Suzucho Karatedo
Wikipedia
Võ sư Suzuki Choji sinh ngày 10 tháng 6 năm 1919 tại Kasagami, thành phố Tagajō, tỉnh Miyagi thuộc miền Đông Bắc Nhật Bản, là anh cả trong một gia đình có bốn anh em bao gồm Suzuki Choji, Suzuki Minoru, Suzuki Masako, và Suzuki Isao.
Võ sư Suzuki Choji
Từ năm 8 tuổi đến 18 tuổi, Suzuki Choji theo học tiểu học và trung học ở Kasagami. Trong thời gian này, ông tập Judo (Nhu đạo) tại Câu lạc bộ Nhu đạo của trường, và năm 13 tuổi thì được thân phụ gửi đến thọ giáo một thiền sư dạy Karate trong vùng, thầy Shigemoto Tadao. Trong hoàn cảnh các phái võ tại Nhật Bản bị cấm như thời gian này, một tu sĩ đã giúp đưa Suzuki lên ẩn cư trong ngôi chùa cổ trên núi và ở đây, ông đã tiếp tục luyện tập Karate, Jujutsu trong những điều kiện hết sức khó khăn. Ba năm sau, ông được thọ giáo Đại sư Asano Zenkichi (sư phụ của Shigemoto Tadao), và được Đại sư đồng ý huấn luyện.
Năm 19 tuổi Suzuki Choji lên Tokyo lập nghiệp, làm thêm ở một hãng xe hơi ở thủ đô. Tại đây, ông tiếp tục tập luyện Karatedo đồng thời chuyên tâm đọc sách, nghiên cứu võ đạo, Judo và Karatedo. Niềm đam mê võ thuật đã đưa ông hạnh ngộ đại sư Kisaburo của hệ phái Takenouchi-ryū (Trúc chi Nội lưu), một hệ phái Karate/Jujitsu với những tuyệt kỹ bí kíp cổ xưa của Okinawa. Những ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ, ông lặn lội về tận Nagasaki để thụ giáo thầy. Tương truyền, các đại sư Trúc chi Nội lưu chỉ truyền thụ cho các môn đồ Thiền tông và rất giới hạn về số lượng, giới luật cũng cực kỳ khắt khe. Vị đại sư trực tiếp truyền thụ cho Choji Suzuki cũng chỉ nhận đúng 3 đệ tử.
Năm 1940 khi chiến tranh Thái Bình Dương lan rộng. Như nhiều thanh niên Nhật Bản thời bấy giờ, Suzuki Choji được động viên vào quân đội. Lúc này ông 21 tuổi.
Năm 1942 khi rời quân trường và chính thức bước vào các chiến tuyến, Suzuki được chuyển sang Mãn Châu. Năm 1943 ông sang Mã Lai và tới năm 1944 thì đặt chân đến Việt Nam.
Năm 1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Trong đội quân Thiên Hoàng bại trận, Suzuki Choji quyết định ở lại Việt Nam và tham gia Mặt trận Việt Minh kháng chiến chống Pháp với cấp bậc đại úy, nhận lời huấn luyện võ nghệ cho một đơn vị bộ đội ở Lạng Sơn. Trong một lần Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) tình cờ ghé thăm, đã quý mến tặng Suzuki Choji một khẩu súng có khắc tên ông, đồng thời đặt tên Việt Nam cho người chiến sĩ xuất thân từ Nhật Bản này là Phan Văn Phúc.
Trước năm 1948, Suzuki Choji công tác ở Liên khu 4 (Thanh Hóa) và đến cuối năm 1948 ông được điều chuyển vào Liên khu 5 (Quảng Ngãi), phụ trách một xưởng sản xuất dụng cụ y tế cung cấp cho mặt trận. Xưởng sản xuất đặt tại vùng Chợ Chùa, Quảng Ngãi. Trong những năm này ông lập gia đình với một người phụ nữ Việt Nam.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Suzuki Choji cùng gia đình về định cư ở Huế. Tại đây, vào năm 1960 ông mở đạo đường mang tên Suzucho Karatedo Ryu Dojo Noen, dạy Judo và Karatedo, khai sinh Trường phái Suzucho Karatedo.
Suzucho (鈴長, Linh Trường) là từ ghép từ họ và tên của người sáng lập, hàm nghĩa lưu truyền sự nghiệp dài lâu như tiếng chuông ngân xa. Người vợ ông thì may võ phục, phục vụ cơm nước cho các môn sinh từ xa tới. Mặc dù vậy, đến năm 1963 Đạo đường mới chính thức đi vào hoạt động. Đạo đường đặt tại số 8 Võ Tánh, Huế (nay là đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế), ẩn mình ngay dưới chân cầu Đông Ba chính là ngôi tư gia của người sáng tổ Suzuki Choji, có chiều ngang chừng 4m và chiều sâu chừng 25m. Những thế hệ môn sinh đầu tiên của Karatedo Việt Nam như Ngô Đồng, Hạ Quốc Huy, Nguyễn Xuân Dũng, Lê Văn Thạnh, Hoàng Như Bôn v.v. đã trưởng thành từ đây.
Tháng 6 năm 1964, Suzuki Choji mở một khóa đào tạo mang tên Bodankumi. Đây là khóa học đặc biệt chỉ gồm 7 môn sinh (Lê Văn Thạch, Chế Văn Nhẫn, Nguyễn Khoa Tín, Võ Đại Vạn, Lê Bá Hóa, Phạm Lạc và Nguyễn Văn Thanh). Giờ tập được nâng lên gấp đôi bình thường với mục đích truyền tải tất cả tinh hoa võ học Karate nhằm xây dựng thế hệ huấn luyện viên chủ chốt cho tương lai.
Phong trào theo học các lớp võ thuật Suzuki Choji trực tiếp huấn luyện phát triển mạnh và ngày càng có nhiều môn sinh từ tỉnh xa khăn gói tìm về. Yêu cầu cấp thiết là phải mở thêm phân đường ở các tỉnh thành, mà nơi đầu tiên là Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng, Suzuki vừa dạy võ vừa đảm nhận giúp thành phố vai trò bài trừ du đãng nên công việc rất bận rộn, chỉ cuối tuần hay ngày nghỉ mới có thời gian quay trở về Huế, nơi các môn sinh của ông đang miệt mài tập luyện dưới sự điều hành và quản lý võ đường của người vợ ông, cô Nguyễn Thị Minh Lệ (Suzuki Reiko).
Năm 1972, khi phong trào Karatedo ở Huế và Đà Nẵng phát triển vững vàng, Suzuki Choji giao cho các học trò điều hành võ đường rồi vào Sài Gòn, làm giám đốc khách sạn Kiyo ở Khánh Hội. Ông trực tiếp quản lý cơ sở này cho đến kết thúc chiến tranh năm 1975.
Những năm đầu sau 1975, các sinh hoạt võ thuật bị hạn chế hoạt động và võ đường Suzucho không còn sinh hoạt nữa. Ngày 18 tháng 12 năm 1978, Suzuki Choji cùng gia đình trở về cố hương, Nhật Bản, để rồi sinh sống đến cuối đời tại đây. Khi phong trào tập luyện Karate nói riêng và võ thuật nói chung ở Việt Nam khởi phát trở lại, tuy ở xa, nhưng Suzuki Choji vẫn hằng quan tâm phong trào Karatedo Việt Nam. Nguyện vọng tha thiết của ông là được về thăm Việt Nam một lần trước khi từ giã cõi đời nhưng rồi nguyện ước không thành. Ông mất tại quê nhà Kasagami, lúc 17 giờ ngày 06 tháng 02 năm 1995, hưởng thọ 77 tuổi.
Toàn bộ hệ thống triết học của hệ phái Suzucho Karatedo do tổ sư Suzuki Choji sáng lập ẩn sâu trong 9 bài quyền được coi là đặc dị, gồm 6 bài YEN và 3 bài MAKI. Đứng đầu hệ phái là Chưởng môn, điều hành hệ phái là một ban chấp hành mà đứng đầu là Trưởng tràng, bên dưới Ban chấp hành là các phân đường của các tỉnh thành.
Theo lời kể của các võ sư như Trương Đình Hùng, Nguyễn Xuân Dũng, Nguyễn Văn Dũng, Trần Văn Thêm, thì lúc bấy giờ việc xin vào thụ giáo ở võ đường 8 Võ Tánh không phải là chuyện dễ, bởi võ sư Suzuki Choji chỉ chấp nhận truyền thụ cho những môn đồ trước hết phải có đạo đức tốt, không nghiện ngập rượu chè, cờ bạc. Việc dạy Lễ và Tâm luôn được coi trọng hàng đầu.
Trong hồi ký Gió về Tùng Môn Trang, cố võ sư huyền đai đệ bát đẳng Karate Nguyễn Xuân Dũng đã viết :
"Võ phái Không thủ đạo tại Huế đã đào tạo ra nhiều võ sư danh tiếng và làm rạng rỡ tông môn... Không những thế, với hơn một vạn môn sinh hiện nay tại Việt Nam, hầu hết những người ấy đều được hình thành nhân cách ban đầu từ đạo đường bên chân cầu Đông Ba bé nhỏ, trực tiếp hay gián tiếp từ sự dạy bảo của thầy Suzuki. Thực vậy, từ cái nôi võ đường số 8 Võ Tánh, chỉ sau 45 năm hệ phái Suzucho Karatedo đã có gần 40 phân đường ở các tỉnh thành từ Lạng Sơn đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Côn Đảo v.v. Số môn sinh hiện đã lên con số hàng vạn trong đó có những môn sinh đã trở thành huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia như huấn luyện viên Đoàn Đình Long, Lê Công, Lê Văn Thạnh ; những môn sinh xuất sắc như Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông, Phạm Hồng Hà, Vũ Kim Anh đã mang vinh quang về cho quốc gia bằng những huy chương vàng, huy chương bạc từ đấu trường Sea Games và Asiad ; những trí thức nổi danh như tiến sĩ Lê Hoài Trung, tiến sĩ Lê Đình Khánh, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, và cả nhà văn nhà báo tên tuổi như Nguyễn Ngọc Thạo, Lê Thanh Phong v.v. Riêng tại cố đô Huế đã có trên 60 câu lạc bộ, địa điểm huấn luyện Karatedo hoạt động với số lượng hơn 3.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên; và từ năm 1995 đến nay, bộ môn Karatedo đem về cho thể thao Huế hơn 200 huy chương các loại.
Rất nhiều môn sinh của Suzucho Karatedo sau này có dịp định cư hoặc học tập ở nước ngoài đã mở được 6 phân đường chi nhánh lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Bỉ, Ý, Áo".
Nguồn : wikipedia
*******************
Sự hình thành Hệ phái Suzucho Karatedo ở Việt Nam
Anh Thư, Nghĩa Dũng Karate, 11/09/2017
Từ chiếc nôi là Đạo đường 8 Võ Tánh – Huế, Karatedo phát triển thành nhiều võ đường khác, và hình thành Hệ phái Suzucho Karatedo.
Suzucho, ghép tắt của hai từ Suzuki và Choji, là họ và tên của võ sư Suzuki Choji, người sáng lập Hệ phái Suzucho Karatedo, là Chưởng môn Hệ phái Suzucho Karatedo. Bởi tên thầy Chưởng môn gọi theo Hán tự có nghĩa là Linh Trường – thể hiện khát vọng lưu lại sự nghiệp dài lâu như tiếng chuông ngân xa, nên Suzucho Karatedo còn được gọi là Linh Trường Không thủ đạo.
Toàn bộ hệ thống triết học của Hệ phái Suzucho Karatedo được ngầm chứa trong 9 bài quyền đặc dị, gồm 6 bài Yen và 3 bài Maki.
Số 9 biểu hiện khát vọng không ngừng vươn tới sự hoàn thiện hoàn mỹ, cũng là biểu hiện sự vận hành của Dịch lý. Yen là đồng tiền, biểu tượng của sự giàu có, phong phú.
Quá trình tập luyện Karatedo là quá trình tự thăng hoa mình. Là quá trình un đúc cho mình một cái tâm tràn đầy như nước, một cái thần trong sáng như trăng, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển ; một cái đức nhân ái, công bằng và cao thượng ; một tri thức thấu đáo mọi lẽ ; một cốt cách ung dung, trầm tĩnh, đĩnh đạt. Đó là quá trình đạt đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ. Maki là cuộn, quyền, là quyền lực.
Quá trình tập luyện Karatedo còn là quá trình un đúc cho mình sức mạnh, bản lĩnh, quyền năng để vượt thắng những tác động của thiên nhiên : gió mưa, nóng lạnh, bệnh tật ; những cám dỗ của trần thế : sắc đẹp, tiền tài, danh vọng ; và nỗi sợ hãi trước lẽ thành bại, được mất, sống chết của kiếp người. Đó là quá trình đạt tới cõi tự tại, tự giác.
Võ sư Suzuki Choji, người sáng lập Hệ phái Suzucho Karatedo (Ảnh chụp tại Đà Nẵng)
Cơ cấu tổ chức của Hệ phái được ghi rõ trong Điều lệ, còn gọi là Môn qui: Chưởng môn là người lãnh đạo tinh thần. Một Ban Chấp Hành, đứng đầu là Trưởng tràng, thay mặt Chưởng môn điều hành Hệ phái. Dưới Ban Chấp Hành là các Phân đường lớn, và Phân đường chi nhánh các tỉnh, thành, ngành. Dưới Phân đường tỉnh, thành, ngành là các Võ đường hoặc Câu Lạc Bộ cơ sở. Hệ phái là một tổ chức truyền thống hoạt động trên nền tảng Võ đạo Karate, Luật pháp quốc gia, và theo định hướng của ngành Thể dục Thể thao.
Sau khi Chưởng môn Suzuki Choji qua đời năm 1995, con trai trưởng của thầy là Võ sư Suzuki Tokuo đăng quang Chưởng môn đời thứ II, năm 1996.
Võ sư Suzuki Tokuo đăng quang Chưởng môn đời thứ II
Trong Hệ phái, Trưởng tràng là chức danh mang tính truyền thống. Là người chịu trách nhiệm trực tiếp với Chưởng môn. Là người phụ trách điều hành mọi hoạt động của Hệ phái. Trước 1995 và sau 2006, Trưởng tràng do Chưởng môn chỉ định. Từ 1995 đến 2006, Trưởng tràng do Đại hội Hệ phái bầu, được Chưởng môn xét duyệt và ra Quyết định bổ nhiệm.
Qua gần 50 năm hình thành và phát triển, Hệ phái có tất cả 14 đời Trưởng tràng, theo thứ tự: Nguyễn Nhuận (1966), Khương Công Thêm (1967), Nguyễn Xuân Dũng (1968 – 1970), Hạ Quốc Huy (1970), Trần Đình Tùng (1971), Hoàng Như Bôn (1972), Nguyễn Bá Kiều (1973), Lê Văn Thạnh (1973 – 1986), Ngô Văn Thanh (1986 – 1987), Lê Văn Thạnh (1987 – 1989), Hoàng Như Bôn (1989 – 1990), Khương Công Thêm (1990 – 1994), Nguyễn Văn Dũng (1995 – 2006), Lê Văn Thạnh (2006 – nay).
Hệ phái Suzucho Karatedo hiện có hơn 40 Phân đường chi nhánh ở các tỉnh, thành, ngành trong nước, và 10 Phân đường chi nhánh ở nước ngoài, với khoảng hơn 30.000 môn sinh thường xuyên tập luyện. Nhiều người trong số đó là những huấn luyện viên, trọng tài lão luyện của làng Karatedo Việt Nam như : võ sư Đoàn Đình Long, Lê Công, Lê Văn Thạnh… Nhiều người trong số đó là những vận động viên xuất sắc như Phạm Hồng Hà, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông, Vũ Quốc Huy, Hà Thị Kiều Trang, Vũ Thị Kim Anh…
Cũng như cây đại thụ có nhiều cành, nhiều nhánh, Hệ phái Suzucho Karatedo phát triển rộng khắp, đã hình thành 3 Chi phái và nhiều Phân đường lớn.
Ba Chi phái :
1. Phái Minh Đạo (1966, tại Huế), của Võ sư Nguyễn Nhuận.
2. Phái Cương Nhu (1966, tại Huế) của Võ sư Ngô Đồng.
3. Phái Quyền Đạo Việt Nam (1982, tại Mỹ), của Võ sư Hạ Quốc Huy.
Và các Phân đường lớn, mỗi Phân đường đều có sắc thái riêng mang đậm nét tính cách, nhân cách, quan điểm, quan niệm, sở trường, sở đoản, nghề nghiệp, vị trí xã hội… của vị Trưởng Phân đường:
– Phân đường Bodankyumi, của Võ sư Lê Văn Thạnh (Huyền đai Đệ Bát đẳng).
– Phân đường Sakura, của Võ sư Ngô Văn Thanh (Huyền đai Đệ Thất đẳng).
– Phân đường Nghĩa Dũng, của Võ sư Nguyễn Văn Dũng (Huyền đai Đệ Thất đẳng).
– Phân đường Nhân Trí Dũng, của Võ sư Hoàng Như Bôn (Huyền đai Đệ Thất đẳng).
– Phân đường Fuji của Võ sư Nguyễn Tấn Kiệt (Huyền đai Đệ Thất đẳng).
– Phân đường Choju, của Võ sư Trương Đình Hùng (Huyền đai đệ Thất đẳng).
Sự hình thành nét riêng trong cái chung, bộ phận trong tổng thể, là qui luật tất yếu của quá trình phát triển – thể hiện tính phong phú và đa dạng của nghệ thuật Karate. Điều quan trọng là làm thế nào để cái chung không cản trở cái riêng, cái riêng không tách lìa cái chung; làm thế nào để cùng nhau phát triển trong mối giao tình huynh đệ đồng môn, và trên tinh thần Võ đạo Karate. Đó là vấn đề không chỉ của riêng Hệ phái Suzucho, mà còn là của làng Karatedo Việt Nam, và của cả nền Võ thuật nước nhà.
Anh Thư (tổng hợp)
Nguồn : Nghĩa Dũng Karate, 11/09/2017