Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

01/09/2020

Đi tìm cốt lõi của Đạo

Chu Văn

Theo dõi các sinh hoạt tôn giáo ở Mỹ, tôi thấy có một sự kiện khác thường : đứng đầu danh sách những diễn giả trong Đại hội của Đảng Cộng hòa là một chức sắc tôn giáo có uy thế tại Hoa Kỳ. Vị chức  sắc đó là Hồng y Timothy Dolan, Tổng giám mục công giáo giáo phận New York. Thông thường, trong các cuộc bầu cử, để tránh gây chia rẽ trong cộng đồng tín hữu, các chức sắc công giáo chỉ đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn để giúp người công giáo tự do định đoạt lá phiếu của mình, chớ không trực tiếp can dự vào. Nhưng trong cuộc bầu cử lần này, Hồng y Dolan đã công khai bày tỏ sự ủng hộ dành cho Đảng Cộng Hòa và cách riêng Tổng thống Donald Trump. Trên tòa giảng của nhà thờ chính tòa St Patrick  ở New York, vị hồng y được xem là nhà lãnh đạo công giáo có thế giá nhứt tại Hoa Kỳ đã không hết lời khen ngợi chính phủ của Tổng thống Trump (1).

dao1

Tổng giám mục công giáo giáo phận New York, Hồng y Timothy Dolan (giữa)chụp chung với hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016 : Donald Trump (trái) và Hillary Clinton (phải). Ảnh minh họa 

Giáo hội Công giáo tại Hoa Kỳ hiện có trên 70 triệu tín hữu, tức chiếm đến 22 phần trăm dân số. Đây là cộng đồng tôn giáo lớn nhứt tại Hoa Kỳ. Với thế giá của ông, chắc chắn tiếng nói của Hồng y Dolan có một trọng lượng đáng kể đối với các tín hữu công giáo Mỹ và như vậy có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử sắp tới. Một cuộc thăm dò do Đài truyền hình Công giáo Mỹ EWTN thực hiện hồi cuối năm ngoái cho thấy có 52 phần trăm người công giáo "thuần thành"  ủng hộ Tổng thống Trump, 53 phần trăm những người công giáo này cho biết họ sẽ  dứt khoát bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới. 12 phần trăm tuyên bố rất có thể sẽ dồn phiếu cho ông (2).

Sự ủng hộ dành cho Tổng thống Trump nơi cộng đồng công giáo Việt Nam ở Mỹ cũng như tại Úc Đại Lợi nơi tôi đang sống cũng rất cao. Phần lớn những người công giáo đồng đạo tại Úc mà tôi có dịp trao đổi với  đều ủng hộ Tổng thống Trump. Lập trường của người công giáo Việt Nam hải ngoại nói chung cũng được phản ảnh rất rõ ràng qua báo mạng "Thông tấn xã công giáo Vietcatholic".

Hai nguyên tắc thường được người công giáo Mỹ và người công giáo Việt Nam ở hải ngoại dựa vào để nói lên lập trường của mình là chống phá thai và chống hôn nhân đồng tính.

Về việc xem chống phá thai như nguyên tắc chỉ đạo duy nhứt trong việc ủng hộ một ứng cử viên hay một đảng phải, tôi có tìm hiểu lập trường của nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo là Đức giáo hoàng Phanxicô. Phản ứng trước cái chết thảm thương của một người Mỹ gốc Phi Châu là ông George Floyd dạo tháng Năm vừa qua, Đức Phanxicô đã nhắn nhủ người công giáo Mỹ  rằng không thể vừa chống phá thai vừa đồng lõa với kỳ thị chủng tộc. Ngài nói: "Chúng ta không thể  dung thứ hay nhắm mắt làm ngơ trước chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và loại trừ (người khác) dưới bất cứ hình thức nào và tuyên bố bảo vệ sự thánh thiêng của mọi mạng sống con người" (3).

Về hôn nhân đồng tính hay người đồng tính nói chung, tôi cũng tìm đến Đức Phanxicô như một điểm quy chiếu. Khi được hỏi Ngài nghĩ gì về người đồng tính, Đức Phanxicô đã nói một câu để đời : "Tôi là ai để phán xét họ?". Trong thông điệp đầu tay có tựa đề "Niềm vui của Tin Mừng", nhà lãnh đạo tinh thần của hơn một tỷ người công giáo viết rằng Ngài thà thấy một Giáo hội "bị dằn xóc, tổn thương và dơ bẩn vì hòa mình trên đường phố hơn là một Giáo hội bệnh hoạn vì đóng khung và bám chặt lấy sự an toàn của mình". Theo Ngài, một trong những triệu chứng của một Giáo hội đóng khung là Giáo hội ấy làm cho các tín hữu Kitô bám chặt lấy "các luật lệ biến chúng ta thành những quan tòa độc ác".

Giải thích câu nói "Tôi là ai để phản xét họ?", Ngài nhấn mạnh đến  đức tính nền tảng nhứt làm nên căn tính của một tín hữu Kitô: đó là lòng nhân ái. Ngài cho rằng thế giới đã quên hẳn ý nghĩa của lòng nhân ái và chính vì quá khắt khe trong việc lên án người khác cho nên con người không muốn bày tỏ lòng nhân ái với người khác. Theo Ngài, lòng nhân ái là chìa khóa để xây dựng một thế giới hòa bình hơn. Ngài nói : "Nếu tất cả chúng ta, mọi dân tộc, mọi gia đình, mọi nơi chốn đều có thái độ này (lòng nhân ái) thì thế giới sẽ hòa bình biết bao, tâm hồn chúng ta sẽ bình an biết bao, bởi vì lòng nhân ái mang lại cho chúng ta hòa bình. Xin hãy nhớ: Tôi là ai để phán xét họ ?" (4).

Ngoài chiến dịch chống phá thai và chống hôn nhân đồng tính, những lời "đe dọa" của Tổng thống Trump có lẽ cũng có sức tạo ra một chấn động mạnh trên suy nghĩ của người công giáo. Chẳng hạn như mới đây ông tuyên bố rằng nếu ứng cử viên dân chủ Joe Biden mà thắng cử vào tháng Mười Một tới đây, thì ông ta "sẽ tước súng ống của quý vị, dẹp bỏ Tu Chính Án Thứ Hai. Sẽ không còn tôn giáo, không còn bất cứ điều gì". Tổng thống Trump khẳng định rằng ông Joe Biden "làm tổn thương Kinh Thánh. Làm tổn thương Thiên Chúa" (5).

Tôi không biết ông Joe Biden "ngủ gật" như hỗn danh Tổng thống Trump đã tặng cho ông, có đủ năng lực để dẹp bỏ tôn giáo, làm tổn thương Kinh Thánh hay chống báng Thiên Chúa không. Ngay cả các chế độ cộng sản vô thần mà còn chưa làm được nữa là! Hãy về cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà xem: có thời nào nhà thờ nguy nga, hoành tráng mọc lên như nấm như ngày nay không? Có bao giờ các nhà thờ đông nghẹt người công giáo như ngày nay không ? Có bao giờ ở Việt Nam số linh mục và tu sĩ đông như ngày nay không ? Có nơi nào Kinh Thánh được in ra nhiều và rẻ như bèo như ở Việt nam như hiện nay không ?

Thật ra, đâu cần phải có một Joe Biden "ngủ gật" mới "làm tổn thương Kinh Thánh hay Thiên Chúa". Ngày nay, nếu Tổng thống Trump chịu khó mỗi ngày chúa nhựt đi dạo chơi đến các nhà thờ của Kitô Giáo trên toàn nước Mỹ, tại Âu Châu hay tại Úc Đại Lợi của tôi, ông sẽ thấy một thực tế rất phũ phàng: ngoại trừ một số nhà thờ dành cho các sắc dân như Việt nam, các nhà thờ ngày càng trống người!  Các con số thống kê cho thấy rằng tôn giáo lớn mới nhứt trên thế giới hiện nay là tôn giáo "không có tôn giáo" hay đúng hơn tôn giáo không thuộc một tôn giáo có tổ chức nào. "Không thuộc tôn giáo nào" là nhóm tôn giáo lớn thứ nhì tại Bắc Mỹ và Âu Châu. Riêng tại Hoa Kỳ, con số "tín đồ" của tôn giáo "không có tôn giáo" này chiếm đến gần một phần tư dân số và con số này ngày càng gia tăng nơi giới trẻ (6).

Tuy là người có niềm tin tôn giáo, tôi không cảm thấy bi quan khi theo dõi hiện tượng "tôn giáo không có tôn giáo này". Tôi không bi quan là bởi vì những người "không có tôn giáo" không đương nhiên là những thành phần "xấu" trong xã hội. Họ vẫn có một ý thức cao về đạo đức và lương thiện. Theo một cuộc nghiên cứu mới đây do Trung tâm Pew Research Center tại Hoa Kỳ thực hiện, chỉ có 44 phần trăm người Mỹ cho rằng cần phải tin vào Thiên Chúa để "sống lương thiện và có những giá trị tốt". Trái lại có đến 56 phần trăm những người được thăm dò ý kiến lại nghĩ rằng bạn có thể là người tốt và có những giá trị tốt ngay cả khi bạn là một người vô thần.

Đây là một thực tế có thể chứng minh được tại những nước bị "tục hóa" nhứt thế giới, tức có tỷ lệ những người không thuộc tôn giáo nào  cao nhứt thế giới như Thụy Điển, Nhựt Bản và Hòa Lan. Đây là những nước an toàn nhứt, hài hòa nhứt, nhân bản nhứt, với tỷ lệ sát nhân thấp nhứt, tội ác bạo động thấp nhứt, tử xuất của trẻ em thấp nhứt, con số tù nhân thấp nhứt... Trái lại, những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng, sát nhân, bất bình đẳng, đàn áp chính trị và bạo động cao nhứt như Colombia, El Salvador và Jamaica ở Nam Mỹ hay Phi Luật Tân ở Á Châu... là những nước có đông dân số có tôn giáo cao nhứt, cách riêng Kitô Giáo. Riêng tại Hoa Kỳ, các cuộc nghiên cứu cũng cho thấy những tiểu bang có tỷ lệ "tin Chúa" cao nhứt như Louisiana, Arkansas và Alabama... là những nơi có tỷ lệ tội ác bạo động và những "căn bệnh xã hội" khác cao hơn những tiểu bang "ít tôn giáo" hơn như Vermont, Massachusetts và Oregon.

Các con số thống kê cũng cho thấy sự giảm sút tôn giáo hay niềm tin nơi Thiên Chúa không đương nhiên dẫn đến sự xuống cấp về đạo đức. Hòa Lan là một điển hình. Tại nước này, tỷ lệ "không tôn giáo" ngày càng cao thì tỷ lệ sát nhân ngày càng giảm. Vào giữa Thế kỷ 15, cứ trong 100.000 dân thì có đến 47 vụ sát nhân. Đó là thời kỳ cực thịnh của tôn giáo tại thành phố này. Ngày nay, con số người có tôn giáo ngày càng  giảm, trong 100.000 dân thì chỉ có 2 vụ sát nhân.

Nhìn chung và tính trung bình, trong những xã hội ngày càng tục hóa, những người không có tôn giáo hay vô thần tỏ ra ít kỳ thị chủng tộc hơn những người "có đạo". Họ cũng sống lương thiện hơn và khoan nhượng hơn đối với những người bất đồng quan điểm với mình. Nói cho cùng, những người không có tôn giáo không đương nhiên là những người vô đạo. Họ cũng có thể và cảm thấy phải sống theo những đòi hỏi căn bản của đạo làm người là đồng cảm, cảm thông và thương người như thể thương thân (7).

Đặt vào giữa bức tranh của những xã hội không có tôn giáo nhưng lại có ý thức cao về đạo đức và lương thiện, câu nói để đời của Đức Phanxicô "tôi là ai để phán xét họ?" đưa tôi vào cái cốt lõi của đạo hay của bất cứ tôn giáo nào. Cốt lõi đó chính là lòng nhân ái.

Làm một người công giáo hay tín hữu Kitô như tôi không chỉ có nghĩa là cầm quyển  Kinh Thánh giương cao lên trước cửa nhà thờ để chụp hình hay oang oang tuyên bố chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính hay ngay cả vỗ ngực tự xưng mình là người bảo vệ tôn giáo rồi tha hồ dối trá, lừa đảo, gian manh,hận thù .. mà trước tiên và thiết yếu là phải thực thi lòng nhân ái. Thiếu lòng nhân ái, như Đức Phanxicô đã nói, tôi sẽ là một "quan tòa độc ác" đối với người đồng loại hay nói nhà tư tưởng đầu tiên của Kitô Giáo là thánh Phaolô, một thứ "thanh la não bạt phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng" (1 Cor 13,1).

Chu Văn

(01/09/2020)

Chú thích :

1. Is New York’s Cardinal Dolan out of order over Trump flattery     

2. EWTN News/RealClear Poll: Where US Catholics Stand

3. It’ not just about abortion: What "pro –life’ means for Catholics in the 2020 election 

4. One key to understanding Pope Francis? His approach to judgement 

5. Trump claims Biden is "against God" and will "hurt the Bible" 

6. The World"s Newest Major Religon: No Religion 

7. Atheism, Morality and Society

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chu Văn
Read 1001 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)