1. Facebook, tự do ngôn luận hay tùy tiện cấm đoán ?
Phạm Phú Khải, VOA, 09/09/2020
Facebook, một loại truyền thông xã hội và là một phương tiện lý tưởng để thể hiện tự do ý kiến và tự do bày tỏ, đang gặp một thử thách to lớn hiện nay.
Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, điều trần từ xa trước Ủy ban Tư pháp Quốc hội Hoa Kỳ, 29 tháng Bảy, 2020.
Thoạt đầu, mục đích của Facebook là để tạo ra một không gian chung để sinh viên Harvardnối kết nhau, như một phương tiện để sinh viên tìm đến hỗ trợ nhau trong cộng đồng cùng sở thích hoặc quan tâm [1]. 16 năm sau, Facebook trị giá hơn 600 tỷ đô la Mỹ, có hơn 2,5 tỷ người năng động dùng hàng tháng, và người chủ nhân sáng lập nó, Mark Zuckerberg, là một trong những doanh nhân giàu có nhất thế giới.
Ngày hôm nay, các nhóm xã hội kín hay mở, hay chỉ cho thành viên, còn gọi là các cộng đồng có ý nghĩa (meaningful communities), trên Facebook là vô số kể. Zuckerberg cho biết, vào tháng Tư năm 2019, Facebook đã có 400 triệu người đang là thành viên của cộng đồng ý nghĩa, và hơn 100 triệu là thành viên của cộng đồng rất có ý nghĩa [2].
Các cộng đồng (rất) ý nghĩa này trở thành một phần hoạt động bình thường của Facebook cho đến khi nó bị cấm đoán và thách thức trong những ngày qua.
Royalist Marketplace, một cộng đồng trên Facebook được giáo sư người Thái tênPavin Chachavalpongpun thành lập vào tháng Tư năm nay, có hơn 1 triệu thành viên. Royalist Marketplace, tạm dịch là Thương trường Bảo hoàng, là nơi mà các nhà hoạt động người Thái thảo luận với nhau về đề tài quân chủ. Trong hơn một tháng qua, kể từ ngày 18 tháng Bảy, giới trẻ Thái Lan đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình hầu như mỗi ngày trên toàn nước. Cao điểm là vào Chủ Nhật 16 tháng Tám thu hút hơn10 ngàn người tham gia [3]. Người biểu tình đưa ra ba yêu cầu : một, một hiến pháp mới ; hai, một chính quyền mới, bao gồm chính quyền hiện tại từ chức, tái bầu cử dựa trên hiến pháp mới để thành lập một quốc hội và chính quyền mới ; ba, chấm dứt sách nhiễu những người đối lập, bất đồng chính kiến.
Có ba điều đáng nói ở đây.
Một, từ trước đến nay, người Thái tránh đụng chạm đến nhà vua và hoàng tộc, nhưng đầu tháng Tám, các cuộc biểu tình đã yêu cầu cải tổ nền quân chủ của Thái. Mặc dầucuộc cách mạng năm 1932 lật đổ quân quyền thành công, Thái Lan không bỏ hẳn vai trò của vua Thái, mà chỉ thay nền quân chủ tuyệt đối thành quân chủ lập hiến (constitutional monarchy) [4]. Kể từ đó đến nay, Thái đã có 19 lần thay đổi hiến pháp, và 12 lần đảo chánh bởi quân đội [5]. Tuy trải qua tất cả các cuộc đảo chánh liên miên này, quyền lực của vua Thái phần lớn, vẫn gần như bất khả xâm phạm. Khi quân đội Thái thực hiện cuộc đảo chánh năm 2014, tướng Prayut Chan-o-cha, thuộc phái bảo hoàng, muốn được sự ủng hộ của vua Thái để được lòng dân chúng. Khi vua cha, Bhumibol Adulyadej, mất tháng 10 năm 2016, hoàng tử Maha Vajiralongkorn lên ngôi, nhưng không được lòng dân chúng lắm. Trong bộ luật hình sự hiện nay, điều 112 ghi rằng : "nói xấu, xúc phạm hoặc đe dọa nhà vua, hoàng hậu, người thừa kế hoặc nhiếp chính" sẽ bị phạt tù từ ba năm đến 15 năm [6]. Những điều luật này có t ên gọi chung là lese-majesty laws, nghĩa là luật phỉ báng người cai trị tại Thái Lan, là một trong những luật khắt khe nhất còn lại trên thế giới này. Biều tình đầu tháng 8 là lần đầu tiên người Thái công khai đặt lại vai trò của quân chủ trong nền quân chủ lập hiến.
Hai, những nhà hoạt động dân chủ Thái, đặc biệt là phong trào giới trẻ, nhận thấy rằng tự do ngôn luận và tự do bày tỏ ghi rõ trong hiến pháp là thật sự vô nghĩa nếu họ không được bày tỏ các ý kiến liên quan đến vận mệnh quốc gia. Điều đó có nghĩa đụng đến các thế lực cao nhất. Vua Thái không chỉ là biểu tượng mà còn nhúng tay quá nhiều vào chính trị, bao biện cho phía quân đội thay vì đứng về phía người dân. Nhà vua hiện nay trực tiếpđiều hành hai lực lượng quân đội quan yếu, không khác gì một Tổng Tư Lệnh, và quản lý số tài sản kếch sù [7]. Nhưng vua Thái vẫn đứng ngoài hiến pháp và pháp luật. Trong suốt thời kỳ Covid-19, từ tháng Ba đến nay, vua Thái phần lớn vẫn ở ngoài Thái Lan, chủ yếu sống ở Đức. Thế hệ Thái lớn lên với truyền thống bảo hoàng nên ít nhiều vẫn còn thờ phượng vai trò vương quyền. Nhưng người trẻ Thái Lan thì khác. Họ không chấp nhận một chế độ quân chủ lập hiến với quyền lực nhà vua không bị giới hạn hay kiểm soát. V à họ không chấp nhận một nền dân chủ nửa vời khi mà quyền tự do ý kiến và bày tỏ lại bị khống chế nếu bị xem là xúc phạm đến nhà vua. Ngay cả khi luật lese-majeste này bị hủy bỏ trong luật hình sự đi nữa, chế độ hiện nay vẫn cònnhiều biện pháp để trấn áp và bỏ tù người dân nếu họ muốn [8].
Ba, từ điều một và hai, các nhà hoạt động Thái nhận thấy rằng con đường duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đảo chánh và chuyên chế, bởi quân đội Thái hay sự bảo hộ của vua Thái trong 88 năm qua, là một hiến pháp mà trong đó tất cả mọi người phải bị ràng buộc bởi pháp luật. Pavin, hiện đang nghiên cứu và dạy học về chính trị và quan hệ quốc tế tại Nhật, cũng là người đang bị chính quyền Thái kết án và yêu cầu Nhật dẫn độ về nước, đã quyết định mở diễn đàn Royalist Marketplace này để giới trẻ hoạt động tại Thái cùng tham giathảo luận thẳng thắn với nhau về vai trò của quân chủ Thái [9]. Hơn một triệu người tham gia diễn đàn này, cho thấy sự nhiệt thành của giới trẻ Thái cho tiến trình dân chủ hóa. Nhưng vì lo âu ảnh hưởng của cộng đồng này, chính quyền Thái đã yêu cầu Facebook đóng cửa nó, qua trát tòa Thái vào tháng Sáu.
Đầu tháng Tám, sau cuộc biểu tình của giới trẻ Thái mà lần đầu tiên xúc phạm đến hoàng gia Thái vào ngày 3 tháng Tám, chính phủ Thái hăm dọa sẽthách thức pháp lý với Facebook nếu không giới hạn các hoạt động phi pháp đụng đến hoàng gia Thái [10]. Ngày 10 tháng Tám, chính phủ Thái cho Facebook 15 ngày để thi hành lệnh tòa, nếu không sẽ bị phạt [11]. Facebook ra thông cáo rằng "Những yêu cầu như thế này là tệ hại, trái với luật nhân quyền quốc tế và có tác động sâu sắc đến khả năng bày tỏ của mọi người". Facebook cho biết dự trù sẽ thách thức tính pháp lý của chính quyền Thái về điều này. Nó có xảy ra hay không thì chưa rõ, nhưng vào ngày 24 tháng Tám, dưới áp lực gia tăng của chính phủ Thái, Facebook đã quyết định giới hạn những người sống bên trong Thái Lan vào cộng đồng Royalist Marketplace này. Liền sau đó, Pavin đã quyết định mở một trang khác cùng ngày, với tên "Royalist Marketplace – Talad Luang" ; Talad Luang, tiếng Thái, có nghĩa chợ hoàng gia hoặc công chúng. 5 tiếng sau, có 375.000 người đăng ký tham dự. Ngày hôm sau đã có hơn n ửa triệu người.
Làm sao có thể ngăn chặn được ý chí mạnh mẽ của những người trẻ mong muốn thay đổi như thế này !
Facebook muốn chứng tỏ mình là tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận lớn nhất tại Hoa Kỳ, trong khi đối với các thể chế chuyên quyền ngoài nước, Facebook lại tỏ ra kính nhường, khép nép [12]. Để trở thành sân chơi chung (platform) trên bình diện toàn cầu, Facebook phải có một chính sách và chủ trương kiên định, nhất quán. Facebook không thể đề cao tự do ngôn luận và tự do bày tỏ tại một nơi trong khi nhường nhịn hay cấm cản tại nơi khác. "Một sân chơi hai luật lệ" không phải là giải pháp bền vững cho Facebook. Tự do ngôn luận không thể có tiêu chuẩn đôi.
Giải pháp của Facebook ra sao thì chưa rõ, nhưng mọi con mắt đang xoáy vào hành động của Facebook trong thời gian tới. Facebook đã từng nhượng bộ chính quyền tại Việt Nam để gia tăng kiểm duyệt các bài vở chống đối chế độ, hay ngăn chặn nội dung chống lại chính quyền tại Singapore khi họ sử dụng luật về tin giả. Nhưng có lẽ trường hợp Thái Lan là một trong các thử thách lớn nhất mà Facebook đang phải đối diện.
Phạm Phú Khải
(09/09/2020)
Tài liệu tham khảo :
1. Christopher McFadden, "A Brief History of Facebook, Its Major Milestones ", Interesting Engineering, 7 July 2020.
2. Salvador Rodriguez, "Mark Zuckerberg shifted Facebook’s focus to groups after the 2016 election, and it’s changed how people use the site ", CNBC, 16 February 2020.
3. East Asia Pacific, "Thousands Call for Radical Changes to Thailand Government ", VOA News, 16 August 2020.
4. James Buchanan, "Thailand’s Crisis and the 1932 Revolution ", The Diplomat, 16 July 2014.
5. Jonathan Head, "Thailand's constitution : New era, new uncertainties ", BBC News, 7 April 2017.
6. "Lese-majeste explained : How Thailand forbids insult of its royalty", BBC News, 6 October 2017 ; Atiya Achakulwisut, "Thailand needs to talk about lese majeste law ", Bangkok Post, 23 June 2020.
7. Panu Wongcha-um, "Thailand's king takes personal control of two key army units ", Reuters, 2 October 2019.
8. David Hutt, "Suspending Lèse Majesté Could Actually Strengthen Thailand’s Monarchy ", The Diplomat, 25 June 2020.
9. "Royalist Marketplace returns ", Prachatai, 25 August 2020.
10. Patpicha Tanakasempipat, "Thai minister threatens Facebook with legal action over restriction requests ", Reuters, 3 August 2020.
11. Rebecca Ratcliffe and agencies, "Facebook blocks access to group criticising Thailand's monarchy ", The Guardian, 25 August 2020.
12. Tyler Sonnemaker, "Facebook reportedly plans to sue Thailand's government over its demand that the company block users within the country from accessing a group critical of its king ", Business Insider Australia, 25 August 2020.
********************
2. Facebook : Nơi thể hiện tính cách ?
Phạm Phú Khải, VOA, 10/09/2020
Facebook, như trình bày trong bài trước, được thiết kế ngay từ đầu như một phương tiện để nối kết với những người khác, vì cùng sở thích, quan tâm hay chủ trương nào đó.
Logo Facebook.
Về sau, nó dần dần được sử dụng như một loại truyền thông xã hội (social media), không phải để thay thế truyền thông truyền thống, mà là bổ túc thêm một sân chơi, một phương tiện, để mọi người đều có thể bày tỏ ý kiến và ngôn luận của mình.
Nếu biết sử dụng, Facebook chắc chắn là một dụng cụ hữu hiệu để người dùng có thể đạt được mục tiêu của mình. Với tính cách cá nhân, hay cho mục tiêu lớn hơn.
Tất nhiên không có một phương tiện hay dụng cụ nào là tối hảo cả. Con dao bén thì cắt nhanh nhưng dễ đứt tay ; nên mỗi gia đình đều có nhiều loại dao cho mục tiêu khác nhau. Trong trường hợp Facebook, khi đăng bài, người dùng có năm lựa chọn cách đăng : công cộng cho mọi người thấy ; hay chỉ với tất cả bạn đang có của mình ; hay với tất cả bạn ngoại trừ một vài người nào đó ; hay chỉ với bạn chọn lọc ; hay chỉ với chính mình. Nói chung người dùng có khá nhiều quyền quyết định về trang, hay có thể gọi là ngôi nhà của mình, nếu biết điều chỉnh các sắp đặt (setting) về an toàn, riêng tư, thời gian v.v...
Là phương tiện miễn phí, nó dễ trở thành lạm dụng, giống như nhiều thứ khác.
Chỉ cần đọc qua các bài viết của một người hay các chia sẻ từ người khác, trên trang Facebook của một người nào đó, thì chúng ta cũng có thể thấy được phần nào, tất nhiên không phải tất cả, về một vài nét của người đó. Chẳng hạn về quan điểm chính trị, tôn giáo hay xã hội. Người này thuộc cấp tiến hay bảo thủ, Cộng hòa hay Dân chủ, ôn hòa hay cực đoan, tư duy phát triển hay cố định, tôn thờ lãnh tụ hay độc lập, dân chủ hay độc tài, thiên cộng hay chống cộng v.v… Chúng ta đều dễ dàng nhận ra nhiều mặt này trên trang Facebook của một người.
Tất nhiên, vẫn có những người không nằm trong các khuynh hướng nói trên, vì họ luôn có con đường riêng của họ. Có khi họ là thiểu số thầm lặng đáng kể đang quan sát.
Nếu đã xem trang Facebook là ngôi nhà của mình, là nơi thể hiện không chỉ bề ngoài mà còn là bên trong, thể hiện tư duy và tính cách của mình, thì không ai khác, ngoài chúng ta chịu trách nhiệm với tất cả những gì đăng ở đây. Người sở hữu cần ý thức làm cho nó sạch sẽ, đẹp đẽ. Người sở hữu nên đem những hoa thơm, quả đẹp về chưng trong ngôi nhà mình để bạn bè đến chiêm ngưỡng. Đem những lời hay ý đẹp và những câu chuyện tích cực truyền cảm hứng để động viên nhau.
Làm gì thì làm, người sở hữu trang Facebook không nên đem rác ra phơi đầy trên trang mình, hay đem rác người khác về rải đầy trên đó.
Thế nhưng, vì vô tình hay cố ý, rất nhiều người đã đem rác về rải đầy trên trang nhà của mình mà lại nghĩ đó là hoa thơm của lạ. Thế mới khổ !
Có người không chỉ xả rác đầy trên trang Facebook của mình. Họ còn có thói quen chửi. Chửi đổng lên. Tuyên vận kiểu này thật là phản tác dụng !
Có những thứ rác rưởi vô hại. Tuy thiếu thẩm mỹ nhưng không hại ai cả. Nhưng cũng có những thứ rác có hại, ít hoặc nhiều. Không chỉ cho mình mà còn cho bao người khác. Hai thứ rác tiêu biểu này là những thông tin mang tính lường gạt (misinformation, ít hại), và thông tin gây hại (disinformation, nhiều hại).
Không thiếu những người thấy bài vở nào hợp quan điểm của mình là thích và chia sẻ (share, truyền nhau) với những người khác, mà không cần biết là những thông tin trong đó có trung thực hay không. Họ muốn đi tìm sự đồng thuận và đồng minh hơn là sự thật. Vô tình thì tất cả những người này đều dễ bị các tin giả, gồm disinformation và misinformation, quyến rũ. Rồi họ tình cờ làm loa tuyên truyền cho những xu hướng độc đoán và tính toán.
Thông tin là nền tảng của sự hiểu biết, của tri thức. Khi nào chúng ta có đầy đủ dữ kiện trung thực thì lúc đó mới giúp cho chúng ta có cái nhìn xác thực, gần với sự thật hơn. Nền dân chủ có khỏe mạnh hay không là chủ yếu tùy thuộc vào trình độ của công dân, không chỉ về lĩnh vực chuyên môn mà còn về các vấn đề xã hội, nhất là các vấn đề chính trị. Người dân không thể nào bầu chọn những người xứng đáng đại diện cho mình vào các cơ quan lập pháp hay hành pháp nếu họ không có những thông tin đa chiều trung thực và đúng đắn ; hoặc nếu họ bị các thông tin nhiễu loạn tràn ngập làm cho họ thêm bối rối, không biết hư thực ra sao.
Thống kê vào tháng 3 năm 2018 cho biết,52% người dân Mỹ xác định họ thường xuyên thấy tin giả trên các trang mạng, bao gồm Facebook và Twitter, và 34% nói họ thỉnh thoảng thấy tin giả [1]. 29% cho rằngcác trang mạng xã hội phải chịu trách nhiệm phần chính để người dùng không bị phơi trần với tin giả ; và 14% xác nhận họ cố tình quảng bá các thông tin chính trị giả trên mạng xã hội [2].
Cuộc nghiên cứu của cơ quan Brookings, đặc biệt về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 cho biết, những thông tin giả được lan truyền rộng rãi nhất vào lúc đó là : "Đức Giáo hoàng Francis tán thành Donald Trump, Hillary Clinton bán vũ khí cho ISIS, Hillary Clinton bị truất quyền giữ chức vụ liên bang, và giám đốc FBI nhận hàng triệu đô la Mỹ từ Quỹ Clinton". [3] Kết qiả phân tích các mạng xã hội cho thấy 20 câu chuyện giả mạo lớn nhất đã tạo ra 8.7 triệu lượt chia sẻ, phản ứng và bình luận, so với chỉ có 7.4 triệu được tạo ra bởi 20 câu chuyện hàng đầu từ 19 trang hãng tin lớn. Nghiên cứu này biện luận rằng "Khi các hoạt động [tin tức giả mạo] chuyển từ tình trạng rời rạc và lộn xộn sang các nỗ lực có tổ chức và có hệ thống, chúng trở thành các chiến dịch thông tin sai lệch với khả năng làm gián đoạn các chiến dịch và cung cách quản trị trên toàn bộ quốc gia".
Cũng nên nhớ rằng, ngày nay tin giả được các máy móc (bots) tạo ra một cách tinh vi và tràn ngập đến độ, hiếm có mấy ai không bị ảnh hưởng [4].
Một nghiên cứu sâu về Facebook của nhiều chuyên gia vào tháng 10 năm 2016 cho biết, mặc dầu có nhiều nguồn thông tin khác nhau trên Facebook, thực tế là có sự phân biệt lớn và phân cực ngày càng gia tăng trong việc tiêu thụ tin tức trực tuyến ; còn người dùng Facebook chủ yếu đến một vài nguồn quen thuộc [5].
Trong bài nghiên cứu sâu sắc của tổ chứcPew Research Centre, "Tương lai của Sự thật và Tin giả Trực tuyến" (The Future of Truth and Misinformation Online), đặt câu hỏi với 1.116 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như sau : "Trong 10 năm tới, liệu các phương pháp đáng tin cậy xuất hiện để ngăn chặn các thông tin sai lệch và cho phép thông tin chính xác nhất chiếm ưu thế trong hệ sinh thái thông tin tổng thể không ? Hay chất lượng và tính trung thực của thông tin trực tuyến sẽ giảm sút do sự lan truyền của những ý tưởng không đáng tin cậy, đôi khi thậm chí nguy hiểm, gây mất ổn định xã hội ?" [6].
51% trả lời rằng họ không tin môi trường thông tin sẽ cải tiến, trong khi 49% tin sẽ cải tiến.
Đi sâu vào phần trả lời của các chuyên gia này thì có lắm điều lý thú. Chẳng hạn, Christian H. Huitema, cựu chủ tịch của Internet Architecture Board biện luận rằng "Chất lượng thông tin sẽ không được cải thiện trong những năm tới vì công nghệ không thể cải thiện bản chất con người bao nhiêu". Còn giáo sư về công nghệ thông tin, Starr Roxanne Hiltz, thì cho rằng "Những người trên các hệ thống như Facebook đang ngày càng hình thành các 'buồng phản xạ' của những người có suy nghĩ giống nhau. Họ sẽ tiếp tục hủy kết bạn với những người không giống họ, đồng thời truyền đi những tin đồn và tin tức giả mạo đồng ý với quan điểm của họ".
Các chuyên gia khác cũng bi quan không kém. Họ nhận định rằng, thật quá dễ dàng để tạo ra dữ kiện giả, nhưng lại quá tốn công sức để kiểm tra và quá dễ để đánh lừa các thuật toán kiểm tra. Tuy các công nghệ được phát triển sẽ giúp xác định thông tin sai lệch và bị bóp méo, nhưng chúng sẽ không đủ tốt để giải quyết vấn đề quá lớn lao.
Còn David Conrad, một trưởng viên kỹ thuật, biện luận rằng "Trong cuộc chạy đua vũ trang giữa những kẻ muốn làm ra thông tin giả và những kẻ muốn đưa ra thông tin chính xác, kẻ đi trước sẽ luôn có lợi thế hơn".
Jason Hong, giáo sư trường khoa học điện toán, biện luận rằng, có rất nhiều người, nhiều chính trị gia, nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ, tuy giàu có nhưng lại thiếu đạo đức, và có nhiều động cơ để đưa thông tin giả mạo ra ngoài để phục vụ cho mục đích ích kỷ của chính họ.
10 năm nữa sẽ ra sao thì chưa rõ, nhưng hiện giờ, các nền dân chủ hàng đầu thế giới đang gặp phải thử thách lớn lao có nguy cơ lung lay nền tảng quốc gia. Thông tin giả là một hiện thực trong các chế độ độc tài và (hậu) cộng sản, cho nên, những gì xảy ra chỉ gia tăng thêm những gì họ đã tin hay củng cố thêm những bối rối mà phần lớn các công dân đã có sẵn vì bị tuyên truyền và bưng bít cả đời họ ở đó. Còn đối với các quốc gia dân chủ thì mọi phương tiện và kỹ thuật tân tiến chỉ đóng vai trò trợ giúp, chứ không thể thay thế gì, sự nhận thức và tri thức của công dân. Các kỹ năng tư duy phản biện phải được đào tạo ngay từ nhỏ để biết phân biệt và gạn lọc những gì thật hay giả, những gì đáng tin hay cần kiểm chứng v.v…
Mạng xã hội (MXH) như Facebook, Twitter, Youtube, Whatsapp, Telegram v.v… đều có những công dụng của nó. Chỉ có điều, vì là miễn phí và các điều kiện đăng ký thật dễ dàng, người ta không lưỡng lự trong việc lạm dụng nó.
Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, cũng như các thể chế độc tài khác không cần đánh thắng Mỹ hay các nền dân chủ khác. Mục đích của họ là làm cho các nền dân chủ cũng trở nên tiêu cực xấu xa như mình là đủ. Họ chỉ cần làm cho nội bộ các nước này nghi kỵ lẫn nhau, không tin nhau và không tin giới chuyên gia, rồi gây gỗ nhau. Khi không còn sự tin tưởng và kính trọng lẫn nhau thì các giá trị còn lại trong xã hội sẽ dần dần sụp đổ. Một loại "bất chiến tự nhiên thành" thời nay.
Người biết yêu chuộng công bằng lẽ phải nhân quyền dân chủ cũng cần ý thức thật rõ các thử thách lớn lao mà toàn nhân loại đang gặp phải. Nếu không khéo, chúng ta rơi vào cái bẫy "bôi tro trét phấn" lẫn nhau, và người ta đứng ngoài cười cho sự ngây ngô và thiển cận của mình.
Đã yêu chuộng công lý sự thật thì không thể làm cái loa tuyên truyền vô hình cho các tin giả.
Cuộc chiến vì công lý và sự thật bắt đầu từ mỗi chúng ta. Đừng đem rác vào nhà mình và làm loa tuyên truyền cho phần tử xấu, trên Facebook hay bất cứ nơi nào. Khi có đủ người làm việc này thì sẽ tạo ra một sự thay đổi tích cực và lạc quan cho nhau, cho cộng đồng đất nước và cho nhân loại nói chung.
Phạm Phú Khải
Úc châu, 10/09/2020
Tài liệu tham khảo :
1. Amy Watson, "Perceived frequency of online news websites reporting fake news stories in the United States as of March 2018 ", Statista, 23 October 2019 ; Accessed on 30 August 2020.
2. Amy Watson, "Fake News - Statistics & Facts ", Statista, 5 May 2020 ; Accessed on 30 August 2020.
3. Darrell M. West, "How to combat fake news and disinformation ", Brookings, 18 December 2017.
4. "What are 'bots' and how can they spread fake news ? ", BBC Bitesize ; Accessed on 30 August 2020.
5. Ana Lucı ́a Schmidta, Fabiana Zolloa, Michela Del Vicarioa, Alessandro Bessib, Antonio Scalaa,c, Guido Caldarellia, H. Eugene Stanleyd, and Walter Quattrociocchia, "Anatomy of news consumption on Facebook ", Edited by Susan T. Fiske, Princeton University, Princeton, NJ, and approved January 31, 2017 (received for review October 14, 2016).
6. Janna Anderson and Lee Rainie, "The Future of Truth and Misinformation Online ", Pew research Centre, Internet and Technology, 19 October 2017.