Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

10/02/2021

Tôi ăn Tết

Chu Văn

Từ ngày bỏ nước ra đi, do không được sống gần các cộng đồng người Việt hải ngoại, tôi ít có dịp "mừng" những ngày Tết truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, mỗi dịp đầu năm Âm lịch, tôi cũng "ăn Tết" theo cách thế riêng của tôi.

antet01

Ngôn ngữ Việt Nam thật độc đáo : chúng ta không "cử hành" hay "mừng" ngày đầu năm, mà lại nói "ăn tết".

Ai cũng có quyền tự hào về ngôn ngữ của dân tộc mình. Mỗi ngôn ngữ đều có cái "hồn" và nét độc đáo riêng mà không một ngôn ngữ nào có thể thay thế được.

Một trong những nét độc đáo của tiếng Việt hẳn phải là "âm điệu" của nó. Với tai người ngoại quốc, thì người Việt Nam nói nghe như "hát". Lần đầu tiên ra chợ, nghe hai bà bán cá cãi nhau, người ngoại quốc tưởng họ đang hát là chuyện có thật ! Ngay cả khóc lóc ở nghĩa trang mà cũng còn có vần có điệu nữa là !

Một tác giả (không rõ là ngoại quốc hay Việt Nam) ký tên là Rene Pazzi đã viết một cuốn sách có tựa đề "Người Việt đáng yêu", trong đó ông nói đến tinh thần uyển chuyển và tế nhị của ngôn ngữ Việt như sau : "Ngôn ngữ Việt Nam là ngôn ngữ duy nhất trên thế giới có nhiều giọng điệu cung bậc…

Phải nghe người dân mỗi miền, người Bắc, người Trung, hay người Nam hát những bài dân ca quen thuộc với tiếng nói thuần túy và giọng thuần túy của họ, chúng ta mới thấy ý vị của giọng nói ấy đậm đà chừng nào.

Sự phong phú trong âm thanh lại được thay đổi qua nhiều miền đất của quê hương họ…

Album Dân ca ba miền - Tuyển chọn những ca khúc trữ Tình quê hương mới hay nhất 2016 – Courtesy of Nhạc Vàng Trữ Tình

Nếu phải tô mầu các giọng nói ấy, người ta có thể vẽ một bản đồ Việt Nam thật đẹp. Có miền mầu xanh, có miền mầu hồng, có miền mầu trắng, có miền mầu vàng, đấy là chưa nói mức độ đậm lợt khác nhau…" (1).

Sau năm 75, nhiều người đã có lý để nói rằng tiếng Việt đã bị "hãm hiếp" vì bị o ép đến độ mất đi âm điệu của nó. Trước kia, người Việt đâu có nói cộc lốc như "ăn tốt", "làm tốt", "học tốt"… mà luôn đệm vào đàng sau chữ "tốt" cái âm thanh "lành" "đẹp" cho nó êm tai. Trước kia, người ta cũng chả nói "học sinh trai", "học sinh gái", "bộ đội gái"… "Nam sinh, nữ sinh, nữ quân nhân" nghe nó chẳng êm tai và tôn trọng hơn sao ?

Về những từ hay âm điệu được ghép vào chữ "ăn", thì quả thật chẳng có ngôn ngữ nào phong phú cho bằng tiếng Việt. Giở bất cứ quyển tự điển tiếng Việt nào, tôi cũng đếm được gần 60 từ kép có chữ ăn : từ "ăn chay, ăn chận, ăn chẹt, ăn chơi, ăn gian, ăn hại" đến "ăn mặc, ăn nằm, ăn sương, ăn nắng…".

Người Việt Nam quả có óc sáng tạo trong ngôn ngữ. Ngày nay ở Việt Nam, ở đâu cũng thấy có hai chữ "văn hóa", từ khu phố văn hóa, làng văn hóa, nhà văn hóa đến văn hóa ứng xử, văn hóa ăn uống, văn hóa chửi… Ngay cả như chữ "ôm" cũng được cho "ôm" vào bất cứ những gì có thể "ôm" được. Trước năm 75, người Việt Nam chỉ nghe nói đến "xe ôm" hay cùng lắm là "bia ôm", nay lại có cả "thịt chó ôm", "hớt tóc ôm", "ngủ trưa ôm"…đủ thứ "ôm".

Nhưng đó là những "sáng tạo" mới trong ngôn ngữ Việt Nam. Riêng động từ "ăn" thì ngay từ ngàn xưa, ông bà tổ tiên chúng ta đã biết chế biến để nó có thể đi với bất cứ từ nào.

Trong bài viết có tựa đề "Miếng ăn trong văn hóa Việt Nam" (2), nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc nói rằng "hình như" "dân tộc Việt Nam chỉ có một ám ảnh lớn : Ăn". Theo tác giả, bảo rằng văn hóa Việt Nam quá coi trọng miếng ăn thì có vẻ hơi kỳ nhưng không chừng đó lại là sự thật. Và tác giả đưa ra một số bằng chứng cho luận đề của ông như : muốn truyền ngôi cho con, vua Hùng đã cho tổ chức thi nấu ăn để xem người nào làm được món ăn ngon nhứt ; ông Thánh Gióng nhờ ăn mà lớn như thổi để, từ một đứa bé, biến thành một trang thanh niên khôi ngô, dũng cảm ; trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cúng, tức dọn món ăn cho người chết, là chuyện rất phổ biến ; ông thần được chú ý tới nhiều nhứt là Vua Bếp, tức ông Táo…

Người Việt Nam quả "coi trọng" miếng ăn.

Hình ảnh tôi vẫn giữ mãi trong ký ức của tuổi thơ đó là cảnh hàng hàng lớp lớp những bà mẹ quê ngay từ sáng sớm đã gánh gồng đi qua hằng bao nhiêu cây số đến chợ, trao đổi, mua bán để rồi mãi đến gần trưa mới trở về nhà lo miếng cơm cho chồng con. Suốt một ngày sinh hoạt, người mẹ quê chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Miếng ăn quả đã chiếm hầu hết thời giờ của người dân quê. Người dân quê làm để có cái ăn và ăn để có đủ sức làm. Lẩn quẩn trong cái vòng "làm ăn" ấy cho nên có bảo rằng người Việt Nam "xem trọng" cái ăn cũng chẳng phải là "cường điệu" chút nào.

antet02

Hàng hàng lớp lớp những bà mẹ quê ngay từ sáng sớm đã gánh gồng đi qua hằng bao nhiêu cây số đến chợ, trao đổi, mua bán để rồi mãi đến gần trưa mới trở về nhà lo miếng cơm cho chồng con.

Tuy nhiên, lo toan cho cái ăn, xem trọng cái ăn, nhưng người Việt Nam vẫn luôn đề cao cảnh giác bởi vì "miếng ăn là miếng tồi tàn". Xung quanh bàn ăn, ông bà tổ tiên chúng ta đã phát huy được một thứ minh triết thật sâu sắc : chính xuyên qua cái ăn mà con người thể hiện tư cách làm người của mình. Cái ăn, như tác giả Nguyễn Hưng Quốc ghi nhận, chỉ "cách xử thế". Chính vì thế mà chúng ta mới nói đến chuyện "ăn trên ngồi trốc, ăn cháo đá bát, ăn xổi ở thì hay cố đấm ăn xôi". Vì tư cách con người và cách đối nhân xử thế được thể hiện qua cái ăn và cách ăn, mà ông bà tổ tiên chúng ta mới coi "học ăn" là bài học vỡ lòng quan trọng nhứt trong các thứ học : học ăn rồi mới tới học nói, học gói, học mở… Lớn lên thì cũng phải giữ ý tứ để biết "ăn coi nồi ngồi coi hướng".

Vì cái ăn thể hiện tư cách con người cho nên đối với ông bà tổ tiên chúng ta, bàn ăn, chỗ ăn, lúc ăn đều được xem là "thánh thiêng". Trời đánh mà cũng phải tránh bữa ăn thì đủ biết cái ăn của người Việt Nam đáng trân trọng như thế nào. Ngồi xếp bằng trên bộ ván gỗ, trên chõng tre, quanh bàn ăn hay ngồi chồm hổm dưới đất, người Việt Nam qui tụ trong bữa ăn là để "chia sẻ" cho nhau. Một nhà thừa sai ngoại quốc nọ nói rằng hình ảnh đẹp nhứt trong bữa ăn của người Việt Nam chính là cái cảnh mọi người cùng chấm chung một chén nước mắm, cùng xẻ chung một con cá trong một dĩa, cùng chan chung một bát canh… Ăn thiết yếu là "ăn cùng", "ăn với" người khác cho nên ăn cũng là chia sẻ. Như một phép lạ, thức ăn của người Việt Nam xem ra chẳng bao giờ thiếu : một người khách lỡ độ đường ghé tạt vào nhà nhằm đúng bữa ăn ư ? Chỉ cần dọn thêm một cái chén, một đôi đũa là giải quyết được vấn đề !

Ăn không chỉ là chia sẻ thức ăn, mà là chia sẻ niềm vui với nhau. Cơm không lành canh không ngọt là điều chẳng ai muốn. Người Việt Nam thích vui vì được chia sẻ. Đi ruộng bắt được một con cá lóc, một con ếch, một con rắn hay một con chuột cũng đủ để làm một món nhậu và mời ông bạn láng giềng sang chung vui sau một ngày làm lụng vất vả. Kẹt lắm, một trái khế hay trái xoài xanh cũng đủ để lai rai vài xị.

Quả thật, người Việt Nam thích sống vui. Cố linh mục Gildo Dominici, người Ý có tên Việt Nam là "Đỗ Minh Trí", đã từng làm việc tại Việt Nam trước 75 và sau đó phục vụ trong các trại tỵ nạn Galang, Nam Dương và Bataan, Phi luật tân. Trong tác phẩm có tựa đề "Việt Nam quê hương tôi", vị linh mục này đã viết về Ngày Tết của người Việt Nam như sau : "Ngày Tết, không một người nào có vẻ nghèo cả ! Mọi người đều có một chút gì để mà "ăn Tết". Người ta chấp nhận mang công mắc nợ để rồi sau đó sẽ vất vả làm lụng để trả nợ, nhưng vào Ngày Tết người ta cần phải tận hưởng. Mọi người đều có quyền ăn Tết", mọi người đều cảm thấy có bổn phận vui hưởng Tết.

Bị vây hãm bởi chiến tranh, nghèo nàn và đau khổ, người ta mong chờ ngày Tết để được sống thật sự vài ngày ! Tết chính là cái khoảng thời gian kỳ diệu, chính là một thời kỳ mà tất cả mọi người có thể thưởng thức được một chút gì hấp dẫn của kiếp sống con người".

Nêu lên câu hỏi : "Vậy, sự quyến rũ của Ngày Tết bắt nguồn từ đâu ?". Linh mục Dominici trả lời : "Câu trả lời rất dễ dàng. Vẻ duyên dáng quyến rũ của ngày Tết đã do chính người ta tạo ra ! Ngày Tết rất dễ thương chính là vì người Việt Nam rất dễ thương... Người Việt Nam đã tạo ra một ngày lễ để diễn tả hình ảnh của chính con người họ. Không một điều gì khác hơn có thể diễn đạt được tinh thần của người Việt Nam bằng ngày Tết cả !

Tất cả những người ngoại quốc đã từng sống ở Việt Nam đều nhận thấy nơi con người Việt Nam có một cái gì lôi cuốn họ : tốt bụng, lịch thiệp, nhã nhặn, lễ phép, dễ thương !" (sđd).

Đọc những dòng trên đây, tôi cảm thấy hãnh diện, ấm lòng và nhứt là "vui như ba ngày Tết". Thật vậy, chẳng có lúc nào vui cho bằng "ba ngày Tết", nhứt là đối với trẻ con. Trong những kỷ niệm của tuổi thơ, tôi vẫn nhớ mãi những ngày Tết trước khi diễn ra cuộc đảo chánh sát hại cố tổng thống Ngô Đình Diệm. Trước thập niên 60 và ngay cả những năm đầu của thập niên này, khi các hàng rào ấp chiến lược chưa bị phá vỡ, các làng quê đã thực sự hưởng cảnh thái bình : đêm đến không có giới nghiêm, người dân có thể vui chơi cả đêm. Người dân quê vẫn còn lấy cả tháng Giêng để "ăn chơi". Cả tháng, cứ đêm đến, trẻ con chúng tôi đạp xe đạp đi từ làng này sang thôn khác để xem hát bài chòi. Có cả một tháng vui chơi như thế là để nhắc nhở con người Việt Nam lam lũ quanh năm vì cái ăn rằng "con người được tạo dựng để thụ hưởng niềm vui và hạnh phúc, chứ không phải để đau khổ và bất hạnh. Cuộc sống của một dân tộc sẽ trở nên phong phú và nhân bản hơn nếu cái dáng dấp bi thảm của khổ đau được quân bình với hân hoan và hạnh phúc" (sđd).

Quân bình giữa công việc và giải trí : đó là nét nổi bật trong cuộc sống của người Việt Nam, mà Tết là một biểu trưng. Chính nhờ thế quân bình giữa cuộc sống vất vả và việc vui hưởng cuộc sống mà người Việt Nam xem ra có được một giây thần kinh rất vững chắc. Bất cứ người ngoại quốc nào phục vụ trong các trại tỵ nạn Việt Nam tại các nước Đông Nam Á từ cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 90 cũng đều kinh ngạc về số lượng rất thấp những người bị rối loạn tâm trí giữa một số lượng đông đảo người tỵ nạn đang sống trong một tình cảnh bi đát.

antet03

Năm nay tôi cũng "ăn Tết" theo cách thế của tôi : tôi sẽ cố gắng tận hưởng từng khoảnh khắc hiện tại như một ân lộc Trời ban

Năm nay, cũng như rất nhiều năm trong cuộc sống ly hương, tôi không biết thế nào là bánh chưng, bánh tét, hay kẹo mứt. Trong nhà tôi cũng không có mâm quả "cầu dừa đủ xài". Tôi cũng chưa bao giờ một lần thưởng thức món "thịt mỡ dưa hành câu đối Tết". Còn cảnh "ngoài hiên đêm trước một cành mai" thì chắc phải đến Tết Congo hay Maroc tôi mới có được ở nơi đất khách quê người này. Nhưng cũng như mọi năm, năm nay tôi cũng "ăn Tết" theo cách thế của tôi : tôi sẽ cố gắng tận hưởng từng khoảnh khắc hiện tại như một ân lộc Trời ban ; tôi sẽ sống mỗi ngày như một ngày Tết… Tôi nghĩ đó là bí quyết hạnh phúc mà ông bà tổ tiên muốn để lại cho con cháu khi "bày ra Tết Nhứt".

Chu Văn

(10/02/2021)

Chú thích :

(1) Doãn Quốc Sỹ, Người Việt đáng yêu, Xuân Thu, 1990

(2) Nguyễn Hưng Quốc, "Miếng ăn trong văn hóa Việt Nam", VOA tiếng Việt, 15/10/2009

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chu Văn
Read 924 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)