Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

26/04/2021

Dửng dưng là tên gọi của cái Ác

Chu Văn

Khoảng đầu thập niên 1990, nghĩa là vài năm sau khi Việt Nam tuyên bố mở cửa và chạy theo điều được gọi là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", một số sinh viên học sinh được gởi đi du học tại Phi Luật Tân. Phi Luật Tân được chọn làm địa điểm du học, bởi vì nước này tương đối gần Việt Nam, tại đây Anh ngữ được sử dụng như một sinh ngữ chính, học phí thấp, giá sinh hoạt cũng rẻ. Trong số những sinh viên du học tại Phi, tôi thấy cũng có một số tu sĩ công giáo và trong số tu sĩ công giáo, tôi biết chắc có một nữ tu đã từng là thành viên của cái gọi là "Ủy ban đoàn kết công giáo". Đây là một tổ chức ngoại vi của Đảng cộng sản. Nhiều người đọc trại ra thành "Ủy ban đàn két cong giáo".

ac1

Hành khách đeo khẩu trang xếp hàng trật tự khi lên xe buýt với túi mua sắm ở Manila, Philippines. Ảnh minh họa - The Star, 28/07/2020

Biết tôi hay lên tiếng phê bình chế độ, một hôm vị nữ tu này ngỏ ý mời mọc : "Hãy về Việt Nam thăm thú một lần cho biết. Bây giờ Việt Nam cởi mở và tiến bộ hơn Phi Luật Tân rất nhiều". Vào thời điểm đó và cho đến nay, kinh tế Phi Luật Tân vẫn cứ èo uột, tệ nạn xã hội đầy dẫy. Mặc dù là một nước dân chủ, Phi Luật Tân vẫn bị thế giới bên ngoài xem như một "bệnh nhân của Á Châu" (the sick man of Asia). Dù vậy, tôi vẫn thấy Phi Luật Tân là một nơi dễ sống : đa số người dân Phi lịch sự, lương thiện và tử tế. Thành ra trong câu chuyện trao đổi với vị nữ tu, tôi chỉ hỏi lại : "Thế ở Việt Nam có tự do báo chí như Phi Luật Tân không ? Người Việt Nam có dám lên tiếng phê bình và ngay cả chế diễu các cấp lãnh đạo quốc gia như người Phi không ?". Và câu hỏi mà tôi nghĩ đã khiến cho vị nữ tu "giao liên" này ấm ức đến độ phải câm miệng là : "Ở Việt Nam ngày nay, người dân có biết "lịch sự" xếp hàng khi chuẩn bị lên những phương tiện di chuyển công cộng như người Phi không ?". Hay "Ở Việt Nam, có cảnh trên các phương tiện di chuyển công cộng, hành khách có tự làm công việc trả tiền, thối tiền và giúp nhau chuyển tiền đến tận tay người tài xế mà không sứt mẻ đồng xu nào như người Phi không ?".

Tôi thường đánh giá "sức khỏe" của một đất nước qua những cử chỉ nhỏ như thế. Về kinh tế, Việt Nam có lẽ đã đạt được nhiều bước đáng kể. Tuy nhiên, liệu những giá trị nhân bản và đạo đức vốn tạo nên "sức khỏe" của một quốc gia, có thực sự song hành với sự phát triển kinh tế ở Việt Nam không ?

Trước năm 1975, trong chương trình triết học, tôi có được học đôi chút về chủ nghĩa cộng sản. Nhưng phải "thành thực khai báo" là cái mớ lý thuyết ấy chẳng thấm vào đầu tôi bao nhiêu. Phải đợi cho đến khi cộng sản xâm chiếm Miền Nam, áp đặt lên chủ nghĩa cộng sản, tôi mới thực sự hiểu được thế nào là cộng sản. Thật vậy, chủ nghĩa cộng sản mà khi đến Pháp vào đầu thập niên 1982, tôi thường nói với người Pháp rằng tôi đã chạm đến bằng đầu ngón tay của tôi (toucher du doigt), chính là cái Ác đã được định chế hóa. Cộng sản tự bản chất là độc ác và biến cái xã hội mà họ lãnh đạo cũng thành độc ác.

ac2

Trại học tập cải tạo tại Việt Nam sau năm 1975 – Courtesy of Bộ sưu tập Hình Ảnh Lịch Sử Việt Nam và Thế Giới - Google Chrome

Cứ tưởng phát triển kinh tế sẽ làm cho người cộng sản bớt độc ác hơn và bộ mặt của xã hội cũng nhân bản hơn. Nhưng chưa bao giờ tại Việt Nam người ta lên tiếng báo động về sự lên ngôi của cái Ác cho bằng hiện nay. Gần đây, nhiều người chú ý đến lời báo động của ông Lê Kiên Thành, quý tử của đồ tể Lê Duẩn, người đã từng giữ chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Trong một bài viết có tựa đề "Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh", ông Thành ghi nhận : "Điều rõ nhất tôi cảm nhận được là chưa bao giờ cái xấu và tội ác đến với chúng ta bình thản như thế này. Người ta nhìn nó thản nhiên, như là điều tất yếu". Người đã từng là thái tử đảng kể lại : "Đó là buổi sáng, khi tôi đọc tin về một cậu thanh niên cứa cổ đứa bé 8 tháng tuổi ; đó là khi tôi đọc tin về những người dân cùng xông vào đánh chết một kẻ trộm chó...". Ông Thành phê phán : "Có những người trong chúng ta hôm nay dùng cái ác và cái xấu để sinh tồn. Việc một tên cướp bị tuyên án tử hình vì chém đứt tay một người và trước đó đã chém 14 người, nhưng bà mẹ đẻ ra tên cướp đó không hề mảy may ân hận. Đó là hình ảnh đáng sợ nhất : một người mẹ biết quý con mà không còn coi sự sống của người khác ra gì" (1).

Ông Thành đã có lý để nhấn mạnh đến thái độ dửng dưng của rất nhiều người Việt Nam hiện nay trước cái Ác. Theo nhà báo Tưởng Năng Tiến, "nói một cách tóm tắt, hiểm họa lớn nhất của Việt Nam không phải là chế độ độc tài trong nước hay âm mưu xâm lấn biển đảo của Trung Quốc mà là sự dửng dưng của mọi người. Chính sự dửng dưng đến vô cảm của phần lớn dân chúng là điều đáng lo nhất hiện nay". Dửng dưng trước tình hình đất nước, dửng dưng trước cái Ác, nhưng lại rất hăng say và ngay cả cuồng nhiệt đối với các thứ "sao" như tin tức của báo chí nhà nước ghi nhận : "Fan Việt đội mưa rét vạ vật ở sân bay đón sao Hàn. Đón sao Hàn giữa dịch Corona. Fan vây kín Tân Sơn Nhất để đón nhóm nhạc Hàn giữa đại dịch Corona. Fan bóng đá còn đông đảo và cuồng nhiệt hơn gấp bội. Việt Nam không ngủ, hàng triệu người xuống đường mừng nhà vô địch Sea Games" (2). Để cho đủ danh sách các "sao" được người Việt Nam hiện nay sùng bái, có lẽ tác giả Tưởng Năng Tiến cũng nên ghi thêm "siêu sao" Donald Trump !

Tháng Tư năm nay, khi nghĩ về cái Ác đang bao trùm và nhận chìm xã hội Việt Nam xuống vực thẳm, tôi cũng liên tưởng đến số phận của người dân A Phú Hãn. Chính phủ Mỹ vừa tuyên bố sẽ rút quân ra khỏi nước này. Viễn ảnh của sự trở lại của chế độ Taliban trên đất nước này là điều xem ra gần như tất yếu. Thế giới đã chứng kiến sự độc ác của chế độ này và một khi trở lại cầm quyền chắc chắn nó cũng sẽ không từ bỏ bộ mặt độc ác của nó.

Tôi nghĩ đến người dân A Phú Hãn bởi vì số phận của họ cũng giống như số phận của người Việt Nam. Mỹ đến rồi Mỹ đi, bỏ mặc cho cái Ác cày xéo cả một dân tộc.

Là công dân của một quốc gia, tôi không đứng bên lề chính trị. Nhưng dĩ nhiên, tôi "làm chính trị" theo cách thế của tôi. Và cách thế của tôi là tôi không sống chết cho một đảng chính trị nào cả. Tôi sống chết cho lẽ phải. Phải thì tôi dồn phiếu cho. Không thì tôi nghỉ chơi. Về nước Mỹ, tôi cũng "ba phải" như thế.

ac3

Trại học tập cải tạo tại Việt Nam sau năm 1975 – Courtesy of Bộ sưu tập Hình Ảnh Lịch Sử Việt Nam và Thế Giới - Google Chrome

Bàn về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, những người Việt Nam ủng hộ Đảng Cộng Hòa khăng khăng cho rằng chính cái Đảng Dân Chủ "thổ tả" đã khiến cho Miền Nam Việt Nam bị bức tử, vì Quốc hội mà họ nắm quyền kiểm soát đã cắt đứt viện trợ và chống lại việc dội bom xuống Bắc Việt. Những người Việt Nam sống chết cho Đảng Dân Chủ thì lại dựa trên sự kiện tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa Richard Nixon đã bắt tay với Trung Cộng để trút hết tội lỗi lên đầu Đảng này vì đã bán đứng đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Riêng tôi suy nghĩ một cách đơn giản : dù có thuộc Đảng nào đi nữa, Hoa Kỳ lúc nào cũng đặt quyền lợi của mình lên trên hết. Vì quyền lợi của họ, họ "đi vào" và vì quyền lợi của họ, họ "đi ra" và bỏ mặc cho cái Ác hoành hành trên một đất nước mà đã họ từng cam kết giúp đỡ.

Quyền lợi của nước Mỹ thật ra trước hết cũng chính là cái ghế của nhà lãnh đạo. Vì của ghế của ông, ông sẵn sàng bán đứng hay bỏ rơi đồng minh. Quyền lợi của nước Mỹ cũng là sự lãnh đạo của Đảng đang cầm quyền : sự lãnh đạo ấy được đặt lên trên số phận của một dân tộc khác. Và dĩ nhiên, quyền lợi của nước Mỹ xét cho cùng cũng là những thứ tự do cá nhân mà người Mỹ luôn đòi hỏi cho mình bất kể những mất mát, khổ đau và ngay cả mạng sống của người khác. Người Mỹ muốn dựng tượng nữ thần tự do trên khắp thế giới, nhưng tiếng kêu than của những người khốn khổ mà nữ thần này che chở, lại không được họ màng tới.

Tôi thường có ý nghĩ ấy khi suy nghĩ về hai cơn đại dịch đã và đang hoành hành tại Mỹ. Trước hết là đại dịch Covid-19. Văn minh nhứt thế giới, giàu có nhứt thế giới, có hệ thống y tế tiên tiến nhứt thế giới, vậy mà Hoa Kỳ lại là nước đứng đầu thế giới về con số người bị lây nhiễm và tử vong vì Covid-19. Tất cả chỉ vì hai chữ tự do : tự do chống lại những qui định cần thiết như đeo khẩu trang, tuân giữ giãn cách xã hội và tập trung đông người, tự do tập trung để "thờ phượng"... mặc cho dịch bệnh có cướp đi mạng sống của những người xung quanh. Ai có chết cũng mặc kệ, miễn là tôi được tự do !

Bênh cạnh đại dịch Covid-19, còn có một đại dịch khủng khiếp hơn : đó là đại dịch "bạo động bằng súng đạn". Trong cái quốc gia lúc nào cũng muốn là "vĩ đại" nhứt thế giới lại xảy ra chuyện bắn giết như cơm bữa. Ai có chết vì súng đạn cũng mặc kệ, bằng mọi giá tôi phải bảo vệ quyền tự do mang súng và sử dụng súng của tôi ! 

Tự do đã biến thành dửng dưng trước cái Ác và nỗi khổ đau của người khác. Cả thế giới đã theo dõi vụ án của Derek Chauvin, viên cảnh sát Mỹ đã sát hại người Mỹ gốc Phi Châu George Floyd dạo tháng Năm năm ngoái. Thước phim mà một thiếu nữ tình cờ quay được và được trưng ra như một bằng chứng sống động về hành vi sát nhân của Chauvin, cho thấy khi dùng 2 đầu gối đè lên ông Floyd cho đến độ nghẹt thở, viên cảnh sát này vẫn thản nhiên nhìn về hướng người đang quay phim bằng một cái nhìn mà ký giả John Blake của Đài CNN gọi là "còn tệ hơn cả sự hận thù". Đó là cái nhìn của dửng dưng. Ký giả này viết : "Đây (cái nhìn của Chauvin) sẽ là một trong những hình ảnh tiêu biểu của thời đại chúng ta bởi vì nó nói lên một câu chuyện về chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc mà nhiều người không muốn nghe nói đến" (3).

ac4

Khi dùng 2 đầu gối đè lên ông Floyd cho đến độ nghẹt thở, viên cảnh sát này vẫn thản nhiên nhìn về hướng người đang quay phim

Sự dửng dưng của xã hội Việt Nam trước cái Ác và chuyện đang xảy ra ở Mỹ không khỏi làm tôi nhớ lại lời cảnh cáo của ông Elie Wiesel (1928-2016), một người Do Thái đã từng sống sót từ cuộc diệt chủng do Đức Quốc Xã chủ xướng trong thời Đệ nhị Thế chiến và được trao giải Nobel Văn Chương. Ông nói : "Phản nghĩa của tình yêu không phải là hận thù mà là dửng dưng". Với tôi, dửng dưng trước cái Ác là tên gọi của cái Ác. Nhìn nỗi khổ đau và chết chóc của người xung quanh mà ánh mắt của tôi như bất động, trái tim của tôi không thổn thức... thì tôi có khác gì thú vật chỉ biết chăm sóc cho bộ da riêng của mình.

Chu Văn

(26/04/2021)

Chú thích :

1. baotiengdan.com/2021/04/13/vi-sao-tai-viet-nam-hom-nay-cai-ac-troi-day

2. https://vietbao.com/a307720/s-t-t-d-tuong-nang-tien-nuoc-mien-nhin-tu-xu-viet

3. https://edition.cnn.com/2021/04/24/us/derek-chauvin-eyes-indifference-blake/index.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chu Văn
Read 1265 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)