"Lính thợ Đông Dương" : Những người lính thầm lặng tại Pháp trong Thế chiến II
Liêm Khê Lugern, Thu Hằng, RFI, 10/05/2021
Chiến tranh Thế giới II, khiến vài chục triệu người chết, chính thức chấm dứt vào 23 giờ 01 ngày 08/05/1945. Pháp, thuộc phe đồng minh, đã huy động hàng chục nghìn người từ các thuộc địa để phục vụ cuộc chiến chống phát xít Đức, trong đó có khoảng 20.000 lao động từ Đông Dương.
Một lính thợ Đông Dương làm việc trong một nhà máy ở Décines (gần Lyon), Pháp, trong Thế chiến II. Ảnh lưu tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (CAOM), ở Aix-en-Provence, Pháp. © ANOM / Fonds de la Direction des travailleurs indochinois (DTI)
Họ được tuyển dụng như thế nào ? Nhiệm vụ được giao là gì ? Cuộc sống của họ tại Pháp ra sao ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà sử học Liêm Khê Luguern, tác giả luận án tiến sĩ năm 2014 về "Les Travailleurs Indochinois". Etude socio-historique d’une immigration coloniale (1939-1954) (*) và được nhà xuất bản Les Indes Savantes phát hành vào tháng 06/2021.
*****
RFI :Theo một bài viết của bà trên tạp chí Mouvement social 2007/2-3, chính sách tuyển người lao động Đông Dương sang Pháp năm 1939 được dựa trên một hệ thống lập pháp và hành chính được hiệu chỉnh trong thời gian giữa hai Thế chiến. Dường như điểm này khác với việc tình nguyện đăng lính được áp dụng tại Đông Dương trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Tại sao lại có sự thay đổi này ?
Liêm Khê Luguern : Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đánh dấu lần đầu tiên diễn ra kiểu tuyển dụng ồ ạt nhân lực từ các thuộc địa đến Châu Âu, không chỉ liên quan đến mỗi người Việt mà ở toàn bộ đế chế thuộc địa Pháp, dưới sức ép từ giới công nghiệp và Nhà nước. Trong Thế chiến I có khoảng 90.000 lính thợ và lính tập Đông Dương đã đến Pháp : khoảng 40.000 lính tập và 50.000 lính thợ.
Năm 1939, chính phủ Pháp tính đưa khoảng 300.000 lao động thuộc địa tham gia thế chiến, trong đó khoảng 100.000 người đến từ Đông Dương. Nhưng con số này không bao giờ đạt được vì tháng 06/1940, nước Pháp bị bại trận, nên đã chấm dứt việc tuyển quân. Vào thời điểm đó, chỉ có 20.000 lao động Đông Dương đã đến Pháp trên tổng số dự kiến 100.000 người.
Trong trường hợp cả hai Thế chiến, không thể nói đến chuyện tình nguyện. Chúng ta thấy việc tuyển quân được tiến hành ở cùng khu vực địa lý, chủ yếu là Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đó là những vùng đồng bằng đông dân và chịu nạn đói. Đó cũng là hai xứ bảo hộ, không do Pháp trực tiếp cai trị mà do chính quyền bản địa theo lệnh từ Mẫu Quốc, nên việc tuyển quân do quan lại địa phương đảm nhiệm. Nam Kỳ là xứ thuộc địa nên tránh được việc này. Giới chủ thuộc địa muốn giữ nguồn nhân lực cho các đồn điền.
Có thể nói những trường hợp đến Pháp là quá trình di dân có tổ chức. Trong Thế chiến II, 90% nhân công được tuyển từ những vùng nông thôn nghèo ở Đông Dương.
RFI :Làm thế nào chính quyền địa phương đạt được số lượng đề ra ? Những người được tuyển là ai ?
Liêm Khê Luguern : Quy định do chính quyền địa phương, chịu tránh nhiệm tuyển dụng, ấn định. Mỗi gia đình phải cung cấp một người con trai từ 20 tuổi trở lên. Vì thế, họ có lực lượng trù bị rất lớn nhờ quy định này. Khó khăn duy nhất là làm thế nào để chuyển những người này từ một lục địa sang lục địa khác và làm thế nào quản lý họ.
Khác với thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, trong Thế chiến II có ít người Pháp ở Đông Dương hơn nên việc quản lý buộc phải giao cho người bản xứ, cụ thể là cho phiên dịch viên và giám thị. Những người có học thức, có chứng chỉ, thậm chí là bằng tú tài, biết nói tiếng Pháp, lập tức được chỉ định làm phiên dịch và giám thị. Thời đó cứ một giám thị chịu trách nhiệm khoảng 25 người. Bản thân những người này cũng được ghi là "lính thợ", vì thế, tôi luôn để trong ngoặc kép "Lính thợ Đông Dương" bởi vì không phải tất cả là lính thợ.
Trong số những người đến Pháp, có thể nói một phần là di dân tự nguyện, một phần là do ép buộc. Rất khó so sánh hai diện này. Vấn đề được ở chỗ là có thể coi đó là những người tình nguyện được không khi họ cũng tìm cách thoát nghèo. Cũng vào những năm 1939-1940, nhiều người có bằng cấp, xuất thân từ gia đình khá giả, cũng đăng lính kèm theo kế hoạch riêng. Thực vậy, đối với họ, đi Tây đồng nghĩa với "đổi đời" và hy vọng thăng tiến xã hội mà họ có thể không đạt được ở Đông Dương. Về phần những người nghèo, được cho là bị ép đăng lính, thì họ không có phản đối, họ chỉ đơn thuần đi tìm đường sống.
Nhà sử học Liêm Khê Luguern, tác giả cuốn Les "Travailleurs indochinois" : Etude socio-historique d’une immigration coloniale. Ảnh do tác giả cung cấp. © RFI / Tieng Viet / Liem Khe Luguern
RFI :Những người này ở lại Pháp từ năm 1939 đến 1952 vào đợt hồi hương cuối cùng. Họ được giao làm những nghiệm vụ gì, có khác với công việc giao cho lính Đông Dương thời Thế chiến I không ? Công lao của họ có được chính phủ Pháp công nhận đúng đắn không ?
Liêm Khê Luguern : Trong Thế chiến I, như tôi nói ở trên, một nửa số người Đông Dương được tuyển là lính thợ, nửa còn lại là lính tập. Còn trong Thế chiến II, chủ yếu họ được tuyển làm lính thợ hơn là ra trận. Chính sách này là kết quả tổng kết từ thời Thế chiến I, xếp loại hình nhân lực theo bản chất tự nhiên hoặc chủng tộc, như người Đông Dương có khả năng làm những công việc thủ công, tỉ mỉ… Những nhận xét đó phản ánh thực tế xã hội-kinh tế bởi vì Đông Dương là xứ công nghiệp hóa nhất trong các thuộc địa Pháp, hơn cả Bắc Phi và Châu Phi hạ Sahara.
Giống như trong Thế chiến I, ban đầu lính thợ Đông Dương làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng, chủ yếu là trong những nhà máy sản xuất thuốc súng. Tuy nhiên, thất bại vào tháng 06/1940 đã buộc Pháp xem xét lại chính sách bởi vì các nhà máy phải chuyển về miền nam, dưới chính quyền Vichy. Lính thợ Đông Dương được thuyên chuyển làm những công việc khác, chủ yếu trong nông nghiệp vì Pháp thiếu nhân lực. Tính đến mùa hè năm 1942, một phần ba trong số họ làm trong ngành lâm nghiệp hay khai thác than, 15% làm trong các cánh đồng muối hoặc trong ngành nông nghiệp.
Từ tháng 11/1942 khi quân phát xít Đức tràn xuống miền nam Pháp, phần lớn lính thợ Đông Dương phải trở lại nhà máy, làm việc trực tiếp hay gián tiếp cho quân phát xít Đức, trong đó có các nhà máy thuốc súng như ở Toulouse.
Sau đó, phần lớn trong số họ bị kẹt lại Pháp do các tuyến đường hàng hải bị cắt đứt vì chiến tranh. Năm 1941, chỉ có khoảng 5.000 người về được Đông Dương, 15.000 người bị kẹt lại Pháp. Chuyến hồi hương chính thức cuối cùng diễn ra vào năm 1952, trong đó có nhiều lính thợ tự tìm cách hồi hương.
Trong Thế chiến I, ban đầu lính thợ Đông Dương làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng, chủ yếu là trong những nhà máy sản xuất thuốc súng.
Dựa theo nhiều nguồn tài liệu, có khoảng 1.000 đến 3.000 lính thợ Đông Dương ở lại Pháp - những người sau này kể lại, cung cấp bằng chứng về đời sống của những người lính Đông Dương ở Pháp trong Thế chiến II. Ban đầu, họ làm việc cho Nhà nước, rồi nhanh chóng chuyển sang các doanh nghiệp tư nhân. Họ không được nhận lương trực tiếp mà lương được chuyển vào Sở Nhân công Bản địa và Thuộc địa - MOI (Main d’œuvre indigène et coloniale) - cơ quan này phụ trách về vật chất, nơi ở, quần áo và lương thực. Sau đó, MOI trả tiền thưởng lao động và trợ cấp hàng ngày, tùy theo cấp bậc, cho người lao động thuộc địa.
Thực ra, ngay khi được tuyển từ Đông Dương, những người này đã có hợp đồng lao động và trên nguyên tắc được nhận một khoản tiền thưởng. Chúng tôi biết là khoản tiền này đã được trả cho một số người người nhưng không chắc là tất cả trong số họ đều lĩnh được số tiền này. Đây là vấn đề vẫn đang được nghiên cứu, dù phải nói rằng hầu hết lính thợ trong thời kỳ đó đã qua đời.
Sự bất công thực sự nằm ở chỗ những người hồi hương, đôi khi là bị ép, chịu thiệt thòi hơn so với những người ở lại Pháp. Vì những người ở lại, nhờ vào sự vận động của Ủy ban Hỗ trợ Lính tập và Lính thợ, số năm họ đăng lính cũng được tính để hưởng trợ cấp hay nghỉ hưu. Trong khi đó, yêu cầu tính thâm niên của những người hồi hương chưa bao giờ được đáp ứng, kể cả dưới thời tổng thống François Mitterrand.
RFI :Như bà nói ở trên, có khoảng 1.000 đến 3.000 lính Đông Dương định cư tại Pháp sau năm 1952. Việc này được thực hiện như thế nào ? Họ hội nhập vào xã hội Pháp ra sao ?
Liêm Khê Luguern : Về điểm này, tôi không thích từ "hội nhập" cho lắm. Họ hội nhập như thế nào ư ? Tôi thì lại muốn lật ngược lại vấn đề : Những người ở lại là những người đã hội nhập với xã hội Pháp, nếu không thì họ đã không ở lại. Trong khoảng 1.000 người ở lại, phần lớn là cựu giám thị và phiên dịch. Đó là những người ra đi cùng với kế hoạch riêng, trong đó có việc ở lại Pháp.
Như tôi đã nói, 1.000 người là con số chính thức nhưng thực tế thì nhiều hơn. Họ được hưởng chế độ "dỡ bỏ trưng tập", có từ năm 1945. Con số chính thức nêu 500 trường hợp được hưởng chế độ này vào năm 1947 và 1.500 vào năm 1950. Thời điểm này cũng gần với lúc bùng nổ chiến tranh Đông Dương. Đây cũng là một trong những lý do khiến họ cân nhắc ở lại Pháp vì trở về trong bối cảnh chiến tranh sẽ có rất nhiều bất trắc.
Để được hưởng "dỡ bỏ trưng tập", họ phải chứng minh có việc làm và nơi ở. Có nhiều người trong số họ, dù không đông lắm, được đào tạo nghề vào cuối Thế chiến II, nên thường tìm được việc làm và định cư ở Pháp. Nhiều người khác, chủ yếu là giám thị và phiên dịch, như tôi nói ở trên, thì thực hiện kế hoạch ấp ủ từ trước khi sang Pháp, thế nên họ bỏ Sở Nhân công Bản địa và Thuộc địa - MOI ngay từ năm 1943. Một số khác thì lập gia đình ở Pháp. Hôn nhân là một yếu tố quan trọng cho việc ổn định tại Pháp. Nếu như vào thời kỳ Thế chiến I chỉ có khoảng 200 đám cưới Pháp-Việt, đến năm 1947 có khoảng 1.000 cặp như vậy.
RFI :Cuốn sách của bà có tựa : Les "Travailleurs indochinois" : Etude socio-historique d’une immigration colonialeđược nhà xuất bản Les Indes Savantes phát hành. Chủ đề này có được đề cập đầy đủ tại Pháp như về lính thợ và lính tập đến từ Châu Phi không ?
Liêm Khê Luguern : Cuốn sách được xuất bản vào đầu tháng 06/2021 là kết quả của một quá trình nghiên cứu dài, với trọng tâm là những người lính thợ Đông Dương. Có nghĩa là tôi không chỉ chú ý vào quá trình họ sống và làm việc ở Pháp, mà còn nghiên cứu quá trình tuyển dụng họ, môi trường xuất thân để biết được bối cảnh Đông Dương thuộc địa khi họ khởi hành sang Châu Âu.
Lính thợ Đông Dương được đề cập nhiều, thậm chí là rất nhiều trong những năm gần đây. Có lẽ số phận của lính tập Đông Dương ít được nhắc đến khi so sánh với với lính tập đến từ Châu Phi, kể cả qua việc tranh luận về trợ cấp. Vấn đề trợ cấp cho lính thợ Đông Dương chưa bao giờ được đặt ra và được truyền thông đề cập.
Ở đây phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của các nhà quản lý, của các đời chính phủ liên quan. Về điểm này, tôi chỉ dám nêu một vài giả thuyết. Thứ nhất, nên tính đến quá khứ lịch sử. Quá trình chấm dứt tình trạng thuộc địa diễn ra tại Châu Phi muộn hơn, vào thập niên 1960, trong khi Pháp rời Đông Dương năm 1954. Quá khứ thuộc địa của Đông Dương trở nên xưa hơn, nên có lẽ bị xếp vào hàng thứ yếu vào lúc nổ ra chiến tranh ở Việt Nam với quân đội Mỹ. Thêm vào đó là bản chất mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp cũng khác hơn so với mối quan hệ Pháp duy trì với những thuộc địa cũ ở Châu Phi. Điều này cũng có thể giúp giải đáp một số thắc mắc.
Dù lính thợ Đông Dương được nhắc đến nhiều nhưng lại không được hoàn toàn đưa vào khuôn khổ nghiên cứu quá trình nhập cư thuộc địa. Đây chính là điểm cần lưu ý để có thể nói về họ nhiều hơn và vấn đề lịch sử này cần được đưa vào lĩnh vực nghiên cứu hậu thuộc địa.
RFI tiếng Việt xin chân thành nhà sử học Liêm Khê Luguern.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 10/05/2021
(*) Les "Travailleurs indochinois" : Etude socio-historique d’une immigration coloniale (Tạm dịch : "Lính thợ Đông Dương" : Nghiên cứu xã hội-lịch sử của quá trình di dân thuộc địa), Nhà xuất bản Les Indes Savantes (Pháp), 06/2021.
Bìa 4 tác phẩm Les "Travailleurs indochinois" : Etude socio-historique d’une immigration coloniale (tạm dịch : "Lính thợ Đông Dương" : Nghiên cứu xã hội-lịch sử của quá trình di dân thuộc địa) của nhà sử học Liêm Khê Luguern, NXB Les Indes Savantes (Pháp), tháng 06/2021.© RFI / Liem Khe Luguern