Trong những năm qua, tôi nhận thấy các bài viết của mình chủ yếu dựa trên lý trí. Nhưng hy vọng sẽ có sự thay đổi trong các bài viết của tôi từ năm nay trở đi.
Trước đây tôi không bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ làm công việc mà tôi hiện đang làm. Suốt ngày chỉ đọc và viết. Vẫn có họp hành với nhóm và với các đội chung khối mỗi tuần, khoảng một tiếng thôi. Mỗi năm tôi chỉ cần trình bày một số vấn đề chuyên môn cho các đồng nghiệp, dài khoảng nửa tiếng, mỗi năm khoảng 3 lần. Còn lại thì toàn đọc: tìm thông tin, tài liệu, nghiên cứu hàn lâm, về bao vấn đề khác nhau. Rồi cho vào các trung tâm dữ liệu. Và viết vắn tắt những vấn đề chính trong ngày. Mỗi tuần tôi viết và trả lời những câu hỏi mà những đồng nghiệp muốn biết nhưng không có thì giờ để nghiên cứu. Mỗi ba tháng cập nhật hồ sơ dầy cộm về mọi khía cạnh liên quan đến đề tài tôi chịu trách nhiệm.
Tôi không bao giờ nghĩ mình viết hay. Có lẽ vì hồi nhỏ gia đình và thầy cô bảo tôi giỏi toán mà dốt văn. Diễn tả bất cứ cái gì cũng đều là cực hình đối với tôi. Vì thế mà tôi cứ bị điểm yếu môn văn. Lớn lên tôi không hề có ý tưởng theo đuổi ngành nhân văn/nghệ thuật. Chỉ khi bắt đầu trên 30 tuổi, tôi mới nhìn ra được sự bất toàn và sự vô thức (ignorance) của mình khi coi thường các lĩnh vực này. Do đó tôi quyết định trở lại đại học để theo đuổi ngành Khoa học Chính trị. Lúc đó mình mới biết là lâu nay mình chẳng khác gì ếch ngồi đáy giếng.
Ngoài công việc chuyên môn trên, các việc khác tôi làm để phụ giúp các tổ chức, cá nhân khác trên tinh thần tự nguyện cũng chủ yếu là đọc và viết.
Nhưng ngoài hai việc trên, trên Blog này trong hơn ba năm qua, tôi cũng đọc và viết. Tôi viết để chia sẻ những quan tâm của mình về các vấn đề chung quanh chúng ta.
Tóm lại, trong ba năm qua có thể nói hơn 90% công việc đầu óc của tôi là đọc và viết. Điều này cho thấy sự mất cân bằng cho một cuộc sống cá nhân và gia đình.
Hơn nữa, hai trong ba năm đó, vì Covid-19 nên phần lớn tôi làm việc tại nhà, cho nên sự mất cân bằng đó lại càng trở nên trầm trọng hơn.
Điều đáng nói thêm ở đây là phần lớn những điều hay đề tài tôi viết mang nặng lý tính. Khi viết về đề tài chính trị, chẳng hạn, tôi cố tránh viết theo cảm tính, và luôn quan tâm đến chữ nghĩa, câu văn, bằng chứng và lý luận. Phần còn lại độc giả tự nhận định lấy. Lối viết này tôi cũng nhận thấy là khô khan, và chắc khó đọc, đối với nhiều người. Người Việt Nam thì lại nặng tình cảm, nên tôi nghĩ rằng số người đọc các bài tôi viết chắc không nhiều.
Mấy ngày qua, tôi nghĩ ngợi nhiều về viết. Sau nhiều năm viết, tôi nhận thấy viết thật ra không khó. Nhưng viết cho lôi cuốn, ngắn gọn, trau chuốt, mà tạo sự suy nghĩ, tác động, kết quả, lại là chuyện khác. Kiến thức chỉ là một phần nhỏ. Chuyển tải ý tưởng, thông điệp một cách chính xác và tạo sự suy nghĩ cho người đọc là cả một nghệ thuật.
Đầu năm, nghĩ đến viết, tôi muốn thay đổi phong cách viết, và đa dạng hóa cách viết của mình, để thử nghiệm và học hỏi. Tôi muốn làm điều này không phải vì muốn thu hút thêm độc giả, mà vì mục tiêu tôi nhắm đến là "ít mà nhiều" (less is more). Ngắn. Dùng câu cú và từ ngữ một cách chính xác, dễ hiểu nhưng diễn đạt được ý tưởng mình muốn truyền tải. Viết câu ngắn lại nhưng truyền tải đầy đủ ý tưởng. Viết bài ngắn nhưng nói được trọng tâm của vấn đề.
Tôi cũng muốn viết thể loại văn tự do, nói lên suy nghĩ hay cảm xúc của mình, chủ yếu như một loại nhật ký. Có bao nhiêu điều xảy ra trong cuộc sống mà trong đó có những điều mình không thể, hay không muốn, thổ lộ cùng ai. Viết xuống tất cả những băn khoăn, trăn trở, suy tư này cũng là một cách thiền. Ý thức về mình, suy nghĩ nội tâm, và những biến đổi trong tâm tư đó, là điều rất nên làm. Nhưng tôi không có thói quen viết nhật ký theo kiểu đó. Nếu có viết vào nhật ký thì toàn những kế hoạch, công việc, dự án cho những điều cần làm. Tôi hoàn toàn không đề cập đến suy tư hay cảm xúc của mình. Rất tiếc viết nhật ký không còn là một thói quen mà các thế hệ trước đây, nhất là người Tây phương, thường thực hiện. Vào lúc này, tôi nghĩ rằng viết như một hình thức tự phản chiếu (self-reflection) có tác dụng tích cực cho việc tu thân.
Đầu năm tôi có đọc bài "Viết như một con đường dẫn đến lòng trắc ẩn" (Writing as a Path to Self Compassion) của Kim Schneiderman, thấy có nhiều ý tưởng hay. Schneiderman cho rằng nhiều người tử tế với bạn bè, với người khác nhưng lại khắt khe với chính mình. Cho nên khi viết về mình nên dùng ngôi thứ ba, như cô ấy, anh ấy, người ta/họ thay vì tôi, mình. Khi viết về những khó khăn thử thách trong cuộc sống ở ngôi vị thứ ba, thì khi đọc lại chúng ta dễ cảm thông và thấu cảm cho người trải nghiệm. Schneiderman cho biết nhiều trường đại học bên Mỹ, như California, Michigan, Ohio v.v… thực hiện các cuộc thử nghiệm đã đi đến kết luận rằng người ta có xu hướng dịu dàng hơn với bản thân khi nhìn nhận lại cuộc sống của mình ở ngôi thứ ba. Viết như thế sẽ sử dụng và phát huy được lòng trắc ẩn trong chúng ta khi chính nó bị chế ngự bởi tâm lý muốn bảo vệ chúng ta từ những vết thương của quá khứ. Đây là dụng cụ để giúp chúng ta tìm cách trở lại con đường của trái tim, của tình yêu thương.
Trong hai năm qua, gặp được một vài người khá đặc biệt. Họ đã là nguồn cảm hứng để tôi nghĩ đến viết tiểu thuyết. Tôi thật sự chưa bao giờ nghĩ đến viết sách hay tiểu thuyết trước đây. Nhưng cuộc đời, hoàn cảnh và tinh thần cho đi, dấn thân, và vươn lên trong khi bị dư luận xã hội hiểu sai, hiểu lầm và tìm đủ mọi cách dìm họ xuống đã thôi thúc tôi có động lực để viết về những con người này. Tôi muốn viết để nói lên được những khía cạnh mà người khác không nhìn thấy, hay có thấy nhưng không hiểu và không cảm thông. Tình thương yêu của những cá nhân đặc biệt này, ngay cả với những người thù ghét họ, đã giúp họ vượt qua được mọi cản trở. Tôi được thôi thúc và lòng mong muốn có thể viết về họ trên hết là vì tình yêu thương cho tha nhân, lòng khoan dung độ lượng và lòng vị tha, vô vị kỷ (selflessness) của họ, nhất là trong bối cảnh lịch sử và con người Việt Nam ngày nay.
Tôi có trong đầu ít nhất ba nhân vật muốn viết về, với những tích cách khác nhau, và các đặc tính văn hóa và con người khác nhau.
Hy vọng ước mong này sẽ được thực hiện khi hoàn cảnh cho phép.
Hồi còn bé, tôi mê phim Sác-lô (Charlie Chaplin). Những phim của Chaplin đã định hình nên phần nào triết lý sống trong tôi. Tôi thích hầu hết các phim của ông: vui buồn lẫn lộn và cảm động đến nghẹn ngào. Phim nào dường như tôi cũng cười ngất ngây, nhưng cũng đầy tình trắc ẩn với lòng nhân ái của nhân vật này. Một trong những phim tôi thích nhất là "Nhà Độc tài Vĩ đại" (The Great Dictator). Cuối phim Chaplin đã phát biểu thật hùng hồn như sau: "Chúng ta suy nghĩ quá nhiều và cảm nhận quá ít. Hơn máy móc, chúng ta cần nhân bản ; hơn sự thông minh, chúng tôi cần sự tử tế và khéo léo. Nếu không có những phẩm chất này, cuộc sống sẽ trở nên bạo lực và tất cả sẽ bị mất mát".
Hơn 80 năm qua kể từ khi phim này ra đời, những điều Charlie Chaplin nói vẫn còn nguyên giá trị, nếu không phải là càng giá trị hơn nữa. Máy móc ngày càng nhiều, xâm chiếm mọi hoạt động con người. Thông minh nhân tạo, Robot, máy tự động, máy tính, điện thoại thông minh v.v… trở thành vật dụng không thể tách ly của đại đa số con người trên thế giới này. Nhưng câu hỏi đặt ra là: "Chúng ta có lòng trắc ẩn hơn, có tình thương yêu và kính trọng dành cho người khác hơn, hay chúng ta đã đi xa hơn con đường nhân bản ?"
Trong những năm qua, tôi nhận thấy các bài viết của mình chủ yếu dựa trên lý trí. Nhưng hy vọng sẽ có sự thay đổi trong các bài viết của tôi từ năm nay trở đi.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 08/01/2022