Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

24/01/2022

Đạo Cao Đài có hệ phái không ?

Dương Xuân Lương

 

caodai1

Mỗi tôn giáo có hệ thống pháp luật, giáo lý và nội qui khác nhau ; không thể lấy những khái niệm hay cách hiểu của tổ chức tôn giáo hay xã hội không phải Đạo Cao Đài gán cho Đạo Cao Đài - Ảnh minh họa một buổi lễ tại Thánh Thất Cao Đài Tây Ninh

Hiện nay có nhiều người viết báo, viết sách, viết chuyên đề về Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ) nói tắt là Đạo Cao Đài dùng chữ hệ phái thay cho chi phái hay dùng lẫn lộn nhau, tạo ra ấn tượng rằng hai định từ ấy có giá trị như nhau. Tháng 9-2021 Ban Tôn Giáo chính phủ xuất bản Chuyên đề 5 viết về Đạo Cao Đài cũng dùng định từ hệ phái Cao Đài thay thế cho chi phái.

Dùng định từ chi phái và hệ phái như vậy có đúng hết không ?

Theo tôi, muốn có câu trả lời chính xác phải căn cứ vào kinh sách công văn hành chánh của Hội Thánh Cao Đài đã lưu hành. Nếu Hội Thánh Cao Đài đã dùng cả hai định từ ấy dầu chỉ một lần thì cả hai cùng đúng hay chấp nhận được. Nếu Hội Thánh Cao Đài chưa từng dùng một trong hai định từ ấy thì định từ đó không đúng.

Tại sao phải căn cứ vào văn bản của Hội Thánh Cao Đài ?

Bởi vì mỗi tôn giáo có hệ thống pháp luật, giáo lý và nội qui khác nhau ; không thể lấy những khái niệm hay cách hiểu của tổ chức tôn giáo hay xã hội không phải Đạo Cao Đài gán cho Đạo Cao Đài.

Hiện nay trên xã hội có nhiều nghìn đầu sách đề danh hiệu Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ trên bìa sách, kinh sách ; vậy làm sao phân định được đầu sách nào là của Đạo Cao Đài ?

Ngay trang bìa trước kinh sách của Hội Thánh Cao Đài đều có viết câu : Hội Thánh Giữ Bản Quyền. Trang đầu có công văn của Hội Thánh kiểm duyệt hay Lời Giới Thiệu. Về thời gian xuất bản từ năm 1926 đến năm 1983. Về hình thức khi đó chưa có internet nên là bản in giấy và dùng mẫu chữ đánh máy cơ. Bất cứ một đầu sách hay công văn nào thiếu một trong những yếu tố trên thì chớ có vội tin là của Hội Thánh Cao Đài.

Căn cứ vào đâu để xác định như vậy ?

Xin thưa rằng căn cứ vào Chương trình hiến pháp của Đạo Cao Đài lập năm 1928.

Tại Điều 22 qui định : Nghiêm cấm trong Ðạo không ai đặng lấy danh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ và dùng THIÊN ÂN, THIÊN NHÃN mà đề vào bìa Kinh sách, Bố cáo, vân vân… hay là in Thánh Tượng, Kinh sách (bán hoặc phát không) nếu Kinh sách và Thánh Tượng ấy không có trình ban kiểm duyệt xem xét trước và đóng con dấu kiểm duyệt

Ðiều thứ 23 : Ai phạm nhằm hai điều lệ trên đây thì các Kinh sách, Tượng ấy phải đem nạp cho Tổng Lý hủy bỏ. Người có lỗi ấy sẽ giao về Bình Viện phân đoán, chiếu theo điều lệ thứ 9 (Chương III)

Thảng như người ngoại Ðạo mà phạm nhằm điều lệ thứ 22 thì Quản Lý Nội Viện chạy tờ Châu Tri cho Chư Ðạo Hữu các nơi biết, mà không dùng đến Kinh sách, Tượng in sái phép ấy.

Ðiều thứ 24 : Kể từ ngày ban hành "Chương Trình Hiến Pháp" duy có một mình Hội Thánh "Cửu Trùng Ðài" được quyền in Kinh sách, Tượng để hiệu "Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ".

Một vài điểm cần lưu ý :

Những kinh sách hay công văn hành chánh nào có sau năm 1983 đều không phải của Hội Thánh Cao Đài. Bởi vì năm 1983 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã xóa trắng Hội Thánh Cao Đài. Hiện nay chi phái 1997 che dấu thân phận thật sự của họ và ăn cắp căn cước của Đạo Cao Đài để xài nên công văn của chi phái 1997 dùng mẫu và con dấu y hệt như của Hội Thánh Cao Đài chỉ khác nhau về thời gian và mẫu chữ dùng là vi tính.

Cũng xin lưu ý trường hợp giả mạo điển hình. Bộ sách Đại Đạo Sử Cương do Hiền Tài Trần Văn Rạng biên soạn được Hội Thánh Cao Đài kiểm duyệt và cho in để lưu hành trước năm 1975. Hiện nay bộ sách nầy được đưa lên internet cũng lấy trang kiểm duyệt và giới thiệu của Hội Thánh Cao Đài để lên trước rồi bên trong thêm rất nhiều nội dung khác. Hiện nay tác giả bộ Đại Đạo Sử Cương còn sống, nhưng không thấy ông lên tiếng về việc các nội dung có thêm nầy. Do vậy người không am tường sẽ lầm tin sách trên internet ấy là của Hội Thánh Cao Đài.

Hội Thánh Cao Đài dùng chữ chi phái (1934)

Theo chỗ tìm hiểu của chúng tôi thì toàn bộ kinh sách, công văn từ năm 1926 cho đến năm 1983 Hội Thánh Cao Đài chỉ dùng chữ chi phái. Hội Thánh Cao Đài dùng định từ chi phái với ý nghĩa được xác định tại Đạo Nghị Định thứ 8 (1934).

Ðiều thứ nhứt : Những Chi Phái nào do bởi Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội Thánh, thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng Môn Tả Ðạo.

Theo đó có Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (nguồn gốc khai sáng) rồi mới có chi phái. Từ ngày thành lập cho đến năm 1983 Hội Thánh Cao Đài không nhìn nhận một chi phái nào là của Hội Thánh lập thành. Chúng tôi không thấy Hội Thánh Cao Đài xài chữ hệ phái, dù chỉ một lần.

Đảng Cộng sản Việt Nam dùng định từ chi phái và hệ phái.

Trong khi Hội Thánh Cao Đài chỉ dùng định từ chi phái thì Đảng Cộng sản Việt Nam dùng cả chi phái và hệ phái. Đảng Cộng sản Việt Nam dùng như vậy cho hai giai đoạn, hai kế hoạch khác nhau.

Giai đoạn xóa trắng Đạo Cao Đài : xài chữ chi phái (1978-1992).

Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh ra "Bản án Cao Đài" ngày 20/7/1978 lên án chức sắc khai đạo là tay sai của thực dân pháp và phản quốc. Hệ tư tưởng của Đạo Cao Đài là phản động. Trang 01 dòng 3 từ dưới lên và đầu trang 02 viết : Vì vậy tôn giáo Cao Đài phát triển nhanh chóng lan rộng ở một số tỉnh, tập hợp được nhiều tín đồ. Thực dân Pháp hốt hoảng, dùng chánh sách "Chia để trị" gây mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm đầu, nên đạo Cao Đài bị phân hóa chia ra nhiều Chi phái…

Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Tây Ninh ra Quyết nghị ngày 13/12/1978, giải tán hành chánh tôn giáo Cao Đài từ trung ương đến địa phương. Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh ra Quyết định 124 tịch thu rất nhiều tài sản tôn giáo đều xài chi phái. Đó là giai đoạn trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giao cho tỉnh Tây Ninh tiêu diệt và xóa sổ Đạo Cao Đài.

Giai đoạn một, xài chữ chi phái là muốn xóa trắng Đạo Cao Đài theo cách bao vây Đạo Cao Đài, cô lập Tòa Thánh Tây Ninh để Đạo Cao Đài tự chết. Cuộc bao vây, cô lập thực hiện trong 14 năm bị thất bại. Đảng Cộng sản Việt Nam chuyển sang hệ phái.

Giết Đạo Cao Đài rồi lấy căn cước xài : xuất hiện hệ phái (1992)

Với bản chất tráo trở nên khi thất bại trong âm mưu xóa trắng Đạo Cao Đài, Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra Thông báo 34 (1992) và hàng loạt các công văn hướng dẫn chỉ thị sau đó để thay đổi cách tiêu diệt Đạo Cao Đài.

Chữ hệ phái Cao Đài do Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dùng lần đầu tiên vào ngày 14/11/1992 trong Thông Báo 34 truyền đạt ý kiến của Ban Bí Thư về chủ trương công tác đối với Đạo Cao Đài (1).

Các diễn tiến sau đó như Hướng dẫn 21 ngày 29/1/1994 của Ban Dân Vận Trung ương ; Thông Báo số 10 TB/TGCP ngày 30/12/1995 ; Kế hoạch 01 của Tỉnh ủy Đảng Cộng sản tỉnh Tây Ninh ngày 27/5/1996 ; Quyết định 42 của Tỉnh ủy Đảng Cộng sản tỉnh Tây Ninh ngày 29/5/1996 cho đến Chuyên đề 5 vào tháng 9/2021 đều xoay chung quanh Thông báo 34 (1992) của Ban Bí Thư nên đều xài chữ hệ phái Cao Đài. Các ghi nhận trên đây thể hiện Đảng Cộng sản Việt Nam đã tính toán từng giai đoạn khi tung ra chữ hệ phái trong Thông báo 34 và cả guồng máy chính trị theo đó mà nhảy múa và tung hứng.

caodai2

Thông báo số 34-TB/TW (Mật) ngày 14/11/1992 của Ban chấp hành Đảng cộng sản Việt Nam 

Đảng Cộng sản Việt Nam không thể ngang nhiên chiếm Tòa Thánh Tây Ninh và cho cán bộ trực tiếp quản lý Đền Thánh, Đền Thờ Phật Mẫu và các nơi tôn nghiêm của đạo. Cho nên Đảng Cộng sản Việt Nam lên kế hoạch lập chi phái tại Tòa Thánh Tây Ninh. Nhiệm vụ của chi phái nầy là làm công cụ để tiêu diệt Đạo Cao Đài và lấy căn cước của nạn nhân ra xài trước quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam dùng phản đồ để diệt đạo, phản đồ được ban cho lợi ích nên hai nhóm lợi ích gặp nhau và chi phái 1997 ra đời. Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa phản đồ Nguyễn Thành Tám ra làm dân biểu quốc hội (1997-2002), Kiều Ngọc Minh, Nguyễn Văn Thọ, Phạm Thị Ngộ và hàng loạt chức sắc vào đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Năm 2021 Lê Phương Hồng ra ứng cử dân biểu quốc hội…

Như vậy chữ hệ phái Cao Đài thể hiện sự tráo trở và gian manh của Đảng Cộng sản Việt Nam : sau khi định xóa trắng đạo Cao Đài bị thất bại thì chuyển kế hoạch lập ra chi phái 1997 làm công cụ diệt đạo Cao Đài và lấy căn cước của nạn nhân ra sử dụng.

Chi phái và hệ phái khác nhau thế nào ?

Về nguồn gốc và ý nghĩa, định từ chi phái có trong hệ thống giáo lý và pháp luật đạo. Trên thực tế Hội Thánh Cao Đài dùng để chỉ những tổ chức tôn giáo có nguồn gốc từ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ lập thành mà không có mạng lịnh Hội Thánh.

Pháp luật đạo là binh khí diệt tà quyền. Đạo không thể cấm cản người tách mình ra lập thành chi phái. Nhưng Hội Thánh trang bị hệ thống pháp luật giúp người đạo nhận diện để áp dụng pháp luật vào chi phái. Đảng Cộng sản Việt Nam xài chi phái là sa vào khuôn khổ pháp luật đạo nên thất bại. Đảng Cộng sản Việt Nam nghiên cứu và thay thế bằng hệ phái để tô son trét phấn cho tay sai né tránh hệ thống pháp luật của đạo.

Định từ hệ phái Cao Đài do Đảng Cộng sản Việt Nam áp đặt cho Đạo Cao Đài, nó không có trong hệ thống pháp luật đạo nên không thể áp dụng pháp luật đạo cho hệ phái Cao Đài. Cụ thể là Đạo Nghị Định thứ 8 áp dụng cho chi phái chứ không áp dụng được cho hệ phái. Đó là cách Đảng Cộng sản Việt Nam che chắn cho tay sai là chi phái 1997. Mặt khác nó hạ thấp giá trị khai sáng ra Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ của Hội Thánh tại Tòa Thánh Tây Ninh xuống ngang hàng với các chi phái thành ra cá mè một lứa với nhau. Đảng Cộng sản Việt Nam nghiên cứu để xài chữ hệ phái Cao Đài thật là nhất cử tam tứ tiện.

Tại sao Hội Thánh Cao Đài không xài định từ hệ phái ?

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ xây dựng trên triết lý QUỐC ĐẠO. Nghĩa là đạo có tổ chức rõ ràng và nghiêm minh như cách tổ chức một quốc gia. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có hiến pháp là Pháp Chánh Truyền, hiến pháp có tam quyền phân lập, lập pháp, hành pháp và tư pháp minh bạch. Có hệ thống hành chánh đạo Nam và Nữ song song nhau từ trung ương đến địa phương. Kinh sách đều có sự kiểm duyệt và giữ bản quyền.

Một quốc gia có lãnh thổ, dân tộc và chính quyền. Quốc gia luôn luôn bảo vệ tính toàn vẹn và thống nhất nên không chấp nhận cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tách một phần dân tộc, lãnh thổ để tạo ra một quốc gia khác.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Quốc Đạo nên cũng không chấp nhận cho bất cứ cá nhân nào lấy một phần nhân sự tôn giáo, lấy một số cơ sở tôn giáo để lập ra chi phái. Pháp luật đạo không chấp nhận chi phái và định quyết đó là bàng môn tả đạo.

Mục đích chúng tôi tra cứu về định từ chi phái và hệ phái là để trình chánh rằng Hội Thánh Cao Đài không xài định từ hệ phái. Trong hệ thống pháp luật và giáo lý đạo không có hệ phái.

Thượng Đế ban cho con người quyền tự do làm điều đúng và tự do làm điều sai để thể hiện phẩm hạnh trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam cố ý tung hỏa mù để gây lầm lẫn đó là quyền tự do của họ, chúng tôi không thể cấm cản nhà cầm quyền dùng chữ hệ phái Cao Đài.

Chúng tôi muốn thưa với những hiền nhân quân tử nghiên cứu về Đạo Cao Đài rằng định từ chi phái là của Đạo Cao Đài. Định từ hệ phái Cao Đài là của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dầu cho vô tình dùng chữ hệ phái Cao Đài vẫn là làm hại Đạo Cao Đài và có lợi cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi nghiên cứu nên căn cứ vào pháp luật, kinh sách, công văn của Hội Thánh Cao Đài để tăng độ khả tín. Chúng tôi tha thiết mong rằng xã hội có nhiều bài viết thể hiện được chân thiện mỹ để góp phần xây dựng nhân quyền, xây dựng tự do tôn giáo cho dân tộc và nhân loại.

Dương Xuân Lương

Nguồn : VNTB, 24/01/2022

(1) https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2018/04/2642-thong-bao-34.html#more

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Dương Xuân Lương
Read 524 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)