Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

02/02/2022

Phạm Đình Chương - Mùa xuân miên viễn

Hoài Dịu

Có một khoảng khắc trong năm mà tâm hồn con người ta rung cảm nhiều nhất, phải chăng là khi đất trời lập xuân. Này hoa, này hương, này vui, này nhớ, này thương, này bộn bề cảm xúc. Tâm hồn đa cảm của người nghệ sĩ sao không khỏi xao động ! Xuân ca vì thế mà đua nở, rắc reo ngàn giai điệu thắm tươi muôn nơi.

phamdinhchuong01

Trong sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, những lời ca xuân tuyệt đẹp như thế không hiếm, là những tiếng reo cười con trẻ khi Đón Xuân, là lời chúc tụng rôm rả, đông đủ bà con cô bác bên Ly Rượu Mừng và màu kỷ niệm xưa cũ của ai đó khi đón Xuân Tha Hương.

Khúc hoan ca Đón Xuân ra đời vào năm 1952, là thời kỳ nhạc sĩ Phạm Đình Chương vừa cùng gia đình di cư từ Bắc vào Nam. Tuổi trẻ tràn trề, tình yêu tươi mới, ấy nên "ánh xuân" trong hồn chàng trai thuở đó là "bình minh", là "ngày xanh" nhiều nắng và tình "nồng", "say", "đắm đuối". Trái tim chàng như muốn nhảy nhót, cánh tay chàng giang thật rộng, như khát khao ôm cả gió xuân, hoa xuân, cả bầu trời xuân.

Đón Xuân – tiếng hát Thái Thanh – nhạc và lời Phạm Đình Chương

Về mặt nhạc ngữ, Đón Xuân có cấu trúc như một tiểu phẩm cổ điển : Vuông vắn, cân đối, vì mỗi câu nhạc được thả đều đặn trong bốn ô nhịp. Phân khúc và điệp khúc mỗi đoạn có bốn câu. Nhịp phách đơn giản (phần lớn là nốt đen và trắng). Nhờ vậy, ca khúc là cánh cửa rộng cho nhiều phong cách trình diễn như : pop, jazz, rock hay phù hợp với những điệu nhảy nhanh, hoạt. Nếu nghe kỹ hơn thì nhịp đi của giai điệu khá lả lướt, linh động bởi lẽ tác giả đã đặt bút, chẻ đôi nhịp 4 ra thành nhịp 2 (còn gọi là nhịp C chẻ thay vì nhịp 4/4 ). Như vậy ca khúc sẽ có ít hơn phách mạnh và giai điệu Đón Xuân đã trở nên mềm mại uyển chuyển đến bất ngờ.

Là người Việt Nam, trong mỗi chúng ta, trong Phạm Đình Chương, Tết tuổi thơ là một phần cảm xúc khó phai. Ngày tháng qua đi và những mùa Tết năm nào cứ dần trôi vào miền nhớ, để rồi mỗi độ xuân sang, lại òa về… bâng khuâng…

phamdinhchuong1

Xuân Tha Hương dìu dặt đưa người nghe tìm về một Hà Nội xưa bàng bạc mưa bụi giăng đầy, về một mùa xuân nhỏ xinh xinh bên mẹ hiền. Nhịp valse chầm chậm cứ thế quay tròn như thời gian vô tình. Nhưng, lòng người thì không, ta nhắn "mây Tần" mang "bao niềm thương" vào giấc mơ về quê cũ. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương không "đặt bút viết" mà ông đã ôm đàn và hát. Một cách tự nhiên như thế, ông đã giãi bày vạn nỗi "sầu tư hương" của chính lòng mình.

phamdinhchuong2

Ban hợp ca Thăng Long

Không gian âm nhạc Phạm Đình Chương nói như nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn là "đường nét của âm điệu (ligne melodique), cách thế hòa âm, tiết điệu và bố cục từ khúc, mặt nào ở Phạm Đình Chương cũng cao sang, điêu luyện và thuần thục. Cao và sang nhưng không khó không xa rất hợp rất gần với tâm hồn đại chúng". Xuân Tha Hương đạt chuẩn mực về cả nhạc thuật và nhạc tính. Từ bố cục, câu pháp tới cách tạo bất ngờ nhẹ nhàng qua việc sử dụng kỹ thuật đảo phách (ở phần cuối). Điều này, khiến bản valse chậm Xuân Tha Hương buồn nhưng không lê thê, nặng nề.

"Nếu phải tìm một xuân-khúc đại diện cho mọi tầng lớp của xã hội Việt Nam, đồng thời phản ảnh tâm cảnh của mọi lứa tuổi, thì ứng hợp nhất với đòi hỏi này, theo tôi, là xuân-khúc "Ly rượu mừng" của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương (…) Chẳng phải ngẫu nhiên mà "Ly rượu mừng" không những đã trở thành "ly rượu" không thể thiếu trong mùa xuân của người Việt Nam mà, "ly rượu" ấy còn được nâng cao trong những họp mặt, lễ lạc ở bất cứ thời điểm nào của một năm. Nếu ta nhìn mỗi hội ngộ tự thân cũng là một mùa xuân tinh thần, ấm áp".

Thi sĩ Du Tử Lê

 

Bài hát : Ly rượu mừng - Phạm Đình Chương - Ban hợp ca Thăng Long

Ca khúc được sáng tác năm 1952 và trình diễn đầu tiên qua tiếng hát của ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng từ Bắc vào Nam, do ông thành lập cùng với các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng. Ly Rượu Mừng được Phạm Đình Chương một lần nữa chắp bút theo nhịp valse, nhưng nhanh và nhiều sắc màu hơn. Bài hát là một trong những minh chứng cho "sự nỗ lực dẫn dắt nền nhạc Việt từ lối đơn âm tới chỗ đa âm (hợp ca nhiều giọng)" của ông và ban nhạc Thăng Long.

Đã có nhiều lời hay ý đẹp tụng ca bản "đệ nhất xuân ca" hào sảng này, không cần nói thêm gì hơn, mỗi người chúng ta hãy tự lắng nghe và tự cảm nhận một mùa xuân của riêng mình

"Và, mỗi khi cùng nhau nâng "Ly rượu mừng" dù ở thời điểm nào của vòng quay trái đất, cũng chính là lúc chúng ta cùng với tác giả, hân hoan cầu chúc "…Nước non thanh bình / Muôn người hạnh phúc chan hòa (…) đó là một cầu nguyện đời kiếp của dân tộc ta. Như sự hiện diện bất biến của tác giả ca khúc vậy".

Thi sĩ Du Tử Lê

(Theo phamdinhchuong.com và amnhac.fm)

Hoài Dịu

Nguồn : RFI, 02/02/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Dịu
Read 394 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)