Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

18/02/2022

Cảm ơn những người của Rừng Mắm Việt Nam

Trần Quốc Việt

Những người của Rừng Mắm

Trần Quốc Việt, 18/02/2022 

Kính tặng cố luật sư Trần Danh San 

Hầu như mỗi lần nghĩ về những người đã hay đang công khai hoặc âm thầm đấu tranh cho dân chủ và tự do ở trong và ngoài nước, đặc biệt những tù nhân lương tâm, tôi đều tưởng đến truyện ngắn đặc sắc của cố nhà văn Bình Nguyên Lộc, Rừng Mắm. Hình ảnh họ và rừng mắm quyện với nhau không tách rời như hương quyện với hoa.

rungmam1

Nơi đây, đất đã hết, mà chỉ còn bùn. Tràm mọc tới mé đất cuối cùng thì dừng lại, như là dân ở biên giới một nước kia dừng lại nơi bìa lãnh thổ mình.

Thằng Cộc trong truyện cùng gia đình bỏ xứ ra đi vì nhà quá nghèo. Họ liều đến vùng U-Minh nước mặn rừng rậm hoang vu để khai hoang. Ở nơi "nhiều khi ăn rùa, ăn rắn trừ cơm" này, thằng Cộc thèm đủ thứ từ chè, xoài, thôn xóm, tiếng người... Rồi một hôm sau khi gặp và trò chuyện với đôi tình nhân ngồi tâm sự trên gò Ô-Heo, thằng Cộc ở tuổi mười lăm bắt đầu mơ mộng và bâng khuâng về những chân trời tình yêu xa xăm nào đấy. Nó về nhà và than với ông nội : "Ở đây, mình có ruộng, nhưng cũng khổ cả đời. Tui muốn đi quá, đi đâu cũng được, miễn ở đó có làng xóm, có người ta". 

Ngày nọ, ông nội quyết định đưa thằng Cộc đến một nơi sát biển. 

Xin trích :

"Nơi đây, đất đã hết, mà chỉ còn bùn. Tràm mọc tới mé đất cuối cùng thì dừng lại, như là dân ở biên giới một nước kia dừng lại nơi bìa lãnh thổ mình. 

Hết tràm thì có một khoảng trống, nửa bùn, nửa đất, trên ấy cỏ ống rậm ri và chim cao cẳng đủ loại đáp đầy trong cỏ. 

Tràm đứng trước bãi cỏ mà nhìn dân láng giềng mọc trên bùn đen. Ðó là những cây ốm nhom chen nhau mà vượt cao lên, cây nầy cách cây kia không đầy bốn gang tay. 

Bờ biển thoai thoải dốc xuống, trông rừng cây lạ ấy như một đạo binh xuống núi, tuôn tràn từ trên cao xuống mé biển ngoài xa. 

Xa, xa lắm, có những cây mọc lẻ tẻ như những tên lính xung phong mau bước tiến tới, để hãm thành hầu lập công. 

Nhìn xuống gốc cây, ông nội bảo :

- Nước chưa lớn hẳn, để lộ bùn đen dưới gốc cây ra. Bùn đen từng nơi lại trắng xóa những đóa hoa năm cánh, hai màu đen trắng đối chọi nhau trông rất đẹp. 

- Cây gì mà lạ vậy ông nội ? Trổ bông ngay dưới gốc ? 

- Bông trổ trên đầu những cái rễ ăn lên mà người ta gọi là rễ gió. Cây nầy là cây mắm. Ðây là rừng mắm đây. 

- Cây mắm ? Sao tui không nghe nói đến cây mắm bao giờ ? 

- Con không nghe nói, vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm cũng không được. 

- Vậy chớ trời sanh nó ra làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sanh hằng hà sa số như là cỏ ấy ? 

- Bờ biển nầy mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lũn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được. 

Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp : 

- Ông với lại tía của con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Ðời con là tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. 

Ðời cây mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu của họ hưởng. 

Con, con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi ? Vả lại con không thích hy-sanh chút ít cho con cháu của con hưởng sao ? 

Thằng Cộc nhìn lại ông nội nó và nghe thương không biết bao nhiêu ông già đã bỏ mồ, bỏ mả ông cha để hì-hục năm năm trong đồng chua, nước mặn ở Ô-Heo. 

Phải, cứ theo dự đoán của gia đình thì nó sắp được hưởng, tuy không nhiều, mà rồi sẽ nhiều. 

Nó nắm chặt tay ông nội nó và nó thấy ông nội nó giỏi quá. Ông có biết chữ nho kia mà. 

- Ông ơi, nó than, nhưng tràm buồn quá. 

- Tràm sẽ khỏi buồn nữa. Năm tới, đất thuần rồi thì ta làm ba mươi công và sẽ gọi dân cấy gặt ở xa tới phụ lực. Rồi tía con sẽ cưới vợ cho con, rồi thiên hạ sẽ bắt chước ta, tràn tới đây mà phá rừng, vùng Ô-Heo sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu. 

Tràm hết buồn vì sẽ đẻ ra cau, dừa, xoài, quít, đầy nhà, nước sẽ ngọt một khi đất thuần... 

- Và sẽ có chè ăn ? 

Ông nội cười ha hả mà rằng : 

- Gì chớ chè thì sẽ có lu bù. 

- Mà ông nội nè, cưới vợ làm sao được, ai thèm về Ô-Heo ? 

- Hai năm nữa người ta sẽ đồn rằng đất Ô-Heo thuần. Những kẻ nghèo khó như ta chỉ mong được tới đây. 

Ông nói điều nầy, không biết con hiểu được hay không. Là tổ tiên ta ngày xưa từ miền Trung tràn vào đây đều chịu số phận của cây mắm hết, từ xứ Ðồng Nai nước ngọt cho tới đây, ở đâu cũng hoang vu cả. 

Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc nầy để lót đường cho con cháu họ đi tới, y như là đàn kiến xung phong, tốp đầu liều chết đuối, lội qua tô nước rọng hủ đường để làm cầu cho bọn đi sau vào đến nơi có chất ngọt. Nhiều lớp tiên phuông đã ngã gục như rừng mắm. Rồi thì ông sơ, ông cố con, ông nội đây là tràm mới kiếm được miếng ăn…". 

Hết trích.

trandanhsan1

Tương lai của Việt Nam và những thế hệ hiện nay tươi sáng hơn là nhờ đứng trên vai của vô số những người dấn thân vô danh và hữu danh này - những người của Rừng Mắm Việt Nam lót đường cho những mùa xuân rực rỡ trong tương lai.

Đọc đến đây, độc giả chắc hiểu tại sao mỗi khi nghĩ về những người đấu tranh cho tự do và dân chủ tôi lại liên tưởng đến rừng mắm. Họ đã chấp nhận gian khổ, lao tù và cả hy sinh hạnh phúc riêng của mình để mở đường tương lai cho quê hương. Mượn cách nói của nhà vật lý Anh Newton, tương lai của Việt Nam và những thế hệ hiện nay tươi sáng hơn là nhờ đứng trên vai của vô số những người dấn thân vô danh và hữu danh này -những người của Rừng Mắm Việt Nam lót đường cho những mùa xuân rực rỡ trong tương lai.

Trần Quốc Việt

(11/02/2022)

*******************

Những người đi vào lịch sử 

Trần Quốc Việt, 18/02/2022

Kính tặng các anh chị Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Đỗ thị Minh Hạnh và Trần Vũ Anh Bình.

rungmam3

Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương – Ảnh minh họa

Nhờ họ có can đảm quốc gia có can đảm. Nhờ họ có phẩm giá quốc gia có phẩm giá. Nhờ họ có hy vọng quốc gia có hy vọng. Nhờ họ là những tù nhân lương tâm quốc gia có lương tâm.

Họ là những hòn đá mở đường bị sóng gió mưa bão toàn trị vùi dập khủng khiếp. Chỉ những ai ở trong địa ngục mới biết địa ngục. Cho nên chúng ta không thể nào hiểu được hết những đau khổ họ trải qua trong những nhà tù nhỏ giam giữ những tù nhân lương tâm.

Hôm nay qua lời kể của hai cựu tù nhân lương tâm, anh Trần Vũ Anh Bình và chị Đỗ thị Minh Hạnh, chúng ta thấy được phần nào khí phách, can trường, và sức mạnh tinh thần của một người tù nhân lương mới vừa mãn án tù, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng. Họ và bao nhiêu người tù lương tâm khác chịu những bản án dài khắc nghiệt chỉ vì họ yêu nước và quyết tâm tranh đấu cho lẽ phải.

Trong xã hội coi trọng lạc thú gia đình, họ chọn con đường thoát ly. Trong xã hội coi trọng con đường làm giàu, dù lương thiện hay bất chính, họ chọn con đường tạo ra của cải tinh thần lớn lao hơn mà không phù du. Đó là tự do, dân chủ và trường tồn cho quê hương. Họ là những người vào lúc nào đấy theo tiếng gọi lương tâm thôi thúc đã tách ra khỏi đám đông để âm thầm đi vào những con đường nhỏ in dấu chân lờ mờ của những người đấu tranh đi trước họ. Mai sau những người khác lúc nào đó cũng theo tiếng gọi thôi thúc của lương tâm cũng sẽ tách ra khỏi đám đông để đi vào những con đường có dấu chân rõ ràng hơn của họ. Tất cả những con đường nhỏ ngày nào đấy sẽ hợp thành con đường lớn mở ra tương lại một Việt Nam mới và bình thường nơi mọi người không phải bỏ nước ra đi để tìm cơ hội trên xứ người, nơi mọi người không phải lưu vong trên quê hương mình, nơi ánh sáng tự do, dân chủ, công bằng, minh bạch soi sáng khắp nơi, nơi quê hương vĩnh viễn không còn là mùa bội thu bất chính cho thiểu số cai trị đứng trên và ngoài vòng pháp luật.

Bertolt Brecht, nhà viết kịch Đức, có lần nhận xét rằng quốc gia cần anh hùng là quốc gia bất hạnh. Nhưng theo lời nhà thơ Nga Yevgeny Yevtushenko bất hạnh hơn là quốc gia cần anh hùng nhưng chẳng thấy ai.

Việt Nam may mắn là thời nào cũng có những anh hùng và anh thư.

Những anh hùng và anh thư thời nay chính là những tù nhân lương tâm đang thọ án hay đã ra khỏi tù. Tương lai Việt Nam có nền móng vững chắc trên vai họ. Nhưng có lẽ họ không thích ta gọi họ là anh hùng. Họ chỉ muốn tấm gương họ sẽ khích lệ những người khác dấn thân vào con đường đấu tranh cho xã hội ngày mai không cần những anh hùng.

**********************

Ga nhỏ Thành Nhân

Trần Quốc Việt, 18/02/2022

Kính tặng anh Nguyễn Ngọc Già

Ở Việt Nam nhà tù là nhà ga. Người đi đông, người về thưa thớt. Sân ga thường vắng, không có cảnh tiễn đưa, chỉ thỉnh thoảng một vài người mang hoa đến mừng người về.

rungmam4

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già : Tôi bị tù khống ! (Ảnh RFA, 24/04/2019)

Phòng vé nhà ga là tòa án phát cho khách lên tàu những vé tính bằng năm đời có khi bằng cả đời người còn lại.

Họ đi và họ về trên những sân ga nhỏ vắng ấy mà nằm trong nhà ga lớn nơi tất cả mọi người là hành khách phải lần lượt đi suốt đời trong bóng đêm qua các nhà ga Tủi nhục, Bất công, Đau khổ, Chà đạp, Tuyệt vọng... Ga cuối cùng là Nô lệ.

Những người chọn đi những ga nhỏ ấy là những người muốn tìm lộ trình khác cho chuyến tàu tương lai chung. Họ mơ ngày nào đấy đồng bào mình sẽ đi trong nắng đẹp qua những nhà ga Tự do, Dân chủ, Nhân quyền... Ga cuối cùng là Độc lập.

Để dệt nên tương lai ấy, họ lên đường và chấp nhận đi qua những nhà ga nhỏ vô hình trong mắt của đa số những khách đi qua nhà ga lớn. Hành trang của họ là Lương tâm, Trách nhiệm, và Yêu nước.

Hôm nay họ vô danh. Ngày mai tươi sáng người ta có lẽ không nhìn thấy họ trong đám đông vui mừng trên sân ga Cách mạng. Nhưng nhà ga Lịch sử và Nhân dân sẽ khắc tên họ - những người đi vào hy sinh để mở đường cho dân tộc đi vào mùa xuân vĩnh cửu.

Trần Quốc Việt

(18/02/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Quốc Việt
Read 737 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)