Con đường hy vọng chung cho tuổi trẻ
Giáo hoàng Francis, Fr. Félix Varela Cultural Center, La Havana, Cuba, 20/09/2015
Các em thì đứng còn tôi lại ngồi. Thật là rất khiếm nhã ! Nhưng các em biết tại sao tôi ngồi ; chính vì tôi cần ghi lại những điều mà người bạn chúng ta ở đây đã nói. Những điều ấy là những điều hôm nay tôi muốn nói đến.
Một từ thật ấn tượng bạn ấy dùng là "mơ". Một nhà văn Châu Mỹ La tinh từng nói rằng tất cả chúng ta đều có hai mắt : một mắt thịt và một mắt thủy tinh. Bằng mắt thịt, chúng ta thấy những gì trước mắt chúng ta. Bằng mắt thủy tinh, chúng ta thấy những gì chúng ta mơ tưởng. Đẹp chứ, phải không các em ?
Trong hiện thực cuộc sống hàng ngày, phải có chỗ cho mơ mộng. Người trẻ không biết mơ mộng thì cô độc, khép kín. Mọi người đôi khi mơ về những chuyện mà không bao giờ xảy ra. Nhưng dù sao vẫn hãy mơ về chúng, hãy ao ước chúng, hãy tìm kiếm những chân trời mới, hãy mở lòng ra trước những điều lớn lao.
Tôi không biết chắc ở Cuba các em có dùng từ này không, nhưng ở Argentina chúng tôi nói : "Đừng làm kẻ yếu đuối !". Đừng cam phận hay buông xuôi. Hãy mở lòng ra mơ mộng ! Hãy mơ, có các em xã hội có thể khác đi. Hãy mơ nếu các em gắng hết sức mình, các em sẽ góp phần làm thay đổi xã hội này. Đừng quên mơ ! Nếu các em say mê mơ mộng quá nhiều, cuộc đời sẽ cắt ngang giấc mơ các em. Tuy chẳng thay đổi gì ; nhưng dù sao vẫn cứ mơ, và hãy chia xẻ ước mơ của các em. Hãy nói về những điều cao cả các em mong muốn, vì các em có thể mơ càng cao thì các em sẽ đi càng xa hơn ; cho dù cuộc đời cắt ngang nửa chừng giấc mơ các em thì các em vẫn đã đi khá xa rồi. Cho nên, trước hết, hãy mơ !
Các em nói một câu mà tôi đã ghi xuống và gạch dưới dòng. Các em nói rằng chúng ta phải biết cách hoan nghênh và chấp nhận những ai suy nghĩ khác với chúng ta. Thành thực mà nói, đôi khi chúng ta rất khép kín. Chúng ta giam mình trong thế giới nhỏ bé của chúng ta : "Hoặc mọi sự theo như ý của tôi hay chẳng gì hết". Các em còn nói tiếp. Các em nói rằng chúng ta không được ẩn mình trong "thế giới" ý thức hệ hay tôn giáo nhỏ bé của chúng ta... rằng chúng ta cần vượt lên trên chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức.
Khi tôn giáo trở thành "thế giới nhỏ bé", tôn giáo mất đi tinh hoa vốn có, tôn giáo không còn thờ phượng Chúa, không còn tin Chúa. Tôn giáo trở thành thế giới nhỏ bé của những câu kinh lời nguyện, của "tôi tốt anh xấu", của luân thường đạo lý. Khi tôi có ý thức hệ của tôi, nếp nghĩ của tôi, còn anh có ý thức hệ, nếp nghĩ của anh, tôi giam mình trong thế giới ý thức hệ nhỏ bé này.
Hãy mở rộng tấm lòng ra, và hãy mở rộng tâm hồn ra Nếu anh khác tôi, thì tại sao chúng ta không nói ? Tại sao chúng ta luôn luôn ném đá lẫn nhau vào những gì chia rẽ chúng ta, vào những gì khiến chúng ta khác biệt nhau ? Tại sao chúng ta không đưa tay ra bắt tay nhau ở nơi chúng ta cùng có điểm chung ? Tại sao không khích lệ mình nói về những điều chúng ta có chung với nhau trước, và rồi chúng ta có thể nói về chỗ chúng ta khác biệt nhau. Nhưng tôi nói "nói" chứ tôi không nói "đánh". Tôi không nói lui về "thế giới nhỏ bé" của chúng ta. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được khi tôi có thể nói về những gì tôi có chung với người khác, về những điều chúng ta có thể làm việc chung với nhau.
Ở Buenos Aires, tại giáo xứ mới ở vùng cực kỳ nghèo, một nhóm sinh viên đại học đang xây phòng ốc cho giáo xứ. Vậy là cha xứ nói với tôi : "Tại sao cha không đến vào ngày thứ Bảy nào đấy để tôi giới thiệu họ với cha". Họ xây phòng vào các ngày thứ Bảy và Chủ Nhật. Họ đều là những nam nữ sinh viên. Cho nên tôi đến, tôi thấy họ và được giới thiệu về họ. "Đây là kiến trúc sư. Anh là người Do Thái. Người này là cộng sản. Người này là tín đồ Công giáo ngoan đạo". Họ thảy đều khác nhau, tuy nhiên tất cả họ đều cùng nhau làm việc vì lợi ích chung.
Sự hợp tác này tên là tình thân hữu xã hội, nơi mọi người cùng nhau làm việc vì lợi ích chung. Ngược lại hận thù xã hội chỉ phá hoại. Hận thù phá hoại gia đình. Hận thù phá hoại quốc gia. Hận thù phá hoại thế giới. Ngày nay chúng ta thấy chiến tranh đang tàn phá thế giới, bởi vì con người không thể nào ngồi xuống nói chuyện với nhau. "Được rồi, chúng ta hãy thương lượng. Chúng ta có thể chung tay nhau làm được điều gì chăng ? Chúng ta sẽ vạch ra giới hạn ở đâu ? Nhưng chúng ta hãy đừng giết người nữa". Nơi nào có chia rẽ, nơi ấy có chết chóc : cái chết của tâm hồn, vì chúng ta đang giết chết khả năng đến với nhau. Chúng ta đang giết chết tình thân hữu xã hội. Và đây chính là điều tôi yêu cầu các em hôm nay : hãy tìm mọi cách tạo ra tình thân hữu xã hội.
Rồi các em nói một từ nữa : "hy vọng". Tuổi trẻ là hy vọng của mỗi dân tộc ; chúng ta thường nghe điều này. Nhưng hy vọng là gì ? Phải chăng hy vọng nghĩa là lạc quan ? Không phải. Lạc quan là tâm trạng. Ngày mai các em thức dậy với tâm trạng buồn bã thì các em cũng chẳng lạc quan gì ; các em chỉ thấy mọi sự đều nhuốm màu u sầu. Hy vọng cao hơn nhiều. Hy vọng bao hàm đau khổ. Hy vọng là biết chấp nhận đau khổ để thành công ; hy vọng là biết hy sinh. Các em có thể hy sinh cho tương lai hay các em chỉ muốn sống cho hôm nay và để mặc cho thế hệ mai sau phải tự lo lấy ? Hy vọng là thành tựu. Hy vọng ban sự sống. Các em có thể ban sự sống chăng ? Hay các em là lớp trẻ khô khan về tinh thần, không thể ban sự sống cho người khác, không thể xây dựng tình thân hữu xã hội, không thể xây dựng quốc gia, không thể làm những điều cao cả ?
Hy vọng là thành tựu. Hy vọng khởi đi từ việc làm, từ có được công ăn việc làm. Ở đây tôi đề cập đến vấn đề rất nghiêm trọng ở Châu Âu : số người trẻ thất nghiệp. Có nhiều nước ở Châu Âu nơi 40% người trẻ hai mươi lăm tuổi và trẻ hơn hiện thất nghiệp. Tôi đang nghĩ đến một nước. Ở nước khác đó là 47% và ở một nước nữa, 50%.
Hiển nhiên, khi nhân dân không quan tâm đến việc tạo công ăn việc làm cho thanh niên-và khi tôi nói "nhân dân", tôi không muốn nói chính quyền ; tôi muốn nói đến toàn thể nhân dân nên quan tâm đến những người trẻ này có việc làm hay không-nhân dân ấy không có tương lai.
Tuổi trẻ hiện nay trở thành một phần của văn hóa vất bỏ mà tất cả chúng ta hôm nay đều biết rõ. Trong thế giới kim tiền ngự trị này, mọi thứ đều bị vất bỏ và con người bị vất bỏ. Trẻ em bị vất bỏ vì người ta không muốn chúng, hay chúng bị giết trước khi chúng chào đời. Người già bị vất bỏ- tôi đang nói về thế giới nói chung- vì họ không còn có ích nữa... Tuổi trẻ bị vất bỏ vì họ không được trao cho công ăn việc làm. Vậy thì, người trẻ không có việc làm còn lại gì đây ? Khi quốc gia hay nhân dân không tạo công ăn việc làm cho tuổi trẻ, những người trẻ còn gì nếu không là nghiện ngập đủ loại, hay tự tử, hay bỏ nhà ra đi tìm đến những đạo quân hủy diệt để gây chiến tranh.
Văn hóa vất bỏ này gây tổn thương đến tất cả chúng ta ; nó tước đoạt niềm hy vọng của chúng ta. Và đây chính là điều các em yêu cầu nhân danh tuổi trẻ : "Chúng tôi muốn hy vọng". Hy vọng mà đòi hỏi nỗ lực, cần cù, và thành tựu ; hy vọng mà đưa mọi người đến với nhau, vì người có hy vọng chính là người có thể biết đoàn kết nhau để hướng về tương lai và xây dựng nên tình thân hữu xã hội bất chấp mọi khác biệt.
Như tôi từng nói, đối với tôi, gặp người trẻ không có hy vọng là gặp người về hưu non. Có nhiều người trẻ tưởng như về hưu lúc hai mươi hai tuổi. Họ là những người trẻ chất chứa đầy nỗi buồn chán hiện sinh, những người trẻ đã cam phận thất bại, những người trẻ than vãn và thoát ly cuộc đời. Con đường hy vọng là con đường không dễ dàng. Cho nên không ai có thể đi một mình trên con đường hy vọng. Châu Phi có câu tục ngữ : "Nếu ta muốn đi nhanh, hãy đi một mình, nhưng nếu ta muốn đi xa, hãy đi với người khác".
Pope Francis
Nguyên tác : Trích dịch từ bài diễn văn ứng khẩu của Giáo hoàng Francis, Address of Holiness Pope Francis to Students, trước sinh viên Cuba vào ngày 20/09/2015 tại Trung tâm Fr. Félix Varela Cultural Center, La Havana, Cuba. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
**********************
Trước khi tôi chết…
Edmund N. Carpenter, The Wall Street Journal, 06/02/2010
Lời người dịch : Edmund N. Carpenter viết bài văn dưới đây vào tháng Sáu năm 1938, lúc 17 tuổi khi còn là học sinh. Sau khi tốt nghiệp cao học luật ở Harvard ông trở thành chủ tịch của một công ty luật. Ông qua đời năm 2008 vào tuổi 87. (TQV)
--------------------
Độc giả chắc hẳn lấy làm lạ rằng người ở độ tuổi hoa niên như tôi đã nghĩ đến kết cục tất yếu mà đường đời vinh quang đến đâu rồi cũng dẫn đến. Tuy nhiên bài văn này không thực sự bàn về cái chết, mà đúng hơn về cuộc đời, cuộc đời tương lai của tôi. Ở đây tôi ghi xuống những điều mà tôi, ở tuổi này, tin là thiết yếu cho hạnh phúc và cho niềm vui cuộc đời trọn vẹn. Trong những điều ấy có nhiều điều độc giả chắc thấy rất kỳ lạ, còn những điều khác độc giả có lẽ thấy hoàn toàn hợp với tâm nguyện của mình. Dù gì đi nữa, chúng hợp thành bản tóm tắt những điều tôi thực lòng mong muốn thực hiện trước khi tôi từ giã cõi đời này và chuyển sang kiếp sau hay chìm vào quên lãng.
Trước khi tôi chết tôi muốn biết tôi đã làm được điều gì đấy thực sự lớn lao, tôi đã đạt được những thành tựu vinh quang mà công trạng thuộc về chỉ mình tôi. Tôi không mong trở thành lừng danh như Napoleon và chinh phục được nhiều nước ; nhưng, gần như trước tiên hết, tôi rất muốn cảm thấy rằng tôi đã có ích cho thế giới này của chúng ta. Tôi muốn thế giới, hay ít ra quê hương tôi, tự hào về tôi, và khi người đời nhắc đến tên tôi, họ ngồi thẳng lên chăm chú nghe và thốt lên, "Đây là người đã làm được điều lớn lao". Tôi không muốn đi qua cuộc đời như chỉ một kiếp người cát bụi, như chỉ một con ốc trong guồng máy rất lớn. Mong ước của tôi là vang danh khi sống hơn bất tử khi chết. Khi tôi từ giã cõi đời này, tôi muốn biết đời tôi đã không thất bại, nhưng trong đời mình tôi đã thực hiện được điều gì đấy rất đáng tự hào.
Trước khi tôi chết tôi muốn biết trong đời mình tôi đã mang lại hạnh phúc lớn cho những người khác. Tình bạn, tất cả chúng ta đều đồng ý, là một trong những điều tốt đẹp nhất trên đời, và tôi muốn có nhiều bạn. Nhưng tôi không bao giờ chết hoàn toàn mãn nguyện trừ phi tôi biết những người tôi rất thân thiết đã đạt được hạnh phúc từ tình bạn với tôi. Hơn nữa, người ta thật sự tìm thấy niềm vui đích thực khi mang lại niềm vui cho người khác, một niềm vui ta không thể tìm được từ bất kỳ điều gì khác. Tất cả chúng ta đều muốn nhiều hạnh phúc trong đời mình, và mang lại hạnh phúc cho người khác là một trong những con đường chắc chắn nhất để đạt được hạnh phúc cho chính mình.
Trước khi tôi chết tôi muốn đã đi đến nhiều nơi trên địa cầu và đã thực sự sống với một vài dân tộc ngoại quốc trong môi trường của họ. Nhờ du lịch ở những nước khác với nước mình tôi hy vọng được mở rộng và nâng cao nhân sinh quan của mình để tôi có thể tìm được sự mãn nguyện sâu sắc hơn và hoàn toàn hơn từ cuộc sống. Nhờ pha trộn triết lý thâm trầm của Trung Quốc với óc thuần túy thực dụng của Mỹ, tôi hy vọng làm cho cuộc đời tôi tròn đầy hơn. Nhờ hòa hợp kỷ luật nghiêm ngặt của Đức với tự do phóng khoáng ở nước mình tôi hy vọng tận hưởng trọn vẹn hơn những năm sống trên thế gian này. Đây chỉ đơn cử hai trong nhiều điều mà tôi mong đạt được và nhờ thế nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời.
Trước khi tôi chết có một mong ước lớn khác tôi phải thực hiện được, đó là đã cảm nhận được một tình yêu thật sự tuyệt vời. Ở độ tuổi hoa niên, tôi biết, ngoài trừ tình thương dành cho cha mẹ, tình yêu có lẽ nằm ngoài sự hiểu biết của tôi. Tuy nhiên, dù tôi có thể còn non trẻ, nhưng tôi tin tôi đủ hiểu biết lờ mờ về chủ đề này để biết người nào không yêu không thật sự sống. Tôi cũng không cảm thấy cuộc đời mình trọn vẹn cho tới khi nào tôi thật sự trải nghiệm ngọn lửa tình thiêu đốt cả cõi lòng để biết cuối cùng mình yêu, thật sự yêu. Tôi muốn cảm thấy mình dành trọn trái tim và tâm hồn cho một người con gái tôi muốn là thiên thần toàn bích trong mắt mình. Tôi muốn cảm nhận một tình yêu vượt xa bất kỳ tình cảm nào tôi từng cảm nhận. Tôi biết khi tôi cuối cùng thật sự yêu tôi sẽ sống một cuộc đời khác, tốt hơn, và tràn ngập bao niềm vui mới mà trước đấy tôi không bao giờ biết.
Trước khi tôi chết tôi muốn cảm thấy rất đau khổ. Có lẽ, đối với độc giả mong ước này của tôi tưởng như rất kỳ lạ. Nhưng, phải chăng lạ lùng khi tôi muốn có cuộc đời hoàn toàn ? Tôi muốn đã sống trọn vẹn, và chắc chắn đau khổ cũng là một phần của cuộc đời. Như trong trường hợp tình yêu, tôi tin người nào chưa cảm thấy đau khổ chưa thật sự sống. Đau khổ rèn luyện và dạy ta cuộc đời có ý nghĩa sâu sắc nhiều hơn ta biết đâu tưởng nếu ta đi qua thế gian này mãi mãi hạnh phúc và vô tư lự. Hơn nữa, một khi những cơn đau nguôi ngoai, vì tôi không tin đau khổ sẽ triền miên, thường nhờ lớp cặn thương đau ấy mà ta biết tốt hơn về thế gian này và thấu hiểu tốt hơn về nhân thế. Thật tình, dẫu mong ước ấy tưởng như kỳ lạ, nhưng tôi thật sự vẫn muốn cảm thấy rất đau khổ.
Với mong ước cuối cùng này tôi hoàn tất bản tóm tắt những điều tôi muốn làm trước khi tôi chết. Dù đối với độc giả những điều này tưởng như vô lý, nhưng dẫu sao chúng hợp thành bản tóm lược về những điều tôi lúc này thật sự tin là những điều thiết yếu nhất cho một cuộc đời trọn vẹn hạnh phúc và mãn nguyện. Khi tôi đứng ở đây trên ngưỡng cửa tương lai của mình, đây là những điều theo tôi có vẻ giá trị nhất. Biết đâu trong năm mươi năm sau tôi lại nghĩ chúng cực kỳ vô lý. Chẳng hạn, tôi có lẽ sẽ tự hỏi tại sao tôi đã không thêm vào ước muốn được hạnh phúc bất tận. Song, ngay bây giờ, tôi không muốn đời mình trôi đi êm đềm. Tôi muốn đời mình phong phú hơn thế. Tôi muốn đời mình là cuộc phiêu lưu thật hấp dẫn, không bao giờ buồn chán, lúc nào cũng hồi hộp và lôi cuốn ; không ngọt ngào bệnh hoạn, nhưng cũng chẳng đắng cay. Và tôi tin đấy là tất cả những điều tôi muốn làm trước khi tôi chết.
Riêng về chết, tôi không tin chết thật đáng sợ miễn cuộc đời tôi thành công. Từ trước đến nay tôi vẫn luôn luôn xem sống và chết là hai chén rượu. Về chén đầu tiên, chứa rượu đời, chúng ta có thể học một ít từ văn chương và từ những ai đã uống rượu ấy, nhưng chỉ một ít thôi. Để thưởng thức trọn vẹn hương vị rượu đời chúng ta phải tự mình uống rượu thật sâu vào cõi lòng. Tôi tin sau khi uống cạn chén chứa rượu đời ấy, cạn đến giọt cuối cùng, thì tôi sẽ không sợ quay sang chén rượu kia, chén rượu chỉ có tên là X, một sự bất khả tri, và là cõi chúng ta có thể hoàn toàn không biết được cho tới khi chính chúng ta tự mình uống. Phải chăng rượu ấy sẽ ngọt, chua, hay vô vị ? Nào ai biết được ? Chắc chắn trong chúng ta không có ai thích nghĩ chết là hết tất cả. Nhưng có thật thế không ? Đấy là câu hỏi ngày nào đó tất cả chúng ta đều biết câu trả lời khi chúng ta, sau khi chúng kiến tấn kịch đời, bước đến tấm màn nhung cuối cùng. Có lẽ chúng ta hết thảy đều tiếc nuối khi từ giã cõi đời này, nhưng tôi tin sau khi tôi uống cạn chén rượu đầu, và có lẽ khi lòng hơi chán hương vị của nó, lúc ấy tôi sẽ muốn quay sang chén thứ hai và sang sự trải nghiệm mới và rộn ràng khi bắt đầu thám hiểm vào cõi chưa từng biết ấy.
Edmund N. Carpenter
Nguyên tác : Before I Die…, Wall Street Journal, 06/02/2010
Trần Quốc Việtdịch
************************
Tôn trọng tất cả sự sống
Albert Schweitzer, "The Philosophy of Civilization", 1987
Người thật sự đạo đức là chỉ khi người ấy tuân theo sự thôi thúc giúp đỡ tất cả các sự sống mà người ấy có thể giúp đỡ, và tránh làm hại bất kỳ sự sống nào. Người ấy không hỏi sự sống này hay sự sống nọ giá trị nhiều bao nhiêu để xứng đáng với sự cảm thông của mình, và ngoài điều ấy ra, cũng không hỏi liệu sự sống ấy có thể có cảm giác hay có cảm giác ở mức độ nào. Sự sống đúng nghĩa là thiêng liêng đối với người ấy. Người ấy không bứt lá trên cây, không hái hoa, và cẩn thận không đè bẹp côn trùng. Vào mùa hè nếu người ấy làm việc bên ánh đèn, người ấy thích đóng kín cửa sổ và thở không khí ngột ngạt còn hơn thấy hết côn trùng này đến côn trùng khác bị cháy xém cánh và rớt lả tả xuống bàn.
Nếu người ấy đi trên đường sau cơn mưa rào và thấy con giun bò lạc vào đường, người ấy suy nghĩ ra rằng chắc nó phải chết khô khi nắng lên, nếu nó không sớm trở về kịp để có thể chui lại vào đất, cho nên người ấy cầm nó lên khỏi mặt đường đá tử thần, và đặt nó trên cỏ. Nếu người ấy tình cờ thấy côn trùng rơi xuống vũng nước, người ấy dừng lại một lát để đưa chiếc lá hay nhánh cây ra mà giúp cứu nó.
Người ấy không sợ bị chê cười là đa cảm. Chính số phận của tất cả các chân lý đều là chủ đề của sự chê cười cho tới khi chúng được tất cả mọi người thừa nhận. Ngày xưa những ai cho rằng những người da màu thật sự là những con người và nên được đối xử như con người đều bị coi là điên rồ. Ngày nay những ai tuyên bố rằng sự tôn trọng thủy chung tất cả mọi sự sống, xuống tới những hình thức sự sống thấp nhất, là sự đòi hỏi của đạo đức lý trí đều bị coi là đã đi quá xa. Tuy nhiên rồi đến lúc người ta sẽ kinh ngạc là nhân loại đã mất thời gian rất lâu mới hiểu sự tổn thương vô tâm đến sự sống là trái ngược với đạo đức.
Đạo đức là trách nhiệm vô hạn đối với tất cả sự sống.
Albert Schweitzer
Nguyên tác : Trích dịch từ tác phẩm "The Philosophy of Civilization" của Albert Schweitzer, nhà xuất bản Promethus Book, New York, 1987, trang 310-311. Tựa đề của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
********************
Hãy trở thành người hạnh phúc qua lý tưởng và phụng sự
Albert Schweitzer, Trần Quốc Việt dịch
Lời người dịch : Albert Schweitzer (1875-1965) là vĩ nhân người Đức rất nổi tiếng. Ông là người thành đạt trên nhiều lĩnh vực từ triết học, tôn giáo đến âm nhạc. Tuy nhiên từ trên đỉnh cao hạnh phúc và danh vọng ấy, ông quyết tâm thực hiện lý tưởng ông ấp ủ từ thời sinh viên. Ông quyết định học y khoa vào tuổi 31. Ông muốn trở thành bác sĩ để phụng sự trực tiếp nhân loại trong suốt đời còn lại vì ông thấy rất nhiều người quanh ông không được hưởng hạnh phúc như ông chỉ vì họ nghèo khổ và bệnh tật. Và ông đã toại nguyện. Ra trường ông đến Châu Phi và tự tay xây bệnh viện để giúp điều trị những người cùi bản xứ. Vào năm 1952 ông được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình. Ông qua đời tại Châu Phi nơi ông đã trực tiếp điều trị hàng ngàn bệnh nhân. Ông còn đề ra thuyết triết học "Tôn trọng sự sống", theo đó tất cả các sự sống đều phải được trân quý cho dù sự sống ấy chỉ là chiếc lá hay con kiến. Ông là người ảnh hưởng rất lớn đến các phong trào xã hội hiện nay như phong trào bảo vệ thú vật và đến tinh thần thiện nguyện của thanh niên trên thế giới. Dưới đây là bài nói chuyện của ông ở một trường nam trung học ở Anh vào năm 1935. Tựa đề do người dịch đặt. (TQV)
---------------------
Tôi rất vui là có thể nói chuyện với các em hôm nay. Tôi do dự không biết tôi có nên nói với các em về công việc của tôi vì tôi biết các em quan tâm đến công việc của tôi : nhưng tôi sẽ không nói đến điều ấy, vì tôi muốn nói với các em về điều tôi ấp ủ trong lòng. Tôi muốn nói với các em về chính các em, về con đường các em sẽ theo đuổi trong đời.
Các em chưa tìm thấy con đường mình theo ấy ; các em còn ở dưới mái trường đây mà chuẩn bị cho các em vào đời. Nhưng sẽ đến ngày các em bắt đầu bước đi trên con đường sáng tạo ra cuộc đời của mình ấy và rồi các em sẽ muốn biết nên đi theo hướng nào. Và các em sẽ thấy tìm hướng đi còn khó hơn các em tưởng nhiều. Tôi muốn hỏi các em các em sẽ mang theo những tư tưởng gì khi rời trường để bước chân vào đời. Tôi muốn nói cho các em hiểu các em phải có những tư tưởng khi các em bước chân vào đời.
Các em đến trường đây để học. Các em học gì ? Các em học nhiều kiến thức khác nhau mà cần thiết để thành đạt trong đời. Các em học ngôn ngữ, các em học vật lý, hóa học, toán… và tôi muốn nói cho các em biết, các em không thể nào học cho đủ. Các em muốn thi đậu, và tôi hy vọng các em sẽ đậu cao. Tôi hy vọng các em sẽ không phải thi đậu quá nhiều kỳ thi. Tôi đã trải qua điều không may mắn là phải thi đậu quá nhiều kỳ thi, cho nên tôi hy vọng các em thi đậu càng ít kỳ thi càng tốt nhưng đậu càng cao càng tốt.
Các em phải có tất cả các loại kiến thức cho cuộc đời và các em cũng nên mang theo những kiến thức cần thiết khi rời trường ; nhưng các em cũng phải mang theo những tư tưởng. Các em không chỉ được dạy về kiến thức, các em cũng được dạy để hiểu những tư tưởng. Các em thấy những tư tưởng này trong những cuốn sách các em đọc, các em thấy những tư tưởng này ở các thầy giáo đang dạy các em ; đấy chính là mặt trái của giảng dạy. Nhưng trên mặt này các em sẽ không bao giờ phải thi cử vì không có người chấm thi nào có thể nhìn vào tâm hồn các em mà hỏi các em những câu hỏi về những tư tưởng nào các em có khi các em bước chân vào đời. Chính cuộc đời sẽ chấm thi các em và chính cuộc đời sẽ hỏi các em : "Tuổi trẻ có hữu ích cho em ? Sau khi hấp thụ vào lòng tất cả những tư tưởng cần thiết, tất cả những tư tưởng em thấy trong sách vở, trong những tác phẩm cổ điển em thấy chúng có hữu ích chăng ? Em có mang theo vào đời lý tưởng cần thiết ?"
Vì không ai trong chúng ta có thể chỉ sống bằng kiến thức- tất cả các em cũng cần phải suy nghĩ. Các em cần có những tư tưởng nào ? Các em cần suy nghĩ về con đường chân chính thành người, không chỉ là người có kiến thức, hay người làm việc giỏi giang, mà còn là người biết mình muốn làm gì. Hãy trở thành người mà biết rằng để sống ta cần sự thật, để sống ta cần lòng tốt, để sống ta cần lòng biết ơn, và trong cuộc sống có cuộc sống tinh thần và chúng ta chỉ nghèo nàn nếu chúng ta bước vào đời mà không nhận thức ra cuộc sống tinh thần ấy. Các em sẽ cần nói : "Ta không chỉ muốn sống cuộc sống bên ngoài". Các em không muốn trở thành người mà nói : "Ta muốn thành đạt, ta muốn có địa vị tốt, ta muốn sống sung sướng" ; nhưng các em muốn trở thành người mà nói : "Ta muốn gìn giữ tâm hồn mình".
Các em rời trường này với chính những tư tưởng như thế. Khi các em vào đời, các em sẽ thấy rất nhiều người đã mất lý tưởng của họ và họ sẽ nói với các em : "Này, đấy là cảm tính thôi ; chứ với cái thứ ấy anh sẽ chẳng có thể làm được điều gì thực tế ; trên đời điều quan trọng duy nhất là quyết tâm, là biết điều ta muốn và có nhiều kiến thức khác nhau". Các em đừng để bị lừa dối, đừng khiến cho cuộc đời mình nghèo nàn : hãy biết rằng để sống các em cần tấm lòng giàu có. Các em đừng trở thành những kẻ hoài nghi, hãy trở thành những người đi tìm lý tưởng. Cuộc đời muốn lấy lý tưởng của các em, cho nên các em hãy giữ vững lý tưởng của mình. Các em sẽ cần bảo vệ những lý tưởng ấy và các em dễ bị những tư tưởng bên ngoài đưa đường dẫn lối trong đời. Đừng bao giờ để bị dẫn dắt như thế. Tất cả các em hãy nói lời này : "Ta muốn tâm hồn ta dự phần vào đời ta, vì tất cả thành đạt trong đời còn có nghĩa gì nếu ta đánh mất tâm hồn mình ?". Và nếu tôi nói với các em rằng các em cần lý tưởng, đồng thời tôi cũng nói với các em rằng các em phải phụng sự. Cuộc đời các em sẽ nghèo nàn nếu các em chỉ nghĩ về sự thành đạt cho bản thân : mục đích trong đời là phụng sự, là sẵn sàng giúp đỡ những người cần giúp đỡ, là góp phần đạt được những điều nên đạt được.
Tôi không biết các em sẽ theo đuổi những con đường nào. Trong các em sẽ có người trở thành nhà thần học, sẽ có người trở thành thầy giáo và giáo sư, và đối với các em này tôi muốn nói : "Các em hãy biết rằng nghề nghiệp như thế là ơn huệ các em đã nhận được ; hãy biết rằng qua nghề nghiệp này các em có thể phụng sự bằng cả tấm lòng của mình, các em không có loại hoạt động bình thường, không phải hoạt động thuần túy vật chất, mà các em đang góp phần dạy dỗ và giáo dục xã hội. Các em hãy biết rằng những ai có thể phụng sự người khác bằng cả tấm lòng của mình thì có thể có hạnh phúc lớn lao trong đời". Nhưng trong các em có những người sẽ làm việc trong văn phòng, những người sẽ làm việc trong các nhà máy, những người sẽ phải trông coi máy móc-hoạt động của họ sẽ mang tính vật chất ; và những ai dễ phải than "Ta không thể nào cống hiến cho đời tấm lòng của mình". Họ sẽ nói : "Ta phải chỉ làm những thứ không quan hệ gì đến tâm hồn mình". Nhưng tôi muốn nói với họ : "Không ! Số phận không bắt ai trên đời này chỉ có hoạt động vật chất". Nếu chúng ta tham gia hoạt động vật chất với ý nghĩ làm bổn phận của mình, làm tròn bổn phận của mình, thì như thế mọi hoạt động đều lý tưởng. Đối với những ai có hoạt động thuộc loại ấy tôi muốn nói : "Cũng tìm hoạt động khác cùng với hoạt động ấy ; hãy tìm hình thức hoạt động nào đấy mà các em có thể giúp những người khác bằng trái tim nhân ái"- và điều ấy có thể cho ta hạnh phúc thật sự. Trong cuộc đấu tranh chống cái ác chúng ta đang tìm kiếm những người tình nguyện và những người tham gia vào công việc này sẽ cho các em biết rất khó tìm được những người tình nguyện. Tôi để các em tự nói : "Ta muốn là người tình nguyện. Ta không muốn dùng thì giờ cho mình, -cho nghỉ ngơi, cho vui thú bản thân, cho đọc báo… nhưng ta muốn dành nhiều thời gian cho những công việc cần được làm trong xã hội con người chúng ta. Ta phải tìm điều gì đấy khiến lòng ta hạnh phúc".
Đấy là điều các em nên tìm kiếm trong cuộc đời : không bao giờ thỏa mãn cho tới khi các em đã tìm thấy điều ấy. Có lẽ các em sẽ phải tìm trong thời gian dài. Tôi thường nhận rất nhiều thư từ (tôi hy vọng không ai trong các em sẽ nhận nhiều thư từ như tôi) và trong nhiều thư tôi nhận, có câu hỏi : "Ông có thể cho tôi biết tôi có thể dùng thiện chí của tôi như thế nào ? Tôi có thiện chí cống hiến ; tôi muốn tìm điều gì tốt mà tôi có thể làm nhưng tôi không thể nào tìm thấy". Tôi thường nhận những lá thư như thế, và tôi trả lời : "Hãy kiên nhẫn ; đừng nghĩ bạn có thể tìm được lời giải ngay. Bạn thấy tôi ở Lambarene nên bạn nghĩ : có người đã tìm thấy sự hoạt động. Nhưng nếu tôi có thể kể cho bạn nghe về cuộc đời tôi, bạn sẽ biết tôi đã tìm kiếm những công việc như thế này trong suốt rất nhiều năm trời rồi chỉ cuối cùng tôi mới tìm thấy nó. Vì vậy nếu bạn muốn dùng suốt đời thiện chí bạn có ấy thì có thể bạn phải tìm kiếm và chờ đợi ; chỉ tìm kiếm, và chờ đợi, rồi bạn sẽ tìm thấy". Và khi tôi trả lời những thư từ như thế tôi thường nói thêm điều khác : "Hãy tìm chuyện bình thường".
Lòng chúng ta thường tìm kiếm điều gì đấy rất lớn lao, điều gì đấy đòi hỏi rất nhiều hy sinh, cho nên thường là lòng chúng ta không thấy những chuyện bình thường. Trước tiên các em phải biết làm những chuyện bình thường trước và thường những chuyện bình thường lại khó làm nhất. Trong những chuyện bình thường này, các em hãy bận rộn giúp những ai cần các em. Các em thấy ai một mình-hãy cố gắng ở bên họ, cố gắng dành vài giờ của các em cho họ, làm như thế các em biết phụng sự : và chỉ đến lúc ấy các em sẽ bắt đầu tìm thấy hạnh phúc đích thực. Tôi không biết số phận các em sẽ ra sao. Nhiều em có lẽ sẽ giữ những chức vụ quan trọng. Có lẽ nhiều em sẽ nổi tiếng nhờ ngòi bút, hay là những họa sĩ nổi tiếng. Nhưng tôi biết một điều : chỉ những ai trong các em đã tìm kiếm và tìm được cách phụng sự thì mới thật sự sẽ hạnh phúc.
Những người hạnh phúc là những người đặt mình dưới sự hướng dẫn của trái tim, vì trái tim là lương tri cao quý, lương tri luôn luôn đúng trong cuộc đời.
Albert Schweitzer
Nguyên tác : Nội san trường Silcoates School ở Anh, tháng 12 năm 1935, trang 782-785.
Trần Quốc Việt dịch